Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 13
QUÂN ĐỘI QUỐC GIA, NGOẠI BINH VÀ QUÂN HỖN HỢP

Ngoại binh, một loại quân vô dụng khác, là những kẻ mà ngài cầu viện một người có quyền lực sai tới để hỗ trợ và bảo vệ ngài, như Giáo hoàng Julius đã làm sau khi chứng kiến cuộc chiến đáng thất vọng của đội quân đánh thuê tại Ferrara. Giáo hoàng đã quay sang cầu viện ngoại binh và thỏa thuận với vua Ferdinand của Tây Ban Nha để điều quân hỗ trợ Giáo hoàng. Bản thân những tên lính này có thể là một đội quân tốt nhưng đối với người phải nhờ cậy thì chúng luôn chẳng đem lại gì tốt lành. Nếu chúng thua trận thì chỉ ngài bị đánh bại, nhưng nếu chúng thắng trận, thì ngài lại trở thành tù nhân của chúng.
Mặc dù trong lịch sử có rất nhiều ví dụ như vậy, nhưng tôi muốn đi sâu vào trường hợp gần đây của Giáo hoàng Julius II – người có những chính sách vô cùng sai lầm. Để chiếm được xứ Ferrara, ông đã phó mặc cho ngoại bang. Vận may đã giúp ông tránh được hậu quả của quyết định sai lầm này vì sau khi ngoại binh tới Ravenna, người Thụy Sỹ đã vùng dậy và đánh đuổi những kẻ thắng trận trước sự kinh ngạc của Giáo hoàng và những người khác. Bởi vậy, ông không bị kẻ thù bắt, do chúng đã bỏ chạy, hay bị ngoại binh cầm tù. Như thế, ông đã chiến thắng nhờ người khác chứ không nhờ vào ngoại binh. Và người Florence, hoàn toàn không có quân đội, đã thuê mười nghìn quân Pháp để chiếm Pisa. Làm như thế, họ đã đem họa vào thân. Để chống lại các nước láng giềng, hoàng đế của Constantinople61 [61 Hoàng đế của Constantinople: Hoàng đế Cantacuzenus (1292-1383), người thống trị đế chế Byzantine và đồng thời nắm giữ ngôi vị Giáo hoàng với tước danh John VI], đã mang mười ngàn quân Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy lạp, nhưng khi chiến tranh kết thúc, đạo quân này lại không muốn trở về, và từ đó bắt đầu thời kỳ lệ thuộc của Hy Lạp vào những kẻ ngoại đạo.
Chỉ người nào không muốn chinh phục mới dùng những đội quân này bởi chúng nguy hiểm hơn nhiều so với đám lính đánh thuê. Sử dụng chúng tất yếu sẽ khiến ngài bại vong. Chúng hoàn toàn thống nhất và chịu sự chỉ huy của kẻ khác. Lính đánh thuê thì cần nhiều thời gian và cơ hội hơn nếu chúng có ý định hãm hại ngài sau khi giành chiến thắng, vì chúng không phải là một khối thống nhất và chúng được ngài thuê và trả lương. Còn kẻ được ngài phong làm chỉ huy chúng thì không thể ngay lập tức tập trung đủ quyền lực để làm hại ngài. Tóm lại, điều nguy hiểm nhất ở lính đánh thuê là sự hèn nhát, còn ở ngoại binh là sự liều lĩnh.
Quân vương khôn ngoan luôn tránh xa những loại quân này mà chỉ dựa vào chính thần dân của mình. Quân vương thà thất bại với quân đội của mình hơn là chiến thắng với quân đội của người khác, vì chiến thắng bằng ngoại binh không phải là chiến thắng thực sự. Tôi không do dự trích dẫn Cesare Borgia và các chiến công của ông làm hình mẫu. Vị công tước này tiến vào Romagna bằng ngoại binh, một đội quân toàn lính Pháp và đã chiếm được Imola và Forlì. Nhưng khi thấy đội quân này không đáng tin cậy, ông quay sang dùng lính đánh thuê là gia tộc Orsini và Vitelli vì nghĩ rằng chúng ít nguy hiểm hơn.
Sau khi thấy chúng cũng không đáng tin, thiếu trung thành và đầy xảo trá, ông đã loại bỏ chúng và quay sang dùng quân đội quốc gia của mình. Thật dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt giữa hai loại quân này khi ta so sánh tiếng tăm của công tước khi dùng quân Pháp, quân của gia tộc Orsini và Vitelli với khi ông dựa vào đội quân của chính mình. Khi dùng quân đội quốc gia, tiếng tăm của ông ngày một tăng. Khi thực sự thống lĩnh quân đội của chính mình, ông được kính nể hơn rất nhiều.
Tôi không muốn đi quá xa khi nhắc đến những trường hợp gần đây của Italia, nhưng tôi cũng không muốn lại bỏ sót Hiero của Syracuse, người tôi đã từng nhắc đến ở trên. Là thống lĩnh quân đội của Syracuse,  ông nhanh chóng nhận thấy đội quân đánh thuê thật vô dụng và gồm toàn những kẻ giống như lính đánh thuê người Italia. Nhưng dường như ông lại không thể duy trì hay sa thải chúng nên ông đã chia nhỏ chúng rồi sau đó tiến hành chiến tranh bằng quân đội của chính mình chứ không phải với đội quân nước ngoài. Tôi cũng xin trích một ví dụ từ Kinh Cựu Ước62 [62 Hình tượng David có vai trò rất quan trọng trong hình ảnh của nền cộng hòa Florence bởi các bức tượng David nổi tiếng do Donatello, Verrocchio và Michelangelo làm đều được đặt gần Palazzo della Signoria, trụ sở chính phủ cộng hòa]. David yêu cầu Saul để mình giao đấu với Goliath, tên khổng lồ người Philistine. Để tăng thêm lòng can đảm cho David, Saul trao cho ông bộ áo giáp của mình nhưng David đã từ chối và nói rằng, với bộ áo giáp đó, ông không thể chứng tỏ được bản lãnh của mình và do vậy, ông muốn được đối mặt với kẻ thù bằng chính thanh gươm và cây cung của ông.
Tóm lại, vũ khí của kẻ khác có thể chĩa vào lưng ngài, đè ngài xuống hoặc trói ngài lại. Vua Charles VII - cha của vua Louis XI, đã giải phóng nước Pháp khỏi những người Anh bằng chính vận may và tài trí của ông. Nhận thấy cần phải vũ trang cho mình và dân chúng, ông đặt ra các quy định tuyển kỵ binh và bộ binh cho vương quốc của mình. Về sau, con trai ông là vua Louis đã hủy bỏ các quy định về bộ binh và bắt đầu thuê lính Thụy Sỹ. Sai lầm này cùng với những sai lầm khác, như ngày nay chúng ta đang chứng kiến, đã đem lại nhiều hiểm họa cho nước Pháp. Bằng cách đề cao người Thụy Sỹ, vua Louis đã hạ thấp quân đội của chính mình; vì ông hoàn toàn loại bỏ bộ binh và đặt kỵ binh phụ thuộc vào quân của người khác.
Chỉ quen chiến đấu cùng với lính Thụy Sỹ, kỵ binh Pháp cảm thấy không thể chiến đấu mà không có lính Thụy Sĩ nên thành ra quân Pháp không mạnh bằng quân Thụy Sỹ, và khi không có lính Thụy Sĩ, kỵ binh Pháp không dám chiến đấu. Và thế là quân Pháp luôn kết hợp cả lính đánh thuê với quân đội quốc gia. Quân đội được phối hợp như vậy mạnh hơn nhiều so với toàn là lính đánh thuê hoặc toàn là lính nước ngoài nhưng kém xa khi so với quân đội toàn là người bản quốc. Ví dụ vừa dẫn đủ để khẳng định rằng nước Pháp lẽ ra là bất khả chiến bại nếu chính sách của vua Charles được duy trì và triển khai. Nhưng sự nông cạn của con người đã khiến người ta áp dụng những chính sách trông thì có vẻ tốt nhưng ẩn chứa biết bao hậu họa như tôi đã đề cập ở trên 63 [63 Xem chương 3].
Do vậy, vị quân vương nào không nhận thấy được những tai ương còn trứng nước trong vương quốc của mình không thực sự là người khôn ngoan. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người có được khả năng này. Nếu tìm hiểu nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của đế chế La Mã thì người ta sẽ thấy sự sụp đổ này mở màn bằng việc những người Goths được thuê làm lính. Kể từ đó, sức mạnh của La Mã suy yếu và rút cạn để truyền sang người Goths.
Tôi xin kết luận rằng không một vương quốc nào có thể an toàn nếu thiếu quân đội của chính mình. Nếu không, trong khó khăn sẽ chỉ có vận may chứ không thể có sức mạnh và sự trung thành nào bảo vệ cho vương quốc đó. Và một người khôn ngoan luôn tin tưởng và biết rằng “danh tiếng có được không nhờ năng lực của chính mình thì không thể bền lâu”. Quân đội quốc gia là đội quân được hình thành từ các thần dân hoặc từ những người được ngài bảo hộ, còn những đội quân khác đều là lính đánh thuê và lính nước ngoài.
Có thể dễ dàng tìm ra cách tổ chức một đội quân của mình từ các phương pháp đã được bốn nhân vật mà tôi trích dẫn ở trên sử dụng. Tôi hoàn toàn tin tưởng và cách mà vua Philip (cha của Alexander Đại đế), nhiều nền cộng hòa và nhiều quân vương đã áp dụng để tự vũ trang và tổ chức quân đội.