Dịch giả: Di Li tuyển dịch
Bán Con
Tác giả: Samruam Singh (Thái Lan)

Xong việc gửi thư cho Yai Phloy, Lung Maa không biết sẽ phải nói gì với con. Tim ông đau nhói vì biết rằng những lời mà Yai Phloy thốt ra khi đó hoàn toàn chỉ là dối trá. Nhưng ông còn biết làm gì bây giờ? Dù thế nào, ông cũng phải để con gái đi với Yai Phloy thôi. Không những ông tự biến mình thành kẻ đê tiện bằng cách thừa nhận công khai với mọi người rằng ông túng thiếu đến mức phải bán đi đứa con gái của mình mà còn để cho Yai Phloy tiếp tục trò lừa gạt điêu luyện của mụ. Ông chỉ có thể bụng bảo dạ rằng mình đã bị mụ Yai Phloy lừa gạt. Trong bất kì trường hợp nào, một người đàn ông thà chịu nhục vì bị lừa còn hơn cái nỗi nhục nhã vì bán con đi làm đĩ.
Yai Phloy ăn nói xuôi tai lắm. Mụ dễ dàng dụ dỗ mọi người bằng những lời đường mật. Yai Phloy giải thích cặn kẽ rằng bọn trẻ con bây giờ càng ngày càng hư hỏng, đặc biệt là trẻ con thành phố, nhất là ở Bangkok. Nguồn cơn chính là do bố mẹ chúng quanh năm bận rộn với công việc, phấn đấu làm giàu, nên thậm chí chẳng có đủ thời gian để ở nhà với con cái. Thuê được người chăm nom cho bọn trẻ không phải là dễ. Lo nhất là nhiều khi lũ người làm lặn mất tăm mất dạng với đống của cải trong nha. Đấy, vấn đề là ít người giúp việc có thể tin tưởng được. Vậy nên một số người giàu có ở Bangkok đã nhờ Yai Phloy tìm những cô gái đáng tin cậy để làm giúp. Họ sẽ trả lương hậu hĩnh và sau một thời gian thử việc sẽ tăng tiền lương.
Mặc dù không phải người cùng làng, nhưng Lung Maa biết Yai Phloy từ khi mụ còn là một đứa con gái. Hồi ấy, sắc đẹp của mụ nổi danh khắp vùng. Nhiều chàng trai sẵn sàng cạnh tranh để được sỡ hữu mụ, nhưng Yai Phloy vẫn rời khỏi đất quê nghèo, theo chân một tên lừa lọc lên Bangkok. Lâu, rất lâu sau đó, cuối cùng mụ cũng trở lại, như một quý bà Bangkok thực sự, với kiểu cách ngạo mạn và lối sống phô trương. Yai Phloy đi lại Bangkok thường xuyên. Trong số những cô gái cùng đi với mụ lên Bangkok, một số quay trở về với tình cảnh còn nghèo khổ hơn trước khi đi. Còn một số thì mất tích.
Lung Maa biết rất rõ những cô gái đi với Yai Phloy đến Bangkok sẽ phải làm loại công việc gì. Vì một hôm, ông lên trung tâm y tế huyện tiêm phòng. Hai vị bác sĩ ở đó đã dè dặt kể với ông rằng hai, ba cô gái đi với Yai Phloy lên thành phố đã quay trở về với căn bệnh lậu, bệnh nặng đến nỗi trung tâm phải gửi họ lên thành phố điều trị.
Lung Maa cố nén tiếng thở dài khi nghĩ đến đứa con gái sẽ sớm phải chịu chung số phận với những cô gái bất hạnh kia. Ông muốn nói cho nó hiểu, nhưng ông không biết phải nói gì đây.
Paa Saeng, vợ ông vẫn nằm trong bệnh viện vì bệnh đường ruột. Bà đang chờ đợi số tiền sẽ được dùng để trả tiền máu và phẫu thuật, để kéo dài sự sống. Sự tồn tại của bà, dẫu vậy, cũng chỉ là kéo dài thêm nỗi đau đớn mà thôi.
Ông không thể vay mượn tiền của ai được nữa. Số tiền nợ ông gánh trên vai bây giờ đã lên đến 10.000 bạt. Ông đã mắc nợ từ gần mười năm nay rồi. Trong suốt ngần ấy thời gian, mọi nỗ lực của ông chỉ đủ để thu xếp số tiền lãi.
Một năm nọ, tỏi bỗng được giá một cách khác thường, đó chính là lí do đã đẩy ông đến tình cảnh hiện tại. Các lái buôn trực tiếp vào làng, mua với giá 14 đến 15 bạt một kí. Điều đó có nghĩa là Lung Maa sẽ có đủ tiền để nghĩ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy là ông đi vay mượn 10.000 bạt. Ông mua liền ba sào đất bằng số tiền đó cộng với chỗ mà ông đã tích cóp được. Đổi lại, ông phải trả mức lãi là 150 giạ thóc mỗi năm. Ông lên kế hoạch sẽ dùng toàn bộ mùa vụ thu được từ mảnh đất mới mua để trả tiền lãi và dùng số tiền thu được trong mùa khô để trả món nợ gốc.
Nhưng vận may đã không đến. Năm sau, giá tỏi hạ xuống đột ngột, mỗ ký hạ từ 30 đến 50 satang. Ông đã cố thuyết phục các lái buôn bằng cách mang tỏi đến tận kho hàng, mặc dù ông phải mua hạt giống với giá rất cao, tới gần 50 bạt một cân. Năm đó là khởi đầu chu kì xuống dốc của Lung Maa. Mặc dù ông đã cố vùng vẫy, vật lộn bằng cách thử trồng các giống cây khác, nhưng số tiền lãi kiếm được chỉ đủ để nuôi sống gia đình. Rồi sau đó, giá gạo cũng bắt đầu rớt xuống 5 bạt một giạ, buộc ông phải trao lại mảnh đất cho chủ nợ. Nhưng vẫn còn đó khoản nợ trị giá hơn cả mảnh đất mà ông được thừa hưởng từ bố mẹ. Số nợ vẫn đều đặn tăng lên. Giờ ông vẫn cầy cuốc trên bốn sào còn lại mà chẳng có gì là tài sản của riêng mình vì mảnh ruộng đã phải mang đi trả cho chỗ lãi ròng rồi. Hy vọng về một ngày có thể xóa hết nợ đã tan biến.
Nhớ về quá khư, ông bỗng ứa nước mắt, những giọt nước mắt chua xót cho số phận, càng chua xót hơn khi ông nghĩ về tương lai. Một hay hai ngày nữa, con gái ông, dù vẫn đang sống trên đời, sẽ bị đẩy xuống địa ngục trần gian ở Bangkok.
Một, hai tuần nữa, ông sẽ phải đối mặt cái nhìn tàn nhẫn của chủ nợ khi đến gom 200 giạ thóc. Năm nay trời mua ít, vì vậy ông không dám chắc liệu ông có đủ thóc để trả và liệu có còn lại chút thóc nào trong nhà không. Nỗi thống khổ dày vò ông khi nhớ lại lời chủ nợ: “Maa, số tiền ông nợ tôi giờ đã lớn hơn giá trị mảnh đất mà ông thế chấp. Tôi làm gì bây giờ? Nếu vẫn cứ như thế này, tôi sẽ phải đòi đất và nhà của ông. Năm sau con trai tôi đi du học nên tôi sẽ phải chi tiêu rất nhiều. Nên ông cố trả tôi đi, trả chỗ lãi trước cũng được.”
Bây giờ thì con gái ông đã đi với Yai Phloy rồi. Ông cố cầm nước mắt. Từng lời ông nói với con gái chỉ để khuyên con chịu khó nghe lời Yai Phloy. Nếu có chuyện gì, nó nên viết thư cho ông biết. Ông an ủi con rằng nếu có cơ hội ông sẽ lên thăm nó. Lúc trước ông đã nghĩ ra bao nhiêu để nói với con gái nhưng cuối cùng lại chẳng nói được gì. Chỗ 2500 bạt ông nhận từ Yai Phloy cũng gần đủ để trả viện phí cho bà Paa Saeng.
Khi bà trở về nhà và biết rằng con gái bà đã đi theo Yai Phloy, bà chết ngất. Tỉnh lại, bà lại thổn thức. Bà không nói một lời và thậm chí còn không thèm nhìn mặt Lung Maa và năm đứa con còn lại. Lung Maa không biết nói gì, và ông đành trốn tránh sự im lặng bằng việc cột tre quen thuộc.
Tối muộn, khi con cái đã đi ngủ, bà Paa Saeng mới cất giọng nghèn nghẹn.
-Ông Maa, ông có biết mụ Yai Phloy đưa con gái ta đi làm gì không?
-Mẹ nó ạ, tôi biết, nhưng không thể khác được. Bà cũng biết là tôi không còn sự lựa chọn. Bà nằm viện, nếu chúng ta không có tiền trả tiền thuốc, mua máu, truyền dịch và bao nhiêu phụ phí khác, bác sĩ sẽ không đồng ý chữa cho bà. Bà vẫn giận tôi à?
-Không, tôi không giận. Từ lúc sinh ra đến giờ, chẳng có gì là tôi chưa trải qua cả, nhưng tôi thấy buồn quá.
-Bà có biết những chuyện về Yai Phloy không?
-Dân trong làng đều biết quá rõ về mụ ta. Mụ đã mang bán vài đứa con gái của họ rồi. Một số đứa thì được trả giá hơn 500 bạt, số khác thì khoảng 200 đến 300 bạt. Mụ bán bất kì cái gì có thể bán. Mụ làm đĩ từ hồi còn trẻ. Khi không còn bán thân được nữa thì quay ra bán các cô gái trẻ. Bố mẹ chúng đều nợ nần chồng chất.
-Tôi lo cho con. Tôi thấy thương nó quá. Từ khi nó đi, tôi chẳng ngủ được.
-Ông Maa, chuyện đã lỡ rồi, không thay đổi được nữa, vậy nên mình chỉ có thể để mọi chuyện qua đi. Mình phải cùng nhau gánh chịu những lỗi lầm đã gây ra thôi. Hãy coi như nó đã đi lấy chồng. Nhưng… từ giờ đến lúc nó có thể kiếm đủ tiền để giúp đỡ bố mẹ, tôi tự hỏi không biết nó sẽ phải trải qua bao nhiêu đời chồng đây…