au khi hốt được một đống tiền từ lô hàng complê cũ, Lý Trọc nghĩ đến anh Tống Cương đầu tiên. Lý Trọc cảm thấy mình đã tu thành chính quả, lúc này nên lôi Tống Cương vào cuộc, hai anh em dắt tay nhau cùng gây dựng sự nghiệp vĩ đại. Lý Trọc mở hòm lục tủ, tìm chiếc áo len Tống Cương đan cho mình khi được bổ nhiệm làm xưởng trưởng năm nào. Sáng sớm hôm sau mặc vào người, phanh áo tách, để lộ "con tàu tiền đồ rộng lớn" trên áo len bên trong, nghênh nga nghênh ngang đi trên phố lớn. Lý Trọc oai vệ đi đến trước cửa gia đình Tống Cương. Từ khi cầm giấy chứng nhận thắt ống dẫn tinh đến nhà Tống Cương lần đầu tiên đến nay, đã rất nhiều năm Lý Trọc không đến. Đứng ngoài cửa, Lý Trọc nhìn thấy bóng Lâm Hồng và Tống Cương lướt qua trước cửa sổ. Hai người mở cửa đi ra. Lý Trọc vui vẻ phanh áo rách của mình, hết sức sốt sắng nói với Tống Cương:- Anh Tống Cương, anh còn nhớ chiếc áo len này chứ? Anh còn nhớ "con tàu tiền đồ rộng lớn" này không? Anh Tống Cương, anh đã nói trúng, cuối cùng em đã có sự nghiệp rộng lớn của mình. Anh Tống Cương, em đã là thuyền trưởng của "con tàu tiền đồ rộng lớn". Anh Tống Cương, anh hãy đến làm phó cả của "con tàu tiền đồ rộng lớn"...Khi mở cửa nhìn thấy Lý Trọc, Tống Cương rất ngạc nhiên. Anh không ngờ vừa sáng bảnh mắt, Lý Trọc đã đứng ở cửa nhà mình. Mấy năm nay hai anh em không nói với nhau câu nào, ngay đến gặp nhau trên phố cũng không đến chục lần. Lần nào anh cũng nhanh chóng đạp xe đi. Khi Lý Trọc nói bô bô "con tàu tiền đồ rộng lớn" gì đó Tống Cương quay đầu lo lắng nhìn Lâm Hồng. Trái lại Lâm Hồng tỏ vẻ rất tự nhiên. Tống Cương cúi đầu đẩy xe đạp, sau khi bước lên xe, cúi đầu chờ Lâm Hồng ngồi lên gác ba ga. Lâm Hồng né người ngồi lên xe.Lý Trọc tiếp tục sốt sắng nói:- Anh Tống Cương, cả đêm qua em không ngủ, nghĩ đi nghĩ lại, anh là người trung hậu thật thà dễ mắc lừa, anh không làm nổi công việc khác, anh chỉ quản được tài vụ. Anh Tống Cương, nếu anh đến làm tài vụ, em sẽ một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần yên tâm.Khi đạp xe ới, Tống Cương mở mồm nói, giọng lạnh lùng:- Tôi đã nói với cậu từ lâu, cậu nên hết hy vọng.Nghe Tống Cương nói vậy, Lý Trọc ngớ người ra như thằng ngố, không ngờ Tống Cương lại vô tình vô nghĩa như vậy. Ngẩn tò te một lát, Lý Trọc buột mồm chửi với theo bóng Tống Cương đi xa:- Anh Tống Cương, anh là đồ khốn nạn, mẹ kiếp, anh hãy nghe đây, lần trước là anh cắt đứt tôi, lần này là tôi cắt đứt anh. Từ nay trở đi chúng ta không còn là anh em!Lý Trọc đau xót, nhìn xe đạp của Tống Cương và Lâm Hồng đang đi, anh ta nói câu cuối cùng:- Anh Tống Cương, anh là đồ khốn nạn, anh quên sạch những chuyện hồi chúng ta còn nhỏ rồi sao?Lúc đạp xe đi, Tống Cương đã nghe hết những. câu Lý Trọc gọi chửi. Câu cuối cùng "anh quên sạch những chuyện hồi chúng ta còn nhỏ rồi sao", khiến Tống Cương hai tròng mắt đỏ hoe. Tống Cương im lặng đạp xe đi Lâm Hồng ngồi sau cũng không nói câu nào. Tống Cương cố ý tỏ ra vô tình vô nghĩa với Lý Trọc, hoàn toàn là vì Lâm Hồng. Lâm Hồng không phản ứng, Tống Cương không yên. Sau khi đạp xe trẻ ngoặt, Tống Cương khẽ gọi mấy tiếng:- Lâm Hồng, Lâm Hồng...Lâm Hồng dạ một tiếng, khẽ nói:- Lý Trọc cũng có ý định tốt...Tống Cương càng không yên. Anh nói với Lâm Hồng bằng giọng khàn khàn:- Vừa giờ anh đã nói sai phải không?- Không sai.Nói rồi Lâm Hồng đưa hai tay ôm chặt eo Tống Cương, áp má vào lưng chồng. Tống Cương đã an tâm, thở phào nhẹ nhõm. Anh nghe Lâm Hồng nói:- Hắn sẵn tiền đến mấy cũng là một đứa bới nhặt đống rác, giỏi giang cái quái gì! Chúng ta dù sao cũng vẫn là người nhà nước. Hắn không có việc làm nhà nước, sau này thế nào khó nói lắm.Lý Trọc gặp xúi quẩy ở chỗ Tống Cương, quay đầu nghĩ đến mười bốn trung thần của Xưởng phúc lợi. Anh ta đến Cục dân chính gặp cục trưởng Đào Thanh. ÔngĐào Thanh lúc này sắp ngồi vào chiếc ghế chủ tịch huyện, mà ông vẫn chưa biết. Ông đang đau đầu nhức óc vì năm nào Xưởng phúc lợi cũng lỗ vốn. Gặp ông Đào Thanh, Lý Trọc mở mồm nói luôn, muốn mua lại Xưởng phúc lợi. Ông Đào Thanh ngẩn người không biết Lý Trọc nói thật hay ỡm ờ? Lý Trọc nói bằng giọng điệu cảm động, mười bốn anh chàng thọt ngố mù điếc, tuy không phải người ruột thịt của mình, nhưng cũng thân thiết hơn ruột thịt. Ông Đào Thanh mừng thầm. Xưởng phúc lợi là núm ruột, là gánh nặng lớn nhất của Cục dân chính, có vứt đi cũng không vứt nổi, vậy mà Lý Trọc đã bỏ tiền ra mua? Hai người bắt tay. Mua xong Xưởng phúc lợi, Lý Trọc tu sửa trang trí, đổi tên thành "Sở nghiên cứu kinh tế thị trấn Lưu". Tấm biển ở cửa cũng thay. Chưa được vài hôm, cảm thấy chữ "sở" quê mùa quá. Anh ta đã từng sang Nhật Bản, liền sửa chữ "sở" thành "Company" hoặc "hãng". Thế là tấm biển Xưởng phúc lợi lại sửa thành "Hãng nghiên cứu kinh tế thị trấn Lưu". Lý Trọc phát cho mười bốn trung thần mỗi người một giấy mời đến làm việc. Thọt xưởng trưởng làm giám đốc, Thọt xưởng phó làm phó giám đốc. Mười hai chàng còn lại đều là nghiên cứu viên cao cấp, toàn thể hưởng đãi ngộ hàm giáo sư. Cầm giấy mời làm việc trong tay, Thọt giám đốc và phó giám đốc vô cùng xúc động, biết từ nay về sau Lý Trọc sẽ nuôi bọn họ. Hai vị chánh phó giám đốc nước mắt rưng rưng hỏi Lý Trọc:- Lý Xưởng trưởng, chúng tôi nghiên cứu cái gì?- Nghiên cứu cờ tướng - Lý Trọc nói - Hai cậu còn nghiên cứu được gì?- Biết rồi - Hai vị gật gật đầu hỏi tiếp - Mười hai nghiên cứu viên cao cấp của hãng nghiên cứu cái gì?- Mười hai nghiên cứu viên cao cấp ư? - Lý Trọc nghĩ rồi bảo - Bốn anh mù nghiên cứu ánh sáng. Năm anh điếc nghiên cứu âm thanh, ba anh ngố nghiên cứu cái gì nhỉ? Mẹ kiếp, bắt chúng nó nghiên cứu thuyết tiến hoá.Lý Trọc bố trí mười bốn trung thần đâu vào đấy lại bỏ tiền ra mời ở tỉnh về hai thợ làm vườn, thuê người trải thảm cỏ, trồng hoa ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện, lại còn xây một suối phun nước. Cổng trụ sở uỷ ban huyện lập tức trở thành điểm du lịch của dân chúng thị trấn Lưu. Cứ đến chiều tối, hoặc cuối tuần, dân chúng thị vấn Lưu, người già trẻ con dắt nhau đến ngoài cổng trụ sở uỷ ban, đứng trước cảnh đẹp tấm tắc khen hoài. Khi lãnh đạo cấp trên đến thị sát, thấy núi rác thải trước kia đã biến thành thảm cỏ xanh, hoa tươi và suối phun nước, cũng không thể không đứng lại một lúc, khen ngợi một hồi. Lãnh đạo huyện vui mừng vô cùng, ông chủ tịch huyện mặc complê "Nakasone" đích thân tới thăm Lý Trọc, thay mặt chính quyền và nhân dân toàn huyện cảm ơn Lý Trọc. Lý Trọc không những không tiểu nhân đắc chí, trái lại còn hết sức xấu hổ nắm tay ông chủ tịch huyện, liên tục xin lỗi ông và chính quyền, nhân dân cả huyện. Anh ta bảo trước kia mình không nên chất các núi rác ở ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện mới phải. Bây giờ anh ta bỏ tiền trồng cỏ trồng hoa, xây suối phun nước, chính là để bù vào lỗi lầm của mình trước kia.Lý Trọc đã trở thành "người đỏ" trong con mắt của lãnh đạo huyện chúng tôi. Anh ta đã được làm đại biểu hội đồng nhân dân huyện. Nửa năm sau, khi chủ tịch huyện đổi thành ông Đào Thanh mặc complê "Takeshita", Lý Trọc càng phất to, đã có chân trong thường vụ hội đồng nhân dân huyện. Sau khi phát tài, Lý Trọc vẫn mặc bộ quần áo rách, ngay khi dự họp đại biểu hội đồng nhân dân huyện, Lý Trọc vẫn mặc bộ quần áo rách, giống như thằng ăm mày, bước lên bàn chủ tịch phát biểu ý kiến. Quả tình không chấp nhận nổi, ông Đào Thanh chủ tịch huyện khi phát biểu trong đại hội, tiện thể đã nhắc nhở, yêu cầu Lý Trọc chú trọng hình dáng bề ngoài. Chủ tịch huyện Đào Thanh nói xong, Lý Trọc vừa kết thúc phát biểu đi xuống, lại vẫn bộ quần áo rách bước lên bàn chủ tịch. Toàn thể đại biểu cứ tưởng anh ta tỏ thái độ ngay tại chỗ: Từ nay về sau không mặc quần áo rách nữa. Nào ngờ vừa mở mồm đã nói oang oang. Đầu tiên anh ta giải thích tại sao mình ăn mặc rách rưới như thế. Anh ta bảo khi không có tiền phải gian khổ phấn đấu, có tiền rồi càng phải gian khổ phấn đấu. Anh ta chỉ vào bộ quần áo rách của mình nói:- Về xa xưa tôi học gương nằm gai nếm mật của Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu, gần hơn tôi học ôn nghèo nhớ khổ của bần nông và trung nông lớp dưới thời kỳ cách mạng văn hoá.Đến cuối năm, Lý Trọc gọi ông Dư nhổ răng và ông Vương bán kem đến văn phòng Công ty thu hồi của mình. Anh ta bảo, năm nay ăn nên làm ra, chia lợi nhuận cũng khá. Ông Dư góp vốn hai ngàn đồng hai suất. Ông Vương góp vốn một ngàn đồng một suất. Ông Dư được chia hai vạn đồng lợi nhuận. Ông Vương được chia một vạn đồng. Lúc bấy giờ vẫn chưa có loại tiền một trăm đồng, tiền to nhất là mười đồng. Lý Trọc đẩy đến trước mặt ông Dư hai mươi xấp tiền dầy dầy, lại đẩy đến trước mặt ông Vương mười xấp tiền dầy dầy. Hai ông ngỡ ngàng, cứ người nọ nhìn người kia, không dám tin là thật. Lý Trọc ngồi tựa vào ghế cười hì hì, nhìn hai ông giống như đang xem phim. Ông Dư và ông Vương lầm rầm tính đi tính lại, tiền mình góp vốn chưa đầy một năm, bỗng chốc lãi gấp mười lần. Hai ông tiếp tục cười nhàn nhở. Ông Dư nghẹn ngào nói:- Hai ngàn đồng kiếm ra hai vạn đồng, thật là nằm mơ cũng không nghĩ đến.- Không phải kiếm, mà là chia lãi - Lý Trọc sửa lại lời nói của ông Dư - Hai ông là cổ đông của tôi, từ nay về sau, năm nào cũng phải chia lãi cho các ông. Ông Vương hỏi như đang trong mộng du:- Năm nào tôi cũng được một vạn sao?- Không hẳn thế - Lý Trọc nói - Sang năm rất có thể ông được chia năm vạn đồng.Ông Vương run người lên như trúng đạn, suýt nữa ngã khỏi ghế. Ông Dư há hốc mồm hỏi:- Tôi liệu có được chia mười vạn không?- Đương nhiên - Lý Trọc gật đầu nói - Ông Vương năm vạn, ông sẽ là mười vạn.Ông Dư và ông Vương lại một lần nữa tỏ vẻ hoài nghi. Ông nọ nhìn ông kia, thầm nghĩ dưới gầm trời làm gì lại có chuyện béo bở như thế này? Ông Vương thận trọng hỏi ông Dư.- Thật không nhỉ?Ông Dư hết gật đầu lại lắc đầu:- Không biết.Lý Trọc cười ha ha:- Các ông bóp tay mình một cái, đau là thật, không đau là giả.Hai ông vội vàng bóp tay mình. Bóp xong tay mình, Ông Dư hỏi ông Vương:- Ông có đau không?Ông Vương lắc đầu một cách căng thẳng:- Không đau.Ông Dư cũng căng thẳng. Ông nói:- Tôi cũng không đau.Lý Trọc ôm bụng cười. Anh ta nói:- Ta cười đau cả bụng, các ông bóp tay còn chưa đau hả? Nào, đưa tay đây ta bóp cho.Ông Dư và ông Vương vội vàng đưa tay cho Lý Trọc. Lý Trọc mỗi tay cầm một ông, bóp thật mạnh. Hai ông cùng một lúc kêu lên:- Ôi đau!Ông Dư cười toe toét nói với ông Vương:- Thật rồi.Ông Vương càng hí hửng, giơ tay cho ông Dư xem:- Ra cả máu đây này.Hai cái mồm của ông Dư và ông Vương là những cái loa phát thanh nhân dân của thị trấn Lưu chúng tôi. Sau khi gặt hái bội thu, hai ông hớn hở ra mặt, hễ trông thấy ai là kể bô bô câu chuyện phát tài của mình. Người ngoài nghe thấy hâm mộ vô cùng. Riêng anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo lại nhăn nhó, chết cay chết đắng. Trong những ngày này, ông Trương và Tiểu Quan ngày nào cũng gặp nhau, oán trách anh Đồng, hối hận khi ấy mình không góp vốn. Hai người lời đi tiếng lại, đổ lỗi cho anh Đồng đã ngăn cản mình góp cổ phần. Họ bảo, nếu không có thằng cha Đồng thợ rèn đứng ra ngăn cản, thì bây giờ mình cũng phong lưu chẳng kém gì ông Vương và ông Dư, thậm chí còn phong lưu hơn. Sự việc xảy ra rồi, hai người mới là Gia Cát Lượng, họ bảo lúc bấy giờ chắc chắn sẽ bán hết gia sản lấy tiền mặt góp toàn bộ vào sự nghiệp rác thải của Lý Trọc. Anh Đồng thợ rèn biết tỏng hai thằng khốn nạn ngày nào cũng chụm đầu ghé tai xì xầm mắng chửi mình. Anh ta giả đò không biết. Ngồi trong cửa hiệu của mình, anh Đồng cũng hối không kịp. Anh thầm nghĩ, lần thứ nhất khi không nên góp cổ phần, mình lại góp. Lần thứ hai khi nên góp vốn, mình lại không góp, đúng là mình có mắt như mù. Anh Đồng hết nắm tay lại xoa tay, trút hết giận trong bụng lên mười ngón tay. Người hối hận nữa phải kể đến là bà Tô. Khi Lý Trọc sải cánh đại bàng lần thứ hai rời khỏi thị trấn Lưu, đã từng hỏi bà Tô có tham gia hay không. Trông thấy của cải sắp sửa đổ vào cuồn cuộn, bà Tô nghĩ lâu lắm không đi chùa thắp hương, đã lắc đầu từ chối. Mỗi lần nghĩ đến việc này, bà Tô lại than thở, lúc đó nếu vào chùa thắp hương, mình nhất định sẽ tham gia. Gặp ai bà Tô cũng nói:- Không đi chùa thắp hương, là không linh nghiệm.Sau khi sang Nhật Bản về, Lý Trọc biết sự nghiệp rác thải của mình đã đạt tới đỉnh cao, nếu làm tiếp sẽ đi xuống dốc. Lý Trọc bắt đầu lập nghiệp mới. Đầu tiên anh ta mở một xưởng may đo. Nhớ tình cũ nghĩa xưa, anh ta mời ông Trương thợ may làm xưởng phó kỹ thuật. Ông Trương cảm động rớt nước mắt, đeo cái thước da trước ngực, ông là người đến làm việc đầu tiên và cũng là người ra về cuối cùng trong ngày, say sưa chăm chỉ nắm khâu chất lượng của phân xưởng. Sau khi xưởng may đo chớm khởi sắc Lý Trọc lại cố gắng ra tay gây dựng hai khách sạn và một trung tâm tắm gội, còn làm thêm cả kinh doanh nhà đất. Đến cuối năm thứ hai, khi lại chia lợi nhuận, ông Dư và ông Vương quả nhiên được chia mười vạn và năm vạn tiền lãi. Lần này hai ông không còn sửng sốt khiếp vía nữa. Bộ mặt của hai ông dường như đã nằm trong dự kiến. Khi đến mỗi ông xách một cái túi du lịch. Khi cho tiền vào trong túi du lịch, nét mặt hai ông nhẹ nhõm như đổ gạo vào chum.Ngồi trên ghế, Lý Trọc nhìn hai ông thong thả đút từng xấp từng xấp tiền vào túi du lịch, tỏ ra hết sức hài lòng. Lý Trọc khen hai ông:- Các ông đã trở nên thành thục.Ông Dư và ông Vương cười mất tự nhiên, sau đó ngồi im. Lý Trọc cúi đầu suy nghĩ một lát, ngẩng lên nói với hai ông:- Người xưa nói "buôn đứng bán ngồi", buôn bán tới khi ngồi xuống mới là buôn bán, mới thật sự là buôn to bán lớn, còn chạy đi chạy lại chỉ là buôn thúng bán mẹt, bán hàng rong.Lý Trọc nói với ông Dư và ông Vương, bây giờ nhà to nghiệp lớn rồi, buôn bán rác thải vẫn còn làm, Xưởng may đo càng ngày càng tuyển nhiều công nhân, hai khách sạn và một trung tâm tắm gội đang phất lên như diều, lại còn mấy dự án nhà đất, mình suốt ngày chạy đi chạy lại như một anh bán hàng rong, ngày nào cũng phải đi kiểm tra các nơi. Lý Trọc bảo, bây giờ còn chạy đi chạy lại được, sau này ngộ nhỡ có những bốn mươi, thậm chí bốn trăm ngành nghề, dù có mua một chiếc máy bay chiến đấu F16 làm công cụ vận tải, anh ta cũng không chạy nổi. Anh ta vốn cứ tưởng mình đã buôn bán lớn, nhưng ngẫm nghĩ kỹ, vẫn còn là một kẻ bán hàng rong. Nói rồi Lý Trọc vung tay đứng dậy, tuyên bố với hai ông cổ đông một cách đanh thép: Anh ta không buôn đứng nữa, mà bán ngồi. Học cách làm thống nhất Trung Quốc của Tần Thuỷ Hoàng, thành lập một Công ty cổ phần, dồn toàn bộ sản nghiệp vào Công ty cổ phần. Sau đó anh ta ngồi trong công ty, làm việc công bằng phương thức tập trung quyền lực ở trung ương, thỉnh thoảng đi xuống các cơ sở kiểm ra xem xét là được.Thấy hai ông Dư, Vương gật đầu rối rít, Lý Trọc hỏi:- Các ông có biết tại sao Tần Thuỷ Hoàng phải thống nhất Trung Quốc không?Hai ông nhìn nhau lắc đầu:- Không biết.- Đó là vì - Lý Trọc đắc ý nói - Thằng cha khốn nạn đó muốn làm ăn buôn bán lớn, thằng cha khốn nạn đó không muốn đi buôn, thằng cha khốn nạn đó muốn ngồi bán.Ông Dư và ông Vương nghe đến nỗi sôi máu lên. Hai ông hỏi Lý Trọc:- Anh ngồi bán rồi, chúng tôi sẽ là gì?- Các ông sẽ là cổ đông kiêm uỷ viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần - Lý Trọc chỉ vào mình nói - Tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.Hai ông Dư, Vương nhìn nhau phá lên cười. Ông Vương tươi cười hỏi Lý Trọc:- Chúng tôi có cácvidít(card visit) uỷ viên Hội đồng quản trị không?- Đương nhiên có - Lý Trọc bỗng cao hứng nói - Nếu các ông còn muốn chức vụ gì, có thể xét cho các ông làm phó Tổng giám đốc.- Muốn - Ông Dư reo lên, bảo ông Vương - Thêm một chức bao giờ cũng hay hơn thiếu một chức.- Phải rồi - Ông Vương gật gật đầu, lại quay sang hỏi Lý Trọc:- Còn chức vụ gì khác có thể giao cho bọn tôi?- Hết rồi - Lý Trọc bực mình - Đào đâu ra lắm chức vụ giao cho các ông.Thấy Lý Trọc nổi cáu, ông Dư vội vàng đẩy đẩy ông Vương, trách:- Làm người đừng có tham lam quá đáng.Sau khi ông Vương và ông Dư có hàm uỷ viên Hội đồng quản trị phó Tổng giám đốc, cácvidít tung ra còn nhanh hơn Lý Trọc. Đứng trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi, hai ông trông thấy ai là chìa luôn cácvidít của mình ra cho, giống như phát tờ rơi quảng cáo.Anh Đồng thợ rèn và Tiểu Quan mài kéo cũng nhận được cácvidít của hai ông. Sau khi ông Trương thợ may quay sang dựa vào Lý Trọc, Tiểu Quan không có bạn, đành phải xây dựng tình hữu nghị với anh Đồng thợ rèn. Tiểu Quan cầm trong tay cácvidít của ông Vương và ông Dư, nói với anh Đồng, hai tên khốn nạn tiểu nhân đắc ý phát cácvidít vung thiên địa, ngay đến chó mèo gà và của thị trấn Lưu cũng có cácvidít của họ.Anh Đồng thợ rèn sáng suốt giỏi giang là người làm giầu theo Lý Trọc sớm nhất của thị trấn Lưu chúng tôi. Thấy đời sống của dân chúng thị trấn Lưu mỗi ngày một khấm khá, thấy nông dân nhà quê càng ngày càng giầu lên, anh Đồng thợ rèn biết tiếp tục đốp chát rèn sắt sẽ không có lối ra. Anh bỏ không rèn dao bài cho dân chúng thị trấn Lưu, cũng không rèn cuốc rèn liềm cho bà con nhà quê nữa. Một hôm cửa hiệu thợ rèn của anh tự nhiên biến mất, trở thành một cửa hàng chuyên buôn bán các loại dụng cụ dao kéo.Anh Đồng không hút thuốc không uống rượu, tươi tỉnh đứng sau quầy hàng. Trông hai tay cầm búa rèn sắt của anh vừa thô vừa vụng, nhưng đếm tiền còn nhanh hơn cả nhân viên ngân hàng. Anh chấm nước bọt vào ngón tay một cái thật nhanh, đếm tiền cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt, có thể bì với máy đếm tiền của ngân hàng.Khách hàng của Tiểu Quan mài kéo cũng mỗi ngày mỗi giảm. Cửa hàng dụng cụ dao kéo của anh Đồng mở ra, Tiểu Quan càng ít khách. Tiểu Quan bực lắm, cho rằng anh Đồng đập vỡ bát cơm của mình. Từ đó không bao giờ qua lại với anh Đồng. Hai người lại mất tình hữu nghị.Khi cửa hàng dụng cụ dao kéo của anh Đồng dần dần ăn nên làm ra, cửa hàng mài kéo của Tiểu Quan hoàn toàn sập tiệm, đành phải đóng cửa, suốt ngày lông ba lông bông trên phố. Ông Dư và ông Vương cũng lông ba lông bông, thường xuyên gặp Tiểu Quan trên phố lớn. Ba người lại tụ họp với nhau như trước. Tiểu Quan nghiến rằng nghiến lợi chửi rủa anh Đồng. Đầu tiên chửi anh Đồng ngăn cản mình góp vốn với Lý Trọc như thế nào, sau đó mắng anh Đồng cướp khách hàng của mình ra làm sao, buộc anh ta phải đóng cửa hàng mài kéo đã gây dựng ba đời, khiến anh ta mất việc phải lang thang đầu đường xó chợ.Ông Dư và ông Vương cám cảnh, hết sức đồng tình với tình cảnh của Tiểu Quan. Ông Vương đề nghị ông Dư:- Hay là đến gặp Tổng giám đốc Lý nói giúp, sắp xếp cho Tiểu Quan công ăn việc làm?- Việc gì phải Tổng giám đốc Lý - Ông Dư nói - Tôi và ông là phó Tổng giám đốc, công việc khác không dám nói, chứ việc gác cổng, hai chúng ta có thể bố trí cho Tiểu Quan làm được.- Bảo ta gác cổng à? Vớ vẩn - Vừa nghe ông Dư nói thế, Tiểu Quan đã đùng đùng nổi giận - Hồi đó nếu không tính sai, bây giờ ta cũng là phó Tổng giám đốc, danh sách còn xếp trước cả hai vị là đằng khác.Nói rồi Tiểu Quan hằm hằm bỏ đi. Ông Vương ngạc nhiên nhìn ông Dư. Ông Dư không cho là thế, xua tay bảo:- Chó cắn Lã Động Tân không biết lòng người tốt.Tiểu Quan hết cơn đau, lại nhớ đến nỗi đau, thôi thì đã không sống được ở thị trấn Lưu, tại sao mình không đi xa một chuyến? Nghĩ đến Lý Trọc lần đầu tiên đi ra ngoài, đến Thượng Hải mất cả chì lẫn chài. Lần thứ hai đi chuyến nữa, sang Nhật Bản về, tiền rủng rỉnh dắt đầy thắt lưng. Tiểu Quan nghĩ bụng mình đã ra đi, nên đi càng xa càng tốt. Tiểu Quan gói ghém hành trang, men theo phố lớn thị trấn Lưu đi ra bến ô tô đường dài.Lúc này đang xuân ấm hoa nở, lưng đeo ba lô tay xách va ly, Tiểu Quan bước đi một cách đầy vẻ hào hùng. Bố Tiểu Quan chống gậy thất tha thất thểu bước theo sau tiễn con, trông rất tội nghiệp. Khi ra đi, Tiểu Quan gửi lại những lời nói hùng hồn ở dọc đường. Anh ta bảo lần này đi dạo thế giới, còn nhìn xa trong rộng hơn Lý Trọc. Anh ta bảo khi trở về, kiến thức rộng, của cải sẽ nhiều hơn Lý Trọc. Ông không theo kịp bước chân con, khoảng cách càng ngày càng xa. Ông bố già nua, bệnh tật van xin nài nỉ thằng con đừng đi. Ông nói đến rã cả họng:- Số con không phải là kẻ sẵn tiền, người ta ra đi kiếm được tiền, con ra đi không làm ra tiền đâu.Tiểu Quan bỏ ngoài tai mọi lời van xin của bố. Anh ta hăng hái vẫy tay chào dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi. Họ cứ tưởng anh ta đi châu Âu nước Mỹ, nhao nhao khen, hỏi anh ta đi sang nước Mỹ trước, hay sang châu Âu trước? Câu trả lời của Tiểu Quan khiến ai nấy thất vọng. Anh ta bảo:- Đi đảo Hải Nam trước.Dân chúng hỏi:- Đảo Hải Nam đâu có xa bằng Nhật Bản.- Không xa bằng Nhật Bản, nhưng - Tiểu Quan nói - So với lần đầu tiên Lý Trọc đi Thượng Hải vẫn còn xa hơn nhiều.Tiểu Quan ngồi lên ô tô đường dài đi ra khỏi bến thị trấn Lưu, ông bố già mới tập tà tập tễnh đi đến. Hai tay ông chống gậy, nhìn bụi cuốn mù mịt khi xe chạy qua, ông nói trong nước mắt đầm đìa:- Con trai ơi, số con chỉ có tám đấu gạo, đi khắp thiên hạ cũng không đầy thùng đâu...Giữa lúc này, Lý Trọc cũng rời thị trấn Lưu, đi Thượng Hải. Anh ta vẫn mặc bộ quần áo rách, đi ra bến xe đường dài. Đi theo anh ta là một thanh niên xách túi du lịch, giống như một tuỳ tùng. Một người dân nhìn thấy, hỏi anh ta, cậu thanh niên đi sau là ai? Lý Trọc trả lời là tài xế của mình. Người dân này cứ cười suốt, gặp ai cũng bảo Lý Trọc thuê một anh lái xe, nhưng chẳng thấy xe đâu. Lý Trọc và tài xế ngồi ô tô đường dài đi Thượng Hải.Mấy hôm sau Lý Trọc về. Anh ta không ngồi xe khách đường dài. Anh ta mua ở Thượng Hải một chiếc xe con Santana màu đỏ. Anh ta đã có xe riêng. Tài xế lái xe riêng của Lý Trọc đi vào thị trấn Lưu của chúng tôi, dừng ở trước cửa Công ty bách hoá. Khi Lý Trọc bước ra khỏi xe con của mình, mặc trên người bộ complê Amani màu đen Italia. Bộ quần áo rách đã vứt vào thùng rác ở Thượng Hải.Dân chúng không ai nhận ra anh ta ngay. Họ đã quen với bộ quần áo ăn mày của Lý Trọc, đột nhiên thay bằng bộ complê Amani, họ thấy lạ quá. Hơn nữa thời bấy giờ ngồi xe con đều là các đồng chí lãnh đạo. Dân chúng xôn xao đoán già đoán non, nhân vật quan trọng mặc complê đi giày da là ai? Cái đầu trọc bóng loáng của ông ta nom quen quen, ngay một lúc không nghĩ ra, có thể đã gặp trên vô tuyến truyền hình, liệu có phải lãnh đạo của thành phố đến thăm? Lãnh đạo trên tỉnh về thị sát? Giữa lúc dân chúng hồ nghi Lý Trọc có thể là lãnh đạo từ Bắc Kinh về, anh chàng ngố máu gái đeo ở cổ tay chiếc đồng hồ chạy theo giờ quốc tế bước đến, gọi một tiếng rõ to:- Lý xưởng trưởng.Dân chúng hết sức sửng sốt. Họ chợt vỡ lẽ:- Thì ra là Lý Trọc!Có ai đó nói thêm:- Khuôn mặt người này giống mặt Lý Trọc quá! Đúng là giống y hệt.