Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 8
NHỮNG NGƯỜI TRỞ THÀNH QUÂN VƯƠNG
BẰNG TỘI ÁC

Tuy nhiên, còn hai cách nữa, hoàn toàn không phải là vận may hay tài trí, để một người thường có thể trở thành quân vương. Tôi cho rằng không thể không đề cập đến những phương cách này, dù một cách sẽ được bàn kỹ hơn trong tác phẩm về nền cộng hòa. Cách thứ nhất là trở thành quân vương nhờ sự quỷ quyệt và hành vi tàn ác. Cách thứ hai là trở thành quân vương của đất nước mình nhờ sự ủng hộ của những người đồng bào. Về cách thứ nhất, tôi xin được trích dẫn hai ví dụ, một của thời xưa, một của thời nay. Tôi không đi sâu vào phân tích giá trị của những trường hợp này vì theo tôi, trích dẫn như vậy đủ để hiểu cho những ai buộc phải dùng tới phương cách này.
Từ địa vị thấp hèn nhất, Agathocles xứ Sicily đã trở thành vua của Syracuse. Ông là con trai một người thợ gốm và từ bé, ông đã có một cuộc đời đầy tội ác. Sự độc ác này kết hợp với nghị lực và sự dũng mãnh nên khi gia nhập quân đội, ông leo qua các cấp để trở thành thống lĩnh quân đội Syracuse. Khi đạt đến vị trí này, ông đã quyết định chiếm lấy ngôi vua và dùng bạo lực để nắm giữ những quyền hành được mọi người đồng lòng giao phó.
Để thực hiện âm mưu đó, ông đã hòa hoãn với Hamilcar xứ Carthage, lúc đó đang gây chiến với ông ở Sicily. Một buổi sáng, ông triệu tập dân chúng và các vị nguyên lão của Syracuse như thể sẽ thảo luận các vấn đề quốc gia đại sự. Với ám hiệu đã quy ước trước, ông ra lệnh cho binh lính giết toàn bộ các vị nguyên lão và những người giàu có nhất. Sau đó, ông đã chiếm giữ và cai trị thành phố này mà không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào của dân chúng. Mặc dù bị người Carthage đánh bại hai lần và bị bao vây nhưng ông vẫn đủ sức bảo vệ được thành phố. Ông chia quân làm hai, một phần quân đội ở lại giữ thành phố bị bao vây trong khi ông dẫn một đạo quân vượt biển tấn công vào sào huyệt của người Carthage ở Châu Phi. Trong một thời gian ngắn, ông đã giải vây cho Syracuse, và buộc người Carthage phải rút lui một cách khốn khổ. Người Carthage buộc phải hòa hoãn với ông, chấp nhận lui về giữ Châu Phi và nhường Sicily lại cho Agathocles.
Cuộc sống và sự nghiệp của con người này hầu như không có vận may. Như đã nói ở trên, ông không hề được ai giúp đỡ và chỉ bằng cách tiến thân qua những chức vụ trong quân đội với vô vàn khó khăn và nguy hiểm. Ông đã trở thành người cai trị một vương quốc. Sau đó, ông bảo vệ vương quốc này bằng những hành động dũng cảm và sự táo bạo. Tuy nhiên, không thể gọi là tài trí khi tàn sát đồng bào của mình, phản bội bạn bè, phản trắc, không biết xót thương và vô thần. Bằng những phương cách này, người ta có thể đạt được quyền lực chứ không thể có vinh quang.
Khi xem xét sự dũng mãnh dám đương đầu và vượt qua hiểm nguy của Agathocles cũng như nghị lực phi thường của ông khi kháng cự và chiến thắng kẻ thù, người ta không có lý do gì không công nhận ông là vị tướng tài ba nhất. Nhưng sự tàn ác, bất nhân cùng với hàng loạt tội ác của ông đã khiến chúng ta không thể tôn vinh ông sánh ngang những người tài giỏi nhất. Chúng ta cũng không thể coi những thành quả Agathocles đạt được là nhờ vận may hay tài trí bởi vì ông không có cả hai yếu tố này.
Bây giờ, tôi xin lấy một ví dụ thời nay. Dưới thời Giáo hoàng Alexander VI, Oliverotto xứ  Fermo, một đứa trẻ mồ côi, đã được người cậu là Giovanni Fogliani nuôi dưỡng từ tấm bé. Ngay từ khi còn rất trẻ, hắn đã gia nhập quân đội dưới quyền Paulo Vitelli với hy vọng thăng tiến trên con đường binh nghiệp bằng tài quân sự. Sau khi Paulo Vitelli chết, hắn tiếp tục phục vụ cho Vitellozzo, anh trai Paulo Vitelli. Chẳng bao lâu sau, nhờ sự thông minh, cơ thể cường tráng và dũng khí của mình, hắn đã trở thành thống lĩnh đội quân đó. Nhưng khi cảm thấy sự thấp kém vì phải phụng sự kẻ khác, hắn quyết định chiếm lấy Fermo, với sự giúp đỡ của một số người dân Fermo muốn thành phố của mình ở tình trạng phụ thuộc hơn là được tự do, và sự hậu thuẫn từ những bè đảng của Vitellozzo.
Một ngày kia, hắn viết cho Giovanni Fogliani thông báo rằng, sau khi xa nhà đã nhiều năm, hắn muốn trở về gặp mặt cậu và thành phố quê hương cũng như muốn được tận mắt nhìn thấy gia sản của mình. Bởi vì hắn đã phấn đấu hết mình vì mục đích duy nhất là đạt được sự vinh quang  nên hắn muốn được trở về trong tư thế đáng được tôn kính, với một trăm kỵ sỹ là bạn bè và người hầu hộ tống để những người dân Fermo biết rằng thời gian của hắn đã không trôi đi uổng phí. Hắn xin cậu mình bố trí một cuộc đón tiếp trọng thể của người dân Fermo vì điều đó đem lại vinh dự, không chỉ cho hắn mà còn cho cả Giovanni, người họ hàng gần gũi nhất và cũng đồng thời là người nuôi nấng hắn.
Vì thế, Giovanni không có cách nào trốn tránh trách nhiệm của mình với cháu. Giovanni đã bố trí để người cháu được dân chúng Fermo đón tiếp long trọng và mời cháu ở lại nhà mình. Vài ngày sau, Oliverotto đã bí mật sắp đặt những âm mưu đen tối. Hắn mở một bữa tiệc long trọng mời Giovanni Fogliani và tất cả những công dân quan trọng của Fermo. Khi các  món ăn và những trò vui của bữa tiệc kết thúc, theo chương trình, Oliverotto sẽ thảo luận những vấn đề nghiêm túc như ca ngợi sự vĩ đại của Giáo hoàng Alexander và con trai của ngài là Cesare Borgia, cũng như sự nghiệp của họ.
Sau khi Giovanni và những người khác có vài lời đáp lại, hắn bất thần đứng lên tuyên bố rằng những điều này cần được thảo luận ở nơi kín đáo hơn. Giovanni và mọi người đi theo hắn vào một căn phòng khác. Ngay khi họ vừa ngồi xuống,  binh lính từ những chỗ bí mật trong phòng xông ra kết liễu Giovanni và tất cả những người khác. Sau vụ tàn sát này, Oliverotto lên ngựa dạo quanh thành phố, bay vây những quan chức hàng đầu của chính quyền. Do quá sợ hãi, những quan chức này buộc phải tuân lệnh hắn và lập ra một chính quyền mới do hắn đứng đầu.
Sau khi đã trừ khử tất cả những kẻ bất mãn, hắn đã củng cố địa vị của mình bằng cách xây dựng các thể chế quân sự và dân sự mới. Nhờ vậy, trong thời gian trị vì vương quốc này, không những hắn được an toàn tại Fermo mà tất cả các nước lân bang cũng đều phải khiếp sợ. Việc loại bỏ hắn cũng khó khăn như đối với Agathocles nếu hắn không để Cesare Borgia lừa vào bẫy. Như đã nói ở trên, công tước đã bắt sống gia tộc Orsini và gia tộc Vitelli tại  Sinigaglia. Cũng chính tại đây, chỉ một năm sau khi phạm tội ác, hắn bị bắt và bị treo cổ cùng với Vitallozzo, bậc thầy của hắn về sự dũng mãnh và tàn ác.
Người ta có thể đặt câu hỏi là làm thế nào Agathocles và những người như ông ta, sau biết bao tội ác và phản trắc lại có thể sống một cách yên ổn lâu như thế và có thể chống lại kẻ thù từ bên ngoài mà không bị dân chúng âm mưu lật đổ. Nhiều quân vương khác, khi dùng tới các biện pháp tàn bạo, đã không thể cai trị được đất nước trong thời bình chứ chưa nói đến thời chiến bất ổn. Tôi cho rằng điều đó phụ thuộc vào việc sự tàn bạo được sử dụng đúng cách hay không đúng cách. Sử dụng đúng cách là những sự tàn bạo (nếu có thể nói đến sự đúng cách trong tội ác) được thực hiện một lần chỉ để nhằm tự vệ. Sự tàn bạo này không lặp lại mà phải biến thành những lợi ích to lớn cho thần dân. Sử dụng không đúng cách là những tàn bạo ban đầu chỉ nhỏ bé nhưng dần dần lớn lên chứ không mất đi. Những người dùng tới tàn bạo đúng cách có thể chuộc lỗi với Chúa và con người, như Agathocles đã làm, còn những kẻ tàn bạo không đúng cách thì không thể tồn tại được.
Bởi vậy, cần lưu ý rằng, khi chiếm lấy một đất nước thì người chinh phục cần tính toán tất cả những điều ác phải làm và thực hiện chúng cùng một lúc để không phải thường xuyên lặp lại.
Cách này sẽ khiến dân chúng cảm thấy an toàn và quân vương sẽ chiếm được cảm tình của họ nhờ những lợi ích mà ông ban cho họ. Những kẻ làm ngược lại, cho dù vì thiếu quyết đoán hay vì bị xui dại, sẽ luôn phải cầm dao trong tay bởi chúng chẳng bao giờ dám tin vào thần dân và những thần dân này chẳng cảm thấy an toàn với vị quân vương của mình vì họ phải liên tiếp gánh chịu hậu quả của hàng loạt sự tàn bạo.
Chính vì vậy, những tổn thương cần được dội xuống cùng một lúc, và thời gian nếm trải tổn thương càng ngắn thì sự thù ghét càng ít. Trái lại, lợi lộc được ban phát nhỏ giọt sẽ thấm thía hơn. Điều quan trọng nhất là bậc quân vương cần phải hành xử với thần dân theo cách mà cho dù bất kỳ một sự kiện bất ngờ nào, tốt hay xấu, xảy đến cũng không khiến ngài phải thay đổi đường lối. Bởi vì khi hoàn cảnh bất lợi buộc ngài phải hành động, việc dùng tới các biện pháp tàn bạo sẽ không đúng lúc, trong khi những việc tốt mà ngài thực hiện cũng chẳng đem lại lợi ích gì, vì người ta sẽ cho rằng ngài rơi vào hoàn cảnh buộc phải làm như vậy nên chẳng ai lại biết ơn điều đó cả.