hị đi đâu vắng nhà cả tháng nay vậy? Có đến bốn mươi ngày nay tôi không găp chị, tính ra hơn một tuần trăng rồi. Chuyến đi chơi xa của chị có vui không? Cảm ơn Trời Phật phù hộ cho chị trở về mạnh giỏi.
Vâng, nhờ Trời, con tôi vẫn mạnh. Bây giờ nó nói đủ cả rồi, cứ bi bô suốt ngày như con suối róc rách vậy. Chỉ khi nó ngủ mới không nghe tiếng nó mà thôi. Lối nói mất đầu mất đuôi của nó tức cười lắm mà chúng tôi không dám cười. Nó mà bắt gặp chúng tôi cười là nó nổi giận giậm chân rầm rầm. Nó cứ muốn làm ra vẻ người lớn. Đi với cha nó, nó cố sải bước cho dài để theo cho kịp.
Chị nói sao?... À, về việc cô vợ ông anh tôi ấy à? Tôi chỉ còn biết thở dài mà thôi, chị ơi! Chuyện không êm rồi.
Vâng, hai người vẫn ở nhà tôi chờ đợi. Chưa có quyết định dứt khoát nào cả. Thấy ngày tháng kéo dài mà công việc chưa ngã ngũ ra sao, anh tôi bực lắm. Anh tôi quen thói nôn nóng của phương Tây, cứ muốn ý nguyện của mình phải được thỏa mãn ngay. Anh ấy quên mất rằng, ở nước tôi, thời gian không đáng kể và có khi chết rồi mà định mệnh vẫn chưa an bài. Ở đất nước tôi, không một việc gì dù gấp gáp tới đâu chăng nữa lại có thể dồn bước thời gian được. Tôi xin kể chị nghe.
Chúng tôi chờ suốt tám ngày sau buổi anh tôi vào ra mắt mẹ. Vẫn chẳng nhận được một lời nào của mẹ tôi. Thoạt tiên anh tôi hy vọng sẽ nhận được ý kiến mẹ ngay. Anh không cho cô ngoại kiều nó mở mấy rương lớn đồ đạc ra. Anh tôi nói:
« Có ở đây lâu đâu mà dọn đồ đạc ra! »
Thái độ anh tôi bất nhất. Khi thì vui vẻ cười vang về một việc không đáng gì. Vui đó rồi lát sau lại tiu nghỉu trầm ngâm không để ý chút gì đến người chung quanh cả. Làm như anh ấy luôn luôn bận nghe một giọng nói, một âm thanh mà không một anh trong phòng nghe được.
Nhưng khi ngày nối tiếp ngày qua đi mà không nhận được tin tức nào, anh tôi bắt đầu quạu quọ, nụ cười dễ dãi không còn nữa. Anh tôi nhớ lại giây phút vào ra mắt mẹ tôi, anh cứ nhắc lại chuyện ấy mãi. Khi thì anh tôi trách thái độ của cô ngoại kiều nọ là thiếu kính cẩn, lúc lại than phiền mẹ tôi cao kỳ ; khi thì anh tôi cho rằng lối cư xử của cô ta là phải, anh cho rằng ở thời buổi cộng hòa dân chủ này, có là điên mới quỳ gối phục lạy trước bất cứ ai. Nghe nói như vậy, tôi ngạc nhiên hỏi:
« Vậy chứ ở thời cộng hòa dân chủ thì mẹ mình hết là mẹ mình nữa à? »
Nhưng anh tôi nôn nóng và cáu kỉnh, anh không nghe ai nói phải quấy gì cả.
Tôi cũng phải công bằng với cô ngoại kiều nọ. Thật ra cô ta không gay gắt chống lại việc quỳ lạy mẹ tôi. Tôi được nghe lặp lại lời cô ta nói như sau:
« Nếu phong tục ở đây là vậy, tôi sẽ làm như vậy, tuy rằng tôi thấy hơi kỳ quặc phải khấu đầu quỳ lạy trước một người khác ».
Cô bình tĩnh hơn anh tôi nhiều và tin tưởng vào tương lai. Cô ta chỉ nghĩ đến chồng, đến cách đem lại hạnh phúc cho chồng. Có khi thấy anh tôi giận dữ, cô ta kéo chồng ra ngoài vườn hoặc đi dạo ngoài phố cho khuây khỏa.
Một hôm tôi nhìn qua cửa sổ thấy hai người ngoài vườn. Cô ta chăm chú nói một hồi với anh tôi và cuối cùng khi thấy anh tôi cứ âu sầu nhìn xuống đất mà không trả lời gì cả, cô ta đưa tay lên vuốt má anh tôi với cái vẻ vừa tươi cười vừa hóm hỉnh. Tôi không biết hai người nói với nhau những gì, nhưng sau đó anh tôi có vẻ dễ chịu hơn, thoải mái hơn, tuy tâm trí anh tôi vẫn còn căng thẳng vì phải chờ đợi.
Không phải lúc nào cô ta cũng nũng nịu với anh tôi như vậy. Có khi cô ta chỉ nhún vai rồi bỏ đi. Nhưng cô ta vẫn nhìn lại anh tôi với cái tha thiết đậm đà trong ánh mắt. Nếu anh tôi không đi theo cô ta, cô ta bỏ vào trong nhà học tiếng nước tôi và chơi đùa với con trai tôi. Cô ta thương con tôi lắm, cứ nói chuyện với nó bằng những lời lẽ tôi chẳng hiểu gì cả.
Cô ta cũng bắt đầu học cách gảy đàn tranh với tôi và chẳng bao lâu sau đã vừa đàn vừa hát được rồi. Tiếng hát cô ta lớn và rung cảm, tuy tai chúng tôi quen nghe những âm thanh réo rắt. Câu hát cô ta khiến anh tôi xúc động ngay, và khi tôi lắng nghe, tuy tôi chẳng hiểu nghĩa câu hát, tôi vẫn cảm thấy buồn buồn.
Tin tức mẹ tôi vẫn ngày càng biền biệt, cô ngoại kiều nọ làm như không để ý đến nữa và hướng tâm trí về những vấn đề khác. Ngày nào cô ta cũng đi dạo một mình hoặc cùng với anh tôi. Tôi lấy làm lạ sao anh tôi lại để cô ta đi chơi một mình. Đàn bà con gái mà đi chơi một mình như vậy là không đúng. Nhưng anh tôi chẳng nói gì cả, và cô ta trở về nhà kể lại những gì cô ta trông thấy ngoài đường. Cô ta ngạc nhiên về những việc chẳng ai để ý tới và khám phá ra cái đẹp ở những chốn tầm thường. Tôi còn nhớ một hôm cô ta trở về nhà mà cười toe toét như thích thú về một việc ngộ nghĩnh chỉ một mình cô biết được mà thôi. Khi anh tôi gạn hỏi, cô giải thích bằng tiếng mẹ đẻ, và anh tôi dịch lời lẽ cô ta như sau:
« Đất màu mỡ sanh ngũ cốc đẹp quá. Trong tiệm ở con đường chánh có trưng bày những cái rổ tre đựng đầy ngũ cốc màu sắc thật đẹp: hột bắp vàng, mè trắng như ngà, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, mì... Lần nào đi ngang, tôi cũng chậm bước lại mà ngắm. Phải chi tôi biết vẽ, hẳn tôi đã có bức tranh tuyệt đẹp! »
Tôi không hiểu cô ta muốn nói gì. Nhưng bản chất cô ta là vậy, linh hoạt sống động, thấy vẻ đẹp ở những chỗ người khác không thấy. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến một tiệm bán ngũ cốc theo cái lối cô ta nghĩ cả. Đành rằng ngũ cốc thì đủ màu sắc, nhưng đó là trời sanh như vậy, có gì lạ đâu mà phải ngạc nhiên. Chúng tôi chỉ thấy tiệm bán ngũ cốc ấy là nơi đến mua thức ăn vậy thôi.
Nhưng cô ta thì để ý đến mọi việc bằng con mắt lạ đời của cô ta, tuy cô ta ít suy nghiệm về sự vật ; cô ta cứ hỏi thế này thế khác mãi rồi suy nghĩ về các câu trả lời của chúng tôi.
Sống ngày này qua ngày khác với cô ta, tôi đâm mến cô ta. Thậm chí có khi tôi còn thấy vẻ đẹp trong cung cách và thái độ của cô ta nữa. Cô ta có nhiều tự hào theo cái cung cách riêng của cô ta. Trong thái độ, cô ta tỏ ra hoàn toàn thẳng thắn và không gò bó.
Ngay như đối với ông anh tôi, cô ta cũng chẳng hề quỵ lụy. Có điều lạ là nếu một người đàn bà Trung Hoa lại không quỵ lụy chồng, hẳn anh tôi đã cho là bậy rồi ; nhưng nơi con người cô ngoại kiều nọ, làm như anh tôi tìm thấy một niềm vui pha trộn với ít nhiều cay đắng nó khích động mối tình của anh tôi lên. Khi thấy cô ta mê mải học nhiều quá hoặc chơi đùa quấn quýt bên thằng con tôi nhiều quá, anh tôi bực, nguýt háy cô ta, nói gì đó với nàng. Nếu cô ta không nghe, anh tôi đến bên cô ta và thế là người bị khuất phục lại chính là anh tôi. Tôi chưa hề thấy tình yêu nào lạ lùng như thế bao giờ.
*
Rốt cuộc ngày ấy cũng đến – hình như hai mươi ngày sau khi anh tôi đến trình diện mẹ tôi – mẹ tôi đòi anh tôi đến và chỉ đến một mình thôi. Lá thư mẹ tôi viết với những lời lẽ trìu mến, chúng tôi hy vọng tràn trề. Anh lập tức đến nhà mẹ tôi. Tôi và cô ngoại kiều nọ ở lại nhà chờ.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, anh tôi rảo bước trở về, giận dữ, nét mặt hầm hầm và không ngớt lặp lại rằng anh tôi dứt khoát rời khỏi gia đình. Cứ theo như lời anh tôi nói lại, thật khó biết cho đích xác chuyện gì đã xảy ra. Chỉ về sau, cố ghép nối lời lẽ anh tôi lại, chúng tôi mới hiểu phần nào chuyện xảy ra.
Hình như anh tôi đến nhà mẹ với nhiều mỹ ý và tinh thần hòa giải. Nhưng ngay từ đầu, mẹ tôi không muốn nhân nhượng gì cả. Bà khởi đầu bằng cách nại ra sức khỏe yếu kém của bà. Bà nói:
« Mẹ chẳng sống được bao lâu nữa đâu ».
Anh tôi xúc động, nói:
« Thưa mẹ, huyết thống của cha mẹ vẫn còn lưu truyền nơi con cháu chúng con ».
Nói xong, anh tôi mới biết lỡ lời. Mẹ tôi nói nhẹ nhàng:
« Con thì trai gái có đủ, nhưng cháu thì phải do con tạo ra. Mà dâu của mẹ là con gái nhà họ Lý vẫn còn chờ đó, con có ngó ngàng gì đến nó đâu ».
Đoạn bà đi thẳng vào câu chuyện, buộc anh tôi phải cưới cô họ Lý ngay, vì bà muốn có đứa cháu đích tôn trước khi lìa đời. Anh tôi đáp đã có vợ rồi. Mẹ tôi nổi giận nói không bao giờ nhìn nhận cô ngoại kiều nọ là dâu cả.
Chúng tôi chỉ biết được có vậy thôi. Chuyện xảy ra sau đó tôi không được biết.
Nhưng theo lời vú Vương nghe lén sau tấm rèm cửa kể lại thì đột nhiên vú nghe được những lời lẽ giận dữ đáng lẽ không nên nói ra giữa hai mẹ con. Vú Vương cho rằng anh tôi nóng nảy đến nỗi mẹ tôi phải dọa không cho thừa hưởng gia tài. Thế là anh tôi chua chát nói:
« Mẹ già rồi, đâu còn sanh nở gì được nữa mà mẹ đành từ bỏ con. Hay là mẹ hạ mình xuống đến mức nhận một đứa con của bà thiếp làm con ruột của mẹ? »
Con mà nói với mẹ như vậy thật là khó nghe!
Nói xong anh tôi bước mau ra khỏi phòng. Anh tôi đi rồi, căn phòng im lặng một hồi lâu. Đoạn vú Vương nghe có tiếng rên, vội vàng bước vào. Mẹ tôi liền cắn răng làm thinh, nhờ vú đỡ qua giường nằm.
Anh tôi ăn nói như vậy với mẹ tôi thật là vô lễ, không sao tha thứ được. Đáng lẽ anh tôi phải kính trọng địa vị và tuổi tác của mẹ tôi mới phải. Nhưng anh tôi chỉ nghĩ đến mình mà thôi.
Chao ôi! Sao có lúc tôi ghét cay ghét độc cô ngoại kiều nọ!
Tôi muốn đến với mẹ tôi ngay lập tức, nhưng anh tôi bảo nên chờ mẹ gọi hãy đến. Chồng tôi cũng bảo tôi khoan đi, vì nếu đi ngay đến với mẹ thì có vẻ như tôi bênh mẹ chống lại anh, đó là điều không nên làm khi anh tôi đang còn ăn ở tại nhà tôi. Cho nên tôi đành chờ vậy. Mà tôi thì lo ngại lắm, phải ngồi im mà chờ khó chịu lắm.
Đó, sự việc xảy ra hiện giờ như vậy đó.
*
Hôm qua tôi vui sướng thấy bà Liêu đến thăm. Bà ta ở chơi với tôi cả ngày. Chúng tôi buồn rầu trò chuyện với nhau mà nghĩ đến nỗi giận của mẹ tôi đối với anh tôi.
Anh tôi tha thẩn trong nhà, không nói gì với ai, chốc chốc lại nhìn ra cửa sổ. Cầm cuốn sách lên, anh lại liệng xuống lựa cuốn khác, để rồi lại liệng đi.
Cô ngoại kiều nọ nhìn anh tôi một lát, đoạn đắm mình vào một cuốn sách nhỏ trong tay. Tôi lo săn sóc con tôi để khỏi phải ở bên họ. Nhưng nỗi thất vọng buồn phiền đè nặng trong nhà đến nỗi tới trưa đi làm về, thái độ vui vẻ tươi cười của chồng tôi cũng không đánh tan được nỗi buồn của anh tôi và sự lầm lì của cô ngoại kiều nọ.
Buổi chiều khi bà Liêu đến chơi, sự hiện diện của bà cũng như một cơn gió mát ngày hè vậy.
Người vợ anh tôi chăm chú ngồi nhìn bà Liêu. Từ ngày anh tôi về tới giờ, chẳng có khách khứa nào đến chơi cả. Bạn bè chồng tôi biết chúng tôi đang gặp chuyện khó khăn nên lịch thiệp lánh mặt. Chính vợ chồng tôi cũng chẳng mời mọc đãi đằng ai tại nhà, vì không biết phải giới thiệu cô ngoại kiều nọ ra làm sao. Trọng nể anh tôi, tôi cứ gọi cô ta bằng chị dâu, nhưng cô ta chỉ được chánh thức là chị dâu khi nào cha mẹ tôi nhìn nhận mà thôi.
Nhưng bà Liêu thì không ngại ngùng gì cả. Bà bắt tay cô ngoại kiều và chuyện trò rất tự nhiên với cô ta. Tôi lại còn nghe hai người cười với nhau nữa. Tôi chẳng hiểu họ nói gì cả, vì họ nói tiếng Anh. Bỗng nhiên cô ngoại kiều nọ tươi tỉnh linh hoạt hẳn lên, và tôi ngạc nhiên thấy cô ta thay đổi như vậy. Có thể nói có hai con người trong cô ta: một trầm ngâm, xa vắng, hơi ít nói và một thật vui vẻ nhưng là thứ vui vẻ gượng ép, giả tạo. Tôi đã có ý hơi phiền bà Liêu, vì làm như bà không thấy nỗi khó xử của tôi. Tuy nhiên khi ra về, bà cầm tay tôi, nói bằng tiếng nước tôi:
« Thật là khó xử cho mọi người ».
Đoạn quay về phía cô ngoại kiều nọ, bà ta nói vài lời khiến bỗng nhiên nước mắt long lanh trong đôi mắt xanh đậm của cô ta. Cả ba chúng tôi đứng ỳ ra đó chẳng biết nói gì thì cô ngoại kiều nọ quay đi và bước vội ra ngoài. Bà Liêu nhìn theo, lộ vẻ tội nghiệp trên nét mặt. Bà ta lặp lại:
« Thật là khó xử cho mọi người. Vợ chồng cô ta có hòa thuận với nhau không? »
Vì bà ta cũng là người ngay thẳng như chồng tôi, tôi đáp:
« Hai người yêu nhau, nhưng mẹ tôi thì buồn phiền đến héo hắt người đi. Như chị biết đấy, mẹ tôi xưa nay vẫn ốm yếu, bây giờ tuổi lại cao nữa ».
Bà Liêu thở dài lắc đầu:
« Vâng, tôi biết. Tôi vẫn thường nghĩ đến chuyện đó. Kể cũng tội cho các bậc cha mẹ già, ngày nay giữa họ và bọn trẻ không còn nhân nhượng thỏa hiệp gì được nữa, hai bên cách biệt như mặt trời mặt trăng vậy. »
Tôi nói:
« Thật là khổ ».
Bà Liêu đáp:
« Khổ thì cũng chưa đến nỗi nào, duy có điều đây là việc không sao tránh được. Và thật đáng buồn. »
*
Trong khi đành bất lực khoanh tay chờ đợi, tôi không sao quên được mẹ tôi. Tôi suy nghĩ về lời lẽ bà Liêu nói rằng thời buổi này khó khăn cho các bậc cha mẹ già lắm. Để cho mình nguôi ngoai đi, tôi quyết định dẫn con tôi về thăm cha mẹ chồng tôi. Cha mẹ chồng tôi cũng già, cũng có chuyện không hài lòng.
Tôi thương hại mọi người già cả. Tôi mặc áo choàng ấm dài bằng xatanh cho con tôi, giống như áo cha nó. Hôm ăn thôi nôi cho nó, vợ chồng tôi mua cho nó cái nón nhung đen đàn ông, điểm một núm đỏ ở trên. Tôi đội nón lên đầu nó, đoạn dùng ngọn bút lông chấm vào son, tôi tô hồng lên cằm lên má lên trán nó. Sửa soạn xong, trông nó đẹp như tiên.
Bà mẹ chồng tôi cũng khen con tôi đẹp, bà vui sướng cười rung rinh đôi má phính khi bà bồng con tôi vào lòng mà hôn hít mùi da thịt thơm tho của nó. Bà luôn miệng nói:
« Cháu bà ngoan quá. Cháu bà ngoan quá. »
Tôi xúc động về nỗi vui mừng của bà mẹ chồng và tôi tự trách sao không dẫn con tôi về thăm bà nội thường hơn. Tôi không thể ân hận vì đã giành lấy con tôi riêng cho vợ chồng tôi. Việc này cũng nằm trong tình trạng không sao tránh được như bà Liêu đã nói, nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp các bậc cha mẹ già. Cho nên tôi vui mừng thấy bà mẹ chồng tôi nựng nịu con trai tôi. Đoạn bà quan sát nó kỹ hơn, đặt tay vào má nó, bắt nó nghiêng qua nghiêng lại mà nói:
« Ủa, sao lạ vậy? Sao con không ngừa cho nó? Hơ hổng đến vậy là cùng! »
Nói rồi, bà gọi con hầu: « Đem một cái khoen vàng và cây kim lại đây mau! » Tôi cũng đã nghĩ đến việc ấy, đáng lẽ tôi xỏ lỗ tai bên trái đeo khoen vàng vào đó để đánh lừa quỷ thần rằng con tôi là con gái chứ không phải con trai, để quỷ thần không bắt con tôi đi. Đây là một tục lệ cốt để đứa bé sơ sinh khỏi chết yểu. Nhưng da thịt con nít mềm mại dễ đau lắm. Tuy không dám cãi lại lời bà mẹ chồng, tôi vẫn xốn xang nghĩ đến nỗi đau con tôi phải chịu đựng. Nhưng khi bà mẹ chồng tôi mới đè mũi kim vào trái tai con tôi, nó đã thét ầm lên, mắt trợn trắng vì sợ hãi đến nỗi bà mẹ chồng tôi cũng không dám đâm sâu cây kim vào thêm và bảo lấy sợi tơ đỏ treo tòn ten cái khoen vàng vào vành tai con tôi mà không xỏ lỗ tai nữa. Thằng bé cười và nụ cười của nó khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thấy bà mẹ chồng nưng niu con tôi, tôi càng hiểu rõ thêm nỗi buồn của mẹ tôi. Bà đang chờ đứa cháu nội chưa chào đời làm nguồn an ủi tuổi già của bà.
Nhưng tôi hài lòng đã đem đến niềm vui cho bà mẹ chồng tôi. Tôi cảm thấy vơi đi phần nào nỗi buồn nghĩ đến tình cảnh các bậc cha mẹ già.
*
Thần thánh cũng tưởng đến lòng hiếu thảo của tôi hôm qua, khi dẫn con tôi về thăm bà nội, vì sáng nay có người đem thư của mẹ tôi đến. Thư gởi cho anh tôi, không đả động gì đến những lời lẽ nóng nảy cũ, chỉ truyền cho anh tôi phải dọn về ở tại nhà cha mẹ tôi mà thôi. Mẹ tôi thêm rằng người không có biện pháp nào đối với cô ngoại kiều nọ cả. Quyết định chung cuộc không phải do nơi bà, mà thuộc về cha tôi và chú bác trong gia tộc.
Trong khi chờ đợi, anh tôi có thể đem cô ta về theo ; cô ta sẽ ở nhà ngoài trước vì phép tục không cho phép cô ta sống chung lộn với các bà thiếp và lũ con của các bà. Thư không nói gì thêm nữa.
Mẹ tôi thay đổi thái độ như vậy, khiến hết thảy chúng tôi đều ngạc nhiên. Anh tôi tràn trề hy vọng, cứ cười mà nói:
« Tôi biết trước thể nào bà cụ cũng đổi ý mà. Dù sao tôi vẫn là đứa con trai trưởng nam độc nhất trong gia đình ».
Tôi nhắc lại cho anh tôi nhớ rằng mẹ tôi vẫn chưa hề nhìn nhận cô ngoại kiều nọ làm dâu, anh đáp:
« Một khi vợ tôi sống trong nhà rồi, vợ tôi sẽ được lòng mọi người ».
Tôi không nói gì cả, sợ làm anh tôi nản chí, nhưng trong thâm tâm, tôi biết rằng phụ nữ Trung Quốc chúng tôi không dễ gì ưa thích phụ nữ nước ngoài đâu. Đúng hơn là gia tộc tôi vẫn còn nghĩ đến cô con gái nhà họ Lý chờ ngày thành hôn với anh tôi.
Tôi lén hỏi thăm người gia nhân đưa thư đến và được biết đêm hôm trước mẹ tôi đau nặng đến nỗi cả nhà tưởng mẹ tôi chết, đã gọi mấy ông thầy đến tụng niệm. Đến sáng, mẹ tôi tỉnh táo lại và đích thân ngồi viết thư cho anh tôi.
Tôi hiểu ngay nguyên do sự việc. Biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa, mẹ tôi sợ anh tôi đi luôn không về nhà. Mẹ tôi mới khấn nguyện rằng sẽ gọi anh tôi vô nhà nếu Trời Phật còn cho bà sống thêm.
Nghĩ đến mẹ tôi nhẫn nhục như thế, tôi thương mẹ quá, muốn đến với mẹ ngay lập tức, nhưng chồng tôi cản lại:
« Khoan đã, mẹ đang yếu lắm, em về lại gây bận tâm thêm cho mẹ trong khi mẹ đang nặng lo về việc hai vợ chồng anh của em dọn về sống bên đó. Nên tránh xúc động nhiều cho người đau yếu ».
Tôi đành nghe theo và giúp cô vợ ông anh tôi thu dọn đồ đạc vào rương. Nếu tôi nói thạo ngôn ngữ của cô ta, hẳn tôi đã bảo cô:
« Chị nên nhớ mẹ tôi lớn tuổi rồi, lại đau yếu nữa, vì chị đã tước đoạt mất đứa con trai yêu quý của bà rồi... »
Nhưng tôi không nói được, vì ngôn ngữ bất đồng.
*
Hôm nay vợ chồng anh tôi dọn về ở tại nhà cha mẹ tôi. Hai người sẽ ở tại dãy buồng cũ, nơi anh tôi sống trong thời niên thiếu. Cô ta không được phép ngủ, ăn, hoặc lui tới dãy nhà dành cho các bà thiếp. Như vậy có nghĩa là mẹ tôi vẫn chưa nhìn nhận cô ta làm dâu.
Bây giờ hai người đi rồi, tôi vui sướng được sống riêng biệt với chồng và con tôi. Tuy nhiên dường như cuộc sống trong nhà thiếu một phần sinh động. Dường như ngọn gió Tây đã tắt lịm vào lúc chiều tà, để lại đằng sau một cảnh im lìm rũ rượi.
Tôi nghĩ đến vợ chồng anh tôi, tôi hình dung hai người sống một mình trong dãy phòng thời thơ ấu. Tối hôm qua, tôi nói với chồng:
« Mình nhắm rồi có êm không? »
Chồng tôi nghi ngại lắc đầu:
« Già trẻ sống chung dưới một mái nhà cũng chẳng khác nào như sắt chạm vào đá lửa vậy. Làm sao nói trước được ai sẽ đè nhẹp ai? ».
« Rồi việc gì sẽ xảy ra? »
« Sẽ có tia lửa nháng lên.Tôi thương cho anh của em quá. Không một người đàn ông nào lại có thể dửng dưng giữa hai người đàn bà cao ngạo, một già một trẻ, và cả hai đều hết lòng hết dạ thương yêu anh ta. »
Chồng tôi bồng thằng con đặt lên đùi mà nhìn ngắm với vẻ tư lự. Tôi không biết chồng tôi đang nghĩ gì. Con tôi ngây thơ vén mái tóc phủ tai lên khoe cái khoen bà nội máng ở tai:
« Ba coi, nè! »
Thế là vợ chồng ông anh tôi bị quên biến mất, chồng tôi nghi ngại và trách móc nhìn tôi:
« Cái gì vậy, Quí Lan? Tôi cứ tưởng em đã dứt khoát lìa bỏ cái thói mê tín dị đoan rồi chứ! »
Tôi lúng túng trong miệng:
"Bà nội đeo cho cháu đó, em không dám cãi…"
Chồng tôi la lên:
"Chớ có làm bậy!Trước hết ta phải nghĩ đến đứa trẻ.Ta không nên nhồi nhét những ý nghĩ như vậy vào đầu óc non dại của nó."
Chàng cầm con dao nhỏ thận trọng cắt sợi dây tơ xỏ vào cái khoen tai, đoạn liệng hết qua cửa sổ ra ngoài vườn. Con tôi dỗi, chàng cười bảo nó:
"Con là đàn ông con trai như ba. Con nhìn xem, ba có đeo khoen tai như đàn bà đâu. Mình là đàn ông con trai, mình đâu có sợ quỷ thần".
Thằng bé cười.
Nhưng đêm hôm ấy, tôi cứ nghĩ đến việc này mà sờ sợ trong lòng. Đâu có phải các ông bà già cái gì cũng sai cả đâu. Nếu rủi mà quỷ thần có thật thì sao? Tôi muốn chu toàn, ngăn ngừa mọi cái cho con trai tôi. Ôi! Tôi thông cảm với mẹ tôi biết chừng nào.