Nguyễn Lan Đồng dịch
Phần 2 - Chương 6
Chương 6

Ở Vơnidơ Ăngtoan sinh hoạt rất bổ ích. Hàng ngày, được Giăng hướng dẫn, anh vẽ những bức phác hoạ và rất vui mừng thấy mỗi lần vẽ lại vững vàng, chắc chắn hơn lên.
Giăng đã đưa anh đến với giới nghị sĩ và sinh viên mỹ thuật. Ở môi trường này anh đã khám phá ra rằng – dù rõ rằng họ có những suy nghĩ phóng túng trong một số trường hợp mà nền giáo dục Nhà thờ của anh coi là tội lỗi – nhưng họ lại là những người vô cùng nghiêm túc trong nghề nghiệp và thường lịch lãm hơn trong lĩnh vực lịch sự. Họ thường hiểu biết hơn anh về các trào lưu tư tưởng hiện đại đang từ nước Ý tràn lan ra khắp các nơi trên thế giới. Mọi người như một họ, họ yêu cuộc sống phong phú mà những người Hy Lạp cổ từ nhiều thế kỷ trước đã tìm được cách đảm bảo cho mình. Nhận thức ấy làm cho Ăngtoan cảm thấy cần củng cố lại việc học tiếng Hy Lạp của mình với dụng tâm ít nhiều đã rõ nét là một ngày nào đó sẽ đi thăm các trung tâm văn hoá nổi tiếng của Hy Lạp cổ và có thể là đọc lại các tác giả cổ điển lớn bằng ngôn ngữ gốc của nghệ thuật và khoa học.
Trong những thư viện trang bị rất phong phú của Nhà thờ Thánh Mác và những tủ sách tuyệt vời của bá tước Kirina Xtămplia, các sinh viên được tự do vào lâu đài của ông ở ở phố Thánh Maria Phomôda, Ăngtoan làm quen lại với bộ Anphôrixmơ của Hypôcơrát, với những tác phẩm đặc biệt trong sáng của Xendơ, Avixen, Galiêng, Maimônit – người thầy thuốc Do Thái, Rai đơ – người Môrơ và của những nhà trí thức ưu tú tiếp nhận đó.
Khi anh đến trước ngôi trường, và nhất là khi anh bước vào hội trường rộng lớn, trần chạm trổ vẻ cổ kính, Ăngtoan thấy lòng mình tôn trọng sâu sắc nghề nghiệp đáng quý này. Rồi khi đứng lên bục, bản Điều trần mở trên giá trước mắt, anh cảm thấy một sự phấn khích mà anh chắc rằng cái đó đã nâng đỡ anh Misaen của anh xưa kia. Không phải chỉ là niềm hãnh diện về tác phẩm của riêng mình mà là một mối quan hệ thấn thiết với tia sáng thần thánh đã vượt qua những luật lệ bần tiện của con người, vượt qua những suy nghĩ lạc lõng khắc nghiệt cuồng tín của Canvanh hay những khẳng định không kém phần khốc liệt vì không hiểu biết của Nhà thờ La Mã.
Trước mặt anh, các thầy thuốc ở Vơnidơ ngồi trên hàng ghế đầu tiên, phần nhiều là ông già, vì rằng từ thầy giáo đến những người tập sự đều học y học ở nơi này cũng như ở các giảng đường trường đại học. Các học sinh tụ họp lại ở cuối phòng, đó là những thanh niên trịnh trọng, mặc áo đã sờn và rõ ràng là bị xúc động vì kính trọng của mọi người đối với người thầy thuốc trẻ tuổi ở Pađu bên cạnh đã đến đây. Cùng Ăngtoan, người thầy thuốc và giáo sư Phalôpiút ngồi trên bục.
Phấn khởi và yên tâm vì sự có mặt và hỗ trợ của thầy giáo, Ăngtoan bắt đầu nói. Lúc đầu, giọng anh ngập ngừng, rồi càng nói càng vững vàng. Anh phát triển đề tài đã nghiên cứu thành công, đưa bằng chứng là Misaen đã khám phá ra sự thực trước anh, và như thế thì vinh quang chỉ dành cho một mình Misaen Xecvêtut.
Lúc anh kết thúc, một tràng vỗ tay nổ vang. Các thầy thuốc quây lấy anh để chúc mừng. Khi mọi ồn ào đã lắng xuống, cụ Phalôpiút đi bên anh ra khỏi hội trường rộng lớn:
- Tương lai tốt đẹp đấy, Ăngtoan ạ, một tương lai tốt đẹp đang chờ đón anh. – Vị giáo sư già nói. – Việc từ chức của tôi đã được chấp nhận vào niên học tới. Tôi đã cho ghi tên anh vào đầu danh sách những người đề cử vào chức giáo sư cơ thể học ở Pađu.
Ăngtoan ngạc nhiên không nói nên lời, cảm động đến nỗi không thở được điều hoà. Anh đoán rằng cụ Phalôpiút đã hành động sớm hơn cụ có ý định trước đây để việc ấy có thể nâng đỡ anh trong trường hợp có khó khăn gì, kể cả nếu có nguy hiểm gì xảy ra do sự phát hiện của anh.
- Đừng cảm ơn tôi, Tôniô ạ! – Cụ Phalôpiút nói. – Tôi làm việc này đặc biệt cho trường đại học nhiều hơn là cho anh. Bởi vì tôi chắc chắn rằng thế giới, trong tương lai, sẽ chịu ơn nhiều đối với những gì anh còn có thể phát minh ra nữa.
- Điều đó tuỳ thuộc ý Chúa! – Ăngtoan mãi mới thốt ra lời, lòng đầy nhiệt thành.
- Anh đã gặp điều gì phiền phức từ phía Nhà thờ chưa?
- Chân lý được chứng minh quá rõ ràng nên không có cách gì bác bỏ được ạ.
Cụ Phalôpiút hãm bớt ngay niềm phấn khởi tin tưởng:
- Nếu ở địa vị anh, tôi chưa yên tâm như vậy đâu. – Cụ nói với anh kiểu báo trước. – Tuần vừa qua, tôi đã tiếp một người, tôi cam đoan rằng hắn là nhân viên của Toà giáo.
Những từ ấy đủ làm cho huyết quản Ăngtoan băng giá.
- Của toà giáo? Hắn muốn gì vậy, thưa thầy?
- Không có gì rõ rệt cả. Hắn khoe khoang rất quen anh. Nhưng hắn cũng khoe rất biết anh của anh và các luận văn của anh ấy.
- Poocdia rồi! – Ăngtoan thốt lên.
- Tên hắn đúng như thế đấy.
- Hắn đúng là một nhân viên Toà giáo đấy, thưa thầy! Và khó có thể tìm được người trơ tráo hơn hắn.
- Nhưng ai là người nấp sau hắn?
Xécvê cay đắng trả lời:
- Cha Phêlíp Xăngtốt.
- Tu viện trưởng dòng Đôminich ư?
Ăngtoan vắn tắt kể sơ qua cho cụ Phalôpiút nghe cuộc tranh luận của anh với tu viện trưởng, nhưng bỏ qua không nói gì đến bức tranh.
- Khá nghiêm trọng đấy! – Cụ Phalôpiút nghiêm nghị thừa nhận. – Họ không thể tấn cống anh trong lĩnh vực khoa học, ở Vơnidơ này. Nhưng chú ý đừng cho họ nắm được cái gì trong lĩnh vực cá nhân, trong phạm vi riêng tư.
- Thưa thầy, tôi không có sơ xuất gì cả, – Ăngtoan quả quyết như thế. – Trước đây và hiện nay, tôi luôn là một người sùng đạo.
Ra khỏi toà nhà, cụ Phalôpiút đưa tay bắt tay anh.
- Đành vậy và mọi sự đều tuỳ theo sự khoan dung của Chúa! Tôi trông cậy ở anh về vấn đề tiếp tục giảng dạy môn cơ thể học mùa thu này. Có thể khẳng định trước được rằng các chứng minh của anh sẽ đạt nhiều kết quả hơn, được nhiều người tán thành hơn bao giờ hết.
Ăngtoan gọi một chiếc thuyền ở phía trước nhà trường và ngồi dựa trên đệm. Anh lo lắng. Điều cụ Phalôpiút nói về Poocdia thật rắc rối. Tại sao cha Phêlíp lại tiếp tục tung tên thấp béo theo dõi anh khi ông ta đã nhận lời hứa sẽ im lặng của anh như nhận tiền mặt? Phải chăng về phía ông ta, tu viện trưởng đã quyết định không giữ lời hứa trong sự việc đã thoả thuận? Và ông ta đang tìm một bằng chứng mới nào đó để làm chỗ dựa cho việc buộc tội tà giáo chưa hề được bỏ qua trong một trường hợp nào, dù ở Vơnidơ? Nỗi lo ấu ấy làm cho Ăngtoan rùng mình. Tất cả niềm vui thắng lợi khi ở nhà trường đã biến mất.
Anh hồi nghĩ rằng hình như anh chỉ gặp những điều rắc rối từ khi phát hiện ra bức tranh của Bôtixeli. Tuy nhiên, anh không thể đổ lỗi cho nữ thần. Nàng rất đáng mến, toàn diện, rất đức hạnh và tốt lành, làm thế nào mà có lỗi được. Nghĩ rằng nàng bị cái nhìn khoái lạc của Xăngtốt xúc phạm, anh bừng bừng tức giận.
- Tránh nào, – người chèo thuyền kêu to và thuyền quay mũi đi vào con sông đào nhỏ hẹp ngăn cách nhà ngục mới xây của chính phủ với toà lâu đài trang trí lộng lẫy của vị Thống đốc.Trên cao, ở rất cao phía trên đầu mọi người, vành cong của chiếc cầu có mái nối liền hai toà nhà. Không phải chỉ có tội nhân đã đi qua để đến sân nhà tù mà ở đấy cái chết đang đợi họ. Dù chiếc cầu ấy mới hoàn thành có mấy năm nhưng người Vơnidơ đã mệnh danh cho nó là “cầu bi ai!”
- Đi dưới gầm “cầu bi ai” tốt hơn là đi ở trên đó, – người chèo thuyền nói và làm dấu thánh.
Và, tuy rằng lúc này là thời gian làm lễ Thánh Giăng trong mùa hè, Ăngtoan Xécvê vẫn rùng mình, anh lạnh giá vì cái u ám của điềm xấu.