Với hai tháng tiền lương, tôi quyết định thuê một cái máy đánh chữ và lao vào cuộc phiêu lưu mới, đánh máy quyển tiểu thuyết đầu tiên của tôi: Wanda. Kể từ lúc tôi trở về Paris, Georges thường đến thăm hỏi tôi và con đường nhỏ náo động cả lên khi thấy xuất hiện một chiếc xe hơi lộng lẫy đến thế. Nhưng một hôm, nó chết máy trước cửa khách sạn nhỏ và Georges ở giữa một đám đông người chế giễu bất lực không nổ máy cho xe chạy được.Ông hoàng Nga có những nỗi ưu phiền của ông ta, tiền ở Mỹ gởi đến chậm và chính bà bếp phải cho ông hoàng mượn tiền để trả lương cho Georges và để chi tiêu trong chương trình vui chơi buổi tối của ông.Cái bàn nhỏ trong phòng của tôi chỉ vừa đủ sức để chịu đựng trọng lượng của cái máy chữ to tướng. Đó là một cái máy chữ hai tầng hiệu Remington. Cái bàn phím chữ rung rinh phát lên tiếng rền rĩ mỗi khi tôi đánh máy và cuối mỗi hàng, tiếng chuông vang lên to đến nỗi cái bà người Anh ở phòng bên cạnh đã nhiều lần yêu cầu tôi phải đổi máy khác. Tôi phải giải thích với bà lý do tại sao tôi không thể đổi được. Tôi viết bằng cách đánh máy chữ, trong khi tai tôi phải nghe những tiếng ồn khó chịu ấy. Tôi nấu ăn trên cái bồn rửa mặt được đậy lại bằng một tấm ván và cái rề sô ét xăng phát ra những tiếng nổ liên tiếp như đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước.Người ta đã viết một cuốn tiểu thuyết như thế nào? Tôi đã có các nhân vật của tôi, nhịp gia tốc của một động tác mà tôi còn chưa thấy phần kết thúc, nét mặt của một người đàn bà và khung cảnh ở Vienne. Tôi đi dọc ngang trong cái phòng nhỏ xíu của tôi và một buổi sáng, tôi đã tìm được câu mở đầu "Anh nhà binh túm lấy Wanda một cách thô bạo…" Tôi còn chưa biết anh nhà binh nào – tôi tiên liệu đến năm người – sẽ làm cái cử chỉ thô bạo ấy, nhưng với câu mở đầu đó, tôi lao vào chương đầu tiên của tôi. Tôi đánh máy bảy hay tám giờ mỗi ngày và buổi chiều, khi tôi đi ra ngoài một chút, tôi cảm thấy hân hoan va an tâm một cách tuyệt vời các trang giấy mà tôi đã đánh máy xong.Thời tiết thay đổi và trời mưa đã buộc tôi phải ở luôn trong gian phòng nhỏ của khách sạn. Georges về với tôi khi nào anh rảnh rỗi và chúng tôi bàn bạc với nhau về tương lai của chúng tôi. Anh giải thích với tôi rằng sự thành công chỉ là vấn đề vận may được đem lại bởi một tư tưởng sáng tạo. Chính vào lúc ấy anh đăng lời rao trong một tờ báo buổi chiều, nội dung như sau "Một người trung niên cần vốn một triệu đồng (có thể hơn) để phát động chiến dịch quảng cáo một phát minh phi thường. Lãi to cho người cho vay vốn. Tôi thương lượng việc vay vốn nội trong 24 gìờ. xin trả lời nơi mục báo này. Khẩn".Anh muốn tôi phải lạc quan hơn, nhưng, khi anh giải thích các nguyên lý của vật phát minh của anh, sự nhiệt tâm của anh làm cho tôi phát sợ. Anh muốn sáng chế một máy lạnh không đông đá. Anh quyết định sẽ lắp cái máy ấy từng bộ phận một, ngay trong phòng của chúng tôi. Bằng cách nào anh sẽ có được dòng điện cần thiết? – tôi rụt rè hỏi.Anh có vẻ chán nản và gần như là giận dữ khi tôi nhắc cho anh nhớ lại thực tế hiển nhiên của khách sạn. Tôi muốn đổi cái bóng đèn của tôi, thay vào đó một cái bóng sáng hơn và chúng tôi đã vấp phải việc nổ cầu chì. Ông chủ khách sạn bảo vệ kỹ ngân sách của ông ta.Georges ra đi với vẻ khó chịu và còn lại một mình, tôi hồi tưởng cuộc bàn bạc về tương lai của chúng tôi. Chỉ sau khi anh đã ra đi, tôi mới thấu hiểu tầm quan trọng của một số lời anh đã nói "chúng ta chỉ thua nhau có hai tuổi. Khi em ba mươi tuổi, anh sẽ là một người đàn ông ba mươi hai tuổi. Em hãy tưởng tượng sự khác biệt. Một người đàn ông ba mươi hai tuổi bắt đầu cuộc đời của mình, trong lúc một người đàn bà…." Sự im lặng của anh thật là hùng hồn. bây giờ tôi nghe và hiểu rõ sự im lặng của anh hơn những lời anh nói.Tối hôm đó, hai con mắt tôi quá mệt mỏi, bao phủ bởi bóng tối, núp sau các mí mắt nóng bỏng của tôi, tôi nghĩ rằng tôi còn được chín năm trẻ trung.Ông Sazbo xuất hiện trong cuộc đời chúng tôi như một ngôi sao băng hứa hẹn thực hiện tất cả những hy vọng thầm kín. Cái tên của ông chứng tỏ ông là một người Hungari như những người Hungari khác, nhưng ông hoàn toàn khác những người Hungari mà tôi đã biết cho tới ngày hôm nay. Cái đầu tròn vo và láng bóng vì hói của ông và những cử chỉ hào hiệp của ông – ông cho năm trăm francs tiền boa sau khi uống một ly cà phê năm mươi francs, đã làm cho ông nổi tiếng trong một tiệm giải khát sang trọng gần đại lộ Champs Elysées. Chúng tôi biết ông đã là một nhà kinh doanh ở Hungari, theo những lời đồn thổi kính cẩn về ông, trước chiến tranh, ông bán bột mì bằng wagon xe lửa và bán cừu từng bầy. Ông sống trong một biệt thự lộng lẫy ở vùng ngoại ô Paris và chỉ di chuyển với một người Ba Lan vừa là tài xế vừa là thông ngôn của ông. Ông Szabo không nói được một chữ tiếng Pháp. Ông đã rời khỏi Hungari trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và hình như ông đã chở được cả một chuyến xe lửa đầy hàng hoá xuyên qua nước Đức đang bại trận. Nước Thuỵ Sĩ đã chấp nhận ông Szabo và chuyến tàu của ông. Vài năm sau, ông đã đến với gia tài còn lại của ông và một bà vợ người Thuỵ Sĩ, đã đẻ cho ông bốn đứa con trong năm năm.Georges là người đầu tiên có ý kiến yêu cầu ông Szabo ứng trước cho anh một số vốn, nhưng không phải để làm cái máy lạnh không đông đá, mà là để quản lý một tiệm cà phê bình dân và làm giàu.Tôi muốn ở trong các phòng nhỏ của tôi và viết, mà không quan tâm đến thế giới chung quanh, nhưng số tiền mà tôi có sau khi rời khỏi Garches giảm thiểu đi rất nhanh và ngày nào tôi cũng xem mục các lời rao để tìm một chỗ làm bảo mẫu. Georges cũng muốn từ giã ông hoàng Nga và chiếc xe trong đó anh phải thức mỗi đêm trước cái hộp đêm ở đường Pigalles. Một người trung gian môi giới cho chúng tôi biết có một tiệm cà phê bình dân mà bà quản lý hiện thời đang muốn nhường lại. Ông ta nói với chúng tôi rằng quán bar ấy nằm trong một khu phố bình dân và vì địa điểm thuận lợi của nó, tương lai của nó được bảo đảm. Anh sẽ phục vụ ở quầy hàng và em sẽ làm đầu bếp – Georges nói với tôi, hai mắt anh sáng ngời vì hân hoan – Anh sẽ làm việc cho đến sáng ở sau quầy hàng, nhưng em, em phải tranh thủ đi ngủ càng sớm càng tốt, bởi vì buổi sáng em sẽ bị bắt buộc phải dậy sớm.Ông Szabo nghe các dự tính của chúng tôi với sự chú ý hơi lơ đãng một chút của những nhà kinh doanh lớn phải giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, ông tài xế người Ba lan luôn luôn ở bên cạnh ông Szabo, trong lúc ông hỏi chúng tôi. Sau khi bàn luận dông dài, ông bằng lòng ứng trước cho chúng tôi số tiền cần thiết ban đầu, và ông sẽ được hưởng một lợi suất phần trăm trong nhiều năm trên tiền thu nhập.Ông nhìn tôi với vẻ rất phân vân: Cô có đủ sức làm bếp để phục vụ cho bốn hay năm mươi người không?Tôi khẳng định tôi làm được điều đó, nhưng trong lòng rất lo.Phải kiếm một người Pháp cho mượn tên làm quản lý, vì là những người tị nạn, chúng tôi không thể xin được giấy phép.Một hôm chúng tôi được mời tới nhà ông Szabo và làm quen với bà vợ ông. Đó là một người đàn bà tóc vàng nâu, gầy, đôi mắt lãnh đạm, ăn mặc hở hang. Bà ta khinh khi chúng tôi ra mặt và cuộc nói chuyện uể oải bằng tiếng Đức làm cho tôi buồn ngủ. Trong bữa ăn trưa, tôi có cảm giác bà Szabo nhìn tôi chòng chọc, nhìn từ đùi đến đĩa thức ăn của tôi và dừng lại ở đó như một con ong vò vẽ không muốn biến đi trước khi đốt được. Thưa bà, các con của bà đều được mạnh khoẻ chứ ạ? Rất, rất mạnh khoẻ - bà ta trả lời tôi và khi phát âm, bà ta rung những chữ "r" ấy to đến nỗi tôi tưởng chừng như nghe những chữ "r" là tiếng trượt của bánh xe patin mà bà đã cột vào lưỡi bà. Chúng hiện đang ở chơi với bà ngoại chúng tại Bâle trong hai tuần.Ông Szabo định ăn một miếng thịt đã nguội trong đĩa của ông thì bà kêu lên: Ông hãy coi chừng cái bao tử của ông…Đừng ăn thịt đã nguội mà sinh bệnh, hãy nghĩ đến bầy con của ông chứ!Rồi bà nói tiếp ngay, với vẻ dữ dội hiếm có nơi những bà lớn: Ông cũng phải coi chừng cái tiệm cà phê ấy. Mất tiền thì vô cùng dễ dàng hơn là kiếm được tiền. Hãy nghĩ đến tương lai của mấy đứa con… Hilda, bà đừng sợ, áp phe này không xấu đâu. Hai người này can đảm dám nghĩ dám làm, không sao đâu mà bà phải lo. Bà cũng nên nghĩ đến ba ngàn cái máy chữ mà tôi đang chờ.Cho đến bây giờ, núp trong một sự thờ ơ giả vờ, tôi cứ lẳng lặng nghe hai ông bà Szabo nói qua nói lại. Tôi cũng đã quá mệt mỏi trí óc cũng như thể xác. Có thật Georges tin rằng tôi có thể đảm đương nổi một công việc như thế không? Anh đã hứa với tôi sẽ thuê cho tôi một người giúp việc để rửa bát đĩa ly tách và sau một thời gian sẽ thuê một cô bồi bàn. Anh tin rằng tôi có đủ sức khoẻ và nghị lực đến nỗi tôi không dám làm cho anh vỡ mộng. Tôi muốn là người vợ mà anh hằng mơ ước. Cái tiếng "máy đánh chữ" làm tôi ngạc nhiên một cách lý thú. Tôi xoay về phía ông Szabo: Ông nói về các máy đánh chữ? Tôi đang đợi ba ngàn máy của Mỹ. Tôi sẽ lũng đoạn thị trường châu Âu với những cái máy rẻ tiền ấy. Và sau đó tôi sẽ nhập vào đây mỗi lần hàng vạn cái. Tôi có mua được một cái máy ấy không? Không có điều gì dễ dàng hơn. Cô có thể có hai cái, nếu cô muốn…Người giúp việc đem trái cây đến, bà Szabo lấy một trái táo và ông Szabo một trái chuối.Georges đề nghị: Chúng ta sẽ đi xem cái quán bar đó vào ngày mai chứ? Vào lúc ba giờ chiều? – ông Szabo nói.Mừng rỡ với ý nghĩ sẽ có một cái máy đánh chữ mới rẻ tiền, tôi đề nghị: Thưa ông, tốt hơn là chúng ta đi đến đó vào buổi tối. Giờ đông khách, người môi giới nói rằng người ta rất tấp nập…Ông Szabo đồng ý: Hãy đến tìm tôi ở nhà hàng gần đường Champs Elysées vào lúc sáu giờ, chúng ta sẽ đi chung xe với nhau…Bà Szabo một lần nữa lại nói với chồng như thể không có sự hiện diện của chúng tôi: Có thật ông tin vào họ không đấy? Lẽ tất nhiên là tôi tin cậy, họ là những thanh niên can đảm… Nhưng vấn đề là tiền do chúng ta bỏ ra..- bà nhấn mạnh – một bầy con…Ôi! Những đứa con ấy, tôi hình dung chúng xài tiền như nước và lau giày của chúng với những tờ bạc một ngàn francs.Chúng tôi rời khỏi ngôi biệt thự được sưởi thật ấm ấy vào lúc bốn giờ chiều, gió lạnh lọt vào cổ áo măng tô cũ. Tôi tránh một cách cẩn thận những vũng nước, đôi giày của tôi chỉ còn dùng được khi đường khô ráo. Tôi rùng mình vì lạnh và Georges, nắm cánh tay tôi, hỏi: Có điều gì không ổn? Vì sao em buồn?Gương mặt trai trẻ của anh thật sự lộ vẻ tò mò. Anh không chế giễu tôi. Thật tình anh muốn biết có điều gì không ổn. Nhưng làm sao giải thích với anh tình hình của chúng tôi? Tôi không ưa cái mũ của anh, cái mũ ấy làm cho anh trông quá trẻ. Anh cũng đã hơn hai mươi ba tuổi sắp hai mươi bốn rồi.Tôi chỉ trả lời anh khi chúng tôi đã ngồi trong tàu điện ngầm. Không có gì cả, hoàn toàn không có gì cả.Anh nói thêm: Em không được ngã bệnh, vì chúng ta sắp có tiệm cà phê bình dân của chúng ta rồi.Im lặng, tôi nhìn các bức tường màu đen của con đường hầm, dọc theo đó tàu điện ngầm chạy hết tốc độ. Georges cầm bàn tay tôi trong tay anh. Chúng tôi yêu nhau.Ngay từ đầu, tôi đã có ác cảm với người thông ngôn già của ông Szabo và lão già ấy cũng ghét tôi ra mặt. Lão có vẻ là một tay chơi bời. Tựa người lên trên cái ba toong, mũ để trên bàn gần bên ly rượu đã uống cạn, lão ta quan sát chúng tôi như một con mãnh cầm già nên mắt đã bớt tinh, phải hạ xuống càng lúc càng thấp hơn để khỏi sẩy con mồi của nó. Lão ta nói tiếng Pháp và tiếng Hungari đủ để phiên dịch các câu ông Szabo và khi có mặt chúng tôi, lão ta dịch nhanh hơn để chứng tỏ khả năng làm thông ngôn của lão.Trước khi chúng tôi ra đi, ông Szabo đã đuổi khéo lão ta với câu "Chúng ta sẽ gặp nhau sau, tại câu lạc bộ" và ngồi trong chiếc xe của ông Szabo, chúng tôi đi xem cái tiệm cà phê bình dân ấy. Ông Szabo lái xe rất dở, trời lại mưa.Georges hỏi tôi: Em sợ? Vâng, em sợ - tôi đáp.Sau khi tìm đường một cách tỉ mỉ trên một tấm bản đồ đã cũ, chúng tôi đến được một con đường dài và hẹp của thị xã Levalois. Ông Szabo cho xe chạy cẩn thận, một chiếc xe tải to tướng đậu ở giữa đường. Có những bóng người đang bốc dỡ hàng trên xe cam nhông xuống và trong ánh sáng vàng vọt của con đường ấy, chúng tôi thấy trên vai của họ, những nửa con bò thịt đầm đìa máu.Người hàng thịt đứng trên ngưỡng cậu hàng của ông ta để điều khiển các phu khuân vác bốc dỡ hàng và khi ông ta thấy ông Szabo hạ kính cửa xe xuống và thò đầu ra ngoài, ra dấu xe đậu ở giữa đường làm nghẽn đường, người hàng thịt hét to lên vài tiếng. Ông ta nói gì thế? – ông Szabo quay sang hỏi Georges và Georges trả lời ngay lập tức. Chẳng có gì quan trọng, ông ta nói hãy đợi cho một lát nữa thôi…Nhưng sự thực không phải như thế. Sau lưng ông Szabo, tôi đưa mắt hỏi Georges, nhưng anh đặt một ngón tay trỏ của anh lên môi ra dấu bảo tôi im lặng.Cuối cùng rồi chúng tôi cũng tìm ra được cái quán bar chúng tôi muốn tìm. Từ ngoài đường, chúng tôi chỉ thấy một cái cửa kính che màn vải ca rô và những cửa sổ cũng được che bằng thứ vải ấy.Ông Szabo bước vào đầu tiên, chúng tôi đi theo ông ta, ngoan ngoãn và hồi hộp. Quán vắng tanh và trong bóng tối lờ mờ của phòng ở phía sau, chúng tôi thấy những chồng ghế chất lên trên những chiếc bàn./Bỗng xuất hiện một người đàn bà sắc đẹp quyến rũ, một sắc đẹp mà đàn bà gọi là thô tục và đàn ông phải e dè nể nang. Tóc đen, quăn và bôi sáp làm cho bóng tóc, hai vai tròn trịa, vẻ khiêu dâm, dành riêng cho đàn ông gối đầu lên đó, một cái nệm tuyệt vời độn thịt và những tiếng đập của trái tim, tất cả bày ra những cảnh tượng lạ lùng đối với chúng tôi và làm cho ông Szabo chóng mặt. Các người đến để quản lý?Tôi có cảm tưởng rằng bà bắt đầu một bài ca mà điệp khúc sẽ là cái câu thân mật hầu như đa tình ấy.Ông Szabo quay về phía tôi, với vẻ bị kích thích và rất hoan hỉ: Bà ta nói gì thế?Người thiếu phụ bước về phía chúng tôi và tôi thấy hình dáng của hai bắp đùi dài của bà khép chặt vào nhau bên trong cái váy.Ông Szabo quên rằng cửa hàng vắng tanh, không có lấy một người khách. Ông đứng trước cái quầy hàng và thiếu phụ rót rượu cho ông uống. Tôi lặng lẽ nhìn và chúng tôi biết rằng bà ta là người Tây Ban Nha, quản lý cái bar này đã hai năm rồi, nhưng vì một cuộc đấu khẩu dữ dội với chồng, bà ta muốn trở về quê hương ở Barcelone.Georges phiên dịch rất đúng những lời kiểu cách, điều độ của bà ta và ông Szabo ngà ngà say bởi lu rượu mạnh, tựa người vào quầy hàng, không ngừng quan sát với vẻ khâm phục bà quản lý phơi phới tuổi xuân. Bà ta chẳng ngượng ngùng một chút gì về tình trạng vắng tanh của cửa hàng. Tôi chẳng còn quan tâm gì đến cửa hàng kể từ khi tôi và chồng tôi cãi cọ nhau một trận dữ dội – bà ta nói và đôi vú hình quả lê nâng cái áo thun màu vàng của bà ta lên với một vẻ ngây thơ trơ trẽn. Bà ta lắc đầu, làm rung rinh các khuyên to bà đeo nơi tai.tôi chợt thấy một cái máy hát ở trong một góc. Tôi đút một đồng tiền vào trong kẽ hở được chỉ bằng một mũi tên, tôi muốn làm cho cửa hàng này có tiếng nhạc để xua tan bầu không khí trống vắng, quạnh hiu.Georges đứng gần một bên tôi, anh có vẻ trầm tư: Em hãy đi theo anh… - anh nói với tôi – Bà ta nói được một ít tiếng Đức và anh đã để bà ta tự do nói chuyện với ông Szabo. Bây giờ chúng ta có thể đi xem qua cửa hàng một chút. Em có tin lão Szabo sẽ bằng lòng bỏ tiền ra không?Câu trả lời của tôi bị át đi bởi một nhạc khúc kích động và điệu nhạc van ấy làm quay cuồng những bóng hình, bụi bặm và nỗi buồn bã. Bản nhạc Dòng sông xanh phát ra từ một cái đĩa đã mòn, những tấm màn đầy bụi bám, những chồng ghế chất cao lên trên bàn, ông Szabo và ánh mắt lấm lét với hy vọng chiếm đoạt cái thân thể ấy, mùi bia đã ngả chua…đối với tôi bấy nhiêu điều là đã quá lắm rồi. Hãy đi theo anh. – Georges giục.Tôi đi xem cái nhà bếp tồi tệ với những soong chảo to tướng treo bên trên một cái lò than. Đồ đạc hơi cũ một chút – Georges nói – nhưng không sao. Chúng ta sẽ trang bị lại cho đàng hoàng.Chúng tôi đi xuống tầng hầm chỉ được chiếu sáng bởi một bóng đèn nhỏ. Mùi mốc meo làm chúng tôi buồn nôn và trên một cái thùng tô nô lớn, đã hoàn toàn mục nát, mạng nhện giăng đầy. Em yêu, em biết chúng ta sẽ làm gì ở đây không? – Georges nói với tôi - Một quầy rượu…một quầy rượu rất trang nhã…Người Pháp thích những tầng hầm, miễn là chúng phải có tính cách lãng mạn hay độc đáo. Chúng ta sẽ cho sơn quét lại các bức tường và sau đó chúng ta sẽ đặt những mạng nhện giả, có thể cả một bộ xương được chiếu sáng một cách tài tình treo trong một xó góc..và để làm cho em vừa lòng, chúng ta sẽ làm nổi bật tính cách trí thức của quán bar này, đây sẽ là một hộp đêm của giới văn học. Lẽ tất nhiên về sau chúng ta sẽ thuê một ban nhạc. Mọi việc rồi sẽ thông suốt, phải không, em yêu!Tôi im lặng, ấm ức trong lòng mà không nói ra được. Khi đi lên trên cửa hàng, chúng tôi thấy ông Szabo đã say mèm. Tôi cho các người tiền để quản lý cửa tiệm này – ông nói ấp a ấp úng – cho nhiều hơn những cái gì mà các người đã muốn…Thiếu phụ người Tây Ban Nha mỉm cười. Bà ta duỗi mình ở sau quầy hàng, chiếc áo thun căng thẳng trên đôi vú sẵn sàng toác làm đôi. Ôi, tôi sẽ bằng lòng được trở về Barcelone – bà ta thở dài nói.Tôi không ngạc nhiên, tôi cũng bằng lòng được ở Barcelone, hơn là ở đây.Khi chúng tôi từ giã ông Szabo trước cửa câu lạc bộ của ông, ông nói rằng ông cám ơn chúng tôi đã đưa ông đi xem cửa tiệm và hứa sẽ cho chúng tôi số tiền cần thiết vào tuần sau. Chúng tôi đưa ông vào tận cửa cái câu lạc bộ sang trọng ấy. Khi ông ta đã đi vào trong cầu thang, Georges hỏi người gác cổng: Đây là câu lạc bộ gì của cái ông vừa đi lên cầu thang đó?Người gác cổng trả lời với vẻ khinh bỉ: Đó là một sòng bạc, chơi Baccara và Rulette, nhưng chỉ dành riêng cho các hội viên của câu lạc bộ.Tôi nghĩ thầm "nếu ông ta đánh thua, sẽ không còn có chuyện quản lý cửa hàng nữa lại càng hay!" nhưng tôi không dám nói gì cả. Georges quá lo âu.Chúng tôi chỉ gặp lại ông Szabo trong phòng khách của câu lạc bộ. Ông hứa giao tiền cho chúng tôi hết ngày này đến ngày khác và luôn luôn chúng tôi đến cái phòng khách sang trọng ấy vào lúc sáu giờ tối. Tôi không quan tâm đến một người đàn bà khác cũng có mặt tại đây với vẻ chờ đợi một ai đó.Georges chán nản, lần nào cũng hỏi tôi: Em có tin rằng hôm nay ông ta sẽ ký chi phiếu cho chúng ta không?Tôi nhún vai nhưng im lặng không nói gì.Khi ông Szabo đến, chúng tôi đứng khựng lại, hầu như bị ông ta thôi miên. Ông ta bước qua ngưỡng cửa và đưa hai bàn tay ra, ngày nào cũng với sự vồn vã quá đáng: Các bạn thân mến của tôi, các bạn trẻ của tôi, tôi lấy làm xấu hổ vì đã làm cho các bạn phải chờ đợi, nhưng thú thực tôi không thể nào rời khỏi bàn được…Mặt ông ta đỏ phừng vì chứng sưng huyết, mắt ông ta đỏ ngầu, hằn lên những tia máu làm chúng tôi phát sợ. Người môi giới kinh doanh bất động sản gia hạn cho chúng tôi một tuần nữa – Georges trình bày. Nhưng với một tuần, chúng ta có cả thời gian vô tận trước mắt – ông Szabo vui mừng nói, rồi nói thêm – tôi phải gỡ lại mới được, viên thông ngôn của chúng ta đánh luôn luôn ăn, còn tôi thì thua, nhưng tôi không thể thua hoài, nếu thế thì vô lý quá…Ông ta đã nhìn ra phía cửa: Các bạn thân mến, tôi phải trở lại…Một hôm tôi hỏi ông ta: Ông Szabo, vì sao ông không trở lại cửa hàng bánh ngọt? Công việc của ông đang đợi ông ở đó…Và các máy đánh chữ. Chúng ra sao rồi?Ông ta cắn môi dưới: Chúng đang còn ở chỗ hải quan, bây giờ tôi chưa có thể đóng thuế hải quan đượcTôi nói thêm một cách độc ác: Ông Szabo, các con của ông có được mạnh khoẻ không?Mặt ông ta toát mồ hôi: Tôi đã cho vợ tôi về Thuỵ sĩ ở với bố mẹ của bà ấy rồi, cái biệt thự tôi thuê quá đắt, nhưng bà ấy sẽ trở lại ngay khi nào tôi mua được một căn hộ.Người đàn bà kia, nghe được cuộc đối thoại của chúng tôi, bèn cụp mi mắt nặng trịch xuống, như thể bà ta đã nghe câu nói vừa rồi của ông Szabo hàng trăm lần rồi. Đột nhiên, người đàn bà không quen biết kia trở thành một đồng minh, tôi muốn xoay về phía bà ta và nói với bà: Bà bạn thân mến, cũng như tôi, bà cũng đang đợi một thằng điên phải không?Cửa mở ra và chúng tôi thấy hai người đứng trên ngưỡng cửa. Viên thông ngôn và một người đàn ông loắt choắt, ông ta nhào tới người đàn bà kia và nói ấp a ấp úng: Mọi sự đều suông sẻ, em yêu. Hãy đi về với tôi … - người đàn bà nói với giọng rên rỉ. Em hãy về trước đi, em yêu. Lát nữa anh sẽ về ngay mà.Người đàn bà ngước đôi mắt ngời ánh căm hờn, thì thầm với một vẻ điềm nhiên làm chúng tôi nổi da gà: Đồ ngốc!Người đàn ông đến bên bà ta, ghé miệng vào tai bà để giãi bày gì đó.Người thông ngôn Ba Lan vẫn đứng trong cửa hé mở, lên tiếng thúc giục ông Szabo: Cậu trở vào với tớ đi. Bây giờ ông ta xưng hô với ông như thế sao? – tôi hỏi ông Szabo.Ông ta đã đứng dậy và chìa tay mặt ra cho chúng tôi bắt: Đối với tôi, ông ta là một người bạn, một người bạn thân..và ông ta biết đánh bạc, chính ông ta đã đưa tôi vào đây.Để tỏ vẻ nóng nảy, viên tài xế kiêm thông ngôn gõ vào cánh cửa như đánh trống: Hãy nhanh lên, anh bạn già…Ông ta nắm cánh tay ông Szabo và lôi ông đi.Bước trên con đường lạnh lẽo, Georges xoay về phía tôi: Em có tin rằng ông ta sẽ thôi đánh bạc không? nếu ông ta tiếp tục đánh, ông ta sẽ bị khánh tận. Nhưng ở đời luôn luôn là như thế đó…quen thói rồi, không chừa được nữa…Tôi vùng vằng như một con chó muốn thoát ra khỏi cái vòng cổ của nó: Làm sao em biết được điều đó mà hỏi? Em chỉ biết nội trong năm ngày nữa chúng ta phải kiếm được một công việc gì đó mà làm… Chúng ta đã có thể sung sướng xiết bao với cái quán bar – Georges nói tiếp, mà không nhận thấy điệu bộ giận dữ và chán nản của tôi.Đó là một trong những đức tính của Georges, anh biết mơ mộng và tiến bước trong cuộc đời với vẻ điềm nhiên khủng khiếp của một người mộng du đi dạo trên mái nhà, vững tâm một cách vô ý thức, bởi vì những người chung quanh anh thức tỉnh và có đủ tinh ý để không đánh thức anh dậy một cách đột ngột…Tôi chẳng còn hiểu được tôi nữa. Tôi đã làm gì với cái thể xác của tôi, với các tư tưởng đen tối của anh? Tôi viết những bức thư lạc quan cho bố mẹ tôi, tôi đã quen nói dối về một cuộc sống dễ chịu, có bộn bề công việc phải làm, nhưng có triển vọng sáng sủa, đến nỗi sau khi viết xong một bức thư, tôi hầu như sung sướng. Tôi tự ru ngủ với những từ của chính tôi và tự nhủ rằng thật là tuyệt vời đã được ở tại Paris, đã được hai mươi tuổi và đã có một tình yêu lớn. Nhưng sự thật ở đâu đâu. Ý nghĩa của cuộc đời tôi, được tô điểm bằng những yếu tố mà tôi muốn tin là đích thực, ý nghĩa của ngày tháng trôi qua của tôi được tiềm tàng trong các trang của cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi biết rằng tôi sinh ra là để cầm bút, để theo đuổi văn nghiệp, nhưng tôi cũng cảm thấy được rằng trước khi sách của tôi được xuất bản, tôi phải im lặng. Sách của mình được xuất bản…Tôi nhìn tên của những nhà xuất bản trong tủ kính của các nhà sách và đôi khi tôi bước vào nhưng không có khả năng mua được cuốn nào hết. Rụt rè, tôi hỏi một điều chỉ dẫn và tôi hít mùi thơm của quyển sách, tôi sờ bìa của chúng. Tôi đã viết được một trăm trang cuốn Wanda, tôi đói bụng cồn cào trong khi đánh máy, tôi cho Wanda ăn tràn họng gan ngỗng béo và uống sâm banh. Tôi đánh máy với những cái mền quấn chung quanh phần dưới người tôi và cái áo măng tô cũ phủ trên vai tôi, nhưng Wanda ở trong căn hộ của nàng ở Vienne, một căn hộ sang trọng được sưởi ấm đến nỗi nàng đi chân trần trên những tấm thảm dày. Trong lúc tôi thờ ơ và buồn bã trong vòng tay của Georges, tôi vừa làm cho nàng ngây ngất trong niềm hoan lạc ở cuôi chương. Tôi ghen ghét Wanda…