34.
Nhớ Georges Lê Văn Phước

 Không xứ nào nhiều quan liêu cho bằng xứ Huế: không phò mã đô uý thì cũng Hường nầy Hường kia, cùng cực cũng phải mua chức Nghè (tuy không từng đi thi), chức Khoá (tuy chưa biết thế nào là trường ốc), và tệ lắm cũng có chức “ấm” để dễ bề xưng hô.
Trái lại trong Nam, không xứ nào có nhiều đốc phủ sứ thiệt thọ về hưu hoặc đốc phủ sứ danh dự mà tục gọi “hàm” (tuồng của Lê Hoài Nở: quan Huyện hàm hàm, vị răng rụng sạch chỉ còn hai cái hàm trơ trơ, nên cũng gọi tri huyện Mâchoire: tri huyện hàm hàm hay hàm tri huyện danh dự tuy vẫn là “huyện móc (ưa móc ưa khều gái tân), huyện móm (vì mất răng trọn bộ), huyện nói, vì mỗi lần chơi bài ưu lo le cái bóp lớn bằng chiếc nóp của bạn ghe chài.
Ông đốc phủ cho con trai là Lê Văn Phước sang Pháp du học và cho một em của người thiếp theo hầu cậu và học ké. Người nầy cần mẫn chăm học, chẳng mấy năm đậu bằng tú tài Pháp, trở về xứ được tuyển làm commis lên lần tới tuyệt đích đốc phủ sứ, những năm lộn xộn trong nước ông sớm lánh nạn bên Pháp và đã từ trần. Con trai quan đốc phủ chẳng học hành gì nên thân, quan giận bắt về, và đe dạy con chuộc tội bê tha, bắt con phải gánh hồ cho thợ xây nhà, nhưng thay vì ăn năn người con tức giận, sau quan mất, người con ăn chơi phóng túng. Lúc ấy có phong trào tập ca tập hát lập gánh cải lương ở Mỹ Tho, nói chí đáng, cậu (bây giờ được các bạn tôn làm cậu) cậu bụng dạ rất rộng rãi và dối xử với bọn nghèo đã không khinh khi mà còn giúp đỡ nhiều bề. Thiếu nón đội, cậu cho, đến nón Fléchet mới và đắt tiền cậu không tiếc, thiếu tiền xài, cậu giúp, và khi gánh hát diễn tuồng trên sân khấu, cậu cho mượn bộ ghế sa lon của cha để lại và diễn xong cậu không đòi lại và chẳng bao nhiêu năm ruộng vườn nhà cửa đều theo ngón hào hiệp của cậu mà bay tứ tán... Cậu chỉ được danh là dám ăn dám xài, cậu trắng trẻo thanh bai, được giới phong lưu tặng mỹ danh “Bạch công tử” cậu có một tiểu tật ít người để ý là có vảy cá một mắt (không nhớ mắt nào), ngoài ra ăn nói nhỏ nhẹ thanh nhã, đẹp trai, (trong Nam gọi lịch sự trai), gái nào gần cũng thích và cậu có nhơn tình rất nhiều, phần đông trong giới ca kịch, khi cậu mất chỉ để lại một gái tên Ly Ly, là kỷ niệm với danh ca Sáu Ngọc Sương đã nói nơi đoạn trước.
Lúc ấy chưa dùng danh từ Hậu giang và Tiền giang nên nay chỉ còn nhắc danh Bạch công tử hay cậu Tư Phước Georges.