28.
Câu chuyện bán ruộng giữa nhà giàu Sài Gòn và chủ điền lớn Sóc Trăng

Trước đây lối đầu thế kỷ 20, khoảng 1920-1950, nơi mé sông Chợ Quán, có một nhà lầu, nay vẩn còn, và lúc đó là hãng dệt lụa lãnh Lê Phát (manufacture de tissage Lê Phát), chủ nhà là một đại điền chủ tân thời, dòng ông Lê Phát Đạt (nay còn để lại dấu tích là nhà thờ huyện Sĩ), ông nầy tên Vĩnh, có ruộng lớn ở Tân An và có một sở ruộng thật lớn ở Sốc Trăng, làng Phụng Hiệp (ném về tỉnh Cần Thơ) nhưng về địa thế đi chợ Sốc Trăng gần hơn, nên ông chọn địa chỉ ở Sốc Trăng. Ông Vĩnh là người rời rộng, lịch duyệt tình đời, xử thế rất được lòng người tá điền của ông và khi chết (sau 1945) vẫn để tiếng thơm hơn là tiếng xấu. Ông biết chữ Nho và học lực chữ Pháp đến bực tú tài, người như ông, lớp xưa, thiệt là hiếm có. Ông lại rất rành về hát bội, và có một gánh hát, nhớ như là lấy hiệu Kim Thành. Khi ông học ở Pháp thành tài về nước, ông có thiện chí muốn đem phương pháp tân tiến Âu Mỹ áp dụng cho xứ sở. Nhờ ông có Pháp tịch, nên ông xin khẩn đất dễ dàng. Ông xuống Phụng Hiệp khi con kinh xàng nầy vừa đào, nối liền sông Cần Thơ (Hậu giang) với sông Sốc Trăng (Ba xuyên), ông mua lại của điền chủ sạt nghiệp bán rẻ và ông khẩn thêm vùng hậu bối là đất mới trước là rừng tràm, sở ruộng của ông lớn không ruộng ai ví bằng, rộng lối một ngàn mẫu tây (1.000 ha) liền lạc một miếng vuông vức, đặc biệt là ruộng không có bờ mẫu, khiến nên khi có gió lớn, đánh ngọn lúa dợn sóng, trông như biển xanh ba đào sóng dậy. Khi làm đất mới, ông cho dân đốt rừng sạch cỏ năn và lác sậy, còn lại gốc tràm và cây khác cháy chưa sạch, ông có máy trục nhổ bứng không chửa một gốc rễ, sạch bót như bàn cờ. Nhưng ông làm ruộng liên tiếp mấy mùa đều hoàn toàn thất bại. Sau rõ lại chung qui vì ông đi trước thời gian quá sớm, vì ông chỉ có một mình dùng phương pháp ấy, khiến nên ông làm không lại ông trời già. Muốn chiến thắng luật thiên nhiên, chỉ có lối áp dụng phương pháp làm tập thể, mà lúc ấy chưa ai biết để cùng ông thực hành. Bởi ông cô thân lấy tải chánh và sức lực một người mà khai hoang đến ngàn mẫu ruộng giữa rừng tràm còn cây cối cỏ rậm chứa nào chuột bọ nào chim chóc, và như vậy ông làm sao chống nổi thiên tai liên tiếp năm dài... Năm nào cấy lúa sớm thì chuột đồng ra cả bầy muôn thiên cắn ăn hết lúa vừa trồ mộng và mạ non vừa cấy. Đến khi lúa vừa ra lá xanh tươi, chiều ra xem mừng chưa kịp no, đến sáng ngày ra thấy mà thảm não, vì thừa đêm tối trời cua đồng ra cắn nát không chừa một cọng lúa non, và nếu rán giữ khỏi nạn chuột nạn cua, tránh được cá không ăn, đến lúc lúa trổ đòng đòng, bắt lần đến lúc lúa có hột... vừa mừng một đỗi như vầy năm nay thế nào cũng có tiền trang trải xởi bớt nợ thiếu, ngờ đâu giấc chiêm bao của chị bán sữa hiện ra. Ngủ một đêm sáng ngày ra xem ruộng thì hỡi ôi, chim trích và chim mỏ nhát và đủ thứ chim phá hoại khác (sẻ sẻ, óc, cau, chàng nghịch) từ rừng U Minh và chỗ khác bay lại, vì đánh hơi một ngàn mẫu của cậu Hai Vĩnh có lúa chín, sẵn đang đói, bèn làm một đêm, sáng ngày sạch bách không còn một hột trên cọng hôm qua dịu oằn đầy hột. Như đã nói, vì cậu Hai tiến bộ quá sớm, làm ruộng khác hơn người ta, ỷ sức mình biết dùng cày máy trục máy nhổ gốc cây và có nhiều tiền, nên tưởng như vậy là đủ thắng thiên, không ngờ trồng lúa cô lập trong một vùng còn nhiều rừng bụi chuột chim, thì chim chóc và thú rừng vì đói nên chúng đến cắn phá không chừa hột nào, lối làm tập thể chỉ có hiệu nghiệm là phải làm thật đông người, đồng hè một lòng khai hoang cùng làm một lúc, thì khi lúa trổ hoặc khi lúa chín, dầu có bị chim chuột phá phách, chúng cũng không ăn hết được và làm gì cũng có dư cho chủ ruộng ít nữa thu hồi vốn liếng lại được đúng với danh từ “đủ ăn đủ xài”.
Tôi nghe đến đây, buồn ngủ quá, ngắt lời chị chủ sự rằng việc cậu Hai nầy có dính dấp gì với cậu công tử kia chăng, và có ăn nhậu gì vào đời tôi mà chỉ kể dài dòng chán quá. Chị ta không để tôi nói hết câu lại kể tiếp rằng hãy nghe cho đủ ngọn ngành rồi sẽ hiểu. Số là cậu Hai biết nhiều phương pháp hay ho, ngặt nổi nói cách mấy cũng không ai làm theo, tỷ như muốn trừ chuột, cậu khuyên đừng bỏ đất hoang, và khi không còn chỗ trốn thì số chuột đồng sẽ bớt. Muốn trừ nạn cua còng, thì nên nuôi vịt, vịt con kiếm ăn ngoài đồng sẽ rỉa từ cọng lúa ăn hết trứng mén luôn và con rầy con sâu phá hoại, còn như chim trích và mỏ nhát thì nên sắm súng vân vân, tóm lại phương pháp làm ruộng tập thể như vậy, không lo gì thất bại. Khi cậu Hai thấy nói mà không có người hưởng ứng nghe theo lời, cậu day qua kế khác là rủ ren những người vô tích sự và thất nghiệp xuống Phụng Hiệp với cậu, sẽ có phương thế làm ăn lành mạnh, như làm “tằng khạo”(1) giữ ruộng, trừ nạn cướp trộm, ăn cắp vặt. Nội cái biết làm và siêng năng thiếu chi cách làm ra tiền: nuôi heo, nuôi vịt, mót lúa, rau muống mọc tràn trề không làm gì cho hết, và cái luật thiên nhiên con thú nầy nuốt con thú kia, nhỏ hiếp bé, bé làm mồi cho con lớn là luật trời sanh coi vậy mà hay hơn thuốc hoá học, tuy có lợi mà vẫn có hại, lâu ngày sanh nhiều bịnh bất ngờ và ô nhiễm bộ máy tiêu hoá, v. v. Không mời rủ được bằng cách làm ăn lương thiện, thì cậu nhem thèm trai chưa vợ bằng gái dư thừa, giỏi việc tề gia: “Hãy xuống dưới tha hồ mà lựa vợ. Thiệt thà như đất cục, biết tiện tằn giữ của không ăn xài như gái Sài Gòn”.
Tội nghiệp cho cậu Hai Vĩnh, làm ruộng ên thì thất bại, cho hoá đất thì lỗ lã đến phải xuất tiền nhà đóng thuế điền. Rốt cuộc, cậu ngã lòng, nên treo bảng bán: “Bán một sở đất nguyên miếng, diện tích 1.000 ha, trị giá 80.000$00. Ruộng tốt, gần chợ Phụng Hiệp, trên quốc lộ số 4 đường Cần Thơ đi Sốc Trăng. (Hỏi ông Lê Văn Phát, nhà số... đường mé sông Cầu Kho (Sài Gòn)”.
Bảng treo khá lâu mà trong xứ đang hồi kinh tế khủng hoảng, một trăm đồng bạc kiếm gần đỏ con mắt không ra, dễ gì có tìm chục ngàn đồng hầu mua đất nầy, lại còn tiền trước bạ, cầu chứng là khác. (Nên nhớ một trăm triệu ngày nay còn dễ kiếm hơn một trăm ngàn hồi đó).
Cậu Hai rao trong nhựt trình bán ruộng, rồi từ ấy cậu lên lên xuống xuống ở Cầu kho nửa tháng, hai mươi ngày, thì đi xe hơi nhà xuống Sốc Trăng vài bữa để tìm người bán đất. Cũng lạ, cậu từng sống lâu bên Pháp, và ngày thường vẫn ăn ở phong lưu theo Pháp, nhưng khi xuống Sốc Trăng, cậu không khi nào ghé băng-ga-lô (bungalow) có đủ tiện nghi và vẫn thích trú ngụ nơi khách sạn An Nam của ông Ba Hùng vì ở đây dễ bày mâm hút giỡn cợt với ả Phù dung thêm có tẩm quất (đấm lưng) mỗi khi mỏi mệt. Khách sạn nầy nằm trên một con đường hẻo lánh, yên tịnh lại được gần chợ búa, đêm khuya mì cháo đều gần. Một khi nọ, cậu xuống nhằm mùa mưa, tiếng ảnh ương đòi bắt cặp khiến cảnh thêm buồn, và để giải cơn sầu, cậu đốt cây đèn dầu lạc bày trên bộ ván trong phòng, rồi sai anh bồi đi mời cô Sáu C. mà cậu nghe tiếng đồn và nay cậu muốn làm quen. (Đoạn nầy, trong tập hồi ký bà V.A. viết tên S.C. khiến tôi nhớ đến hình dung cô nầy, hiện lên trú ngụ và lấy chồng ở khu Chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng và Cao Thắng, tôi có ý muốn gặp lại, nhưng suốt mấy phen tìm mãi chưa gặp nhà. Những ai như tôi từng ở Châu thành Sốc Trăng, lối bốn mươi năm về trước, khoảng 1935-1936, đều biết mặt biết danh cô Sáu C., nếu gọi là hoa khôi thì hơi quá đáng, vì cô có đấu sắc đẹp trong cuộc nào đâu, nhưng những trai tuy đã có vợ (như tôi) mà lòng còn khao khát món lạ, và luôn luôn “xôi chợ ngon hơn cơm nếp nhà”, đã sẵn máu 35, thì ai như nấy, đều nhìn nhận cô Sáu có đôi hàm răng trong trắng và đều đặn như bắp non, như ngà mới, như hột dưa, mỗi lần cô cười thật là quyến rủ. Gương mặt cô không xinh lắm, nhưng nhìn lâu tựa hồ có một ma lực khuyến mới lạ lùng, nhứt là tướng cô đi như thách đố, mỗi sáng cô đi dùng điểm tâm ở góc đường Đại ngãi và thả một vòng thành phố thì bao nhiêu khách trong quán trong tiệm buôn, đứa quên băm thịt xíu mại, đứa quên lắc bàn toán cầu tài, cặp đùi ếch dính sát vào quần lãnh mới vừa láng mướt vừa no tròn, cô Sáu không to không bé, vẫn vừa vặn theo thể cách con người mình dây, trời ơi, ngày nay cách đã trên ba bốn mươi năm, tuổi đà gần xuống lỗ, thế mà làm sso tả lại cho đúng, mỗi bước uyển chuyển của cô nó khiêu gợi làm sao và bắt nhớ và thèm thuồng. Ngực của cô chu choa, ngực của cô, tuy năm đó cô đã trên hai mươi cái xuân đang độ, và gió sương tắm gội đã nhiều, nhưng phong độ vẫn đầy đủ hơ hớ còn y, hoặc nói cho đúng điệu, còn nở nang “thấy bắt thèm”, còn sáng như cặp đèn pha xe Hốckích (Hotchkiss) (thuật y lời S.C nói). Cô Sáu từng nói với tôi, một cách vô tội vạ, rằng: “Ngày nào cặp đèn pha (nhũ hoa) của cô còn, thì cô vẫn còn”. Câu nầy có nhiều nghĩa, và cô đã xưng tên cô rồi đó Sáu Còn. Thêm cô đã dí dỏm sánh ngực cô với cặp đèn xe hơi thuở ấy và hiệu xe Hotchkiss, là hiệu đắc khách nhứt của thời 1935-1940 nầy. Tuy ít học, nhưng cô ăn nói rất có duyên, tuy cô không đẹp hơn ai, nhưng trong giới yêu hoa chợ Sốc Trăng, cô ăn khách vào bậc nhứt.
Kể về bụng dạ và cách cư xử ở đời, cô là người sáng suốt. Đầu buổi kháng chiến 1945-1946, cô nhập ban cứu thương để chống Pháp.
Lúc vận đảo bên ta thất cơ rút lui, cô bị quân đội Pháp bắt trên một chiếc tam bản cô cùng đi với hai du kích, Tây xuống xét tam bản, gặp một cây súng lục chôn trong nồi thịt kho, nếu nói của hai thanh niên kia thì mấy mạng cũng không còn, cô có can đảm nhìn nhận là của cô, toà Pháp chỉ phạt cô ba tháng tù... Ấy con người cô Sáu C. là thế đó, tuy trong giới ăn sương, nhưng lòng thương nước ít ai bì kịp.
Khi hôm ấy bồi phòng đến mời cô “đi khách”, cô ngồi xe kéo, đến nơi, bước vào phòng, thấy một ông già khô đét mặc bộ áo ngủ nhục nhục, trông dáng điệu “hết xài”, cô chào hỏi lơ là, ngồi chưa nóng đít, đã xin về không ở lại.
Cậu Hai thấm mật, hiểu cô chê mình, nên vội sai bồi trở lại nhà cô Sáu, gọi cho được một ả khác, không cần xinh hay không.
Nằm nốt đêm với cậu, chỉ tiêm thuốc cho cậu xơi, trò chuyện ít tiếng, suốt đêm hoàn toàn cậu không đá động đến, và rạng ngày, như thường lệ, cậu hỏi: “Em muốn mấy miếng?”
Như đắng thì khỏi hỏi, cô ả đáp. Tà-líp của chúng tôi đã định, suốt đêm là hai miếng (cô ta hiểu miếng là một đồng bạc giấy thuở ấy). Còn như ngọt, thì hơn số đó bao nhiêu cũng tốt!
- Chà! Chà! Biết sao mới là ngọt? Cho là đắng đi? Và hai miếng là vừa!
Rút ra hai miếng trao tận tay cô ả, cười tình, nựng cằm cô gái rồi đưa ra cửa phòng. Cô ả lầm lì không nói gì, lên xe kéo về thẳng, chừng ấy xem lại mới biết lúc nãy ông già nói hai miếng đã vừa, nay hai miếng là hại trăm bạc (200$00) và hai trăm thuở ấy giá trị sánh với bạc năm 1982, đáng bạc ngàn chớ chẳng chơi.
Cô ả mừng quá đỗi mừng, vội vã chạy kiếm cô Sáu C. để khoe!
- Lão già coi vậy mà ngọt ghê, đi với lão một đêm, lão bê đơ xăng (deux cénts) đây nè!
Cô Sáu cười gượng nhưng không nói lời nào.
Qua đêm kế cậu Hai cho mời ả ấy nữa và đêm thứ ba cũng vậy, cũng đòi cho được ả ấy, vẫn không rờ đốn một chút da, và cứ mỗi sáng bê hai tờ, theo tà-líp cô ả nói. Ba đêm đếm đủ sáu trăm đồng. Từ ấy danh cô Sáu vẫn còn, tuy có mất một mối ngon, và cô ả vô danh kia được tặng cái tên ngộ nghĩnh “Cô Hai Xít xăng” để kỷ niệm ba đêm đi khách được sáu trăm đồng tức six cents piastres (600$00) ngon lành nhứt hạng. Tiền trong hộp Bó-ti-bơ (Petit beurre) là tiền cậu Hai bán sở ruộng Phụng Hiệp. Bán cũng cam go lắm chớ không vừa. Cậu Hai dùng thì giờ đi thăm và mời các nơi làm ăn lớn từ Cần thơ đến Sốc Trăng, Bạc Liêu, sâm banh cơm Tàu đêu nếm, đâu đâu cũng tiếp đãi tử tế nhưng thảy đều than muốn thâu gọn sự nghiệp lại, chớ không muốn kinh dinh ra lớn, kinh tế khủng hoảng quá, lúa bán không chạy.
Sau đó có người mở hơi muốn mua nhưng trả sụt còn 60.000$00 thay vì 80.000$00 cậu Hai chê người ấy chưa đáng mặt đại tư bản, tuy khích thì giận nhưng rốt cuộc cậu Hai đấu trí không lại người ấy. Đi đòn thẳng thắn không xong, cậu Hai trở qua dùng kế độc. Cậu Hai trở về Cầu Kho, đọ hai tháng sau, một buổi trưa nọ, người trả giá 60.000$00 đang nằm hút tại nhà, bỗng có một ông Pháp ăn mặc sang trọng, đi xe mới hiệu Alpha-Roméo ghé trước nhà, trao danh thiếp xin ra mắt:
Robert Grémieux
Représentant de la Société Rizicole d Transbassac
C/o Hôtel Continantal (Sai gon)
Siège social N..., boulevard Haussmann, Paris
dịch là:
Ông Robert Grémieux, đại lý hãng ruộng Hậu Giang, tạm ngụ nhà Đại lục ở Sài Gòn, trụ sở chánh, nhà số... đại lộ Haussmann, Paris.
Chủ nhà ra tiếp, khách bày tỏ mình là đại diện hãng đề trong danh thiếp, nay hãng tính mở một đồn điền lớn ở Hậu giang, hôm trước coi theo báo đã tiếp xúc với cậu Hai nơi nhà ở Cầu Kho, nhưng cậu Hai cho hay sở đất đã thương lượng với chính ông mà tôi đang nói chuyện đây, và dặn tôi hỏi ý ông nhứt quyết thế nào, rồi cậu Hai mới định đặng. Như nay ông đây sẵn lòng nhượng quyền mua sở ruộng cho hãng Pháp thì khách ký liền một ngân phiếu mười ngàn (10.000$00) gọi tiền thế chưn, lời giao hãng Pháp ưng mua 1.000 ha ruộng Phụng Hiệp với giá bạc là 100.000$ hạn kỳ nội trong sáu chục ngày, sẽ xuống làm giấy tờ dứt khoát và 10.000 nầy là tiền cọc, quá sáu chục ngày không thực hiện tờ đoạn mãi thì kể như mất luôn.
Nói dứt lời, khách ký một ngân phiếu một muôn bạc để trên bàn, bắt tay chủ nhà từ giã lên xe đi thẳng.
Sáng hôm sau, chủ nhà lấy xe nhà trực chỉ lên Cần Thơ, nhà băng trả đủ 10.000$ theo ngân phiếu, ông ghé sở bưu điện đánh dây thép mời cậu Hai xuống gấp ông bằng lòng mua sở đất y giá 80.000$. Vì vậy cậu Hai hả hê mới có tiền bê cho cô ả tứ thời sáu trăm, trong khi ông mua ruộng về nhà nằm chờ mãi mà không thấy bóng hình lão Tây đi xe Alpha-Roméo tháng trước. Chuyện kể đến đây, ai ai cũng tin chắc ông nhà giàu ở Sốc Trăng bị ông nhà giàu ở Sài Gòn xuống gạt. Nhưng ông Sốc Trăng đáp tỉnh bơ: “Tôi lấy vốn trong nhà là 40.000$ thêm 10.000 của tên Tây nọ là 50.000$, nên chi tôi chỉ hỏi bạc chà 50.000$ là đủ cuộc tiệc. Nếu trời cho tôi trúng mùa, nội ba năm tôi đủ sức dứt nợ chà, và có thêm sở ruộng Phụng Hiệp nầy là đất tương lai còn phát nữa, hoa lợi còn lớn nữa, có sao mà sợ!”. Quả thật, ông ấy kinh nghiệm có thừa. Sau ba năm cần cù, ông trả dứt nợ chà và gọi em về giao cho coi sóc. Và mầy biết nãy giờ tao kế lễ dài dòng làm cho mầy sốt ruột và người mua ruộng cậu Hai Vĩnh là ai, mầy đoán đi: Đó là ông Như Gia, anh ruột thằng Như Phước của mầy. Bây giờ cho tao từ giả theo chồng xuống công ty rượu nếp Bãi Xàu dưỡng cái thân già. Mầy cũng nên cải tạo lấy thằng Như Phước cho yên thân! Cái già sồng sộc nó thì theo sau. Đã ba mươi tuổi đầu, còn kén chọn gì nữa. Gái nửa sạc vở được ông hoàng đòn như công tử Như Phước, tao mà ở địa vị mầy thì đã từ lâu không cho đám con Sáu Cúi Ên (Quế Anh) cướp nước nhứt. Nay cũng chưa muộn và không nên để dịp tốt trôi qua. Ngày nào trái đất còn xoay, đường đi vẫn còn dài và lo chi chị em mình không có ngày trùng phùng lại nữa. Thôi, văn hay chằng luận nói dài, au revoir, em nhé!.
Tới đây, tôi cũng tạm chấm dứt thiên ký sự nầy và hẹn hồi sau phân giải. Dứt như vầy đột ngột thật, nhưng tóm tắt lại, bước đường lưu lạc khoảng đầu, anh nghe đã đủ, đến khoảng sau nầy, nhớ câu tái hồi đầu “thị bách niên xuân”, nay tôi tu bỉ, và gặp cảnh ngộ éo le, vừa sám hối thì người chồng trẻ, anh Như Phước vội tách đi trước bỏ tôi gãy gánh nửa đường và chỉ còn chút kỷ niệm mỏng manh chưa muốn cho người ngoại cuộc biết. Khoảng đời sau của tôi, xin cho tôi niêm phong và giữ lại: tôi còn sống ngơ ngờ nói ra thì chua chát quá. Ngày nào tôi buông xuôi hai tay trong ván sáu tấm, khi ấy mặc tình sẽ phanh phui. Vả lại đoạn sau đã hết hấp dẫn rồi, vì tôi đã thôi việc cướp của bỏ chồng... Người tốt trong xã hội nay kể ra vẫn có, nhưng đều lụt lụt thường tài, biết cho mình và không biết xây dựng cho chung, cho nên việc nắng mưa phong vũ khó tránh, chúng ta ngày nay phải chịu. Biết đời nào trở lại cảnh thuở xưa, coi vậy mà sướng hơn nay rất nhiều. Nơi đoạn mở đầu tôi có nhắc hai câu chót bài thơ ông Phủ Ba Tưởng. Ngày nay ít ai thuộc thơ ông vì có người chỉ trích ông là Việt gian phạm tội bán nước. Tôi đây là gái từng bị xé giấy không có quyền đính chính việc của đàn ông hiểu, nhưng tôi có quyền biểu biết theo tôi và tôn sùng Phủ Ba. Bài “Lão ky qui y” xin chép lại đây, gọi kết thúc đường đời một người như tôi nay trở về đường chánh! bài thơ ấy nguyên văn như vầy:
LÃO QUỴ QUY Y THƠ
Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san,
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng!
Đài kính biếng soi màu phấn lợt,
Cửa không đành gởi cái xuân tàn
Chạnh niềm hoa liễu vài câu kệ,
An cảnh tang du một chữ nhàn!
Ngảnh lại lầu xanh thương những tre,
Trầm luân chưa thoát nợ hồng nhan”
(theo Khuông Việt “Tôn Thọ Tường” do nhà in Ngày Nay Hà nội xuất bản 1942, trang 92).
Mấy người chê ông, làm thơ hay hơn ông không mà dám chê kia nọ? Tôi là đàn bà không phép đứng ra kêu oan cho Phủ Ba, nhưng tôi vẫn tôn sùng ông trong lòng.
Chào ông tác giả quyển “Sài Gòn năm xưa”.
Ký tên: Mme V.A.
(chép làm tập II “Sài Gòn năm xưa” ngày 23 tháng sáu dương lịch 1982).
Chú thích:
(1) Tằng khạo: tiếng Tiều châu, viết Hán tự là "đồng khảo" người coi ruộng thí cho chủ