Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 11

Khi tôi trông thấy lần đầu tiên ngôi nhà ở thị trấn Garches, tôi quên nỗi ưu phiền khi phải rời khỏi Paris. Georges đang tìm một việc làm, anh ở trong một khách sạn nhỏ tại phố cổ Passy ở Paris. Hàng ngày anh cắt những lời rao tìm người làm trong nhật báo. Tôi đến Garches vào một ngày thứ hai và tôi biết tôi sẽ không gặp lại anh ấy trước ngày chủ nhật…
Tôi mạnh dạn bước đi trên con đường dẫn tới một ngôi nhà, băng qua một vườn hoa mà vẻ đẹp mong manh có thể không chịu đựng nổi ngọn gió đầu mùa hơi mạnh. Mùa thu đã lấp ló sau những đóa hoa hồng đã mãn khai, tôi chỉ nhìn chứ không dám đụng đến chúng, vì sợ làm rụng các cánh hoa mà ngoài mép đã ngả vàng.
Các cửa lớn mở rộng, tôi bước qua ngưỡng cửa một cách rụt rè, nhưng khi đã ở trong tiền phòng lát đá trắng và đứng trước một cái tủ có ngăn kéo, bên trên có dựng một tấm gương soi, tôi chợt thấy tôi mỉm cười. Tôi cẩn thận đặt cái va li giấy cạc tông cứng trên một tấm thảm Đông phương đã phai màu, vì ngày nào mặt trời cũng đến đùa giỡn trên các họa tiết của nó từ bao nhiêu năm rồi và tôi hít mùi của ngôi nhà. một cách vô ý thức, tôi đưa mắt tìm kiếm những trái táo chắc là phải  có ở trên một cái tủ, trong một cái gạt tàn, có một điếu thuốc bị bỏ quên đang cháy dở và một mùi nước hoa mà một chiếc áo dài đã để lại phảng phất trong không khí trước khi người mặc nó rời khỏi ngôi nhà.
Cô?
Một người đàn bà mặt mày tròn trịa. Mặc một cái tạp dề dài tới mắt cá, bước tới phía tôi.
Cô là bảo mẫu của Sibylle?
Chào bà, tôi là bảo mẫu…
Tôi không nói tên của Sibylle, tôi không muốn nói về đứa bé, tôi đang vô cùng hoan hỉ, tôi sợ niềm hoan hỉ chấm dứt quá nhanh.
Tôi là người nấu bếp. Tôi đưa cô đi xem phòng của cô – bà ta vừa nói vừa cầm tay tôi.
Ở lầu một, tôi thấy những cửa lớn thông ra hành lang trải thảm. Ở lầu hai, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi bà bếp đưa tôi vào một gian phòng xinh xắn, màn và vải mỏng trải trên giường màu hồng, trên một  cái bàn có một bình mực và tập giấy viết thư. Thấy các vật ấy, tôi tràn trề hy vọng. Trong ngôi nhà này, tôi sẽ năng  viết thư cho  bố mẹ tôi.
Bà đầu bếp đứng dựa vào tường:
Cô có cần gì không? Phòng tắm của tầng lầu này ở gần phòng của Sibylle, cái cửa thứ ba bên tay mặt khi cô đi ra tại phòng này..Bây giờ tôi đi xuống dưới. Tôi phải nấu bữa ăn tối.
Chưa hết ngạc nhiên, tôi để va li của tôi trên một cái ghế. Và tôi hỏi:
Khi nào bà chủ và các cô cậu về?
Bà bếp cười tủm tỉm.
Bà chủ đã ra đi với ông chủ và các cô cậu ngay sau bữa ăn trưa. Họ sẽ về vào đúng trước bữa ăn tối. Bà chủ có cho tôi biết rằng hôm nay cô sẽ đến đây. Cô không muốn ăn gì sao? Cô đã ăn quà buổi chiều chưa?
Bà vui lòng cho tôi một ly sữa.
Nhà bếp rộng rãi, sáng sủa, có hai cửa sổ trông ra vườn. Bà bếp để trên bàn trước mặt tôi một lát bánh mì phết bơ và một ly sữa. rồi bà ta ngồi xuống đối diện với tôi.
Tên tôi là Rose, cô có thể gọi tôi là Rose…Và cô, cô tên gì?
Christine.
Tôi cũng có một đứa cháu gái gọi tôi bằng cô, nó cũng tên là Christine, nhưng tóc nó không phải vàng nâu. Cô, cô có tóc vàng nâu như Sibylle. Tôi cắt thêm cho cô một lát bánh mì nữa nhé?
Tôi không còn nữa, nhưng tôi hy vọng là bà sẽ nói thêm cho tôi biết về bé Sibylle.
Hình như ở đây có bốn đứa con nít và đứa bé nhất sáu tuổi?
Bà bếp vòng hai tay để trên bàn và nói:
Sibylle mới năm tuổi rưỡi. Nó rất xinh.
Nó có ngoan không?
Nó rất ngoan và hiền lành lắm. Tôi đã nhiều lần nói với bà chủ rằng Sibylle không cần một người bảo mẫu…
Với những lời ấy, bà bếp vừa đe doạ một cách độc ác chỗ làm, việc làm của tôi. Với một vẻ nghiêm chỉnh, như thể tôi tới đây với một bằng cấp bảo mẫu chuyên nghiệp do một trường nổi tiếng của Thuỵ Sĩ cấp, tôi nói:
Một đứa trẻ luôn luôn cần được chăm sóc chu đáo về nhiều phương diện và cũng còn có anh chị nó nữa…
Bốn đứa, hai trai và hai gái – Rose nói với vẻ hãnh diện như thể bà ta là bà nội của chúng – Nhưng cô sẽ chỉ chăm sóc một mình Sibylle…
Bỗng bà ta im lặng một lát rồi hỏi:
Cô người nước nào?
Hungari.
Nước mắt tôi trào ra, vì tôi buồn vô hạn khi nghe cái từ Hungari do tôi vừa nói, cắn chặt răng, tôi muốn nuốt hai hàng nước mắt, nhưng vô hiệu, tôi nhục nhã, gục đầu xuống bàn.
Tôi không muốn làm cho cô khóc, cô thứ lỗi cho tôi…
Làm sao có thể giải thích với bà ta rằng tôi không giận bà, rằng chính cái từ Hungari đã làm cho tôi xúc động đến nỗi không thể cầm được nước mắt? Tất cả những nỗi đau đớn âm ỉ mà tôi đã đè nén bấy lâu nổi dậy, tôi khóc cuộc đời mà tôi đã mơ ước, bố mẹ ở xa, Georges cũng ở xa, và tôi, luôn luôn bị giày vò bởi câu hỏi "Cô người nước nào?"
Tôi cảm nhận được bàn tay của bà bếp để trên mái tóc tôi, tôi ngẩng đầu lên, bà ta cũng khóc. Bà kéo ghế của bà đến gần ghế tôi.
Cô nhớ nhà phải không? Ô đừng khóc nữa. Tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi…
Tôi tìm cái khăn tay của tôi.
Tôi không muốn trở về bên đó nữa, nhưng tôi muốn có "một mái nhà" của tôi ở đây.
Với cái tạp dề mới ủi thẳng băng và mái tóc bạc hoa râm, bà giống như một vú già. Nếu tôi có thể đặt đầu tôi lên cái vai ấy, tôi sẽ tìm lại được quá khứ, sự bình an, đồng quê, thời thơ ấu. và tôi đã làm như thế.
Bà nói thì thâm bên tai tôi:
Rồi cô thấy cô sẽ được sung sướng  ở nơi đây. Bà chủ rất tốt bụng và các con của bà không hung dữ như những đứa trẻ khác.
Tôi muốn cãi lại rằng không có đứa trẻ nào hung dữ, nhưng tôi quá mệt mỏi không còn đủ sức để bênh vực bất cứ ai.
Tôi lên phòng của tôi, đóng cửa phòng lại và ngồi xuống giường. Với một cử chỉ uể oải, tôi kéo tấm vải phủ giường và nhắm mắt nằm xuống, úp mặt trên gối.
Tiếng động của một chiếc xe hơi làm tôi giật nảy mình, loạng choạng vì mới chợp mắt được một chút, tôi đi đến bồn rửa mặt và rửa khuôn mặt mình với nước lạnh. Khi tôi đi xb, trong tiền phòng đã có đông người. Tôi tìm một điểm tựa, đó là gương mặt của bà chủ. Tôi đã có thấy bà một lần trong văn phòng của tổ chức Thiên chúa giáo đã giới thiệu tôi, nhưng lần đó chỉ có vài phút. Ở đây bà vội vã đi tới bên tôi:
Chào Christine. Cô đến đây đã lâu chưa?
Thưa bà, tôi đến lúc bốn giờ.
Mấy đứa con của bà đứng bên bà, bà giới thiệu từng đứa một:
Đây là Sibylle..
Con bé đưa tay ra cho tôi bắt. Bà chủ bảo:
Sibylle, hãy chào cô đi con.
Chào cô…
Bà chủ nhắc:
Cô Christine.
Và Sibylle lập lại:
Cô Christine.
Bà chủ nói tiếp:
Và đây là Bruno, Gabriel, Odette và Mireille.
Tất cả những gương mặt trẻ trung ấy đều xoay về phía tôi. Chúng lặng lẽ nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị và dò xét, nhưng bà chủ đã vội đánh tan sự im lặng nặng nề ấy.
Các con, đây là Christine. Má đã nói với các con nhiều về cô ấy, để các con tiếp đón cô ấy với tất cả sự nhã nhặn, dễ thương của các con và cố gắng để có thái độ dễ chịu hơn nó như các con đã thường có.
Cửa vào nhà mở ra. Đó là ông chủ.
A! – ông ta nói – Cô đấy à? Chào cô. Cô đi đường có mệt không?
Sau vài phút nói chuyện, bà chủ đi lên lầu với tôi và các con của ba để chỉ cho tôi phòng của chúng và công việc của tôi.
Cô không có việc gì phải làm với Gabriel, Odette và Mireille. Cô sẽ chỉ chăm sóc Sibylle và rất hiếm khi phải chăm sóc Bruno. Nhưng tối nay chúng tôi đã về trễ. Bây giờ phải để cho tụi nhỏ đi tắm đã.
Tôi chà xà phòng vào thân thể mảnh mai của Sibylle và tắm cho nó thật sạch sẽ, nó còn chưa hỏi tôi người nước nào. Nó hiền lành, dễ thương và tôi, dè dặt. Sự khôn ngoan ấy buộc tôi phải đề phòng. Bruno chơi trò tàu ngầm trong buồng tắm và không muốn ra khỏi nước.
Tám giờ, tất cả chúng tôi ngồi chung quanh cái bàn lớn của phòng ăn mà tôi đã thấy lần đầu tiên. Tôi ngồi một bên Sibylle và chăm nom cho cho nó ăn. Khi đi vào, tôi thấy có một bức tranh, nhưng bây giờ, nó ở phía sau lưng tôi và nó khêu gợi sự hiếu kỳ của tôi. Tôi nôn nóng đợi bữa ăn tối chấm dứt. Rose phục vụ chúng tôi, tôi ngại ngùng khi bà ấy phải phục vụ tôi, tôi đã khóc trên vai bà, đáng lẽ tôi không nên để cho bà phục vụ tôi. Nhưng bà cho điều đó là tự nhiên.
Bà chủ có mái tóc rất đẹp, những bím tóc quấn chung quanh đầu như là một cái vương miện. Ông chủ nhìn bà với ánh mắt khâm phục và ông có một nụ cười lơ đễnh khi nhìn tôi. Ông có những món ăn riêng vì phải ăn kiêng.
Nhịp độ ăn chậm rãi một cách dễ chịu của bữa ăn tối ấy, cuộc nói chuyện thận trọng của mấy đứa trẻ, không khí ấm cúng của phòng ăn và sự hiện hữu của bức tranh tuyệt đẹp mà tôi đã chợt thấy khi bước vào gian phòng này, làm nổi bật nhân cách của bà chủ. Bà làm cho cuộc trò chuyện trở thành linh hoạt một cách dễ dàng, bà nói với mỗi đứa con một câu như phân phát kẹo cho chúng, bà có cử chỉ thân mật kh để bàn tay bà lên trên bàn tay chồng, bà hỏi thăm sức khỏe của Rose, và nói chuyện về một bà bạn mà bà đã đến thăm chiều hôm trước.
Khi mọi người rời khỏi phòng ăn, tôi mới đối diện với bức tranh.
Tôi đánh liều nói:
Phải chăng đây là một bức tranh thuộc trường phai Rembrandt?
Bức tranh ấy là của chính danh họa Rembrandt – ông chủ nói, với một giọng nhã nhặn.
Tôi cầm tay Silbylle và đi tới phía cầu thang, đã quá lâu rồi, bây giờ tôi mới cảm thấy sung sướng  lần đầu tiên.
Christine…
Tiếng của bà chủ đã làm cho tôi quay về phía bà. Tôi đứng lại với bé Sibylle trên một bậc cấp của của cầu thang.
Dạ thưa bà.
Tôi lấy làm tiếc, nhưng tôi phải nói với cô rằng, sáng hôm nay, tôi có nhận được bức thư của người bảo mẫu mà chúng tôi đã có từ bốn năm nay. Bà ấy đã phải trở về Hà lan vì mẹ của bà bị bệnh. Bây giờ bà ấy cho tôi biết rằng mẹ bà đã lành bệnh và bà sẽ giao cho một người chị của bà chăm sóc, để bà có thể trở lại đây với chúng tôi. Như thế, tôi chỉ có thể giữ cô ở lại đây hơn một tháng, nhưng cô hãy yên tâm, chồng tôi và tôi, chúng tôi  sẽ tìm cho cô một chỗ làm việc khác. Cô thông cảm, phải không?
Dạ thưa bà, tôi rất thông cảm.
Bà chủ mỉm cười.
Cô đừng có lo, chúng tôi sẽ sắp xếp được tất cả mọi sự.
Tôi tiếp tục đi lên cầu thang với Sibylle, bàn tay của nó trở thành ấm áp và thân thiện trong bàn tay tôi. Lần đầu tiên nó nói với tôi:
Em rất tiếc cô phải ra đi…người bảo mẫu kia cũng dễ thương, nhưng dù sao cô cũng có thể ở lại đây với em mà…
Trong phòng của Sibylle, tôi đã thay áo cho nó và đã đặt nó nằm vào giường.
Cô vui lòng kể cho em nghe một truyện cổ tích đi, và cô lấy cho em một quyển sách ở trên kệ.
Tôi đã kể cho nó nghe một chuyện khá dài và sau khi đắp mền cho nó, tôi trở về phòng của tôi.
Giấy viết thư đã trở thành vô ích ở  trên bàn. Một tháng sẽ trôi qua mau thôi. Nhưng sau đó tôi sẽ làm  gì?
Ngày hôm sau, khi tôi dẫn Sibylle và Bruno đến gặp bà chủ, tôi thấy bà đang đánh máy.
Tôi dịch sách – bà chủ giải thích với tôi.
Tôi liền nói với hai đứa nhỏ.
Hai em đi chơi với cô, không được quấy rầy mẹ.
Bà chủ nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên:
Đây là lần đầu tiên tôi được nghe một câu nói như thế trong ngôi nhà này!
Thấy cái máy đánh chữ của bà, giấy má của bà rải rác ở trên bàn, một cây bút chì rơi trên tấm thảm và tất cả các vật ấy trong các tia sáng của mặt  trời mùa thu, tôi rất thèm nói với bà rằng tôi mơ có được một cuộc đời hoàn toàn giống như cuộc đời của bà, với một công việc và những đứa con đến chào hỏi buổi sáng. Nhưng tôi đã nín thinh, dẫn Sibylle và Bruno đi dạo một vòng.
Thật là một tháng không thể nào quên, một tháng vui buồn lẫn lộn. Tôi đếm từng ngày như một tù nhân tự nguyện giam mình trong cảnh sung sướng  tạm thời của mình. Tôi viết những bức thư lạc quan cho bố mẹ tôi và tôi về thăm Georges mỗi chủ nhật. Anh đã nhận làm tài xế cho một trong những ông hoàng Nga sống sót sau cuộc cách mạng năm 1918. Ông hoàng ấy sống cô độc một mình trong một biệt thự lộng lẫy ở Paris, do một nữ đầu bếp trung thành phục vụ. Bà đầu bếp ấy nói cho Georges biết rằng đã lâu lắm rồi, ông hoàng vui tính, luôn luôn tươi cười ấy, với cái khuôn mặt bị bệnh sần sùi da của ông, đã lấy được một phụ nữ người Mỹ giàu kếch sù, nhưng hai vợ chồng sống mỗi người một nơi, bà với tước hiệu bà hoàng ở bên Mỹ và ông, với số tiền mà bà gởi cho ông hàng tháng.
Trong các ngày chủ nhật, chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện về tính ngoan ngoãn, dễ thương thông mình của Sibylle, và tính tình bất thường của ông hoàng Nga. Hầu như đêm nào Georges cũng phải lái xe đến một hộp đêm và anh học môn luật quốc tế với ánh đèn của ngọn đèn nhỏ trong xe. Nhưng chiếc xe ấy có khi bị chết máy khi đèn đỏ chuyển sang đèn xanh. Các xe khác bóp còi inh ỏi, và ông hoàng không tiếc lời chửi rủa. "Chúng ta phải có một cuộc sống độc lập…" Chúng tôi không ngớt lập lại câu ấy.
 Cuối tuần thứ ba, bà chủ đưa tôi đến một gia đình bà quen biết, bà nói rằng họ đang tìm một người bảo mẫu cho đứa con của họ. Tôi được họ quan sát rất cẩn thận. Hình như họ cho rằng thể lực của tôi không đáp ứng được công việc mà định giao phó. Họ nói với tôi "Cô có vẻ mảnh mai mà nhà này thì to lớn".
Bà chủ của tôi thất vọng, bà muốn giữ cả hai người bảo mẫu để tôi khỏi lâm vào cảnh thất nghiệp. Không bao giờ họ nói đến nước Hungari bất hạnh và cuộc đời tị nạn của tôi. Chúng tôi thường nói chuyện về Balzac và Roger Martin du Gard. Họ lấy làm lạ là ở Hungari chúng tôi cũng am hiểu nền văn học Pháp, nhưng họ không nói ra, tôi chỉ thấy điều đó trong ánh mắt của họ. Trong những buổi đi dạo chơi với Sibylle, tôi học thêm được những tiếng Pháp mà tôi chưa biết, những tiếng thường dùng trong cuộc sống hàng ngày và những từ ngữ mà trẻ con ưa dùng. Một hôm, tôi hỏi nó:
Này Sibylle, hãy trả lời cô nhé, thế nào gọi là mơ màng?
Nó trả lời không chút do dự:
Suy nghĩ khi đang ngủ…
Hỏi nó một chữ, tôi muốn nó không trả lời được và tôi hy vọng chính mình sẽ là người giải nghĩa cho nó, nhưng con  bé năm tuổi rưỡi này đã chứng tỏ được rằng không những nó thông minh mà còn rất lanh trí.
Khi tôi rời khỏi Garches, giã từ sự sung sướng  tạm thời của tôi để nhận lấy những phiền muộn chắc chắn đang đợi mình, bà chủ đưa cho tôi một chiếc phong bì hai tháng tiền công thay vì một và ôm hôn tôi một cách cảm động. Các đứa con của bà cũng lần lượt ôm hôn tôi, và Sibylle nói với tôi, giọng nghẹn ngào:
Cô có thể trở lại thăm em không?
Ừ, chắc chắn Christine sẽ trở lại con ạ - bà chủ đáp.
Rose đã cho tôi một hộp kẹo và nói rằng rất tiếc tôi không có dịp làm quen với cháu gái của bà, cũng có tên là Christine.
Chính ông chủ lái xe đưa tôi về Paris. Ông để cho tôi xuống trước cái khách sạn nhỏ ở khu cổ Passy.
Chào tạm biệt cô.
Chào tạm biệt ông.
Có thể tôi sẽ gặp lại họ?