Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 19
TRÁNH BỊ KHINH MIỆT VÀ THÙ GHÉT

Cho đến giờ, tôi đã nói về những phẩm chất quan trọng nhất trong số các phẩm chất được đề cập ở phần trên. Tôi muốn bàn về các phẩm chất khác một cách ngắn gọn. Như đã lưu ý, bậc quân vương nên chú trọng vào việc tránh những gì khiến ông bị thù ghét và khinh miệt và khi tránh được điều đó, ông sẽ thực hiện được các công việc của mình mà không gặp bất kỳ nguy hiểm nào dù phạm những lỗi còn lại. Như tôi đã nói, điều khiến bậc quân vương bị thù ghét nhất là lòng tham lam và việc chiếm đoạt tài sản, vợ con của thần dân. Vì thế, bậc quân vương phải tránh xa những điều đó.
Trong hầu hết các trường hợp, chừng nào còn chưa bị tước đoạt tài sản hoặc thanh danh thì đa số sẽ sống hạnh phúc, nên ngài chỉ phải đối phó với tham vọng của một số người, những kẻ có thể bị kiềm chế không mấy khó khăn và bằng nhiều cách. Quân vương thường bị khinh miệt vì tính khí thất thường, phù phiếm, yếu mềm, hèn nhát và thiếu quyết đoán. Bậc quân vương phải tránh những điều này như thể thuyền phải tránh đá ngầm, và ông phải cố làm cho mọi người nhận thấy sự vĩ đại, nghị lực, sự tôn nghiêm và sức mạnh trong các hành động của mình. Đối với các vấn đề cá nhân của thần dân, ông phải chứng tỏ được rằng các quyết định của mình không thể đảo ngược, và ông phải giữ mình sao cho không kẻ nào có thể ảo tưởng sẽ lừa phỉnh hay dắt mũi ông.
Quân vương nào tạo được tiếng tăm như vậy sẽ giành được sự kính trọng rất lớn; và khó có thể mưu hại hay tấn công một người có danh tiếng lớn khi người đó lại có những phẩm chất vĩ đại và được thần dân kính yêu.
Bậc quân vương chỉ có hai nỗi sợ hãi: một, về đối nội, là các thần dân; hai, về đối ngoại, là những lực lượng ngoại bang. Để bảo vệ mình chống lại lực lượng ngoại bang, ông cần đồng minh và binh sĩ giỏi, và ông luôn có đồng minh tốt nếu ông có binh sĩ giỏi. Việc đối nội sẽ luôn ổn định khi đối ngoại ổn định, trừ khi có những âm mưu phản nghịch.
Ngay cả khi các điều kiện bên ngoài biến đổi, nếu quân vương có sự chuẩn bị tốt và hành xử như vừa nói, đồng thời giữ được sự tự chủ của mình thì ông sẽ luôn chống chọi được mọi cuộc tấn công như vua Nabis xứ Sparta đã làm. Nhưng đối với thần dân của mình, khi tình hình đối ngoại không có gì biến đổi, ông cần đề phòng những âm mưu bí mật. Quân vương bảo vệ mình tránh bị mưu hại bằng cách tránh bị thù ghét hoặc khinh miệt và đảm bảo rằng, dân chúng hài lòng với ông. Điều này là vô cùng cần thiết.
Trên đây, tôi đã trình bày khá cụ thể về vấn đề này. Một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất để chống lại những âm mưu là đừng để bị dân chúng thù ghét, vì kẻ bày mưu luôn tin rằng hắn sẽ làm dân chúng hài lòng khi giết vua. Nhưng khi thấy việc làm này có thể khiến dân chúng tức giận, hắn sẽ không có đủ bản lĩnh để làm một việc như thế vì có vô số rắc rối đối với những kẻ bày mưu. Kinh nghiệm cho thấy, âm mưu có nhiều nhưng thành công thì rất ít, bởi vì âm mưu không thể chỉ hành động đơn thương độc mã và cũng không thể tìm đồng bọn ở đâu ngoài số những kẻ hắn tin là cũng đang bất mãn.
Khi hắn bộc lộ ý định của mình với một kẻ bất mãn tức là hắn đã trao cho kẻ đó phương tiện để được thỏa mãn, bởi kẻ đó sẽ có mọi thứ hằng thèm khát bằng cách tố giác âm mưu của hắn. Thật quá rõ ràng, một bên là lợi ích chắc chắn, bên kia không những bấp bênh mà còn đầy hiểm nguy. Nếu kẻ đó trung thành với kẻ bày mưu thì chắc đây hẳn phải là một người bạn tốt đặc biệt hoặc một kẻ thù không đội trời chung của quân vương. Nói một cách ngắn gọn, về phía những kẻ âm mưu thì chẳng có gì ngoài nỗi sợ hãi, ghen ghét và lo lắng về sự trừng phạt đang bóp nghẹt trái tim hắn.
Trong khi đó, về phía Quân vương lại là sự tôn nghiêm, là quyền uy, là luật pháp, là sự bảo vệ của bè bạn và cả đất nước. Cho nên, nếu dân chúng mến phục quân vương thì âm mưu chống lại ông là điều không thể và hết sức ngu xuẩn. Thường là kẻ bày mưu phải sợ hãi trước khi thực hiện tội ác nhưng trong trường hợp này thì ngay cả khi tội ác đã được thực hiện, hắn sẽ vẫn phải sợ hãi, vì hắn là kẻ thù của dân chúng nên hắn cũng chẳng hy vọng gì tìm được một nơi nương tựa.
Có vô số ví dụ về những trường hợp như thế nhưng tôi cho rằng, chỉ cần trích dẫn một trường hợp ở thế hệ trước là đủ. Annibale Bentivogli78, Quận công xứ Bologna và là ông nội của Annibale hiện thời, bị gia tộc Canneschi mưu sát. Lúc đó, ông không có ai kế vị ngoài Giovanni còn thơ dại. Ngay khi vụ mưu sát xảy ra, dân chúng đã nổi dậy giết cả gia tộc Canneschi. [78 Annibale Bentivogli bị kẻ thù giết năm 1445, con trai ông là Giovanni nắm quyền ở Bologna năm 1462. Giovanni chết năm 1508, con trai là Annibale (1469-1540) kế vị.]
Lý do chính là nhờ thời đó mà gia tộc Bentivogli đã giành được cảm tình của họ. Lòng yêu mến lớn đến mức khi Annibale Bentivogli chết, do dòng họ không còn người nào trong thành phố để nắm vương quyền, nên khi nghe đồn rằng, ở Florence có một người mang dòng máu Bentivogli, người mà đến tận giờ, vẫn được cho là con người thợ rèn, người dân Bologna đã tới tận Florence để tìm và trao cho anh ta quyền cai trị thành phố. Người này đã cai trị Bologna cho tới khi Giovanni đến tuổi trưởng thành.
Có thể kết luận rằng, khi được dân chúng yêu mến thì quân vương không việc gì phải sợ những âm mưu. Nhưng khi dân chúng có thái độ thù địch và căm ghét thì ông phải dè chừng tất cả mọi thứ và tất cả mọi người. Điều quan trọng nhất mà quân vương cần lưu tâm là phải có một quốc gia được tổ chức tốt và phải là một quân vương khôn ngoan, không gây thù oán với giới quý tộc, làm hài lòng dân thường và giúp họ luôn được mãn nguyện.
Trong số các vương quốc ở thời đại chúng ta thì Pháp là nước được tổ chức và cai trị tốt. Tại quốc gia này, ta có thể tìm thấy vô số những thiết chế tốt đẹp làm chỗ dựa cho sự tự do và an toàn của đức vua. Trong số đó, đầu tiên phải kể đến nghị viện và thẩm quyền  của nghị viện. Đức vua ý thức được tham vọng và sự ngạo mạn của giới quý tộc, hiểu được rằng cần phải có mồi nhử để giữ bọn chúng lại với mình nhưng cũng phải hiểu được sự thù ghét do nỗi sợ hãi của dân chúng  đối với giới quý tộc và việc cần phải vỗ về dân chúng sẽ không để điều đó thành trách nhiệm của riêng đức vua. Để giải thoát mình khỏi sự phẫn nộ của giới quý tộc nếu ông ủng hộ dân chúng và sự phẫn nộ của dân chúng nếu ông ủng hộ giới quý tộc, ông đã lập ra một cơ quan tư pháp có vai trò trung gian để kiềm chế giới quý tộc và che chở dân lành mà không tạo ra áp lực đối với đức vua.
Không thể có một thiết chế nào tốt đẹp và an toàn hơn hình thức này, và cũng không thể có biện pháp nào an toàn hơn cho đức vua và cho cả vương quốc. Từ minh họa trên, ta cũng có thể rút ra được một bài học quý giá. Bậc quân vương phải giao những nhiệm vụ đáng ghét cho người khác và giữ cho mình những nghĩa vụ nhẹ nhàng. Tôi xin được nhắc lại, bậc quân vương cần tôn trọng giới quý tộc nhưng không được để dân chúng thù ghét.
Có thể những người từng nghiên cứu về cuộc đời và cái chết của các hoàng đế La Mã sẽ đưa ra những ví dụ trái ngược với quan điểm của tôi; vì chúng ta thấy rằng một số vị hoàng đế đã luôn sống cao quý, thể hiện tính cách mạnh mẽ tuyệt vời nhưng vẫn bị lật đổ và bị chính thần dân của mình mưu hại. Để đáp lại, tôi xin phân tích các tính cách tiêu biểu của một số hoàng đế để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của họ, những nguyên nhân cũng không khác mấy so với những gì tôi đã nói, và tôi cũng xin chỉ ra những điểm đáng để những người đọc về lịch sử thời này cần lưu ý. Để đề cập đầy đủ, tôi sẽ chọn tất cả các hoàng đế đã trị vì từ thời Marcus tới thời Maximinus: đó là Marcus, Commodus (con trai của Marcus), Pertinax, Julian, Severus, Antonius Caracalla (con trai của Severus), Macrinus, Heliogabalus, Alexander và Maximinus79. [79 Machiavelli liệt kê những người kế vị ngôi hoàng đế La Mã từ năm 161 đến 238: Marcus Aurelius (121-180); con trai là Commodus (180-193); Pertinax (193); Julian (193); Severus (193-211); con trai là Caracalla (211-217); Macrinus (217-218); Heliogabalus (218-222); Alexander (222-235) và Maximius (235-238)]
Truớc tiên, cần phải lưu ý là, trong khi ở những vương quốc khác, các bậc quân vương chỉ phải làm hài lòng tham vọng của giới quý tộc và sự kiêu ngạo của dân chúng thì các hoàng đế La Mã còn có một việc thứ ba: họ phải chịu đựng sự tàn bạo và tham lam của binh lính. Điều này đã khiến nhiều hoàng đế phải mất ngôi. Hoàng đế khó có thể làm hài lòng cả binh lính lẫn dân thường, khi dân chúng yêu sự thanh bình và yêu những vị hoàng đế giản dị, còn binh lính thì thích những vị hoàng đế quân phiệt, ngạo mạn, tàn bạo và tham lam.
Chúng muốn hoàng đế tham lam và tàn bạo với dân thường để chúng nhân đôi các khoản bổng lộc. Kết quả là mâu thuẫn này thường dẫn tới sự sụp đổ của những vị hoàng đế mà bản tính hoặc mưu mô không đủ tạo danh tiếng lớn để kiềm chế được cả dân chúng lẫn binh lính. Hầu hết các hoàng đế, nhất là những người mới lên ngôi, khi nhận thấy những rắc rối nảy sinh  giữa hai phe này đã quay ra nhân nhượng binh lính mà không hiểu rằng mình đã làm tổn thương dân thường.
Quyết định này là cần thiết vì các hoàng đế không thể tránh khỏi việc có kẻ thù ghét nên trước tiên, họ phải tránh bị dân chúng ghét. Nếu không thể thực hiện được thì phải bằng mọi cách để không bị nhóm có thế lực nhất thù ghét mình. Chính bởi vậy, những vị hoàng đế đó, những người cần sự hỗ trợ lớn lao do mới cầm quyền, phải đứng về phía binh lính chứ không phải dân thường. Tuy nhiên, điều này có phát huy tác dụng hay không lại phụ thuộc vào việc vị hoàng đế đó có biết cách duy trì uy tín của mình trước binh lính hay không.
Marcus, Pertinax và Alexander đều là những người khiêm tốn, yêu công bằng, ghét sự tàn bạo, tốt bụng, nhân từ nhưng tất cả các hoàng đế này, ngoại trừ Marcus, đều có một kết cục đáng buồn. Chỉ có Marcus là cả cuộc sống và cái chết đều được tôn vinh tuyệt đối, bởi vì ông kế vị ngôi hoàng đế của dòng họ nên không mắc nợ ai, cả binh lính hay dân chúng. Với  rất nhiều phẩm chất đáng kính, khi còn sống, ông luôn kiềm giữ cả hai phe ở trong giới hạn của họ, và ông chưa bao giờ bị thù ghét hay khinh thường. Nhưng Pertinax lại được đưa lên ngôi hoàng đế trái với nguyện vọng của binh lính, những kẻ quen sống phóng túng dưới thời Commodus. Chúng không thể sống cuộc sống lương thiện mà Perinax muốn ép buộc. Khiến mình bị thù ghét khi tuổi tác đã cao, ông đã bị lật đổ ngay khi mới lên cầm quyền.
Và giờ đây, người ta phải hiểu được rằng các hành động tốt đem lại nhiều sự thù ghét chẳng kém gì những hành động xấu. Do vậy,  như tôi đã nói ở trên, để cai trị vương quốc của mình, bậc quân vương thường bắt buộc phải làm người không tốt. Khi nhóm người mà ngài tin rằng cần ở họ sự hỗ trợ thì cho dù đó là dân thường, binh lính hay giới quý tộc, thì vì lợi ích của chính mình, ngài nên nghiêng về phía họ để làm họ hài lòng, và khi đó, những việc tốt chính là kẻ thù của ngài.
Chúng ta hãy thử xem trường hợp của hoàng đế Alexander. Ông là người tốt bụng đến mức trong những việc làm đáng ca ngợi của ông phải kể đến việc khi cai trị ở tuổi mười bốn, ông chưa hề ra lệnh giết ai mà không xét xử. Tuy nhiên, ông bị cho là yếu mềm và bị người mẹ điều khiển. Chính vì thế, người ta coi thường ông và quân đội đã bày mưu chống lại ông, cuối cùng đã hạ sát ông.
Bây giờ chúng ta lại xem xét trường hợp ngược lại. Hãy xét tính cách của Commodus, Severus, Antoninus Caracalla và Maximinus. Ngài sẽ thấy tất cả các hoàng đế này đều vô cùng tàn bạo và tham lam. Để thỏa mãn những đội quân của mình, họ không ngần ngại gây ra cho dân chúng mọi nỗi mất mát, và tất cả họ ngoại trừ Severus đều phải chịu kết cục bi thảm. Trong con người Severus có quá nhiều phẩm chất khiến ông luôn giành được tình cảm của binh lính và mặc dù bị áp chế, dân chúng vẫn yên ổn dưới sự cai trị khôn khéo của ông. Những phẩm chất đó khiến ông trở nên vô cùng đáng kính trọng trong mắt của cả binh lính lẫn dân thường, khiến binh lính thì khiếp sợ ông, còn dân chúng thì hài lòng và tôn kính ông.
Do các hành động của con người này thật vĩ đại, đáng để vị quân vương mới giành được quyền lực phải lưu tâm, tôi rất muốn trình bày ngắn gọn về sự khéo léo của ông trong việc kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo, những bản năng mà bậc quân vương nên bắt chước. Ngay khi nhận thấy sự thiếu quyết đoán của hoàng đế Julian, Severus đã thuyết phục quân đội do ông thống lĩnh tại Slavonia rằng cần phải kéo quân đến thành Rome để báo thù cho cái chết của Pertinax, người đã bị cận vệ hoàng đế sát hại. Dưới chiêu bài này và giấu đi tham vọng đoạt ngôi hoàng đế, Severus bất thần đưa quân tới thành Rome. Khi ông tới thành Rome, nghị viện quá khiếp sợ đã bầu ông làm hoàng đế và Julian bị giết.
Sau sự khởi đầu đó, còn hai trở ngại đối với Severus nếu ông muốn trở thành người thống trị toàn bộ vương quốc. Thứ nhất là ở châu Á, nơi Pescennius Niger, người thống lĩnh các đạo quân châu Á, (và thứ hai là ở phía Tây?) nơi Albinus cũng có tham vọng trở thành hoàng đế. Nhận thấy rằng nếu để lộ mình là kẻ thù của cả hai người này thì quả là nguy hiểm nên ông quyết định tấn công Niger và lừa phỉnh Albinus.
Ông viết thư cho Albinus nói rằng mình đã được nghị viện bầu làm hoàng đế và muốn được chia sẻ niềm vinh dự đó với Albinus, ông gửi tới Albinus ngôi vị hoàng đế và bằng một sắc lệnh của nghị viện, đưa Albinus lên ngang hàng với ông. Albinus đã tin vào những điều đó. Nhưng sau khi tiêu diệt được Niger, bình định được phía Đông, lúc trở về thành Rome, ông đã lớn tiếng tố cáo với nghị viện rằng Albinus không những không cảm kích trước những gì ông đã ban cho mà còn âm mưu ám hại ông, và bởi vậy, ông buộc phải trừng phạt Albinus vì sự vô ơn đó. Rồi ông bắt sống Albinus ở Pháp và lấy đi cả mạng sống lẫn vương quốc của Albinus.
Bất kỳ ai khi xem xét kỹ các việc làm của Severus đều nhận thấy ở ông là một con sư tử hung dữ và một con cáo khôn ngoan. Ai cũng kính sợ ông và binh lính không thù ghét ông. Và chẳng ai phải ngạc nhiên về việc một vị tân vương như ông lại có thể trị vì một cách đầy quyền uy như thế. Tiếng tăm lừng lẫy của ông luôn bảo vệ ông khỏi sự thù ghét của những người dân thường đối với sự cướp phá của ông.
Hoàng đế Antoninus, con trai của Severus, cũng là người có những khả năng tuyệt vời khiến ông vô cùng được ngưỡng mộ trong mắt dân thường và được binh lính yêu mến. Ông là một nhà quân sự có khả năng chịu đựng mọi gian khổ, coi thường cuộc sống an nhàn với những bữa ăn ngon; điều khiến binh lính yêu mến ông. Nhưng sự tàn bạo, man rợ của ông thật kinh khủng và quá ác độc. Sau vô số những vụ giết người, ông đã xử tử hầu hết dân thành Rome và tất cả dân Alexandria nên đã trở thành kẻ bị toàn thế giới ghê tởm.
Ông khiến ngay cả những người thân cận cũng phải khiếp sợ đến mức bị một viên tướng giết ngay giữa ba quân. Ta có thể thấy rằng những cái chết như vừa nêu được thực hiện dựa trên ý chí của một người, là không thể tránh khỏi đối với các quân vương, vì bất kỳ ai không sợ chết đều có thể ám hại họ. Tuy nhiên, bậc quân vương không nên quá sợ những kẻ như thế vì họ rất hiếm. Quân vương chỉ cần tránh đừng gây những thương tổn nghiêm trọng lên những người phụng sự ông và những người được chọn tham gia điều hành vương quốc Antoninus lại dẫm vào chính vết chân đó. Ông đã giết anh trai của viên tướng nói trên một cách hèn hạ và hàng ngày còn đe dọa hắn nhưng vẫn giữ hắn làm cận vệ. Đấy là một quyết định thiếu suy nghĩ và điều gì phải đến đã đến.
Bây giờ ta hãy bàn về hoàng đế Commodus, người (đáng ra đã) đã cai trị vô cùng dễ dàng do được kế thừa ngôi hoàng đế với tư cách là con trai của Marcus. Ông chỉ cần noi gương cha làm hài lòng binh lính và dân chúng là đủ. Nhưng với bản chất tàn bạo và dâm loạn, để thoả mãn lòng tham của mình, ông quay sang nuông chiều binh lính, biến chúng thành một lũ vô kỷ luật. Mặt khác, không giữ gìn sự tôn nghiêm của mình, ông thường thượng đài tỉ thí với các đấu sĩ và làm nhiều việc hèn hạ khác không xứng đáng với một bậc đế vương, nên ông trở nên tầm thường trong mắt của binh lính. Vừa bị khinh miệt vừa bị thù ghét, ông đã bị người ta bày mưu sát hại.
Cũng cần phải miêu tả đôi chút về tính cách của hoàng đế Maximinus. Ông là người hiếu chiến và do quân đội đã chán ghét sự yếu đuối của hoàng đế Alexander, như tôi đã trình bày, nên sau khi Alexander chết, ông được họ chọn làm hoàng đế. Ông cũng chẳng ở ngôi cao được lâu, vì có hai điều khiến ông bị thù ghét và khinh bỉ. Trước tiên là do nguồn gốc thấp hèn của ông. Ông đã từng là một tên chăn cừu ở Thrace (ai cũng biết điều này và nó khiến ông mất đi sự tôn nghiêm cần thiết trong mắt mọi người); thứ hai là do khi mới lên ngôi, ông đã trì hoãn không tới đăng quang tại thành Rome. Ông khét tiếng là kẻ tàn bạo và thông qua các viên thống sứ của mình tại thành Rome và các vùng trên toàn đế chế, ông đã có nhiều hành động tàn ác.
Kết quả là đâu đâu người ta cũng coi khinh nguồn gốc xuất thân ti tiện của ông và căm ghét ông do e sợ sự tàn bạo. Đầu tiên là châu Phi nổi loạn, sau đó là nghị viện và toàn thể dân chúng thành Rome và cuối cùng là cả Italia chống lại ông. Thêm vào đó là quân đội của chính ông. Khi bao vây Aquileia, binh lính thấy rằng rất khó chiếm thành, lại bị sự tàn bạo của ông làm họ tức giận nhiều hơn là sợ hãi, và nhận thấy ông có nhiều kẻ thù, nên họ đã ám sát ông.
Tôi không bàn về Heliogabalus hoặc Macrinus hay Julian, những vị hoàng đế do bị tất cả mọi người khinh miệt nên đã sớm bị tiêu diệt. Tôi xin được đưa ra lời kết cho phần bàn luận này. Các quân vương thời đại chúng ta gặp ít rắc rối hơn khi làm thỏa mãn binh lính bằng những biện pháp khác thường. Mặc dù vẫn phải trông chừng bọn chúng nhưng các quân vương này đều nhanh chóng giải quyết vấn đề, bởi không quân vương nào lại giữ quân thường trú lâu dài song song với chính quyền tại các vùng đất bị thống trị như cách các triều đại La Mã thường làm. Bởi vậy, nếu cần phải thỏa mãn binh lính hơn là thoả mãn dân chúng thì chẳng qua là binh lính được việc hơn dân chúng. Giờ đây, đối với tất cả các quân vương, ngoại trừ hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ và quốc vương Ai Cập80, thì điều cần thiết là phải làm hài lòng dân chúng chứ không phải binh lính vì dân chúng đang được việc hơn binh lính. [80 Tức là hoàng đế Ottoman Selim I đang cai trị Thổ Nhĩ Kỳ và quốc vương Mamluk của Ai Cập, người được lựa chọn từ các chỉ huy đội quân nô lệ. Hoàng đế Selim I đã lật đổ triều đại Mamluk vào năm 1517. ]
Tôi coi hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ là một ngoại lệ vì ông luôn duy trì bên mình mười hai nghìn lính bộ binh và mười lăm nghìn kỵ binh và dựa vào  những đội quân này để đảm bảo sự an toàn và sự hùng mạnh của đế chế. Và điều cần làm, đối với ông là gạt bỏ mọi mối quan tâm khác, ông phải thân thiện với binh lính của mình. Cũng như vậy, vương quốc của Quốc vương Ai Cập hoàn toàn nằm trong tay quân đội và đối với ông thì điều cần thiết cũng là duy trì sự thân thiện của binh lính mà không cần phải đếm xỉa đến dân chúng.
Ngài cũng cần lưu ý rằng chính thể của quốc vương Ai Cập không giống với các chính thể khác, mặc dù có một số đặc điểm tương tự như hình thức Giáo hoàng của Cơ Đốc giáo nên không thể gọi đó là một nền quân chủ thế tập hay một nền quân chủ mới. Con trai của quốc vương cũ không phải là người nối ngôi mà chỉ là vương tôn, còn người nối ngôi sẽ được những người có thẩm quyền lựa chọn. Và do hệ thống này lại tuân theo những truyền thống cổ xưa nên không thể gọi nó là vương quốc mới, ở đây không tồn tại những khó khăn kiểu vẫn xảy ra ở các vương quốc mới. Mặc dù quốc vương hoàn toàn mới nhưng các thiết chế lại vẫn là những thiết chế cũ và chỉ được tổ chức lại để đón nhận quốc vương mới như thể vị quốc vương mới là người trị vì được truyền ngôi.
Bây giờ, hãy quay lại chủ đề của chúng ta. Bất kỳ ai quan tâm đến phần thảo luận trên đây đều nhận thấy sự thù ghét và khinh miệt gây ra sự sụp đổ của những hoàng đế đời trước như thế nào, và hẳn phải nhận thấy rằng mặc dù một số người hành động thế này, còn số khác cư xử hoàn toàn ngược lại thì ở mỗi nhóm, bao giờ cũng có những người có kết cục tốt và những người phải chịu kết cục xấu.
Đối với những vị tân vương như Pertinax và Alexander thì thật nguy hại và vô ích nếu muốn bắt chước Marcus, người có được đất nước nhờ quyền thế tập. Tương tự như vậy, đối với Caracalla, Commodus và Maximinus thì việc bắt chước Severus là tai họa, bởi những vị hoàng đế này không đủ năng lực để hành động theo cách của Severus. Thế nên, vị tân vương ở một vương quốc mới không thể học theo những hành động của Marcus nhưng cũng không thể theo bước Severus. Thay vào đó, tân vương cần học ở Severus những điều cần thiết để lập quốc và ở Marcus những điều phù hợp và vẻ vang để bảo vệ vương quốc đã được thành lập và đang ổn định.