Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 2
CÁC QUỐC GIA QUÂN CHỦ

 Ở đây, tôi không bàn về thể chế cộng hòa bởi thể chế này đã được đề cập chi tiết ở tác phẩm khác6 [6 Mặc dù câu này đã gây ra khá nhiều tranh luận và khiến cho các học giả cho rằng tác phẩm Luận bàn của Machiavelli được viết trước tác phẩm Quân Vương (do quyển 1 của Luận bàn đề cập rất nhiều đến chủ đề này), nhiều khả năng câu này đã được thêm vào khi Machiavelli viết Luận bàn, tức là sau khi Quân vương đã được hoàn thành]. Trong tác phẩm này, tôi chỉ đề cập đến nền quân chủ trên cơ sở phát triển các đề tài nói trên và bàn đến cách trị vì và bảo vệ các quốc gia quân chủ đó.
Như đã nói, nền quân chủ thế tập thuộc quyền cai trị của một dòng họ thì dễ bảo toàn hơn nhiều so với các nền quân chủ mới; bởi vì khi đó, quân vương nối ngôi chỉ cần không phá bỏ những tập tục lâu đời và biết điều chỉnh hành vi của mình trước những biến cố bất ngờ. Cứ như thế, một quân vương, với năng lực bình thường, luôn có thể duy trì đất nước của mình trừ khi có một thế lực đặc biệt và bất thường phế truất ông ta. Và cho dù điều đó có xảy ra, ông ta vẫn có thể dễ dàng giành lại đất nước nhờ một sai lầm nhỏ nhất của kế tiếm quyền.
Ví dụ như công tước xứ Ferrara7[7 Machiavelli đồng thời đề cập đến hai đời công tước xứ Ferrara: Ercole d’Este (1471-1505), người đã mất rất nhiều đất cho xứ Venice và đồng minh là Giáo hoàng Sixtus IV trong cuộc chiến với vua Ferranter xứ Naples. Con trai ông là Alfonso d’Este (1486-1534), người bị Giáo hoàng Julius II (tấn công?) năm 1510] của Italia đã chống lại được các cuộc tấn công của xứ Venice (1484) và của Giáo hoàng Julius8 (1510) [8 Giuliano della Rovere (1443-1513, trở thành Giáo hoàng Julius năm 1503). Ông đã củng cố các vương quốc thuộc Giáo hội trong lòng Italia và tổ chức Liên minh Cambrai chống lại Venice và Liên minh Thần thánh chống lại nước Pháp. Giáo hoàng Julius II còn là nhà bảo trợ các các nghệ sỹ nổi tiếng thời Phục Hưng như Michelangelo, Raphael và Bramante] chủ yếu nhờ vào truyền thống cai trị của dòng họ này. Bởi quân vương thì vốn dĩ chẳng có nhiều lý do cũng như chẳng cần gì nhiều để làm hại đến thần dân, bởi vậy quân vương thường được yêu quý nhiều hơn là bị thù ghét. Và nếu chẳng vì một thói xấu quá đáng nào khiến người ta phải thù ghét, thì điều hoàn toàn hợp lý và bình thường là mọi thần dân đều mến chuộng quân vương. Và dưới sự cai trị lâu đời và liên tục đó, những động cơ cho sự sáng tạo và cải cách đều lụi tàn, vì cái mới thường phải xây lên từ khoảng trống mà cái cũ để lại9 [9 Tại nguyên bản tiếng Italia, Machiavelli sử dụng thuật ngữ addentellato chỉ lượt đá răng cưa cuối một bức tường thường được để lại để thuận lợi cho việc xây dựng sau đó].