Ông Girôlamô Belacmi ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành thường dùng trong văn phòng của nhà Belacmi, những người kế tục dòng họ Vexpucxi, và âu yếm ngắm cô cháu gái. Ngồi chót vót trên một chiếc ghế đẩu cao trước mặt ông, cô Luxia đang đọc một bức thư, thỉnh thoảng lại nhăn chiếc mũi nhỏ xinh xắn lại, đó là để nhấn mạnh một câu nào trong đoạn. Ông Belacmi ngắm cô với một niềm vui vô tận vì cô thể hiện một cảnh tượng rất đẹp mắt. Khi cô im lặng, bức thư đã đọc xong. Ông khẽ nói: - Cháu đã nói đúng, Luxia ạ. Nhà thần học trẻ tuổi này thú nhận rằng anh ta đã giấu bức tranh ở tu viện! - Khi ấy cháu đã biết chắc như thế, chú ạ. - Nhưng anh ta không hề nói đến việc gửi nó tới cho chúng ta, – ông Belacmi nhận xét. – Cũng không nói đến việc anh ta sẽ đích thân đến Phlôrăngxơ. - Anh ấy sẽ đến, – tiểu thư Luxia tuyên bố vẻ tin tưởng và chắc chắn. - Ai đã lập số tử vi cho cháu thế, – ông Belacmi mỉm cười hỏi, – để cháu cảm thấy vững tin ở tương lai như vậy. - Chỉ do trực giác thôi ạ, – cô gái xinh đẹp trả lời và lắc đầu. - Không thể lúc nào cũng dựa vào trực giác được. - Với trực giác của cháu thì được đấy. Ông chú Belacmi nhướng lông mày: - Chúng ta sẽ chờ xem nhé, cô bạn nhỏ! Bây giờ thì cháu đi chỗ khác đi để chú làm việc một chút. Tuy nhiên, khi cô gái không ở đấy nữa, ông Belacmi quên vùi đầu vào đọc những cuốn sổ lớn chồng chất trên bàn giấy của ông và tư lự nhấm nhấm chiếc bút lông ngỗng. Sau giây lát suy nghĩ ấy, ông với tay lấy một tờ giấy trắng, dúng bút vào lọ mực to bằng đồng đen và bắt đầu viết: “Gửi ông Ăngtôniô Xecvêtut, Thầy thuốc, ở số 14 phố Galide Vaxca, Vơnidơ. Thưa ông rất tôn kính! Bức thư của ông báo tin về bức tranh của Bôtixeli mang tên Thần vệ nữ giáng sinh vừa đến với tôi. Tin này làm cho tôi, và nhất là cho cháu gái tôi – bức tranh ấy là của riêng nó – hài lòng vì biết rằng tác phẩm nghệ thuật này đang được an toàn ở tu viện dòng Đôminich ở Pađu. Dù rất biết ơn ông đã có lòng tốt làm cho chúng tôi yên tâm như vậy, chúng tôi vẫn không thể không nghĩ rằng đáng lẽ ông nên báo cho chúng tôi biết việc này từ khi chúng tôi ở Pađu, hay là ở Vơnidơ cũng được, để chúng tôi có thể thu xếp đem bức tranh về Phlôrăngxơ. Đây là một đặc ân mà chúng tôi không được tiếp nhận, vì rằng chúng tôi đã rời thành phố ấy. Tôi có cảm tưởng rằng không quá làm phiền ông khi đề nghị ông đích thân tìm những cách nào mà ông cho là cần thiết để bảo đảm cho bức tranh, tránh tất cả những gì đáng tiếc có thể xảy đến với nó, và đề nghị ông làm mọi việc để đưa bức tranh ấy đến đây được vẹn toàn....” Ông ngừng lại ở chỗ này, và trong giây lát, lại trầm ngâm cắn đầu chiếc bút lông ngỗng, một nụ cười nở trên môi, ông lại tiếp tục viết: “Có lẽ không cần phải khẳng định với ông rằng mọi chi phí về thời gian và tiền bạc mà ông phải sử dụng đến cho việc này, tôi xin đảm bảo trước là sẽ thanh toán lại. Xin ông nhận cho những lời chúc sức khoẻ lâu dài và chúc thắng lợi trong câu chuyện này. Cháu gái tôi gửi lời chúc tới ông. Thưa ông rất tôn kính, xin hãy tin ở sự trung thành của tôi.
Girôlamô Belacmi
Phlôrăngxơ, A.D.1563”Bức thư công việc kết thúc, ông Belacmi đọc lại, lông mày cau cau vì chăm chú. Ông gấp lại rồi nhỏ lên các mép giấy một giọt sáp đỏ để dán kín và ấn mạnh lên đấy con dấu khắc trên chiếc nhẫn ông đeo ở tay trái. Rồi ông ngồi chỉnh tề lại trên chiếc ghế tựa và lặng lẽ mỉm cười. Trực giác của người phụ nữ – và đặc biệt là của Luxia – là một yếu tố kỳ lạ, ông sẵn sàng thừa nhận như thế. Nhưng ông là một nhà kinh doanh rất khôn ngoan nên không thể không thêm vào yếu tố ấy vài sự thận trọng nho nhỏ có thể làm cho các sự kiện diễn ra như ông mong muốn.