CHƯƠNG 14
Bóng quê

     ô Cam ngồi nhìn trời đang nổi cơn giông, bụi bay mù mịt cuốn theo những chiếc lá quay tít thành vòng xoáy bốc lên trời chao liệng như những cánh chim trong bão. Mưa giăng bốn bề trên cao ràn rạt xé nát những tàu lá chuối sau vườn. Cô Cam không đóng cửa cứ để cho mưa hắt cả vào mặt làm dịu cơn oi nồng của trời đất, dịu cơn bực bội đang dâng lên trong lòng.
Con Măng đi học về long tong chạy trong mưa. Hai bàn chân nó khua nước tung toé, đầu tóc quần áo ướt sũng, miệng láu táu.
- Bố chưa về hả mẹ?
- Ông ấy đánh cho tím cả mặt, còn bố bố con con nỗi gì. Cô Cam chửi đổng- Giờ này chắc lại say bí tỉ rúc vào chỗ nào ngủ rồi.
Từ ngày mất chức, mỗi lần rượu vào nhìn thấy con Măng, Kinh lại lôi cổ nó ra đánh vô cớ. Cô Cam tức lắm. Cô tức chồng, tức cả Trần Tăng lâu chẳng thèm mò về với cô. Không biết có phải anh ta sợ Đào Kinh hay đã chán mình. Cô Cam nghi ngờ Yến Quyên đã được Trần Tăng che chở nên Đào Kinh mới bị Kỷ luật. Cô Cam nhìn Yến Quyên bằng ánh mắt hằn học. Từ lần Yến Quyên bị giải lên huyện về không bị kỷ luật mà lại được lên chức. Còn Kinh thì lại bị kỷ luật. Rõ thật bất công.
Thằng Vương và thằng Nam đi B đã được một năm không tin tức gì. Ngày nào cô Cam cũng nhìn thấy Yến quyên quần là áo lượt, dắt chiếc xe Thống Nhất mới tinh vừa được xã phân phối xích líp cứ rè rè, rèn rẹt nghe chướng lỗ tai gai con mắt. Loại đàn bà xa chồng lâu ngày, lại thân một mình phây phây thế kia dễ đi hoang lắm. Hoàng Kỳ Trung đi học xe tăng thiết giáp gì mãi bên Trung Quốc những bẩy năm, vừa được về nước đã phải vào Nam ngay. Được chia hai gian nhà của gia đình Yến Quyên, cô Cam đi về cứ ngường ngượng như thân phận kẻ đi ở nhờ. Nhưng ở lâu mãi cũng thành quen. Với lại vợ chồng Kinh Cam đã đổ bao mồ hôi nước mắt cày thuê cuốc mướn cho gia đình Hoàng Kỳ Bắc giờ được hưởng thành quả này cũng là lẽ thường. Dạo này mấy đứa con gái nhà bà Cháo, cái Muôi cái Muỗng cái Thìa tối đến tí ta tí tởn cười rúc rích với mấy thằng con trai mới lớn trong làng. Có bữa nó còn ôm hôn nhau chí choé ở đống rơm nhà cô Cam. Mỗi lần cô Cam ra sau nhà nhìn đống rơm bị quần nát, cô lại điên tiết chửi.
- Tiên sư nhà chúng nó, có ngứa nghề thì lôi nhau ra kho hợp tác hay xuống huyện đường kia mà đú đởn cho nó mát cái lờ chứ rúc vào đống rơm nhà bà có ngày bà phang gẫy cổ. Cô Cam chửi bóng chửi gió Yên Quyên.
Cô Lùn ế chồng đứng ở cửa cười tít mắt, thấy Đào Kinh liêu xiêu rũ rượu về tới ngõ, cô Lùn rêu rao.
- Ôi giời ơi, thằng chồng suốt ngày say khướt thế kia còn làm ăn được gì, vợ nó rống lên cũng là phải.
- Mẹ kiếp, ông là không chịu thua chúng mày đâu nhá! Đào Kinh lè nhè bước vào đứng giữa sân chửi đổng. Ông không chịu để chúng mày đặt vè đặt vịt nhạo ông nhá. Phen này ông đếch cần ở cái làng Đoài này nữa. Ông sẽ quyết đi làm ăn ngoài thiên hạ, ha ha...Ông đã đi xem bói rồi, thầy bói đã bấm số cho ông sau này sẽ giầu sú sụ! Ông mà giàu có a, chúng mày sẽ biết tay ông. Mẹ kiếp! Cái làng này làm ăn bố láo, chết đói cũng đổ tại ông. Ông sẽ ra đi xem cái làng này có khá lên được không. Con Măng đâu, ra quán mụ Ruốc mua cho bố chai rượu. Mày không đi ngay còn trừng mắt nhìn ông à. Đồ vô ơn, phí cơm ông nuôi mày từ bé.
- Đồ nát rượu còn nuôi được ai? Có giỏi thì xéo đi cho con này được nhờ.  Cô Cam ba máu sáu cơn từ trong nhà vác đòn gánh ra phang cho Đào Kinh một đòn, Kinh nằm quay lơ ra giữa sân. Sau trận mưa rào cái sân gạch sạch bong mát rượi, Kinh nằm ngáy khò khò, thỉnh thoàng lại lầm bẩm chửi trong mơ. Trăng non đầu tuần lấp ló rặng cau trước nhà.

 ***

Tuy không phải đảng viên lại thành phần gia đình địa chủ, cậu em trai Đỗ Hiền di cư vào Nam theo địch (thuộc diện có vấn đề) nhưng Yến Quyên vẫn là người trúng phiếu cao nhất trong đại hội xã viên lần này. Yến Quyên đẹp người, đẹp nết, có trình độ năng lực, có tài thu phục lòng người. Mẫu người sáng giá như Yến Quyên đi khắp vùng cũng chả kiếm được. Trong đại hội, Yến Quyên được xã viên vỗ tay rào rào tán thưởng. Trần Tăng là cán bộ huyện về dự đại hội nghe bà con ca ngợi Yến Quyên mà mát cả ruột. Không ai còn dám nói Trần Tăng có cảm tình đặc biệt tung đẩy Yến Quyên lên.
 Bữa cơm tiếp Trần Tăng, có bí thư chủ tịch xã và tân chủ nhiệm Yến Quyên. Trần Tăng cố tình ngồi xa Yến Quyên, tránh ánh mắt đố kị của mọi người. Suốt bữa ăn, Trần Tăng không hề nhắc tới Yến Quyên. Về xã lần này, Trần Tăng có ý muốn về thăm vợ chồng Đào Kinh, thăm con Măng. Cơm nước xong, chia tay mọi người, Trần Tăng nói nhỏ với Yến Quyên:
- Nghe nói hồi này Đào Kinh bê bối quá phải không? Anh muốn đi cùng em về thăm gia đình cậu Kinh.
- Người ta bê bối cũng phải thôi. Tội là ở anh cả. Yến Quyên nói, đang là kẻ cùng đinh, anh đẩy người ta lên trao quyền lồng lộng, rồi đùng một cái anh lại tước đi tất cả làm người ta mất mặt với dân làng.
- Tất nhiên là vì anh ta dốt một phần. Nhưng cái chính em là người vừa có năng lực, vừa có uy tín với dân làng... Trần Tăng không nói hết câu, hai người lặng lẽ đi trên đường làng. Về tới sân kho hợp tác Yến Quyên nhìn thấy Tuyết, vợ chưa cưới của Hoàng Kỳ Nam.
- Con chào mẹ, chào bác Trần Tăng. Tuyết nhìn thấy Yến Quyên đi cùng Trần Tăng, cô đon đả, lâu nay chẳng thấy bác Trần Tăng về làng, bác thấy xã cháu hồi này làm ăn thế nào?
- Thanh niên các cháu luôn là lực lượng tiên phong trong mọi phong trào. Trần Tăng khen, giờ lại có cô Yến Quyên, cố mà giữ lấy lá cờ đầu của huyện.
- Đây là con dâu tương lai của tôi đấy. Yến Quyên giới thiệu, Thằng Nam nhà tôi đã đi bộ đội, có Tuyết đây đi lại cũng vui cửa vui nhà.
- Đúng là việc nhà việc nước vẹn toàn, dân họ ca ngợi cô giỏi là phải. Trần Tăng lại khen,
- Giỏi giang gì đâu,Yến Quyên nói, bà con quê mình quá nghèo khổ, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, văn hóa thấp hay kèn cựa ganh ghét ích kỷ hẹp hòi chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Tôi chỉ nghĩ, mình là người cán bộ lãnh đạo không công tâm thì suốt đời dân mình khổ. Tôi nói thật với anh điều này vì tôi thấy anh nhìn ra được căn nguyên của sự lạc hậu ấu trĩ trong cung cách làm ăn của cái gọi là phong trào hình thức, thích thành tích, lấy danh tập thể o ép xã viên làm những chuyện nực cười. Anh có nghe dân người ta nói "Một người làm việc bằng ba, để cho cán bộ xây nhà xây sân".
- Mẹ nói như cán bộ tuyên huấn,Tuyết nói.
- Tôi nói sự thực điều này, cán bộ huyện có quy tôi là phản động tôi cũng nói. Từ ngày có hợp tác xã, người nông dân dửng dưng với đồng ruộng. Làm ăn chấm chơ, ai cũng chỉ nghĩ làm thế nào để có nhiều điểm chứ không nghĩ làm thế nào để có nhiều thóc. Nếu cứ duy trì tình trạng này mãi sẽ làm hư hỏng cả thế hệ trẻ. Nông dân ta vốn từ xưa coi ruộng đồng là tấc đất tấc vàng, thức khuya dậy sớm vì nó, sống chết vì đất, vậy mà bây giờ họ chẳng thiết tha gì với ruộng đồng.
Câu chuyện bị bỏ dở khi ba người bước vào sân nhà Yến Quyên. Trần Tăng giật mình, chút nữa xô vào Đào Kinh nằm cong queo ngủ giữa sân. Trần Tăng lắc đầu ra hiệu để yên cho Đào Kinh ngủ. Cô Cam thấy Trần Tăng, chạy tót vào nhà. Trần Tăng bước lên thềm.
- Hai mẹ con cô Yến Quyên về nhá, lát nữa tôi sang. Trần Tăng bước vào trong nhà cô Cam. Con Măng đang ngồi học bài dưới ngọn đèn dầu đỏ quạch, thấy Trần Tăng,  nó vội đứng dậy chào:
- Cháu chào bác Tăng, lâu lắm bác không về, mẹ cháu nhắc bác luôn.
Cô Cam lúng búng ở trong buồng chải chuốt. Trần Tăng cầm quyển vở của con Măng lật vài trang thấy toàn điểm kém.
-  Cháu phải cố gắng học cho tốt, thế này là chưa được- Trần Tăng sửng sốt nhìn mặt mũi con Măng thâm tím, ôi mặt cháu sao thế này?
- Bố Kinh đánh đấy! Măng thật thà nói, bố cháu hồi này say suốt ngày lại hay đánh cháu. Đấy bác xem, mỗi lần uống rượu vào, bố cháu lại lăn ra ngủ. Ngủ cả ngoài sân kia kìa.
 Cô Cam từ trong buồng bước ra với chiếc áo hồng còn nhăn nhúm bỏ sót một cái cúc áo giữa chưa cài, mắt đong đưa nói mát:
- Tưởng quên hẳn đây,  không thèm về nữa!
- Công việc bù đầu tối ngày, với lại...Trần Tăng lấp lửng chỉ tay ra ngoài sân ý bảo Kinh hồi này bê bối quá chẳng muốn về.
- Phải rồi! Bây giờ anh về đây thì có người không vui đâu. Cô Cam nói.
- Cô lại cạnh khoé rồi! Cũng là vì công việc.
- Đã ai bảo sao! Vì công việc nên mới có cơ hội cặp kè với nhau. Trông người ta lúc nào cũng phơi phới. Liệu đấy! kẻo tiếng tăm, sau này hai bố con nó mà về sẽ lại xử anh bằng súng đấy.
Con Măng thấy mẹ và bác Tăng nói chuyện bóng gió, nó chẳng muốn nghe lấy cớ xin phép đi chơi một tí. Con Măng vừa tót ra ngoài cửa, cô Cam đã nũng nịu ôm cổ Trần Tăng.
- Lâu quá rồi, nhớ chết đi được! Cô Cam định ôm cổ Trần Tăng hôn một cái, Trần Tăng vội đưa tay ngăn lại.
- Xuỵt, liều thế! Kinh nó mà dậy...
- Sợ gì! Cái đồ bét riệu, cứ để nằm hết đêm cũng chưa tỉnh đâu. Cô Cam cười rúc rích. Trần Tăng vờ ôm cô Cam vào lòng. Thực ra Trần Tăng chẳng thiết tha gì chuyện này. Từ ngày gặp gỡ Yến Quyên trên huyện, hình bóng người đàn bà đẹp lấp đầy tâm trí Trần Tăng. Cô Cam nhận ra sự thờ ơ ở Trần Tăng, cơn giận dữ lại bùng lên. Cô Cam đẩy Trần Tăng lu loa:
- Người ở bên này hồn ở bên kia! Sang đó mà đú đởn. Tôi gọi lão Kinh dậy tẩn cho anh một trận bây giờ.
Trần Tăng không ngờ nàng Cam nổi đoá nhanh vậy.
- Cô có im không! Trần Tăng vội bịt miệng Cam, sống biết  điều, người ta còn thương. Phải nghĩ về lâu về dài cho con Măng chứ. Biết khôn khéo ý tứ một tí để đây còn có chỗ đi lại.
 - Nhưng mà anh cư xử với em thế ức lắm! Em không chịu được. Nàng Cam thấy tủi thân sụt sùi khóc.
- Thôi nào! Cho anh xin lỗi. Trần Tăng vỗ về, móc chiếc ví lấy mấy chục nhét vào túi áo nàng Cam.
- Cho con Măng tiền giấy bút, cố gắng bảo ban con học hành cho tốt. Trần Tăng làm lành, lùa tay vào áo nắn đôi bầu vú nàng Cam. Đôi vú mới hồi nào còn căng mẩy giờ đã nheo nhẽo. Nàng Cam cảm động, cố ưỡn ngực cho đôi vú nở căng ra. Nước mắt nàng nhoè nhoà dưới ánh sáng chiếc đèn dầu trên bàn học của con Măng. Nàng không nói đứng lặng tận hưởng khoảnh khắc sung sướng. Đúng vậy, phải cảm ơn Trần Tăng mới phải. Có Trần Tăng nàng mới được đổi đời, được ở hai gian nhà gỗ lim to nhất làng Đoài của gia tộc Hoàng Kỳ. Có Trần Tăng nàng mới có phút giây vụng trộm sung sướng như lúc này. Có Trần Tăng nàng mới có con Măng... Trần Tăng khẽ hôn vào má nàng Cam rồi bước vội ra cửa sang nhà Yến Quyên.
- Anh chào hai mẹ con cô Yến Quyên, anh về đây. Trần Tăng cố tình nói rõ to để nàng Cam nghe.
- Bác vào đây đợi cháu một lát cháu cùng về với- Tuyết chạy ra níu tay Trần Tăng nói nhỏ- Chú vào nhà mẹ cháu có chuyện muốn nói với chú. Trần Tăng khấp khởi bước vào nhà Yến Quyên. Ba gian nhà trống trơn chẳng có đồ đạc gì ngoài bộ bàn ghế và chiếc giường Yến Quyên nằm được che bằng chiếc màn gió in những cánh hoa đỏ rực trên nền xanh nhạt. Từ ngày ông bà Hoàng Kỳ Bắc mất, Hoàng Kỳ Trung đi B, Yến Quyên một mình sống lặng lẽ trong ba gian nhà trống trải. Từ ngày về làm dâu nhà này Yến Quyên chỉ vẻn vẹn gặp chồng ba lần: Lần đầu tiên là đêm tân hôn tràn đầy nụ cười và nước mắt; Lần thứ hai, Hoàng kỳ Trung về làm công tác sửa sai được hơn một tháng lại phải ra đi; Lần thứ ba Hoàng Kỳ Trung nghỉ phép về để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu. Trần Tăng hiểu quá rõ điều này, hiểu rõ cả niềm vui nỗi buồn củaYến Quyên. Ôi Yến Quyên, người đàn bà đẹp mà ta luôn khao khát nhưng chưa bao giờ nắm bắt được nàng...
Yến Quyên rót nước mời khách.
- Có chuyện này tôi không định nói với anh, Yến Quyên ngập ngừng, nhưng cháu Tuyết bảo cứ nói để anh biết, tôi nhận được thư của cháu Nam nói bố cháu bị địch bắt. Cấp trên lo bố cháu phản bội.
Một tin quá bất ngờ, Trần Tăng lặng đi.
- Chiến tranh mà! Trần Tăng nói, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Yến Quyên cứ yên tâm để tôi xác minh thêm chuyện này.
Trần Tăng và Tuyết chào Yến Quyên ra về, hai người vừa bước ra cửa nhìn thấy Đào Kinh vẫn nằm cong queo ngủ ngoài sân. Con Măng đi chơi về líu ríu:
- Cháu chào bác Tăng, em chào chị Tuyết.
 Tuyết cúi xuống ôm con Măng âu yếm, em Măng hồi này lớn nhanh quá, lại xinh gái nữa.
- Chị Tuyết ơi, chị là gái có chồng mà cứ đi đêm, anh Nam về ứ lấy chị nữa đâu.
- Ai bảo em thế? Tuyết sửng sốt.
- Mẹ em bảo. Măng nói tưng tửng.
Qua trận mưa rào lúc chiều, trời mát dịu. Trần Tăng và Tuyết bước đi trong lối ngõ loang loáng ánh trăng. Rặng hoè nở đầy hoa toả hương ngan ngát.
 Tuyết níu tay Trần Tăng cố đi chậm lại.
-  Lúc ở trong nhà có mẹ anh Nam, cháu không dám nói. Anh Nam bây giờ không được đi chiến đấu nữa rồi. Trong thư anh ấy còn nói phải chuyển về trại tăng gia mãi trong rừng sâu núi cao. Chắc có vấn đề từ bố anh ấy bị bắt. Làm người lính không được cầm súng thì không bằng ở nhà cày ruộng.
- Nó viết cho cháu thế à?
Từ ngày đi anh ấy có ghi cho cháu chữ nào đâu. Anh ấy chỉ ghi thư về cho mẹ. Cháu biết anh ấy chẳng yêu thương gì cháu. Chuyện trầu cau của chúng cháu xảy ra quá bất ngờ, tới bây giờ cháu cũng chẳng hiểu ra sao nữa.
Tuyết kể câu chuyện Tuyết sợ chết ngất ở ao đình cho Trần Tăntg nghe.
- Chuyện của hai đứa cứ như tiểu thuyết. Trần Tăng nói, quan trọng cháu có yêu nó không?
- Cháu chẳng biết nữa. Bây giờ nói không yêu anh ấy cháu cũng chẳng thể đi lấy người khác. Cháu như con chim đã nhốt trong lồng. Tuyết khẽ thở dài, tất cả cũng vì phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng- phụ nữ ba đảm đang” chú ạ. Cháu xin chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc mẹ anh Nam. Cháu  được kết nạp Đảng rồi đấy chú ạ.
- Phấn đấu vào Đảng được là tốt. Như cô Yến Quyên, do thành phần gia đình như vậy có muốn phấn đấu mãi cũng chẳng được. Cháu còn trẻ, còn có tương lai. Giờ đã là bí thư chi đoàn rồi phải không?
- Chú mãi ở trên huyện mà cũng biết được. Tuyết cười lặng lẽ.
- Chú biết hết, cố mà phấn đấu. Trần Tăng nói, hoàn cảnh cháu thế kể cũng khổ. Có khi cháu phải đi thoát ly khỏi làng may mới khá được. 
- Chú nói trúng ý cháu. Tuyết gần như reo lên, chú tìm cách giúp cháu đi.
- Chú mà giúp cháu khác nào vẽ đừơng cho hươu chạy.Trần Tăng cười, cô Yến Quyên mà biết thì chết!
 Tuyết háo hức ngoắc tay Trần Tăng.
- Vậy thì cháu với chú phải bí mật. Trần Tăng xiết chặt tay Tuyết nói đong đưa.
- Hoá ra cô cháu cũng mưu mô gớm nhỉ!
- Chú hứa giúp cháu nhé! Tuyết năn nỉ.
- Cũng phải xem tấm lòng cô cháu trung thành đến đâu đã chứ! Trần Tăng lấp lửng. Tuyết cười rúc rích nhận ra chú Trần Tăng cũng ga lăng ăn nói sắc lẹm mắt liếc láu nhìn thấu cả gan ruột người ta.
- Vậy là chú hứa rồi nhá! Chú yên tâm cháu không để chú phải thất vọng về cháu đâu.
Trần Tăng và Tuyết đi lên dốc cầu. Dòng sông Đình qua trận mưa rào ban chiều nước đầy lên lấp loá ánh trăng khuya. Tiếng hát chèo của đội văn nghệ vang vang trên sân kho làn điệu đường trường duyên phận “Duyên phận í a ta phải chiều... ai ơi- đôi chúng ta thời duyên phận ta phải chiều...”
- Tuyết này, chính chú cũng không ngờ mình lại có duyên nợ với làng Đoài này mãi. Trần Tăng đứng lại bám vào thành cầu nhìn dọc theo triền sông nói bâng quơ. Đồng làng Đoài bát ngát. Cánh mả Rốt mờ xa, Trần Tăng mơ màng nhìn ra hình hài Hoàng Kỳ Bắc bị xử bắn ngày nào vẫn đang đứng dưới trăng. Mỗi lần qua đây, Trần Tăng đều bị ám ảnh về những chuyện quá khứ của gia đình Yến Quyên. Mấy Lần thằng Đùng câm đã làm Trần Tăng hoảng sợ.
- Chú có số đào hoa, đàn ông nhiều người mơ cũng không được.
- Chú mà có số đào hoa sao?
- Thì cả hyện nay ai được như chú. Thôi cháu chả dám nói đâu. Giờ cháu phải về xem đội văn nghệ tập tành thế nào. Chú phải nhớ giúp cháu đấy.
Trần Tăng nhìn theo bóng Tuyết đi dưới ánh trăng. Tâm trí Trần Tăng lại nghĩ tới chuyện chồng Yến Quyên bị bắt. Thằng Nam đã biên thư về nói với mẹ thế thì chắc đúng rồi. Hoàng kỳ Trung bị bắt, Đỗ Hiền, em trai Yến Quyên lại là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà căm thù cộng sản tới tận xương tủy. Trần Tăng quyết định nhân cơ hội này quay lại gặp Yến Quyên may ra chinh phục được nàng.
 Đường làng Đoài về khuya vắng lặng. Trần Tăng bước vào trong sân, Đào Kinh vẫn nằm giữa sân, ngửa mặt lên trời ngủ mà ngỡ như đang ngắm trăng. Cửa nhà Yến Quyên vẫn mở, cứ như thể Yến Quyên vẫn chờ Trần Tăng quay lại. Ngọn đèn dầu vẫn sáng giữa bàn.
- Tôi biết thế nào anh cũng quay lại. Giọng Yến Quyên bình thản đến  lạnh lùng nhìn thấu ruột gan Trần Tăng. Yến Quyên từ trong màn bước ra với bộ quần áo ngủ mầu tím hoa cà nổi rõ đường nét mềm mại của cơ thể. Khoảng cách giữa Trần Tăng và Yến Quyên lúc này chỉ là cái bàn nhỏ. Trần Tăng nhìn gương mặt Yến Quyên thoáng buồn. Càng buồn trông Yến Quyên càng thánh thiện kiêu sang khiến Trần Tăng không dám tỏ thái độ khiếm nhã. Trần Tăng ngồi lặng như con chiên ngoan đạo trước chúa.
 - Anh quay lại muốn nói chuyện với em. Trần Tăng ngập ngừng run rẩy.
 - Tôi sẵn sàng tiếp chuyện anh cả đêm nay với tư cách một chủ nhiêm hợp tác xã vưa mới nhận chức. Yến Quyên nói rành rọt từng lời, tôi muốn chúng ta sòng phẳng ngay từ bây giờ để sau này dễ làm việc. Anh là người đại diện cho Đảng cho dân. Còn tôi,  người trực tiếp quyết định đến sự no đói của dân làng Đoài. Anh bằng lòng với quan điểm đó chúng ta sẽ nói chuyện.
- Thì cô cứ nói... Trần Tăng ậm ừ.
- Tôi biết! Người như anh tôi cần phải nói thẳng thắn để anh hiểu tôi hơn. Tôi biết rõ anh là người đàn ông nhiều đam mê dục vọng, và đầy tham vọng danh quyền. Đúng không?
- Đúng!
- Đó là cái gien trội rất đàn ông ở anh, nhưng anh phải biết điều chỉnh nó, nếu không anh sẽ trở thành con thú. Tôi nói thực lòng đấy. Tôi không trách anh đã đam mê tôi, đó là quyền tự do của anh. Nhưng tôi cũng có quyền tự do của tôi. Tôi nói thẳng với anh tôi là người đàn bà đã có chồng. Tôi không phải hạng đàn bà chỉ làm hài lòng đàn ông. Hôm nay tôi muốn nói với anh một vấn để hoàn toàn khác- vấn đề của xã hội, cụ thể là của cái hợp tác xã mà tôi vừa mới nhận chức chủ nhiệm. Tôi biết, ở đất này chỉ có anh mới đủ nhận thức để tôi nói điều này. Tôi nói với anh điều này cũng bởi xã viên đã tín nhiêm tôi làm chủ nhiệm. Và, với bổn phận của người chủ nhiệm, tôi buộc phải nói với anh.
- Thì cô cứ nói, gì mà rào đón mãi!
- Thì tôi đang nói đây. Mọi chuyện sai lầm của anh, của thời đại đã đi vào quá khứ, tôi không muốn nhắc lại nữa. Nhưng những chuyện sai lầm đang xảy ra ngay ngày hôm nay, và sẽ còn sai lầm mãi, nếu ta không mạnh dạn thay đổi nó. Đó là cơ chế quan liêu hình thức thích thành tích của các anh đã làm hư hỏng cả một thế hệ người nông dân xưa nay vốn cần cù một nắng hai sương. Nông thôn ta đang bị phá vỡ dần gốc rễ nền móng tốt đẹp đã có từ ngàn đời nay.
- Cô lúc nào cũng chữ với nghĩa, Trần Tăng cười, tôi muốn biết cô sẽ làm gì để thay đổi?
- Cách tốt nhất phải trả lại ruộng đất về cho người nông dân tự lo liệu, cày cấy, và nộp sản cho nhà nước. Yến Quyên gay gắt, điều này tôi đã nung nấu và khẳng định từ cuộc sống thực tế của người nông dân làng này.
- Cô nói thế là đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng. Trở lại lối làm ăn cá thể, trở lại kiểu phát canh thu tô của chế độ cũ sao? Cô không biết chính bản thân cô lúc này đang là đối tượng nghi vấn.
- Tôi biết! Anh đang nói tới Đỗ Hiền, cậu em trai tôi nó di cư vào Nam. Sao anh lại không nghĩ tôi đang còn có cả chồng cả con tôi đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Bản thân tôi bao năm nay cùng bà con chăm lo cày cấy áp dụng khoa học kỹ thuật cải tiến lề lối làm ăn, những mong cho đời sống xá viên ngày được nâng cao. Tôi được bà con tin tưởng bầu làm chủ nhiệm mà vẫn chưa đủ để các anh tin sao? Các anh chỉ nhìn đến thành phần mà không nhìn thấy bản chất của con người. Tôi biết anh quay lại với tôi lúc này không phải để nghe tôi nói chuyện này. Anh đang quan tâm tới chuyện chồng tôi, Hoàng Kỳ Trung bị bắt và thằng Nam con trai tôi phải chuyển lên trại tăng gia ở trên rừng. Tôi nói để anh biết! Hoàng Kỳ Trung không phải là người nhìn xa trông rộng, một lòng với dân với Đảng thì anh ấy đã giết anh ngay từ ngày ấy, từ ngày anh muốn chiếm đoạt tôi, thúc ép mẹ chồng tôi phải tự vẫn, xử bắn bố chồng tôi. Còn thằng Nam con tôi, tôi tin nó không bao giờ làm điều gì xấu. Hôm nay, trước bàn thờ bố mẹ chồng tôi, tôi dám khẳng định với anh một điều, chồng và con tôi không bao giờ làm điều gì phản dân hại nước.
Trần Tăng ra về mà không nói được với Yến Quyên lời nào theo ý muốn. Tiếp xúc với Yến Quyên, Trần Tăng luôn bị cuốn hút bởi những điều bất ngờ. Với Trần Tăng, Yến Quyên vừa như gần như xa, vừa đam mê lại vừa đáng sợ.