CHƯƠNG 22
Người cha kỳ quặc

    
rần Tăng biết quá rõ chuyện của cậu Hoà với con Măng. Duyên số chúng nên vợ nên chồng, Trần Tăng càng dễ sai khiến bảo ban chúng. Cái thằng cũng rõ khéo, bao năm nay nó tận tuỵ lái xe phục vụ mình...
 Nhìn hai đứa ngồi trước mặt ấp a ấp úng không nói nên lời, Trần Tăng cười.
- Có chuyện gì hai đứa nói xem nào?
Con và anh Hoà yêu nhau, chúng con xin phép bố. Con Măng e thẹn nói, chuyện riêng của gia đình ta con đã kể hết với anh Hoà.
- Hai đứa mà nên duyên vợ chồng ta mừng. Trần Tăng nghiêm giọng. Có điều ta nhắc cả hai đứa luôn phải giữ cho ta. Danh chính, con Măng vẫn là con gái Đào Kinh, trong hồ sơ của con vẫn là Đào Thanh Măng cơ mà. Đào Kinh mấy năm nay bỏ làng Đoài ra biên giới, lại có quan hệ mật thiết với người Tầu. Tình hình chính trị giữa mình với Trung Quốc đang căng, các con phải thận trọng. Đào Kinh là người cả tin, lập trường giai cấp bấp bênh dễ bị đối phương lợi dụng, phải thường xuyên gần gũi theo dõi giúp đỡ ông ấy. Ông ấy có chuyện gì khác thường các con phải báo cho ta biết.
Con Măng và thằng Hoà ra khỏi phòng, Trần Tăng cười thầm vì những nhận định chính xác của mình. Điều làm Trần Tăng không yên lại chính là chuyện vợ con ông ở quê. Ông quyết định làm một cuộc cách mạng, sẽ chuyển cả gia đình bố mẹ vợ con lên tỉnh. An cư lạc nghiệp, hậu phương phải vững chắc mới yên tâm lo việc nước. Chức chủ tịch tỉnh sẽ vào tay Trần Tăng nay mai. Những lúc đất nước “có sự” lại là lúc người lãnh đạo dễ bộc lộ tài năng uy tín của mình nhất. Phải biết vận dụng kết hợp mọi yếu tố chủ quan, khách quan, chủ động lo tính, khai thông đường đi nước bước của mình. Biết sử dụng tối ưu quyền lực có trong tay. Ta phải nuôi cắm một đội quân vừa tài ba vừa trung thành tận tâm với mình tận trung với nước. Thời bây giờ không thể tin dùng loại người như Đào Kinh. Năm xưa mình đã dùng Đào Kinh cũng là do thời cuộc, hắn giống như loài chó săn vừa khôn lại vừa ngu...
Chỉ qua một đêm suy tính, sáng dậy Trần Tăng quyết định một lần nữa về quê thuyết phục gia đình vợ con ra tỉnh sống. Quyền hành mình đang nắm trong tay, không chớp thời cơ sau này sẽ khó khăn.
Mải mê việc nước, lâu lắm Trần Tăng mới về thăm nhà. Xóm làng vẫn xác xơ ngèo đói. Hoà bình thống nhất mãi mà nền kinh tế đất nước vẫn bí bét không phát triển. Đầu óc người nông dân vẫn u mê lạc hậu- sự lạc hậu cố hữu đã có sẵn trong máu từ bao đời, thật khó mà thay đổi. Đến cả ông bố Trần Tăng, mỗi lần nghe Trần Tăng nói tới chuyện chuyển nhà ra tỉnh, ông tuyên bố xanh rờn: Anh có làm tới chức chủ tịch nước, tôi cũng chỉ ở cái làng này, vẫn sẽ chết ở ngôi nhà này không đi đâu hết. Vợ Trần Tăng lại vào hùa với bố chồng, chị ta bảo, anh tha tôi ra tỉnh để cho người thành phố nó khinh tôi á. Còn lâu nhá.
Thế đấy, với địa vị của Trần Tăng, ra ngoài quân quyền lồng lộng, mưu lược có thừa nhưng về nhà bố và vợ lại coi thường, cư xử ương ương dở dở không sao chịu nổi. Bố trần Tăng là do cổ hũ đã dành, nhưng cô vợ Trần Tăng, có lẽ từ cái ngày cô mò sang làng Đoài ghen với nàng Cam bị Trần Tăng đuổi khéo nên tự ái. Rõ là đàn bà đái không qua ngọn cỏ. Dù sao, vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt cho gia đình êm thấm.
Lần này trước khi về, Trần Tăng đã bảo cậu Hoà ra cửa hàng thực phẩm mua đủ mọi thứ  mang về làm mâm cơm rượu ra trò đãi bố để thuyết phục cụ bán nhà ra thành phố với Trần Tăng. Dù thời buổi tem phiếu nhưng Trần Tăng cần thứ gì chỉ ghi mấy chữ vào mẩu giấy nhỏ cho Hoà mang ra cửa hàng là các cô bán hàng phục vụ đầy đủ.
Hai thầy trò về đến nhà, Cậu Hoà lái xe và vợ Trần Tăng chỉ vào bếp chừng nửa tiếng đã có một mâm đầy tú ụ với đủ các món đặt lên bàn trước măt hai bố con Trần Tăng. Trần Tăng rót rượu vào chèn.
- Con mời bố, chúc bố bách niên giai lão.
- Anh cố đợi thằng con anh nó về rồi ăn một thể có được không? Ông bố Trần Tăng vẫn bình thản không coi chuyện ăn uống làm trọng.
- Cháu nó về ăn sau bố ạ. Hôm nay con có câu chuyện quan trọng muốn thưa với bố và nhà con. Nào, con mời bố, mời cậu Hoà. Trần Tăng nháy mắt nhìn Hoà.
Hoà hiểu ý Trần Tăng, cậu vội ngồi xuống ghế nhanh nhảu:
- Cháu mời cụ, cháu mời cô uống rượu rồi xơi cơm. Thủ trưởng cháu hồi này luôn bận trăm công ngàn việc, mấy lần định về lại phải hoãn lại.
- Bận rộn thế thì thầy trò anh còn về làm gì?
- Thưa bố, lần này con đã suy nghĩ kỹ rồi, gia đình ta phải chuyển ra thành phố bố ạ. Thời cơ ngàn năm có một, bố và nhà con, ra đó con sẽ được tiêu chuẩn phân đất phân nhà riêng, được hưởng mọi quyền lợi theo chế độ chính sách, và lo tính đến chuyện tương lai về lâu về dài cháu trai của bố nữa. Cả nhà ta sẽ có hộ khẩu thành phố.
- Anh không phải nói nhiều, tôi không đi đâu hết. Ông bố Trần Tăng lạnh lùng, quyền lợi của anh của vợ con anh được gì anh cứ hưởng, tôi đã sống ngần này tuổi rồi sao tôi không hiểu điều hay lẽ phải. Đời con người có mười phần tôi đã trải qua chín trên mảnh đất này, làm sao tôi phải đi đâu? Tôi còn lạ gì sự tính toán của anh. Tôi thì chẳng còn sống được bao lâu, tôi có nói ra điều này bây giờ anh cũng bỏ ngoài tai, nhưng tôi cứ nói để sau này anh sẽ thấy, dù anh có làm đến cái chức to nhất nước Nam này thì cuối đời anh cũng chẳng có ai người ta nhỏ nước mắt khóc anh thật lòng đâu. Tôi dám chắc với anh điều này.
- Bố là người lạc hậu bảo thủ và kỳ quặc nhất hành tinh này, Trần tăng gay gắt, bố không lo sống sao cho sung sướng, lại chỉ lo lúc chết không ai khóc. Lại còn sợ người ta khóc giả nữa sao. Bao giờ bố cũng nghĩ xấu về con. Bố ra thành phố để con có điều kiện chăm sóc bố lúc ốm đau già cả. Cả đời bố chẳng được đi đến đâu nên bố không sao nhận ra được thế giới đang đổi thay từng ngày. Bố không nghe lời con, ở nhà gặp chuyện khó khăn đừng trách con không quan tâm.
- Tôi xin anh, từ nay anh đừng nói tới chuỵên này nữa, nếu anh là người biết quan tâm tới người khác, biết nghĩ đến bà con quê hương làng xóm thì cái làng Đồng Ho này đâu đến nỗi khốn khổ như ngày nay. Anh đừng tưởng anh đưa được tôi ra tỉnh là anh rũ bỏ hết mọi trách nhiệm sao? Anh có còn nhớ tới những ngày cả làng, rồi cả xã, đến cả huyện háo hức cả tin nghe theo anh. Họ đã phải đổ bao mồ hôi công sức cho những công trình to lớn, những ý tưởng điên rồ của anh, để anh có cơ hội thăng tiến vù vù. Nhưng kết cục tất cả công sức của dân đều là công dã tràng. Bao công trình to lớn, bao ý tưởng anh bày đặt ra đều đổ vỡ. Rốt cục chỉ khổ dân. Anh càng lên cao, dân càng khốn đốn. Anh là thằng lãnh đạo không có lương tri, chỉ giỏi mưu kế dụ dỗ dân lành. Chỉ có tôi là người đẻ ra anh tôi mới dám nói. Hồi anh còn là cán bộ xã thì dân cả xã này khổ, anh lên huyện thì dân cả huyện khổ, anh lên tỉnh thì dân cả tỉnh khổ. Tôi lo anh mà lên trung ương thí đất nước này nguy to. Anh ngẫm mà xem, người ta đi làm cán bộ, về làng dân tình kéo đến đầy nhà, còn anh về làng, chẳng ma nào dám đến. Anh có biết vì sao không? Vì người ta vừa sợ anh lại vừa khinh anh. Người ta khinh anh vì anh là thằng hèn, còn người ta sợ anh vì tiếng tăm của anh lẫy lừng hàng tỉnh, sợ những trò mưu ma phù thuỷ của anh. Anh giống như bóng con quỷ luôn ám ảnh dân làng.
Lại một lần nữa Trần Tăng không thuyết phục nổi ông bố kỳ quặc. Lâu nay Trần Tăng bỏ ngoài tai những gì người bố xỉ vả. Chấp chi tuổi già, cụ lại là người đẻ ra mình. Làm thằng lãnh đạo, quyền sinh quyền sát trong tay mà không biết làm cho quân quyền nó sợ thì còn lãnh đạo được ai. Bây giờ còn là cấp phó, nhiều việc còn phụ thuộc vào trưởng. Cấp trưởng vào tay trần Tăng mọi chuyện sẽ phải khác xa. Những thằng ngang đầu cứng cổ phải trừng trị ngay tắp lự.
Chiếc xe của hai thầy trò Trần Tăng đã lao ra đường quốc lộ, Trần tăng bất ngờ hỏi Hoà:
- Chuyện của cậu và con Măng cụ thể thế nào nói thực để tôi còn biết đường lo liệu.
- Trăm sự con nhờ thủ trưởng, Hoà ngọt ngào, chuyện của chúng con mà thành thì còn gì hơn. 
- Là thằng đàn ông phải luôn có chí hướng, phải biết tính toán chớp thời cơ đến với mình. Cậu mà lấy con Măng thì tốt rồi, ta sẽ thu xếp cho căn nhà riêng. Nhà cửa người Hoa bỏ đi rẻ như bèo. Sở dĩ ta muốn cho chuyển cả nhà ra phố trong lúc này cũng là lẽ đó. Nhưng khốn nỗi nhận thức của ông cụ ta rõ là lạc hậu không sao chịu nổi. Trần Tăng ngập ngừng suy tính một lát rồi nói, ta sẽ giao cho cậu một việc vô cùng quan trọng, phải tìm mọi cách gần gũi, gây được uy tín với Đào Kinh. Chúng ta phải nắm được Đào Kinh trong tay. Hai đứa cưới nhau anh sẽ là con rể của cả hai ông bố, Đào Kinh và ta. Ta thấy hồi này Đào Kinh đối với ta có phần khang khác. Anh có biết ngôi nhà Đào Kinh đang ở là nhà người Hoa để lại?
- Con nghe nói ông Đào Kinh có giấy tờ của gia đình người Hoa trao quyền sử dụng.
- Cậu Còn ngây thơ lắm, đấy chỉ là hình thức, biết đâu bên trong ngầm có ý đồ gì của những kẻ ra đi muốn cài cắm lại hòng mưu đồ lâu dài. Đào Kinh ở căn nhà ấy là không hợp pháp đâu...