CHƯƠNG 19
Ngày về

     rần Tăng kéo rèm cài chốt cửa, căn phòng trở thành thế giới riêng biệt. Trần Tăng muốn rũ bỏ mọi công việc của một ngày căng thẳng để tận hưởng những giây phút bên cạnh người đẹp. Tuyết thật sống động vừa ngây ngô lạ lẫm lại vừa háo hức liều lĩnh. Trần Tăng ngồi quan sát Tuyết từ ánh mắt đến cử chỉ từ khi Tuyết bước vào căn phòng này. Tuyết ngó nghiêng sờ nắn xem xét từ cái hộp bút, cái chặn giấy trên bàn. Tuyết hé rèm cửa nhìn ra bên ngoài, thị xã sáng rực ánh đèn, mùi hoa sữa thơm ngào ngạt.
- Làm cán bộ như chú Tăng sướng thật đấy! Trần Tăng thong thả đến đứng bên Tuyết, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc dài óng mượt của Tuyết.
- Có khát vọng như cháu là tốt, Trần Tăng ngọt ngào mà vẫn nghiêm khắc ân cần nói, nhưng để đạt được những khát vọng của mình thì cháu phải vượt qua biết bao khó khăn đấy. Thế nên ta mới bảo cháu phải đi học.
- Cháu biết! Nếu không được chú giúp đỡ, làm sao cháu được đi học. Cháu chẳng hiểu tại sao cháu với chú lại có thể  như thế này!
- Đồ ngốc ạ, đấy là tình cảm tự nhiên của chú cháu mình. Chú yêu quý cháu! Chú muốn cháu sau này phải trở thành người đàn bà mạnh mẽ, có trình độ học vấn và có cả quyền lực...
- Cháu không hiểu rôi đây anh Nam về sẽ ra sao nữa! Hình như cô Cam mong manh biết được điều gì giữa chú và cháu.
- Với cô Cam, cháu yên tâm! Chú sẽ có cách...Quan trọng bản thân cháu bây giờ phải làm được điều gì vượt trội lên tất cả. Đối với công việc phải tận tuỵ hết mình. Ta hỏi thật, cháu có còn yêu Nam không?
- Đến giờ cháu yêu hay không cũng vậy thôi! Điều quan trọng anh ấy có yêu  cháu không? Vừa trầu cau xong, anh ấy đi biền biệt...
- Thôi chuyện đó để sau, Trần tăng nói, bây giờ phải nghĩ đến tương lai và vẫn phải học và yêu nữa cô cháu ạ! Phải yêu cho hết mình. Thằng Nam nó không yêu thì đã có ta, ta sẽ bù đắp cho cháu. Đời ta cũng chưa yêu ai và cũng chưa được ai yêu nồng nàn như cháu. Bất chợt, Trần Tăng bế Tuyết lên giường...Tuyết để yên cho Trần Tăng bật từng chiếc cúc áo. Tuyết tự nguyện phơi tấm thân nõn nà của mình lồ lộ dưới ánh đèn mầu mờ ảo trước mắt Trần Tăng.
- Cháu là đứa con gái hư thân mất nết phải không chú.
 Nếu như thế này mà bảo là hư thì ta còn hư hơn cháu. Trong cơn hưng phấn Trần Tăng vỗ về- Ta sẽ quyết tâm để cháu trở thành người đàn bà có danh vọng, có quyền lực. Và cháu bằng mọi giá cũng phải biết giữ gìn thanh danh cho ta. Đó là điều ràng buộc quan trọng nhất giữa hai chú cháu mình.
- Cháu thực sự khâm phục bài viết của chú đọc trước hội nghị thi đua toàn tỉnh hôm nọ. Tuyết xúc động nắm bàn tay Trần Tăng đặt lên ngực mình. Cháu không ngờ chú lại hiểu sâu sắc những mặt còn hạn chế lạc hậu ở làng xã hiện nay đến vậy. Bài viết của chú có sức công phá mạnh, dám vạch ra những sai lầm cơ bản có tính quyết định cho thành công hay thất bại của con đường hợp tác xã nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay. Cháu thấy ai cũng khen chú.
 Trần Tăng tủm tỉm cười. Tuyết đâu biết nội dung bài tham luận đó hoàn toàn là những bức xúc, những kiến nghị của Yến Quyên. Trần Tăng phải công nhận mọi sự thành đạt trên con đường công danh của mình đều nhờ vào sự hiểu biết rất cơ bản của Yến Quyên về con người, về đồng đất làng Đoài, về phong tục tập quan nông thôn. Bao kinh nghiệm thu lượm được trong những năm tháng qua, Trần Tăng muốn truyền lại cho Tuyết, tin ở người con gái làng Đoài đầy tham vọng này sẽ biết cách vươn lên mạnh mẽ. Trần Tăng thấy mình có duyên nợ với đồng đất con người làng Đoài. Chính Trần Tăng là thủ phạm gây ra bao điều oan trái, nhưng chính Trần Tăng cũng lại là người gửi gắm tâm lực hơn cả cho mảnh đất và con người làng Đoài này. Có lẽ tất cả mọi sự khởi nguồn là ở Yến Quyên, nàng làm cho Trần Tăng si mê chính ở tính cao ngạo của nàng. Chính Yến Quyên đã tạo nên con người Trần Tăng. Trần Tăng hiểu, Yến Quyên luôn là niềm khát khao, còn nàng Cam  luôn là sự thoả mãn nhục dục, và Tuyết lại luôn là lòng tham vọng khôn cùng- Cả ba người đàn bà làng Đoài đã tạo nên tính cách Trần Tăng thâm trầm mà dữ dội, đắm đuối và si mê.
 - Tuyết ơi ta muốn đốt cháy cháu thành ngôi sao sáng lung linh trên bầu trời. Trần Tăng cao hứng vùi đầu vào cơ thể mịn mạng của Tuyết.

 ***

 Hai bố con Nam ngồi trong chiếc xe zép kiểu nhà binhh bon bon trên đường về làng Đoài. Đồng quê mênh mang, hương lúa thơm ngào ngạt. Lòng Nam xốn xang, bao kỷ niệm thời thơ ấu dội về.
- Mười ngày phép lần này anh nhất quyết phải cưới vợ- Hoàng Kỳ Trung nói, thời gian chờ đợi cũng quá lâu rồi còn gì. Ngày tôi cưới mẹ anh, đến lúc đón dâu mới biết mặt thì đã sao. Con Tuyết là đứa tốt, nó ở nhà mà có chí phấn đấu hơn hẳn anh cái danh hiệu Đảng viên, lại còn giữ chức bí thư xã đoàn. Anh chả bén gót nó còn chê bai nó điểm gì? Hoàng Kỳ Trung ngập ngừng, hay anh đã vướng vào cái cô ả Thương Huyền làm trong sở Mỹ ấy rồi. Anh mà còn vương vấn con đó, tôi sẽ tống anh đi biên giới Căm Pu Chia ngay đợt nghỉ phép này.
Hoàng Kỳ Trung tuyên bố hùng hồn với con trai. Câu chuyện còn bỏ dở bởi chiếc xe đã về đến cầu Đình Đoài, từ trong sân kho hợp tác, mọi người chạy túa ra đường.
- Bố con Hoàng Kỳ Trung về!
Nhận ra hai bố con Nam trên xe, cô Lùn đang rửa cỏ bên bờ sông la toáng lên. Nam cho xe dừng lại. Mọi người vây quanh hai bố con Nam.
- Bố con cháu chào các ông các bà, các cô các bác. Hoàng Kỳ Trung vui vẻ chào mọi người.
- Hai bố con đi chiến trường về mà chả có cái gì sất. Bà Cháo ngó vào trong xe không thấy có gì, nói.
- Chẳng bằng chú Kinh đi làm ăn có mấy năm ngoài biên giới về mua được khối thứ, cái Muôi nói.
Hai bố con Nam vừa về tới ngõ, Yến Quyên hớt hải chạy ra nắm chặt tay Nam xúc động mắt long lanh nhìn hai bố con Nam. Yến Quyên cười mà nước mắt cứ ứa ra. Từ sân kho hợp tác, mọi người kéo nhau vào nhà Nam. Cô Cam vác cái đài ra giữa sân vặn hết cỡ. Giọng hát Thu Hiền ngân lên bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” Nam mời mọi người vào nhà uống nước ăn kẹo nghe bố Hoàng Kỳ Trung nói chuyện thời sự.
- Đất nước đã liền một cõi sạch bóng quân thù, giọng Hoàng Kỳ Trung hào hùng, từ nay ta chỉ còn lo mỗi việc cấy cày tha hồ mà sung sướng. Ta đã thắng được thằng Mỹ, một cường quốc mạnh nhất thế giới thì bây giờ đố kẻ thù nào còn dám nhăm nhe...
- Thằng Tình con nhà Tang mới cấp trung sỹ mà mang về được những ba cái khung xe đạp. Hai bố con anh lại chỉ về tay không. Lão Khi mỉa mai ngắt lời Hoàng Kỳ Trung. Hoàng Kỳ Trung thản nhiên nhìn mọi người.
- Thật hổ thẹn thay có số ít người chỉ vì chút vật chất nhỏ nhoi đã đánh mất cả đức tính cao đẹp của người lính cụ Hồ. Hoàng Kỳ Trung nghiêm giọng nhìn lão Khi- Đúng là có kẻ trong chiến tranh bom đạn gian khổ đói khát lại vượt qua được, khi hoà bình mới chỉ nhìn thấy ba cái đồ giẻ rách của chế độ tư bản đã loá mắt. Tôi chúa ghét loại tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Thằng Nam nhà tôi lúc về cũng thó được chiếc khung xe đạp và mấy thứ chiến lợi phẩm của địch vứt lại trong sân bay, tôi bắt vứt bỏ hết, vứt hết.
- Rõ hoài của giời, Lão Sinh nói, anh cứ để nó mang về, anh sợ ảnh hưởng không dùng thì bán rẻ cho chúng tôi chả quý. Mấy cái đồ ấy ở nhà làm gì có.
- Các cụ rõ là mất lập trường giai cấp, kẻ thù chúng không từ thủ đoạn nào đâu. Chúng giết ta bằng súng gươm không được, giờ chúng giết ta bằng tiền của và bằng cả gái đẹp nữa. Nhiều chiến sỹ của chúng ta không chết vì súng đạn lại chết vì gái, chết vì sa ngã đánh mất lập trường giai cấp đấy bà con ạ.
Nhân lúc bố mải mê nói chuyện lập trường giai cấp, Nam ra xe lấy chiếc máy quay đĩa Vương gửi về cho cô Cam. Chiếc máy quay đĩa Nam và Vương mất cả ngày trời hí hoáy đóng được chiếc hòm gỗ để bảo quản và phải giấu mãi dưới gầm xe sợ bố Nam phát hiện. Nhìn chiếc máy quay đĩa, cô Cam cười sung sướng bảo cái Măng rót nước mời Nam uống.
- May quá, làng mình vừa mắc điện xong, cô Cam nói, anh Nam cắm điện cho nó hát thử mấy bài nghe, tôi bóc thư thằng Vương xem nó viết gì nào. Bố cái thằng, thế mà cũng biết thương mẹ và em ở nhà nên gửi cả máy quay đĩa về nữa.
- Anh có mua được cái nào không anh Nam. Cái Măng hỏi.
- Mấy thứ đồ tư bản này, bố anh không cho anh dùng.
 Măng chọn đĩa “Chuyện tình Lan Điệp”đưa cho Nam. Nam cắm điện, mở máy quay đĩa, giọng ca cải lương của ca sỹ Sài Gòn mùi mẫm cất lên.
Lão Khi đang ngồi bên nhà Nam, nghe tiếng hát cải lương liền hò mọi người kéo nhau sang nhà cô Cam.
- Chà chà, máy quay đĩa của Nhật có khác, nghe sướng lỗ tai. Lão khi khen nức nở.
Nam sợ bố mắng, chạy vào trong buồng nhà Vương ngồi.
- Thằng Vương thế mà khá, chưa được về đã có quà cho mẹ, lão Khi nói, Chả bù cho bố con đại tá Hoàng Kỳ Trung mang tiếng cấp to đi bao năm về trên răng dưới cát tút, toàn cho bà con mình ăn no lập trường giai cấp.
- Các người nông nổi lắm! Ông Sinh nhìn lão Khi cười mỉa mai. Ai đâu biết hai bố con Hoàng Kỳ Trung tay không về làng. Người ta chỉ cần một cục vàng đút túi cũng bằng vạn cái khung xe đạp. Ông Sinh vẻ lý sự, từ lâu tôi nghiệm ra rằng, mảnh đất gia tộc Hoàng Kỳ này rõ là lắm lộc nhiều tài và cũng nhiều tai hoạ. Trải qua bao biến động của thời cuộc, gia đình ấy vẫn cứ hơn người. Các ông các bà ngẫm mà xem, ngày xưa Hoàng Kỳ Bắc vẫy vùng thiên hạ, lên xe xuống ngựa đi về vênh vang. Đùng cái, chết không tấm ván chôn. Còn bà vợ lão Kỳ Bắc xưa dám lấy dao bổ cau rạch bụng mình ra cho thiên hạ sáng mắt. Rõ là gan trời. Tới thời nay thì cha con Hoàng Kỳ Trung lại xình xịch rong ruổi ô tô về làng oai hơn cả thời Hoàng Kỳ Bắc. Hoàng Kỳ Trung giờ còn mang hàm đại tá, rõ là oai phong lẫm liệt. Các ông nên hiểu, một đại tá quân đội, chỉ huy hàng ngàn quân ngoài mặt trận chứ chả như mấy tay cán bộ làng mình mới nho nhe cấp xã đã lại hống hách với dân nghèo.
Lão Sinh khoái chí cười hầng hậc đưa ra những lời lẽ đầy lý sự. Lão hấp háy mắt nhìn cô Cam khiêu khích.
- Cái nhà chị Cam kia nữa, tôi nói cho nhà chị biết nhá, chị đừng tưởng cái thằng chồng chị đi buôn lậu được mấy thứ đĩ điếm đem về loè dân làng Đoài ngu muội.
- Cái nhà ông Sinh rõ ngứa mồm. Cô Cam sầm mặt nhẩy thách lên. Ai động đến nhà ông mà ông ăn nói mất cả lập trường giai cấp. Ông đừng thấy người ta hơn mà nganh ghét. Loại lừng khừng chậm tiến như ông, gió chiều nào che chiều ấy, phải để cho thằng Vương nhà tôi nay mai nó về nó trị cho ông một trận.
- Vâng, tôi biết rồi, lão Sinh mỉa mai, người làng Đoài xưa đã khốn khổ vì thằng chồng Đào Kinh nhà chị mãi rồi. Cũng may nó bị “hạ bệ” sớm chứ để đến giờ dân làng Đoài xách bị đi ăn mày thiên hạ hết.
- Thôi thôi, lạy các ông các bà để cho chúng tôi nghe ca cải lương- Cô Lùn xúyt xoa- chuyện tình Lan Điệp họ yêu nhau như thế, các ông các bà làng mình chỉ giỏi xỏ xiên nhiếc móc nhau.
- Chị Lùn chưa có tình yêu mới hám tình yêu, chứ già này đếch cần mấy lời nỉ non ấy của đám văn nghệ sĩ. Ai còn lạ gì giới văn nghệ sỹ chỉ giỏi thương vay khóc mướn trên sân khấu, chỉ chung tình trong sách vở thôi, ra ngoài đời là chúa lăng nhăng.
Ông Sinh lại cười hềnh hệch chọc tức được cả cô Cam, cô Lùn.
- Lão nói đùa cho vui thôi! Người sướng nhất làng Đoài bây giờ là cô Cam. Nay mai thằng Vương về sắm cho nhà cô cái xe đạp nữa là thành tư bản giàu nhất làng này.
Măng chạy vào trong buồng ngồi cạnh Nam hỏi hết chuyện anh Vương, quay ra khoe chuyện Trần Tăng xin cho Tuyết lên tỉnh học sau này về làm chủ tịch xã. Măng nhìn Nam bằng ánh mắt long lanh. Măng định kể chuyện Tuyết lăng nhăng với bố Trần Tăng nhưng lại sợ ảnh hưởng tới uy tín của bố.
- Chuyến này về anh có cưới chị Tuyết không?
- Anh cũng chưa biết.
- Trong chiến trường anh có nghe anh Vương nhắc đến chị Muôi không? Măng thăm dò. Chị ấy ở nhà ngóng anh ấy hoài mà chả thấy anh ấy thư từ gì về nên chị ấy mới theo bố Kinh em ra biên giới làm ăn rồi. Nghe nói ngoài ấy làm ăn được lắm, may ra  lại kiếm được thằng chồng Trung Quốc nữa thì đổi đời.
Có tiếng mẹ Yến Quyên gọi ngoài cửa, Nam chạy về, bố giận dữ quát:
- Chẳng gì anh cũng đường đường là anh bộ đội cụ Hồ, lại đi tha mấy thứ văn hoá đồ truỵ về đầu độc bà con làng này sao?
-  Đấy là Vương gửi về cho cô Cam chứ có phải của con đâu.
- Bố cấm, anh không được động vào những thứ đó. Các anh chưa được chứng kiến cuộc cách mạng văn hoá của Trung Quốc họ làm triệt để và nghiêm khắc tơí mức nào nên các anh coi thường. Đài báo có không chịu nghe, không chịu đọc tin tức thời sự, cứ  ủ ê nghe những lời sướt mướt khóc than thế kia thì lấy sức đâu mà lao động sản xuất. Vừa mới hoà bình được mấy ngày mà đã có tư tưởng ăn chơi hưởng thụ, Nguy quá! Phải có biện pháp ngăn chặn ngay.
- Thôi, anh mới về nghỉ ngơi cho khoẻ, mẹ Nam nói, chuyện làng xã để sau. Mình hãy lo chuyện trong nhà đã. Chuyến này hai bố con về mình có tính chuyện cưới vợ cho con không? Con Tuyết đã là đảng viên rồi, đang học trên tỉnh, học xong, gì chứ chức chủ nhiệm hợp tác xã, hay chủ tịch, bí thư rồi sẽ vào tay nó đấy.
- Nó phấn đấu được thế là giỏi, bố Hoàng Kỳ Trung nói, anh mang tiếng bao năm lăn lộn chiến trường giờ vẫn lính trơn, đến danh hiệu đảng viên cũng không có thì làm nên trò trống gì được. Vừa mới giải phóng đã bị mấy thứ văn hoá đồi truỵ nó mê hoặc hút hồn mất hết lý trí, quên cả lập trường giai cấp. Mất cảnh giác đến mức mê mẩn cả đứa nó làm gián điệp cho Mỹ mà không biết. Nguy quá! Không học đâu xa, nhìn thằng Vương đấy, bố mẹ nó thế mà nó còn biết phấn đấu vào Đảng, lên được chức thiếu uý rồi. Thật anh  không còn  biết xấu hổ nữa.
- Bố nó đừng trách con làm gì. Trong đợt phép này cưới vợ xong, vào trong ấy, thằng Nam phải cố mà phấn đấu, đời còn dài. Trước tiên phải vào Đảng... Phải có Đảng thì mới mở mặt ra được con ạ.
Yến Quyên nói với con rồi đi nấu cơm. Bữa cơm sum họp sau bao năm cũng phải làm tươm tất. Yến Quyên bắt thịt con gà trống. Con gà trống này mỗi sáng nó vẫn gáy te te báo hiệu một đêm đã qua, một ngày mới lại đến. Từ nay Yến Quyên không còn thấp thỏm chờ mong nữa, không cần nghe tiếng gà gáy nữa. Cả hai bố con Nam đã trở về vẹn nguyên là Yến Quyên mừng. Đất nước đã hoà bình, hai bố con nó có đi nữa Yến Quyen cũng yên lòng.
Bên nhà cô Cam, mọi người vẫn ngồi nghe vở cải lương Lan và Điệp đã đến đoạn Lan cắt tóc đi tu.
Mẹ giục Nam sang cô Lùn mua rượu. Nam thấy cô Lùn sụt sùi khóc, nước mắt ướt nhoè đôi gò má khô gầy. Cô Lùn ngước nhìn Nam ngượng cười gạt nước mắt. Thì ra cô Lùn đang thương thân phận cô Lan, nhân vật trong vở cải lương cô đang nghe. Nam chợt thấy lòng mình nao nao nhìn cô Lùn rót rượu vào chai mà hai tay cứ run run xúc động. Cô Lùn xấu xí vậy mà giầu lòng nhân ái. Cô không thương thân phận mình còm cõm cô đơn lại đi thương cho cái cô Lan và chàng Điệp.
Ăn cơm xong, trời sập tối, mẹ giục Nam và bố sang thăm bà ngoại bên làng Đoài.
- Mẹ xem chiếc áo len này có đẹp Không? Nam khoe, ông bà Đức Cường nơi con đóng quân gửi biếu bà đấy. Còn mấy chiếc khăn voan này con mua biếu mẹ.
- Bố đã bảo anh không được dây dưa với những thành phần phức tạp. Nhà mình đâu cần thứ này, bố giận dữ gằn từng tiếng, sao anh lại nông nổi vậy, đây không phảỉ là tình cảm đơn thuần đâu anh ơi. Đằng sau đó là cả vấn đề quan điểm chính trị, là lập trường giai cấp, anh hiểu chưa.
Nam đành bỏ gói quà lại, cùng bố bước ra cửa. Bên nhà cô Cam tiếng máy quay đĩa lại rên rỉ giọng ca Thanh Tuyền với nhạc phẩm “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn: Mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ...
Ngoài ngõ, mấy bà hàng xóm đang rủ nhau sang nhà cô Cam nghe hát. Nam lái xe đưa bố Trung sang nhà bà ngoại. Xe bon bon qua dốc cầu Đình Đoài. Gió lồng lộng. Anh sáng đèn xe xuyên màn đêm chiếu lên gương mặt háo hức của lũ trẻ làng Đoài. Chúng nhẩy tung tăng chắn đường cười reo.
- Anh Nam ơi chở chúng em đi một vòng. Hoàng Kỳ Trung nhìn lũ trẻ nghiêm giọng:
- Xe quân sự, cấm trẻ con được ngồi.
Bọn trẻ cụt hứng mặt ỉu xìu tránh ra hai bên đường nhìn theo chiếc xe lao đi. Nam thấy thương lũ trẻ. Lũ chúng nó chẳng khác gì Nam và Vương ngày xưa muốn được ngồi lên xe ngựa của ông nội Nam chạy quanh làng. Nam cho xe đỗ xịch trước cửa nhà bà ngoại. Nam đẩy cổng bước vào, khuôn sân gạch mốc rêu. Trong nhà tối thui không một ánh đèn. Mùi gây gây khai nồng lẫn mùi chua mốc của áo quần ít được giặt giũ. Nam xúc động gọi bà. Từ trong bóng tối tiếng bà run rẩy:
- Ai đấy! Tối tăm thế này hỏi bà có việc gì?
- Cháu là Nam về thăm bà đây.
-  Thằng Nam về rồi sao. Ôí giời ơi phúc đức quá! Cháu tôi.
-  Bà không mắc điện sao bà?
-  Bà làm gì mà phải mắc điện. Để bà thắp đèn.
Bà loạt soạt lần diêm thắp đèn, ánh sáng nhập nhoà chiếu lên gương mặt già nua nhăn nheo của bà. Hai tay bà lập cập run rẩy. Bà bật cháy hết hai que diêm vẫn không thắp sáng được ngọn đèn dầu. Nam đến nắm đôi bàn tay bà. Bà để cháu thắp đèn cho bà. Bố cháu cũng về thăm bà đấy.
Bà sững sờ nhìn bố Nam.
- Cả Trung à? (Bà vẫn gọi bố Nam là Cả Trung)Vậy là Cả Trung cũng về. Cả Trung được về thì cậu Hiền cháu sẽ không bao giờ được về nữa. Kẻ thắng trận được về, kẻ thua trận phải chạy dài bỏ nhà bỏ cửa bỏ làng bỏ nước mà đi. Thằng Hiền sẽ không bao giờ về được nữa rồi. Bà khóc sụt sùi rồi lại lầm rầm nhắc đi nhắc lại mãi cậu Hiền không được về. Căn nhà trong đêm như rộng ra. Tiếng chuột chít chít cắn đuổi nhau chạy trong xó tối. Mặt bố Nam xanh tái mỗi khi nghe nhắc đến cậu Hiền. Bố Nam vẫn chửi cậu Hiền là thằng ác ôn giết người không run tay. Không bao giờ bố tha thứ cho kẻ nợ máu đồng bào chạy theo bọn bán nước hại dân. Mẹ Nam và bà phải chịu nhục chịu khổ vì cậu suốt đời.
- Mẹ còn thương xót cái thằng phản phúc đó làm gì. Con đã phải làm tù binh của nó đấy, bà có hiểu không? Bố Nam nói, bây giờ nó đã chạy sang Mỹ rồi.
- Nó còn sống thật ư? Nó còn sống mà không được về. Nó không được về, không bao giờ được về nữa rồi...