Anh yên lặng nhìn cô khóc, trái tim anh có chút bình yên. Chẳng biết bao lâu, cơn mưa ngớt hạt rồi, chỉ còn tiếng gió thổi lùa qua khe cửa. Anh vuốt nhẹ làn tóc rối cô gái anh yêu nói rất dịu dàng. - Em cần ngủ một giấc không buồn phiền mộng mị. Hoài! Thuốc đây em. Tiếng khóc Hoài đã dứt khi cơn mưa dứt. - Hoài muốn chết theo ba. - Đừng nói vậy em. Chết là hết, trong khi em cần được hưởng hạnh phúc của con người. - Không có thứ hạnh phúc nào dành cho tôi cả, tôi sinh ra cho đến giờ chỉ toàn nước mắt, khổ đau. - Bây giờ không còn nước mắt khổ đau, vì em sẽ lành bệnh, rồi em sẽ thanh thản tâm hồn vì đã trọn niềm hiếu đạo. Và rồi anh sẽ hết lòng mang hạnh phúc đến cho em. Cô gái ngẩn ngơ nhìn chàng trai. - Đức ơi! Hoài chẳng thể yêu anh. Hoài trót yêu người khác mất rồi. Một chút xót xa trong Đức. - Bạch ư? Anh ta có hôn thê rồi. Hoài! Em an tâm, anh hứa đợi chờ. Câu nói ban nãy em nói với Bạch đủ để anh chờ đợi. - Em nói ư? Nói gì? - Em nói tấm thân này trao cho anh. Hoài! Anh không ép đâu. Thời gian giúp em quên Bạch bởi tình yêu chớp nhoáng rất chóng phôi pha. Hoài cười đau đớn: - Không phải là Bạch! Tình yêu Hoài có với người con trai khác đã mười sáu năm rồi không gì có thể phôi pha được. Đức sửng sốt ngó Hoài, không phải Bạch. Anh có nghe lộn chăng? Và đã mười sáu năm, thật không thể tin được. Ngày nào ở đội, dì Lành nói cô chưa từng có bạn trai mà. Đức muốn hỏi, nhưng Hoài đã thấm thuốc mắt cô trĩu xuống, tay buông lơi trên ngực. Đức nén tiếng thở dài, ngày mai, mình hỏi cũng chưa muộn. Anh kéo mền đắp kín cho cô, mắt ngừng lại ở gương mặt còn ngấn nước mắt. Giả sử ngày nào cô ấy khóc vì mình nhỉ? Bất giác Đức đưa tay vuốt lên má Hoài, má trắng gầy vẫn mịn mềm con gái, giọt nước mắt dính vào tay anh lẫn làn da mát lạnh của Hoài chẳng hiểu sao khiến anh xao xuyến, một chút nhức nhối trong tim trở về, khi anh nhớ lại bờ môi cô gái anh yêu đã bị "người ta" cướp đoạt mất rồi. Đức nhìn mãi đến thẫn thờ. Vành môi kia chưa từng biết đến phấn son, cũng như anh chưa từng biết đến đàn bà. Anh ao ước đựơc hôn lên đó mà chưa dám, thì "người ta" bước trước mất rồi. Hoài ơi! Anh muốn hôn em, một nụ hôn thầm lén. Đức nghiêng người, nụ hôn anh nhẹ như gió thoáng qua hoa, không mạnh bạo cuốn hút như Bạch, nhưng đủ cho anh thoáng run rẩy vành môi. Đức bước đi, người con gái vẫn say ngủ. Cô gái của một kiếp đời nhọc nhằn, ngày hôm nay nhận hai nụ hôn, không nụ hôn nào cô biết trước. Nhưng một nụ hôn đã in sâu vào tim cô, nụ hôn còn lại có về với cô chắc là trong giấc mơ thôi. oOo Lại một đêm nữa cô không ngủ, tắt đèn ngủ cho bóng đêm bao trùm chung quanh, cô mở trừng mắt nhìn vào khoảng tối mênh mông, để nghe lòng giằng xé giữa yêu và hận. Ôi! Càng hận bao nhiêu, càng yêu nhiều gấp vạn lần. Nam Hoa! Anh thật tàn nhẫn với em. Anh có biết khi anh ôm "người ta" trong tay hôn đắm đuối lên bờ môi bệnh hoạn ấy, lòng em như thế nào không? Và rồi, anh sỉ nhục em trước mọi người, còn nỗi đau đớn nào hơn với em? Nam Hoa! Em quá đau khổ với Dế Mèn, giờ thêm con nhỏ ho lao đó, tại sao anh như vậy? Những cô gái anh yêu quá hạ tiện tầm thường kia mà? Anh yêu gì ở họ, so với em, họ có xứng đáng chi đâu? Nam Hoa! Anh có biết không, trước lúc anh định trở lại Việt Nam, mẹ anh đã trao vòng gia bảo cho em rồi. Hôm ấy, anh nhớ không? Lần sinh nhật thứ hai mươi chín của anh. Em đã tặng quà sinh nhật anh bảy lần, chỉ có lần này anh nhận với sự vui vẻ chân thành, mà món quà có đáng gì đâu chớ? Hai mươi chín hoa hồng trắng, và một số tranh chụp phong cảnh Việt nam của các họa sĩ Việt Nam. Hôm ấy, lần đầu tiên anh nhìn em, tia nhìn tán thưởng, môi thấp thoáng nụ cười. - Diễm Quỳnh! Cô thật xinh đẹp và dễ thương, cảm ơn cô đã đến nhân ngày vui của tôi. Em muốn khóc vì sung sướng, lại càng sung sướng hơn khi được anh mời khiêu vũ bản đầu tiên để khai mạc lễ mừng. Lại càng sung sướng hơn nữa, được cùng anh cắt bánh sinh nhật. Tấm hình chụp chúng ta đứng bên chiếc bàn đã được em cất giữ bên mình, một phút không rời, đêm, em tâm sự với anh, hôn anh, cùng anh ngủ chung với những giấc mơ đẹp về tình yêu hai đứa. Nam Hoa! Anh có biết không, hôm sau, mẹ anh gọi về Bạch gia, cũng trong vườn hoa, tươi cười nói: - Diễm Quỳnh! Bác nghĩ con sắp gọi bác bằng mẹ được rồi. - Sao bác nói vậy? - Còn sao? Sáu bảy năm rồi, bác chưa từng thấy nó đối với ai như đối với con. Lúc nào nó cũng cắt bánh một mình, khiêu vũ với bác, con đã từng thấy mà, giờ khác rồi! Bác biết, có là gỗ đá, mới hờ hững với con. Nam Hoa! Anh biết không? Trời cuối xuân vào hạ, muôn hoa khoe sắc, đùa cợt, với gió với trời mây, lòng em cũng có hàng vạn hoa xinh nở; em khóc, khóc vì quá sung sướng, úp mặt vào lòng mẹ anh. Người vuốt tóc em dịu dàng, nói rất vui: - Bác có món quà muốn trao cho con. - Những lời bác nói hôm qua là món quà quý nhất với con rồi. - Cái này càng làm lời bác thêm phần ý nghĩa. Mẹ anh đeo chiếc vòng này vào tay em. - Diễm Quỳnh! Vòng gia bảo họ Bạch có một đôi, chiếc kia, Nam Sơn đeo vào tay vợ nó là Thanh Yên. Chiếc này, bác thay mặt Nam Hoa đeo cho con, bác mong trong năm nay đám cưới được tiến hành. Em lại khóc, mẹ anh lau nước mắt cho em bằng khăn lụa trắng tinh, dỗ dành em. - Diễm Quỳnh! Nín đi con, hạnh phúc đã mỉm cười với con, sao nước mắt chảy hoài? Cái khăn lụa này bác cất, ngày nào hôn lễ cử hành bác trao lại Nam Hoa, bác sẽ kể nó nghe chuyện một đóa hoa quỳnh xinh đẹp đã nhỏ nước mắt khóc vì sung sướng khi được đền đáp tình yêu. Và hôm ấy, em cũng có cuộc nói chuyện với cha mẹ em, với người con trai đeo đuổi em dai dẳng nhất. Trong đêm tối, Diễm Quỳnh như thấy lại cuộc nói chuyện không ngờ ấy. ......... - Diễm Quỳnh! Anh chờ em suốt mấy giờ! - Tôi bận đi làm. - Hôm nay chúa nhật mà. Diễm Quỳnh bối rối nhìn người con trai đã yêu cô, chờ đợi cô chẳng kém gì cô đối với Nam Hoa. Lâm Khải cũng điển trai, học thức, anh là một bác sĩ nổi tiếng cả về tài năng và gia sản. Diễm Quỳnh lại ghế ngồi. Lâm Khải rất lịch sự. Cô chẳng thể nào tỏ thái độ thẳng thừng như với những kẻ khác từng đeo đuổi cô. - Lâm Khải! Anh muốn nghe tôi nói thật? - Sự thật đó là anh biết lâu rồi, em đến với Bạch Nam Hoa. Diễm Quỳnh nhìn Khải, anh nói vẫn với vẻ ung dung điềm tĩnh. Cô hắng giọng: - Vì vậy em không dám làm mất thời gian của anh. Lâm Khải khẽ lắc đầu: - Không sao cả. Anh đợi được, bởi em biết Bạch Nam Hoa không bằng anh biết đâu. Diễm Quỳnh ngó Khải: - Anh biết gì về Nam Hoa, ngoài những lời đồn? - Diễm Quỳnh! Em không biết đâu, anh là bác sĩ riêng của Nam Hoa. Diễm Quỳnh tròn xoe mắt xếch: - Anh là bác sĩ riêng của Nam Hoa? Sao Quỳnh không biết? Nam Hoa bệnh ư? Bệnh gì? Lâm Khải thong thả châm thuốc hút: - Bộ có bác sĩ riêng là có bệnh hay sao? - Anh nêu lên vấn đề mà? - Để em hiểu, anh khá thân với Nam Hoa. - Anh biết gì về anh ấy. - Diễm Quỳnh lo âu. - Biết Nam Hoa không yêu em. Diễm Quỳnh trừng mắt: - Anh lầm rồi, anh ấy có yêu tôi, tôi sắp bước chân vào Bạch gia, tôi sắp lấy được người tôi yêu. Lâm Khải nhìn cô thương hại: - Tôi phải nhìn nhận, cả Nam Hoa và em đều thuộc dạng người đặc biệt, ai cũng rất chung tình với tình yêu của mình. Diễm Quỳnh! Nhưng yêu đơn phương không có kết quả đâu. Anh chẳng nỡ nhìn em tuyệt vọng. - Anh nói vậy nghĩa gì? - Người Nam Hoa yêu không phải là em! Nam Hoa thuộc mẫu người sống chết một lần yêu. Diễm Quỳnh hét lên: - Anh nói dối! Nam Hoa chưa từng có người yêu, khắp cả Hồng Kông này, ai cũng biết điều ấy. Lâm Khải cau mày, anh đứng lên nhìn rất lâu vào cô gái, anh yêu cô, rất khoan dung với cô, nhưng anh cũng là người đàn ông đúng nghĩa. - Diễm Quỳnh! Tình yêu khiến em mù quáng, nhưng anh thì không, và hãy nhớ, lần sau không được kém tế nhị với anh như vậy. Anh là Lâm Khải, không biết dối trá bao giờ, nếu em muốn biết sự thật, hãy can đảm nói chuyện cùng Nam Hoa đi. Anh về. Lâm Khải sải chân bước nhanh, rời phòng khách Âu Dương gia, anh đụng ông Quang và bà Tâm Đan, cha mẹ Diễm Quỳnh ở cổng ra vào. - Chào hai bác! Bà Tâm Đan xởi lởi: - Khải! Cháu đến chơi mà có Diễm Quỳnh không? Vào đây! Vào đây! Bác có món hàng mới, rất đẹp muốn tặng cháu. Khải rất tế nhị: - Thưa hai bác cháu sẽ quay lại nhận niềm vui ấy, giờ cháu phải về gấp, bệnh nhân đang cần cháu. Ông Quang là một chính trị gia, cũng rất sâu sắc, thông minh để biết có chuyện gì xảy ra trên đôi mắt hơi tối đi ở Lâm Khải. - Em à! Chuyện sống chết không trễ nãi được. Khải nhớ đến ăn tối với gia đình nhé. Diễm Quỳnh thấy cảnh ấy, bởi cô chạy theo Lâm Khải. Khi anh về rồi, ông Quang nổi giận. - Diễm Quỳnh! con biết cha mẹ xấu hổ thế nào khi nghe người ta cạnh khóe, để con gái độc nhất lẻo đẻo theo Bạch gia như một con chó trung thành ngoan ngoãn không? - Ba! Con muốn tự lập tương lai mình mà. Con là thư ký riêng của Nam Hoa dĩ nhiên anh đi đâu con phải theo đó. Bà Tâm Đan lắc đầu hoài, ngó con: - Diễm Quỳnh! Không ai tự lập tương lai bằng chân thư ký cả, trừ khi Nam Hoa muốn cưới con. Hơn sáu năm rồi, mẹ không thấy điều ấy. Xưa nay bà Tâm Đan rất chìu con gái, giờ nói thẳng khiến Diễm Quỳnh sợ. - Mẹ ơi! không đâu, anh ấy nhất định cưới con. Sinh nhật này, anh cũng cắt bánh, chụp hình chung. Ông Quang quát: - Chỉ cắt bánh, chụp hình, con đã biết chắc nó cưới con? Diễm Quỳnh! Con điên rồi, người họ Âu Dương chẳng ai quỵ lụy van xin tình yêu như con, cả Hồng Kông này thêu dệt chuyện con lắm điều nhục nhã. - Mẹ ơi! Anh ấy đã đeo vòng gia bảo họ Bạch cho con. - Vừa nói, cô vừa đưa tay ra. Bao giờ ông Quang cũng đòi hỏi chính xác. - Vậy được! Chừng nào nó tiến hành việc hôn nhân? Diễm Quỳnh nhớ tới dự án liên kết đầu tư với Việt Nam của Nam Hoa vừa hoàn thành, cô liều lĩnh: - Khi anh hoàn thành liên kết đầu tư, và từ Việt Nam trở về. Bất cứ bậc cha mẹ nào đều muốn con mình gặp người xứng đáng. Với Nam Hoa, Âu Dương không thể chê điểm nào. Ông Quang thốt lời ràng buộc cứng rắn: - Được. Nhưng nếu nó về mà không cưới, cha sẽ gả con cho Lâm Khải, chừng đó con chớ cãi lời. ... Nam Hoa! Hai cuộc nói chuyện ấy ám ảnh em đêm ngày, em không dám theo lời Lâm Khải hỏi thẳng anh, bởi em sợ câu trả lời của anh khiến em đau khổ. Nam Hoa! Thái độ sau hôm sinh nhật đã giết hết nửa niềm tin có trong em, anh trở nên lạnh lùng, nghiêm lạnh đến độ em giấu kỹ chiếc vòng chẳng dám đeo ra, mỗi lần nhớ đến lời cha nói, em lại run lên. Và bây giờ, đốm hy vọng cuối cùng ở em tắt rồi, bởi đêm nay, anh đã hôn người con gái khác mất rồi. oOo Suốt ba ngày, toán kỹ sư, chuyên viên đo đạc hai nước dầm mưa làm việc. Cũng suốt ba ngày ban giám đốc hai bên đều có mặt tại hiện trường trừ Lê Cương và Diễm Quỳnh. Nam Hoa rất khâm phục ông Thành ở sự chịu khó sâu sắc, cũng như khâm phục đoàn kỹ sư, chuyên viên đo đạc Việt Nam làm việc tích cực lại đa năng, họ thản nhiên làm nhiều việc khác nhau, không hề hạn chế bởi chuyên môn của mình. Thiếu Kỳ từng hỏi một anh chàng cao gầy, người Việt tên Toàn, anh khá lớn tuổi, chuyên viên đo đạc địa hình, khi thấy anh chăm chú giúp người kỹ sư địa chất khoan thăm dò địa tầng và nhanh nhẹn dọn chướng ngại vật, để đặt dụng cụ. - Rốt cuộc anh là chuyên viên địa hình hay địa chất? Hay một lao động phụ? - Địa nào cũng được. - Anh chàng cười toe, nhe cả răng, trả lời kiểu đó với Thiếu Kỳ, khiến viên luật sư kiêm phó giám đốc ngẩn tò te. Nam Hoa biết Thiếu Kỳ thạo Việt ngữ nhưng lối nói chuyện này anh chưa quen nên xen vào: - Vậy anh tốt nghiệp cả hai chuyên môn một lúc à? - Không. Tôi chuyên địa hình, lúc xưa là sĩ quan pháo binh, đã được đào tạo chính quy. Còn các môn khác, học ở bạn bè cùng cơ quan. Thiếu Kỳ hỏi: - Lãnh lương cả hai phần công việc chớ? Anh chàng lại cười toe: - Mười phần công việc cũng chừng đó lương thôi. Cơ bản là giúp nhau cho mau rồi việc. Anh chàng lại cười, quẹt nước mưa ở mặt rồi quay đi theo cái khoa tay ra hiệu của người bạn đầu xa. Thiếu Kỳ nhìn theo: - Họ làm việc bằng ba người chúng ta, sao vẫn chỉ một mức lương? Họ có vẻ không khá giả. Nam Hoa nhăn mũi: - Ông Thiếu Kỳ! Ông theo dõi tình hình kinh tế thương mại Việt Nam rất sâu sắc kia mà? Ông còn vờ hỏi. Tóm lại, hai chữ thôi: CÒN NGHÈO. Qua ba ngày, đã xong phần đo đạc, thăm dò địa tầng. Trong ba ngày ấy, Nam Hoa hoàn toàn lăn mình vào công việc. Sáng ngày thứ tư, trước lúc cùng các kỹ sư đồ án nghiên cứu thiết kế, Nam Hoa gọi ông Cương. - Ông Cương à! Bên công an họ trả lời về tin Dế Mèn chưa? - Tôi mới điện hỏi, họ nói đã dò xong mấy quần ngoại thành, không có. Hôm nay họ sẽ dò quận nội thành. Nam Hoa bứt rứt: - Sao họ không dò quận nội thành trước? - Họ nói, thường những người không nhà cửa về ngoại ô và vùng thôn quê để nhận hộ khẩu và kiếm được đất làm nhà. - Nếu có tin báo liền dùm nhé. À ông Cương! Chừng nào ông đi Hà Nội? - Khi nào đồ án xong, tôi đem ra trình bộ. Nam Hoa dù cố nén lòng vẫn hỏi: - Hoài khỏe không? - Cô ấy vẫn vậy, bác sĩ nói, nếu bệnh không bớt qua thời gian dùng thuốc theo phương thức một chuyển qua cách điều trị mới. - Sao không tiến hành ngay? - Điều trị phải theo phương pháp, đì từ A qua B. - Ông nhớ an ủi và nâng đỡ cô ấy nhé. - Anh chẳng cần dặn đâu. - Xong đồ án, tôi phải về Hồng Kông rồi mới qua lại, trước lúc về, tôi muốn đi với ông viếng mộ cha cô ấy. Đó là lễ với người đã khuất. - Anh khỏi giải thích, tôi đồng ý. Buổi chiều, sau giờ quay mòng mòng với đám kỹ sư Việt - Hoa, Nam Hoa gọi về nhà, quá giờ quy định nên anh gặp cha. - Thưa ba, con đây! - Công việc ra sao? - Rất tốt thưa ba. Xong bản thiết kế, con về bên ấy trình với hội đồng quản trị công ty. - Nghe Thiếu Kỳ nói con đau, sao không tĩnh dưỡng? Tiền bạc là huyết mạch, nhưng không có sức khỏe thì không làm ra tiền đâu. Cái cậu Thiếu Kỳ thật lắm mồm. Nghĩ thầm, Nam Hoa trấn an cha: - Con cảm nhẹ thôi, đã khỏe rồi. - Đừng giấu ba. Nằm viện sao nhẹ được Nam Hoa. Xưa nay, Bạch gia không khe khắt chuyện tình yêu, con cũng đừng để lòng chao đảo vì những phù phhiếm bên ngoài. Nếu con không yêu Diễm Quỳnh, ba sẽ rút cô ta về Tổng công ty. Đừng vì thế mà nghĩ ngợi đến sinh bệnh. Trời đất! Sao ba biết hết vậy? Ai nói? Thiếu Kỳ hay Diễm Quỳnh? Không! Diễm Quỳnh không nói, còn Thiếu Kỳ cậu ta thường rất kín miệng chuyện riêng tư mà. - Alô, Nam Hoa! Sao con không nói gì hết vậy? - Ba ơi! Con là Nam Hoa, ba cứ yên tâm. Cho con gởi lời chào mẹ, các anh chị. Hôn Chấn Bình hộ con. - Được! Có tin chú Tài điện ngay nhé. Đêm ấy, Nam Hoa cùng Thiếu Kỳ đi khiêu vũ ở Dancing Quê Hương. Đám kỹ sư từ Hồng Kông qua, đỡ cho Nam Hoa rất nhiều về Diễm Quỳnh, hết việc là họ quấn quýt bên cô. Nam Hoa không nhảy, Thiếu Kỳ chẳng buồn ngạc nhiên, đời người con trai lạnh lùng này, mê mỗi món này, anh nhảy rất đẹp. Anh biết Nam Hoa đi cùng anh tới đây chỉ để anh vui với điều ham thích. Mấy cô gái nhảy cứ quấn lấy Thiếu Kỳ, thật hãnh diện khi có một chàng trai cặp với mình nhảy tuyệt vời. Nhưng về tới bàn, Thiếu Kỳ đã tỉnh bơ: - Xin lỗi. Ông chủ tôi không thích đàn bà, tôi sẽ đến với cô khi ông chủ tôi nói xong điều cần nói. Nam Hoa nhướng mày hỏi khi cô gái đi rồi: - Cậu biết tôi muốn nói chuyện với cậu? - Dĩ nhiên! - Diễm Quỳnh kể cậu nghe tại sao tôi bệnh à? - Không. Tôi cũng không hỏi. - Vậy ai báo ba tôi biết? - Tôi không báo, tôi chỉ nói cậu bệnh, đã lành. Này, hôm ấy Diễm Quỳnh làm cậu sợ phát ốm à? Nam Hoa nhìn chằm chặp vào Thiếu Kỳ. - Sao cậu biết là Diễm Quỳnh? Thiếu Kỳ nhún vai: - Vì tôi dạy cô ta bài học chinh phục và chiếm đoạt đầu tiên đó mà. - Té ra vậy! Thiếu Kỳ, cậu thật điên rồ. Thiếu Kỳ nhìn vào màu vàng óng trong chiếc ly của mình, anh cười nhẹ: - Cô ta điên chớ tôi không điên. Tôi muốn cô ta tỉnh lại, nhìn thấy tôi. Chà! Ngó bộ không ăn thua. Nam Hoa nổi cáu: - Cậu cứ ngậm miệng lại. Tại sao không chinh phục và chiếm đoạt? - Tôi cóc cần chinh phục. Còn chiếm đoạt? Hà hà! Nam Hoa cậu ngốc thật! Đàn ông thích điều đó, còn đàn bà thì không. - Thiếu Kỳ! Tôi sẽ trả Diễm Quỳnh về tổng công ty khi trở lại Hồng Kông. - Đó là chuyện của cậu. ... Đêm đến, Nam Hoa thao thức, anh lăn lộn, hình bóng Dế Mèn, Hoài cứ lẫn lộn nhau. Tim anh rên xiết, dằn vặt vì yêu, vì người xưa cũ. oOo Viên bác sĩ giám đốc bệnh viện lao Hội An, coi đi coi lại hai, ba lần tấm phim giăng hàng ngang ở trước mặt, đèn soi sáng trưng rất rõ, ông chỉ vào đinh phổi bên phải nói với cả bác sĩ điều trị và ông Cương, Đức. - Gần một tháng điều trị, bệnh không giảm tí nào, lại có phần lan ra, điều ấy chứng tỏ phương thức điều trị vô tác dụng, mà nguyên nhân chính chẳng phải bấy nhiêu đó, mà do cô ta đã suy nhược, còn mang tâm bệnh và nhiều nỗi thương tâm. - Có cách gì giúp đỡ cô ấy không? - Đức lo lắng hỏi. - Quý vị hãy công tác tư tưởng cho Hoài, điều chính yếu cô ấy phải tự giúp mình. Đức quá sức bồn chồn, phép hai năm anh sắp hết, mà bệnh Hoài chưa giảm. Rồi đây anh chẳng thể thường xuyên chăm sóc cô, thật tệ hại. Chiều nay, lúc ông Cương tế nhị ra ngoài, Đức ôm tay Hoài áp vào ngực mình năn nỉ: - Hoài! Em ráng lên, sao cứ buồn hoài? Cô gái dửng dưng: - Hoài có buồn gì đâu? - Em dối anh, không buồn chớ sao em ngày một hao gầy, bệnh chẳng bớt? Mắt cô gái lóe ra tia sáng lạ kỳ. - Bác sĩ nói à? - Hoài! Hay anh xin cho em đi viếng mộ ba? Đôi mắt ấy nhìn xa xôi vào cõi nào. - Không cần đâu. Sớm muộn gì cũng gặp cha. Đức lạnh người, anh thả tay cô, nhìn trừng trừng. - Hoài! Thì ra em muốn chết, em muốn bỏ anh, muốn theo ba? - Anh từng nói, đời người ai không chết một lần, Hoài chết là rảnh nợ. Đức nói như gào: - Nhưng em có tội gì? Suốt đời em gian lao nhọc nhằn, giờ cha đã yên phần, em phải sống để được đền bù. Hoài cười thê lương: - Hoài không có gì trả cho anh, sao nhận sự bù đắp của anh? Anh có nợ gì ở Hoài? "Người ta" có nợ không trả cho Hoài chớ chẳng phải anh. Đức điên lên: - Hoài! Được rồi, em nói đi, hắn là ai? Dù hắn ở cùng trời cuối đất, anh cũng đem hắn về cho em, miễn em lành bệnh. Cô gái thì thào, mắt mờ lệ đổ. - Anh ấy không về đâu. Anh chẳng nên tìm hiểu làm gì. Anh ấy là của riêng Hoài. Đức muốn trào nước mắt, anh lay mạnh Hoài: - Hắn là thằng chó đểu, thằng đốn mạt đã phụ bỏ em, tại sao em không nói? Hoài nhăn mặt vì đau, vẫn cắn răng lại, ông Cương đi vào. - Đức! Ra ngoài đi, để Hoài cho chú! Ông đỡ cô gái nằm xuống, đắp kín, rồi ngồi xuống bên cạnh. - Hoài! Cháu nói thật đi, khổ vì "người đó" hay thất vọng vì Bạch? Hàng mi dày cô gái khép lại thoáng rưng rưng, ông Cương hiểu, Hoài không hờ hững với Bạch, điều ấy khiến ông khó nghĩ. Gần hai tuần nay, Nam Hoa lao mình vào công việc, anh cũng thú thật với ông quyết quên Hoài để mãi mãi là Nam Hoa của Dế Mèn. Bản đồ án sắp hoàn tất, anh sẽ về Hồng Kông, ông ra Hà Nội. Nếu chưa có tin Dế Mèn, ngày trở lại Việt Nam, Nam Hoa lại mở cuộc tìm kiếm khác. Anh ta đã nhất quyết, có lý do gì nhắc đến anh ta với cô để gieo thêm nỗi buồn. Ông Cương thầm quyết định, từ nay "thằng em trai" tên Bạch của ông sẽ biến mất. - Hoài à! Xưa nay con người sinh ra đời, phải chịu nhiều trách nhiệm với xã hội, chẳng ai sinh ra để sống chết với tình yêu. Người phụ bỏ cháu, không xứng để cháu mãi nhớ thương, còn thằng Bạch em chú, nó có hôn thê rồi, nó cũng là thứ người bạc tình. Cháu đừng để tâm. Hoài quay mặt vào tường, cô cố giữ nhưng bờ vai gầy vẫn rưng rưng. Ông Cương đau lòng, nó khóc mà tim ông rỉ máu. Ông thương nó biết bao. - Hoài nè! Chú nghĩ cháu thương ba cháu nhiều hơn người khác mới phải, cháu vì ba cả đời cực nhọc, nếu cháu chết lúc non trẻ, chưa biết gì về hạnh phúc con người, có linh thiêng chắc ba cháu đau khổ lắm, và tự trách mình đã khiến con gái hy sinh một đời. Cô gái nói trong nước mắt: - Cháu đâu còn trẻ nữa, sắp nửa đời người, gặp lại ba cháu càng sớm càng tốt. - Sao cháu bi quan vậy? Cháu cần sống để hương khói, thờ cúng cha. Vậy mới gọi là hiếu đạo, giờ chú có yêu cầu. - Cháu còn gì để giúp cho chú mà yêu cầu? Ông Cương hồi hộp trong lòng: - Hoài! Chú không vợ con, sống một thân một mình, cha ruột cháu qua đời, giờ chú nhận cháu làm con nuôi, cháu bằng lòng không? Hoài sững sờ quay lại ngó ông Cương. Một con nhỏ ho lao sắp chết như cô lại được người đàn ông này nhận làm con. Thật là điều không hiểu được. Nhưng để làm gì? Đời cô duy nhất có một người cha, chẳng ai thay thế được. Bốn mắt hai người ngó sững nhau. Cô gái quay đi: - Chú tha lỗi, cháu chỉ có một người cha. Ông Cương nén tiếng thở dài. Có phải vì "thằng em trai" tên Bạch không nhỉ? - Hoài! Đường đời ấm lạnh chẳng ai ngờ, cháu ở với chú tốt hơn ở một mình, trừ phi cháu lấy chồng. - Chú phải nói trừ phi cháu chết. - Hoài à! - Xin lỗi chú, không thể được. Và rồi, đêm nay như bao đêm khác, cô gái thao thức, khóc âm thầm. Cô nhớ da diết bờ môi ấm nồng cuốn hút đã dạy cô biết thế nào là nụ hôn, quá tuyệt diệu để nhớ, dù đó là kẻ bạc tình, cô cũng nhớ da diết chú bé ngày xưa có đôi mắt đuôi dài, hôn cô loạn xạ, nước mắt đầm đìa bảo cô, đừng bao giờ mình xa nhau. Ôi Nam Hoa! Ôi Bạch! Hoài là kẻ sắp chết, giờ chết mới biết mình yêu một lúc cả hai người. Trời ơi! Có thứ tình yêu nào dơ bẩn đến thế không? Nam Hoa! Em có lỗi với anh. Em sẽ chết để thanh thản tâm hồn. Em sẽ về với ba, người cha anh tặng cho em. Nam Hoa!