Khi xem xét đặc điểm của các vương quốc, chúng ta phải bàn tới một vấn đề: liệu quân vương có đủ quyền lực để tự đứng vững khi cần thiết hay luôn cần sự bảo vệ và che chở của người khác. Để làm rõ điểm này, tôi cho rằng những quân vương có khả năng tự vệ là những người, thông qua sự dồi dào về tiền bạc hoặc quân đội, có thể tập hợp được một đội quân thích hợp và giỏi xung trận chống lại bất kỳ kẻ nào định tấn công. Còn những quân vương luôn cần sự bảo trợ của người khác là những quân vương không dám đương đầu với kẻ địch trên chiến trường mà phải ẩn náu, phòng thủ bên trong thành lũy. Trường hợp thứ nhất đã được đề cập43, và cũng sẽ được bàn thêm ở những phần thích hợp. [43 Xem chương 6, chương 12 và 13] Trường hợp thứ hai cũng chẳng có gì để nói ngoài việc phải khuyến khích những quân vương đó củng cố thành lũy, tích trữ lương thực và đừng bận tâm tới những vùng bên ngoài thành luỹ. Và bất kỳ quân vương nào đã gia cố thành trì vững vàng và đối xử tốt với dân chúng theo cách đã bàn kỹ ở trên (và dưới đây44) [44 Xem chương 9 và 19] thì kẻ địch phải suy tính rất nhiều khi muốn vây hãm ông. Khi thấy trước nhiều gian truân, người ta thường ngại hành động. Thật chẳng dễ dàng gì khi tấn công một quân vương có thành trì được gia cố vững vàng và không bị thần dân thù ghét. Các thành phố của nước Đức hoàn toàn tự do và có rất ít đất đai bên ngoài thành lũy. Vì thế, thành phố này tuân lệnh hoàng đế nước Đức khi nào họ muốn. Họ chẳng sợ cả hoàng đế lẫn những thế lực lân bang bởi vì các thành phố này đều có thành lũy kiên cố tới mức bất cứ kẻ nào cũng thấy rằng việc chiếm được thành phố hẳn phải rất khó nhọc. Họ có thành cao, hào sâu và pháo binh hùng hậu. Họ luôn dự trữ lương thực, thực phẩm và củi cho một năm. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn sống cho tầng lớp hạ lưu mà không làm cạn kiệt công quỹ, họ luôn dự trữ nguyên vật liệu cho một năm để những người này có việc làm và có thể kiếm sống từ những nghề thiết yếu của thành phố. Bên cạnh đó, họ còn coi trọng nghệ thuật quân sự và ban bố nhiều quy định để duy trì nghệ thuật đó. Bởi vậy, không thể tấn công quân vương nào có thành phố vững vàng và không bị dân chúng thù ghét. Cho dù bị tấn công đi nữa thì kẻ thù cũng sẽ phải lui quân trong hổ thẹn bởi lòng người dễ thay đổi sẽ khiến việc bao vây thành phố suốt một năm với những đội quân nhàn hạ là điều gần như không thể thực hiện được. Có thể sẽ có ai đó phản bác lại rằng, khi nhìn thấy gia sản của mình ở ngoài thành phố bị phá hủy, người dân sẽ mất kiên nhẫn và sự vây hãm lâu ngày cùng với những lợi ích riêng sẽ khiến họ quên đi quân vương của mình. Tôi xin đáp lại ngay rằng, một vị quân vương có ý chí và uy quyền luôn vượt qua tất cả những khó khăn như thế bằng cách khích lệ thần dân hy vọng rằng nguy nan sẽ không kéo dài, kích động nỗi sợ hãi của họ đối với sự tàn bạo của kẻ thù và khéo léo tự bảo vệ trước những kẻ quá hấp tấp và nóng nảy. Lúc mới đến, kẻ địch thường đốt phá những vùng xung quanh thành phố. Khi đó, tinh thần của người dân còn rất cao và họ quyết tâm bảo vệ thành phố nên quân vương không cần lo ngại gì nhiều. Vài ngày sau, khi tinh thần của dân chúng giảm đi phần nào thì thiệt hại lại đã xảy ra và tai họa đã giáng xuống và chẳng còn phương cách nào để khắc phục nữa. Giờ đây, có nhiều người hơn sẵn sàng sát cánh bên quân vương để bảo vệ ông vì dường như ông mắc nợ họ trước việc nhà cửa, gia sản của họ bị đốt phá khi bảo vệ ông. Bản chất con người là cảm thấy mắc nợ những gì nhận được cũng như cảm thấy người khác phải mắc nợ vì những gì mình đã cho.° Ta có thể thấy rằng, đối với một vị quân vương khôn ngoan thì việc giữ vững tinh thần của dân chúng suốt toàn bộ cuộc vây hãm cũng không khó lắm, miễn là đừng để khan hiếm lương thực và vũ khí. ° Chú thích của Sun Ming: câu này dịch có vẻ vô nghĩa. Nguyên văn Machiavelli nói: bản chất con người là gắn bó chặt chẽ với người khác cả vì những ân huệ mình nhận lẫn những ân huệ mình đã trao tặng nữa.