Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Phần I - Chương 1

     ôi khó mà kể chuyện này cho một người nào trong thân tộc của tôi nghe, vì họ chẳng có mảy may ý niệm nào về miền đất xa xăm chồng tôi đã lưu học suốt mười hai năm trời. Tôi cũng chẳng thoải mái thảnh thơi khi ngồi đàm đạo với phụ nữ ngoại quốc chẳng hiểu tí gì về dân tộc tôi cũng như về nếp sống của chúng tôi từ thời xa xưa. Nhưng với chị, tôi có thể kể tất cả chuyện này cho chị nghe, vì tôi liệt chị vào hàng chị em thân thích. Suốt đời chị, chị đã sống giữa long đất nước chúng tôi. Cho dù chị là một người nước Tây phương nơi chồng tôi từng du học, chị vẫn thấu hiểu được câu chuyện. Cho nên tôi cũng chẳng dấu giếm gì chị hết. Vì đã coi chị vào hàng chị em thân thiết, tôi xin kể hết cho chị nghe.
Như chị đã biết, từ năm trăm năm nay, tổ tiên kính mến của chúng tôi đã sống tại đất nước Trung Quốc cổ kính này. Không một ai trong các vị ấy tỏ ra thích điều mới lạ, thích sự thay đổi. Họ đã sống suốt cuộc đời mình, thanh thản và trang nghiêm, tin tưởng vào cái nết trung hậu của họ. Cha mẹ tôi nuôi dưỡng tôi theo chiều hướng như thế, đúng theo tập tục cổ truyền khả kính. Tôi không hề có mảy may ước muốn nào sống ngoài nếp gia phong ấy. Không cần bận tâm suy nghĩ gì cả, tôi cứ mường tượng rằng tất cả những ai đúng thật là người, đều giống tôi. Thảng hoặc, qua lớp tường thâm nghiêm của gia đình tôi, tôi có thoáng nghe ai xì xầm rằng có những người đàn bà không giống tôi, họ đi lại tự do, cung cách chẳng khác gì đàn ông con trai, tôi thản nhiên bỏ qua, chẳng nghĩ gì việc ấy cả. Tôi đả được dạy dỗ uốn nắn theo tập tục ông bà để lại như thế nào thì tôi cứ theo nếp sống như thế ấy. Trong cảnh thâm nghiêm kín cổng cao tường, tôi không hề tiếp xúc với bên ngoài, và tôi cũng chẳng mong ước ham muốn gì hơm. Nhưng bây giờ đây đã đến lúc tôi phải tiếp xúc, tôi phải chú tâm quan sát những con người kỳ lạ kia, những người đàn bà tân thời nọ, tôi phải tìm xem có cách nào tôi bắt chước cho giống họ được chăng. Chị ơi, không phải vì cá nhân tôi mà tôi làm như vậy đâu. Tôi muốn thay đổi, tôi muốn lột xác để vừa lòng chồng tôi.
Tôi không vừa mắt chồng tôi! Không biết như thế có phải là vì chồng tôi đã ngao du bốn bể, đến những chân trời xa xăm nên ưa thích những sự việc, tập tục nới chăng?
Mẹ tôi là người hiền đức. Khi tôi lên mười, nghĩa là hết tuổi ấu thơ, bắt đầu thành cô gái nhỏ, một hôm mẹ bảo tôi: "Đàn bà con gái phải im lặng như hoa trước đàn ông con trai và phải đúng lúc và kịp thời lui vào nhà trong để che giấu những xúc động vui buồn của mình."
Nhớ lời răn dạy ấy, tôi đã cúi đầu nhìn xuống đất khi tôi gần chồng tôi và tôi đã e thẹn giơ cả hai tay che giấu mặt không trả lời gì cả khi chồng tôi hỏi han tôi.
Nhưng tôi sợ rằng chồng tôi không bằng lòng thái đô giữ im lặng trang nghiêm như thế của tôi.
Có khi tôi cố vắt óc tìm cách làm cho chồng tôi được vui, thì lập tức trí óc tôi trống rỗng như thưả ruộng sau mùa gặt hái vậy.
Ngồi một mình với món đồ thêu trong tay, tôi nghĩ đến những chuyện vui đẹp và tế nhị để tỏ tình với chồng tôi. Tất nhiên không phải bằng những lời lẽ sống sượng hăm hở của Tây phương, mà bằng những lời lẽ úp mở, chẳng hạn như vầy: "Mình à, mình có ngắm cảnh mặt trời mọc sáng nay không? Chẳng khác nào như mặt đất bay bổng lên mặt trời vậy. Đang tối mù bỗng nhiên ánh sáng chan hòa lời ca tiếng nhạc! Mình ơi, em là mặt đất âu sầu, chờ ánh dương vui."
Hoặc tối tối, khi chồng tôi dạo chơi trên hồ sen, tôi nhắn nhẹ bóng gió: "Nước biếc lững lờ không còn được cuốn hút theo mặt trăng thì còn gì là nước? Sóng biếc không được ánh trăng vờn thì còn gì là sóng? Mình ơi, xin mình hãy bảo trọng lấy thân trong lúc dạo thuyền để về với em yên lành, vì nếu không có mình thì thân em nào có khác gì thân sóng thiếu ánh trăng vờn kia!"
Nhưng khi chồng tôi về đến nhà với bộ âu phục xa lạ kia, tôi không nói lên được một tiếng nào như vậy cả. Lẽ nào tôi phải lấy một người chồng ngoại quốc sao? Chồng tôi ít nói lắm, chỉ nhếch mép vài câu rồi thôi, chỉ liếc mắt thoáng nhìn tôi thôi, dù tôi có mặc áo lụa đào và giắt trâm ngọc lên mái tóc mới chải chăng nữa.
Nỗi buồn của tôi là vậy đó. Mới thành hôn chưa đầy một tháng, ấy vậy mà tôi không vừa mắt chồng tôi.

*

Từ ba ngày nay tôi suy nghĩ nhiều lắm, chị ơi. Tôi phải dùng mưu chước, tìm cách làm cho chồng tôi sủng ái mới được.
Tôi thuộc lớp phụ nữ có nhan sắc, từ đời này sang đời khác đều được chồng sủng ái. Từ bao đời nay chỉ có một người thiếu nhan sắc mà thôi: đó là nàng Quí Mi đời Tống, mặt rỗ vì bị bệnh đậu mùa vào năm lên bốn tuổi. Tuy nhiên, sách chép lại rằng nàng có đôi mắt đen lay láy như hạt huyền và một giọng nói ru êm làm ngẩn ngơ xao xuyến lòng người, chẳng khác nào như tiếng gió xuân rì rào trong bụi trúc vậy. Phu quân của nàng sủng ái nàng đến nỗi trong số sáu người thiếp của ông ta, ông ta nuông chiều nàng hơn hết! Lại còn nàng Bàng Quí Phi là người luôn luôn có con chim bạch yến đậu trên tay, nàng nắm gọn tất cả Trung Quốc chỉ vì Thiên tử say mê nhan sắc của nàng. Tôi tuy là người hèn mọn hơn hết trong hàng những bậc phu nhân danh giá ấy, tôi vẫn phải có ít nhiều nhan sắc cốt cách của họ chứ.
Tôi ngắm dung nhan trong chiếc gương đồng và nếu tôi đành phải nhận rằng còn thiếu gì người kém nhan sắc hơn tôi thì đó chỉ là để hãnh diện cho chồng tôi mà thôi. Đôi mắt tôi tròng trắng tròng đen phân biệt rõ ràng. Đôi tai tôi nhỏ, nép sát vào da đầu, chỉ còn để lộ ra đôi bông tai lủng lẳng. Gương mặt trái xoan của tôi điểm cái miệng nhỏ với đôi môi vòng nguyệt. Chỉ thiếu một chút hồng tươi trên má và đuôi chân mày dài thêm chút nữa là tôi đủ vẻ mỹ miều. Tôi điểm hồng lên má bằng cách rải một ít bụi phấn hồng vào lòng bàn tay rồi thoa lên má. Một ngọn bút lông chấm vào mực đen kiện toàn thêm nét cong dài của cặp chân mày.
Như thế là dung nhan của tôi vừa đủ nét khả ái, sẵn sàng dâng hiến cho chồng tôi. Nhưng cứ mỗi lần chàng nhìn tôi là một lần tôi nhận ra rằng chàng chẳng để ý gì đến tôi cả, chẳng thấy nét môi làn mi của tôi ra sao cả. Tâm trí chàng nghĩ đâu đâu ở chân mây cuối trời nào đó, toàn là những nơi không có tôi ở đó để chờ đón chàng.

*

Sau khi ông thầy bói cho biết ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn cho tôi, khi những quả sơn son thiếp vàng đầy ắp phẩm vật hôn lễ, khi chăn gối màu hồng chất đầy bàn và bánh mứt chồng cao ngút ngọn, mẹ tôi cho gia nhân gọi tôi vào buồng riêng của bà. Tôi rửa tay, chải lại tóc rồi bước vào. Mẹ tôi ngồi trên cái ghế bành đen chạm trổ, nhấp từng hớp nước trà nhỏ, cái điếu hút thuốc bằng tre viền bạc đựng một bên vừa tầm tay. Tôi đứng trước mặt người, cúi đầu nhìn xuống đất mà vẫn cảm thấy đôi mắt soi mói của người lướt trên mặt mũi tôi, trên thân hình tôi từ đầu đến chân. Cuối cùng, mẹ tôi truyền cho tôi ngồi xuống. Gương mặt bình thản của người vẫn mang vẻ buồn man mác cố hữu. Mẹ tôi vốn là người hiền đức. Người bảo tôi:
"Quí Lan, con à, con sắp về làm vợ một người mà cha mẹ đã hứa gả cho ngay từ khi con chưa chào đời. Cha con và phụ than của chồng con là đôi bạn chí than, đã thề kết hợp hai gia đình bằng đám cưới của con trai con gái mình. Năm con chào đời, vị hôn phu của con được sáu tuổi. Số phận của con đã được đặt định như vậy và con cũng đã được nuôi dưỡng để chu toàn số mệnh ấy."
"Suốt mười bảy năm nay, mẹ chỉ nhắm vào, chỉ hướng đến giờ khắc hợp hôn ấy của con mà thôi. Trong khi dưỡng dục con, mẹ đã nghĩ đến hai người: thân mẫu của chồng con và chồng con. Nhắm vào thân mẫu của chồng con, mẹ đã dạy cho con cách thức pha trà và dâng trà cho một người lớn tuổi, cách thức đứng ngồi trước mặt bà mẹ chồng sao cho phải phép, cũng như cách thức im lặng nghe lời khen ngợi hoặc quở mắng của bà. Trong mọi trường hợp, mẹ đã uốn nắn cho con cái nết nhẫn nhục, chẳng khác gì như một đóa hoa phải chịu cảnh vùi dập của nắng mưa vậy.
"Nhắm vào chồng của con, mẹ đã tập cho con cách thức trang điểm, cách thức nói năng thưa gửi với chồng con không phải bằng lời mà bằng khóe mắt, bằng dáng điệu của mình, chũng như cách thức… nhưng thôi, những điều ấy con sẽ tự hiểu lấy khi đến lúc con chỉ còn một mình đối diện với chồng con."
"Như vậy là con đã được rèn luyện kỹ lưỡng về mọi điều liên quan đến bổn phận một cô gái con nhà nền nếp thuộc hang danh gia vọng tộc. Con hãy cố mà làm những món bánh mứt cùng những món ăn ngon kích thích khẩu vị của chồng con, để chồng con biết đến giá trị của con. Luôn luôn con phải nhớ làm vừa lòng chồng con bằng tài khôn khéo thay đổi món ăn."
"Bước ra trình diện cũng như rút vào nhà sau như thế nào cho phải phép với người trên, ăn nói như thế nào với kẻ dưới, bước lên kiệu cũng như cáo biệt mẹ chồng giữa chốn đông người như thế nào, tất cả những tập tục lễ nghi, cách thức xử sự ấy con đều đã biết. Phong cách của một bà chủ nhà đãi khách, những nụ cười tế nhị thâm trầm, nghệ thuật trang điểm mái tóc bằng nữ trang và hoa tươi, nghệ thuật thoa son, sơn móng tay, xức nước hoa, kỹ thuật đi hài vào đôi bàn chân thon bó nhỏ của con. Lạy Trời lạy Phật, mẹ đã khốn khổ khóc lên khóc xuống bao nhiêu lần chỉ vì đôi bàn chân bó nhỏ ấy của con! Nhưng cũng phải nói rằng vào lứa tuổi của con hiện giờ, mẹ chưa hề thấy ai có đôi bàn chân thon nhỏ được như của con. Ngày trước, khi mẹ bằng tuổi con bây giờ, đôi bàn ch6an của mẹ cũng không nhỏ được bằng như thế nữa. Mẹ chỉ mong có một điều là bên gia đình nhà họ Lý họ cũng chú ý đến lời nhắn nhủ của mẹ mà bó chặt như vậy đôi bàn chân vị hôn thê của anh con. Nhưng mẹ không được an tâm, vì mẹ nghe nói con nhỏ đó học sách Tứ Thư, mà phàm đàn bà con gái đã giỏi chữ thì ít có đẹp mắt bao giờ. Để rồi mẹ sẽ nói lại vụ này với bà mai."
" Về phần con, nếu chị dâu của con sau này mà được như con thôi là mẹ đã bằng lòng lắm rồi. Con đã được học đàn tranh là loại đàn bao nhiêu đời phụ nữ ta xưa nay vẫn so dây nắn phím cho chồng thưởng thức. Ngón tay con lại khéo léo, móng tay con dài."
"Con đã được dạy những vần thơ hay nhất của hang thi bá ngày xưa và con đã tay đàn miệng hát những câu thơ ấy rất êm tai. Theo mẹ nghĩ thì bà mẹ chồng của con khó mà tìm thấy thiếu sót trong việc mẹ dạy dỗ con nên người như bấy lâu nay, ngoại trừ trường hợp con phạm vào tội bất hiếu lớn thứ ba là đàn bà tuyệt tự không con! Nhưng mẹ sẽ đi đến hết đền này phủ kia để cầu khẩn cho con, nếu như sau một năm về nhà chồng, con vẫn chưa mang thai."
" Mặt tôi đỏ lên… Mà tôi thì nào có lạ lùng gì với việc sinh con đẻ cái! Niềm mong ước có mang con trai nối dòng vẫn là niềm mong ước trong một gia đình như gia đình tôi; cha tôi lấy thêm hai người hầu thiếp nữa, quanh năm suốt tháng họ chỉ biết lo toan đến việc chửa đẻ. Tuy nhiên, khi nghĩ đến chính mình lâm vào cảnh ấy… Nhưng mẹ tôi không thấy đôi má ửng hồng của tôi. Mẹ tôi trầm ngâm suy tưởng. Cuối cùng bà nói:
"Chỉ có một điều đáng bận tâm là thằng chồng sắp cưới của con đã từng đi xa, sống lâu ở ngoại quốc. Nó lại học y khoa ở bên đó nữa. Mẹ cứ băn khoăn không biết… Nhưng mà thôi. Mẹ cho con lui ra ngoài."