Chương 5
MỘT TẤN BI HÀI

I
 
  Suốt thời gian bi thảm trên, Hãng vẫn thỉnh thoảng đến thăm Uy.  Hãng là đảng viên chính thức được ngót một năm, tính cho tới ngày phong trào học tập tam phản phát động.  Thành tích tranh đấu cũa Hãng quá rực rỡ và lòng trung kiên của Hãng thì không đồng chí nào chối cãi nổi. Hãng thuộc hạng người cương trực nghĩ thế nào nói thế, sống thế nào nghĩ thế, đã tin ai thì tin vô điều kiện không thắc mắc, chẳng nghi ngờ.  Nhưng khi chợt thấy thắc mắc, chợt thấy nghi ngờ thì... Nhưng thôi, chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện.  Mặc dầu thành tích tranh đấu rực rỡ, lòng trung kiên không đồng chí nào chối cãi nổi mà Hãng vẫn bị ghi vào hàng đầu sổ đen!  Sao vậy?  Mặc dầu đứng đầu sổ đen mà Hãng khÔng bị lên "bàn mổ" tiếp ngay sau "người điển hình".  Sao vậy?  Đã thế Hãng còn được ban lãnh đạo học tập thả lỏng cho phép thỉnh thoảng đến đàm thoại một giờ với Uy trong câu chuyện tình cảm.  Sao vậy?
  Có thể nói Hãng bị ghi vào hàng đầu sổ đen chính vì Hãng bị Đảng liệt vào thành phần trí thức cũ ( có một phần cử nhân Luật) và là con địa chủ.  Hãng còn bị Đảng đặc biệt chú ý về thái độ quá hồn nhiên của anh.  Anh tin rằng đã bỏ gia đình như thế, gia nhập đội quân Tây tiến chiến đấu gian khổ như thế, bị địch bắt giam và tra tấn như thì Đảng không thể bắt anh phải tự tố cáo bất cứ một hành vi hay một tư tưởng phi cách mạng nào.
  Để Hãng đến nói chuyện với Uy, ban lãng đạo học tập có thâm ý muốn khuấy động mạnh vào ý thức của Hãng, những mong Hãng sẽ phản tỉnh thư, vậy chính Hãng khi lên bàn mổ phải nên có thái độ thế nào? - Nhưng khi nói chuyện với Uy, Hãng chẳng hề tự nêu vấn đề như thế.
  Rồi để cho Hãng lần lượt chứng kiến mấy đợt kiểm thảo các bạn đồng đội - vẫn theo thâm ý của ban lãng đạo học tập - thái độ cương cường của Hãng sẽ được gián tiếp mài rũa cho mòn bớt.  Trong khi đó ban lãng đạo lại có đủ thì giờ liên lạc với tất cả những người trước đây đã có thời kỳ chung sống với Hãng, sưu tập và bố trí trước tài liệu chất vấn.
  Rồi ngày chờ đợi tới, ngày chính Hãng phải lên bàn mổ.
  Bản tự thuật đầu tiên của Hãng vẻ vẹn như sau:
  "Tôi sinh năm 1921.  Năm 1939 tôi sang Pháp học.  Năm 1944 tôi về nước, ở Hà Nội vừa học Luật vừa giúp đỡ sổ sách trong công việc buôn bán của ba mẹ tôi.  Năm 1945 tôi đỗ phần thứ nhất cử nhân Luật.  Cuối 1946 tôi về đồn điền ở Âm Thượng (Phú Thọ).  Những ngày đầu kháng chiến, tôi còn ở lại đồn điền chứng kiến một lớp huấn luyện tăng gia sản xuất ở đó.  Cuối 1948 ngót hai mươi trại tăng gia sản xuất quanh đồn điền đều tan rã, tôi gia nhập bộ đội theo đoàn quân Tây tiến hoạt động về kinh tế trên quãng đường Nho Quan Sầm Nứa.  Năm 1950 tôi đổi sang cơ quan địch vận.  Đầu năm 1951 tôi có mặt ở trận Đèo Bông Lau.  Cuối xuân sang hạ, tôi có mặt ở chiến dịch đồng bằng Liên khu Ba.  Tới đầu thu năm đó tôi bị bắt trong chiến dịch Citron của địch tại Hải Dương. Hơn một tháng sau tôi thoát khỏi trại giam Hải Dương về Ninh Giang bắt được liên lạc cũ, trở lại bộ đội được cử sang đây theo học Lục quân khóa bảy."
  Hãng vừa đọc dứt bản tự thuật chính trị viên lãnh đạo học tập đứng lên nói:
  - Thưa các đồng chí, việc kiểm thảo nhân sinh quan của đồng chí Hãng vẫn theo y như đường lối đã định, nghĩa là lấy năm 1945 làm mốc phân chia hai xã hội mới cũ khác nhau.  Nhưng trước khi thực sự đi vào việc kiểm thảo nhân sinh quan, xin các đồng chí nào trước đây từng có liên lạc ít nhiều với đồng chí Hãng hãy soi sáng giúp đồng chí Hãng bằng cách thấy điều gì nghi ngờ thì chất vấn... chất vấn càng tỉ mỉ bao nhiêu càng xây dựng bấy nhiêu.
  Chính trị viên đã dứt lời nhưng còn khẽ gật gù cái đầu, đưa đẩy đôi mắt nhìn khắp hộ trường, giữ trọn vẹn lấy bầu không khí im lặng nghiêm trang đó một phút rồi mới từ từ ngồi xuống.
  Cuộc chất vấn bắt đầu.  Từ cuối phòng một tiếng vọng lên:
  - Tôi xin có ý kiến chất vấn đồng chí Hãng... Tôi muốn hỏi đồng chí Hãng khi dời đồn điền của cha mẹ theo đoàn quân Tây tiến là theo tiếng gọi của Đảng, của nghĩa vụ hay chỉ là theo tiếng gọi của anh hùng cá nhân?
  - Khi ở đồn điền, tôi thường tổ chức đi săn đêm, tôi ưa hoạt động mạo hiểm - Hãng đáp - Thoạt đầu tôi có thái độ dửng dưng trong ngày đầu kháng chiến, về sau được chứng kiến cảnh các cán bộ tăng gia sản xuất chịu khó học tập và thực hành canh tác ở ngay đồn điền nhà tôi, chứng kiến cảnh nheo nhóc của các đồng bào tản cư tại các trại tăng gia quanh đấy, tôi tự thấy băn khoăn xấu hổ cho nếp sống an nhàn của mình tại đồn điền.  Vừa hay dịp gặp anh bạn học cũ, anh bất ngờ có công tác qua địa phận đồn điền nhà tôi.  Được biết anh là chính trị viên trung đoàn Tây tiến, tôi bèn nhờ anh giới thiệu cho gia nhập bộ đội này, nghĩ rằng đáng lẽ ra đi săn thú đêm phù phiếm vô ích thì nay đi săn địch đêm góp phần vào kháng chiến chẳng hợp tình hợp ly hơn sao?  Tôi ra đi theo tiếng gọi của kháncg chiến và được kích thích bởi lòng yêu nước chứ chẳng phải theo tiếng gọi của anh hùng cá nhân!
  - Đồng chí quen sung sướng trên đất Pháp - một đồng chí khác cũng đứng cuối phòng chất vấn - về Hà nội đồng chí tiếp tục sống sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, lại từng lên đại học đỗ một phần cử nhân luật; lên đồn điền đồng chí tiếp tục sống sung sướng, từng tổ chức đi săn đêm để giải trí, vậy khi gia nhập đoàn quân Tây tiến gặp nhiều gian nan khổ ải chắc chắc phải có ngày đồng chí cảm thấy tinh thần giao động và có ý tưởng đầu hàng địch?
  - Trước hết - Hãng đáp - bảo tôi quen sống sung sướng trên đất Pháp là nhầm, nói là tôi tập quen kham khổ trên đất Pháp thì đúng hơn.  Tôi sang Pháp tháng ba năm 1939, năm đó tôi mới mười tám tuổi, thì tháng chín 1939 bùng nổ thế chiến lần thứ hai.  Tháng sáu năm sau - 1940 - Ba Lê đầu hàng, quốc hội Pháp cử thống chế Pétain lên cầm quyền và nghị hòa với Hitler; tướng De Gaulle rút quân sang Anh lập chính phủ lưu vong.  Vào mùa đông năm này, nhiều khi bữa ăn của tôi chỉ có mẩu bánh mì và củ hành sống, không cả pho-mát! Có những chiều đông rét đến nỗi tôi đành nằm lại ở trong phòng nhịn ăn, vì tính toán thấy rằng bữa ăn còm cõi buổi chiều không đủ bù đắp lại số nhiệt lượng trong người mất đi, khi mình tung chăn ra đi kiê'm bữa.  Chính tôi là người đã sớm chứng kiến cảnh bom đạn, cảnh đói rét thơi chiến ở xứ người, nhưng vì còn ít tuổi quá nên những điều mắt thấy tai nghe đó chưa làm tôi suy nghĩ nhiều đến tình nhân loại.  Năm 1944 sau cuộc đổ bộ thành công của tướn Mỹ Eisenhower lên bờ bể Normandie phía Tây bắc nước Pháp, quân Đồng Minh giải phóng được Ba Lê rồi tiến tới sông Rhin, thì ba mẹ tôi gọi tôi về nước.  Tại Hà Nội, tôi ghi tên học Luật, tôi hết sức hưởng thụ cuộc đời chính vì luôn bị ám ảnh bởi cảnh bom đạn đói rét mà tôi được chứng kiến thời còn sống ở Pháp.  Điều đó tưởng cũng là lẽ dĩ nhiên của con người.  Hơn nữa tôi vừa đến tuổi trưởng thành ham sống.  Hai mươi bốn tuổi!
  Cả phòng im lặng một phút.  Lời nói lưu loát của Hãng hầu như có uy hiếp được cả tinh thần chính trị viên.
  - Tôi có ý kiến chất vấn - một tiếng nói cương quyết vang lên giữa phòng - tôi là người cùng tiểu đoàn 150 trong trung đoàn Tây tiến với đồng chí Hãng.  Tiểu đoàn đóng ở đồn điền Bát Cô cách Nho Quan tám cây số.  Chính mắt tôi một buổi tối bắt gặp đồng chí Hãng đội mũ xụp xuống để che mặt rồi bước vào một tiệm cà phê ở Nho Quan.  Ngày đó gạo 2.800 đồng một tạ, lương bộ đội chỉ huy như đồng chí Hãng là 220 đồng, chưa đủ mua một yến gạo.  Vậy tôi xin chất vấn đồng chí Hãng lấy tiền đâu mà vào tiệm?  Phải chăng đồng chí Hãng đã lợi dụng lòng tin của đoàn thể, lạm công quỹ để tẩm bổ riêng cho bản thân mình, đúng với tinh thần vị kỷ tiểu tư sản, con đẻ của một xã hội thối nát là xã hội thực dân liên kết với tay sai phong kiến trước 1945?
  - Tôi công nhận - Hãng đáp ngay chẳng hề trù trừ - có vào tiệm cà phê ở Nho Quan.  Việc xụp mũ che mặt là việc của bất cứ cán bộ cao cấp nào bước chân vào tiệm, bởi trong khi đồng bào cùng các đội viên khác kham khổ cực nhọc, mình bước chân vào tiệm "tẩm bổ lẻ" như vậy không là điều đáng thẹn sao?  Nhưng tiền ăn uống đó của tôi không hề là tiền xâm lạm công quỹ.  Nguyên vì trên con đường đi công tác từ Nho Quan đến Sầm Nứa tôi gặp nhiều đồng bào tản cư quen, trước là bạn hàng của ba tôi ở Hà Nội, họ ân cần mời ăn uống... Số tiền lương không tiêu đến tôi để mua vài tá bút máy rẻ tiền, trữ trong sacoche, đến đâu cần tiền, bán ra từng chiếc một mà tiêu.  Dạo đó tôi vẫn nói đùa mỗi chiếc bút máy là một tấm chèque bình dân của tôi.
  - Đồng chí ăn ở nhà người quen - một đồng chí khác hỏi - tất nhiên "hòn đất ném đi hòn chì ném lại", đồng chí lấy tiền đâu để đáp lại miếng ăn?
  - Đôi khi tôi nhận lời mua giúp học một vài vật dụng ngoại hóa cần thiết ở ranh giới vùng tề.
  - Như vậy là đồng chí lạm dụng quyền hành đoàn thể để phục vụ cho cá nhân đồng chí! - vẫn tiếng nói đó vội vã hằn học kết tội.
  - Điều đó tôi nhận có, nhưng thật tình không phương hại chút nào đến công tác đoàn thể giao cho.
  - Đồng chí Hãng ngoan cố - một tiếng khác còn hằn học hơn - lợi dụng công tác để buôn lậu hàng ngoại hóa, đồng chí đã làm một thứ tay sai cổ động cho nền kinh tế địch!
  - Mỗi chúng ta đây - Hãng đáp - đều có một bút máy ngoại hóa để ghi chép học tập, đoàn thể mặc nhiên công nhận điều đó vô hại, thì việc tôi mua trữ một ít bút máy là một thứ "chi phiếu bình dân" không thể đem quan trọng hóa để kết tội là làm tay sai cổ động cho nền kinh tế địch.  Còn nếu đồng chí nghi là tôi ăn cắp hàng của đoàn thể thì xin thưa việc tổ chức của đoàn thể rất là chu đáo!
  Theo dõi cuộc chất vấn, chính trị viên đại đội không ngờ là Hãng còn cố bám vào thái độ "cương trực tiểu tư sản" đó, giá biết trước thế, có lẽ ban học tập sẽ không vội chọn Hãng lên bàn mổ tam phản.  Đã lỡ thì đành phải theo đuổi đến cùng, chính trị viên tin tưởng ở tài uốn nắn cá nhân của đoàn thể.  Nhưng, cuộc lãnh đạo học tập cần phải thận trọng và khéo léo lắm! Nhận thấy nếu còn kéo dài thì buổi học tập nhất định sẽ thất bại, y bèn đứng dậy, giơ cao cánh tay lên, đợi mọi người im lặng được một phút mới cất tiếng nói:
  - Việc kiểm thảo nhân sinh quan để tìm ra căn bệnh là việc tối hệ trọng.  Đoàn thể chỉ giúp đồng chí Hãng tự tìm ra tội lỗi, phải chính mình tìm ra tội lỗi của mình, có như vậy cuộc kiểm thảo mới có ích lợi cho đồng chí.
  - Tôi rất đồng ý ở điểm đó! Hãng bất chợt ngắt lời.
  - Vậy tôi đề nghị - chính trị viên tiếp - ngừng buổi học tập tại đây, đồng chí Hãng về sẽ bổ túc phản tỉnh thư bằng cách thuật rõ lại khoảng thời gian đồng chí hoạt động trong trung đoàn Tây tiến.  Chúng ta sẽ căn cứ vày đấy mà giúp đồng chí Hãng một cách đích đáng trong việc nhận định ra tội lỗi của mình!
  Lẽ cố nhiên mọi người đồng ý với chính trị viên.
II
  Bản bổ túc phản tỉnh thư thuật lại thời gian công tác trong trung đoàn Tây tiến, Hãng viết rất ngắn gọn, nhất là câu kết.  Nếu nội dung không gồm những sự kiện cụ thể, người ta có thể ngờ là Hãng tỏ thái độ ngạo mạn, với đoàn thể.
  Tiểu đoàn 150 của trung đoàn Tây tiến ngày đó đóng ở đồng điền Bát Cô cách Nho Quan chừng tám cây số.  Công tác của chúng tôi là công tác kinh tế mạo hiểm:  buôn thuốc phiện lậu.  Vì đoàn thể mà làm, rủi bị bắt ở những nơi đoàn thể không tiện can thiệp vì "nhĩ mục quan chiêm" thì cá nhân chịu trách nhiệm trước tòa án.  Lộ trình của chúng tôi như sau:  từ Nho Quan qua Kim Tân tới Cảm Thủy theo đường bộ; từ Cảm Thủy qua La Hán tới Hồi Xuân theo đường thủy ngược dòng sông Mã, rồi sang Sầm Nứa.  Mấy tháng đầu chúng tôi phải mua bạc hoa xòe ( đồng bạc có hình bà đầm xòe) ở Phát Diệm, Phủ Lý vì người Lào chỉ chịu đổi thuốc phiện lấy bạc thật, về sau hết bạc hoa xòe chúng tôi cố thuyết phục họ lấy bạc giấy Đông Dương.  Khi đã qua La Hán, Hồi Xuân, tới những trạm liên lạc gần biên giới Lào - Việt, chúng tôi thường bị phục kích bao vây ban đêm, hỏa châu sáng rực, liên thanh nổ rền quát ngang bụi rậm.  Có đồng chí tử thương đành bỏ xác lại, nhưng bạc hoa xòe, bạc Đông Dương nhất định phải mang theo bằng được. Tới địa phận Sầm Nứa nhiều khi chờ hai tuần mới có hàng, phải ăn sắn phơi khô trừ bữa.  Kiết lỵ và sốt rét là hai bệnh thông thường của chúng tôi.  Đó là khoảng 1948 và đầu 1949.  Chúng tôi đi từng trung đội như một cuộc hành quân.  Hàng về, từ đại đội trưởng trở lên mới được dùng thẻ hỏa tốc, chính quận trưởng công an mới được phép khám hàng trong phòng kín rồi cùng ký.  Chúng tôi bắt liên lạc với người tàu ở Pắc Hổi (Bắc Hải), họ đưa hàng lậu từ Ma Cao Hồng Kông sang.  Thoạt trao hàng ở Phát Diệm, sau đưa sang Diêm Điền (Thái Bình), sau đưa sang Hải Hậu (Nam Định).  Mỗi lần trao hàng, có trung đoàn Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) bố trí thiết quân luật để nhân dân khỏi thấy.  Chúng tôi trao hàng tạ thuốc phiện đổi lấy máy chữ, đá lửa, vải, và các chất nổ như mélinite, tolite... Sang mùa hạ 1949 Pháp luôn luôn ngược dòng sông Đáy càn quét từ Ninh Binh lên câu Gián Khẩu qua Trường Yên đến tận Nho Quan.  Cuối tháng 11-1949 Pháp nhảy dù xuống Yên Mô, chiếm Phát Diệm, chúng tôi bất ngờ bị vây mất mấy ngày nhưng rồi may thoát được.  Chiếm Phát Diệm xong, Pháp tiến vào chợ Ghềnh định sửa trường bay Đồng Giao, nhưng bị phá.  Đường Việt Bắc bị cắt đứt, Hà Đông, Phủ Lý bị càn quét liên tiếp, kiểm soát nghặt nghèo, các khu vực biến thành tự trị.  Muốn liên lạc với Việt Bắc phải quành lối trong, qua Chi Nê.  Chính dạo này chúng tôi bị đói nhiều và là dạo gạo 2.800 đồng một tạ, lương cấp chỉ huy của tôi 220 đồng, không đủ mua một yến gạo.  Bữa ăn nào cũng phải có rau muống già để độn; bữa nào rau muống già nấu với nước luột thịt trộn với ít tót mỡ, ấy là đại tiệc.  Và cũng chính vào thời này khi tôi có chút tiền dư là đội sụp mũ che mặt đi uống vụng cà phê.  Xin nhắc tôi không hề ăn cắp tiền nhưng nghĩ rằng xung quanh mình còn nhiều bạn đồng đội  và hầu hết đồng bào không có tiền, đói, khát, thì bước chân vào tiệm cà phê như vậy lương tâm cắn rứt.  Vì luôn luôn gặp lực lượng địch phục kích chúng tôi phải hành quân cấp tốc, mặc dầu ba lô trên lưng nặng, mặc dầu đường hết leo đèo lại xuống dốc, chúng tôi vẫn đi được sáu mươi cây số một ngày.  Lên cơn sốt rồi, đi cố cũng được mười cây số để kịp đến trục liên lạc.  Chúng tôi hành quân lần giây trong đêm tối dưới rừng, giây trùng thì đi chậm, giây căng thì đi nhanh.  Một lần vào buổi chiều chạng vạng, chúng tôi tới Bát Cô, qua gầm cầu còn thấy sọ người đỏ máu vì bị cọp ăn.  Có một bài thơ nói đến chúng tôi mở đầu bằng câu: "Tây tiến, đoàn quân không mọc tóc! Đúng thế!"
  Hãng đã ngồi xuống chờ chất vấn, giây lâu mọi người mới biết rằng bản bổ túc phản tỉnh thư tận cùng bằng hai chữ "đúng thế".  Rồi cuộc chất vấn khởi đầu.  Thái độ sáng suốt của Hãng làm những câu chất vấn mất tính cách huyền hoặc mà lộ vẻ ngớ ngẩn.  Câu trả lời của Hãng luôn luôn đơn giản nhưng vô cùng xác thực và đượm một niềm tin tưởng nhiệt thành.  Quả là hai bên nói hai ngôn ngữ khác nhau, một bên cố quy về tội lỗi, một bên hoàn toàn phủ nhận tội lỗi, thứ tội lỗi a dua cố bịa ra cho có.
  Hai câu chất vấn cuối cùng như sau:
  - Hành quân sáu mươi cây số một ngày, hành quân lần giây dưới rừng đêm tối, hành quân leo đèo lặn suối như vậy, khi qua gầm cầu Bát Cô lại thấy sọ người còn đỏ máu vì mới bị cọp ăn, tôi tin rằng đồng chí Hãng phải thấy ngã lòng vì kháng chiến quá gian khổ và chắc chắn phải đã có tư tưởng hàng định lởn vởn trong đầu óc, tôi muốn đồng chí Hãng cho biết lúc đó đồng chí nghĩ gì, rắp tâm đầu hàng địch ra sao?
  - Trong óc, tôi luôn luôn chia đất nước làm hai miền, miền địch và miền ta, không bao giờ tôi nghĩ sang ở vùng địch.  Tôi ưa mạo hiểm, ở đồn điền, tôi thích tổ chức săn đêm, gia nhập kháng chiến tôi hành quân đêm, nhìn sọ người đẫm máu vì bị cọp ăn càng là một thứ giaq vị kích thích cho lòng ưa mạo hiểm của tôi thêm hào hứng!
  Chính trị viên khẽ lắc đầu.  Biết cơ sự thế này thì bãi bỏ cuộc tam phản của Hãng ngay từ hôm qua lại hóa có chính trị.  Vừa lúc một giọng chất vấn khác tiếp theo:
  - Cách đây chừng ba tháng, đồng chí Hãng có thuật lại cho tôi hay khi phụ trách địch vận đã có lần đồng chí trốn địch ở một hang đá Đông Triều, rồi lên cơn sốt rét, đồng chí đã ngủ trên bụng một nữ đồng chí...
  Cả phòng cất tiếng cười ồ.  Đồng chí chất vấn chờ cho tiếng cười ngớt mới tiếp:
  -... Tôi ngờ rằng còn có điều chi khuất tất, đồng chí Hãng cần bộc lộ rõ hơn để chúng tôi giúp đồng chí tìm ra căn bệnh.
  Đôi mắt chính trị viên thoáng tia sáng, y giơ tay, mọi người im lặng, y cất tiếng:
  - Năm 1950 đồng chí Hãng đổi sang cơ quan địch vận, rồi dự trận đèo Bông Lau, rồi dự chiến dịch đồng bằng Liên khu Ba.  Tôi thấy đồng chí Hãng cần bổ túc phản tỉnh thư thuật rõ lại khoảng thời gian này cho đến ngày đồng chí theo khóa bảy sang đây, có như thế chúng ta mới có đủ tài liệu giúp đồng chí Hãng kiểm thảo nhân sinh quan.
  Lẽ cố nhiên đề nghị của chính trị viên lại được đoàn thể chấp thuận.
III
  Gian phòng của Hãng cũng căng vải đen với những khẩu hiệu ngang dọc, Hãng cũng đi chân không, mắc áo không cài khuy, mặc quần không giải rút, ăn cơm lạt để viết bản bổ túc phản tỉnh thư thứ hai dưới ánh đèn leo lét, nhưng điều làm cho chính trị viên phát phiền là Hãng không có dáng người, vẻ mặt thiểu não sầu khổ vì những tội lỗi trong quá khứ của mình, bởi lẽ giản dị là Hãng vẫn chưa chịu nhận đó là tội lỗi.  Khẩu hiệu chính căng lớn tại văn phòng hiệu bộ: TẤT CẢ CHO PHONG TRÀO TAM PHẢN!  Trong khi các người lên bàn mổ cặm cụi viết bản phản tỉnh thư hoặc bản bổ túc phản tỉnh thư thì ban nhạc cử những bài ai oán bên ngoài cửa sổ như tiếng khóc thương trước cửa nhà mồ.  Ban nhạc có đến trước cửa phòng Hãng vừa đờn vừa ca một bài hát buồn trong phim "Bạch Mao Nữ".  "Anh có nhớ chăng quê hương tơi bời khói lửa..." nhưng chính trị viên không tin ở hiệu lực của lời ca tiếng nhạc đó chút nào đối với Hãng.  Vấn đề Hãng, hay đúng hơn  "hiện tượng Hãng" mấy ngày mấy đêm nay ám ảnh y và toàn ban lãnh đạo học tập vẫn chưa tìm được giải pháp ổn thỏa.  Hạt thóc không thể gieo trên phiến đá nhẳn thín mà nảy mầm, chính trị viên tin ở tài lãnh đạo của đoàn thể, hạt thóc có thể nảy mầm trên phiến đá phủ rêu, nhưng từ phiến đá nhẵn đến phiến đá phủ rêu đòi hỏi thời gian.  Đã chót chỉ định Hãng lên bàn mổ, thời gian không còn nữa, cái lầm, của ban lãnh đạo học tập là ở đấy.
  Buổi tối hôm đó Hãng lên sập ngồi đối diện với các đồng chí đọc bản bổ túc phản tỉnh thư thứ hai của anh.
  "Cuối năm 1949 vì địch khủng bố dữ quá nên công tác buôn thuốc phiện bị ngừng trệ hẳn, chúng tôi phải xoay buôn gỗ, nhưng bè bị vỡ ở thác Hồi Xuân, phải huy động quân đội đi vớt; chúng tôi nuôi gà, gà toi; chúng tôi nuôi vịt, vịt không đẻ.  Tôi đổi sang cơ quan địch vận vào dịp này (đầu năm 1950).  Suốt một tháng đầu tôi không giúp được việc gì cho cơ quan mới vì chứng sốt rét lưu trữ từ thưở hoạt động trong đoàn quân Tây tiến.  Một lần cơ quan bị động, toàn thể anh chị em phải lẩn tản mát vào những hang núi Đông Triều, tôi lên cơn sốt vào nửa đêm, một nữ đồng chí có cảm tình cho tôi nằm ngả lên người đồng chí để tránh hơi đá lạnh buốt.  Chỉ có thế thôi! Vả lại lúc đó tôi ốm chỉ còn da bọc xương (Có tiếng cười khúc khích đâu đó trong phòng). Khi bệnh sốt rét ngớt lui, tôi trực tiếp điều khiển tờ báo bằng Pháp ngữ: viết bài, chọn bài, in báo và phân phát.  Đầu năm 1951 tôi lên mặt trận đèo Bông Lau vừa để ngầm tung báo địch vận tới các đại đội Pháp vừa tổ chức một hệt thống phát thanh lợi dụng vị trí thuận chiều gió cho lời tuyên truyền của ta lọt tới tai địch mỗi khi tiếng súng của chúng vừa dứt đợt.  Sau chiến thắng đèo Bông Lau đoàn thể cử tôi về đồng bằng tăng cường cho cơ quan địch vận nơi đây.  Chiến dịch REPTILE của địch bao trùm cả Hải Dương Hưng Yên.  Thoạt chúng đánh các vùng Thanh Miện, Bình Giang, Gia Lộc thuộc Hải Dương rồi chúng quành sang Hưng Yên như thể trò chơi rồng rắn của trẻ con.  Chủ trương của chúng: bao vây tiêu diệt cán bộ và bộ đội.  Tôi về tăng cường cho bộ đội địch vận của trung đoàn 42, trung đoàn phụ trách Hải Dương, Hưng Yên và đường số 5, khét tiếng là khi ẩn khi hiện như ma làm điên đầu tướng Cogny chỉ huy chiến dịch này.
  Cuối hạ sang thu địch mở tiếp chiến dịch CITRON đánh cả Hải Dương, Thái Bình.  Giữa hai tỉnh này là con sông Luộc, chiến dịch đồng thời diễn ra ở hai tỉnh như hai nửa trái chanh đã cắt mà lưỡi dao phân đôi là con sông Luộc.  Chiến thuật của địch quây tròn rồi thắt chặt lại để tiêu diệt cán bộ và bộ đội ta.  Chúng bắt cả ngàn người đưa đến trại hỏi cung.  Tôi bị bắt ở Ninh Giang (Hải Dương)\.  Camp de Triage của chúng loại dần, sau cùng còn lại chừng ba ngàn người tình nghi, già có trẻ có, thuần là đàn ông.  Chúng tập trung chúng tôi vào một khu đất trống giữa trời, xung quanh rào giây thép gai.  Mười tám ngày ròng, dầm mưa rãi nắng như vậy.  Tới bữa chúng chia cho mỗi người một nắm cơm với con cá mắm, chúng tiếp tục lọc dần để gửi những người tình nghi thực sự lên camp Hải Dương và camp Hải Phòng, tôi bị giải lên camp Hải Dương.  Tới đây tôi mới biết em rể tôi là Mạnh, tỉnh ủy viên Hải Dương, cũng bị bắt trong chiến dịch CITRON và cũng bị giam ở khu đất lộ thiên mà trước đây vì đông quá không biết nhau.  Phương pháp hỏi cung của nhân viên Phòng Nhì nơi đây là đánh phủ đầu, đánh tối mặt mũi rồi hỏi dồn dập: "Mày có phải cán bộ Việt Minh? Mày có phải Việt Minh quan trọng?"  Mình chối nó tiếp tục đánh.  Mạnh, em rể tôi, chịu qua đợt đòn này thì được thả vì y có bộ mặt nông dân nên Phòng Nhì Pháp cho là bắt nhầm.  Chúng kêu là tôi có bộ mặt trí thức và chắc chắn là "Việt Minh quan trọng"; tôi nhất định khai mình là giáo sư trường trung học Ngô Sĩ Liên ở Bắc Giang về thăm gia đình ở Ninh Giang nhưng gia đình đã vào Hà Nội, không biết ở phố nào.  Chúng tiếp tục tra tấn tôi, chúng đánh đòn theo kiểu Nhật "xin âm dương", nghĩa là đánh cho té xấp lật ngữa liên tiếp, chúng cột tôi vào phía sau xe Jeep, rồi cho xe chạy khiến tôi phải chạy giật lùi, mỗi lần ngã khụy là một lần trầy xương bánh chè, chúng cho quay điện rồi gí vào hai tai tôi... Tôi chịu qua thời gian truân đó, giữ vững lời khai.  Một số cán bộ công an cũ cu/a ta về hàng địch và được cử tới nhận diện, may thay tôi mới về công tác đồng bằng nên chúng không biết.  Sau cùng tôi dược xếp hạng tù binh nhốt trong phòng C, ngày ngày đi phu làm đường, làm cổng hoặc đi hầu các dinh thự.  Tòa hành chánh Ninh Giang, các công sở khác, cùng các đồn bót, nhà cửa đều còn lợp tôn với hàng rào giây kẽm gai vây quanh.  Ở salle C này tôi may mắn gặp được đồng chí liên lạc viên công tác đội trong cơ quan địch vận của tôi.  Trong lúc giả vờ đánh cờ hút thuốc chúng tôi mới dám nhận nhau và trao đổi một vài câu thầm lén.  Nơi đây là cả một cuộc tranh sống! Chính nhờ chú Khải - tên đồng chí liên lạc viên công tác đội - tôi mới có được bát cơm đầy mà ăn, có được bát nước mà uống.  Salle C có hai dãy sàn gỗ, giữa là lối đi, tù nhân ngủ trên và dưới gầm sàn, chật ních; chính nhờ chú Khải mà tôi có được một chỗ nằm dưới gầm sàn gần một khe hổng để bắt lấy tia gió mỏng qua đó mà đỡ ngạt thở phần nào.  Sáng sáng vào lúc rửa cầu tiêu, chính nhờ đồng chí Khải mà tôi có được một bơ nước để tắm, tắm bằng cách kỳ cho bở ghét rồi rắp nước vào khăn mặt mà lau.  Trong lúc giả vờ đánh cờ hút thuốc, chú Khải thường bảo tôi: "Thế nào em cũng được tha trước anh, không sao.  Các anh bị giam tối ngày ở Salle D họ mới nhớ mặt, còn anh ở salle C này thì không lo.  Vả lại Nô-en, hoặc Tết Nguyên Đán tới, anh cũng được tha; nếu không thì ngày Phật Đản mùng tám tháng tư hoặc cùng lắm đến ngày rằm tháng bảy sang năm là cùng anh cũng phải được tha, ngày đó em ra cũng được, không sao.  Quả nhiên hơn một tuần sau chú Khải được tha, tôi đã đội tên chú mà ra trước như đã bàn định với nhau; họ cấp cho tôi một mảnh giấy nhỏ để về nguyên quán là một làng thuộc huyện Ninh Giang ( như lời chú Khải đã khai hồi bị tra tấn).  Ra khỏi trại giam tôi rẽ tay trái tới bến ô tô gần vườn hoa, mua vé về Ninh Giang cho khỏi bị nghi ngờ, nhưng khi ô tô qua khỏi Cầu Cất (cầu kéo lên được) một quãng xe ngừng, tôi nhảy xuống đồng tìm vào một làng tề, bắt liên lạc được ngay với anh em đi về Việt Bắc.  Và đoàn thể cử tôi sang đây vừa kịp theo học Lục quân khóa Bảy"
  Hãng ngồi xuống, mọi người biết là bản bổ túc phản tỉnh thư đã hết.  Một đồng chí đứng ngay lên cất tiếng nói hằn học:
  - Tôi thấy cần chỉnh đốn lại danh từ, lần trước cũng như lần này, đó chỉ là bản bổ túc tiểu sử chứ không phải là bản bổ túc phản tỉnh thư bởi đồng chí Hãng có chịu nêu lên những tội lỗi gì của mình đâu?
  - Tôi đồng ý với đồng chí - Hãng đáp - thực ra đó chỉ là những bản bổ túc tiểu sử để các đồng chí căn cứ vào đấy mà chất vấn, giúp tôi tìm ra tội lỗi.  Sở dĩ tôi không bộc lộ tội lỗi vì tôi chưa nhìn thấy tội lỗi của tôi đâu cả.
  Rồi cuộc chất vấn bắt đầu, vẫn những câu hỏi ngu xuẩn cố lái về phía tội lỗi.  Câu đáp lại của Hãng thường đầy đủ chi tiết khiến cuộc chất vấn đỡ ngớ ngẩn phần nào.
  Đáp lại câu chất vấn "khi bị đổi công tác từ đoàn Tây tiến sang cơ quan địch vận như vậy có phát sinh tư tưởng oán Đảng không?" Hãng nói: "Tôi chẳng hề có tư tưởng oán Đảng vì sang ngành địch vận Liên khu ba, trông coi tờ báo La Résistance để thi đua với tờ Frères d'Armes của trung ương tôi có dịp ôn lại tiếng Pháp".
  Đáp lại câu chất vấn "trong công tác địch vận nguy hiểm như vậy hẳn có khi phải ngã lòng thối chí và phát sinh tư tưởng đầu hàng địch", Hãng nói: "Kể về gian nan thì công tác tại trung đoàn Tây tiến gian nan vất vả hơn nhiều.  Phát truyền đơn và báo chí địch vận, chúng tôi thường rải trên các con đường chúng tôi đi tuần tiễu, gần các đồn bót.  Gọi loa theo chiều gió thì chúng tôi đã đào trước nhiều hố để núp, sau mỗi lần gọi loa chúng tôi lại thay hố núp để tránh luồn đạn liên thanh.  Chúng tôi rất vui trong cái trò chơi rỡn với địch, rỡn với tử thần như vậy.  Theo chiều gió tiếng nói của chúng tôi có thể đi xa vài trăm thước".
  Gay go nhất là câu kết tội "Hãng đã úy tử cầu xin nhận giấy tha của Khải để thoát thân mình, không xứng đáng chút nào đạo đức cán bộ".  Hãng đáp: "Khải đề nghị với tôi như vậy cũng làm thấm nhuần chính sách bảo vệ và bồi dưỡng cán bộ của đoàn thể.  Tôi ở trại giam ra, không ở lại đất địch nửa ngày, lên xe ngay, bắt liên lạc với các đồng chí ngay, nửa tháng sau đã có mặt ở đây để theo Lục quân khóa Bảy, tôi tự thấy không có điều gì hổ thẹn với đồng chí Khải cả".
  Lời chất vấn khác nhất định buộc Hãng phải có tinh thần giao động cầu an muốn về thanh khi ở trạm giam ra, Hãng trả lời:  "Thái độ của đồng chí Khải trong trại giam đối với tôi như vậy, khi ở trại giam ra tới bến ô tô tôi có mua một ít thức ăn, đồng bào nhất định không lấy tiền vì biết tôi là tù chính trị vừa được thả.  Tình đồng bào, tình đồng chí đối với tôi như vậy làm sao tôi có thể có tinh thần giao động cầu an rắp tâm về thảnh"
  - Đồng chí thấy gì khi bị địch quay điện? (Ý câu chất vấn muốn quay về vấn đề giao động tinh thần).
  - Tôi chỉ thấy - lời Hãng đáp - hoa cà hoa cải đổ ra trước mắt.
  Cả phòng cười ồ, có tiếng cười thích chí của những người vẫn ngầm phản đối phong trào tam phản.  Không phải là Hãng dụng tâm khôi hài, chính trị viên biết lắm.  Lời đáp của Hãng chỉ là lời anh chàng thẳng ruột ngựa có thừa thiện chí nhận lỗi nếu rõ ràng đó là lỗi thật, nhưng cương quyết khước từ mọi tự kỷ ám thị để gây thành một tội lỗi hư ảo.  Cũng biết lời đáp trên nhiễm nhiều tính chất khôi hài, để tránh mọi hiểu nhầm, Hãng giải thích thêm:
  - Thoạt đầu bị quay điện ai cũng sợ nhưng rồi ai cũng quen vì biết rằng khi họ kê giây điện vào tai, mắt mình nhắm lại, một khoảng hồng rực lóe ra phía trước, chỉ qua đi vài giây là toàn thân ê ẩm, đầu óc tê dại, mình ngất đi không biết gì nửa.  Đáng sợ nhất, chính là đòn xin âm dương...
  Cánh cửa phòng họp bỗng mở tung, một đồng chí trong ban lãnh đạo học tập bước vào tiến nhanh lên bục, trao đổi khẽ vài lời với chính trị viên, vẻ bàng hoàng thoáng lộ.  Tổ tâm giao của Hãng được gọi lên.  Cả phòng nín thinh chờ đợi... Chính trị viên quay lại tuyên bố buổi học tập tạm giải tán.
  Có việc gì vừa sẩy ra đây!
IV
  Việc gì vừa sẩy ra?
  Việc sẩy ra bên trung đoàn 34, trung đoàn pháo binh do phó chính ủy Lê K. (con bà Cát Hanh Long) lãnh đạo phản tỉnh.  Phong trào phản tỉnh đã tới giai đoạn chót, trung đoàn 34 của Lê K. nhiều người tự tử nhất.  Thiếu tướng chính ủy Trần B. báo cáo tổng quát về nước với Trung Ương Đảng Bộ là phong trào tam phản đã giúp y khám phá tới 70% Việt gian trong trường Lục quân.  Mặc cho mọi người bất mãn!  Mặc cho mọi người mất hết tinh thần! Người lên bàn mổ song song với Hãng bên trung đoàn 34 là Duy Hoàn.
  Trái hẳn với Hãng, DUy Hoàn có dáng nhỏ nhắn như con gái, nước da trắng xanh khuôn mặt trái soan trông rất dễ thương, đôi mắt khi vui thành thực thì mở lớn, khi suy nghĩ hoặc muốn dấu tình cảm thì lim dim, vẻ lim dim nửa chịu đựng nửa khôi hài, tuyệt nhiên không nham hiểm.  Cũng là người được nhiều cảm tình với quần chúng như Hãng nhưng DUy Hoàn có một vẻ quyến rũ huyền bí như những chuyện huyền bí anh thường kể cho anh em nghe.  Trước kia, hồi chưa phát động phong trào tam phản, cứ sau giờ sinh hoạt, về khú, tuy đã rất mệt, anh em trong tiểu đội hay trung đội vẫn thích ngồi nán lại nghe chuyện huyền bí của Duy Hoàn, ai nấy miệng há hốc.
  Tất cả bạn bè đều biết câu chuyện tình của Duy Hoàn với nữ cán bộ Phương Thảo.  Trí tưởng tượng của Duy Hoàn thật phong phú! Ngày đó và cuối năm 1945, đoàn tuyên truyền xung phong Kiến An vừa thành lập, Duy Hoàn hay tin trong đoàn của anh sẽ có một cô gái tên là Phương Thảo, anh mê ngay tên đó, rồi muốn mê luôn cả người, mặc dầu anh chưa biết mặt người đẹp.  Phương Thảo là cỏ thơm, cái tên sao mà hiền sao mà thơ mộng, sao mà lãng mạn! Anh tự nhiên thích tất cả những câu cổ thi trong đó có hai chữ phương thảo.
  Anh ngâm lớn
  Vương Tôn du hề bất quy
 
Phương Thảo thanh hề thê thê.
  Rồi hôm khác anh ngâm bài khác:
  Xuân du Phương Thảo địa
  Hạ thưởng lục hà trì
  Thu ẩm hoàng hoa tửu
  Đông ngâm bạch tuyết thi.
  Một anh bạn nghiêng tai lắng nghe rồi lắc đầu cải chính bằng giọng thân mật:
  - Không phải rồi ông ơi, "Xuân du thanh thảo địa" mới đúng! Bốn câu thơ nhấn mạnh ở bốn sắc màu thanh thảo địa, lục hà trì, hoàng hoa tửu, bạch tuyết thi.
  Nhưng Duy Hoàn vẫn khăng khăng ngâm theo ý hướng của anh:
  Xuân du phương thảo địa
  Hạ thưởng lục hà trì
 ...
  Rồi người đẹp Phương Thảo tới nhận công tác, nàng đẹp và hiền đúng như Duy Hoàn đã tưởng tượng trước.  Duy Hoàn được bầu làm trưởng ban, người ta cấp cho anh một chiếc xe ngựa, một con ngựa.  Dưới quyền cu/a anh có Phương Thảo và hai anh Vệ quốc quân nữa, vị chi là bốn người.  Duy Hoàn có mang theo chiếc mandoline của anh.  Thế là chiếc xe ngựa cọc cạch chở bốn người đi hết làng này đến làng nọ, hết tổn này đến tổn nọ để tuyên truyền giải thích đường lối của chính phủ.  Trước khi diễn thuyết mọi người đứng nghiêm làm lễ chào cờ, cùng hát quốc ca, Duy Hoàn đánh mandoline theo.  Lẽ cố nhiên anh và Phương Thảo yêu nhau và khi ban tuyên truyền đến tổng Đồ Sơn sẵn cảnh sơn thủy hửu tình khích lệ, Duy Hoàn đã hoàn toàn chiếm hữu Phương Thảo dưới ánh trăng, khoảng bãi cỏ thơm, trên mỏm Hòn Đẩu, một địa điểm tuy đẹp thật nhưng đượm vẻ khốc liệt của chốn sơn cùng thủy tận.  Sau phút ân ái Phương Thảo gục đầu lên vai anh khóc nức khiến cảnh núi, rừng, trăng, biển Hòn Đẩu bỗng như run rẩy trong cô quạnh và tang thương.  Sau đó Phương Thảo được cử đi công tác nơi khác, Duy Hoàn gia nhập bộ đội, rồi kháng chiến toàn bùng nổ, hai người không được gặp nhau nữa.  Linh tính cho Duy Hoàn hay Phương Thảo đã chết, Duy Hoàn tin chắc vậy.  Vào bộ đội chiến đấu, Duy Hoàn truy kích binh đoàn Pháp trong chiến dịch sông Lô, phục kích tiêu hao địch trên quốc lộ số 4, thuyên chuyển sang trung đoàn 42 để đặt mìn phá hoại đường số 5 cùng công đồn địch tại Hưng Yên Hải Dương, ở đâu anh em cũng thấy Duy Hoàn hăng hái đi hàng đầu, tự nêu khẩu hiệu đánh nhan đánh mạnh, vì trong tâm linh Duy Hoàn luôn luôn có tiếng nói huyền bí của Phương Thảo: "Anh tiến thật nhanh đi, đánh thật mạnh đi, đã có em phù hộ".  Trước khi được cử sang Tàu theo học lục quân khóa bảy Duy Hoàn được tặng huân chương chiến sĩ hạng nhất.  Anh em đồng đội thường gọi đùa Duy Hoàn là Mã Siêu (trong Tam Quốc).  Trong dịp đi tuyên truyền ở các làng, các tổng quanh Kiến An, Duy Hoàn đã được chứng kiến cảnh người cộng sản thủ tiêu anh em Dân chủ đảng, cho nên sau này anh chiến đấu rất anh dũng cho kháng chiến chứ nhất định khước từ lời dụ dỗ vào Đảng.  Vào Đảng theo ý anh là a tòng với bọn giết người (giết anh em Dân chủ đảng).  Anh đâu có là đảng viên Dân chủ nhưng một hình ảnh ghê tởm nào anh đã thấy thì in sâu trong trí anh đến mãn đời, anh vốn giàu tưởng tượng!
  Duy Hoàn chẳng còn ai thân thích trên đời, cha mẹ đã mất sớm, anh trên chẳng có, em dưới thì không, lẽ ra anh không phải lên bàn mổ tam phản, nhưng ban lãnh đạo học tập thấy cần phải mổ xẻ anh vì bốn điểm sau này:
  - Một người không phải là đảng viên mà chiếm được nhiều tình cảm quần chúng như vậy rất có hại cho sự lãnh đạo của Đảng.
  - Mối tình của Duy Hoàn với Phương Thảo sặc mùi lãng mạn tiểu tư sản.
  - Duy Hoàn trước đây rất giỏi đàn tam thập lục, thường ca ngợi nhữNg bài Tàu như Vương cô nương, một thứ tiểu tư sản và bài Nhì Voòng (nhị vương) ca ngợi phong kiến.
  - Ưa nhưng chuyện  huyền bí có hại cho ánh sáng Mác-Lê.
  Bởi thế Duy Hoàn phải lên bàn mổ.  Đảng đã khôn ngoan để Hãng và Duy Hoàn lên bàn mổ vào giai đoạn cuối vì cả hai đều được cảm tình quần chúng, nếu họ bị hành hạ ngay từ phút đầu e bất lợi.  Lên bàn mổ vào giai đoạn cuối hai người đã được thừa dịp quan sát và nghiền ngẫm trường hợp những kẻ giác ngộ nửa vời bị trói rồi lấy báng súng đập vào đầu, bị lột trần truồng ngâm trong nước lạnh nửa giờ rồi đeo bảng "Ngoan cố" hoặc "Phản cách mạng" mà ddi diễu trước mọi người.  Cả những gương tự vẫn bị quẳng xác lên đồi làm mồi cho sài cứu nữa.  Hai người tất nhiên cũng phải hiểu hoặc cố hiểu rằng lý do tẩy não hoán não điêu đứng như vậy chính là để sau đây có thể phục vụ cho đoàn thể, phục vụ cho kháng chiến đắc lực gấp bội.
  Nhưng hai người đã phản ứng ngược lại với dự tính của Đảng, mỗi người một cách!
  Phần nặng nhất của Hãng là có ông nội làm tay sai cho giặc (cụ đề Kình), và cha là địa chủ (ông phán Nghị).  Nhưng phần kiểm thảo bản Hãng chưa xong thì Duy Hoàn đã cứu Hãng bằng tấn bi hài kịch do chính Duy Hoàn vừa đạo diễn vừa thủ vở.
V
  Cũng như Hãng, Duy Hoàn khởi sự buổi học tập bằng cách thuật lại tiểu sử, Duy Hoàn thuật miệng chứ chẳng phải nhìn vào giấy tờ chi cả.  Lẽ cố nhiên tiểu sử Duy Hoàn cùng có lởn vởn những bóng ma.  Ban lãnh đạo học tập không ngắt lời Duy Hoàn vì cần thu lượm những bằng cớ hoang đường đó để "đập" lại sau này, còn anh em khác thì nín thở theo dõi, kể cả những anh đã được nghe chuyện một lần rồi.  Trong bầu không khí nghẹt ngào u uất của học tập tam phản mà có được một buổi công khai nghe chuyện ma như vậy, giây phút giải thoát đó giá đáng ngàn vàng.

*

°
  Tôi sinh ngay tại tỉnh Kiến An, mồ côi cha mẹ từ sớm, ở với người anh giai làm thư ký tòa Sứ.  Hàng tuần anh tôi họp các bạn tại nhà vào ngày chủ nhật để họa đàn.  Anh tôi mê đàn hơn mê gái nên năm đó đã trên hai mươi tuổi rồi mà chưa chịu lấy vợ.  Tuổi tôi mới chừng mười hai, mười ba.  Trong lúc anh tôi cùng các bạn họa đàn tại phòng khách thì tôi nằm ở trong phòng nghe lỏm; chẳng bao lâu tôi thuộc hết những bài anh tôi thường họa: Bình bán, Lưu thủy, hành vân, Khổng Minh tọa lầu, Tay thi, Kim tiền... Vào những ngày giờ anh tôi đi làm, tôi mang cây đàn từ xuống dò lại những bài đó, rồi tụ tập các bạn trể cùng lứa tuổi tại nhà, đàn và dạy chúng hát.  Chúng thích lắm.  Đôi khi tôi đánh đứt dây đàn nối không đúng kiểu, anh tôi chỉ mặt dọa đánh, lại có khi tôi đương tụ tập dạy hát thì anh tôi quên cái gì chợt về, tôi bị những cái củng tưởng như đến thủng đầu.  Tôi sợ anh như cha, có phần hơn thế.  Buổi chiều khi đi học về, anh tôi cũng đã ở sở về, tôi len lét như rắn mùng năm.  Không phải là anh tôi nghiêm ác gì, người vốn có cái oai như vậy. Năm mười sáu tuổi tôi thi được vào trường Canh Nông Thực Hành tại Tuyên Quang.  Tôi sống cuộc đời tự lập. Nơi dây tôi gặp một anh bạn giỏi kéo nhị, thường cùng tôi họa đàn vào những ngày giờ nghỉ.  Anh bạn dạy tôi thêm đàn tam thập lục.  Nói là tam thập lục kỳ thực những ba mười tám giây, vì còn phải kể thêm hai giây chập đôi thật trầm nữa.  Tôi chơi giỏi tam thập lục những bản Tàu như Chống Bản, Vương Cô Nương, Nhì Voòng... Bản Vương Cô Nương nghe như lời khóc than thiết tha của người đàn bà xa tình nhân vào thời chinh chiến; bản Nhì Voòng tức là Nhị Vương - hai vua - thoạt có khúc dạo, rồi đến bản đàn chính nghe như hai vua ngồi đàm thoại với nhau về quốc kế dân sinh, đoạn kết thúc nghe sang sảng như tiếng cười tâm đầu ý hợp của hai vua trước khi chia tay.  Đàn đó đắt quá, của anh bạn, nên từ sau ngày dời khỏi Tuyên Quang tôi không được mò tới lần nào nữa.  Chương trình lớp canh nông thực hành học hai năm.  Vào dịp hè tôi có về Kiến An thăm anh.  Giờ đây tôi tự coi như đã trưởng thành, không còn len lét sợ anh như xưa nữa.  Hai anh em họa đàn.  Thấy tôi chơi hay và đúng anh tôi ngạc nhiên hỏi: "Chú biết đánh đàn tự bao giờ thế?"  Tôi đáp là đã biết đánh mò thừ thuở còn ở nhà với anh.  Tốt nghiệp ở trường canh nông Tuyên Quang ra, chưa kịp đền đáp công nuôi nấn của anh chút nào thì anh bị bạo bệnh mất.  Tôi vào Thanh Hóa nhận việc tại đồng điền Vân Du, một đồn điền nhà nước mới phai phá (Một vài người mỉm cười một cách kín đáo vì họb biết sắp đến đoạn kể chuyện ma).
  Chuyến tàu xuyên Việt qua đèo Đồng Giao sang địa phận Thanh Hóa tới ga Bỉm Sơn ngừng lại mấy phút.  Tôi xuống ga này và còn phải đi vào chừng mười sáu cây số nữa mới tới đồn điền Vân Du.  Đền Phố Cát cách đấy chừng một cây, vào những ngày rằm, mùng một, phu và cai đều tới đền lễ để cầu xin bà Liễu Hạnh che chở cho khỏi bị ma rừng quấy nhiễu.  Tối đầu khi vừa thiu thiu ngủ tôi bỗng thấy có người nằm ngay cạnh tôi.  Trí suy xét còn hoàn toàn minh mẫn, tôi nhớ rằng mình đến đồn điền có một mình, và một mình mình ở căn nhà ba gian này, cai và phu ở chung một căn khà khác phía gần cổng, thì làm sao có người thứ hai nằm cạnh được?  Tôi cất tiếng hỏi dõng dạc: "Anh là ai mà nằm cạnh tôI thê" này?" - Nó đáp, giọng con gái: "Tôi là cô An đây mà, anh Hai!".  Cô An! Sao nó biết chuyện cô An với tôi? Nguyên vì khi còn học ở Tuyên Quang, vào những đêm trăng, thế nào tôi và anh bạn cũng bỏ ra ít thì giờ lên đồi họa đàn.  Cô An thường đứng lẩn ở chân đồi nghe trộm, cô là con gái ông giám đốc trường, cũng trạc tuổi tôi.  Một lần gặp tôi trên đường, cô nói: "Anh Hai chơi đàn hay lắm, anh Hai!".  Ý cô muốn đợi tôi tỏ tình.  Vì ít thời giờ quá, chương trình học nặng cả về lý thuyết lẫn thực hành nên chuyện đó tôi bỏ qua, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao cô ta biết tôi là con thứ hai trong gia đình.  Tôi vừa nghĩ đến đây thì người nằm cạnh thọc nách cù tôi, lập tức tôi dùng cùi tay gạt hắn ra lia lịa, chứ không dám đấm (tôi còn nhớ rõ đấy là đàn bà).  Vì làm nhiều cử động như vậy, tôi tự trạng thái nửa mê nửa tỉnh trở thành tỉnh hẳn.  Tôi bàng hoàng nhìn quanh không thấy ai.  Tôi vẫn chưa biết mặt hắn.  Sau đó tôi ngủ yên suốt đêm.  Ba bốn đêm sau liền không hề thấy động tỉnh gì.  Sắp rằm tháng tám, tôi muốn về ăn tết Trung Thu với ít người thân ở Kiến An.  Tôi dời đồn điền vào sáng sớm, đi xe đạp.  Dọc đường tôi nghỉ ở hai chặng:  Ninh Bình và Phủ Lý.  Tôi tới Hà Nội vào khoảng năm giờ chiều, định ra ngồi ghế đá ngắm hồ Hoàn Kiếm một lúc rồi đi ăn và mua bánh trung thu sửa soạn mai về Kiến An là vừa.  Vừa ghếch xe đạp cạnh ghế đá chưa kịp ngồi thì có bàn tay ai đặt trên vai tôi.  Giật mình quay lại, tôi vui mừng nhận ra anh bạn thân thường cùng tôi họa đàn ở Tuyên Quang.  Anh được bổ đi làm ở một đồn điền nhà nước tại Sơn Tây, anh cũng vừa về tới Hà Nội sắp sửa đi mua bánh trung thu để còn kịp về thăm nhà trong Hà Đông.  Anh rủ tôi về ăn Trung Thu tại Hà Đông với gia đình anh, nhân tiện anh sẽ kể một câu chuyện có liên lạc với tôi.  Tôi cũng muốn về Hà Đông lắm để cùng anh bạn họa lại những bản đàn Chống Bản, Vương Cô Nương, Nhì Voòng, nhưng mệt quá rồi, tôi từ chối; anh bạn bèn ngồi ngày ghế đá kể chuyện cô An.  Cô An đã chết.  Cô treo cổ trên sà nhà tự tử.  Cô có mang với anh bạn xấu nhất và dốt nhất lớp, hiện còn phải ở lại học đúp một năm nữa.  Da đen mặt rỗ, người gầy như que củi nhưng rất tốt bụng, khi hay tin An có mang, anh bàn chuyện ăn hỏi và làm lễ cưới, nhưng An nói thẳng cho anh hay là An không yêu anh mà chỉ thầm yêu trộm nhớ có tôi.  Rồi An tự tử.
  Kể xong chuyện anh bạn tôi cười, kết luận: Đứa con đó đẻ ra, nhất định giống cậu vì khi ngủ với hắn, An tơ tưởng đến cậu.
  Tôi chưa yêu An, không mấy khi nghĩ đến An nhưng hay tin An chết như vậy tôi thương nàng vô cùng.
  Ăn tết trung thu ở Kiến An xong tôi trở về đôn điền Vân Du bằng đường ngang qua Nam Định.  Lần thứ hai tới đồn điền này, tôi mới có dịp quan sát kỹ địa thế nơi đây.  Cả Thanh Hóa chỉ vùng này có đất đỏ, xung quanh là rừng già, cây lớn tới sáu bảy người ôm, thổ dân phần lớn là người Mường.  Tự đó có đường xuyên rừng đi Nho Quan thuộc Ninh Bình.  Tôi bắt đầu trông nom việc giồng sơn và giồng cam.  Hổ báo nơi đây đã nhiều, đồn điền lại có con bò mộng giống Ấn Độ, đêm đêm gầm lên chẳng khác gì tiếng cọp gầm.  Tôi còn sắp khám phá thêm một điều.  Căn nhà chính ba gian thênh thang, gian giữa có tiền đình, phòng khách rồi phòng ăn, gian phía Nam làm nhà kho chứa thóc và dụng cụ, tôi ở gian phía Bắc.  Tôi hỏi người cai: "Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam, tai sao gian hướng Nam lại dùng làm nhà kho? Ở gian hướng Bắc thế này, rồi sắp tới mùa lạnh đây chịu sao được?" - Lúc đó người cai mới nói thực là cách đây một năm, khi căn nhà này sắp hoành thành thì hai chú cháu người thợ mộc có điều chi xô xát, người cháu sẵn rìu trong tay bổ chú một nhát chết tươi.  Nhà làm xong người cai có mang vợ đến ở gian phía Nam, nhưng bảy ngày sau người vợ cuốn gói về quê, không dám ở nữa, vì hể cứ chợp mắt là ma xuất hiện, khi thì thọc nách cù, khi thì bóp cổ, trên cả hai vợ chồng.  Vợ về quê, người cai xuống căn nhà gần phía cổng, ngủ chung với phu.
  Hôm sau tôi nhất định cho chuyển kho thóc và dụng cụ sang gian phòng phía Bắc, tôi ở gian phòng phía Nam.  Người cai dặn hễ đêm khuya thấy ai rung cửa dù gấp đến mấy cũng chớ có mở.  Mấy đêm qua không có chi lạ, tới buổi tối đó, đương nằm đọc sách dưới anh đèn dầu tôi chợt thiu thiu ngủ và thấy cánh cửa rung lên như có người cầu cứu bên ngoài.  Vẫn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh tôI lẳng lặng quan sát cho rằng gió lớn chuyển rừng.  Bỗng bên phòng khách có tiếng đưa võng và tiếng ru con.  Tôi nhớ rõ phòng khách không có chỗ nà mắc võng, và đồn điền không có đàn bà.  Tôi cố rướn mắt cho tỉnh hẳn nhưng chỉ được chừng một phút, tôi lại rùng mình thấy tim nặng và chìm vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhưng đầu óc rất sáng suốt để nghe thấy rõ tiếng võng kẽo kẹt và tiếng ru con.  Sau cùng tôi cố vùng dậy ra khép cánh cửa thông sang phòng khác và nói: "Thôi được, bên đó mày cứ ru con, bên này tao ngủ".  Rồi tô ngủ như thường.  Cứ thế cách dăm bảy hôm lại một lần tôi rơi vào trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, khi thì cảm thấy như giường bay lên trần nhà, khi thì cảm thấy như giường trôi veo veo quanh phòng.  Những lúc đó tôi trùm kín chăn tự nhủ: "Kệ cho mày nô rỡn, mày có lật tao xuống đất thì tao lại leo lên giường ngủ như thường".  Tôi tự hỏi phải chăng đúng vào lúc nửa mơ nửa tỉnh, trí xét đoán minh mẫn như vậy, là lúc mình ở trạng thái có thể giao cảm với hai miền âm dương?
  Thường thường tôi tự trạng thái tỉnh chìm xuống trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, nhưng tới đêm kia vào khoảng hai ba giờ sáng tôi đương ngủ mê mệt bỗng bình bồng nổi lên trang thái nửa mơ nửa tỉnh và nghe tiếng trẻ con khóc lặng bên phòng khách.  Thường khi nghe tiếng khóc lặng như vậy, bao giờ ta cũng ngóng đợi cho tới lúc đứa bé lấy lại được hơi và khóc sang đợt khác, lần này tôi nghe tiếng khóc ằng ặc bặt luô, tựa hồ đứa bé bị bóp cổ cho nghẹt thở.  Tôi còn đương phân vân thì thấy có người vén màn lên, trời ơi, An! An ăn vận hệt hôm gặp tôi giữa đường và khen tôi câu: "Anh Hai chơi đàn hay lắm, anh Hai".  Tôi ngồi nhỏm dậy nắm lấy tay An, An rụt vội tay lại.  Sực tỉnh hẳn, thấy mình quả đã ngồi dậy, trước mặt không có gì, vừa lúc con bo Ấn Độ gầm lên một tiếng hãi hùng.  Tôi cứ tưởng đêm sau, tôi tất còn gặp An nữa, nhưng không, cả tiếng võng kĩu kịt và tiếng ru con cũng bặt mất.  Một đêm kia thấy màn rung động, mở mắt ra tôi thấy ba người đàn ông, một người dưới chân giường đối diện tôi, một người ngồi mép giường sát khủy tay trái của tôi và một người đứng.  Tôi hỏi: "Các anh muốn gì mà vào đây?" - Người ngồi dước chân giường đáp: "Thưa ông, xin ông cúng cho chúng con". - Tôi làm vẻ gật đầu: "Được rồi!" Khi ba người ra tới gần cửa tôi chợt nhớ một điều vội gọi lại: "Các anh phải cho tôi biết tên chứ."  Người trước đây ngồi dưới chân giường đáp:  "Con tên là Chu Trác Ngọc, hai em con đây là Chu Trác My và Chu Trác Phục".  Tôi thấy những tên đó không có vẻ Việt Nam chút nào.  Tôi lại hỏi: "Thế các anh ở đâu?" Chu Trác Ngọc đáp: "Chúng con đều ở núi Ông Voi".  Tôi nghĩ thầm: "Quái ở KIến An mới có núi Ông Voi chứ ở đây làm gì có núi ấy".  Rồi ngủ thiếp đi. Hôm sau hỏi người cai mới hay vùng này có núi Ông Voi, cách đồn điền chừng sáu cây số.  Tôi tới thăm, núi đó chỉ là một ngọn đồi thấp nhấp nhô lên giữa khoảng đồng lầy, lau sậy mọc ngút ngàn.  Dân cư vùng này vào mùa mưa phảI trữ thức ăn chừng mươi hôm, vì khi mưa, nước lũ đổ xuống, cả vùng biến thành biển hồ, có nhà nền cao một thước mà nước lên mấp mí bực cửa.  Trên núi Ông Voi có một khu làm nghĩa địa, có một cái miễu bỏ hoang đã lâu ngày không ai cúng vái gì.  Trở về đồn điền, nhớ lại lời hứa của mình đêm hôm trước tôi có mua đồ cúng.  Bảo là tin tôi không tin hẳn, cho đến nay tôi cố tìm hiểu trạng thái nửa mơ nửa tỉnh đó.  Bảo là sợ, tôi cũng không hề sợ, vì tôi đã quen với trạng thái hồi hộp này lắm, nhất là cũng có khi trong trạng thái này tôi thấy mình đi vào một thế giới có thứ nắng vàng đẹp vô cùng.  Thực tình tôi ngờ là con người có một linh khiếu nào khiến mình có thể nhìn thấy một chiều khác của sự vật.  Linh khiếu đó, khoa học chưa khám phá ra hoặc không thể khám phá ra được.
  Buổi học tập tạm ngừng vì đã mười hai giờ khuya.  Để "giải độc" bầu không khí những mộng cùng mị những mà cùng quái đó, chính trị viên đại đội lên tiếng:
  - Chúng ta tạm ngừng ở đây để tối mai tiếp tục.  Đồng chí Duy Hoàn đã thuật lại tiểu sử bằng một giọng thành thực, tuy nhiên hẳn các đồng chí cũng nhận thấy qua lời tự thuật, tính cách lãng mạn rẻ tiền tiểu tư sảng và tư tưởng huyền bí phản Mác Lê!  Đó là những con rắn độc thuở nhân sinh quan kể từ 1945 trở về trước, chúng ta có bổn phận chuẩn bị giúp đồng chí Duy Hoan đánh rập đầu những con rắn độc đó!
 
VI
  Lời cảnh cáo của chính trị viên đại đội không ảnh hưởng gì đến Duy Hoàn; hôm sau anh thuật đến quãng đời tham gia cách mạng của anh, thoạt là khoảng thời gian đi tuyên truyền trên chiếc xe ngựa và gặp Phương Thảo.  Anh kể rất kỹ mối tình của anh với Phương Thảo, anh thuật rõ cả buổi ân ái dưới trăng trên mỏm Hòn Đầu và niềm tin do linh tính báo là Phương Thảo đã ra người thiên cổ.  Trái lại tới quãng đời gia nhập bộ đội chiến đấu, anh kể rất ngắn gọn, anh quên cả việc anh đã được thưởng huân chương chiến sĩ hạng nhất.
  Cũng như Hãng, Duy Hoàn đã ngồi để anh em chất vấn hai đêm liền, Duy Hoàn không đơn giản và thẳng ruột ngựa như Hãng.  Nếu Hãng có thái độ sẵn sàng nhận lỗi nếu quả đó là lỗi thật, Duy Hoàn trái lại có vẻ cương quyết âm thầm (âm thầm với anh nhưng thách thức với toàn ban học tập) của một một con ngựa già trở về đường cũ theo khe rừng lạch suối.  Nếu Hãng giữ được thái độ hồn nhiên suốt từ đầu đến cuối buổi chất vấn thì Duy Hoàn càng về sau càng có thái độ nửa khinh mạn nửa chua chát nhưng luôn luôn giữ vững lập trường của anh và tuyên bố rằng đó là những lời thực ý nghĩa thực.  Anh ngước nhìn người chất vấn chăm chú như nhìn ai, anh trả lời trầm trầm như còn đồng thời lắng nghe lời ủng hộ của An, của Phương Thảo ở thế giới bên kia; lời đáp của anh đôi khi như văng vẳng âm u trên một nền âm thanh cổ xưa của những bản Vương Cô Nương, Nhì Voòng, Kim Tiền...
  Vừa hay có thêm một đồng chí tự vẫn vì phong trào tam phản.  Một người dân địa phương có cảm tình với xẻ xấu số này bèn gửii vào cho chiếc áo quan.  Phó chính ủy lãnh đạo phong tar`o học tập cương quyết khước từ và tập hợp tất cả anh em quanh xác nạn nhân - (Duy Hoàn được xếp đứng sát với phó chính ủy) - trịnh trọng tuyên bố tước đảng tịch, tước quân tịch, tước quyền công dân vì tội đã làm ô nhục thanh danh Đảng, thanh danh quân dội, rồi cho vùi nông trên núi.  Qua một đêm, hôm sau mất xác: loài sài cứu đã mò tới bới mộ lên...
  Duy Hoàn tuyên bố với tổ tâm giao sẽ thú nhận hết tội lỗi trong những trang phản tỉnh thư cuối cùng.  Tổ tâm giao lập tức mật báo tin đó lên ban lãnh đạo học tập.  Phó chính ủy Lê K. mỉm một nụ cười đắc thắng nói với thiếu tướng chính ủy: "Thưa đồng chí thế là chúng ta đã khám phá thêm một tên phản cách mạng, truy kích tơi bời thêm một kẻ thù của tư tưởng Mác-Lê".
  Tổ tâm giao quan sát thấy Duy Hoàn lục tận đáy ba lô lấy ra một quyễn nhật ký cũ, rồi vừa đổi chiều nhật ký vừa hý hoáy viết bổ túc phản tỉnh thư dưới ánh đèn dầu leo lét.  Tiếng violon của ban nhạc nỉ non bên ngoài, rồi giọng ca u sầu bài Bạch Mao Nữ: "Anh có nhớ chăng quê hương tơi bời khói lửa?"...
  Buổi tối khi Duy Hoàn lên ngồi sập, ban lãnh đạo học tập có cảm tưởng như hai bên má Duy Hoàn hóp hẳn, mái tóc bù lên, cả khuôn mặt thiểu não.  Duy Hoàn đứng lên lảo đảo tưởng sắp ngất, nhưng anh bỗng cười thé, tiếng cười khác thường, ai nấy trố mắt ngạc nhiên.  TIếng cười ngắn và dứt ngay, vài người ở cuối phòng đã trí chưa kịp nhận ra thì Duy Hoàn đã cất tiếng nói:
  - Tôi là một tên duy tâm không tưởng, tôi thật có tội với nhân dân, tôi thật là một tên Việt gian phá hoại Đảng!
  Tất cả phòng họp im lặng hồi hộp.
  Duy Hoàn bắt đầu tự kể tội, bốn tội lớn.
  Tội thứ nhất vào tháng giêng năm 1944 rắp tâm đầu độc anh vì anh đã quá nghiêm khắc với mình.  Duy Hoàn kể tỉ mỉ mua năm viên gardenal, tán nhỏ, pha vào ấm nước, để trên table de nuit vì biết ông anh thường đêm đêm sực dậy uống nước; may thay đêm đó ông anh đã ngủ say một mạch đến sáng, nếu không Duy Hoàn đã thành người giết anh, một ông anh vô cùng gương mẫu đã thay cha nuôi mình ăn học nên người.
  Tội thứ hai vào tháng mười năm 1947.  Ngày đó Duy Hoàn ngồi nói chuyện với một tên mà Duy Hoàn biết là gián điệp của địch tại một quán nước dưới chân núi Tam Đảo.  Bất mãn vì cuộc kháng chiến quả có vẻ trường kỳ, trong câu chuyện Duy Hoàn đã cố ý tiết lộ là bộ đội ta hiện đương đóng trên Tam Đảo.  Hôm sau phi cơ địch oanh tạc Tam Đảo, Duy Hoàn những mong bộ đội ta sớm bị tận diệt để trở về thủ đô sống nô lệ nhưng thanh bình.
  Tội thứ ba vào tháng 5 năm 1948 Duy Hoàn quyết tâm vào tề.  Duy Hoàn khởi hành từ thị trấn Phú Lộc thuộc huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ, qua chợ Vàng, tới bến Vàng, qua sông Phó Đáy, tới Phú Vinh, chỉ còn chặng cuối cùng qua Đông Đạo nữa là tới tỉnh lỵ Vĩnh Yên, vùng địch kiểm soát.  Rủi thay tới Đông Đạo, Duy Hoàn thấy nhiều công an quá, biết là không thể đi thoát, đành nuốt hận quay về đường cũ.
  Tội thứ tư vào tháng chạp năm 1950, nhân một dịp Duy Hoàn đi công tác vào vùng hậu địch ở chân núi Thiên Thai thuộc Bắc Ninh, Duy Hoàn đã quyến rũ một nữ cán bộ có phận sự dẫn đường.  Sau cùng vào một đêm tối trời Duy Hoàn đã hiếp nữ cán bộ trên bờ sông máng.
  Duy Hoàn vừa giứt lời thú tội, phó chính ủy lãnh đạo học tập đứng ra cổ súy:
  - Nhân danh Đảng, nhân danh quân đội, tôi khen ngợi đồng chí Duy Hoàn đã chiến thắng kẻ thù tội lỗi, tôi khen ngợi các đồng chí khác đã giúp đồng chí Duy Hoàn truy kích được kẻ thù tư tưởng!
  Rồi mọi người theo phó chính ủy hô mấy khẩu hiệu hùng hồn trước khi cùng hát Quốc Tế Ca.  Khi im lặng trở lại như cũ, Duy Hoàn đứng lên nói:
  - Thưa các đồng chí, thành thật cám ơn các đồng chí đã khích lệ.  Tôi thiết nghĩ tạo hóa sinh ra con người không dễ ai mỗi lúc tiêu diệt được bản chất con người đó.  Các đồng chí vừa đồng ca Quốc Tế Ca, giờ đây tôi xin đơn ca bài khác hợp với bản chất tôi, đó là bài hát theo điệu Kim Tiền nhan đề "Dưới trăng" do anh tôi làm vào dịp thưởng trăng thu, bài này làm ra được một tháng thì anh tôi mất.
  Giọng Duy Hoàn cất lên ấm và buồn khác hẳn với giọng thù hận đằng đằng sát khí của Quốc Tế Ca.
  Anh em chúng ta, nay họp mặt chơi,
  Vui dưới trăng được buổi sáng trời.
  (Mọi người cảm thấy rùng mình, lời ca tựa như mang ánh trăng mát lạnh vào phòng họp)
  Ta ngắm trăng ánh sáng rạng soi
  Sáng tỏa khắp nơi
  Hương sắc trời
  Cơn gió thoảng
  Hương sắc trời
  Ta thấy ta muôn tình tỉnh say.
  (Mọi người thốt nhớ đến mối tình thất vọng của An đối với Duy Hoàn, và mối tình thơ mộng dưới trăng của Duy Hoàn với Phương Thảo).
  Mảnh hồn lẹ bay
  Là bay ruổi theo mây bạc
  Cùng tận khắp nơi
  Ngày năm không thôi.
  (Ai nấy nhắm mắt nương theo giọng ca nhịp nhàng của Duy Hoàn, như muốn được uống ánh trăng thần tiên).
  Chốn này êm ái lắm thay!
  Chốn này êm ấm lắm thay!
  Thú vui trong mộng,
  Dưới trời sáng rộng,
  Này cảnh trăng mây,
  Thú vui trong mộng
  Dưới trời sáng rộng...
  (Tiếng rên xiết kêu gọi căm hờn của Quốc Tế Ca không còn một chút đồng vọng.  Giọng hát đơn độc đáng yêu của Duy Hoàn đã dìu anh em về quê hương thật của lòng người, quê hương hiền hòa thơ mộng)
  Anh em chúng ta, nay họp mặt chơi
  Vui dưới trăng được buổi sáng trời
  Ta ngắm trăng ánh vàng rạng soi
  Sáng tỏa khắp nơi.
  Duy Hoàn ngừng giọng.  Anh em mong đợi giọng hát còn tiếp tục để kéo dài giây phút quý giá gặp gỡ quê hương nhưng Duy Hoàn ngừng hẳn.
  - Thưa các đồng chí - giọng Duy Hoàn nghe sao mệt mỏi chán chường - bài hát theo điệu Kim Tiền vừa qua là của anh tôi làm để thưởng trăng thu năm 1943, sau đó một tháng, anh tôi mất, mãi tới tháng giêng năm 1944 tôi mới rắp tâm đầu độc anh tôi!  Cả tháng mười năm 1947 tôi ở mặt trận sông Lô truy kích địch đến Đoan Hùng, sau trận truy kích cuối cùng này, anh P. trung đội phó vì suốt một tuần mỗI ngày hai lần lên cơn sốt rét, nên tới phủ Đoan vừa uống xong cốc nước tranh, bị cấm khẩu chết liền.  Anh N. hồi đó là trung đội trưởng hiện có ở đây chắc hẳn nhớ chuyện đó.  Tháng năm năm 1948, chúng tôi đương thực tập bôn tập tại Phúc Trìu thuộc Thái Nguyên, thực tập bằng cách ôm súng lăn từ cao trên sườn núi Guột cho tới khi rơi tòm xuống dòng sông Kông, đồng chí H. người đã đặt cho tôi cá tên hiệu Mã Siêu hiện có ở đây, hẳn nhớ chuyện đó.  Tháng chạp năm 1950 địch oanh tạc dữ lắm, hai con chó đùa nhau trên bờ sông máng tung bụi mù, B24 địch cũng sà xuống bắn chết, đã có một lần đồng chí chính trị viên đại đội trong ban lãnh đạo học tập đây chỉ kịp quẳng chiếc xe đạp Sterling trên mặt đường mà nhẩy vội xuống hầm trú ẩn, chếc xe đạp bị bắn nát khung.  Phải đợi tối đến thắp đèn lên mới biết những ai còn sống.  Cả đại đội hoạt động trên đường số 5 phải đào lại tranchée theo lối hàm ếch.  Thưa các đồng chí tôi đã tự tố cáo là Việt gian phá hoại Đảng! Nhưng hãy xét lại coi, khi tôi nói thực thì không tin, đến khi tôi bịa chuyện thì hát Quốc tế ca chào mừng.  (Giọng Duy Hoàn bỗng đanh lại) Việt gian phá hoại Đảng chính là các anh (Duy Hoàn không dùng hai chữ "đồng chí" nữa) - chính là các anh trong ban lãnh đạo học tập tam phản! Tôi yêu các bóng ma của tôi còn có lý bằng vạn các anh yêu những bóng ma tội lỗi của các anh!
  Không ai ngờ câu chuyện xoay chiều ra như thế.  Duy Hoàn đã khéo dẫn dắt câu chuyện nửa úp nửa mở, đến giây phút cuối cùng, phó chính ủy Lê K. mới vỡ lẽ.  Y đứng phắt dậy quắc mắt nói như thét:
  - Đồng chí Duy Hoàn loạn trí, các đồng chí trong tổ tâm giao hãy đưa đồng chí Duy Hoàn về phòng!
VII
  Ban lãnh đạo học tập vẫn hàng ngày hội ý hội báo nên rất rõ tình hình học tập toàn thể.  Khi tấn bi hài kịch do Duy Hoàn đạo diễn và thủ vở vừa chấm dứt, lập tức chính ủy cho liên lạc sang ngay bên đại đội Hãng yêu cầu ngừng học tập kẻo rơi vào trường hợp Duy Hoàn.
  Không rõ qua một đêm hội ý hội báo, ban lãnh đạo học tập quyết định những gì? Dù sao thì quyết định đó cũng bằng thừa vì công văn Trung ương Đảng bộ bên nước nhà vừa tới kia cho hay tất cả những chỉ thị, thông cáo, mệnh lệnh về tam phản đều được tạm thời bãi bỏ tới khi có lệnh mới.
  Nguyên do:  Trung ương Đảng bộ khi nhận được phúc trình của Thiếu tướng chính ủy Trần B. cho hay là y đã khám phá ra 70% Việt gian trong trường Lục quân thì ai nấy đều thất kinh, biết là y đã đi quá trớn, nhất là trong bản phúc trình còn ghi rõ chi tiết những hình phạt và những vụ tự vẫn.  Sợ trường Lục quân nổi loạn, Trung ương Đảng bộ cử ngay một phái đoàn điều tra do Nguyễn chí T. cầm đầu.  Một đảng ủy viên của Trung Cộng cũng được cử từ Bắc Kinh xuống gia nhập phái đoàn này.  Phái đoàn trực tiếp xem các hồ sơ, trực tiếp đến hỏi những người đã bị ghi trong lý lịch là: "Phản cách mạng".  Lúc đó các học viên mới được dịp bộc lộ thật.  Có cả người co rúm lại, biến dạng đi, nói như thét, có người vừa nói vừa nghiến răng kèn kẹt, có người vừa nói vừa khóc... Họ nói:
  - Từ sau chiến thắng Cao Bắc Lạng tôi có về thăm gia đình không? Không! Chính tôi chỉ huy đại đội bắt sống được tên Ch. của 2/3 REI, sau đó tôi được huân chương hạng nhất, như vậy mà tôi phản cách mạng à?
  - Tôi hoạt động trong vùng địch, tôi đã từng bị phòng phản gián địch tra tấn sống đi chết lại, chúng tha tôi về, không phải vì tưởng tôi vô tội mà vì chúng sợ tôi chết trong sà lim, thế mà ghi vào lý lịch tôi là phản cách mạng à?
  - Vân vân và vân vân....
  Sau cùng đến chính những "người điển hình" mở đầu phong trào tam phản cũng đứng ra thú nhận những tội lỗi mình bộc lộ trước đây đều là những tội lỗi tưởng tượng, để vừa chứng tỏ mình đã khắc phục được lòng tự ái, vừa khuyến khích những người sau.
  Để thoa dịu sự công phẫn của phần lớn học viên, Nguyễn chí T. cho mở cuộc tổng kiểm thảo giữa toàn thể học viên với tên thiếu tướng chính ủy Trần B. và toàn ban lãnh đạo học tập, kể cả tên sư đoàn trưởng cố vấn.  Thái độ tên chính ủy hết sức mềm dẻo.  Các học viên thay phiên nhau gay gắt chất vấn làm sao, gay gắt phê bình làm sao, hắn nhận hết lỗi.  Phẫn uất bộc lộ đến cực độ, trong đám học viên có tiếng nói vắt vẻo như tiếng chửi đổng: "Cứ cho nó một quả lựu đạn hay một phát mút cơ tông!"
  Trần B. vẫn luôn giữ nụ cười nhũn nhặn.  Hắn đứng lên kết luận cuộc tổng kiểm thảo:
  - "Thưa các đồng chí, trong phong trào tam phản vừa qua tôi đã lầm lẫn nhiều.  Trong số ba ngàn học viên, phần lớn các đồng chí bị nghi oan, một số đồng chí bị thác oan.  Sai lầm thì chúng ta thẳng thắn sửa đổi cho kịp thời, đúng với tinh thần bôn sê vích!...
  Giọng chính ủy đanh dần:
  -... Nhưng vì quyền lời Đảng, uy tín Đảng xin đồng chí tuyệt đối không nên công bố những chuyện đó khi về nước.
  Đôi môi chính ủy mím lại, đôi mắt y quắc lên, vẻ nhũn nhặn nhận lỗi vừa qua không còn mảy may dấu vết:
  - Những đồng chí nào ở lại khóa tám làm công tác ở hiệu bộ nên nhớ cho điều này: "Khóa tám mà nghi ngờ, khóa bảy chịu trách nhiệm!"
  Thực tình tới lúc đó Hãng mới cảm thấy cái vẻ muôn mặt đáng kinh tởm của những kẻ lãnh đạo Đảng.  (Lẽ cố nhiên Duy Hoàn quá hiểu điều đó từ lâu rồi).
  Chắc hẳn tên chính ủy Trần B. không quên câu nói lớn của một học viên: "Cứ cho nó một quả lựu đạn hay một phát mút cơ tông", nên kể từ đấy, nơi hắn ở có lính Tàu gác.
  Hãng nhận thấy - Hãng bắt đầu chú ý để nhận xét - Đảng để cho những người được quần chúng cảm tình ra lãnh đạo, chính Hãng và Duy Hoàn mỗi người phải phụ trách một trung đội.  Mấy ngày đầu, hiệu bộ đành để mặc cho các chiến sĩ muốn làm gì thì làm, các người trong ban lãnh đạo học tập luôn luôn nở nụ cười, mặc cho các chiến sĩ thốt lên những lời mỉa may cay độc.  Nhiều người bỏ bữa ăn trưa, họ lang thang lên tận Minh Hồ, cách Phụng Minh Thôn chừng ba cây số, để ngắm cảnh hồ (hồ này dài 20 cây số, lên tận Côn Minh) hoặc để thăm các bạn của họ theo lớp sĩ quan trung cấp (tiểu đoàn trưởng trở lên) và sơ cấp (đại đội trưởng trở xuống) tại đó.  Hãng mệnh danh cho chính sách Đảng vào thời này là chính sách nụ cười - politique du sourire.
  Đáng lẽ sau cuộc tổng kiểm thảo chỉ còn nửa tháng thì mản khóa, nhưng chính ủy quyết định kéo dài khóa học thêm ba tháng nữa để học tập về "sự tiến bộ không ngừng" của Đảng sau sự sai lầm vừa qua và nhất là để nghiên cứu về tư cách một "cán bộ gương mẫu" biết giữ uy tín và danh dự cho Đảng trong mọi trường hợp.  Tuy học tập khẩn trương là vậy mà một số lớn vẫn bất mãn ra mặt.  Những phần tử bất mãn nhất được đề nghị ở lại theo học khóa tám.