Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 22
CÁC VỊ QUÂN SƯ

Việc chọn các quân sư cũng không kém phần quan trọng đối với quân vương. Các quân sư này hữu dụng hay không là phụ thuộc vào sự sáng suốt của vị quân vương đó.
Để đánh giá sự sáng suốt của người cai trị thì điều đầu tiên là phải xem xét những người thân cận của ông, và khi những cận thần là những người có năng lực và trung thành thì có thể coi quân vương đó là người khôn ngoan, vì ông biết cách nhận ra năng lực của họ và giữ được lòng trung thành của họ. Nhưng khi các cận thần là những kẻ có tính xấu xa và phản trắc thì người ta có thể coi thường quân vương, bởi lỗi lầm đầu tiên mà ông có thể phạm phải chính là sự lựa chọn những cận thần.
Những ai đã từng biết đến Antonio da Venafro88, quân sư của Pandolfo Petrucci, vua xứ Siena, thì đều ca ngợi Pandolfo vì đã có một cận thần tài năng. Thường có ba loại trí tuệ: loại thứ nhất có thể tự mình hiểu được sự việc, loại thứ hai nhận thức được những gì người khác hiểu, loại thứ ba thì dù nhờ người khác hay tự mình thì cũng chẳng hiểu được gì. [88 Antonio da Venafro: Antonio Giordani tới từ Vanefro (sinh năm 1459) là một trong những quân sư được tin cẩn nhất của Petrucci.]
Loại thứ nhất siêu việt hơn cả, loại thứ hai cũng tuyệt vời, còn loại thứ ba thì vô dụng. Có thể thấy trí tuệ của Pandolfo nếu không thuộc loại thứ nhất thì cũng thuộc loại thứ hai; bởi khi một quân vương đủ khôn ngoan để nhận ra cái xấu và cái tốt trong hành động, lời nói của người khác thì cho dù ông có thể tự mình không có ý tưởng, nhưng ông vẫn có thể hiểu được những việc tốt và việc xấu của vị quân sư. Khi ấy, ông có thể ca ngợi cái tốt, chấn chỉnh cái xấu, còn vị quân sư không hy vọng gì vào việc lừa dối thì tất sẽ phải giữ thái độ tốt.
Có một cách luôn luôn đúng để bậc quân vương có thể thấu hiểu người quân sư của mình. Khi ngài thấy người quân sư nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn cho ngài, và thấy rằng trong tất cả các hành động, ông ta chỉ tìm kiếm lợi ích riêng thì một người như thế không bao giờ là một quân sư tốt,  nên ngài đừng bao giờ tin tưởng hắn. Một người nắm trong tay giang sơn của quân vương thì không bao giờ được nghĩ đến bản thân mình mà phải luôn nghĩ cho quân vương, và không bao giờ được bận tâm đến bất kỳ điều gì không phải là mối bận tâm của quân vương.
Trong khi đó, quân vương cũng phải quan tâm đến quân sư của mình nhằm duy trì những điều tốt trong con người đó. Quân vương phải tôn trọng, phải ban phát danh vọng, tiền bạc cho người đó, để khiến ông ta chịu ơn huệ trong việc chia sẻ với ngài những vinh quang và trách nhiệm - sao cho người quân sư thấy được rằng mình không thể tồn tại nếu không có ngài, và sự giàu sang sẽ khiến ông ta không thèm khát tiền bạc, và nhiều bổn phận sẽ khiến ông ta e sợ những thay đổi.
Do đó, khi cả quân sư và quân vương đều cần đến nhau trong mối tương quan như vậy, họ có thể tin cậy được nhau; còn nếu không, kết quả sẽ chẳng tốt đẹp gì cho cả hai bên.