Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 14
QUÂN VƯƠNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ QUÂN SỰ

Những điều duy nhất mà bậc quân vương phải làm và phải lo nghĩ là chiến tranh, các thiết chế và các quy tắc của chiến tranh, bởi đó là công việc của người trị vì. Điều này rất quan trọng vì không chỉ giúp những người sinh ra đã là quân vương duy trì được địa vị mà trong nhiều trường hợp, còn có thể đưa một người dân thường lên ngôi báu. Hiển nhiên, những quân vương nào quan tâm đến sự hưởng thụ cá nhân hơn là đến quân đội sẽ đánh mất vương quốc của mình. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới mất nước là bỏ qua binh pháp, còn phương thức để mở mang bờ cõi đã được đúc kết vào binh pháp.
Từ một người dân thường, Francesco Sforza trở thành công tước xứ Milan là nhờ có binh lực. Những người kế nhiệm ông, do né tránh phiền toái của việc dùng binh nên từ địa vị công tước đã rơi xuống thành những kẻ thường dân. Không nói đến những hậu quả tai hại khác, việc không có quân đội khiến người ta bị coi thường, mà đây lại là điều bậc quân vương phải tránh, như sẽ bàn tới dưới đây 64 [64 Xem chương 15 và 16]. Không có gì để so sánh một người có vũ khí với một người không có vũ khí, chẳng có lý do gì để một người có vũ khí tự nguyện tuân lệnh kẻ tay không và làm sao một người không được vũ trang lại có thể an toàn giữa đám tùy tùng vũ khí đầy mình. Khi người có vũ khí bị nghi ngờ, còn người không có vũ khí lại có thái độ khinh miệt thì họ làm sao có thể cùng hợp tác với nhau được. Và do vậy, vị quân vương không am hiểu binh pháp, ngoài những tai ương khác đã đề cập ở trên, sẽ không thể được binh sĩ tôn trọng và ông ta cũng chẳng thể tin tưởng họ.
Như vậy, không thể phớt lờ vấn đề quân sự. Thời bình, quân vương lại càng phải rèn luyện nhiều hơn thời chiến. Có hai phương thức rèn luyện: bằng hành động và bằng tư duy. Về mặt hành động, bên cạnh việc duy trì kỷ luật và sự luyện tập của binh lính, quân vương phải thường xuyên săn bắn, thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn. Quân vương phải nắm được đặc tính các loại địa hình, phải nhớ được các sườn núi, thung lũng, đồng bằng, các dòng sông và đầm lầy, và phải bỏ phần lớn thời gian của mình để tìm hiểu những điều này.
Những kiến thức đó hữu ích về hai mặt: thứ nhất, hiểu về đất nước mình và có thể tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ nó; thứ hai, với hiểu biết và kinh nghiệm thực tế về địa hình, quân vương có thể dễ dàng nắm được đặc điểm của bất kỳ địa hình nào khác, điều này vô cùng cần thiết cho những cuộc khám phá và chinh phục. Chẳng hạn, những ngọn đồi, thung lũng, sông và đầm lầy của vùng Tuscany rất giống địa hình một số vùng khác. Bởi vậy, khi nắm được địa hình của một vùng đất có thể dễ dàng hiểu được địa hình những vùng còn lại. Quân vương nào thiếu khả năng này là thiếu phẩm chất quan trọng nhất của một người trị vì, bởi kỹ năng này dạy cho ông cách truy tìm kẻ địch; chọn nơi đóng quân, dẫn quân, bố trí trận đánh và vây hãm các thành phố một cách hữu hiệu nhất.
Vua Philopoemen65 của người Achaea, [65 Philopoemen: Vị tướng người Hy Lạp (253-182 TCN) và là người lãnh đạo Liên minh Achae], ngoài những lời ca ngợi khác còn được ca ngợi vì trong thời bình, ông không nghĩ đến điều gì khác ngoài chuyện binh pháp. Khi cùng bạn bè thăm thú các vùng quê, ông thường dừng lại và hỏi: “Nếu kẻ thù ở trên đỉnh đồi kia còn đội quân chúng ta ở đây thì bên nào có lợi thế? Làm thế nào để tấn công chúng mà không phá vỡ đội hình? Nếu muốn rút lui thì làm thế nào? Nếu kẻ địch phải rút lui thì truy kích thế nào?” Vừa đi đường, ông vừa đặt ra những tình huống khó khăn mà một đội quân có thể gặp phải và lắng nghe ý kiến của họ, bày tỏ quan điểm của mình rồi cùng họ tranh luận. Nhờ sự kiên nhẫn đó, khi cầm quân ông luôn có giải pháp cho mọi tình huống bất ngờ.
Về mặt tư duy, quân vương cần nghiên cứu lịch sử và học hỏi các chiến công của những người vĩ đại; quân vương cần lưu tâm đến cách họ tiến hành chiến tranh, đặt ra câu hỏi về nguyên nhân của thắng lợi và thất bại để tránh thất bại và tìm chiến thắng cho chính mình. Trước tiên, cần hành động như những người tôn vinh đã hành động, luôn làm theo những tấm gương được ca ngợi được tôn vinh và luôn nhớ đến những chiến công và hành động của họ, như Alexander Đại đế noi theo Achilles; Caesar noi theo Alexander, và Scipio66 noi theo Cyrus. Bất kỳ ai đã đọc những gì Xenophon viết về cuộc đời của Cyrus67 hẳn sẽ nhận ra tầm quan trọng của tấm gương đó với các chiến công của Scipio. Scipio đã noi theo sự thanh bạch, lòng tốt, tính nhân đạo và sự hào hiệp mà Xenophon miêu tả về Cyrus.
[66 Pubius Cornelius Scipio Africanus (236-184 TCN), Thống chế lừng danh của người La Mã, người đã chiến thắng Hannibal và xứ Carthage trong Chiến tranh Punic lần thứ hai.
  [67 Xenophon (430?-354? TCN) đã viết một cuốn tiểu sử lý tưởng hóa Cyrus, cuốn Cyropaedia. Cuốn sách này được những người cùng thời Machiavelli rất ngưỡng mộ.]
Đó là cách mà một quân vương khôn ngoan nên luyện tập để thời bình cũng như thời chiến không bao giờ cho phép mình nhàn rỗi. Sự luyện tập cần cù trong thời bình sẽ có ích khi gặp biến cố. Sống như vậy, quân vương sẽ luôn được chuẩn bị để đối phó với thời vận đổi thay.