Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 25
VAI TRÒ CỦA SỐ PHẬN
VÀ CÁCH ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỐ PHẬN

Tôi không biết có bao nhiêu người đã và vẫn cho rằng mọi sự việc trên thế giới này đều do Chúa và số phận định đoạt, còn con người với trí tuệ của mình không những không thể kiểm soát số phận mà thậm chí còn không thể đối phó được với số phận. Vịn vào lý do này, họ cho rằng hãy để mặc số mệnh quyết định tương lai.
Quan điểm này thậm chí còn có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn trong thời đại của chúng ta do những biến động lớn lao xảy ra hàng ngày đã vượt quá sự suy đoán của con người. Đôi lúc, khi nghĩ đến những điều này, tôi cũng phần nào nghiêng về ý kiến đó. Tuy nhiên, quyền tự định đoạt của chúng ta sẽ không mất đi, tôi xét thấy sự thật là số phận chỉ chi phối một nửa những hành động  của chúng ta, một nửa hoặc gần một nửa còn lại là do chính chúng ta quyết định. Và tôi xin được so sánh số phận với những dòng sông mang theo sự tàn phá, khi nổi giận chúng tràn ngập đồng bằng, quật đổ cây cối và nhà cửa, cuốn trôi đất cát, ai ai cũng phải tháo chạy, ai ai cũng phải chịu sự thịnh nộ của chúng mà không có cách gì chống đỡ được.
Nhưng cho dù thiên nhiên có như vậy cũng không có nghĩa là khi trời quang mây tạnh, chúng ta lại không phòng bị trước bằng cách đắp đê và khơi mương để khi nước lại dâng lên thì dòng nước có thể bị dẫn đi nơi khác hoặc bớt phần ghê gớm. Số phận cũng vậy thôi, sẽ thể hiện sức mạnh tàn bạo khi không gặp sự kháng cự, và số phận sẽ tấn công những nơi nó biết không hề đắp đê hay đào kênh.
Và khi ngài xem kỹ nước Italia, cội nguồn của vô vàn biến động cũng như của dân tộc đã tạo nên những biến động đó, ngài sẽ thấy đây là một đất nước không hề có đê bao và chẳng có lấy một thành lũy. Nếu như nước Italia được bảo vệ bằng những lực lượng cần thiết, giống như Đức, Tây Ban Nha và Pháp, thì nước lũ đã không thể gây ra những đổi thay ghê gớm hay thậm chí cũng đã không có nước lũ tràn về. Tôi cho rằng thế là khá đủ khi nói một cách tổng quát về số phận.
Đề cập sâu hơn vào những vấn đề cụ thể, tôi nói rằng người ta chứng kiến một quân vương thành công ngày hôm nay nhưng ngày mai lại lụi tàn mà không hề có thay đổi nào về tính cách hay bất kỳ nguyên nhân nào đã thảo luận ở phần trước.
Nghĩa là vị quân vương nào hoàn toàn dựa vào số phận sẽ thất bại ngay khi số phận đổi thay. Tôi cũng tin rằng ai biết lựa theo thời thế mà hành động sẽ là người thành công và tương tự như vậy, người nào hành động không hợp thời sẽ chuốc lấy tai họa.
Ta có thể thấy khi con người hành động với cái đích mưu cầu là vinh quang và của cải đều dùng nhiều cách thức khác nhau. Người thì thận trọng, kẻ thì táo bạo, người dùng bạo lực, kẻ dùng thủ đoạn, người này kiên nhẫn, kẻ kia nóng nảy, và mỗi người với các biện pháp khác nhau đều đạt được mục đích của mình. Ta cũng thấy rằng, ngay khi cả hai cùng thận trọng thì vẫn có kẻ thắng người thua, và tương tự, hai người thành công như nhau vẫn có thể sử dụng hai phương pháp khác nhau, mà nguyên nhân ở đây chính là hành động của họ có phù hợp với thời thế hay không.
Như tôi vừa đề cập, hai người hành động trái ngược nhau có thể cùng thu được kết quả như nhau trong khi hai người hành động giống nhau vẫn có kẻ được người mất. Sự khác biệt về quan niệm “cái gì là tốt” cũng tùy thuộc vào thời thế, bởi nếu một quân vương thận trọng và kiên nhẫn, và thời thế biến đổi theo chiều hướng phù hợp với sách lược của ông thì ông sẽ thành công, nhưng nếu thời thế thay đổi theo chiều hướng ngược lại, ông sẽ thất bại do không chịu thay đổi phương pháp hành động.
Nhưng chúng ta cũng không thể tìm được một người thận trọng đến mức có thể tự điều chỉnh bản thân phù hợp với thời thế, bởi ông không thể đi chệch khỏi thiên hướng bẩm sinh cũng như không thể bị thuyết phục rời bỏ con đường vẫn luôn đem lại danh vọng và của cải. Và bởi vậy, người cẩn trọng, khi thời cơ đòi hỏi phải hành động một cách táo bạo mà không dám quyết đoán, tất yếu sẽ bị hủy diệt, nhưng nếu ông thay đổi theo thời thế thì số phận cũng sẽ chẳng đổi thay.
Giáo hoàng Julius II hành động rất táo bạo trong mọi việc làm của ngài. Ngài nhận thấy thời thế và bối cảnh rất phù hợp với cách hành động này nên ngài luôn giành được những thành công phi thường. Hãy xét tới cuộc chiến tranh đầu tiên ngài tiến hành chống lại xứ Bologna khi Giovanni Bentivogli còn sống. Lúc này, người xứ Venice và vua Tây Ban Nha đều bất bình và Giáo hoàng Julius II vẫn còn đang đàm phán với nước Pháp.
Tuy vậy, ngài vẫn tự mình tiến hành cuộc chinh phạt với sự tàn bạo và liều lĩnh quen thuộc. Những hành động này dồn người Tây Ban Nha và người Venice vào thế bí, người Venice thì hoảng sợ, người Tây Ban Nha thì thèm khát giành lại toàn bộ vương quốc Naples, và vào cùng thời điểm đó, vua nước Pháp bị lôi kéo vào cuộc chiến bởi ông ta muốn giành được sự ủng hộ của Giáo hoàng để đánh bại người Venice. Khi biết Giáo hoàng tiến hành chiến tranh, ông ta không thể từ chối việc ngài sử dụng quân đội của ông ta vì điều đó sẽ gây tổn hại cho ngài.
Nhờ vậy, bằng sự táo bạo của mình, Giáo hoàng Julius II đã giành được điều mà không giáo hoàng nào đạt được với trí tuệ siêu việt nhất. Nếu ngài đợi đến khi rời thành Rome với những thỏa thuận và mọi việc được sắp đặt trật tự như bất kỳ một giáo hoàng nào khác có thể đã làm, thì ngài đã không thể thành công, bởi vì vua nước Pháp sẽ tìm được cả ngàn lời cáo lỗi và những kẻ khác sẽ đe dọa ngài với hàng ngàn mối lo ngại.
Tôi không bàn đến những chiến công khác của ngài bởi tất cả chúng đều như vậy và đều thành công. Nhưng sự ngắn ngủi của cuộc đời ngài91  đã không để ngài phải nếm trải những thất bại. Khi thời thế đòi phải cẩn trọng thì sự bại vong của ngài chắc không thể tránh khỏi bởi ngài sẽ không thể hành động khác với bản chất của ngài. [91 Một lần nữa, cũng như khi bàn về Giáo hoàng Alexander VI (chương 7), Machiavelli ám chỉ tới sự ngắn ngủi của thời gian nắm quyền Giáo hoàng của Julius II chứ không phải tuổi thọ ngắn ngủi của ngài.]
Tóm lại, tôi xin kết luận rằng, do số phận thì mang tính thay đổi còn con người thường không chịu thay đổi nên người ta sẽ thành công khi hai yếu tố trên hòa hợp, và thất bại khi chúng không thuận nhau. Tôi cũng tin rằng táo bạo thì hơn là cẩn trọng, vì số phận cũng giống như người đàn bà92, để chế ngự nàng thì cần phải nặng tay và cương quyết với nàng. [92 Ở đây Machiavelli làm phép so sánh giữa sức mạnh cho một cuộc giao hoan thô bạo với sức mạnh xác định động cơ quyền lực chính trị.]
Có thể thấy rằng nàng thường dành cho người đàn ông táo bạo chứ không phải người vẫn tán tỉnh nàng một cách cứng nhắc. Hơn nữa, là đàn bà, nàng luôn thân thiện với bọn thanh niên vì chúng ít thận trọng hơn, hung hăng hơn và đòi hỏi nàng với nhiều sự táo bạo hơn.