hế là đã hết một năm dữ dội. Dữ dội vì nó là một năm 40. Năm 40, trong óc người Âu, vẫn chẳng là một năm tốt đẹp gì, chẳng cứ bây giờ nhưng đã tự lâu năm. Vì thế cho nên “năm 40” đã vào trong thành ngữ Pháp, mỗi khi có chuyện gì bất mãn thì người lại xoa tay mà rằng: Thôi ta cũng coi như năm 40 vậy chứ biết làm sao được”. Các bạn đọc báo chắc hãy còn nhớ cách đây mươi năm, báo chí ở Pháp đã riễu năm 40 mấy tháng thường không ngớt. Nguyên vào đầu thế kỷ thứ XI có một đức cha, không nhớ rõ người Pháp, người Anh hay người Đức, một hôm lớn tiếng đồn đại rằng đến năm 1040 thì thế giới sẽ hối kiếp, loài người chết hết không còn lại lấy một người. Bao nhiêu nhà giàu ở Pháp, những chúa tể địa phương, bán cả đất đai nhà cửa để lấy tiền ăn chơi, để ngộ có chết cũng không ân hận. Chẳng ngờ việc ấy lại lầm. Kết quả, những đại gia quý phái bị tai hại, bởi vì năm 1040 thế giới không hối kiếp. Người ta chỉ thấy cái chế độ phong kiến bắt đầu đến hồi tàn cục từ năm ấy mà thôi. Mà cũng từ năm ấy “năm 40” đã thành một năm tai hại: Năm 1140, năm 1240, năm 1340, năm 1440, năm 1540, năm 1640, năm 1740, năm 1840, theo như một bài của báo Hữu thanh thuật lại thì không năm nào lại không có chuyện tai hại xảy ra cho thế giới. Chữ “40” từ đấy thành ra một chữ đáng sợ như con số 13, và người ta thường thấy chữ 40 ở trong thành ngữ Pháp, như trên kia đã nói. Nó gợi cho óc người ta một vẻ riêng. Tuần chay “Carême” dài tới 40 ngày. Bên đạo, lễ giải tội cũng kéo tới 40 ngày. Vào thời trung cổ, những người bị bệnh dịch hạch phải giữ 40 ngày ở nhà thương. Dưới triều vua Saint-Louis, người ta gọi một lệ luật của chế độ phong kiến là “Quarantaine le roi”: trong ngày ấy, một người bị nhục không được phép rửa nhục. Trong tất cả thành ngữ có con số 40, chúng ta đã biết chuyện “40 người ăn trộm và Ali-Baba”, các bạn tất còn nhớ chuyện “40 vị chúa tể đã tạo nên nước Pháp”. Các bạn cũng chưa quên cái “luật bốn mươi giờ”, một cái luật xã hội đã làm đổ mất bao nhiêu mực đã làm hại nước Pháp vô cùng vậy. Con đường “40 xu” nối liền Saint-Germain đến Poissy sở dĩ có cái tên như thế là vì những thợ thuyền làm ở trong quốc gia công xưởng năm 1848 mỗi người được 40 xu một ngày. Ở Venise ngày xưa có toà án Bốn mươi người. Tỉnh Sébaste (hiện giờ là Sivas) ở Tiểu Á-tế-á, đã được chứng kiến cái chết của 40 đứng tử vì đạo được Giáo Tông tôn lên làm bốn mươi vị thánh. 30 và 40 lại là một cách chơi may rủi; 40 lại còn là một lối tính điểm trong cách chơi đánh cầu. Khi người ta nói đến “40 vị bất tử” người ta hiểu ngay rằng đó là 40 vị bất tử ở trong toà Hàn lâm Pháp. Fontenelle, mọt vị trong bôn mươi vị đó có câu thơ rằng: Ba mươi chín, người ta trọng mình, Bốn mươi, thiên hạ ra tình chê bai… Xem thế, ta biết rằng con số 40, đối với người Pháp, không lấy gì làm tốt đẹp. Người ta đoán rằng chữ 40 sẽ không tốt đẹp mãi cho đến năm 2040. Ấy thế mà ta vừa mới trải qua một năm mà hai số cuối cùng là con số 40. Không phải tin dị đoan chúng ta cũng đã thấy đó là một năm không ra gì. Nạn chiến tranh thảm mục đã gây nên. [………..][1] Người chết không biết bao nhiêu mà kể. Sự thất vọng đã hoàn toàn. Tôi không chịu rằng lời nói của ông cố đạo ở thế kỷ XI nói rằng năm 40 thế giới hối kiếp, nhưng quả năm 1940 vừa rồi, người ta quả đã sống một giấc mơ dữ dội “có mùi đất, có mùi đất thó và có mùi số mệnh!” Đầu năm 1940, ông Hàn François Mauriac [2] đã viết rằng: “Năm nay, mùa xuân đến hơi sớm quá. Tôi không thích thế, bởi vì có những mùa xuân đem sự chết chóc đến cho cõi đời”. Năm 1940 đã hết. Chúng ta bắt đầu năm 1941. Không hiểu mùa xuân năm nay có đến sớm quá hay không, nhưng chúng ta biết chắc rằng sự Tái Tạo năm nay mang cho ta sự Hồi Sinh chứ không phải sự chết chóc, bởi vì chúng ta đã ở trong cảnh gớm ghê ấy rồi. Ta có thể tin cậy được ở số mệnh mà bước vào một năm mới tốt đẹp và chứa chan hy vọng.
[1] chỗ này báo gốc để trắng 1 dòng. [2] François Mauriac (1885-1970) nhà văn Pháp, thành viên Hàn lâm viện Pháp, giải Nobel 1952.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 44 (5/1/1941)
[1] chỗ này báo gốc để trắng 1 dòng. [2] François Mauriac (1885-1970) nhà văn Pháp, thành viên Hàn lâm viện Pháp, giải Nobel 1952.