Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Mở đầu

     on người không thể sống trần truồng. Một con người có thể sống với những manh áo rách, đúng? Nhưng mà cậu, một manh áo rách cũng không có! Cậu chẳng có một thứ gì!
Pierre Pillat nhìn bộ đồng phục kaki của Boris Bodnar.
Anh nói tiếp:
- Sau ba tháng, viên cảnh sát đầu tiên sẽ lột trần cậu ra, thu hồi những áo quần này gửi trả lại cho nhà trường. Cậu sẽ chẳng còn lấy một mảnh gì che thân nữa. Không còn lấy một chiếc sơ mi, không còn lấy một đôi giày. Không một thứ gì cả! Cậu sẽ trần trụi hơn cả một tên Papu. Cậu là người trần trụi nhất trần gian. Cậu muốn làm gì?
Pierre Pillat tìm đôi mắt xanh của bạn. Đôi mắt xanh của Bodnar đang nhìn xuống đất.
- Người ta đã trao tờ quyết định đuổi học của cậu chưa? - Pillat hỏi.
Boris Bodnar tiếp tục nhìn xuống mặt đất phẳng lì của sân trường. Anh đưa tay lên túi áo để lấy tờ quyết định. Chiếc áo đồng phục có bốn túi, nhưng để làm nhục những học sinh bị đuổi người ta đã cắt cả bốn túi bỏ đi.
Khi ngón tay Boris không sờ thấy túi áo ở chỗ ngày thường của nó, anh lại sờ lên cái túi thứ hai trên ngực. Nó cũng đã bị cắt. Hai túi dưới cũng vậy. Anh đỏ mặt. Boris Bodnar sáng nay, lúc sáu giờ, đã phải mặc quần áo của những người bị đuổi học.
Từ khi anh khoác chiếc áo kia vào, anh đã sờ tay tìm túi một cách máy móc không biết bao nhiêu lần. Theo thói quen và không hề để ý, bàn tay anh cứ lần lượt tìm hết túi trên lại tìm túi dưới, cuối cùng nó đành buông thõng, cam lòng, như bây giờ đây Những chiếc túi bị cắt, đó là nỗi sỉ nhục đầu tiên của Boris Bodnar. Đôi mắt xanh của anh nhìn một lúc vào vị trí thường ngày của nó trước kia. Anh nhận ra không chỉ thiếu túi mà cả cái mép viền màu vàng ở cổ áo cũng đã bị cắt mất. Người ta cũng đã cắt mất cái đường viền tay áo, đường viền dọc nẹp theo ống quần. Cả sáu chiếc khuy của chiếc áo dài cũng đã bị cắt nốt - những chiếc khuy mà anh lau đi lau lại mỗi buổi chiều, như tất cả các học sinh trường trung học hoàng gia, cho tới khi nó chói sáng lên như vàng thật mới thôi - nay cũng không còn. Sáu chiếc tất cả, không còn lấy một chiếc nào. Thay vào đó là sáu chiếc khuy sắt, bé xíu và han rỉ. Sáu cái lỗ khuyết trước đây cài kín sáu khuy vàng giờ đây quá rộng cho mấy cái khuy sắt cỏn con. Nó đã sờn mép và bẩn thỉu. Vắng những chiếc khuy vàng, bây giờ trông nó như những cái hốc mắt mất tròng.
Không nhìn Pillat, Boris Bodnar lại sờ tay tìm túi quần.
Mỗi học sinh có một quần kaki đồng phục bốn túi. Bốn túi ấy giờ đây đã bị khâu kín lại. Boris Bodnar trở nên cáu kỉnh. Mỗi cái túi mất đi làm cho anh thấy đau nhói trên mình như có ai cắt đi một mảnh con vào da thịt của anh chứ không phải vào bộ đồng phục. Anh nhớ ra rằng anh đã khâu thêm một cái túi con bên trong để cất tờ quyết định.
- Anh muốn xem tờ quyết định đuổi học nó giống cái gì có phải không? - Boris hỏi, giọng mỉa mai.
Anh đưa cho Pierre Pillat một mảnh giấy vàng gấp tư. Đó là một tờ giấy màu lá úa, một màu sắc hình như được chọn dùng riêng cho những trường hợp bị đuổi học, chết chóc hoặc tù đày. Pillat đọc:
“Chiếu theo sắc lệnh ban hành quy chế hoạt động của các trường trung học hoàng gia Rumani.
Học sinh Boris Bodnar bị đuổi học và chỉ được mặc đồng phục hoàng gia trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bị đuổi. Các nhân viên lực lượng cảnh sát có trách nhiệm thi hành quyết định này và giao nộp đồng phục lại cho Trường trung học hoàng gia Kichinev sau khi chấm dứt thời hạn ba tháng”
.
- Cậu có thể làm gì sau ba tháng ấy, trong tình cảnh mình trần thân trụi ấy? - Pillat hỏi - Phải trở về nhà cha mẹ thôi. Không có giải pháp nào khác đâu!
Pillat tay trái cầm tờ quyết định đuổi học, tay phải đặt lên vai Boris. Chiếc áo không còn ngù vai nữa. Chỗ mà trước kia có những ngù vai viền vàng và thêu hình vương miện cùng với con số nhà vua Rumani - người bảo trợ nhà trường - giờ đây trơn trụi, không có một cái gì. Không có ngù vai, chiếc áo dài ấy chỉ còn là một chiếc áo chết. Thực tình nó không còn là một chiếc áo ngoài mà là cái xác ma của chiếc áo ngoài mà thôi.
Một chiếc áo ngoài không có ngù vai cũng giống như một người bị chém mất đầu. Vì lẽ ấy mà trong lịch sử quân đội, “bị lột ngù vai” đồng nghĩa với “chết”. Trước khi trừng phạt nó bằng nhục hình, người ta lột ngù vai của kẻ đào ngũ ngay trước mặt đồng đội. Ngù vai, là cái đầu của chiếc áo lính.
Từ sáu giờ sáng, Boris Bodnar không còn ngù vai nữa.
Pierre Pillat cảm thấy bàn tay anh đang đặt lên một vật gì đã chết. Ngay vải áo ngoài của Boris Bodnar cũng đã chết và không phải chỉ vì thiếu chiếc ngù vai. Bản thân cái sợi của vải đã chết. Vải đã bị giết chết trước khi người ta trao đồng phục kia cho những học sinh bị đuổi khỏi trường. Những bộ quần áo ấy đã mặc hằng bao nhiêu năm rồi, sau đó bị ném xuống gầm kín dưới đất. Nhưng trước khi ném xuống gầm, người ta đã cho vào lò hấp và tẩy sạch vi trùng. Cùng với vi trùng người ta đã hủy diệt luôn sự sống của vải, nó trở thành màu đất và nhàu nát. Những sợi chỉ dệt nên tấm vải đã chết dưới tác động của hơi nóng và áp lực của lò hấp cũng như của những chất tẩy trùng mạnh, giống như những tế bào của một cơ thể sống chết đi. Mỗi năm một lần, những bộ đồng phục không dùng nữa được moi lên từ các hầm sâu của nhà trường, gửi tới xưởng máy để chế biến thành sợi giẻ. Năm nay con số ấy sẽ giảm đi mười bốn bộ. Boris Bodnar đã mặc một trong mười bốn bộ đồng phục này.
- Nếu bây giờ đây, cậu không về nhà cha mẹ thì ba tháng nữa cậu cũng sẽ về, khi mà bọn cảnh sát chạy đuổi theo cậu để lột hết quần áo, bỏ cậu lại trần như nhộng. - Piene Pillat nói - Ba mẹ cậu cứ tha hồ cáu gắt, rồi họ cũng đành nhượng bộ mà thôi! Họ sẽ không chặt đầu đâu mà sợ! Và họ sẽ phải may áo quần cho cậu, đó là chuyện dĩ nhiên. Hãy trở về nhà đi. Không có giải pháp nào khác đâu.
Anh học sinh Pierre Pillat không để tay trên vai Bodnar nữa. Bộ y phục “kẻ bị đuổi học” của người bạn cũ anh nghe hăng hăng mùi thuốc tẩy, mùi mốc và mùi thối rữa.
- Mình đã bàn với các bạn. - Pillat nói - Chúng mình sẽ tổ chức một cuộc lạc quyên lấy tiền cho cậu đi đường.
Boris Bodnar nghiến chặt hàm răng.
Tôi hết cả bạn bè rồi! - Anh nói; và lần đầu tiên anh muốn khóc, muốn bùng lên những tiếng nức nở - Tôi không có bạn nữa! - Boris nhắc lại - Các anh, học sinh lớp năm, các anh không còn là bạn học của tôi. Tôi là kẻ bị đuổi. Tôi đâu phải là học sinh lớp năm! Cũng không phải cả học sinh lớp bốn. Những kẻ bị đuổi không được lưu lại trường. Tôi hết cả bạn.
- Cậu vẫn là bạn chúng mình, những học sinh lớp năm. - Pillat bảo - Dù cậu không còn ngồi trong cùng một lớp nữa! Chúng ta đã từng ngồi bên nhau trên một chiếc ghế dài suốt bốn năm qua.
- Các anh đã là bạn của tôi trong bốn năm qua! - Giọng nói của Boris run run - Giờ đây, các anh không phải là bạn tôi nữa. Đó là chuyện thường tình.
Sân trường mang hình dạng một cái ô vuông rộng lớn có những bức tường to màu xám bao quanh. Chỉ trong giây lát nó đã đầy ắp những con người. Năm trăm học sinh ùa ra sân trong giờ giải lao. Họ nhìn mười bốn người bị đuổi học trong bộ y phục nhục nhã của họ. Những người bị đuổi học này không còn được phép bước chân vào lớp, vào nhà ăn hoặc vào nhà ngủ nữa.
Họ đứng ngoài sân, lưng dựa vào tường, hoặc vào khung thành sân bóng đá hay sân quần vợt. Trong những bộ áo quần không túi, không ngù vai, không khuy vàng, không đường viền của họ, mười bốn con người bị đuổi học ấy tựa vào cột, vào những cây dẻ của sân trường, vào những bức tường đá cao. Và tất cả đều mắt nhìn xuống đất.
- Mấy giờ cậu đi? - Pierre Pillat hỏi.
Anh hỏi một câu để phá tan cái im lặng nặng nề nó làm cho khoảng cách giữa hai người bạn học cũ xa thêm.
Boris Bodnar nhún vai. Năm trăm học sinh đi dạo chơi giữa sân - tất cả, khuy áo óng ánh như vàng, và giày da bóng nhoáng - đều nhìn những kẻ bị đuổi học và không ai dám đến gần. Họ nhìn không chút sợ hãi. Bọn học sinh thừa biết rằng những kẻ xấu số kia được giữ lại vài ba hôm ở sân trường như vậy cố làm gương cho các bạn đầu năm học mới. Hơn nữa, bao giờ cũng là trong một giờ ra chơi, cho mọi người nhìn thấy tận mắt - họ bị những người lính gác canh giữ dắt ra tận cổng trường, từ đó dẫn bộ tới nhà ga ngang qua trung tâm thành phố.
Đó là loài cỏ lùng người ta nhổ vứt đi. Học sinh chỉ liếc nhìn từ xa những con người bị đuổi học ấy mà không một ai dám đến gần cả. Pillat đứng cạnh Boris Bodnar. Xung quanh có một khoảng trống không người. Xung quanh một kẻ bị đuổi học nào trong cái sân vuông này cũng có một khoảng trống “gieo tai họa” như vậy. Những học sinh có ngù vai thêu những chữ cái đầu của nhà vua đều sợ những con người bị đuổi ấy. Không ai dám tới gần họ, kể cả những người vừa đây thôi còn rất thân nhau. Trong con mắt của các học sinh lúc này, người ta đọc thấy những ý nghĩ, tình cảm tương tự như ở những tay lái ôtô nhìn thấy ở ngã tư đường một xác xe bị nghiến nát cùng với bao nhiêu hành khách kẻ chết, người bị thương.
Họ mang trong lòng nỗi lo sợ điều bất hạnh kia sẽ xảy đến cho mình. Và chính vì vậy mà họ đành nhắm mắt đi qua. Cái sợ mạnh hơn cái thương. Cứ trông thấy những người bị đuổi là học sinh thề với mình sẽ chăm chỉ học hành trong năm tới, như những anh tài xế thề với lòng sẽ lái cẩn thận mỗi khi trông thấy bên đường một chiếc xe ngã kềnh vì đâm vào một gốc cây hoặc một cột điện thoại.
Pillat cũng đột nhiên bị nỗi băn khoăn lo sợ ấy giày vò.
Mặc dù không có ý định, anh cũng thử rút ra một bài học bổ ích cho mình từ những điều bất hạnh của Boris: tránh cái lỗi lầm mà Boris đã vấp phải, dẫn tới tai họa hôm nay.
- Vì sao vậy? - Pierre Pillat hỏi - Mình không thể hiểu được vì sao cậu lại có thể bị trượt trong kỳ thi?
Một giây lát im lặng. Đôi má của Boris tái nhợt. Râu cằm xuất hiện như một lớp lông tơ mềm mại, màu hung. Dưới lỗ mũi, một hàng ria đã lơ thơ in bóng.
Boris ngẩng đôi mắt xanh nhìn lên trời. Những đám mây to đen nghịt bay dồn về phía đông, rất nhanh, ngay trên đỉnh ngôi trường, lớp này rồi lớp khác như hệt những đám mây mưa.
Cách đây hai mươi cây số về phía đông là sông Dniestr và bên kia sông Dniestr là nước Nga. Boris Bodnar nhìn những đám mây màu sẫm bay qua trên mái trường, ngay trên đầu anh, và nghĩ rằng lát nữa mây sẽ bay trên bầu trời nước Nga, khoan thai, thong thả.
Mình nghĩ nát óc ra cũng không hiểu nổi sự việc này. - Pillat nói - Không một bạn nào của chúng ta hiểu nổi sự việc này. Lâu nay, cậu vẫn là nhà toán học xuất sắc nhất lớp chúng ta. Cậu giải được một cách dễ dàng những bài toán mà không ai giải được. Cả hai đứa chúng ta phải qua kỳ thi này như một hình thức kỷ luật bởi kỳ trước chúng ta đã giải được bài toán rồi cho cả lớp theo đó mà chép lại. Nhưng không một ai có thể ngờ rằng chính cậu, cái đầu toán học, nhà toán học bẩm sinh ấy cậu lại không giải nổi bài toán thi này. Nói mình nghe đi, giáo sư khẳng định rằng cậu đã nộp giấy trắng, không làm được một dòng nào. Vì sao đến nỗi vậy?
Boris Bodnar vẫn tiếp tục nhìn những đám mây đen bay qua trên trường để đi về phía đông thêm vài giây phút nữa.
Đoạn anh liếc nhìn những chiếc khuy vàng trên áo của Pillat, trong đó anh nhìn thấy mặt mình, xanh xao vàng vọt như trong sáu tấm gương lồi.
- Vì sao lại hỏi chính mình câu đó? - Boris hỏi. Anh đã trở nên đa nghi.
- Tự nhiên thôi. - Pillat đáp - Mỗi chúng mình đều đặt câu hỏi ấy. Nhất định đã có chuyện gì bất trắc xảy ra đây.
Giờ ra chơi đã chấm dứt. Tiếng chuông gọi vào lớp vang lên inh ỏi. Bọn học sinh liếc nhìn rất nhanh những kẻ bị đuổi lần nữa, lần cuối cùng, rồi chen nhau vào lớp để được thật đúng giờ, để khỏi bị vào muộn, để khỏi đến lượt mình trở thành những học sinh bất hạnh phải mặc những bộ y phục đê hèn.
Cả năm trăm học sinh đều có một ý nghĩ giống nhau khi chúng chen nhau vào lớp. “Miễn cái chuyện này không bao giờ đến với chúng ta!” - Bây giờ là giờ học tiếng Latin đây. - Pillat nói - Mình bỏ giờ học. Cậu đến chỗ đằng sau đống gỗ với mình. Chúng mình có thể yên tâm nói chuyện.
Sân trường vắng vẻ.
Không! - Boris đáp (bằng cả hai tay, anh đeo mình tựa lưng vào bức tường đá) - Anh biết rằng các anh, học sinh của trường hoàng gia, các anh không được phép trò chuyện với những kẻ bị đuổi học. Kể cả sau khi ra trường nữa, các anh vẫn không được phép quan hệ với họ, dù là quan hệ thư từ cũng không. Anh nên vào học giờ Latin đi, nếu không người ta có thể phạt giam anh vào buồng tối đó.
Pierre Pillat kéo Boris đi về phía cuối sân và nấp sau đống gỗ.
Không! Nói chuyện đó bây giờ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa! - Boris Bodnar nói - Con đường chúng ta đi sẽ mãi mãi cách xa nhau. Chúng ta từng là bạn thân, đúng. Bây giờ thì hết rồi. Anh sẽ là sĩ quan. Anh sẽ mặc bộ đồng phục nhà vua. Và sẽ là một thành viên trong giới thượng lưu quốc gia, trong đội ngũ sĩ quan, như người ta nói trong những giờ giáo dục đạo đức.
- Chẳng ai ngăn cách được con đường chúng ta đi! - Pillat bảo. Anh bắt tay Boris - Chúng ta đã từng là bạn thân và chúng ta sẽ mãi mãi là bạn thân. Dù có lệnh cấm đi chăng nữa thì chúng ta vẫn cứ thư từ cho nhau. Không cần phải ký tên dưới thư làm gì, mình biết thuộc lòng nét chữ của cậu rồi. Cậu sẽ biên thư đều đặn cho mình, phải không?
Viên sĩ quan trực kiểm tra sân. Pierre Pillat và Boris Bodnar nấp kín sau đống gỗ nên viên sĩ quan không trông thấy.
Sau khi ném một cái nhìn vào những người bị đuổi học đang đứng tựa lưng vào tường, vào gốc cây hoặc vào các khung thành trong sân chơi, viên sĩ quan bỏ đi.
- Ba mẹ cậu giàu có. - Pillat bảo - Họ sẽ gửi cậu vào một trường dân sự nào đó. Cậu sẽ học vượt một năm hai lớp.
Boris Bodnar đỏ mặt. Trên bóng hàng ria tơ, hai cánh mũi anh phập phồng.
- Anh vào học giờ Latin của anh đi. Để mặc tôi! - Boris đáp.
- Mình nói chuyện với cậu trên tư cách bạn thân. Sao cậu lại nổi cáu với mình?
- Nếu nói với nhau trên tình bạn thật sự thì xin đừng nhắc tới ba mẹ tôi, đến chuyện về nhà!
Bàn tay của Pierre Pillat thân mật đặt lên vai không có ngù của Boris. Nhưng Bodnar vẫn để mắt nhìn theo những đám mây đen đang chạy trốn rất nhanh về phía nước Nga.
- Mình có nói điều gì không tốt cho cậu đâu, Boris! Mình chỉ khuyên cậu hãy trở về nhà. Thế thôi. Đó là một lời khuyên hợp lý.
- Tôi không cần lời khuyên của anh! - Boris đáp, mắt vẫn nhìn trời - Anh thừa biết rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn gặp nhau nữa. Con đường chúng ta đi đã tách biệt nhau rồi. Có thể đây là lần cuối cùng chúng ta nói chuyện với nhau. Anh có biết vì sao tôi không muốn ai nhắc tới ba mẹ tôi, đến nhà tôi không? Tôi sẽ nói với anh. Có thể đây là một sự trả thù về phía tôi. Anh có biết tôi có một thằng em trai không? Boris Bodnar run run.
- Cậu có một thằng em trai à? - Pillat hỏi - Có bao giờ cậu nói chuyện đó với mình đâu! Chúng ta cùng ngồi với nhau bốn năm liền trên một chiếc ghế dài học sinh. Mình tưởng chúng ta đã trao đổi cho nhau mọi bí mật tâm tình. Ít nhất về phía mình, mình đã thổ lộ hết mọi điều với cậu.
Pillat cảm thấy như anh đã bị phản bội trong tình bạn. Anh thấy ân hận đã không lên lớp giờ Latin mà ở lại trên sân với một người bạn cũ đã nói dối anh suốt bốn năm ròng.
Pillat nhìn ra sân. Anh đã toan quay về lớp học và để Boris, bỏ rơi Boris lại một mình. Nhưng anh không thể làm như vậy nữa. Muộn quá rồi. Đành phải đợi giờ chơi sau.
- Vì sao chẳng bao giờ cậu nói cho mình biết cậu có một thằng em trai? - Pillat hỏi, giọng gay gắt - Mình có điều gì bí mật với cậu bao giờ đâu!
- Bây giờ tôi mới nói. Tôi có một đứa em trai. Nó tên là Angelo. Toàn bộ tấn bi kịch phát sinh là từ nó. Chính vì vậy mà tôi không thể trở về nhà. Anh biết không? Bởi vì trời đã cho tôi một đứa em trai.
Boris nhìn vào đôi mắt của Pillat, như muốn xuyên thủng nó đi.
- Angelo kém tôi ba tuổi. - Boris tiếp.
Pierre Pillat không quan tâm tới những lời bạn nói. Điều cơ bản là Boris đã giấu anh một sự việc gì đó, là Boris thiếu chân thực đối với anh.
- Khi tôi lên ba, thì xảy ra một sự việc nó làm đảo lộn tất cả cuộc đời tôi. Anh có muốn biết là chuyện gì không?
Pillat nhún vai.
- Câu chuyện vắn tắt như thế này. - Boris nói - Anh nghe tôi kể xong mới hiểu được vì sao tôi đã giữ bí mật, vì sao không một ai trong lớp học biết rằng tôi có một thằng em.
Tôi vừa lên ba tuổi. Tôi đang chơi ở sân. Trước nhà tôi có một khoảng sân với những cây mơ đang ra hoa trắng xóa. Tôi chỉ mới lên ba, nhưng tôi nhớ tỉ mỉ mọi chi tiết. Tôi có một bộ đồ thun trắng. Mẹ tôi phải chú ý không làm bẩn bộ quần áo mới của tôi. Rồi mẹ tôi để tôi chơi ở sân, dưới những cây mơ.
Angelo lúc đó mới chỉ được mấy tháng thôi. Nó nằm trong xe nôi, dưới ánh mặt trời. Mẹ bảo tôi trông em. Tôi chưa bao giờ chơi một mình với Angelo của tôi. Bao giờ cũng có mẹ bên cạnh. Tôi cũng chưa lần nào nhìn kỹ nó. Lần này có một mình tôi cùng Angelo. Tôi mon men tới gần chiếc xe nôi và tò mò nhìn nó. Một đứa bé con, là một điều mới lạ đối với tôi, một đồ chơi.
Tôi đã phát hiện ra hai cái chân của nó và tôi nhìn. Tôi sờ vào cặp chân hồng hào của em. Tôi cười. Tôi rất thích nghe nó kêu lên khi tôi nắm chặt lấy chân nó, giống như con búp bê bóp nó thì nó kêu. Sau đó tôi phát hiện ra cái đầu của nó. Một cái đầu hồng hồng và tròn trĩnh như một trái banh. Vì chói mặt trời nên nó nhắm mắt lại. Đôi khi nó mở ra và tôi thấy nó có đôi mắt to, xanh. Nhưng nó không muốn để mắt mở. Tôi bèn lấy ngón tay banh mí nó ra. Đôi mắt của nó làm tôi thích thú.
Nó rất đẹp, trong và tôi muốn nhìn, muốn ngắm mãi. Trong tất cả những gì mà Angelo có, tôi yêu nhất đôi mắt của em. Tôi thích mở nó ra vì Angelo nhắm chặt nó lại. Thấy nó chẳng muốn biết gì cả tôi bỏ nó đấy và ngồi nghịch cát, bên cạnh chiếc xe nôi. Khi Angelo kêu lên, tôi lại đến cạnh nó và lại cố banh mắt nó ra. Tôi nhặt được một chiếc đinh trong cát. Và bởi không banh được mắt nó ra bằng ngón tay, tôi đã dùng chiếc đinh cạy mí mắt nó ra. Nó kêu, nó giãy. Tôi bèn ấn mạnh chiếc đinh vào mắt Angelo. Là vì, anh hiểu không? Tôi muốn banh mắt nó ra xem mà nó thì cứ nhắm nghiền lại. Tôi yêu đôi con mắt nó quá. Và tôi muốn được nhìn.
Tiếng kêu thét của Angelo vang dội cả sân. Tôi không còn biết chuyện gì xảy ra sau đó nữa. Khi mẹ tôi tới thì cái xe của Angelo đầy máu, bộ quần áo trắng của tôi đầy máu, tay tôi đầy máu, má của nó đầy máu. Với chiếc đinh, tôi đã chọc thủng một mắt của Angelo, con mắt của Angelo mà tôi xiết bao yêu thích.
- Thằng giết người! - Mẹ tôi thét - Giờ đây tôi vẫn còn nghe tiếng thét của mẹ tôi. - Thằng giết người!
Mẹ tôi ngất đi, ngã xỉu xuống. Hàng xóm đổ đến, đàn ông, đàn bà, đầy cả sân. Ba tôi đến, cha xứ cũng đến, cả ông bác sĩ và bà hàng quán nữa. Tới đây, không còn nhớ rõ lắm. Người tôi đầy máu, chỉ biết vậy thôi. Cha xứ và ông bác sĩ đã khênh mẹ tôi vào trong nhà. Nhà đầy những khuôn mặt lạ. Một đám đông. Sau đó ít lâu, mẹ tôi lại ra. Hai người đàn bà lạ mặt cầm tay mẹ tôi. Mẹ tôi gào lên đòi treo cổ tôi vì tôi là một đứa tội phạm, một kẻ giết người.
Boris Bodnar nhìn xuống đất.
- Chuyện có thế! - Anh nói - Kể từ ngày hôm đó, từ cái tuổi lên ba, cuộc đời đã ngừng lại với tôi. Tất cả mọi người ở nhà, ở làng, ở trường học chỉ còn gọi tôi bằng cái tên “đứa giết người”! Đối với tất cả, tôi là một đứa giết người, một tên hung thủ!
Kể từ hôm đó trở đi, bạn bè, thầy giáo, vị linh mục, xóm giềng, ba tôi, mẹ tôi chỉ còn việc là giám thị tôi không một phút giây nào nghỉ. Họ dò xét từng cử chỉ, từng việc làm, từng câu nói của tôi hòng phát hiện ra những ý đồ tội ác.
Nếu tôi vô ý đụng khuỷu tay vào một đứa trẻ con, hay chơi ná cao su, hoặc ném một hòn sỏi, cầm một con dao, một cái đinh, một vật gì sắc nhọn là lập tức người ta quy cho tôi có ý định làm tội ác. Và mọi người gọi tôi “Boris tên hung thủ”.
Phía trên ngôi trường, những đám mây đen bay về phía đông.
- Angelo lành bệnh - Bodnar nói - nhưng con mắt nó không còn. Tôi đã làm nổ tròng xanh của nó bằng một chiếc đinh. Và tròng màu xanh của mắt đã chết, đã bị khoét đi. Hốc mắt bên phải bây giờ trống rỗng, mí mắt khép lại. Bất cứ ở đâu, trong nhà hay ngoài sân, bao giờ trước mắt tôi cũng hiện lên hốc mắt không tròng của Angelo. Quả là một hình phạt cay nghiệt! Và tôi lại nhìn con mắt trái của nó, xanh sao, đẹp sao! Coi nó như một viên ngọc quý nhưng mà độc nhất. Bởi vì, nói thật với anh, tôi chưa bao giờ thấy một con mắt nào xanh hơn, sáng hơn con mắt trái của Angelo. Tôi đã không thể nào tha thứ cho mình đã dùng một chiếc đinh hủy hoại đi một con tròng màu xanh trong, đẹp đến diệu kỳ kia, ánh sáng của hốc mắt bên phải của em tôi.
Từ câu chuyện không hay đó, tôi bắt đầu chịu bao nhiêu điều hành hạ dội xuống trên đầu. Ba tôi truất quyền thừa kế của tôi, từ bỏ tôi. Tôi không ngồi ăn cùng bàn với Angelo và ba mẹ nữa, mà ngồi ăn cùng bọn đầy tớ. Toàn bộ gia tài chúng tôi đều mang tên của Angelo. Tôi được phép ở lại trong gia đình đã là quá lắm rồi. Angelo càng lớn lên thì người làng càng ghét bỏ tôi. Năm ấy, trong những tháng hè, tôi có nói chuyện với một cô gái trước cửa nhà tôi. Đúng chỉ có hai câu. Cô ta hỏi tôi:
- Anh có yêu đôi mắt của em không?
Tôi trả lời: có yêu. Tức thì cô ta lấy hai tay che mắt lại và nói với tôi:
- Nếu anh yêu thì xin anh đừng chọc thủng nó!
Nói xong cô ta chạy trốn.
Khi tôi đến trường, trẻ con đưa tay bưng mắt lại và gào to với nhau:
- Coi chừng con mắt! Boris kia, nó móc đi cho bây giờ!
-Tha lỗi cho mình! - Pierre Pillat bàng hoàng nói - Mình không giận cậu nữa! Mình van cậu bỏ qua cho!
- Sao lại tha lỗi cho anh?
- Mình đã giận cậu bởi cậu giấu mình cậu có một thằng em. Quả thực không nói là phải.
Pillat đặt tay lên vai không có ngù của Boris Bodnar.
- Suốt tuổi ấu thơ của tôi, mẹ tôi luôn luôn cầu trời cho tôi mắc một chứng bệnh nào đó, tinh hồng nhiệt, sốt chấy rận hay một bệnh khủng khiếp nào đó để tôi chết quách cho xong. Ai cũng cầu mong cái chết của tôi. Người ta sai tôi lên núi hái nấm rồi bắt tôi nếm thử, với hy vọng tôi nếm phải nấm độc mà chết.
Trong gia đình cũng như ngoài làng xóm trên khắp cái thế gian này, đâu đâu tôi cũng là con người cần gạt bỏ, cần thanh toán đi!
Từ lúc lên ba, tôi đã phải bị kiểm soát mỗi hành vi của mình, bởi một cử chỉ bình thường vô vị nhất của tôi đều có thể bị hiểu như một hành vi phạm tội làm sôi động căm thù của thiên hạ đối với tôi. Tôi đã sống như vậy đó, cô đơn, kinh sợ, trong sự khinh bỉ của mọi người.
Trẻ con vật ngã tôi xuống đất, moi móc các túi áo túi quần tôi xem tôi có cất giấu một cái đinh, một con dao, một cái gì nhọn sắt hay không. Bởi mọi cái gì tôi có đều nguy hiểm. Và mỗi lần như vậy chúng nó đánh tôi. Không bao giờ tôi có một con dao nhíp. Ở bàn ăn trong suốt tuổi thơ, tôi không bao giờ có một con dao. Tôi phải dùng hai hàm răng thay dao xé thịt!
- Thật đáng thương hại! Boris! - Pierre Pillat nói - Nếu biết thế này...
- Anh biết vì lý do gì tôi thi trượt không? Bây giờ thì có thể nói thật tất cả. Là bởi suốt cả mùa hè tôi không làm sao học được một chữ. Tôi đã không đủ cam đảm nói cho ba mẹ tôi biết là tôi phải thi lên lớp về môn toán. Để ba mẹ không hay biết gì về cuộc thi đó, tôi đã thử học tập về đêm. Không thế thì lập tức sẽ nổi cơn giông tố gia đình. Ba mẹ tôi gọi tôi là thằng mất gốc, thằng đần độn, thằng ngu si. Nhưng họ đã bắt gặp tôi thức đêm giải những bài toán đại số. Họ la mắng tôi một trận nên thân. - Đêm là để ngủ. Những người có đầu óc bình thường đều ngủ ban đêm.
Vậy là bao nhiêu sách vở, tôi mang đốt hết, không làm sao còn học được nữa. Đó, cái lý do khiến tôi thi trượt và bị đuổi ra khỏi trường!
Boris Bodnar đã nói xong. Sau một hồi lâu im lặng, anh lại nói tiếp:
- Bây giờ anh đã rõ hết sự tình. Anh có còn khuyên tôi trở về nhà nữa hay không?
Pierre Pillat nhìn xa xa. Boris lại nói:
- Ba mẹ tôi chỉ chờ một duyên cớ nào đó để đuổi tôi đi. Bây giờ thì họ đã tìm được cái duyên cớ ấy rồi. Chỉ cần tôi xuất hiện trước mặt họ với bộ đồng phục này, cái quyết định đuổi học này là họ có cơ sở để khẳng định tôi là một thằng mất gốc, một tên tội phạm thôi. Họ sẽ còn trở nên dữ tợn hơn nữa. Và họ sẽ không cho phép tôi đặt chân vào nhà đâu. Vào sân cũng không. Và sẽ không một ai trong cả làng dám cho tôi nương thân một tối. Vậy là cái chuyện tôi trở về nhà không còn ý nghĩa gì nữa cả.
Một sự im lặng lớn lao, nặng nề tiếp theo câu nói đó.
Pierre Pillat xắn gấu quần lên và rút từ trong chiếc tất của anh ra một gói thuốc lá đưa cho Boris. Bodnar bắt đầu cuộn một điếu thuốc. Ngón tay anh run run.
- Chưa bao giờ mình nghe kể hoặc đọc một câu chuyện đau lòng như chuyện của cậu! - Pillat nói - Mình chưa hề thấy có một người nào chịu nhiều đau khổ đắng cay như vậy bao giờ, Boris! Làm sao cậu lại có đủ nghị lực để giấu đau thương? Mình đâu có ngờ. Không một bạn bè nào của chúng ta, không một thầy giáo nào của chúng ta có thể ngờ? Cái điều duy nhất của chúng mình không làm sao hiểu nỗi là cứ tới gần nghỉ hè là cậu cứ gầy nhom đi và trở thành buồn bã. Mình ngạc nhiên không thấy cậu nhận được thư từ của gia đình cậu bao giờ. Cậu là người duy nhất không bao giờ nhận được thư. Bốn năm liền không một lá thư... Có đúng là không bao giờ cậu được nhận một lá thư nào?
Mắt Bodnar rưng rưng lệ. Anh không trả lời. Anh nhìn mây, anh thích nhìn những đám mây nhẹ nhàng trôi trên đầu họ. Những đám mây, như những đoàn lữ hành bay về phía đông. Anh duỗi chân và đốt một điếu thuốc. Cái nhìn của anh vô tình, dừng lại ở đôi giày to tướng của mình. Đó là đôi giày của “kẻ bị đuổi học”, chẳng thành đôi chút nào: chiếc trái to hơn, màu đậm hơn chiếc phải.
- Cậu không tìm được một an ủi nào về phía Thượng đế hay sao? - Pierre Pillat hỏi - Thượng đế là một nguồn an ủi lớn cho những ai gặp quá nhiều đau khổ.
Cả hai người cùng ngồi trên cát. Họ hút thuốc. Boris lặng im.
- Cậu chưa lần nào thử đến với Chúa à?
- Tôi có thử. - Boris nói - Trong tình thế của tôi, tôi không dám đến với ai trên trái đất này, cho nên tôi đến với Chúa, đó là chuyện dĩ nhiên. Khi lần đầu tiên tôi nghe nói có một Con Người ở phía trên kia, trên trời, một Con Người biết tha thứ, tôi đã ngã vào lòng Người đắm đuối, say mê. Tôi nghĩ không một đứa trẻ nào đã dâng lời cầu nguyện lên với Chúa một cách sốt sắng chân thành như tôi. Tôi không thể yêu kính Chúa với một tình yêu nào trọn vẹn hơn như thế nữa. Tôi cần một người biết tha thứ. Và người ta nói rằng Chúa tha thứ cho mọi người. Tôi nguyện cầu Chúa, nói với Chúa hằng ngày, hầu như chẳng phút nào ngơi, như thể nói với một người bạn thân vậy Tối đến, tôi nguyện Chúa hằng giờ liền với những dòng nước mắt chứa chan.
- Và Chúa đã trả lời cậu? - Pillat hỏi.
- Chúa đã trả lời tôi. - Boris Bodnar đáp - Nhưng Chúa cũng chỉ trả lời tôi như người trần thế trả lời. Tôi có cảm giác rằng: cả Người nữa Người cũng muốn đưa tôi vào tròng. Vậy là tôi lại cũng tìm cách tránh Chúa như tôi đã tránh những con người. Song Chúa có mặt bên tôi. Tôi tưởng nghe hơi thở của Người mỗi lần tôi gọi đến tên Người. Mới sáu tuổi, tôi đã quả quyết tin rằng: không nên cầu nguyện nữa, rằng tôi phải mặc cả Chúa, rằng tôi phải cô đơn.
- Cậu đã thôi cầu nguyện Chúa từ năm lên sáu ư?
- Đúng vậy! - Bodnar nói - Sáu tuổi, tôi đã cách ly với Chúa. Tự nhiên xảy ra một câu chuyện thật tầm thường, vô vị. Một buổi chiều đi học về, tôi không thấy ba mẹ tôi ở nhà. Họ đã lên phố cùng với Angelo. Nhà chẳng có ai cả. Mọi cửa đều đóng khóa. Tôi phải ngồi ngoài sân như đã bao nhiêu lần trước. Đêm đến, tôi buồn ngủ. Trời khuya lắm rồi. Tôi lại đói bụng. Và tôi cũng muốn chuẩn bị bài học ngày mai. Tôi bèn quyết định phải vào nhà. Tôi tin rằng ba mẹ tôi chắc chắn sẽ không về giữa đêm khuya. Một mình trong đêm, tôi rét và tôi sợ Tôi thử lấy một sợi dây thép mở cửa nhưng khó mở lắm. Tôi mới sáu tuổi mà. Tôi bèn quỳ gối trước cửa và cầu xin Chúa giúp tôi vào được trong nhà. Xin Chúa đừng để tôi phải nằm ngoài sân suốt cả đêm. Tôi xin Chúa cứu giúp tôi bởi một mình thì tôi không làm sao được.
- Và chúa đã giúp cậu chứ?
- Chúa đã giúp tôi. - Boris đáp - Tôi cầu Chúa với tấm lòng thành kính vô cùng. Tôi khóc. Tôi đã lấy nước mắt cầu nguyện. Người giúp tôi mở được cửa ra với cái chìa khóa ứng biến của tôi. Tôi cảm thấy Chúa đến bên tôi và giúp đỡ tôi.
Chỉ trong nháy mắt tôi mở được cánh cửa. Tôi vào nhà. Trong nhà ấm áp. Sung sướng quá, không kịp thắp đèn, tôi quỳ gối xuống cảm ơn Chúa! Lần đầu tiên, tôi cảm thấy một cách chắc chắn rằng tôi không cô độc trên đời. Tôi có một người bạn, là Chúa. Anh không làm sao hiểu nỗi thế nào là hạnh phúc được có một người bạn, khi xung quanh chỉ có những kẻ ghét thù anh, Pierre ạ! Vậy mà tôi có một người bạn! Một người bạn mà tôi có thể gọi đến bất cứ lúc nào. Tôi không còn cô đơn nữa.
Tôi có Chúa bên tôi.
Tôi quỳ lâu trước bức tượng. Tôi không thể rời bỏ người bạn đó nữa. Đây là một đặc ân quý giá nhất: có một người bên mình khi ta chẳng còn ai cả, không mẹ, không cha, không cả bạn chơi, không cả bạn học, mà chỉ toàn những con người thù địch vây quanh, những con người cầu mong cho anh chết! Giờ đây tôi đã có một người không gọi tôi là “tên hung thủ” và giúp đỡ tôi. Đó là Chúa.
Đêm ấy tôi chẳng ăn uống chút gì. Tôi sung sướng quá, quên cả ăn. Tôi đã quên bài vở, quên cô đơn, mệt nhọc, quên mọi nỗi đau của mình. Tôi cứ quỳ gối trước mặt Chúa, bạn tôi. Tôi hạnh phúc. Tôi muốn cứ quỳ như vậy suốt đêm, với người bạn mới, người bạn duy nhất của tôi.
Nhưng ngay lúc đó, ba tôi đã về, cùng với mẹ tôi và Angelo.
Họ mặc bộ áo quần diện đi chơi, họ đã vào ăn ở nhà hàng và đã đi xem phim.
Họ vào nhà, lòng sôi điên giận và thấy tôi đang quỳ trước bức tượng.
- “Tên hung thủ” đâu? - Cha tôi thét lên trước khi bật đèn.
Sau đó tôi không biết gì nữa. Ba tôi đã xô tôi ngã xuống đất, rồi giẫm đạp lên người tôi với đôi giày mới của ông. Mẹ tôi đến sau đó một tí và cũng đánh tôi.
- Thằng hung thủ! - Cha tôi gào lên - Mày tưởng tao nuôi mày để cho mày bẻ cửa sổ nhà tao à? Để chỉ đường cho bọn đứa ở vào nhà trong lúc tao đi vắng à?
Họ đánh tôi tàn nhẫn. Người tôi đầy máu me. Tôi trườn được ra ngoài và nằm trên một chiếc ghế dài đặt cạnh nhà mà ngủ. Mình tôi bầm tím vết thương, đầy máu me. Tôi nghĩ đến bạn tôi - Chúa - và nói:
- Lạy Chúa! Người biết rõ mọi điều. Người đã thấy trước chuyện gì đã xảy tới cho con nếu Người giúp con mở được cánh cửa. Người đã biết chuyện gì sắp xảy ra thì sao Người còn giúp con mở khóa làm gì nữa chứ?
Tôi dường như nghe Chúa trả lời:
- Boris! Con đã cầu xin ta cứu giúp. Con đã cầu xin ta một cách nhiệt tình mà!
- Đúng vậy, nhưng mà, lạy Chúa, Người thừa biết cái điều con xin là không tốt. Người thấy đấy: cả mình con đầy vết thương, bầm tím và máu me. Người đã thấy họ giẫm chân lên mình con! Giá Người không giúp con mở được cánh cửa kia thì con đâu đến nỗi! Sự giúp đỡ của Người đối với con, lạy Chúa! Không phải là sự giúp đỡ của một người bạn. Nếu con ở địa vị Người và ngược lại Người ở địa vị con, thì con chẳng làm cho Người như vậy. Thà cho Người giận một lúc chứ không giúp Người làm một điều gì không tốt!
Chúa trả lời tôi:
- Xin điều gì, ta ban điều ấy.
- Nhưng mà con là một đứa trẻ lên sáu. Con không biết được điều gì tốt, điều gì xấu. Cái điều con xin Chúa tối hôm nay, chuyện mở cánh cửa, con tưởng là điều tốt, hóa ra lại là điều xấu. Nhưng mà Người, lạy Chúa! Người biết đâu là cái tốt, đâu là cái xấu kia mà!
Chúa đã không trả lời tôi, hoặc Người có trả lời mà tôi mệt mỏi quá không nghe. Tôi đã khóc và nằm ngủ.
Từ đêm hôm ấy, tôi không cầu kinh nữa. Tôi không căm giận Chúa đâu. Nhưng tôi sợ lại xin Người phải một điều gì không tốt. Tôi không xin gì nữa cả. Nếu tôi cầu nguyện, tôi chỉ nói đơn sơ: “Lạy Chúa, con chẳng biết nên xin Chúa điều gì. Chúa hãy ban cho con điều gì tùy ý Chúa!” Ngay cả ngày hè này, tôi không cầu nguyện Chúa trước khi thi.
- Cậu không cầu nguyện Chúa giúp cho cậu thi đậu à, Boris? - Pillat hỏi.
- Không! Tôi đã xin Chúa giúp đỡ tôi nếu Người thấy thi đậu là điều tốt cho tôi. Nhưng nếu đối với tôi thi trượt tốt hơn thi đậu thì Người đừng giúp đỡ.
- Thi trượt không bao giờ là điều tốt cả? - Pillat nói - Cậu có nghĩ là cậu đang có những ý nghĩ quá khích không? Trong trường hợp hiện tại, cái tốt, cái xấu tách biệt nhau rõ ràng.
- Panait Istrati đã sang Pháp và trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới, bởi vì lúc làm đày tớ cho nhà hàng Braila, ông đã bị tên chủ quán đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Nếu lão chủ quán không đuổi ông ta đi, trong đêm, trên mình chỉ có một chiếc sơ mi thì Istrati đã chẳng bỏ nước ra đi và Panait Istrati đã chẳng trở thành con người danh tiếng hiện nay; ông ta đã tiếp tục làm thân phận người đày tớ của hàng quán Braila. May lắm thì đến lượt mình trở thành một tên chủ quán là cùng. Vậy thôi. Trong cái xấu nào cũng có cái tốt, chỉ có điều là chúng ta không biết được cái tốt là đâu, cái xấu là đâu.
- Cậu cũng muốn ra nước ngoài chăng? - Pillat hỏi.
Boris Bodnar nhìn những đám mây bay về phía đông.
- Sao anh biết? Đúng vậy, tôi muốn đi. Không phải muốn mà là bắt buộc. Tôi bị cưỡng bách. Không còn giải pháp nào khác đối với tôi. Tôi muốn đi và làm lại từ đầu. Đi tới một nơi ở đó không ai biết tôi là Boris đã đâm thủng mắt em mình. Mà không ai nghi ngờ, cảnh giác với tôi. Mà các cô gái không lấy tay bưng mắt lại và kêu lên: “Anh thấy mắt tôi đẹp là vì anh muốn đâm thủng nó!”. Tôi không độc ác đâu, Piene ạ! Tôi không muốn đâm thủng mắt ai đâu! Cái chuyện xưa ấy, là một bất hạnh. Tôi chỉ là một đứa bé lên ba. Tôi không phải là một tên hung thủ!
- Cậu muốn đi đâu? - Pillat hỏi.
- Sang Nga! - Boris Bodnar đáp - Sang Nga, vì gần hơn cả. Chỉ vài giờ đi bộ là tới bờ sông Dniestr. Tôi sẽ bơi qua sông. - Anh ngừng lại giây lát - Có thể ngay đêm nay tôi đã ở trên đất Nga rồi. Đó, cái lý do vì sao tôi không cần tiền. Tôi cảm ơn anh đã có nhã ý đối với tôi!
- Cậu biết chính sách khủng bố đang ngự trị ở Nga. - Pillat nói - Cứ mỗi mùa đông, cậu thấy có bao nhiêu người qua đây tị nạn, bất chấp cái nguy cơ có thể bị ám hại ở dọc đường chăng?
- Tôi biết chứ! Nhưng sự khủng bố mà tôi đang chịu đây còn đáng sợ hơn. Vả lại ở đây tôi là người duy nhất bị khủng bố. Nhưng tại nước Nga, bên kia, nếu có khủng bố chăng thì cũng là sự khủng bố tập thể. Và có bạn bè là một điều quan trọng. Kể cả bạn cùng đau khổ. Cô độc là nguồn đau lớn nhất của thế gian. Con người có thể chịu đựng sự khủng bố tàn tệ nhất nếu là tất cả cùng chung chịu. Nhưng cô độc là chết. Đối với riêng tôi, tôi không nghĩ rằng cuộc sống ở Nga sẽ khó khăn vất vả hơn ở đây. Từ khi mới lên ba cho tới ngày hôm nay, tôi chỉ thấy có do thám, cảnh giác, buộc tội, sỉ nhục, nghi ngờ. Đối lại với tất cả những chuyện đó, tôi nghĩ rằng ở Nga tôi sẽ được tự do hơn.
- Vì sao cậu cứ muốn rời bỏ đất nước ra đi? Hãy ở lại, mà không về nhà!
- Ở Rumani tôi phải thú nhận rằng tôi đã bị đuổi học. Tôi là tên hung thủ đã đâm thủng mắt em. Ở nước tôi, mẹ tôi, ba tôi người làng có thể gặp tôi. Có thể cả bạn bè tôi nữa. Ở nước tôi, con mắt của Angelo cùng những lời buộc tội của mọi người sẽ theo đuổi tôi cho tới mãn kiếp. Ở Nga, chẳng ai phải bưng mắt mình lại khi tôi đi lại trên đường. Và điều đó đối với tôi mới thật là cơ bản.
Boris Bodnar nói tiếp:
- Tôi có thể bị người ta bắn chết mất xác khi bơi qua sông Dniestr. Biên giới được canh gác cẩn mật. Nhưng ý nghĩ về cái chết không làm tôi khiếp sợ. Tôi đã quen nghĩ về cái chết nhiều hơn là nghĩ về cái sống. Và biết đâu các lính cảnh giới cứ bắn phăng tôi đi ở chốn biên thùy, thế mà hay hơn cũng nên.
- Đừng nói như vậy. - Pillat bảo.
Anh quấn thêm một điếu thuốc nữa và nhìn đồng hồ.
- Phải mười lăm phút nữa mới tới giờ ra chơi.
Anh nói thêm:
- Vì sao lại phải giấu mình một điều bí mật? Giá cậu cho mình biết, có phải cậu đã thấy thoải mái hơn không? Mình đã có thể giúp đỡ cậu. Giữ bí mật với mình quả là một sai lầm. Đáng lẽ ra cậu nói với mình mới phải.
- Nếu như tôi nói chuyện thì chính anh cũng đã theo dõi xem tôi có đúng là một tên hung thủ bẩm sinh không.
- Cái gì chứ cái đó thì không! - Pillat nói.
Boris Bodnar nhìn cái túi thuốc lá. Trong túi, Pillat có một vài thứ giấy tờ và tiền. Boris Bodnar nhìn các thứ đó.
- Mình muốn làm một cái gì đó cho cậu. - Pillat nói - Mình sẽ làm tất cả những gì cậu yêu cầu.
- Tôi không thể yêu cầu anh điều gì! Thực ra có gì mà yêu cầu?
Anh tiếp tục nhìn gói thuốc.
- Mình sẽ làm tất cả những điều gì cậu muốn. Tất cả - Pillat nhắc lại.
- Trong túi thuốc anh có một tấm hình. - Boris Bodnar nói (Anh đỏ mặt) - Tôi thấy anh có một tấm hình khi anh lấy thuốc. Tấm hình của một thiếu nữ. Anh có vui lòng tặng tôi?
- Rất vui lòng! - Pillat đáp.
Anh rút ra một tấm ảnh của một cô gái trong bộ y phục nữ sinh. Một tấm hình căn cước, chỉ to bằng con tem bưu chính.
- Một người bà con của anh à? - Boris vừa nói vừa cầm lấy tấm hình ngắm nghía bộ y phục cổ trắng xinh xinh.
Đó là một cô gái cùng lứa tuổi của hai người, một cô gái vị thành niên.
- Học sinh nhạc viện đấy! - Pillat đáp - Tên cô ta là Eddy Thall. Tôi chỉ mới biết mặt cô ta thôi. Ẳnh này không phải của cô ta tặng.Tôi tìm thấy trong một cuốn sách của thư viện nhà trường.
Hai người cùng nhau nhìn ngắm cái khuôn mặt trẻ con, những nét xinh xắn của cô nữ sinh nhạc viện Eddy Thall.
- Cô ta đẹp lắm! - Pillat nói - Đang học lớp Vũ và lớp Nghệ thuật Sân khấu.
- Anh yêu cô ta? - Boris Bodnar hỏi.
- Tôi chưa bao giờ có dịp tiếp chuyện với cô ta. - Pillat nói - Nhưng tôi yêu cô ta, yêu ghê gớm. Tôi thường thấy cô ta cùng với bạn bè qua trường, trong những ngày nghỉ hè.
Cô gái trong tấm hình cười mỉm.
- Cậu cứ cầm lấy! - Pillat bảo - Mình vui lòng cho cậu.
- Không! - Bodnar đáp.
Và anh đưa lại bức ảnh cho Pillat.
- Cậu không thích cô ta sao?
- Thích chứ! Rất thích! Cô ấy đẹp!
Anh do dự một giây.
- Tôi muốn mang nó theo. - Anh nói - Nếu mang tấm ảnh theo tức là tôi bớt cô đơn. Ít ra tôi cũng còn có một tấm ảnh bên mình.
- Cậu có thể cầm lấy!
Tấm ảnh của Eddy nằm trên bàn, ở giữa hai người.
- Tôi sắp sửa bơi qua sông Dniestr. - Boris nói - Nếu cất tấm ảnh trong mình, nó sẽ bị ố mất. Tôi sẽ không còn nó một khi bơi được qua bên kia sông. Vậy là dù có mang theo tấm ảnh, tôi đến bờ bên kia vẫn cứ một mình. Tấm ảnh thấm nước sẽ bị hư hỏng. Vậy thì tôi mang theo cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên đừng lấy là hơn. Tuy nhiên, tôi thích có nó bên mình biết bao!
Những hồi chuông kéo dài báo hiệu giờ ra chơi. Pillat cầm lại bức ảnh. Anh gói nó cẩn thận trong một tờ giấy và lại đặt nó trong túi đựng thuốc lá. Anh giấu cái túi trong tất rồi lần theo những học sinh đang ùn ùn ra giữa sân trường trung học hoàng gia Kichinev.
Boris Bodnar ở lại một mình, mắt nhìn xuống đất.
- Không có nổi cả một tấm hình? - Boris Bodnar tự bảo lòng - Nhưng ta không cô độc. Ta không thể cầm theo bức ảnh của cô gái Nhạc viện, nhưng ta mang theo trong lòng tên tuổi của cô ta. Với cái tên ấy, ta có thừa sức bơi qua bờ sông bên kia được!
Khi người ta không còn lại một thứ gì, hoàn toàn không một thứ gì, kể cả cái tên của một người con gái chỉ mới biết qua một tấm hình, thì đã là “một cái gì” rồi. Chỉ một cái tên!
Và một cái tên đẹp làm sao! Rất đẹp là đằng khác!
Anh nói. “Eddy Thall”.
Nghe gọi cái tên ấy lên, anh mỉm cười, rồi anh nhắc lại:“Eddy Thall”!