Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 21
ĐỂ GIÀNH ĐƯỢC LÒNG KÍNH TRỌNG

Không gì có thể khiến quân vương được kính trọng hơn là những hành động cao cả và những biểu hiện về tài năng siêu việt. Trong thời đại của chúng ta, người xứng đáng với điều đó là Ferdinand xứ Aragon, đức vua hiện nay của Tây Ban Nha. Có thể coi ông gần như một vị tân vương mới, vì ông từ một người cai trị yếu ớt, đã trở thành vị vua đầu tiên của một vương quốc Cơ đốc giáo một cách vinh quang và danh tiếng, và khi xem xét, ta có thể thấy các hành động của ông rất vĩ đại và phi thường.
Buổi đầu nắm quyền, ông đã tấn công Granada, hành động này đã tạo cơ sở cho danh tiếng của ông. Đầu tiên, ông hành động khi thiên hạ đang yên bình và khi đó, ông không sợ bị chống đối. Ông khiến tâm trí các lãnh chúa xứ Castile lúc nào cũng lo lắng không yên, và do mải mê tập trung vào cuộc chiến, các lãnh chúa này chẳng quan tâm gì đến những thay đổi ngay dưới mái nhà của mình. Bằng biện pháp này, ông đã giành được danh tiếng và quyền lực vượt xa họ mà họ không hề hay biết.
Ông duy trì quân đội bằng tiền của Giáo hội và dân chúng. Với cuộc chiến tranh dai dẳng này ông từng bước thiết lập nền tảng quân đội của chính mình, và đây chính là điều đã đem lại vinh quang cho ông. Bên cạnh đó, để có thể thực hiện những công cuộc vĩ đại hơn, ông luôn sử dụng tôn giáo cho những mục đích riêng của mình, ông trở thành một người sùng đạo tàn bạo, ông xua đuổi người Moor khỏi đất nước họ và không có trường hợp nào thê thảm và quái dị hơn.
Đội lốt tôn giáo, ông tấn công châu Phi, xâm chiếm Italia, và cuối cùng là tấn công nước Pháp. Với cách hành động như vậy, ông luôn thực hiện và chuẩn bị cho những chiến công vĩ đại khiến cho tâm trí các thần dân của ông luôn ở trong trạng thái lo lắng, kinh ngạc và choáng ngợp bởi thắng lợi mà họ đạt được. Một hành động của ông được nảy sinh từ một hành động khác và thời gian chuyển từ hành động này sang hành động kia không bao giờ đủ dài cho kẻ khác kịp bình tĩnh chống đối ông.
Đối với bậc quân vương, việc thể hiện sự khôn khéo của mình trong các quan hệ đối nội là rất hữu ích, ta có thể thấy điều đó qua các câu chuyện về Bernabò Visconti87 của Milan. [87 Bernabò Visconti: Cai trị Milan từ 1354 đến 1385, nổi tiếng là tàn bạo nhưng rất khôn khéo]. Khi bất kỳ ai trong xã hội thể hiện những hành động khác thường, tốt hoặc xấu, thì quân vương cần phải tìm ra cách khen thưởng hoặc trừng phạt để tạo một dư luận rộng lớn. Trên hết, quân vương phải luôn thể hiện ấn tượng của một người vĩ đại với trí tuệ siêu việt trong mọi hành động của mình.
Quân vương chỉ được kính trọng khi là một người bạn thực sự hoặc một kẻ thù đúng nghĩa. Đó là khi ông không hề do dự tuyên bố ủng hộ vô điều kiện một ông vua này chống lại một ông vua khác.  Một chính sách như vậy luôn hữu ích hơn sự trung lập bởi khi hai nước láng giềng hùng mạnh của ngài xung đột với nhau thì kết cục là khi một bên thắng trận, ngài sẽ ở một trong hai trường hợp: có hoặc không có lý do để e sợ người chiến thắng.
Trong bất cứ trường hợp nào thì việc ngài tự mình tuyên bố ủng hộ và công khai tham chiến cũng đều tốt hơn, bởi nếu ngài không tuyên bố ý định của mình thì ngài sẽ trở thành nạn nhân của kẻ thắng trận trong khi kẻ bại trận hả hê, và khi đó, ngài thừa hiểu tại sao không có ai cứu giúp mình. Người chiến thắng không ưa những đồng minh miễn cưỡng, những kẻ không hề giúp họ lúc hoạn nạn. Còn kẻ bại trận cũng không bao giờ cho ngài nương tựa bởi ngài đã không sẵn lòng chấp nhận rủi ro để giúp đỡ họ.
Khi được ngươi Aetolia cử tới Hy Lạp để đánh đuổi người La Mã, Antiochus đã cử sứ thần tới gặp người Achaea vốn thân thiện với người La Mã để thuyết phục họ giữ chính sách trung lập; còn người La mã thúc giục họ cầm vũ khí đứng về phía La Mã. Vấn đề này đã gây ra một cuộc tranh cãi tại hội đồng của người Achaea, khi đại diện của Antiochus thuyết phục họ giữ thái độ trung lập, còn đại diện của La Mã đã bác lại rằng: “Lời những người này khuyên các bạn đừng tham chiến hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của chính các bạn; không có lòng tự trọng cũng như phẩm giá của mình, các bạn sẽ trở thành nạn nhân của kẻ thắng trận”.
Một điều thường thấy là kẻ không phải là bạn ngài luôn yêu cầu ở ngài sự trung lập, còn bạn của ngài sẽ yêu cầu ngài cầm vũ khí. Để tránh những hiểm nguy trước mắt, những quân vương thiếu quyết đoán sẽ theo đuổi chính sách trung lập và rốt cuộc cũng sẽ bị hủy diệt. Khi tuyên bố rõ ràng ủng hộ một bên nào đó, nếu bên đó chiến thắng, thì cho dù họ có trở nên hùng mạnh và số phận của ngài hoàn toàn do họ định đoạt thì họ vẫn cảm thấy có nghĩa vụ với ngài và tình hữu nghị sẽ khăng khít.
Con người không bao giờ lại bất lương đến mức nỡ hạ gục ngài bằng sự vô ơn. Hơn nữa, chiến thắng lại không bao giờ tuyệt đối đến mức người thắng trận không còn gì phải lo lắng cả, đặc biệt là khi người ta cũng phải lưu tâm đến sự công bằng. Nhưng nếu người mà ngài ủng hộ bại trận, ngài sẽ được họ cưu mang và chừng nào còn có khả năng, người đó sẽ giúp đỡ ngài và ngài sẽ là bạn hữu của một cơ đồ có thể sẽ được gây dựng lại.
Trường hợp thứ hai, khi hai bên đánh nhau và ngài không có lý do gì để e sợ kẻ nào giành chiến thắng thì việc đứng về phía một bên dẫu sao vẫn là một hành động an toàn. Khi ấy, ngài tiêu diệt ông vua này với sự giúp đỡ của ông vua kia -  người mà nếu khôn ngoan hơn đã có thể tự cứu lấy mình. Nên khi chiến thắng, ông ta sẽ phải chịu sự định đoạt của ngài vì nếu không được ngài trợ giúp hẳn ông ta không thể là người thắng trận.
Cũng cần lưu ý rằng, quân vương nên tránh liên minh với một người mạnh hơn mình chống lại những người khác, trừ phi buộc phải làm vậy, vì ông sẽ tiếp tục chịu sự định đoạt của người đó nếu ngài thắng trận, mà bậc quân vương thì lại nên hết sức tránh phải phụ thuiộc vào lòng bao dung của người khác. Người Venice liên minh với nước Pháp chống lại công tước xứ Milan; trong khi lẽ ra họ đã có thể khước từ sự liên minh này, điều đã dẫn tới sự sụp đổ của chính họ.
Nhưng khi một liên minh như vậy là điều không thể tránh khỏi (như xảy ra với người Florence khi Giáo hoàng và Tây Ban Nha đem quân tấn công xứ Lombardy) thì quân vương nên tham gia với những lý do đã nói. Không một quốc gia nào có thể đi theo một con đường hoàn toàn an toàn. Nhưng ngược lại, quân vương phải đối mặt và tận dụng mọi nghi ngại và bất trắc. Vì chúng ta đều thấy rằng, khi cố gắng tránh một bất lợi này, chúng ta lại đương đầu với một thế bất lợi khác. Sự khôn ngoan chính là ở chỗ nhận biết được bản chất của những bất lợi và lựa chọn bất lợi nhỏ nhất như là một giải pháp tốt nhất.
Quân vương cũng nên thể hiện là người mến chuộng tài năng bằng cách công nhận những người có năng lực và vinh danh cho những người xuất sắc trong các lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, ông phải khuyến khích các thần dân tự do và bình yên theo đuổi các ngành nghề, cho dù là thương mại, nông nghiệp hay bất kỳ ngành nghề nào khác.
Và ông phải hành động sao cho người dân kiếm tiền mà không bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ bị tước đoạt, những người làm thương nghiệp không phải lo sợ thuế má, mà ông phải thưởng cho những ai có các nguyện vọng đó, và cho bất kỳ ai tìm được cách làm giàu cho thành phố và đất nước của ông. Vào những dịp thích hợp trong năm, ông phải tổ chức các cuộc hội hè, các buổi trình diễn cho dân chúng.
Do mỗi thành phố thường được chia thành các phường hội hoặc thị tộc, nên ông cũng cần quan tâm đến những nhóm người này. Thỉnh thoảng ông cần gặp gỡ họ, thể hiện mình là tấm gương về lòng nhân từ và hào phóng. Nhưng trong mọi trường hợp, ông phải giữ được sự tôn nghiêm của đấng quân vương, vì đây là điều không thể thiếu.