Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 7
CÁC VƯƠNG QUỐC GIÀNH ĐƯỢC BẰNG BINH LỰC
CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ VẬN MAY CỦA BẢN THÂN

Những người chỉ nhờ vận may mà trở thành bậc đế vương hầu như không phải nỗ lực gì để lên được ngôi báu. Nhưng để bảo vệ được địa vị của mình, thì họ phải khó nhọc gấp nhiều lần. Những người này lên được ngôi cao như diều gặp gió, nhưng khi đã ở trên địa vị cao quý đó, những khó khăn mới bắt đầu nảy sinh. Họ được ban tặng vương quốc vì họ có tiền hoặc được các vị quân vương hùng mạnh ân sủng. Điều này xảy ra khá nhiều ở Hy Lạp, nơi vua Darius dựng lên các tiểu vương ở các thành bang Ionia và Hellespont nhằm duy trì sự an toàn cũng như uy danh của mình. Hoặc tương tự như những trường hợp trở thành vua từ địa vị thường dân bằng cách mua chuộc binh sĩ.
Những quân vương như vậy lệ thuộc hoàn toàn vào hai yếu tố mong manh và bất thường, đó là ý nguyện và vận may của người ban vương quốc đó cho họ. Trong khi đó, họ không biết làm thế nào và cũng không có khả năng bảo vệ địa vị của mình. Họ không biết làm gì, bởi nếu không phải là người thông minh tài trí tuyệt đỉnh thì một người quen với phận dân thường sẽ khó có thể biết cách cai trị một vương quốc. Họ không có khả năng duy trì được địa vị bởi không có những kẻ thân cận và trung thành.
Hơn nữa, các vương quốc nổi lên mau lẹ cũng giống như thực vật sinh ra và lớn lên quá nhanh, sẽ không thể đủ cành rễ để chống chọi sự tàn phá của những trận cuồng phong đầu tiên. Nhưng như tôi đã bàn tới, chỉ có ngoại lệ đối với những người được ban tặng khả năng ứng phó nhanh chóng và bảo vệ những gì vận may đem đến, rồi sau đó xây dựng nền tảng mà những người khác thường phải tạo dựng trước khi trở thành quân vương.
Để trở thành một quân vương như thế có hai con đường: bằng sự tài trí hoặc bằng vận may, và tôi muốn dẫn ra hai ví dụ gần đây: Francesco Sforza và Cesare Borgia. Bằng những biện pháp cần thiết cùng với tài trí siêu việt của mình, Francesco Sforza đã trở thành công tước xứ Milan từ địa vị của một kẻ thường dân, và ông đã dễ dàng cai trị chẳng mấy khó khăn vương quốc mà ông xiết bao khó nhọc mới giành được. Cesare Borgia (thường được gọi là công tước Valentino) thâu tóm được nhiều lãnh thổ nhờ ân sủng và sự giúp đỡ của người cha. Thế nhưng ông để mất vương quốc của mình ngay sau khi cha ông qua đời30 [30 Giáo hoàng Alexander VI chết đột ngột vào tháng 8 năm 1503,và ngay sau đó, Cesare Borgia cũng bị tước đoạt những vùng đất ông chiếm được] cho dù ông đã làm mọi việc cần thiết, cũng như dùng mọi kế sách của một người tài trí và khôn khéo nhằm bắt rễ an toàn ở những vương quốc mà ông đã thôn tính được bằng vận may của bản thân và binh lực của người khác. Như đã đề cập ở trên, vị quân vương nào chưa kịp xây dựng nền móng cho uy quyền của mình khi lên ngôi thì có thể thực hiện công việc đó sau khi giành ngôi báu nếu như ông ta có tài năng xuất chúng.
Tuy nhiên, dù có tài trí tuyệt vời đến mấy thì việc tạo dựng nền móng theo cách này cũng rất khó thực hiện và nguy hiểm cho cơ nghiệp. Xét tới những bước đi của công tước Valentino, ta có thể thấy rằng ông đã xây dựng nền móng vững chắc cho quyền lực sau này. Theo tôi, bàn về những bước đi này sẽ rất bổ ích bởi vì tấm gương về hành động của vị công tước này là bài học quý giá nhất cho những các tân vương. Mặc dù trên thực tế, những mưu đồ của công tước không thành công nhưng không phải do lỗi của ông mà chỉ là do số phận vô cùng trớ trêu và nghiệt ngã.
Khi cố gắng tăng thêm quyền lực cho công tước Valentino, con trai của mình, Giáo hoàng Alexander VI đã gặp nhiều trở ngại, cả trước mắt và về lâu dài. Trước hết, Giáo hoàng thấy chẳng có phương cách gì để ban cho công tước quyền cai trị một vương quốc không thuộc về Giáo hội. Còn nếu Giáo hoàng tìm cách chiếm đoạt những xứ thuộc về Giáo hội cho con trai mình thì người Venice và công tước xứ Milan sẽ không đồng ý vì các xứ Faenza và Rimini đều nằm dưới sự bảo hộ của Venice. Hơn nữa, Giáo hoàng nhận thấy các đội quân của Italia, và nhất là những đội quân ngài phải dùng đến, đều nằm dưới quyền của những người có lý do để e sợ ngài nhưng không đáng tin cậy, đó là gia tộc Orsini, gia tộc Colonna và bè lũ thân tín 31.
[31 Gia tộc Orsini và gia tộc Colonnesi là hai phe cánh quyền uy tại La Mã và đồng thời là những kẻ thù truyền kiếp của nhau, nhưng cả Cesare Borgia và Giáo hoàng Alexander đều không thể tin vào hai gia tộc này trong cuộc chiến quyền lực của mình ]
Bởi vậy, Giáo hoàng đã phải đảo lộn mọi trật tự, gây ra xung đột giữa các nước nhằm biến mình thành chủ nhân một phần những quốc gia đó một cách êm thấm. Giáo hoàng đã thực hiện kế hoạch đó khá dễ dàng bởi vì ngài nhận thấy rằng người Venice đã quyết định đưa người Pháp trở lại Italia với những động cơ riêng. Không những ngài không phản đối mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho động thái này bằng cách ban phép hủy bỏ cuộc hôn nhân đầu của vua Louis. Sau đó, vua Louis đã tấn công Italia với sự hỗ trợ của Venice và sự đồng tình của Giáo hoàng Alexander. Ngay khi vua Louis kéo quân tới Milan, Giáo hoàng đã lợi dụng các đội quân này để tấn công Romagna và xứ này đã rơi vào tay của ngài nhờ vào uy danh của vua Louis.
Sau khi chiếm được Romagna và đánh bại gia tộc Colonna, dù muốn bảo vệ thành quả và tiến xa hơn nhưng Cesare Borgia buộc phải dừng lại vì hai trở ngại lớn. Thứ nhất là các đội quân của ông thiếu lòng trung thành và thứ hai là thâm ý của nước Pháp.
Các đội quân của gia tộc Orsini mà ông vẫn dùng có thể trở mặt. Bọn chúng không những không giúp ông chiếm thêm đất đai mà thậm chí còn có thể cướp đoạt những xứ mà ông đã chiếm.
Vua nước Pháp cũng có thể hành xử theo đúng kịch bản này. Kinh nghiệm của ông với quân lính của Orsini đã cảnh báo về điều đó. Sau khi chiếm được Faenza, ông tấn công Bologna và nhận thấy chúng giao chiến rất miễn cưỡng. Sau khi chiếm được lãnh địa Urbino, ông thừa thắng tiến quân vào Tuscany. Và khi vua Louis buộc ông phải rút quân, ông đã hiểu được thâm ý của vị vua này. Do vậy, công tước đã quyết định không dựa vào binh lực và ân sủng của những người khác nữa.
Bước đầu tiên, ông làm suy yếu các phe cánh của gia tộc Orsini và gia tộc Colonna ở thành Rome. Ông lôi kéo tất cả các quý tộc thuộc phe cánh của hai gia tộc này bằng cách ban phát cho bọn chúng quyền cao chức trọng cũng như các khoản bổng lộc hậu hĩnh. Tùy theo từng cấp bậc, ông giao cho bọn chúng các quyền hành về dân sự và quân sự. Nhờ thế, chỉ trong vài tháng, tình cảm của bọn chúng đối với hai gia tộc này nhạt phai và bọn chúng quay sang phục tùng công tước.
Sau đó, ông chờ cơ hội để loại bỏ những kẻ cầm đầu gia tộc Orsini và chia rẽ những kẻ cầm đầu gia tộc Colonna. Thời cơ tốt đã đến nhưng cách ông tận dụng thời cơ này còn tuyệt vời hơn. Khi tỉnh ngộ được rằng sự hùng mạnh của công tước và Giáo hội đồng nghĩa với sự diệt vong của mình, gia tộc Orsini tụ họp tại Magione, vùng Perugia. Cuộc tụ họp này đã châm ngòi cho những cuộc nổi loạn ở các xứ Urbini và Romagna cũng như những mối đe dọa không ngớt đến với công tước. Ông đã dẹp yên tất cả nhờ sự trợ giúp của người Pháp.
Ngay khi giành lại uy danh, vì không còn tin vào cả người Pháp lẫn những lực lượng bên ngoài, ông đã quay sang sử dụng các mưu mô gian trá để bảo vệ quyền lực của mình. Ông đã che giấu các mưu đồ của mình khéo đến mức gia tộc Orsini phải giảng hòa với ông qua vai trò trung gian của đức ông Paulo (Paulo Francesco Orsini). Công tước đã không uổng công dùng mọi biện pháp hào phóng như tặng tiền bạc, vải vóc, ngựa quý để thuyết phục Paulo.
Cuối cùng, chính sự ngu dốt của gia tộc Orsini đã đưa bọn chúng tới Sinigaglia và rơi vào tay ông32 [32 Sự lừa gạt của Borgia tại Sinigaglia (31/12/1502) đã dẫn tới việc trừ khử kẻ thù của ông. Oliverotto Euffreducci (vua xứ Fermo) và Vitellozzo Vitelli bị giết ngay lúc đó, còn Paulo Francesco Orsini chết sau đó vài ngày]. Sau khi trừ khử những kẻ cầm đầu và thu phục đồng đảng của chúng về phe mình, Công tước đã đặt được những nền móng quyền lực tuyệt vời, chiếm giữ cả vùng Romagna cùng với lãnh địa Urbino. Điều quan trọng hơn nữa là Công tước đã được toàn bộ dân chúng vùng Romagna thuần phục khi họ bắt đầu được hưởng lợi lộc từ sự cai trị của ông.
Vì tấm gương này xứng đáng cho các bậc quân vương noi theo nên tôi không muốn dừng ở đây. Sau khi chiếm được Romagna, công tước nhận thấy xứ này đang nằm trong tay cai trị của những lãnh chúa không có quyền lực, chỉ chú tâm bóc lột thần dân chứ không lo cai trị, nên xứ này ngày càng chia rẽ và mất đoàn kết. Toàn xứ này đầy rẫy những kẻ trộm cắp, những vụ ẩu đả cũng như những vụ gây rối, mất trật tự.
Trước tình hình đó, ông quyết định rằng nếu muốn nơi đây trở nên thanh bình và biết tuân theo luật lệ thì phải lập nên một chính quyền mạnh. Ông đã giao phó nhiệm vụ cai quản Romagna cho Remirro de Orco33, một người tàn bạo nhưng có năng lực. [33 Remirro de Orco: được bổ nhiệm là thống đốc Romagna năm 1501 nhưng sau này bị Cesare Borgia loại bỏ nhằm giành được cảm tình của đám dân chúng hay dao động của vùng đất này]. Remirro de Orco được trao toàn quyền cai trị vùng đất này. Chỉ trong một thời gian ngắn, Romagna đã trở nên thanh bình, đoàn kết, và nhờ đó, Remirro de Orco trở nên nổi danh. Sau đó công tước nhận thấy quyền lực tối thượng như vậy không cần nữa vì có thể làm cho người dân ghê sợ ông. Vì thế, ông đã dựng lên ngay tại vùng đất này một tòa án dân sự, đứng đầu là một vị chánh án đáng kính và mỗi thành phố có một luật sư riêng.
Ông nhận thấy những biện pháp nghiêm khắc trước đây đã phần nào gây ra sự căm hận. Để gột rửa sự căm hận trong trí não dân chúng và lôi kéo họ, ông làm ra vẻ mọi sự tàn khốc đều xuất phát từ bản chất tàn bạo của người thừa hành cai quản vùng đất chứ không phải do mệnh lệnh của ông. Ngay khi có cơ hội, vào một buổi sáng, ông đã sai người giết chết Remirro de Orco và đem phơi thây bị chặt làm hai mảnh bên cạnh thớt gỗ cùng với thanh gươm đẫm máu tại quảng trường Cesena. Cảnh tượng rùng rợn này đã khiến người dân vừa hài lòng vừa hoảng sợ.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại điểm bắt đầu câu chuyện. Công tước Cesare Borgia nhận thấy mình đã có nhiều quyền lực và khá an toàn trước những nguy hiểm hiện thời. Ông đã xây dựng được quân đội riêng cũng như tiêu diệt được phần lớn những thế lực lân bang có khả năng gây nguy hại. Trên con đường chinh phạt của mình, công tước vẫn còn phải e ngại vua nước Pháp bởi ông nhận thấy, dù nhận ra sai lầm quá muộn nhưng vua nước Pháp cũng sẽ không ủng hộ những cuộc chinh phạt tiếp theo của ông.
Bởi vậy, ông bắt đầu tìm kiếm những đồng minh mới và tìm cách hòa hoãn với nước Pháp trong khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tại vương quốc Naples với người Tây Ban Nha lúc đó đang vây đánh Gaeta. Mục đích của công tước là giữ cho mình an toàn và mưu đồ này của ông hẳn đã sớm thành công nếu Giáo hoàng Alexander không đột ngột qua đời.
Đó là những thủ đoạn mà công tước đã sử dụng để đối phó với tình hình trước mắt. Tuy nhiên, đối với những sự kiện tiếp theo, ông sợ rằng vị Giáo hoàng kế nhiệm có thể sẽ không thân thiện với ông mà sẽ tìm cách tước đoạt những gì Giáo hoàng Alexander đã ban cho ông.
Để đối phó với nguy cơ đó, công tước dự định sẽ bảo vệ mình bằng bốn cách. Thứ nhất, tiêu diệt thân thích của các lãnh chúa mà ông đã tước đoạt đất đai, của cải để Giáo hoàng mới không có cơ hội phục hồi quyền lợi cho bọn chúng. Thứ hai, giành sự ủng hộ của tất cả quý tộc ở thành Rome, như đã nói ở trên, để kiềm chế Giáo hoàng. Thứ ba, mua chuộc và chi phối Hội đồng Hồng y giáo chủ34 [34 Hội đồng Hồng y giáo chủ: Nhóm các Hồng y Giáo chủ có trách nhiệm bầu ra Giáo hoàng mới]. Thứ tư, chiếm thật nhiều đất đai trước khi Giáo hoàng Alexander chết để có thể chống lại cuộc tấn công đầu tiên mà không cần đến đồng minh.
Khi Giáo hoàng Alexander chết, công tước đã thực hiện được ba trong bốn việc trên, còn việc thứ tư gần như đã hoàn thành. Ông đã trừ khử tất cả những quý tộc bị tước đoạt đất đai, của cải mà ông bắt được và chỉ có rất ít sống sót. Ông đã giành được cảm tình của giới quý tộc thành Rome. Ông đã lôi kéo được đa số thành viên của Hội đồng Hồng y Giáo chủ. Để thôn tính thêm những vùng lãnh thổ mới, ông đặt kế hoạch bá chủ vùng Tuscany và trên thực tế ông đã chiếm được Perugia, Piombino và đặt Pisa dưới sự bảo hộ của mình.
Ngay khi không còn phải nể nang các ý nguyện của nước Pháp nữa (do người Pháp đã bị người Tây Ban Nha đánh đuổi khỏi vương quốc Naples nên cả hai bên đều đang muốn kết thân với ông), ông sẽ tấn công xứ Pisa. Sau đó, các xứ Lucca và Siena sẽ nhanh chóng đầu hàng, một phần để chọc tức người Florence và một phần do sợ hãi. Khi đó người Florence sẽ không có cách nào để tránh phải đầu hàng.
Nếu những kế hoạch đó được thực hiện (và lẽ ra ông đã có thể hoàn thành đúng vào năm xảy ra cái chết của Giáo hoàng Alexander), ông đã có thể thâu tóm được binh lực hùng hậu và gây được uy danh lừng lẫy đến mức có thể một mình đứng vững nhờ quyền lực và tài trí của mình chứ không cần dựa vào binh lực và ân sủng của người khác.
Nhưng khi ông mới bắt đầu cuộc chinh chiến được 5 năm, thì Giáo hoàng Alexander chết và bỏ lại ông đang ốm thập tử nhất sinh. Lúc đó, chỉ có xứ Romagna đã yên ổn và vững chắc, còn tất cả những xứ kia đều bất ổn và bị kẹt giữa hai kẻ thù hùng mạnh. Là một người dũng mãnh và tài trí, công tước hiểu rỏ được rằng tại sao người ta có thể chiến thắng hay thất bại. Ông cũng hiểu rõ những nền móng ông đã gầy dựng trong một thời gian quá ngắn không thể vững chắc. Nếu ông không có những kẻ thù như vậy hoặc ông khoẻ mạnh thì hẳn ông đã vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại. Trên thực tế, những nền móng vững chắc mà ông đã tạo dựng được chính là sự trung thành âm thầm của xứ Romagna đối với ông suốt hơn một tháng trời.
Tại thành Rome, mặc dù ốm thập tử nhất sinh, ông vẫn được an toàn. Và cho dù bọn Baglioni, Vitelli và Orsini có tới được thành Rome, chúng cũng không tìm được bè đảng nào chống lại ông. Nếu như ông không thể dựng lên Giáo hoàng mà ông muốn thì ít ra ông có thể đảm bảo rằng đó sẽ không phải là người mà ông không muốn. Nếu ông khỏe mạnh vào thời điểm Giáo hoàng Alexander chết, mọi sự đã thật đơn giản. Đúng vào ngày Giáo hoàng Julius II được thượng phong, chính ông đã nói với tôi rằng, ông đã tiên liệu được những gì có thể xảy ra sau khi cha của ông chết và đã có mọi giải pháp đối phó. Tuy nhiên, có một điều duy nhất mà ông không ngờ tới, và thời điểm giáo hoàng Alexander qua đời cũng chính là lúc ông hấp hối.
Điểm lại tất cả các hành động của công tước, tôi thấy không có gì để chê trách ông. Trái lại, tôi cho rằng những bậc quân vương vươn tới quyền lực nhờ vận may của bản thân và binh lực của người khác đều nên noi theo tấm gương của ông. Là một người có trí lớn và lòng dũng cảm phi thường, ông đã làm tất cả những gì cần phải làm trong hoàn cảnh đó. Các mưu đồ của ông đã bị thất bại chính vì mệnh yểu của Giáo hoàng Alexander35 và sự ốm đau của bản thân ông.
[35 Machiavelli ám chỉ thời gian nắm quyền ngắn ngủi của Giáo hoàng Alexander (11 năm) chứ không đề cập đến tuổi thọ của Giáo hoàng. Tại Chương 11, Machiavelli nhận xét rằng thời gian cầm quyền trung bình của một Giáo hoàng là khoảng 10 năm]
Như vậy, những điều cần thiết  đối với một quân vương vừa giành được ngôi báu là: biết tự bảo vệ trước kẻ thù; tăng thêm đồng minh; chinh phạt bằng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn; khiến dân chúng mến phục và sợ uy quyền, làm cho binh lính tôn trọng và tuân phục, trừ khử tất cả những kẻ có thể hoặc có khả năng gây nguy hại, thay thế những thể chế cũ bằng những thể chế mới, nghiêm khắc và độ lượng, cao thượng và hào phóng; giải tán những đội quân thiếu trung thành và tuyển chọn những đội quân mới, duy trì sự thân thiện của các bậc vương hầu theo cách khiến họ phải vui lòng giúp đỡ hoặc không thể tự do gây hại cho quân vương. Hành động của Cesare Borgia là một tấm gương thực tế nhất cho những việc cần làm kể trên.
Người ta chỉ có thể trách ông vì đã để cho Julius trở thành Giáo hoàng. Ông đã có một lựa chọn sai lầm bởi vì, khi không có khả năng bầu ra một Giáo hoàng thuộc phe của mình, thì nên ngăn cản đường đến ngôi vị Giáo hoàng của bất kỳ kẻ nào mà ông không muốn. Ông cũng không bao giờ nên đồng ý việc bầu làm Giáo hoàng bất kỳ một Hồng y Giáo chủ nào mà ông đã nhục mạ hay kẻ nào mà khi trở thành Giáo hoàng, có lý do để sợ ông.
Bởi vì người ta có thể làm hại nhau do căm ghét hoặc sợ hãi. Trong số những người đã bị ông hạ nhục có các Hồng y Giáo chủ San Pietro ad Vincula, Colona, San Giorgio, Ascanio36.
[36 San Pietro ad Vincula, Colona, San Giorgio, Ascanio: Bốn  vị Hồng y này là Giuliano della Rovere (sau này là Giáo hoàng Julius II), được Machiavelli gọi là “Thánh Peter bị xiềng"; Giovanni Colonna (chết năm 1508); Raffaello Riario, Hồng y Giáo chủ xứ San Giorgio (chết năm 1521); và Ascanio Sforza, con trai của Francesco Sforza.]
Nếu trở thành Giáo hoàng, những kẻ còn lại, ngoại trừ các Hồng y Giáo chủ người Tây Ban Nha và Hồng y Giáo chủ D’Amboise xứ Rouen, đều phải e sợ ông. Hồng y Giáo chủ D’Amboise xứ Rouen không sợ ông vì đã có nước Pháp là đồng minh trong khi các Hồng y Giáo chủ người Tây Ban Nha không sợ uy quyền của ông vì những mối liên hệ nhất định cũng như nghĩa vụ của ông với họ 37.
[37 Giáo hoàng Alexander VI, cha của Cesare Borgia sinh ra và lớn lên ở Tây Ban Nha]
Bởi vậy, giải pháp tốt nhất là công tước nên dựng lên một Giáo hoàng người Tây Ban Nha. Nhưng khi việc này thất bại, lẽ ra ông phải tán thành việc bầu chọn Hồng y Giáo chủ xứ Rouen38. Vậy mà, ông đã đồng ý bầu Hồng y Giáo chủ San Pietro ad Vincula với hy vọng xóa bỏ mối thù xưa39.
[38 Hồng y Giáo chủ xứ Rouen: Machiavelli cho rằng Cesare Borgia phải ủng hộ Georges d’Amboise, Hồng y Giáo chủ xứ Rouen, làm Giáo hoàng do áp lực của tổng giám mục Tây Ban Nha và Pháp.
39 Năm 1492, Hồng y Giáo chủ San Pietro ad Vincula (còn được gọi là Giuliano della Rovere, sau này là Giáo hoàng Julius II) đã bị Hồng y Giáo chủ Rodrigo Borgia (Giáo hoàng Alexander VI) đánh bại trong cuộc bầu chọn vào ngôi vị Giáo hoàng sau khi phải bỏ phiếu tới 3 lần.
Tuy nhiên, người nào cho rằng những lợi lộc mới sẽ khiến những người ở địa vị cao quên đi những nỗi nhục xưa là đã tự lừa dối mình. Công tước đã sai lầm trong việc bầu chọn này và đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của ông.