CHƯƠNG 19

     uổi tối. Trời mưa bụi. Hơi lạnh. Cái lạnh và cái ướt ấm sao cứ khéo xua đuổi con người lui trở lại căn phòng ẩm áp để ngồi với nhau, trò chuyện, đoàn tụ, nhấp nhè nhẹ một ấm trà đặc hoặc tràm ngâm bên ly rượu cay mà lãng đãng đã chiêm nghiệm về sự đời hay cũng có thể không nghĩ ngợi gì cả, mặc cho trí não tan ra với gió lạnh với mưa bay. Hà Nội là như thế. Hà Nội dẫu có đổi thay theo chiều nào nhưng Hà Nội không thể mất đi cái nét buồn tạo nên tâm hồn con người, cái nét buồn mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có được.
 Vậy mà đêm nay, người trong phố lính lại thấy một ông già mặc áo ba đờ xuy chống ba toong đi lững thững dưới lòng đường. Dáng ông cao gầy, bước đi, ông chậm rãi như đang kiểm đếm chính những năm tháng hành trình nhọc nhằn của đời mình. Cặp mắt già nua mệt mỏi nhìn hút sang hai bên hè đường, sục vào những vũng tối, lướt chầm chậm qua những người đang ngồi đánh bài, ngồi tán gẫu hay ngồi nhâm nhi chén rượu thuốc ở chỗ này chỗ kia. Đế giày quân cảnh thi thoảng lại vang lên ở xa, ở gần xong đã bớt đi nhiều cái vẻ chủ quyền oai vệ ngày nào, cũng như tiếng cành sấu khô rơi thả xuống mặt đường sao tối nay nghe thật nhạt nhẽo...
 Có lẽ đã mệt, ông già mang dáng dấp của một cư dân Hà Nội cổ xưa đi chếch qua mặt đường đầy nắp cống, tiến đến quán chè chén của chị giảng viên trường pháp lý rồi run run ngồi xuống, ông lễ độ gọi xin một chén trà thật nóng rồi im lặng, ánh mắt nhìn mờ tịt như chìm vào cõi mông lung không định hướng. Lát sau ông mới ngẩng lên, hỏi cái câu hỏi như đã định hỏi từ lâu, rất lâu:
 - Hỏi chị bỏ quá... Tôi nghe nói hình như lâu nay có một đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con đang lấn quất sinh sống ở đây?
 Chị hàng nước ngước nhìn sâu vào khuôn mặt ông cụ, chưa trả lời vội. Bằng cả hai tay, chị đưa cho ông chén trà mới pha rồi chờ ông nhấp được vài ba hụm, chị mới khẽ khàng hỏi lại:
 - Cháu hỏi khí không phải: cụ là thế nào với vợ chồng cậu ấy?
 - Tôi là... cha nó - tiếng trả lời rút ra từ ruột.
 - Thế ạ! Chị niềm nở đưa mời ông cụ điếu thuốc nhưng ông khẽ cám ơn, lắc đầu - Thế thì quí hóa quá! Vâng, cậu ấy chỗ ở ở gần đây nhưng đi rồi.
 - Chị có thể cho hay cháu nó đi đâu không?
 - Cô cậu ấy lúc đến lúc đi, làm lũi, không rõ nữa nhưng cháu nghe đâu là đi buôn mía.
 - Buôn mía à? - ông già nén tiếng thở dài - Hồi nhỏ nó cũng thường xuyên trốn học theo bạn bè ra bờ sông Hồng bẻ trộm mía của người ra rồi đem về ăn với nhau suốt đêm... Thế nó trông thế nào cô? Còn... đứa con nữa?
 - Không phải một mà cô cậu ấy đã có hai đứa rồi đấy cụ ạ! Một trai, một gái, kháu lắm! Sau lần đẻ đứa thứ hai, cũng ngay trên hè phố này, cậu ấy đưa vợ con về đàng ngoại nhờ chăm sóc rồi đi buôn mía.
 - Một trai một gái... kháu lắm ư? - ông già lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại những tiếng đó nghe tựa một tiếng rên và trong phút chốc, tấm thân già nua của ông như muốn chao nghiêng xuống mặt bàn - Thế... chúng nó sống thế nào? Trời... hai đứa con... hai đứa con đẻ ngoài đường, vật vạ sống ngoài đường... Cô ơi! Thế có lần nào nó nói đến gia đình của nó không? Tức là... tôi muốn hỏi có khi nào cô nghe thấy nó nhác đến một cái tên Khang hay giáo Khang gì đó không?
 - Tên của cụ?
 - Vâng, tên tôi - ông già cúi thấp thêm mái đầu bạc tráng.
 Chị hàng nước trả lại tiền lẻ cho hai người khách cuối cùng rồi ngồi thẳng dậy, hai tay thu vào đùi, mắt nhìn thẳng vào ông già:
 - Thưa cụ, cụ đã có lời hỏi thì cháu cũng xin được mạn phép hỏi thật. Cụ xử với cậu ấy nghiêm quá! Đã mấy ai, nhất là thời buổi này lại biết cách sống, biết thương vợ thương con như cậu ấy. Không nhà, không cửa, không công ăn việc làm vậy mà cậu ấy vẫn nuôi đủ bốn miệng ăn một cách lương thiện. Cô ấy cũng thế, hết lòng yêu thương chồng con. Càng khổ họ lại càng thương nhau, đó là cái chính mà không phải gia đình nào vào lúc này cũng làm được.
 Ông già húng hắng ho. Mỗi tiếng nói của người đàn bà kia là một cái hích mạnh vào ngực ông. Lần đầu tiên từ lúc đến, ông nhìn lâu vào mắt người nói chuyện với mình. Chác ông giáo già đang lấy làm lạ lắm khi một chị hàng nước tàm thường lại biết cách nói với ông những lời thấu đáo đến thế. Chị kể tiếp cho ông nghe cái đận con trai ông đi đào đá đỏ chút nữa bỏ mạng rồi những ngày lang thang đi buôn lên biên giới chỉ vì chán cảnh đời ngang trái mà bỏ về... ông nghe, nước mắt rân rẩn và một sự giao cảm kỳ lạ chợt nảy sinh giữa ông và người nói chuyện khiến ông không thể không thổ lộ nốt những day dứt bấy lâu của mình.
 - Vợ chồng tôi sinh hạ được ba người con. Nhà tôi cũng là một nhà giáo, trước lúc đi, bà ấy chỉ dặn lại tôi độc một câu: “Nhà ta ba đời làm nghề giáo. Các con sau này lớn lên không biết thời thế thay đổi thế nào nhưng ông đừng để cho chúng ham mê vào những thói đời trần tục, bỏ nghĩa trọng tài, không coi kiến thức và đạo lý là điều làm lòng...” Tôi đã cố nghe theo bà ấy nhưng toàn thất bại. Thằng cả đi học Ba Lan rồi lấy vợ ở lại luôn. Con bé thứ hai bỏ đại học, chạy theo một đứa làm nghề lái xe quá cảnh đã đùm đề vợ con. Một thời gian sau, đứa lái xe ấy buôn lậu bị bắt, nó lại bồng con về ở với tôi. Hỏng hai đứa lớn, tôi chỉ còn trông cậy vào thằng Lãm. Hồi nhỏ, nó thông minh khỏe mạnh và biết tự trọng. Nó có thể ăn đói ăn khát nhưng không để cho ai đụng chạm đến mình. Nó không bao giờ hỏi xin tiền tôi hay vay nợ tiền của ai cả. Cần quá, như muốn giúp người bạn gặp cảnh cơ nhỡ nào, nó bỏ học ra bờ sông vác nứa, vác gỗ thuê cho người ta rồi đêm về mượn vở học bù. Nó biết tự lập...
 - Vâng, cái đó thì mọi người đây cũng nhận thấy thế. Mấy tháng trước, cậu ấy đã cho vợ chồng một người ngoại quốc một bài học vì cái tính thích săm soi vào những cảnh đời nhếch nhác của dân mình.
 - Thế ư? - Ông già hỏi vuốt đi nhưng giọng ông chợt nghẹn lại - Hồi ấy cạnh nhà có một tay bất mãn, cứ rượu vào là lại gây sự với tất cả mọi người, ai cũng ngại mà tránh cho xa. Có lần người ấy đã xúc phạm đến tôi, xúc phạm nặng nề lắm! Đại khái do giành nhau cái vòi nước mà hắn chửi tôi là quân ăn hại, là thằng Đảng viên cổ lỗ không biết gì chuyện đời, suốt ngày ôm cái mớ đạo lý cũ rích làm khổ xã hội, làm trí tuệ cả khu phố... Tôi bỏ qua nhưng thằng Lãm nó lại nhớ. Đang đêm, nó cầm dao sang nhà tay ấy, bắt phải qua xin lỗi tôi. Năm ấy nó mới có mười lăm tuổi... Vậy mà chẳng dè ba năm sau khi đi bộ đội trở về nó lại giáng cho tôi một đòn choáng váng đến thế...
 - Và cụ đã đuổi cậu ấy đi?
 - Vâng... Gọi là đuổi cũng được nhưng thực lòng tôi chỉ muốn cái khắc nghiệt của cuộc đời sẽ làm cho nó tỉnh lại, sẽ phải rời bỏ người đàn bà kia. Rồi tôi chờ. Đêm nào, ngày nào tôi cũng chờ nhưng... Đẻ ra nó nhưng quả thật tôi chưa hiểu hết được nó. Tôi đã tìm nó nhiều làn nhưng quả thật không ai biết được nó đâu? Cứ nghĩ rằng nó đã bỏ vào Sài Gòn hay tìm đến một tỉnh xa nào đó sinh sống chứ ai ngờ rằng nó vẫn quanh quẩn ngay trong cái thành phố này? Tháng trước, may mắn gặp được đồng chí công an có cái dáng người gầy gầy khổ khổ tên gì đó không rõ làm hộ tịch ở khu phố này...
 - Anh Dắt, Nguyền văn Dắt cụ ạ!
 - Vâng, anh Dát. Chính anh ấy nói nên tôi mới biết được. Thật khổ! Tôi đâu có phải là loài lòng lang dạ sói, không tim không óc, chỉ tại...
 - Thôi cụ ơi! - Chị hàng nước chừng như có vẻ không chịu nổi dòng xám hối nhức nhối ấy, thở dài cát lời - Tại cuộc đời nó là như vậy, cụ đừng làm khổ mình thêm nữa. Mà cháu thấy cậu ấy cũng không có ý trách móc gì cụ cả. Thậm chí ngay cái tên cụ cũng...
 - Thế mới khổ! - ông già run rẩy đứng dậy - Thà nó cứ trách, cứ chửi, cứ oán thán tôi lại thấy đỡ nặng lòng. Từ bé nó đã thế rồi. Không phần nàn, không đổ tại, trái ngang quá thì cắn răng chịu. Nó cán răng cả với bố nó! Thôi, tôi về đây. Nếu tới đây, chị có gặp vợ chồng nó thì làm ơn nhắn hộ tôi rằng, tôi, cha nó rất cần gặp nó. Mà... có đúng là nó đã sinh hạ được đứa con rồi không...
 - Vâng! Sinh ngay tại góc phố này. Cháu cũng có mặt tại đó.
 - Phúc đức quá!... Thế một trai một gái à?
 - Vâng!
 - Kháu lắm à?
 - Rất kháu - Chị hàng nước cười nhẹ - Cụ cứ về nghỉ đi! Bữa nào cậu ấy trở lại, cháu sẽ nói cô ấy bế cháu đến thăm ông. Ngồi đây, cháu vẫn thỉnh thoảng nghe cô ấy nựng con là phải ngoan, phải chịu ăn thì mai mốt mới dẫn về thăm ông nội.
 - Ông nội...
 Ông già nói như mếu rồi lặng lẽ quay đi. Tiếng ba toong lại lộc cộc gõ xuống hè đường... Chị hàng nước cũng thu đồ đạc chuẩn bị về. Giờ này chác chẳng còn ai ghé quán nữa. Và nói chung, từ ngày khu phố này đổi thay, cái quán nước lèo tèo mấy thứ của chị dường như bị bỏ rơi trong góc tối. Thời buổi bung tỏa, dựng xe ghé vào một quán chè chén thiếu đèn xanh đèn mờ, thiếu phân son, rèm cửa, phải chăng người ta sợ mình hèn, mình đi phơi bày ra tất cả cái nghèo nàn của một nhân cách có đồng lương ba cọc ba đồng? Cho nên, chị lắc đầu mỉm cười, lâu nay ghé quán chị vẫn rặt một phường làm cái nghề đầu óc, nhai chữ. Đơn giản thôi: Xã hội càng đảo điên, bao giờ cũng vậy, người càng lắm chữ trong đầu càng nghèo. Bao giờ... bao giờ... phải, bao giờ... Chị bỗng nôn nao nhớ đến cái giảng đường hôi mùi giấy cũ và mùi cứt gián nhưng thật là ẩm cúng ngày nào! Bao giờ...