Dịch giả: Di Li tuyển dịch
Bóng Đêm Bao Trùm
Tác giả: Vicente Rivera (Philippin)

Một đêm tháng tám năm 1941, tôi bước ra khỏi rạp chiếu phim và cảm thấy bóng đêm đã bao trùm, tĩnh lặng và lạnh lẽo. Tôi rùng mình trong khoảnh khắc đứng trên con phố chật hẹp, ngước nhìn bầu trời thăm thẳm đầy ánh sao. Tôi đứng nguyên đó, để mặc những cơn gió đêm thấm qua cơ thể. Tôi lắng tai nghe. Đường phố yên tĩnh. Những ngôi nhà lờ mờ hiện hình thành những bóng đen ma quái đang lởn vởn. Tôi luôn thích đứng trên những đường phố yên tĩnh vào buổi đêm. Và tôi luôn dừng lại trên phố để lắng nghe những âm thanh vô định. Có thể đó là những tiếng kêu khe khẽ quẩn quanh những đường phố vắng và những ngôi nhà đang say giấc.
Tôi sống trong một căn hộ cũ kỹ, đổ nát đối diện rạp chiếu phim. Từ đây, tôi có thể nhìn váo sân giữa, nhìn thấy những căn hộ đơn dành cho người thuê sắp hàng với nhau, mỗi hộ chen chúc cả gia đình. Phòng của tôi, giống như căn hộ tầng trệt khác, cũng trông ra sân giữa. Ba người anh em họ của tôi cũng ở cùng phòng. Ngay khi bước vào sân, tôi nhận ra rằng đèn bàn học của tôi vẫn đang bật sáng, ánh điện hắt cả ra ngoài hành lang. Lúc chập tối, sau bữa cơm chiều, tôi đã vác sách ra định học, song cuối cùng lại mò sang rạp chiếu phim. Có thể tơi đã quên tắt đèn, và những ông anh cũng quên không tắt hộ.
Tôi bước vòng qua vách ngăn phân chia “khu học tập” của tôi và tức thì nhìn thấy một cô gái đang ngồi đọc sách bên bàn. Chúng tôi nhìn nhau, cả hai đều giật mình. Tôi chưa bao giờ gặp cô gái này bao giờ. Cô ta khoảng mười bảy tuổi, mặc váy xanh nhạt. Mái tóc dài của cô suông thẳng xuống bờ vai. Cô ta đang đọc bản chép “Thần thoại Hy Lạp” của tôi.
Đôi mắt cô mở to, thoáng vẻ sợ hãi. Một hồi lâu chẳng ai trong chúng tôi nói câu gì. Cô đẹp rực rỡ với nước da màu ô liu mềm mịn đang sáng rực dưới ánh đèn vàng. Mũi cô nhỏ nhắn và thanh tú. Đôi môi hồng đầy đặn với đường nét rõ ràng. Và còn gì nữa nhỉ? Trông cô ta có vẻ gì đó hơi cô đơn, hơi mất mát?
-Tôi biết – Tôi lên tiếng – Tôi cũng thích cuốn sách đó. Tôi đọc bất kỳ thứ gì tôi có thể tìm thấy trên Trái đất này. Cô ngồi đọc lâu chưa?
-Vâng – Cô nói, mắt không nhìn tôi nữa. Cô từ từ đứng lên và gấp sách lại – Tôi xin lỗi.
-Cô không muốn đọc nữa sao? – Tôi hỏi cô, miệng cố gắng mỉm cười, cố gắng làm cô cảm thấy thoải mái.
-Không – Cô đáp – Cảm ơn anh.
-Ồ vâng – Tôi lấy cuốn sách – Đã muộn rồi. Chắc cô cũng phải đi ngủ. Nhưng cô có thể cầm về đọc cũng được.
Cô hơi lưỡng lự rồi bẽn lẽn cầm cuốn sách. Mắt dán xuống những ngón chân như chưa biết nên đi theo hướng nào.
-Cô sống ở đây à? – Tôi hỏi.
-Vâng.
-Phòng nào?
Cô hất đầu về phía góc cuối cùng, phía bên kia sân, chỗ căn phòng nhỏ hẹp gần khu bếp chung. Đó là căn phòng dành cho người gác cổng: bé xíu, không có cửa sổ mà chỉ có một lỗ thông hơi phía trên cửa.
-Cô ở với ông Mang Lucio à?
-Đó là bác tôi.
-Cô ở đây lâu chưa? Tôi chưa gặp cô bao giờ thì phải?
-Tôi vẫn ở đầy mà. Tôi đã gặp anh rồi.
-Ồ vậy hả. Chúc cô ngủ ngon nhé. Tên cô là gì vậy?
-Maria.
-Chúc ngủ ngon, Maria.
Cô nhánh chóng quay đi, băng ngang qua sân về thẳng phòng mình và đóng cửa mà không hề ngoái lại.
Tôi cởi quần áo, tắt đèn, nằm xuống giường và nghĩ về những điều xa xôi. Tôi mới hai mươi mốt tuổi và lần đầu tiên đi làm. Lương tôi không được nhiều lắm và tôi sống trong một ngôi nhà như sắp đổ ụp lúc nào không biết. Nhưng cuộc sống có vẻ rất ổn. Vào ban đêm, khi những âm thanh ồn ã đã biến mất, khi ta đã nằm yên vị trên giường, thì ta có thể mơ tới những điều tốt đẹp hơn, có thể nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai, sẽ thấy cuộc sống này thật thú vị, cho dù nó có khốc liệt đi chăng nữa. Rồi sau đó, khi màn đêm đã dần giá lạnh, đột nhiên ta sẽ cảm thấy chỉ còn mình ta với thế giới này, trôi dạt vào vùng bí ẩn giữa tỉnh và thức, nỗi cô đơn mơ hồ trỗi dậy đưa ta lọt qua những bức tường với những con người đang say ngủ, đưa ta lang thang tận cùng ngôi nhà, ra tới đường phố, đi khắp hang cùng ngõ hẻm và mọi nơi trên Trái đất.
Một tuần sau đó, tôi gặp lại Maria vào quãng chập tối, lúc tôi đi làm về. Tôi nhìn thấy cô đang bước về phía tôi, chậm rãi, đĩnh đạc. Nhưng tôi không nhận ra Maria mãi cho đến khi cô dừng lại và đối mặt với tôi.
Cô mặc một chiếc váy trắng đã cũ. Cô đi giày thể thao màu nâu mà có lẽ trước đây nó đã từng là màu trắng. Cô dừng lại để ngắm nghía poster phim mới nhất đang dán trước cửa rạp chiếu phim.
-Chào cô – Tôi cố cất giọng bình thường.
Cô mỉm cười rồi nhanh chóng nhìn đi chỗ khác. Cô không nói gì, cũng không nhúc nhích. Tôi có thể cảm thấy về thẹn thùng của cô, nhưng nó không còn vẻ ngượng ngùng, căng thẳng và thận trọng như bữa đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi đứng cạnh cô, cũng nhìn tấm poster và cố gắng huýt sáo.
Cô quay đi, hơi lưỡng lự rồi nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong đôi mắt đang mở to ấy lại thoáng một nét buồn bã? Tôi mỉm cười, một cảm giác khao khát xa xôi muốn an ủi cô như thể điều đó sẽ khiến cô cảm thấy ổn hơn.
-Để tôi trả lại anh cuốn sách – Cô nói.
-Cô đọc xong rồi à?
-Vâng.
Chúng tôi bước xuôi con phố đã tối sẫm. Phố Magallanes như mọi con phố khác ở Intramuros, vô cùng chật hẹp với những ngôi nhà cũ kỹ, tróc lỡ, thậm chí trong bóng tối chạng vạng cũng không khả dĩ thêm được chút nào.
Chúng tôi đã về đến nhà và tôi đi theo cô vào trong sân. Tôi đứng chờ trước cửa phòng cô trong khi nó đã được khép lại cẩn thận. Cô quay trở lại hầu như ngay lập tức và đưa cho tôi cuốn “Thần thoại Hy Lạp”. Cô đứng cách xa và không nhìn tôi.
-Tên tôi là Feliz. – Tôi nói.
Thốt nhiên cô mỉm cười. Đó là một điệu cười mủm mỉm, gần như chưa thành hình một nụ cười. Nhưng dù sao, tôi cũng cảm thấy khác lạ, một cái gì đó len lén trỗi lên từ một tình bạn thân thiết.
Tôi bước đi, miệng huýt sáo. Khi về đến cửa phòng, tôi dừng bước và ngoái lại đằng sau. Maria không còn ở đó nữa. Cửa phòng của cô đã đóng im ỉm.
Tháng tám năm 1941 là một tháng nóng nực. Cái oi bức của mùa hè đã ngấm vào không khí, đặc biệt là ở Intramuros. Nhưng giống như những ngày cuối hạ khác, vẫn có những buổi trưa dịu nhẹ và trong lành, bầu trời xanh ngăn ngắt đến độ làm óc bạn lân lâng khi nhìn lâu lên đó. Một ngày nọ tôi bước ra khỏi văn phòng vào buổi trưa như thế. Một ngày công việc ngập đầu như tất cả những ngày khác. Tôi cảm thấy thấm mệt. Tôi bước đi chậm chạp về phía ngoại ô thành phố, nơi mà đường phố có phần đã giãn bớt xe cộ. Những cậy cổ thụ trên hè phố cũng cũ kỹ như những bức tường thành bao quanh nội vi. Đi được nửa đường về phía trường học, tôi lại đổi ý và hướng thẳng đến đại lộ Bonifacio. Tôi cần những cơn gió áo ạt, cần bầu trời rộng lớn. Tôi cần tất cả những gì có thể trong một buồi trưa như thế này.
Khi tôi ra đến con lộ lầy lội, thì nhìn thấy Maria đang ngồi trên chiếc ghế băng đầu tiên. Cô trông thấy tôi trước khi tôi nhận ra cô. Khi tôi bước lại gần, Maria nở nụ cười mỉm quen thuộc, nụ cười nói hết những ý nghĩ trong đầu cô mà không cần phải diễn tả bằng lời.
-Chào cô – Tôi cất lời – Trái đất thật là nhỏ bé.
-Gì cơ?
-Tôi nói là thật vui khi được gặp cô. Cô hay đến đây à?
-Thường xuyên. Tôi cũng hay đi ra ngoài.
-Bác cô có phản đối không?
-Không. Ông ấy chẳng bao giờ đi chơi. Hơn nữa, ông ấy cũng không quan tâm đến chuyện đó.
-Cô đang đi đâu vậy?
-Ồ, đi ra thành. Tôi định ra mấy vườn hoa ở đó, gần cổng Victoria. Anh biết chỗ đấy không?
-Tôi nghĩ là có. Cô định ra đó làm gì?
-Ngồi đó và…
-Và gì?
-Không gì cả. Chỉ ngồi thôi.
Cô im lặng. Một cái gì đó dường như đã xuất hiện giữa hai chúng tôi. Đột nhiên cô trở nên xa cách, hệt như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Tôi quyết định thay đổi chủ đề.
-Xem nào – Tôi nói vẻ dè chừng – Nhà cô ở đâu?
-Ý anh muốn nhắc đến bố mẹ tôi?
-Ừ, cả anh chị em của cô nữa, nếu có.
-Bố mẹ tôi mất rồi. Chị gái tôi đã đi lấy chồng. Chị ấy sống trên tỉnh. Chẳng còn ai nữa cả.
-Cô sống với bác à?
-Tôi nghĩ thế.
Chúng tôi lại im lặng. Maria không hề lúng túng khi trả lời những câu hỏi của tôi. Giọng nói của cô không cảm xúc, không âm điệu.
-Cô đang đi học à?
-Vâng.
-Lớp mấy?
-Lớp sáu.
-Ở đó có được không?
-Ồ tốt lắm.
-Tôi biết là cô thích đọc sách.
Cô không trả lời. Chiều đã muộn. Những cơn gió thổi từ biển vào đã lịm tắt. Những làn hơi ấm cuối cùng của mặt trời cũng dần bị bao bọc bởi những cơn gió lạnh. Những tán cây và tòa nhà phía đằng xa dường như nhòa vào một tấm màn màu vàng cam. Đó là thời khắc mà tôi yêu thích nhất trong ngày. Tôi và Maria vẫn ngồi cạnh nhau, cố định nghĩa sự im lặng giữa chúng tôi và cái điều khiến chúng tôi ngồi cùng nhau trên một băng ghế đại lộ, một chàng trai và một cô gái, càng lúc càng trở nên lạ lẫm, một điều mà không ai trả lời được, tự nhiên và vô hình như những chiếc bóng dài lúc hoàng hôn xuống.
Những ngày sau đó, thời tiết đã chuyển sang mùa mưa. Đường phố trở nên u ám và xám xịt trong những đợt gió mùa đầu tiên. Không còn những cuộc dạo chơi dứi ánh nắng mặt trời. Tôi cảm thấy lòng mình cũng giá lạnh.
Giờ thì tôi và Maria đã là bạn của nhau mặc dù chúng tôi gặp nhau rất ít. Tôi cũng bắt đầu tập trung vào việc học. Vả lại cũng không có việc gì để làm ở thành phố trong thời tiết như vậy. Tháng chín đến và đi.
Tháng mười một, ánh mặt trời đã xuyên thủng những đám mây u ám và trong vòng ba bốn ngày, thời tiết trở nên dễ chịu. Và tâm trí tôi lúc này di chuyển từ bàn làm việc ra khỏi những bức tường cơ quan, bay tới khu vườn hoa ngoài thành và những băng ghế dưới bóng cây trên đại lộ. Một lần, khi tôi đang làm việc, đầu óc tôi bắt đầu bị phân tán như thỉnh thoảng vẫn thế, nó quay lại thời khắc gặp Maria lần đầu tiên. Và hồi ức rõ ràng và sắc nét đến độ tôi có thể nhìn thấy rõ ánh đèn điện, bóng tối và sự tĩnh lặng bao quanh chúng tôi. Và Maria, với đôi mắt mở to, ánh nhìn buồn bã…
Tháng mười hai, tôi bị lên cơn sốt. Trong thời gian nghỉ ốm, tôi về nhà trên tỉnh. Tôi ở nhà ba ngày. Tôi cảm thấy bứt rứt như thể mình không còn là mình nữa vậy. Tôi cho rằng những người ốm thường phải chịu đựng cảm giác như vậy.
Một cơn mưa như trút nước ào xuống lúc tôi lên tàu trở về Manila. Ngoài cửa sổ, phong cảnh trải dài với những cánh đồng và đồi núi bất tận. Liệu có phải tiếng tàu hỏa va vào đường ray luôn khiến ta cảm thấy u ám? Liệu có phải trong lúc ốm đau, lúc nằm trên giường bệnh, ta cảm thấy như vừa tỉnh giấc sau một cơn mơ và ta buồn bã khi nhớ về những con đường, những ngôi nhà và những con người mà ta quen biết?
Tháng mười hai, chúng tôi đã chứng kiến những trận máy bay oanh tạc đầu tiên.
Một đêm nọ, tôi đi trên những con phố tối om để trở về nhà. Tôi cố gắng cười nhạo mọi thứ, như thể không ai và không có gì đáng để quan tâm nữa.
Tôi về phòng đúng lúc tiếng còi báo động rú lên kinh hoàng. Tôi cởi quần áo và khoác bộ đồ mặc dở vào. Đêm rất tối. Tôi bước ra ngoài hành lang và ngồi xuống chiếc ghế tựa. Tôi nghe xung quanh tiếng chân chạy và tiếng nói, như thể của những người vô hình. Tôi ngồi yên lặng, e dè và lạnh cóng.
-Có phải anh đấy không, Felix?
-Ừ, anh đây, Maria.
Cô đang đứng cạnh ghế, sát vào tường. Giọng cô nhỏ và tan ra trong bóng đêm. Một cơn ớn lạnh chạy qua người tôi. Rất lâu sau cô không nói gì cả.
-Em không thích bóng tối – Cô nói.
-Ồ, xem nào. Lúc ngủ em vẫn tắt đèn chứ?
-Nhưng nó không tối tăm kiểu này – Cô nói khẽ - Bóng đêm bao trùm cả thế giới.
Chúng tôi không nói gì nữa cho đến khi đèn được bật sáng trở lại và cô biến mất.
Không lâu sau đó chiến tranh nổ ra.
Đầu tiên, mọi thứ dường như vô thực. Giống như ta đang sống cùng những cảm xúc trên màn ảnh và ta vừa đóng vai nhân vật vừa đóng vai khán giả. Nhưng tiếng bom nổ là hiện thực, nó va đập vào thính giác một cách phũ phàng.
ở Intramuros, người dân rời khỏi nhà ngay trong đêm đầu tiên của cuộc chiến. Nhiều người chui xuống những hố sâu dưới chân thành ngay khi họ nghe thấy tiếng còi báo động. Tối hôm đó, tôi trở về và thấy khu nhà vắng tanh. Nhưng người gác cổng thì vẫn ở lại. Người anh họ đã gia nhập quân ngũ cũng ở lại. Còn những người thuê khác đã bỏ đi hết.
Tôi hỏi ông Mang Lucio:
-Maria đâu?
-Nó ra đi thành cùng bác gái nó rồi – Ông ta nói vậy – Đêm nay họ lánh tạm ở đó.
Người anh họ của tôi cũng đã nói thế lúc sáng nay, khi chúng tôi chuẩn bị chuyển sang khu Singalong. Bên đó có một ngôi nhà cho thuê. Lý do duy nhất để anh ở lại là vì chúng tôi không chuyển được đồ. Ngày mai, đồ đạc sẽ phải chuyển đi ngay lập tức.
-Thế còn bác, bác Mang Lucio?
-Tôi không biết phải đi đâu nữa.
Chúng tôi ăn thịt lợn đóng hộp, đậu và bánh mì. Chúng tôi ngủ trên nền nhà, dưới những bóng đèn bọc vải đen, ngủ một cách khó nhọc.
Tôi thức dậy sớm. Việc thức dậy trong một ngôi nhà hàng ngày vẫn vang tiếng cười nói nhưng giờ đây trở nên yên ắng đến đáng sợ thật không dễ chịu gì. Trong bếp, mùi thức ăn bay ra và tiềng xoong chảo va vào nhau lách cách.
-Ai đấy – Tôi lên tiếng.
Đó là Maria. Cô đang rang cơm. Cô quay lại và nhìn tôi một hồi lâu. Sau đó, không nói một lời, cô tiếp tục công việc náu nướng.
-Em và bác sẽ đi chứ?
-Em không biết?
-Ông ấy có nói gì với em không?
-Không.
-Bọn anh sẽ chuyển sang khu Singalong.
-Có, em biết.
-Dầu sao, hôm nay anh cũng sẽ về đây. Có lẽ là trưa nay. Vì chúng ta sẽ phải chào tạm biệt nhau nữa.
Cô không nói gì. Tôi giặt giũ xong mọi thứ rồi quay về phòng. Tôi mặc quần áo và đi ra ngoài.
Buổi trưa, tôi về Singalong để ăn cơm. Chúng tôi đã chuyển hết đồ về đấy và mọi người đang tất bật để dọn dẹp nhà cửa. Ngay khi vừa ăn xong bữa trưa, tôi trở lại văn phòng. Chỉ còn vài chiếc xe đậu ở đó. Còi báo động vẫn rú lên liên tục. Ánh mặt trời chói chang và những khuôn mặt người trở nên xanh tái và bơ phờ.
Tối hôm đó, tôi trở về con phố quen thuộc. Tôi bị những người làm công tác báo động tình nguyện chặn lại nhiều lần. Ngôi nhà tối om. Tôi đứng hồi lâu trước cửa nha. Có thứ gì đó vẫn chưa muốn để tôi đi. Một ánh đèn chiếu thẳng vào mặt tôi. Một người tình nguyện.
-Cậu sống ở đây à?
-Tôi từng sống ở đây. Cho tới ngày hôm qua. Tôi đang tìm người gác cổng.
-Để làm gì thế, cậu quên cái gì à?
-Vâng, nhưng tôi cho là mình đã đánh mất nó rồi.
-Ồ, tốt hơn là cậu nên đi khỏi đây, con trai. Nơi này, toàn bộ khu vực này đã được chỉ định phải tản cư. Không còn ai sống ở đây hết.
-Vâng tôi biết – Tôi nói – Không còn ai nữa.

HẾT

 


Xem Tiếp: ----