Bác sĩ trưởng bệnh viện lao Hội An không còn trẻ, đích thân đưa cả ba đến khu bệnh nặng. Phòng hồi sức chỉ mình Hoài đang nằm, Đức ngồi lên. Anh ngơ ngác khi đối mặt với ba người đàn ông mà vẻ giản dị bên ngoài không che dấu được họ là những người có địa vị. Cô bác sĩ trẻ tuổi đi với bác sĩ trưởng tươi cười nói: - Đây là anh Đức, chồng chị Hoài. Anh Đức nè! Quý vị đây ở ban giám đốc Danamexco công ty, muốn giúp đỡ anh chị. Nam Hoa tay vịn vào thành giường, mắt hoa lên, tim như bị ai bóp nghẹt khi nghe lời cô bác sĩ trẻ nói, cô ấy đã có chồng rồi. Hoài thiêm thiếp ngủ, không chỉ Nam Hoa, cả ông Thành, Lê Cương đều nhìn sững cô gái. Ông Thành nghĩ bụng: Nếu cô ta không bệnh, hẳn đẹp lắm. Lạ thật! Anh chồng ngó khỏe mạnh, đẹp trai. Còn ông Cương, tim ông thắt lại, người con gái này phảng phất nét giống vợ ông. Và càng nhìn càng thấy giống. Riêng Đức, anh thấy ba người đàn ông không nói thêm gì sau cái bắt tay cũng làm thinh, nhưng anh chú ý đến người đàn ông trẻ đứng ở cuối giường, anh ta nhìn sững Hoài như bị thôi miên, trên gương mặt tràn trề vẻ mệt mỏi, đôi mắt anh ta đầy mê đắm, khổ đau, sung sướng khi thấy Hoài. Bỗng dưng Đức sợ: - Mời các ông ra ngoài, cô ấy cần yên tĩnh. Họ ra đứng ở ngoài hành lang, Nam Hoa tựa vào cửa sổ, mắt vẫn dõi vào trong, mặc ông Cương trò chuyện với Đức. - Hôm ấy, em trai tôi đứng ở Pacific Hotel, cô ấy ngất xỉu, bác sĩ nói bị lao phổi. Nó về cứ ái ngại hoài, giám đốc công ty bên anh với tôi cũng chỗ quen biết. Giúp đỡ cô ấy là việc nên làm. Đức nghi ngờ ngay vẻ thiện chí của ông Cương. - Thành phố này có hàng trăm nghìn người cần sự giúp đỡ, sao cứ phải là Hoài? Tôi đủ sức lo cho cô ấy. Ông Thành chẳng những là vị giám đốc tài giỏi nhạy bén mà còn là kẻ lão luyện giữa đời. Qua lối nói chuyện của Đức, ông nghi ngờ bắt nọn: - Lạ thật! Giám đốc anh nói với tôi, cô Hoài chưa lập gia đình mà. Đức ấp úng: - Chúng tôi chưa làm đám cưới. Nam Hoa bỗng dưng nhẹ nhõm: - Vậy sao gọi là chồng? Đức ác cảm với Nam Hoa từ lúc bước vào, con tim kẻ đang yêu mách bảo anh đó là tình địch đáng gớm. Chuyện giúp đỡ là vỏ bọc che dấu mà thôi. Đức lạnh lùng gây cấn: - Trước sau gì cũng là chồng, nhưng chuyện ấy mắc mớ gì đến anh? Nam Hoa sôi giận: - Anh xưng chồng chưa cưới, tôi thấy thẹn cho anh. Anh nhìn lại mình coi, khỏe mạnh bảnh bao. Anh lo gì cho vợ chưa cưới của anh? Khi nhìn cô ấy đau ngất xỉu ngoài đường, anh ở đâu? Anh có biết lúc tỉnh lại, cô ấy vẫn đi bộ về nhà vì sợ tốn tiền xe không? Anh nhìn vợ tương lai, không biết cô ấy như ngọn đèn cạn dầu trước gió, anh đâu xứng là hôn phu? Anh yêu gì cô ấy? Lê Cương, Thành sửng sốt ngó nhau, Nam Hoa tay vịn cửa, mặt lúc đỏ lúc tái, thân loạng choạng, giọng đầy đau xót ghen hờn. Trời đất! Anh ta yêu cô gái này chớ đâu yêu Dế Mèn như anh ta nói nhỉ? Đức chồm tới, hét lên: - Anh câm miệng! Anh là cái thá gì đến quát tôi? Cút xéo anh đi! Cả tấm lòng từ tâm giả tạo của anh. Ông Thành can thiệp: - Thôi, đừng vì lo cho một người mà gay gắt với nhau. Bạch nè! Cậu nghỉ một lát, tôi sợ cậu ngất xỉu mất. Bên trong, Hoài trở mình, Nam Hoa thấy, anh chạy vào, mọi người chạy theo, Nam Hoa kéo khẩu trang lên rồi lại kéo xuống, anh sợ Hoài không nhận ra mình. Gương mặt hai người đối diện nhau. Nam Hoa là sự căng thẳng chờ đợi. Còn Hoài! Nàng vừa qua một giấc mơ ngắn ngủi, nàng thấy người đàn ông ở khách sạn đến nói yêu mình. Tiếng người la lớn khiến nàng tỉnh dậy, thấy mặt Nam Hoa, ngạc nhiên khiến nàng mở to mắt, rồi đưa tay dụi mắt, mình có mơ không? anh ta đây mà. - Ông tên gì? - Cô buột miệng, giọng nhỏ nhưng rõ ràng, hỏi xong hối hận ngay, mình thiếu lịch sự thật. Tại sao lại hỏi tên, mình có cần tên ai ngoài hai tiếng Nam Hoa đâu chớ. - Anh tên là Lê Văn Bạch, làm ở Danamexco. Hoài nhận ra anh không? Cô gái gật đầu mệt mỏi: - Có. Ông đã cứu tôi ngay ở Pacific. Nam Hoa nói liền liền: - Hôm ở trên cầu nữa. Có phải Hoài định tự tử không, vì căn bệnh này? Anh thật lòng muốn giúp Hoài, sao Hoài bỏ chạy? Cô gái nhếch môi cười đau khổ? - Tôi không dám tin vào một tấm lòng nào kể từ khi người tôi yêu sai lời hứa hẹn. - Anh không bao giờ nói mà không làm. Hoài! Hãy tin anh, người phụ bạc em là kẻ đốn mạt không đáng để em thương nhớ. Cô gái nhắm mắt: - Nếu anh ấy là kẻ đốn mạt thì cuộc đời này không ai tốt cả, ông hãy về đi. Nam Hoa cắn môi, anh chẳng hiểu được mình, anh chỉ định khi gặp nhau, coi cô là bạn. Khi gặp, từng cử chỉ anh nói ra đều thấm đượm ý tình, anh không muốn nói mà lời nói vẫn tuôn trào. - Hoài! Anh tìm Hoài mấy hôm rồi, mới gặp nhau sao đuổi anh về? Hoài có biết, đêm qua anh ngồi suốt đêm ở tầng thượng Pacific, anh đau lắm, vẫn gắng gượng đến đây. Hoài! Đừng lo gì hết, anh... Cô gái vẫn nhắm mắt, môi run run: - Tôi với ông gặp nhau mới đôi lần, lòng tốt của ông, tôi không dám nhận, nhà nước lo cho tôi đầy đủ. Tôi không cần bất cứ sự giúp đỡ nào. Đức nãy giờ run vì yêu, vì sợ, giờ khoan khoái. Nam Hoa cương quyết: - Hoài nói dối! Hoài rất cần được quan tâm săn sóc từ vật chất đến tinh thần, Hoài đừng nói không hề có cảm tình với anh, hôm gặp lại ở Pacific tại sao Hoài không bỏ chạy? Hoài có biết tiếng xe phanh rít xuống mặt đường đã làm máu tim anh ngừng chảy? Anh sợ quá! Rồi mừng quá, vì Hoài không việc gì. Nam Hoa nói miên man. Ông Thành, Lê Cương lại nhìn nhau, Đức mặt tái vì tức, Hoài vẫn nhắm nghiền mắt, rèm mi rung rung, cô nói: - Tôi cảm ơn tấm lòng thương người của ông, và chỉ vậy thôi. Anh Đức! Mời ông ấy ra ngoài dùm. Hoài rất mệt. - Ông nghe chưa? Cô ấy không muốn gặp ông. Nam Hoa qua cơn xúc động bộc phát đã bình tĩnh lại. - Vĩnh Biệt! oOo Ông Tài mệt, ông nhớ con gái, ăn không thấy ngon, ngủ không thẳng giấc. Thuốc uống vào như không uống, ông chẳng bớt tí nào. Ông co ro trên giường tre, ho khúc khắc, có lẽ nửa đêm rồi. Ông đắp mền vẫn thấy lạnh, cái lạnh từ tim gan lạnh ra, bởi nỗi nhớ con, nỗi hiu hắt buồn cô quạnh. Hoài ơi! Ba làm sao đi thăm con được? Ai cũng không cho, nói ba phải ở nhà, chiều nay, ông Tư đầu xóm đến thăm ba nói úp mở lạ kỳ. Có người muốn tìm cha con mình, nhưng để ổng hỏi lại cho chắc đã, bởi tin báo trong tivi, mà con thấy đó, xóm mình nghèo quá, chưa ai có cái tivi, muốn coi phải ra tận xóm ngoài. Sao ba có linh cảm thằng Nam Hoa nó về tìm con ạ! Vái trời là nó, để ba an lòng giao con lại cho nó ra đi. Hoài ơi! Ba chết không tiếc thân già đâu con, chỉ thương con lẻ loi chờ đợi một người chưa trở lại. Hoài ơi! Mấy đêm rồi, ba nhớ lại ngày con còn bé, con quỳ gọi ba, ba ơi! Mà nước mắt người võ sĩ về chiều khóc mừng có đứa con đã khiến ai nấy cảm động. Ai cũng bắt chước ông chủ lì xì chúc mừng cha con mình, thằng Nam Hoa thì giao hẹn với ba khi đưa cho con một con heo đất. - Dế Mèn là của con nữa đó nghen. Không phải một mình chú đâu. Bây giờ một nửa linh hồn con dành cho nó mà nó chưa quay về khi có biết bao nhiêu người quay về. Hoài ơi! Số kiếp gì con cực khổ đoạn trường đến vậy? Con nhớ không? Ngày mình lên phường để xin cho con một cái tên. Cả ủy ban, công an sửng sốt khi nghe con mười lăm tuổi chưa có tên, họ hỏi tại sao, ba không trả lời được. Con đã trả lời thay ba: - Vì cháu sinh ra không biết cha mẹ là ai, sống lây lất đầu đường xó chợ, cháu nhớ duy nhất một điều. Có một dòng sông, và rất nhiều bom đạn nổ, từng cột lửa tung hê những mái nhà, chung quanh cháu đầy tiếng gào khóc. Rồi cháu có người mẹ, mẹ cháu có rất nhiều con để đi ăn xin đem tiền về cho bà. Tất cả chúng cháu đều có một cái tên "con ăn mày". Mỗi đêm về "mẹ" cháu nhịp roi mây chỉ từng đứa một. - Con ăn mày này! Ngày nay xin được nhiều ít? Đừng có mà dấu diếm tao xé xác. - Con ăn mày kia! Đổ bị ra coi, sao mặt sưng xỉa thế? Đưa tiền sưng xỉa mặt, khi ăn có sưng xỉa không? Và cứ thế! Tuần tự ngày này tiếp ngày kia, tháng này sang tháng khác, cháu đi ăn mày, hôm nào ít tiền bị đánh, bị gạt bớt cơm. Lúc cháu lạnh, không manh áo lành, lúc đói không miếng cơm no. Có những đêm phải chầu chực ở một quán ăn chỉ để tranh nhau một miếng cơm thừa, một mẩu bánh mì vụn, đời cháu không cần gì hơn cần sống, người ta gọi, chỉ gọi con ăn mày, thì cần gì có cái tên? Mắt con ráo hoảnh, còn ba và mọi người nghẹn ngào. Người công an đeo nhiều sao trên ve áo đã ôm con vào tay hỏi: - Vậy tại sao bây giờ con cần một cái tên? Con nói rõ ràng. - Vì con đã lớn, đã có một mái nhà, một người cha cùng sớt chia ấm lạnh, có cả niềm đợi chờ hy vọng. Con đã hiểu ra, làm con người, dù nghèo hay giàu, dù ngu dốt hay có học đều phải có tên để gọi. Có tên có nghĩa là con trở thành một công dân, đựơc đất nước, xã hội thừa nhận. Rồi người ta hỏi con muốn có tên gì? Con quay lại hỏi cha: - Cha ơi! Con nhớ anh Nam Hoa, vậy đặt tên gì để không quên? Cha chưa kịp nói, người công an đeo nhiều sao đã nói: - Anh Nam Hoa là ai? Tại sao cháu nhớ? - Anh ấy không để người ta trả cháu về cô nhi viện, anh ấy chăm nom săn sóc cháu, và giúp cháu có một người cha, anh ấy đi rồi, nhưng anh ấy sẽ quay về. - Anh ấy họ gì? - Họ Bạch. Người công an đeo nhiều sao cúi đầu, một lúc ngẩng lên: - Vậy cháu lấy tên Bạch Hoài nhé. Hoài nghĩa là hoài niệm, nhớ lại, Bạch là họ của Nam Hoa, nghĩa là cháu nhớ mãi người con trai nhà họ Bạch. Bạch cũng có nghĩa là trắng, là tinh khiết, cháu rất trong trắng tinh khiết và tình thương cháu dành cho Nam Hoa cũng trong trắng tinh khiết, cháu bằng lòng không? Con đã khóc nức nở nói tiếng bằng lòng... Cha cũng vậy, nhiều người cũng vậy. Hoài ơi! Ngày ấy con sung sướng muôn vàn, mười ba năm từ ngày con có một cái tên, Nam Hoa chưa quay trở lại, con vẫn đợi chờ dù héo úa mỏi mòn. Bây giờ con trên giường bệnh, sống chết chưa biết ra sao, biết nó có kịp quay về để cha con mình thấy mặt? Hoài ơi! Ông Tài gọi con, âm thầm khóc, vai gầy guộc run theo từng tiếng nấc. Ba nhớ con quá! Ước gì được đi thăm con một lần Người cha này thật vô dụng, đã để con khổ nhọc cả đời. Ông Tài lại ho, tiếng ho khiến một người vượt qua đường xe lửa dừng lại, đi đến. - Bác Hai còn thức hả? - Ai đó? - Ông Tài quẹt vội nước mắt. - Dạ con, Tâm công an đây. Vừa nói, Tâm vừa đẩy cửa vào nhà, anh vặn cao ngọn đèn dầu, ngó ông Tài anh hỏi: - Bác Hai đau hả? Cô Hoài chưa về sao? Đã một giờ sáng rồi. Ông Tài thẫn thờ: - Tôi đau không bằng tôi nhớ, cậu Tâm nợ! Con Hoài ho ra máu nằm ở Hội An hổm rày, tôi yếu quá không vào thăm nó được. Tâm lo lắng: - Chết chưa! Cháu đi phép mới về không biết chi hết. Hoài đau nặng nhẹ? Ai lo trong nớ? Còn bác đau chi? Uống thuốc chưa? - Tôi uống thuốc như uống đất cục không thấy bớt, ông bác sĩ ghé đổi thuốc hoài, hàng xóm lo cơm cháo đầy đủ tôi chỉ nhớ con Hoài quá. - Bác đau sao đi được? Để con vô thăm cổ ra nói tình hình bác nghe. - Thằng Đức nuôi hắn trong nớ, ngày mô cũng về nói hắn bớt rồi, nhưng tôi không yên tâm. Tâm ơi! Lối xóm không cho bác đi, cháu giúp bác với. Nhìn mắt ông Tài lại nhạt nhòa, Tâm thương cảm tràn lòng, anh quyết định nhanh: - Được rồi! Bác ráng ngủ cho khỏe, mai thằng bạn con ở thành phố đi công tác Hội An bằng xe ba càng, con nói hắn chở hai bác cháu mình đi. Ông Tài mừng quýnh nói lập cập: - Thiệt hả Tâm? Con giúp bác thiệt hả? - Dạ thiệt mà. Thuốc men cho mấy, bác nhớ cô Hoài cũng không lành đâu. Mà bác phải hứa với con, đi về ráng tỉnh dưỡng, đừng thức đêm nữa hỉ? - Bác hứa! Tâm nè! Đừng nói cho ai biết hết nghe, hàng xóm không cho bác đi. - Bác yên chí! Có con, thôi con đi đã, xóm trên có việc. Tâm đi rồi, ông Tài mừng quá lại không ngủ được. Ngày mai được gặp con... Ôi! Mừng chi là mừng. Ông không thấy mệt, thấy lạnh nữa, ông thấy khỏe như ngày xưa lúc chuẩn bị lên võ đài. Ông cười một mình trong đêm, nhớ lại thời oanh liệt cũ. Quá khứ một lần nữa kéo nhau về... Ông nhớ hồi đó Dế Mèn bước vào tuổi mười lăm, nó đã ra dáng thiếu nữ, phải tội cứ ốm nhom, điều ông yên tâm là từ ngày lành vết thương ở ngực, nó chưa từng đau ốm gì. Ông Tài trĩu mắt, đi vào giấc ngủ đầy mộng mị... Cái giá sắt cao lắm, chia làm nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa từng hộp, từng thùng, toàn vật liệu kim khí, dưới đất toàn sắt khoanh, sắt tấm, sắt cây. Ông Tài leo lên, ông giúp nhân viên giữ kho kiểm kê hàng, ông đếm lẩm nhẩm, nói vọng xuống: - Bù lon họp 6x HO 142 hộp LION. Ông leo lên phía trên nữa, ông không để ý, chẳng ai để ý, giá sắt phía bên kia hàng đã bán hết, trống trơn, bên này các loại bù lon, vòng bi còn vô số, nó nặng một bên, đã hỏng chân, thêm sức nặng của ông. Cái giá từ từ nghiêng, ông la lên, muốn buông tay lại ngại sắt thép vô số phía dưới. Người ta chạy vào, ông liều nhảy xuống, chưa kịp lăn ra đã bị mẫu sắt phía dưới đâm vào lưng móc lại, rồi cái giá ngã xuống mình ông... Khi ông tỉnh lại, từ thân người trên đã được bó bột, Dế Mèn ngồi bên giường, mắt thâm sâu không ngủ, thấy ông mở mắt nó mừng gọi thiết tha: - Ba ơi! Nó úp mặt vào ngực ông khóc òa. Ông vuốt tóc nó bằng đôi tay run rẩy: - Ba không sao, con đừng khóc Dế Mèn. Biết mình bệnh vài ngày, ông Tài nói với con: - Số tiền ông chủ cho và tiền ba dành dụm ở trong gối, từ ngày đổi tiền, ba mua vàng cất, con lấy bán đi, lo cho ba. Dế Mèn mở to mắt, môi run run: - Ba nói tiền để dành sắm nhà ở riêng mà? - Nhưng ba bệnh hoạn, con còn nhỏ, tiền đâu sống hả con? Lương gạo nhà nước để sống qua ngày, ba nằm viện, tốn tiền nhiều thứ. Dế Mèn cắn môi, nói cương quyết không ngờ: - Con sẽ đi làm, kiếm tiền nuôi ba bệnh, còn tiền đó, phải để dành mua nhà ba ơi! Con muốn có một cái nhà của chúng ta, dù vài miếng tôn, phên tre, vách đất cũng là nhà riêng của chúng ta. Đôi mắt Dế Mèn nhìn ông cương quyết, long lanh giọt nước mắt khẩn cầu. Ông đau lòng gật đầu: - Ừ, cha con mình cần một mái nhà. Nó lo cho ông không thiếu chút gì trong những ngày nằm viện, rồi người đàn bà ấy đến, khóc, năn nỉ: - Con cứu con bác với, bao nhiêu tiền bác cũng chịu, chỉ một bịch nữa thôi, nó sẽ sống, bác van xin con, bệnh viện không có máu này, con ơi! Mặt nó đã xanh càng xanh, nó bịt miệng người đàn bà, kéo ra ngoài, nhưng ông đã biết. Ông hét: - Dế Mèn! Tiếng hét ngân dài, biến mất. Ông vùng dậy, ngọn đèn khô dầu đã tắt, căn nhà tối om, trán ông đẫm mồ hôi, thân như lửa đốt qua cơn mơ về quá khứ. Ông rên rỉ.. Dế Mèn con ơi! Ông loạng choạng rời giường, mở tung cửa, đi ra, trời vẫn màu đen như mực, bụi tre gió đưa kẽo kẹt rợn người. Người cha đoài đoạn nỗi nhớ con, ông khóc, đứng sững, hướng mắt vào đêm đen. Ngày ấy, nó đã bán thêm bịch máu, nó không chết, chỉ xanh xao thêm, người đàn bà kia cùng nhân hậu, mua chuyền cho nó một chai sérum. Ông hỏi nó tại sao, nó nói, không phải chỉ cần tiền mà vì đứa bé ấy có ngưòi mẹ rất thương con, đứa bé ấy phải sống. Rồi suốt gần một năm, nó đi làm đủ mọi thứ nuôi ông, dáng cử cao lớn, thân càng ốm xanh, duy nhất đôi mắt long lanh sáng rõ. - Ba ơi! Chừng nào mình có nhà hở ba? - Ba ơi! Hôm nay giặt bốn cái mền cho bà Sáu, bà trả tiền còn cho thêm lon sữa. Có khi nó về, chân mang nhiều vết bỏng, nó lên tiếng rên, kể: - Nồi cháo gà nặng quá ba, con để xuống, nó tạt ra hắt nước vào chân, bỏng chút xíu thôi. Không sao! Có hôm nó ngây thơ kể. - Người nghèo thường tốt bụng hơn người giàu đó ba. Ông chủ đi dạy học, ông nói với mấy chú thợ cho con phụ hồ, tại con nghèo, ba bị bệnh. Chú thợ chỉ sai con làm việc nhẹ, hôm nay phát lương cho thêm con hai chục ngàn đồng. Ông chủ thì cứ rầy, nói con ăn nhiều vô cho mập thêm một chút. Nhưng cũng có hôm nó về mặt rượi buồn, hỏi gì cũng không nói, ông giận nó, nó năn nỉ rồi than. - Ba ơi! Mà tại sao phải buồn! Đời có người tốt kẻ xấu, con lăn lộn kiếm tiền làm sao gặp người tốt mãi phải không? Rồi bác sĩ nói ông lành bệnh. Rồi ông đi kiếm miếng đất để xây cho con một mái nhà. Rồi ông... Nhưng dòng hồi tưởng trong trí nhớ ông Tài tản mạn, ông choáng váng, xây xẩm, cố níu tay vào một cái gì, nhưng không có, ông ngã xuống, mùi đất nồng kéo ông thêm vài giây cảm nhận, trong trí nhớ ông chỉ còn đọng lại gương mặt Dế Mèn loang nước mắt khi nhận cái tên mới Hồ Thị Bạch Hoài. Ông bấu tay xuống đất, trong lòng ông tiếng gọi thiết tha không thốt được nữa. Ông muốn gọi Nam Hoa về với Dế Mèn của ông, nhưng từ nay ông chẳng bao giờ gọi được nữa.