Dịch giả: Di Li tuyển dịch
Cuộc Hôn Nhân Được Dàn Xếp
Tác giả: Lý Dị Vân (Trung Quốc)

Một buổi chiều tháng mười một, bà Lâm dạo bước trên phố với chiếc cặp lồng bằng thép không rỉ. Trong cặp lồng là giấy chứng nhận chính thức từ cơ quan của bà. “Chúng tôi xác nhận đồng chí Lâm Mỹ chính thức nghỉ hưu danh dự - Nhà máy Ngôi sao đỏ Bắc Kinh”. Những nét chữ màu vàng trên tờ giấy đã chứng nhận điều đó.
Tờ giấy không nói rằng xưởng quần áo Ngôi sao đó đã đi đến phá sản, nhưng nghỉ hưu danh dự có nghĩa là bà Lâm sẽ không được nhận tiền lương hưu. Phá sản không phải là một từ chính xác dành cho những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước. Cụm từ “Tổ chức lại nội bộ” là sau đó đã bị bỏ đi trong giấy chứng nhận và như vậy, tiền lương hưu của bà Lâm bị giữ lại được coi là tạm thời.
-Luôn có một con đường để đi lên núi – Bà Vương, hàng xóm của bà Lâm nói vậy sau khi được thông báo về tình cảnh của bà.
-Và luôn có một cái xe Toyota ở nơi nào có đường đi.
-Cô cứ tiếp tục đi, cô Lâm. Tôi biết cô là người lạc quan mà. Hãy luôn tích cực rồi cô sẽ tìm được chiếc Toyota của mình.
Nhưng nơi nào trên Trái đất này bà có thể tìm được con đường để lấp đầy khoản tiết kiệm đang teo tóp dần? Trong vài ngày, bà Lâm cứ tiếp tục cộng, trừ, nhân, chia và bà cho rằng khoản tiết kiệm của mình sẽ duy trì được trong vong hai năm nữa nếu như bà có thể bỏ qua một bữa ăn bằng cách chui lên giường ngay sau khi mặt trời lặn và nằm cuộn tròn trong quần áo để không phải cung cấp nhiên liệu cho cái lò sưởi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn trong suốt mùa đông dài lê thê của phương Bắc.
-Đừng lo – Bà Vương nói khi họ gặp nhau ở chợ. Nhìn xuống cái củ cải duy nhất mà bà Lâm mua cho bữa tối, bà chắp hai bàn tay như cầu Phật – Cô có thể kiếm một người nào đó.
-Lấy chồng á? – Bà Lâm đỏ mặt.
-Cô đừng có bảo thủ như thế. Năm nay cô bao nhiêu tuổi rồi?
-Năm mươi mốt.
-Cô còn trẻ hơn tôi. Tôi đã năm tám tuổi rồi, nhưng tôi không cổ hủ như cô. Cô phải biết rằng bây giờ không phải chỉ có mình bọn trẻ là độc quyền về hôn nhân đâu nhé.
-Đừng biến tôi thành trò cười cho thiên hạ chứ.
-Tôi nói nghiêm túc đấy, cô Lâm ạ. Có rất nhiều người già góa vợ trong thành phố. Tôi chắc rằng cũng có những người giàu có, ốm yếu cần một ai đó để chăm sóc cho họ.
-Chị muốn nói rằng, tôi có thể tìm công việc trông nom cho người già? – Bà Lâm hỏi.
Bà Vương thở dài và giúi bà Lâm một cái.
-Đầu óc của cô để đâu rồi. Không phải ngo trông nom mà la một người vợ. Bằng cách đó, ít nhất cô có thể thừa kế một ít tài sản khi chồng cô chết.
Bà Lâm há hốc miệng. Bà chưa từng có chồng và viễn cảnh một người chồng chết làm bà thấy sợ. Bà Vương đã quyết tâm theo đuổi kế hoạch của mình và trong một thời gian ngắn, bà đã tìm được cho bà Lâm một đám.
-Bảy mươi sáu tuổi. Huyết áp cao và tiểu đường. Vợ mới chết. Sống một mình trong căn hộ ba buồng ngủ. Tiền lương hưu hai nghìn tệ một tháng. Hai con trai đã kết hôn và làm việc cho chính phủ, lương cao – Bà Vương nói, ngạc nhiên vì bà Lâm vẫn không mảy may xúc động – Thôi nào, cô Lâm, cô có thể tìm được ở đâu một ông chống tốt hơn thế? Ông lão ấy chẳng bao lâu nữa sẽ chết còn mấy anh con trai giàu có cũng chẳng tiếc gì chỗ tiết kiệm mà ông lão đã cho cô. Tôi nói cho cô nghe nhé. Đấy là gia đình có tư cách nhất mà tôi từng biết. Nhưng trong số rất nhiều người phụ nữ khác, họ chỉ chọn mình cô. Tại sao? Vì cô chưa từng kết hôn và không có con cái gì cả. Mà tiện đây tôi cũng muốn hỏi sao trước đây cô không lấy chồng nhỉ? Cô chưa từng nói cho tôi biết lí do đâu đấy.
Bà Lâm mấp máy miệng:
-Tại vì…
-Nếu cô không muốn thì cũng không cần phải kể cho tôi đâu. Dù sao họ cũng không thích những người đã có một lũ con cháu. Chính tôi cũng không tin vào mấy bà mẹ kế đâu. Ai có thể đảm bảo họ sẽ không tuồn của cải về cho con cháu họ chứ. Nhưng cô là một người rất tốt. Tôi đã nói với họ rằng, nếu chỉ còn một người trung thực duy nhất còn lại trên thế giới này thì người đó chính là cô, cô Lâm ạ. Cô còn lưỡng lự gì nữa?
-Sao họ không thuê người chăm sóc cho ông ấy? – Bà Lâm hỏi, nghĩ về hai người con trai mà rất có thể sẽ sớm trở thành con bà – Tính về lâu về dài thì sẽ rẻ hơn nhiều.
-Cô có biết mấy con bé bán hàng ngoài chợ thế nào không? Bọn nó lười biếng và lúc nao cũng rình ăn trộm tiền của các ông chồng. Chúng bỏ mặc ông chồng già ngồi trên đống phân cả ngày. Thuê mấy đứa như thế chỉ chóng đẩy ông ta đến chỗ chết mà thôi.
Bà Lâm buộc phải đồng ý với điều đó, quả thực, tìm một người phụ nữ lớn tuổi là sự lựa chọn khôn ngoan. Được bà Vương hộ tống, bà Lâm đến dự buổi phỏng vấn với hai anh con trai và những cô vợ của họ. Sau một giờ hỏi han, hai anh con trai nhìn nhau và hỏi bà Lâm có cần thời gian để suy nghĩ về cuộc hôn nhân này không. Không cần phải nghĩ nhiều, bà chuyển về ngôi nhà mới trong vòng một tuần sau đó. Chồng của bà, ông Đường đau ốm hơn bà nghĩ. “Bệnh Alzheimer”, một cô cháu gái nói với bà trong bữa tối của lễ cưới.
Bà Lâm gật đầu, không biết đó là bệnh gì nhưng đoán rằng nó có liên quan đến não. Bà đỡ chồng bằng cả hai tay và dẫn ông đến bàn, giúp ông ngồi và lau nước dãi trên cằm ông.
Bà Lâm đã trở thành một người vợ, một người mẹ và một người bà. Bà không còn nhớ từ năm nào trong cuộc đời bà, mọi người bắt đầu gọi bà là bà Lâm thay vì cô Lâm. Không sao cả, bà hoàn toàn thấy mình đủ tư cách cho cái danh xưng ấy.
Cứ hàng tuần, một anh con trai lại ghé qua kiểm tra và để lại số tiến đủ cho tuần tới. Ông Đường là một người lặng lẽ, luôn ngồi trên chiếc ghế tựa bên cửa sổ, tự đắm chìm vào sự im lặng không đáy của mình. Thỉnh thoảng, ông lại hỏi bà Lâm về người vợ của ông. Đã được anh con trai dặn trước, bà Lâm trả lời rằng vợ ông đang ở trong viện. Bà ta đã đỡ hơn và sẽ sớm trở về nhà. Nhưng trước khi bà trả lời, dường như ông Đường đã quên mất câu hỏi của mình và quay lại trầm ngâm như cũ, không hề có dấu hiệu gì là đang nghe. Bà chờ đợi thêm những câu hỏi khác và cuối cùng phải bỏ cuộc. Bà vặn to vô tuyến và đi lại quanh nhà, quét tước, lau chùi, giặt giũ. Rồi bà ngồi trên chiếc ghế trường kỉ, xem chương trình ca kịch. Không giống như chiếc ti vi 12 inch trước đây của bà, luôn bắt bà phải đi đi lại lại mỗi khi muốn chuyển kênh (và chỉ có tất cả sáu kênh nhờ cái ăng-ten làm từ hai chiếc đũa sắt), máy truyền hình của ông Đường đúng là một nhà ảo thuật với vô số kênh, tất cả đều tuân lệnh theo một chiếc điều khiển. Choáng váng vì những sự lựa chọn mà ba đang có và bởi thú vui được chuyển từ sự lựa chọn này sang sự lựa chọn khác, bà Lâm nhanh chóng nhận thấy cỗ máy này không có lợi cho bà. Dù bà đang xem chương trình nào, bà cũng luôn lo lắng rằng bà đang bỏ lỡ một chương trình thú vị khác. Sau vài ngày sống một cuộc sống mới, bà Lâm ngạc nhiên phát hiện ra rằng bà không còn nghiện vô tuyến giống như suốt mười năm vừa rồi nữa. Liệu cuộc hôn nhân đã có sức mạnh khiến một thói quên được hình thành lâu dài lại có thể được vứt bỏ trong một thời gian ngắn?
Bà Lâm tắt vô tuyến. Ông Đường không chú ý đến sự im lặng đang tràn ngập trong căn phòng. Bà nhận ra rằng không thể đổ lỗi cho cái vô tuyến, mà chính là vì sự hiện diện của ông Đường khiến bà không thể tập trung. Bà cầm một quyển tạp chí và he hé mắt nhìn ông Đường từ đằng sau những trang báo. Mười phút chuyển thành hai mươi phút và bà vẫn tiếp tục quan sát ông mặc dù ông nhất quyết không quay sang nhìn bà. Một mối nghi ngờ kì quặc đang lớn dần lên trong bà rằng ông Đường không ốm. Ông biết bà hiện diện ở đó và đang bí mật quan sát bà. Ông biết rõ người vợ sống với ông suốt năm mươi tư năm đã rời bỏ ông và bà Lâm là người vợ mới của ông nhưng ông từ chối thừa nhận bà. Ông giả vờ mất trí và chờ đợi bà đóng vai một người làm thuê. Nhưng bà Lâm quyết không chịu thua. Ông ta là chồng còn bà là vợ. Giấy kết hôn giấu dưới gối của bà. Nếu ông Đường đang muốn thử thách lòng kiên nhẫn của bà thì bà sẵn sàng chứng minh. Bà đặt cuốn tạp chí xuống và táo bạo nhìn thẳng vào mặt ông Đường, cố gắng khiến ông bối rối. Vài phút trở thành một giờ đồng hồ và đột nhiên bà Lâm kinh hãi nhận ra rằng bà cũng đang mất trí. Bà nhìn ông Đường, vẫn ngồi im như thể một bức tượng. Ông bị bệnh thực, bà tự nhủ và cảm thấy xấu hổ vì đã nghi ngờ ông một cách vô căn cứ. Một người không có khả năng tự vệ cũng khác nào một đứa trẻ sơ sinh. Bà bước nhanh vào bếp và quay trở lại với một cốc sữa.
-Đến giờ uống sữa rồi – Bà nói, vuốt ngực ông Đường cho đến khi ông bắt đầu nuốt.
Ba hôm trước, bà đã tiêm cho ông một liều insulin. Chỉ khi đó, bà mới bắt gặp một thoáng sự sống còn lại trong con người ông. Thỉnh thoảng khi có giọt máu ứa ra lúc bà rút ống tiêm, bà dùng ngón tay để lau thay vì bông gòn, cảm giác lạ lùng rằng máu đang thắm vào cơ thể bà.
Hàng ngày bà Lâm tắm rửa cho ông Đường vài lần, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ hoặc bất cứ khi nào ông bị ướt hay tự dây bẩn. Phòng tắm riêng là thứ mà ba Lâm thích nhất trong cuộc hôn nhân này. Suốt đời, bà chỉ đi nhà tắm công cộng, chen lấn với những thân thể trơn tuột dưới dòng nước đang xối từ những vòi hoa sen han gỉ. Bây giờ thì bà đã có hẳn một buồng tắm cho chính mình. Bà sẽ không bao giờ để lỡ cơ hội sử dụng nó nữa.
Ông Đường là người đàn ông duy nhất mà bà Lâm nhìn thấy trần truồng hoàn toàn. Lần đầu tiên cởi quần áo của ông ra, bà không thể kìm được việc nhìn trộm ông một cái, và một cái nữa vào chỗ đó của ông, đang lấp ló sau đám lông lơ thơ. Bà tự hỏi khi ông còn trẻ thì trông nó như thế nào, nhưng ngay tức thì bà gạt những ý nghĩ không trong sạch đó ra khỏi đầu óc. Thân thể trần trụi đầy cám dỗ làm trái tim bà ngập lên một cảm giác ngọt ngào mà bà chưa bao giờ được cảm thấy. Thế rồi bà kỳ cọ cơ thể ông bằng bàn tay của một người mẹ.
Một tối tháng hai, bà Lâm dẫn ông Đường ra chiếc ghế nhựa ở giữa phòng tắm. Bà cởi khuy áo paiama và ông gập cánh tay lai theo sự chỉ dẫn của bà. Đầu ông ngoẹo lên vai bà. Bà di chuyển chiếc vòi tắm để xả nước ấm lên khắp cơ thể ông, che một tay lên trán ông để nước khỏi bắn vào mắt.
Lúc bà Lâm đang ngồi xổm trên sàn để mát xa chân cho ông thì chợt thấy ông chạm vào vai mình. Ba ngước nhìn lên và thấy ông đang nhìn chằm chằm vào mắt bà. Bà bật khóc và quay lưng lại.
-Bà là ai? – Ông Đường cất lời.
-Ông Đường, vẫn là ông đấy ư?
-Bà là ai? Tại sao bà lại ở đây?
-Tôi sống ở đây mà.
Bà Lâm nhìn thấy một sự minh mẫn bất thường trong đôi mắt của ông Đường và cảm thấy tim mình thắt lại. Đó là những tia sáng minh mẫn của một con người đã cận kề với cái chết. Bà Lâm cũng đã nhìn thấy những tia sáng như vậy cách đây hai năm bên giường của ông thân sinh ra bà, chỉ vài giờ trước khi ông qua đời. Bà nghĩ tốt hơn hết là đi gọi bác sĩ nhưng đôi chân bà dán chặt trên nền gạch và đôi mắt thì dán vào khuôn mặt của ông Đường.
-Tôi không biết bà. Bà là ai?
Bà Lâm nhìn xuống chân tay mình. Bà đang mặc một chiếc áo choàng ponso màu vàng nhạt và đi đôi ủng cao su màu xanh lá cây, trang phục của bà khi phục vụ ông trong buồng tắm.
-Tôi là vợ ông – Bà nói.
-Bà không phải là vợ tôi. Vợ tôi là Sujane. Sujane đâu rồi?
-Sujane không còn ở với chúng ta nữa. Tôi là vợ mới của ông mà.
-Bà nói dối – Ông Đường đứng dậy – Sujane đang ở trong bệnh viện.
-Không – Bà Lâm đáp lời – Họ đã nói dối ông.
Ông Đường không nghe bà nữa. Ông đẩy bà Lâm. Cánh tay ông đột nhiên khỏe vô cùng. Bà Lâm giữ chặt lấy ông nhưng ông trở nên hoang dại với một sức mạnh không điều khiển được. Bà túm lấy đôi tay của ông, lòng không hiểu nổi tại sao bà lại phải đánh nhau với chồng vì một người đàn bà đã chết. Nhưng ông ta vẫn cứ khua vào không khí rồi chấp chới hai bước, và trượt ngã xuống vũng nước ngẩu bọt xà phòng.
Không ai chú ý đến bà Lâm trong lễ tang. Bà ngồi ở một góc và nghe người ta nói về cuộc đời ông Đường, một nhà vật lý tài giỏi và một người thầy vĩ đại, một người chồng, người cha, người ông hết sức mẫu mực. Người ta bắt tay thân nhân của người quá cố và lờ đi người đàn bà đang đứng ở cuối hàng.
Tôi không giết ông ấy. Bà Lâm tưởng tượng ra mình đang nói với tất cả những người có mặt ở đó. Ông ấy đã chết trước khi ngã xuống. Nhưng bà không nói sự thật cho bất cứ ai cả, thay vào đó lại thừa nhận sự lơ đễnh của mình. Dù sao thì cũng sẽ không ai tin bà hết, vì chỉ có bà là người duy nhất nhìn thấy những tia sáng ấy trong mắt ông, những tia le lói cuối cùng trước khi chìm vào đêm tối vĩnh cửu.