Lã Tuyết Cừu và Phi Quỳnh ra tới giao lộ. Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ phải về Thiên Trượng cốc mà chữa bệnh cho Cốc chủ. Ý của tiểu thư thế nào?
Phi Quỳnh nói:
- Đó là việc cần làm trước. Nhưng ta có thể đi với ngươi đến đó được không?
Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ đã nghĩ về điểm này rồi. Quỷ Vô Môn Quan là nơi cấm người lạ đến. Chúng ta cứ đến nơi miệng hố, tiểu thư ở đó vài ngày chờ tại hạ. Nếu xin phép được thì tại hạ ra đưa tiểu thư vào. Còn không được, tại hạ sẽ chữa cho bà xong, rồi cùng tiểu thư đi.
Phi Quỳnh trầm ngâm không nói gì.
Dọc đường, họ nghe được nhiều tin cũng đáng chú ý. Có sáu thiếu nữ đẹp như tiên đã đánh chiếm mấy trạm của Nga Mi và giang hồ. Thỉnh thoảng có Tiểu Sát Tinh Lã Tuyết Cừu xuất hiện và yểm trợ cho họ. Họ lập thành những phạn điếm, tửu điếm để bán cho những người lương thiện. Ai đứng về phía Lã Tuyết Cừu thì được họ tiếp đãi tử tế còn khách giang hồ theo Nga Mi hoặc đệ tử của Nga Mi đều bị họ tiêu diệt.
Nga Mi nhiều lần phái các cao thủ đến nhưng không có một ai sống sót trở về. Đường đi đến Nga Mi bây giờ cỏ mọc hoang vu. Dần dần, các cô đó chiêu mộ được một số đông cao thủ giang hồ đứng về phía họ. Cuối cùng, Nga Mi phải mở một lối đi khác.
Các cô dọa:
- Rồi đây Nga Mi sẽ không còn một lối đi nào khác. Cho đến hôm nay quả thật, không còn người giang hồ nào dám qua lại với Nga Mi.
Nghe đâu khoảng mười thiếu nữ trẻ đẹp đã qui tụ về đó, và hơn trăm cao thủ khác chia làm ba trạm đóng trên các trục lộ hướng về phái Nga Mi cách nay chừng ngoài nửa tháng.
Lã Tuyết Cừu nghe những tin như vậy chỉ thở dài lòng tỏ ra phiền muộn chứ không nói gì.
Phi Quỳnh nói:
- Nghe những tin như vậy sao công tử lại thông vui?
Tuyết Cừu nói:
- Vui làm sao được? Đó là cái họa cho võ lâm mà thôi. Bất kỳ một đám đông nào cũng có những kẻ lợi dụng làm việc tư lợi cho mình. Đó là chưa kể họ sẽ phao những tin thất thiệt làm tốn hại huy tín những nhân vật chánh phái.
Phi Quỳnh gật đầu nói:
- Như vậy, sau khi chữa bệnh cho Bạch cốc chủ xong, ta nên trực chỉ đến Nga Mi mà giải quyết việc này.
Tuyết Cừu nói:
- Không được! Theo chỗ tại hạ biết các cô đó hầu hết là có cảm tình với tại hạ mà làm như vậy. Chả lý khi tại hạ đi, họ đi theo, tại hạ không cho thật khó xử? Cứ để họ sống như vậy một thời gian nữa, chắc chắn họ sẽ có đôi có cặp, chừng đó ta sẽ tính sau.
Phi Quỳnh nói:
- Hoặc một ít lâu sau, ta phóng tin Lã Tuyết Cừu chết là xong việc!
Họ vừa đi vừa nói chuyện.
Mãi đến trưa, họ đến một xóm nhà, hai người dừng lại đầu xóm mà ngồi nghỉ dưới một cội cây. Con trẻ lối xóm thấy Phi Quỳnh mặt rỗ chẳng rỗ chịt dễ sợ, ghê tởm, chúng vừa chạy vừa la:
- Ma tử nữ! Ma tử nữ (cô gái mặt rỗ).
Những người trong xóm nghe chúng la lại hiểu theo nghĩa con ma cái, liền cầm gậy chạy ra...
Phi Quỳnh tủi thân vô hạn. Nàng nhớ hồi trước khi đi, Lã Tuyết Cừu đòi cải trang cho nàng, nhưng nàng không chịu. Mục đích cũng là để dò xét tâm lý của chàng. Cho đến mẫu thân nàng cũng không dám nhìn thì còn ai dám nhìn?
Người trong xóm chạy ra thấy hai người. Người thanh niên tuấn tú, còn thiếu nữ mặt mày hung dữ như quỷ, đang ngồi bình tịnh dưới cội cây mà nhìn họ.
Có người đánh bạo đến gần hỏi:
- Công tử và cô nương đi về đâu?
Lã Tuyết Cừu lễ phép mà nói với họ:
- Huynh muội tại hạ đi làm ăn xa, nay trở về quê quán ở Nam Thị.
Một người nào đó nói:
- Vị ma nương (cô gái rỗ) có muốn chữa bệnh không, ta biết một vị lão sư chữa chứng ma chẩn này hay lắm.
Lã Tuyết Cừu đứng lên chắp tay nói:
- Lão bá có thể chỉ cho vãn bối vị lão sư đó không?
Một người nữa đứng ở bên cạnh nói:
- Khó lắm! Vị lão sư ấy ở trên núi Linh Nham, nằm về phía Tây xóm nhà này. Đường lên núi rất khó đi. Người có lòng thành và hiền hậu thì từ đây đến đó mất nửa ngày, còn người hung dữ đi cả đời không đến...
Lã Tuyết Cừu hỏi:
- Phải cần lễ vật gì đến gặp lão sư?
Người kia đáp:
- Lễ vật gặp lão sư là tấm lòng thành, ngoài ra còn một điều quan trọng nữa là bệnh nhân và người đưa bệnh đi không phải là người võ lâm. Đừng tưởng là người võ lâm mà mạo nhận là không thì cũng không qua mắt lão sư ấy được!
Tuyết Cừu và Phi Quỳnh thầm than khổ. Cả hai đều nghĩ rằng là dị nhân chắc chắn phải có một vài nét đặc dị.
Chàng chắp tay xá một cái nói:
- Cảm ơn chư vị lão bá. Bây giờ bọn vãn bối xin phép cáo từ để đến đó.
Các lão gìa nhìn nhau rồi nói:
- Không được đâu, đường đi trăn, rắn, hổ báo rất nhiều, lại nhiều ngõ ngách, phải nhờ người đưa đường mới được.
Phi Quỳnh nói:
- Nhờ chư vị lão bá giúp cho tiểu nữ một người hướng đạo.
Một thanh niên gần đó nói:
- Muốn đi ngay bây giờ, tại hạ xin dẫn lộ cho công tử.
Lã Tuyết Cừu cả mừng móc ngay mừng giết người, để người giết mình?
Lão nói gọn:
- Có thể hiểu như vậy cũng được.
Tuyết Cừu lại ngửa mặt nhìn trời. Chàng nói:
- Hãy đem điều ấy mà dạy đám tử tôn của lão.
Lã Tuyết Cừu nói xong thì bước đi.
Bất ngờ có nhiều ánh kiếm chớp lên phía sau. Nhưng người ta chỉ nghe nhiều tiếng cạch, cạch. Mỗi tiếng cạch như vậy là một thanh kiếm bị gãy.
Tuyết Cừu vừa bước đi, vừa cho đao vào vỏ. Chàng không quay lại, nhưng biết đám người kia đang sợ mất mật.
Vừa lúc ấy, một bóng người từ trên cây cổ thụ đáp xuống trước mặt chàng.
Người vừa đến, vận y phục màu trắng, bao mặt, lưng đeo trường kiếm, bình tịnh đứng nhìn chàng một hồi, nói:
- Võ công cao, khí sắc lạnh... Bạc phúc.
Tuyết Cừu trầm giọng:
- Muốn đón đường ta, hãy báo danh đi!
Người bịt mặt đáp:
- Bát Tý Na Tra Lý Độc.
Tuyết Cừu với giọng lạnh như băng:
- Hai mươi năm trước, tại Thiên Trượng cốc, các hạ là người đứng đầu trong việc truy sát vợ chồng Huyết Thủ. Oan oan tương báo. Rút kiếm ra!
Lý Độc chớp người lên, người ta nghe tiếng khua leng keng trên không thành chuỗi...
Lã Tuyết Cừu thi triển Long Phi đệ nhất thức. Chiêu đã đi qua, mà vẫn chưa hạ được đối phương.
Tuy không nói, nhưng chàng thầm phục Bát Tý Na Tra.
Bát Tý Na Tra Lý Độc nhìn chàng sững sờ. Lão không ngờ rằng một gã mới hai mươi tuổi đầu mà mình mang tuyệt học như vậy. Trong đệ nhất thức vừa rồi, kiếm lão suýt rơi.
Còn Tuyết Cừu thấy lão là người phá được chiêu thức đầu tiên của chàng, đâm ra có chút cảm tình với lão. Giá không có mối huyết cừu kia, chắc chàng sẽ chẳng đi tới chỗ tuyệt tình.
- Nếu các hạ đỡ được Long Phi tam thức của ta, ta sẽ để cho các hạ đi tự do, nhưng đừng chường mặt ra giang hồ nữa. Gặp ta lần nữa thì hết sống.
Tuyết Cừu chớp người lên...
Lại những tiếng đao kiếm chát chúa vang vọng. Khi đáp xuống, thanh kiếm của Bát Tý Na Tra Lý Độc chỉ còn lại hai phần, lão đưa tay chặn ngực và ụa ra mấy búng máu.
Tuyết Cừu tiếp tục phóng người lên, thân ảnh của chàng trở thành một bóng mờ...
Và Bát Tý Na Tra Lý Độc cũng mất hút ngay lúc đó.
Bao nhiêu người có mặt ở đây đều kinh tâm. Bát Tý Na Tra Lý Độc gần như một nhân vật tuyệt đỉnh, Chưởng môn của các đại bang phái đều trải chiếu mời lão ngồi. Thế mà... Sắp đến đây, người ta chưa dám đoán việc gì xảy ra cho lão.
Cạch cạch, tiếp theo một tiếng ôi, một người từ trên không rơi xuống.
Người đó là Bát Tý Na Tra Lý Độc. Trên tay Lý Độc còn chuôi kiếm, toàn thân lão đẫm máu tươi.
Lã Tuyết Cừu lặng lẽ bước đi. Lần đầu tiên chàng tha chết cho một kẻ đại thù.
Tuyết Cừu tự nhũ thầm:
- “Võ học của lão đáng gọi là Tử công phu”.


Hồi 21
Mê cung

Hai người đi tới địa phận Mê lộ. Tuyết Cừu bỗng nhớ tới việc Băng Kiên đã dẫn dụ chàng vào một đoạn của Mê lộ và chàng tìm lối ra không rành. Chàng nói:
- Theo Băng Kiên, Sầm lão sư đã dẫn các đệ tử vào nơi này. Chính Băng Kiên cũng tỏ ra thành thạo khi đi trên các Mê lộ.
Tuyết Minh nói:
- Mê lộ? Chẳng qua đó là sự cấu trúc trên các con đường ngang dọc có dạng như nhau. Trên những Mê lộ ấy có nhiều loại hoa, mà mùi hương của nó phối hợp nhau, tạo thành một chất mà kẻ nào đụng phải nó thì hoàn toàn mê mẩn...
Tuyết Cừu hỏi:
- Còn Mê cung thì sao?
Tuyết Minh nói:
- Tiểu muội chưa được biết Mê cung. Chỉ được nghe Vô Tận Tàng cao thủ dẫn giải về khu vực này. Ngang trung tâm Mê cung là một cung điện. Phía bên ngoài cung điện có những bức tường cao che chắn. Tường này hợp với tường kia để cho một lối đi, hoặc để chân một lối đi. Do đó có vô số lối đi, nhưng chỉ có một con đường duy nhất để vào Mê cung mà thôi...
Tuyết Cừu cắt nói:
- Đi hoài và làm dấu cũng có thể tìm được lối vào! Khi vào được rồi, thì làm dấu và tìm lối ra, không gì khó. Nếu bí quá ta phá một vài bức tường là xong.
Tuyết Minh mỉm cười:
- Nếu đơn giản như vậy thì có gì gọi là mê? Đừng tưởng phá được những bức tường đó. Tường xây cao ngút mắt, lối đi hẹp. Nếu xây đúng trận pháp, thì khí tận tối tăm, đi hoài bị chắn lối hoài, khiến người ta đâm ra hoang mang hoảng hốt. Nếu có phá vỡ một vài bức tường nho nhỏ nào đó thì đi một hồi cũng bị chận lại.
Tuyết Cừu dường như hiểu kịp, chàng hỏi:
- Có mấy loại Mê cung?
- Cứ xem trong các đồ hình của Mê cung, ta thấy rất nhiều dạng. Đại khái có thể chia làm ba loại: Loại vuông, loại tròn, và loại kết hợp giữa vuông và tròn.
Hai người đi một hồi thấy nhiều nhánh đường ngang dọc, lại có những vườn hoa như có người chăm bón.
Tuyết Minh nói:
- Không khí nơi đây bắt đầu độc rồi. May mà chúng ta có ngừa sẵn thuốc bách độc bất nhiễm.
Lại có những cây cưa cụt ngọn. Đường bằng phẳng, có nhiều suối khô chắn ngang dọc, những cụm đá dựng to lớn... Thiên hình vạn trạng muôn màu muôn vẻ.
Xa xa, bắt đầu thấp thoáng mấy dãy tường ngang dọc. Cả hai dừng lại quan sát.
Tuyết Minh nói:
- Tiểu muội nghĩ là trong này có người ở.
Tuyết Cừu hỏi lại:
- Họ lấy gì ăn để sống?
- Rau, hoa, ếch, nhái, chim chóc. Không chừng Sầm lão sư đặt sẵn lương thực trong đó. Hoặc nữa, ai đó đã thạo lối vào ra, thì họ ra bên ngoài lấy thực phẩm có gì là khó?
Tuyết Minh nói:
- Ta nên chuyển hướng đi. Những bức tường cao nằm phía hướng Tây bắc kia kìa.
Tuyết Cừu hỏi:
- Tiểu thư thường xem đồ hình chắc có kinh nghiệm về cách ra vào Mê cung?
Tuyết Minh mỉm cười:
- Không nhiều lắm! Lối đi thường nằm ở bên trái hoặc bên phải, luôn luôn đi ép về một phía. Nhờ cách đi như vậy Mê cung mới có nhiều nghi dạng và phong phú. Nếu họ làm con đường giữa thì ai đi lại không được? Vì quá gần và không phức tạp.
Họ đi không bao lâu đã gặp bức tường đầu tiên chắn ngang trước mặt họ.
Tuyết Minh nói:
- Ta đi về phía trái, nếu không đúng, thì lộn ra đi nép vào phía phải.
Hai người chiếu theo phía trái mà đi. Cứ mỗi bức tường lại lòi ra nhiều lối đi. Nhưng cả hai cũng ép mình đi theo lối bên trái.
Đi chừng nửa giờ thì cụt lối. Tuyết Cừu than:
- Mỗi lần mất lối đi ta tốn một thời gian dài như vậy. Chừng mươi lần như vậy ta sẽ tối tăm mày mặt ngay.
Tuyết Minh nói:
- Hãy giữ vững tinh thần! Ta kỵ nhất là lòng chán nản và mất niềm tin. Chuẩn bị, ta sẽ còn lạc nhiều lần như vậy.
Hai người quay ra và đi theo mé bên phải.
Hơn một giờ sau họ cũng bị chắn lối.
Tuyết Minh đứng lại suy nghĩ. Suy nghĩ một hồi rồi lại quanh ra.
Quanh ra rồi lại đi lối khác, chừng nửa giờ lại bị mất lối.
Tuyết Minh nói:
- Ta đi mấy vòng ngoài không xong, thì đi vòng kế ngoài. Không xong nữa thì đi vòng tiếp theo, bất kể lối đi lớn nhỏ.
Cả hai đi hơn một giờ nữa, bỗng thấy nơi đây như tối tăm, u khí nườm nượp.
Tuyết Minh nói:
- Con đường này đúng rồi.
Thình lình có một bóng người chập chờn xuất hiện, tuy còn một khoảng cách khá xa, nhưng người kia đã tung chưởng đánh.
Tuyết Minh chớp người lên, xuất chưởng đánh trả lại...
Hai luồng chưởng gặp nhau, âm thanh kêu lên ồ ồ...
Họ đánh nhau vài ba chiêu, kẻ lạ tung mình chạy...
Tuyết Minh và Tuyết Cừu đuổi theo, họ chạy ngoằn ngoèo một hồi rồi mất lối.
Tuyết Minh nói:
- Ta bị hắn dụ để làm lạc lối vào. Hãy kiên nhẫn. Nếu có gặp hắn thì đừng đuổi theo nữa.
Họ quay lại nhưng không cách nào tìm lại lối cũ. Đứng tại vị trí này chàng thấy lối nào cũng giống nhau và không thể phân biệt được phương hướng.
Hai người còn đang đứng suy tính, bỗng một tên mặc áo đỏ xuất hiện.
Tuyết Cừu nhảy tới dùng Vô ảnh mà đánh với hắn. Tên kia võ công cũng cao thâm không kém.
Hắn đỡ hết ba chưởng của chàng rồi lùi dần, lùi dần...
Tuyết Cừu và Tuyết Minh bám sát theo...
Hắn vừa đánh vừa lùi, chợt hắn dừng lại đánh ra một chưởng cực mạnh.
Tuyết Cừu đỡ xong chưởng đó, không thấy hắn đâu nữa.
Cả hai theo đường hắn vừa đi mà tiến tới.
Tuyết Minh nói:
- Có lẽ bọn chúng còn đông lắm.
Tuyết Cừu nhớ tới việc Băng Kiên lừa chàng rồi lại lừa Phi Quỳnh và Vương Giải Ngữ, chàng nói như hỏi:
- Có thể nào một người mặc nhiều kiểu y phục chăng?
Tuyết Minh gật đầu nói:
- Cũng có thể như vậy lắm. Qua hai lần, ta thấy ý của bọn chúng muốn dụ ta để lạc lối.
Hai người đi một hồi rồi quanh lại lối cũ. Bây giờ họ rẽ đường khác, lại một tên áo xanh xuất hiện.
Tuyết Cừu đứng lại trầm giọng hỏi:
- Các hạ làm ma làm quỷ gì thế? Nếu muốn thì đánh cho ra hồn, còn không thì nhường đường ta đi.
Tuyết Minh thấy ba người mặc ba kiểu áo khác nhau nhưng cùng một chạng, trên mặt người nào cũng che tấm sa đen.
Tên kia tung chưởng đánh liền. Tuyết Cừu vận hết sức bình sinh đánh chiêu cuối cùng trong Hình kinh. Tên kia bay dạt người lên rồi mất hút luôn.
Tuyết Cừu đuổi theo, Tuyết Minh kéo áo lại nói:
- Đừng theo lối của hắn. Hãy đi lối còn lại.
Tuyết Cừu cãi:
- Nếu lối hắn đi là lối cụt thì ta phải gặp hắn chứ?
Tuyết Minh giải thích:
- Hắn đi theo lối lòng vòng rồi cũng trở về lại chỗ khi nãy.
Tuyết Cừu đi theo Tuyết Minh. Cuối cùng họ đến ngã tư. Họ rẽ bên phải. Họ thấy mù mờ có bóng dáng một nhà sư cầm đoản côn đứng.
Nhà sư cũng bao mặt, nên hai người không biết có phải là Ngũ Hoa đại sư hay không?
Tuyết Cừu vỗ kiếm, dùng Vô ảnh tấn công nhà sư. Nhà sư cũng nhanh nhẹn không kém.
Họ trao đổi với nhau vài ba chiêu, nhà sư kia chạy mất.
Chàng không đuổi theo.
Trời bây giờ đã tối đen. Tuyết Minh nói:
- Tối quá, ta đi không tiện. Nên ngồi tại ngã tư lấy thuốc ra uống và dưỡng thần. Rủi họ có dùng xạ tiễn ta còn tránh được.
Họ ngồi không bao lâu. Nghe tiếng động ở hai đầu, Tuyết Cừu quơ tay nhặt vài viên sỏi, vận công bắn viên sỏi về phía đó. Trong bóng tối viên sỏi xé gió vút tới.
Dường như đối phương trúng sỏi nên có tiếng động dội lại.
Trong lúc đó, chàng lại bắn viên sỏi thứ nhì về hướng còn lại.
Tuyết Minh và Tuyết Cừu chia làm hai hướng bay tới... Họ không thấy đối phương đâu.
Tuyết Minh sợ lạc Tuyết Cừu nên vội chạy lại, nhưng không thấy Tuyết Cừu đâu.
Nàng vận công cất giọng thật cao, gọi:
- Công tử ơi!
Không nghe Tuyết Cừu hồi âm, nàng đâm hoảng. Tuyết Minh giậm chân nói:
- Thật là ngốc! Đêm tối còn đuổi theo làm gì chứ?
Nàng không dám đi tìm Tuyết Cừu, vì sợ chàng theo lối hẹp quay lại chốn cũ không gặp nàng.
Tuyết Minh về lại ngã tư đứng đợi.
Vắng Tuyết Cừu, lòng nàng hồi hộp mãi.
Nàng cũng biết rằng, với võ công của chàng hiện nay thì khó có kẻ nào là đối thủ, cho dù họ có dùng chất độc cũng không thể nào hại được chàng. Tuy vậy, nàng vẫn thấy như có gì vắng thiếu nhớ nhung.
Tuyết Minh thốt thành lời:
- Gần nửa đêm rồi mà chàng không lại ta còn đừng đây làm gì chứ?
Nói vậy, nàng nhắm vào hướng Tuyết Cừu đã đi mà bước tới!

*

Tuyết Cừu đuổi theo kẻ kia, thấy dường như hắn đã bị thương, nên cước lực của hắn chậm lại. Chàng rượt hắn đến một cháng ba, bỗng có một người ẩn nấp nơi đó tung chưởng đánh về phía chàng.
Tuyết Cừu vội vàng dùng Ma chiêu chống trả. Chưởng lực của tên kia không kém gì chưởng lực của chàng trước đây.
Tuyết Cừu dùng hư chiêu vừa đánh vừa dữ hắn, chỉ mong thộp cổ một tên để tra hỏi tự sự...
Dường như hai tên kia dự biết được ý định đó của chàng, nên chúng chia làm hai lối chạy mất.
Tuyết Cừu sợ lạc Tuyết Minh, nên chàng nhắm lối cũ mà trở lại. Nhưng chàng đi lòng vòng một hồi vẫn không gặp Tuyết Minh.
Chàng cất tiếng gọi Tuyết Minh, nhưng không nghe tiếng đáp lại. Âm hưởng dội ra từ mấy bức tường nghe bùng cả tai.
Lã Tuyết Cừu bồn chồn, chàng đi ngược đi xuôi một hồi rồi mất lối.
Chàng quanh lại. Cứ thế chàng đi suốt đêm. Lâu lâu, chàng lại ngồi xuống nghỉ chân.
Tuyết Cừu nghĩ bụng:
- “Võ công và kiến thức như Tuyết Minh thì có ai làm gì được nàng? Cớ sao nàng lại lạc ta? Những người kia rút đi đâu?”
Chàng lấy một viên thuốc bỏ vào miệng ngậm để lấy tinh thần rồi đứng lên tìm lối mà đi.
Lối nào chàng qua rồi thì lấy bảo đao vạt một góc tường mé hữu làm dấu mà đi.
Trời mờ sáng thấy không có lối chận, chàng mừng quá đổi.
Con đường càng lúc càng quanh ngặt, vì các bức tường càng lúc càng thu ngắn lại.
Trời tỏ rạng, Lã Tuyết Cừu thấy một tòa cung điện nguy nga hiện ra trước mắt chàng.
Chàng nửa mừng nửa lo. Mừng vì với chàng, mức đến đã là sự thật rồi. Còn lo thì nhiều, Tuyết Minh hiện giờ ra sao? Có ai là người thân quen của mình nơi đó chăng?
Tuyết Cừu đi nhanh tới.
Thấp thoáng bên trong có nhiều bóng người.
Một người bên trong bước ra khá bảnh trai, mặc y phục màu hồng ra dáng công tử, trạc lớn hơn chàng chừng một vài tuổi.
Hai bên giáp mặt nhau, hắn cung tay lại ra vẻ lịch sự, nhưng thật ra đó là lối vận công.
Hắn hỏi:
- Các hạ đến đây có việc gì?
Tuyết Cừu hỏi lại:
- Các hạ là ai? Ở trong tổ chức nào?
Gã công tử bắt bẻ:
- Dễ thường các hạ ở trong tổ chức nào ta hỏi mà các hạ chịu nói cho ta biết? Hơn nữa, đã là tổ chức thì phải bí mật, có đúng vậy không?
Tuyết Cừu thấy hắn nói có lý, liền hỏi:
- Tại hạ cùng một vị tiểu thư tìm lối vào đây nhưng vào giữa đêm, người của Mê cung chận bọn tại hạ lại, sau đó hai người đi lạc, hiện giờ có một vị cô nương ấy trong này không?
Tên kia đáp:
- Vậy là nàng đã đi lạc rồi đó!
Tuyết Cừu nói:
- Để giữ niềm hòa khí, xin cho tại hạ được gặp chủ nhân tòa Mê cung này!
Tên kia cười nhạt:
- Ngươi là ai mà lớn lối thế?
Tuyết Cừu nói:
- Tiểu Sát Tinh Lã Tuyết Cừu!
Hắn không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, lại còn có nét mặt khinh khỉnh. Hắn nói:
- Ta dự đoán không sai! Nơi đây cho dù ngươi là lão Huyết Thủ chăng nữa cũng phải bị hạ thôi!
Lã Tuyết Cừu cười cười:
- Cho là vậy cũng được, nhưng hãy báo danh đi!
Hắn có vẻ huênh hoang:
- Trường An công tử Cấp Cô Sơn!
Chàng nghe tên Cấp Cô Sơn rồi! Cấp Cô Sơn là nhân tình nhân ngãi gì đó của Lão Thiên Thu. Chàng vốn có cảm tình với Ngốc Lão, nhưng thấy tên này dường như không phải nhân vật chánh phái, chàng thấy tiếc cho Thiên Thu và Ngốc Lão
Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ nghe đại danh của Trường An công tử đã lâu rất tiếc các hạ đi làm thủ hạ của Đông Hải Thần Quân thì không phẩm giá gì cả.
Chàng nghĩ tới cái hòm sách của Sầm lão sư định lên tiếng hỏi nhưng lại thôi.
Trong khi đó, Cấp Cô Sơn vừa tức giận vừa hổ thẹn, phóng ra mấy chiêu kiếm liền.
Lã Tuyết Cừu lách sang bên, chàng trầm giọng nói:
- Nếu các hạ không để ta vào trong, hoặc không thông báo cho người bên trong rằng có Lã Tuyết Cừu đến để hỏi việc thì đừng trách ta!
Cấp Cô Sơn đánh tiếp ra mấy chiêu nữa.
Tuyết Cừu vừa tránh vừa suy nghĩ:
- “Đông Hải Thần Quân đã mấy lần bị động ổ nên cho một số vây cánh dời về đây, hiện giờ không biết Băng Kiên, Phi Quỳnh ra làm sao và Tuyết Minh như thế nào. Công việc gấp quá, không lý phải nhượng bộ mãi tên này?”
Tâm niệm vừa dứt Lã Tuyết Cừu phóng vút người lên cả người lẫn kiếm mất hút. Một chiêu “Ngọc Nữ Kiến Đào” của chàng đánh ra với công lực rất mạnh, thanh kiếm của Cấp Cô Sơn bị gãy tiện.
Dư lực ấy, còn đưa mũi kiếm của chàng đến sát yết hầu hắn, chàng nói:
- Nếu ta không nể tình, ta sẽ giết ngươi ngay!
Từ trong cung bốn năm người cầm vũ khí chạy ra, hai người tuổi trạc trung niên, và hai người nữa cỡ Cấp Cô Sơn. Họ tiến sát vây Tuyết Cừu vào giữa...
Lã Tuyết Cừu vỗ tay vào kiếm nói:
- Tại hạ là Tiểu Sát Tinh Lã Tuyết Cừu, là người đối đầu với Đông Hải Thần Quân và Ngũ Hoa. Nếu các vị không trả lại người thân của tại hạ ra, thì đừng trách.
Một tên trong bọn hỏi:
- Người nhà của ngươi là ai? Vì đâu ngươi nói Mê cung này là tổ chức của Đông Hải Thần Quân?
Tuyết Cừu nói:
- Một vị cô nương đi với ta khi hôm, còn hai cô nữa là Băng Kiên và Phi Quỳnh, đã đến đây vào mấy tháng trước. Nếu các ngươi không ở trong tổ chức của Đông Hải Thần Quân sao lại đi chống đối ta? Sao lại biết nơi này mà đến?
- Cô bạn của ngươi đi hồi hôm lạc trong Mê trận rồi, chỉ có đường chết chứ không có đường nào ra! Chúng ta không coi Ngũ Hoa hay Thần quân gì đó có trong con mắt và kể cả Tiểu Sát Tinh ngươi cũng vậy. Chúng ta lên tận Linh Nham mà ở, vào tận Mê cung mà sống. Như vậy đã nhường hết đất cho các ngươi rồi, vậy mà các ngươi cũng không buông tha, thì trách chúng ta sao được?
Lã Tuyết Cừu dịu cơn nóng ngay. Chàng nghĩ đây cũng có thể là một tổ chức như của Báo Tinh, hay Ngốc Lão chẳng hạn. Chàng hỏi:
- Lời của quý vị có gì bảo đảm?
Một tên nói:
- Dễ hiểu! Khi ngươi bước vào Mê cung, chúng ta đặt bổi khô ở hai đầu rồi dùng hỏa công, ngươi sống nổi hay không? Tại vì chúng ta không muốn sát hại ngươi thôi.
Tuyết Cừu ngẫm nghĩ rồi nói:
- Có thể nào cho tại hạ gặp vị thủ lãnh?
Một tên nói:
- Vô ích! Có việc gì ở đây mà chúng ta giải quyết không được?
Tuyết Cừu vẫn kiên nhẫn:
- Tại hạ hỏi về việc Băng Kiên và Phi Quỳnh đó mà!
Tên kia nói:
- Hai cô ấy cũng như ngươi, xâm phạm vào lãnh địa của chúng ta hiện bị bắt giữ đã mấy tháng, chờ lúc quyết định. Hiện tại, hai cô ấy đang bị giam ở Lãnh cung.
Tuyết Cừu vẫn duy trì sự ôn hòa nên hỏi:
- Bây giờ tại hạ xin lãnh hai vị cô nương ấy ra, cần điều kiện gì?
Bọn chúng đưa mắt nhìn nhau, chưa biết định liệu ra sao.
Tuyết Cừu thấy vậy, nói:
- Thật ra, hai vị cô nương ấy đến đây để lấy lại cái hòm đựng sách và tài liệu của Sầm lão sư đã tạm gởi nơi này. Các vị nhốt người như vậy là oan uổng. Vì nơi này lão sư đã ở trước. Bây giờ các vị nên thảo luận kế hoạch cho tại hạ lãnh cái hòm sắt, và tất cả những người bị nhốt ở đây.
Tên áo xanh nói:
- Những người kia tới đây, ai cũng có võ công thâm hậu, cuối cùng vẫn bị bắt. Ngươi muốn đặt điều kiện gì đó, cũng phải trải qua một lần “lịch duyệt” võ công rồi mới tính sau!
Tuyết Cừu khuyên:
- Tại hạ vốn luyện Ma kiếm, nên khi ma tâm nổi lên khó mà dằn được. Cũng may mà với Trường An công tử, tại hạ dằn lại kịp.
Bỗng đối phương chuyển động kiếm. Bốn thanh kiếm cùng một lúc chớp lên, khí kiếm như gió thảm mưa sầu, sát khí tuôn ra mù mịt.
Tuyết Cừu thất kinh dùng Vô ảnh phi thân lên thật cao, toan thoát ra ngoài, chừng coi lại thì bốn tên kia cũng lửng lơ như chàng. Chàng đành phải dùng kiếm để chống cự. Năm người cùng rơi xuống đất.
Tuyết Cừu nghĩ rất nhanh:
- “Té ra, những người này là cao thủ thượng thừa. Chỉ sợ đổ máu mà ta để họ chiếm mất tiên cơ”.
Tuyết Cừu dùng ba chiêu sau cùng của Hình kinh phối hợp với Vô ảnh mà chống cự.
Bỗng có tiếng hô lớn:
- Dừng tay!
Năm người cùng ltú lại. Người vừa lên tiếng là một lão nhân, mặt dài như mặt ngựa, tai vểnh như tai chuột, tuổi lối bảy mươi mặc áo Tử nhung, vai mang trường kiếm, đang chăm chú nhìn chàng.
Lão cất giọng nghiêm lạnh hỏi:
- Ngươi đến có việc gì?
Gã áo xanh thuật lại hết mọi việc.
Lão nói:
- Hiện nay giang hồ đại loạn. Vùng Tây bắc Trung Nguyên, kể cả các bang phái, Ngũ Hoa và Thần quân đang thống trị. Phía Tây và Tây nam, Bí Tàng cung đang làm mưa làm gió. Ai chánh ai tà khó phân, bởi vì mỗi người đều có một tham vọng riêng. Trong lúc đó, Ngốc Lão vừa hợp tác với Báo Tinh, mục đích vẫn là... Ngao cò tranh nhau. Ta đây dù không đông bộ hạ như mấy đám kia, nhưng cũng dám tự hào thừa kế được tinh hoa của võ học, mà cố giữ vững giềng mối. Hai con bé ấy, ta đang huấn luyện chúng để có chỗ dùng sau này, ngươi không thể lãnh ra được đâu!
Lời lão nói những điều rất cũ và vẫn có điều rất mới.
Tuyết Cừu nói:
- Tiền bối có chí nguyện cao xa, vãn bối không bì kịp. Xin tiền bối cho biết cao danh.
Lão nói:
- Ta đã quên tên ta từ lâu rồi. Vài mươi năm lại đây tạm xưng danh là Đông Đế! Hơn bốn mươi năm trước đây, ta là người ở tại núi này trước lão Sầm Sơn. Khi Sầm Sơn về đây làm thuốc, ta nhường cho lão mà im lặng ra đi. Khi lão bỏ đi rồi, ta trở lại. Ta không ngại võ công của lão. Cái rương tài vật của lão ta vẫn còn giữ. Mấy đứa học trò của lão hiện đang qui thuận ta cả. Bây giờ ngươi muốn quay trở lại chưa muộn!
Tuyết Cừu nghe Đông Đế nói khơi khơi như vậy rất khó nghĩ. Dù sao Băng Kiên và Phi Quỳnh vẫn có tình thân thiết lúc trước. Chàng đã đến đây rồi không thể bỏ đi liền được.
Tuyết Cừu nói:
- Vãn bối từ ngàn dặm đến đây để tìm bạn cố tri. Mong tiền bối cho gặp để thăm hỏi họ đôi câu.
Lão lắc đầu:
- Không được!
Tuyết Cừu nói:
- Họ là... Người nhà của tại hạ!
Lão vẫn lắc đầu.
Tuyết Cừu nói:
- Như vậy là tiền bối đã hại họ rồi?
Lão nổi nóng:
- Cẩu tử! Ta nhân nhượng ngươi nhiều lắm rồi, sao ngươi cứ làm tới?
Tuyết Cừu thấy lão nửa chánh nửa tà, nửa đùa nửa thẳng, chàng chưa tiện khai chiến. Chàng mong muốn sao cho lão khai cuộc trước.
Tuyết Cừu nói:
- Tiền bối là người từng trải và hào kiệt, tiền bối làm như vậy thì thanh danh của ngài còn gì nữa? Tìm kẻ nấu cơm thì không thiếu gì người. Tại sao tiền bối không cưỡng chế những người như tại hạ?
Lão tức mình tung người lên đánh ra mấy chưởng sấm sét.
Chàng cả mừng, vội né sang một bên, chờ cho chưởng phong đi qua rồi chàng sử dụng quỷ thức với ma chiêu...
Dĩ nhiên Tuyết Cừu đã tính toán kỹ. Chàng không muốn lộ hình tích nên phối hợp Cự Bí thần công với hai bộ bí kíp trên.
Chưởng lực của hai bên đổ ra, chiêu đấu với chiêu, thức đấu với thức, Vô ảnh đấu với Khinh ảnh, trẻ đấu với già, linh nghiệm chọi với sáng tạo.
Hai tuyệt đại cao thủ đấu với nhau.
Ta phải biết, khi kỳ công cao, tâm lực và sinh lực ổn định, chiêu và thức biến hóa khôn lường. Hết Quỷ thức đến Ma chiêu. Không ai ngờ được rằng mới mười ngày mà phép sử dụng Ma chiêu của chàng không còn chỗ để điều chỉnh. Nội lực tuôn ra như sóng tràn bờ. Chưởng lực va chạm nhau phát lên những tiếng kêu vang động cả Mê cung.
Phút chốc họ trải qua được mười hiệp.
Tuyết Cừu gặp đối thủ càng đánh càng hăng, hai bên càng giữ ở mức trung bình. Hết Quỷ thức đến Ma chiêu, hết Ma chiêu đến Hình kinh, pha luôn cả Vô Ảnh và Cự Bí.
Sáu chiêu đầu đi qua, Tuyết Cừu chuyển dần sang thế thượng phong.
Người trong Mê cung kéo ra đứng xem cuộc ác chiến vô tiền khoán hậu này.
Từ chiêu thứ bảy trong Hình kinh trở đi, Đông Đế nằm vào thế liệt bại thấy rõ. Ông bị chưởng của Tuyết Cừu đánh tơi bời.
Ngang qua chiêu thứ chín, lão trúng một chưởng bay tạt ra ngoài.
Tuyết Cừu không truy đuổi, chàng bình tĩnh hỏi:
- Ngài có chịu đem Băng Kiên và Phi Quỳnh ra đây không?
Trước đánh đông thủ hạ, lão đành ngậm đắng nuốt cay, hỏi:
- Tiểu Sát Tinh quả là lợi hại? Nhưng ngươi là thế nào của Vô Lai Tôn Giả?
Lã Tuyết Cừu ngạc nhiên về câu hỏi này.
Chàng toan trả lời, chợt thấy một sự khác thường xảy ra. Một thiếu nữ chạy bay vào nơi trận đấu, bất kể mọi người có mặt nơi đây...
Lã Tuyết Cừu thấy Tuyết Minh mặt mày hơ hải, bây giờ hơi khởi sắc hơn một chút, chàng cả mừng, chạy tới nắm tay nàng hỏi:
- Tiểu thư đi đâu? Tại hạ tìm tiểu thư suốt đêm!
Nàng mừng xăng xít, đáp gọn:
- Tiểu muội tìm công tử suốt đêm đến giờ! Vụ này làm sao?
Chàng thuật lại đầu đuôi sự việc, kể cả phần võ công của Đông Đế. Nghe qua, nàng hỏi:
- Đông Đế muốn chia tư võ lâm, cái đó cho là được. Nhưng đó chỉ là sở nguyện. Bí Tàng cung có hai vị Cung chủ đều tài đức mà khắp võ lâm không ai sánh kịp. Đại Lâm phái cũng có hai Chưởng môn, tính tình tuy quái dị nhưng họ là những nhân vật nghĩa khí, võ công cũng không kém Bí Tàng cung. Thần quân phủ có Ngũ Hoa và Song Long kiếm khách, nhưng Song Long kiếm vừa mới bỏ đi, Ngũ Hoa đại sư và Thần quân có tài mà vô đức. Trước sau gì họ cũng bị thảm hại. Dù sao ba nhánh lớn đều có hai đầu. Còn Đông Đế một mình vừa tảo vừa tần, võ công tuy vào hàng kiệt xuất nhưng việc làm na ná giống Thần quân. Băng Kiên và Phi Quỳnh vốn là chỗ thâm tình của bọn tiểu nữ, xin ngài nể tình một phen!
Lão và mọi người nghe Tuyết Minh luận về các thế lực giang hồ cũng gần tương tự như lão nói khi nãy, ai nấy đều có vẻ kính nể. Nhưng lão thật khó xử. Vì trước khi đấu, Tuyết Cừu đã yêu cầu năm phen ba lượt, lão nhất quyết không chịu. Nếu bây giờ Đông Đế nhận lời thật là bẽ bàng cho lão.
Đông Đế nhắc lại câu hỏi khi nãy:
- Các hạ hãy cho biết Vô Lai Tôn Giả với các hạ có những liên quan như thế nào?
Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ là đệ tử ký truyền của Vô Lai Tôn Giả. Nhưng do đâu mà tiền bối biết Vô Lai Tôn Giả?
Lão ngạc nhiên hỏi gằn lại:
- Đệ tử ký truyền? Ta vốn là đệ tử đích truyền của ngài. Những năm cuối đời của ngài, ngài đưa ta về đây và dạy sáu chiêu trong Tàng Ảnh phổ. Ngài nói: Ta tìm ra mười lăm chiêu tất cả nhưng người đời này không có duyên, nên ta chỉ truyền đến sáu chiêu mà thôi! Ngài tịch năm một trăm linh một tuổi, lúc đó ta vừa hăm bảy tuổi! Điều ta biết được là ngài không để lại cho đời một bộ sách nào. Tàng Ảnh phổ là bộ kỳ thư nhưng ngài đã hỏa táng! Vậy công tử hãy nói rõ, công tử học ở đâu ra những chiêu thức đó?
Tuyết Minh và Tuyết Cừu rất lấy làm khó nghĩ, có nên nói thực về cái địa huyệt kia không?
Tuyết Cừu tìm được lời để giải đáp. Chàng nói:
- Nếu trừ tiền bối ra, dường như Tôn giả không có đệ tử. Tôn giả có khắc lại mười lăm chiêu thức ấy trong một hang động, tại hạ luyện xong, hủy tác phẩm ấy rối, vì theo di ý của Tôn giả.
Đông Đế lại hỏi:
- Có thể nào cho ta biết hang động đó không? Trên đời này kỳ nhân, kỳ tỉnh, kỳ sự, ta dám tự hào ta là một pho tự vựng, nhưng tác phẩm của cố lão sư mà ta không biết thì quả là tệ! Hơn nữa, chúng ta cùng là một thầy có thể nhận nhau là huynh đệ được chăng?
Tuyết Minh chen vào nói:
- Khi Tôn giả mất, linh cữu của Tôn giả quàn tại đâu, hoặc an táng ở nơi nào?
Đông Đế nói:
- Chính tay ta hỏa thiêu cho sư phụ, linh cữu là bài vị hiện còn tại Mê cung này. Hai vị theo ta!
Lão dẫn hai người vào tòa cung điện và đi sâu hun hút qua bao nhiêu phòng. Có một thang nhỏ bắc lên một gác nhỏ, lão đưa hai người lên.
Tuyết Cừu và Tuyết Minh thấy có một cái tráp bằng gỗ hương đặt trên án thờ, lại có một bức họa trắng đen chân dung của Tôn giả, nét bút tinh khôi.
Tuyết Minh và Tuyết Cừu vội vàng quỳ xuống, đồng nói:
- Đệ tử xin ra mắt sư phụ!
Họ lạy hai lạy. Tuyết Cừu và Tuyết Minh đứng lên.
Tuyết Minh nói:
- Đây là một chứng minh cho biết ngài là đích truyền của Tôn giả. Còn có nhìn nhận đồng sư đồng môn hay không là do ngài quyết định.
Lão đưa tay nắm lấy hai người nói:
- Tạ ơn Trời Phật! Hôm nay ba ta là huynh đồng sư. Khỏi cần phải làm lễ ra mắt! Có lẽ phẩm hạnh của Đông Đế này không có, nên lão sư mới không dạy và không cho ta biết chỗ nơi ngài làm việc về một tác phẩm võ học.
Tuyết Minh đứng lên chắp tay nói:
- Tiểu muội xin ra mắt Đại sư huynh!
Nói xong, nàng xá ba cái.
Tuyết Cừu cũng làm như vậy. Xong, chàng nói:
- Đã là đồng sư với nhau, tiểu đệ sẽ đem mười lăm chiêu đó giao lại cho sư huynh!
Đông Đế xua tay:
- Bất tất phải vậy! Ta trước đây đã không có duyên học, bây giờ ta lại không muốn học nữa.
Họ tâm sự với nhau một hồi, cuối cùng Đông Đế nói:
- Ta thấy tư chất của Băng Kiên và Phi Quỳnh rất đặc biệt, nên ta ép hai người ấy khổ luyện Tàng Ảnh phổ. Tự ta tìm ra ba chiêu sau cùng. Ta bị hiền đệ đánh ta một chưởng ở chiêu thứ chín. Không phải ta không đỡ được. Chỉ vì ba chiêu sau là của ta, còn ba chiêu kia là của Tôn giả, nếu ta đánh lại, té ra chiêu của đệ tử đánh chiêu của sư phụ, do đó ta nương đà mà nhảy ngoài.
Đông Đế nói xong tự động biểu diễn lại chín chiêu trong Tàng Ảnh phổ. Ba chiêu sau cùng của ông tuy có khác với ba chiêu chính nhưng sự lợi hại vẫn tương đương với ba chiêu kia.
Tuyết Minh và Tuyết Cừu xem qua là nhớ ngay. Tuyết Minh khen:
- Lão sư huynh sáng lập ra ba chiêu đó xứng đáng là bậc đại tôn sư. Nhưng chiêu cuối cùng lão sư huynh không chịu Thân khai mà đi đường Túc bẽ nên mới chấm dứt ngay tại đó!
Tuyết Cừu đứng lên diễn bại ba chiêu của sư phụ cho Đông Đế thấy. Lão thở dài, nói:
- Bởi vì ta cũng biết đi đường Tục bế (khép chân lại) là để kết thúc chiêu thức, nhưng đi đường Thân khai (vươn rộng mình ra) thì các chiêu thức tìm ra sau đó sẽ bị loãng ngay. Không ngờ Tôn giả mượn đà của đích làm cầu nối liền những chiêu sau này. Chính vậy Tôn giả mới là bậc đại tôn sư.
Lão sai thuộc hạ đi gọi Băng Kiên và Phi Quỳnh. Lão đưa Tuyết Cừu và Tuyết Minh trở lại nhà khách. Lão nói:
- Ta chưa biết tên sư muội!
Tuyết Minh nói:
- Tuyết Minh!
Băng Kiên và Phi Quỳnh bước vào. Hai nàng thấy cảnh tượng bất ngờ đều đứng chết lặng.
Hồi lâu, Băng Kiên nhào tới ôm Lã Tuyết Cừu còn Phi Quỳnh ôm lấy Tuyết Minh.
Cặp Tuyết Băng này rất tự nhiên như trước họ không ai. Họ buông ra.
Băng Kiên quay sang hỏi Tuyết Minh:
- Cung chủ lâu nay ngọc thể vẫn khang an chứ?
Tuyết Minh vẫn biết Tuyết Cừu và Băng Kiên thân thiết như một cặp tình nhân, nàng cũng thông cảm, liền nói:
- Cũng khốn đốn nhiều, nhưng qua hết. Nhớ hai vị mà phải đi tìm đây! Hai vị nay làm đệ tử của Đông Đế cũng được.
Băng Kiên nói:
- Tiểu muội đâu có chịu học? Đông Đế ngày nào cũng ép. Phi Quỳnh thì rất cần học để sau này quyết trả mối thù ô nhục ấy, nên tiểu muội phải học theo!
Tuyết Minh hỏi:
- Cách xưng hô giữa Đông Đế với hai vị thế nào?
Băng Kiên nói:
- Vẫn là... Tiền bối, tiểu nữ.
Đông Đế nói:
- Tuyết Minh và Tuyết Cừu truy nguyên ra cùng một sư phụ với ta. Lấy tình đồng môn mà suy hai người phải gọi họ là sư cô và sư thúc. Nhưng thôi, chư vị đã có tình cố cựu với nhau, hãy xử nhau như cũ thì đẹp hơn.
Bây giờ năm người như một nhà bắt đầu tâm sự nhau nhiều. Và kết cuộc Đông Đế được coi là Bí Tàng cung chủ thứ ba, ngang vai vế với Tuyết Minh, có nhiệm vụ coi ngó Mê cung và đi thâu lượm tin tức giang hồ.
Tuyết Cừu hỏi:
- Trường hợp nào lão sư huynh thu nhận Cấp Cô Sơn? Tính tình của hắn ra sao?
Đông Đế nói:
- Cấp Cô Sơn tính tự cao tự đại, lại hay có tính ghẹo gái, một hôm vào quán gặp phải con nhỏ rất xinh, võ công nhuần nhuyễn, hắn ghẹo và gây sự. Nếu không có ta, bị con nhỏ đó giết chết rồi. Sẵn đó, hắn theo ta về đây để tu luyện.
Băng Kiên nói:
- Nếu Đông Đế không đuổi hắn đi, thì có ngày tiểu nữ cũng giết hắn. Ngày nào hắn cũng có lời tán tỉnh. Chỉ vì tiểu nữ không được phép ra ngoài đó thôi.
Đông Đế nói:
- Dụng nhân như dụng mộc! Thương thủy trọc, trạc ngã túc. Thương thủy thanh trạc ngã anh (nước sông Thương có đục thì ta rửa chân, mà trong thì ta giặt mũ)! Ta sẽ uốn nắn hắn. Còn quá quắt lắm, ta sẽ có cách khác. Ta cho phép hai con nhỏ này gọi ta là sư huynh và xưng là tiểu muội, để tiện việc xưng hô với ta!
Phi Quỳnh le lưỡi nói:
- Phi Quỳnh này sợ lắm! Gọi quen miệng rồi không đổi được. Hơn nữa, gọi tiền bối là sư huynh thì cái đám gìa trẻ kia gọi tiền bối bằng gì?
Mọi người đồng ý với Phi Quỳnh.
Băng Kiên hỏi:
- Bây giờ Cung chủ và công tử đi đâu? Tiểu muội đi theo được không?
Tuyết Cừu nói:
- Gặp được hai vị rồi, Cung chủ trở lại Bí Tàng cung. Còn tại hạ đi có việc của tại hạ.
Ngay hôm đó, Đông Đế tập hợp thuộc hạ lai tuyên bố chấn chỉnh lại nội bộ, thay đổi phương hướng sinh hoạt...
Đâu đó xong, Tuyết Cừu kéo Đông Đế ra ngoài nói:
- Nghe lão huynh nói biết rất nhiều dị nhân dị sự, vậy sư huynh nhìn hai cô Tuyết Minh và Băng Kiên như thế nào?
Đông Đế nói:
- Ta chưa kịp để ý họ.
Tuyết Cừu nói:
- Trên tai phải của hai cô đó có hai vết giống nhau!
Lão nói:
- Nếu một cô như vậy nữa thì họ là tỷ muội đồng bào!
Tuyết Cừu có ý nghi ngại, nói:
- Tiểu đệ có gặp một vị cô nương nữa, cũng có một vết như vậy. Nhưng lão sư huynh có gì làm quyết?
Đông Đế nói:
- Ta là nhân chứng! Ta vào và cho họ biết ngay từ bây giờ.
Đông Đế vào phòng riêng, cho mời Tuyết Minh và Băng Kiên đến nói:
- Hai vị đưa... Tai cho ta khám!
Lời đột ngột khiến hai cô ngạc nhiên. Nhưng ai cũng coi lão là người nhà, nên họ không ngại ngùng gì.
Lão khám cho rồi nói:
- Ở trong người hai vị còn hai cái “phái”, xin hãy lấy ra.
Băng Kiên nói:
- Tiểu nữ có một cái phái, mở ra xem thấy một mảnh vải, có ghi hai chữ...
Lão cắt nói:
- Đủ rồi! Hai chữ đừng đọc ra!
Tuyết Minh nói:
- Tiểu muội cũng có một phái như vậy, và cũng có hai chữ...
Lão nói:
- Sư muội đừng nói nữa! Để ta thuật lại một đoạn cũng đáng gọi là.. Tam Hóa Liên Châu!

*

Hai mươi hai năm trước.
Cái ngày mà giang hồ truy tróc Lã Đạo Nghi, đi đầu đám người này là bảy hòa thượng Thiếu Lâm, bốn đạo sĩ Nga Mi, kế đến Côn Luân, Không Động, Võ Đang... Rồi mới tới bọn giang hồ. Bọn họ chia làm ba nhóm. Vợ chồng Lã Đạo Nghi vừa đánh vừa lui dần.
Lúc đó Lã phu nhân vừa sinh được cậu bé có mấy tháng tuổi. Sức khoẻ phu nhân chưa phục hồi, nên Huyết Thủ vừa đánh vừa bảo vệ cho bà.
Trong khi đó, vợ chồng một cặp hiệp khách là Châu Thiên San và Âu Dương Phượng vốn là bạn thân của vợ chồng Huyết Thủ. Họ nghe tin Huyết Thủ như vậy, liền đuổi theo với mục đích can gián giang hồ, hay ít nữa, cũng giúp bằng hữu một tay.
Họ đi ba ngày đã theo gần kịp đám kia, bỗng Âu Dương Phượng chuyển bụng.
Ngay giữa đường không có làng xóm nhà cửa, nên họ đến một dòng suối gần đó.
Không ngờ trong đám giang hồ sau cùng, có người phát giác và tri hô lên, đám giang hồ kia ập tới. Có người biết vợ chồng vị hiệp khách này, liền nói:
- Gã là Châu Thiên San và sản phụ kia là Âu Dương Phượng là thân hữu của Huyết Thủ!
Bọn chúng áp lại, Châu Thiên San đành rút kiếm ra cự địch. Lúc đó Châu phu nhân cũng vừa hạ sinh được ba bé gái, chưa cắt nhau.
Có tên đã lọt qua rào phòng thủ họ Châu.
Phu nhân ngồi dậy rút kiếm bảo vệ ba con. Châu Thiên San đã giết năm, bảy tên. Nhưng hết lớp này tới lớp khác tràn tới, ông đuối sức.
Lúc ấy Đông Đế xuất hiện. Vài chiêu trong Tàng Ảnh phổ đã giết được mấy người bao quanh phu nhân. Tiếp theo, ông phóng chiêu liên tục giết thêm mười mấy tên nữa, nhưng vẫn không cứu kịp Châu Thiên San. Họ Châu bị trọng thương ngã xuống. Nhiều tên đồ tể nhào tới, Đông Đế chận không hết. Họ Châu bị một nhát kiếm sau cùng, ông chết không kịp có lời nói nào. Đám giang hồ kia thấy Đông Đế sát cơ trùng trùng, chúng không dám tấn công nữa, vội vã rút lui.
Đông Đế quay sang Châu phu nhân... Bà bị thương nằm bất tỉnh. Đông Đế bèn làm... Bà mụ!
Châu phu nhân tỉnh lại, thều thào:
- Cảm ơn tiền bối! Tiểu nữ sống không nổi nữa... Tiền bối hãy giữ giùm ba cháu...
Phu nhân lấy chiếc khăn vuông, viết: Châu Thiên San. Âu Dương Phượng.
Tự tay bà lấy mũi kiếm làm dấu trên thùy châu bên phải các con.
Xong, bà buông kiếm xuôi tay...
Đông Đế tận tình cứu chữa cho bà nhưng vẫn không kết quả gì.
Sau khi chôn cất vợ chồng Châu đại hiệp xong, Đông Đế lấy đá táng vào đó để làm dấu, có khắc trên đá bốn chữ Phượng San chi mộ. Ông chưa bồng ba đứa bé đi vội, ông còn phải tắm cho ba đứa bé gái nữa. Xong, Đông Đế khâu ba cái bọc và ba cái phái. Cắt cái khăn chia làm ba mảnh. Bé đầu có hai chữ Châu Âu, bé giữa hai chữ Thiên Dương, bé cuối hai chữ San Phượng!
Ba mảnh đó bỏ vào chiếc phái đã may sẵn.
Đông Đế rút ba sợi dây trong túi gấm ra luồn vào phái, đeo vào cổ ba đứa bé. Đoạn, ông địu ba bọc đi.
Biết mình không thể nuôi được ba hài nhi này trong lúc chúng còn thơ, ý cũng muốn tìm người gởi.
Đi được nửa buổi đường, bất ngờ gặp Băng nhị nương đi ngang qua có vẻ hối hả, Đông Đế giao bọc bên trái cho Nhị Nương rồi nói:
- Nhờ nữ hiệp nuôi giùm cháu bé này, ta không đủ điều kiện để nuôi chúng!
Băng nhị nương tuy lúc đó còn là thiếu nữ, nhưng thấy hoàn cảnh thắt ngặt như vậy, nàng vui vẻ nhận lời. Bốn năm sau, nàng đang lúc chuẩn bị xuất giá, thì bị cưỡng bức, sau đó Băng nhị nương tự sát, con bé kia được bốn tuổi, tên nó là Băng Kiên. Đông Hải Thần Quân đã giết được thủ phạm và đem Băng Kiên về nuôi dạy, lúc đó Băng Kiên vừa lên tám tuổi.
Từ lúc bốn tuổi đến tám tuổi, Băng Kiên sống vôi người vú họ Hạng. Một hôm Thần quân đi ngang qua, định vào đó xin tá túc tạm một đêm, ông biết được việc này, nổi giận, quyết truy cho ra thủ phạm để trả thù cho Nhị nương, cũng là để trả ơn... Tá túc.
Sau này Thần quân luyện một môn võ công là nghịch lưu thần công khi đạt rồi, lão đổi tính, nên Băng Kiên sợ quá bỏ trốn.
Lão Đông Đế còn hai bọc nữa chưa biết tính sao, cũng may chiều đó, ông ghé lại một xóm nhà xin sữa cho chúng bú. Có người giới thiệu trong xóm có một vợ chồng không con, hỏi ra mới biết chồng là họ Hà, vợ là Ngũ Thị. Nguyên Ngũ Thị là bào muội của Ngũ Hoa đại sư, nhưng lúc đó Đông Đế không biết, liền gởi chiếc bọc bên phải cho họ Hà. Vợ chồng cả mừng nhận lời ngay.
Hai năm sau, Đông Đế ghé lại, nghe tin cặp vợ chồng ấy vừa mới qua đời.
Đứa bé gái được một nhà sư đem về nuôi. Sau, Đông Đế điều tra sự an toàn của các bé. Được biết nhà sư đó là Ngũ Hoa và đứa bé gái là Ngũ Ngoạn Cô.
Còn một chiếc bọc sau lưng! Ngày đêm Đông Đế mang bọc đi. Gặp xóm làng nào cũng vào xin sữa cho bé bú. Việc làm của Đông Đế khổ như một nhà sư khổ hạnh.
Một hôm, trên đường đi Đông Đế gặp một người quảy sữa dê đi bán. Vừa đi, người ấy vừa khóc. Hỏi ra, người ấy vừa bỏ một đứa bé gái tuổi mới vừa vài tháng, vì chứng đậu.
Đông Đế làm một cuộc thỏa hiệp với lão, chi cho lão mấy bài thuốc chữa bệnh tiểu nhi, đồng thời giao đứa bé này cho vợ chồng lão nuôi để quên bớt buồn.
Đông Đế có đi đến nhà người ấy, hỏi thăm biết lão là người họ Đậu, Đông Đế nghĩ thầm:
- “Cha họ Đậu mẹ họ Đỗ, mà con lại bị chứng đậu sởi mà chết!”
Đông Đế sợ hậu vận, không muốn giao đứa bé. Nhưng vợ chồng họ Đậu năn nỉ khẩn thiết, cuối cùng Đông Đế buông xuôi lòng, ông còn bày nhiều bài thuốc chữa chứng đậu.
Mỗi năm, Đông Đế tới nhà họ Đậu hai lần. Ông đến năm lần tất cả, đứa bé vẫn bình an...
Qua lần thứ sáu, Đông Đế đến nơi thì không còn ai ở đó cả. Người lối xóm nói, vợ chồng người này bị hổ xơi, bởi việc đi giữ dê ban đêm. Không biết ai ẵm đứa bé đi đâu...
Đông Đế bỏ không biết bao nhiêu thời gian đi tìm, vẫn không ra tông tích...

*

Đông Đế kể đến đó, hai cô cùng rơi lệ.
Tuyết Minh vừa khóc vừa nói:
- Tiểu muội chính là cô bé ở nhà họ Đỗ, trong mảnh vải kia ghi bằng máu với hai chữ Thiên Dương. Sau đó có người ở huyện Miên Thủy đem về nuôi, và gọi là Tuyết nhi. Người nuôi tiểu muội võ công cũng khá. Tiểu muội bắt đầu tập luyện từ hồi ba bốn tuổi.
Tuyết Minh dừng lại lau nước mắt rồi nói tiếp:
- Đến lúc năm tuổi, người nuôi ở Miên Thủy chết, thì người Bí Tàng cung đem tiểu muội đến đó ở và dạy dỗ đến giờ.
Tuyết Cừu chụp hỏi:
- Người Bí Tàng cung là ai?
Tuyết Minh nói:
- Vô Tận Tàng cao thủ. Hồi đó trong cung chỉ có vài ba người. Không ai biết tên họ và mặt mày của ông ta. Khi tiểu nữ đã biết suy nghĩ, đòi hỏi họ tên, Cung chủ nói tên là Tuyết nhưng không có họ!
Tiểu muội lại hỏi:
- Phải xưng hô với Vô Tận Tàng cao thủ thế nào?
Ông nói:
- Cứ gọi là Vô Tận Tàng cao thủ!
Tuyết Cừu hỏi:
- Còn Vô Tận Tàng cao thủ gọi tiểu thư là gì?
Tuyết Minh nói:
- Ngay từ bé, thường thì ông ta nói trổng, đôi khi ông cũng gọi là tiểu cô nương một cách xa lạ như vậy. Chưa có lần nào ông gọi khác.
Tiểu muội hỏi:
- Sao không cho tiểu nữ gọi ngài là tiền bối?
Ông nói:
- Chừng nào tiểu cô nương an bề gia thất, sẽ gọi ta cách nào cũng được!
Nàng nói tiếp:
- Hồi mới năm, bảy tuổi mà tiểu muội đã biết nghĩ đến việc xưng hô cho hợp với lễ giáo.
Lúc đó ông nói:
- Biết đâu hôn phu của tiểu cô nương lại là bạn vong niên của ta thì sao? Cách xưng hô ấy tới bây giờ cũng vậy...
Băng Kiên mới lên tiếng:
- Tiểu muội là đứa bé ở nhà Băng nhị nương. Mảnh vải trên phái tiểu muội vẫn được viết bằng máu với hai chữ...
Mọi người cùng nói một rập:
- San Phượng!
Tuyết Cừu kết luận:
- Vậy mảnh vải của Ngũ Ngoạn Cô có hai chữ Châu Âu. Và Ngũ Ngoạn Cô là chị cả!
Đông Đế nói:
- Thật là oan nghiệt! Thần quân và Ngũ Hoa là người nuôi nấng Băng Kiên và Ngoạn Cô, bây giờ lại trở thành là người đối đầu. Dù hai cô có không muốn đối đầu nhưng họ đã đối đầu Bí Tàng cung là đối đầu Tuyết Minh, tức là họ tự đối đầu với hai cô.
Băng Kiên nói:
- Tiểu nữ quyết không đối đầu với Thần quân, nhưng không trở lại Thần Quân phủ nữa. Tuyết Minh tỷ tỷ! Tỷ tỷ có cho tiểu muội đi theo tỷ tỷ không? Ở đây thật tù túng!
Tuyết Minh nói:
- Tỷ tỷ sẽ gởi thêm các cô bạn của hiền muội tới đây được không?
Băng Kiên nói:
- Tiểu muội ở hoài một chỗ ngán quá!
Đông Đế nói:
- Võ công của Băng Kiên chưa cao sâu. Hãy ở đây mà luyện, dù không muốn ở đây, có về bên kia cũng phải luyện để khỏi phụ lòng người có ý tốt với mình.
Mỗi người nói vào một tiếng, cuối cùng Băng Kiên quyết định theo Tuyết Minh về bên Bí Tàng cung.
Lã Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ có việc cần phải đi ngay, xin cho tại hạ lên đường trước.
Chàng chào mọi người rồi lên đường, ai nấy đưa cặp mắt buồn thiu nhìn theo...