Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 15
SỰ NGỢI CA VÀ PHÊ PHÁN ĐỐI VỚI QUÂN VƯƠNG

Bây giờ, hãy bàn đến những phương cách mà quân vương nên áp dụng trong xử thế với thần dân và bằng hữu. Điều này đã được nhiều người đề cập tới nên tôi e rằng nếu tôi lại viết về chủ đề đó thì mọi người sẽ cho tôi là kẻ kiêu ngạo. Tuy nhiên, khi bàn luận, xuất phát điểm của tôi khác xa so với họ. Vì ý định của tôi là viết ra những điều hữu ích cho ai hiểu biết, nên tôi cho rằng, tìm tòi về bản chất của một vấn đề thì phù hợp hơn là việc tưởng tượng ra vấn đề đó 68.
[68 Ở đây, Machiavelli hàm ý tới những nhân vật trừu tượng là những người cai trị được lý tưởng hóa hoặc về các ông hoàng Cơ đốc giáo theo tác phẩm của các nhà hiền triết Latin và của Plato.]
Nhiều học giả đã tự mình tưởng tượng ra những nền cộng hòa hoặc những nền quân chủ mà sự tồn tại của chúng chưa từng được chứng kiến hoặc biết đến trên thực tế. Có khoảng cách giữa cách sống trên thực tế và cách mà người ta phải sống. Người nào từ bỏ những gì đáng lẽ đã làm trên thực tế để thực hiện những gì phải làm thì sẽ bị diệt vong chứ không phải là được bảo toàn, bởi vì người mà lúc nào cũng muốn sống tốt sẽ bị tiêu vong giữa biết bao kẻ xấu. Bởi vậy, quân vương nào muốn bảo vệ địa vị của mình thì cần học cách gác lòng tốt sang một bên, và có vận dụng điều đó hay không thì còn tùy theo thời thế.
Do vậy, nếu gạt bỏ những điều tưởng tượng về một quân vương mà chỉ tính đến những sự thật, tôi cho rằng, khi nhận xét về bất kỳ ai, nhất là các quân vương - những người có địa vị cao sang, thì cần phải phán xét bởi những tính cách khiến họ được ca ngợi hay bị phê phán. Và đây là lý do vì sao người này được coi là hào phóng, còn kẻ khác là keo kiệt (ở đây tôi sử dụng từ “keo kiệt” theo thổ ngữ xứ Tuscan bởi vỉ từ “biển lận” trong ngôn ngữ của chúng ta được dùng để chỉ những người tham lam muốn chiếm đoạt của người khác, còn “keo kiệt” là để chỉ người không muốn dùng những gì mà mính có); người này biết cho, kẻ khác chỉ biết nhận; người này bao dung, kẻ khác lại tàn bạo, người thì tận trung, kẻ thì bất trung; người thì táo bạo dũng cảm, kẻ thì nhu nhược hèn nhát, người thì điềm đạm, kẻ thì ngạo mạn; người thì thanh tịnh, kẻ thì dâm ô; người thì chân thành, kẻ thì xảo trá; người thì sùng đạo, kẻ thì vô thần; v.v….
Và theo tôi, mọi người đều thừa nhận rằng một quân vương với những phẩm chất được cho là tốt trong số những tính cách được nêu trên đây là người đáng được ca ngợi. Tuy nhiên, vì nhân vô thập toàn, các phẩm chất tốt đẹp đó thường không thể đầy đủ hoặc không thể nhận ra được hoàn toàn, nên một quân vương phải đủ khôn ngoan để biết cách tránh tai tiếng của những thói xấu có thể khiến ông mất nước và nếu có thể, ông phải tự mình tránh xa cả những thói xấu không đến mức làm cho ông mất nước. Nhưng nếu không thể tránh được, thì quân vương cũng không cần quá khắt khe với bản thân khi lờ đi những thói xấu không quá nghiêm trọng này.
Hơn nữa, bậc quân vương cũng không cần bận tâm khi phải mang tiếng về những thói xấu mà nếu không có những thói xấu này thì việc giữ được vương quốc có thể sẽ khó khăn; bởi vì, khi xem xét mọi việc một cách kỹ lưỡng, ông sẽ nhận thấy rằng, nếu theo đuổi những việc có vẻ đúng đạo lý thì sẽ dẫn tới sự diệt vong của chính ông. Trong khi đó, những việc có vẻ tội lỗi, sẽ đem lại cho ông sự an toàn và phồn thịnh.