14.
Chia tay chạy trốn

Thộp ngon lành đặng một muôn đồng bạc của anh Tiều châu hảo ngọt, thằng Tư ấy mới cầm một ngàn rưỡi cho tôi mà rằng:
- Thôi hai đứa mình ô-rơ-hoa (au revoir!). Tao phóng xả cho mầy đó hãy tìm chồng khác lo làm ăn. Nay để tao cút trước, còn mày cũng phải thu xếp mà cao chạy xa bay cho lẹ lẹ, đừng để đổ bể việc nầy mà chết chùm cả đám. Tuy không giấy không tờ, nhưng tao thì có tiền án, mầy vừa xé giấy không lâu, hễ thằng chệc nó thưa thì lính tới nắm đầu lập tức. Như vậy kế đã thành, ta phải làm theo hát bội, hát bài tẩu mã, và dĩ đào vi thượng!
Nói rồi nó cuốn gói đi biệt. Cho đến nay tôi không biết tên họ nó là gì, luôn danh tánh cô Sáu chủ cũ của tôi cũng vậy. Trọn ngày đó, tôi sợ hết hồn, ngồi tính nát óc, muốn chờ hia nọ về mà lạy dài, tỏ thiệt đầu đuôi, năn nỉ xin trả một ngàn rưỡi bạc đó cho hia, rồi tình nguyện về làm mọi cho hia mãn đời là trừ nợ. Tính vậy rồi lại sợ: không phải sợ anh Tiều nầy không dung, rồi bỏ tù bỏ rạc gì. Nói chí đáng: gian hùng tới nước, cho ở tù cũng không oan. Song sợ nhứt là bể chuyện ra, nếu tôi khai thiệt, thì thằng Tư sao khỏi bị bắt. Ý cái thằng trời đánh, coi vậy mà oai ghê.
Không biết nó phù phép gì, mà trong tháng tôi ở với nó, nói tình tội tôi sợ nó như sợ cha, nó biểu chi tôi nghe nấy. Nay nếu tôi khai thiệt, quan bắt nó đặng, thì chẳng lẽ tội như vầy, mà ai đi chém giết gì nó, bất quá kêu án nó đôi ba năm, cha chả! Rồi chừng nó mãn tù, thì tôi có chạy đường trời cũng không khỏi tay nó. Tính nát trí khôn, rồi tôi cũng cho duy có kế trốn là hay.
Bữa đó lại là ngày thứ sáu, tôi mới gạt hia Tiều rằng tối mai thứ bảy, có chị em rủ đi ăn cơm Tây và xem hát sáng đêm, như vậy đừng có lại, vì tôi đi khỏi. Sắp đặt xong, đồ đạc vòng vàng bao nhiêu tôi đeo hết vào mình, lộn lưng một ngàn rưỡi bạc, ghịt mấy lần chắc chắn, còn lại gia dư tôi không dám lấy một món gì ở trong nhà đều bỏ lại hết. Bữa cơm chiều, trẻ nó dọn, bưng tới miệng cũng không kịp ăn, nuốt không vô, lật đật xuống tàu chạy đường Nam vang mà ẩn mặt.
Đi đường chuyến nầy tôi cẩn thận lắm, chẳng phải vì có tiền mà se sua lòe loẹt tôi mua giấy đi Phnom-penh hạng chót, rồi mướn một chiếc chiếu trải ngủ chen chúc giữa đám bộ hành đàn bà. Sáng ra tàu tới chợ Mỹ Tho, cặp bến. Tôi thấy lính xét giấy thuế thân, mà vì sẵn có tịch nên bịnh đa nghi của Tào Tháo hoành hành. Thế khi động ổ, có ai mạch cho hia Tiều, va đi cớ bót nên quan mới sai lính đón tra xét lung tung. Lúc đó trong bụng đánh trống chiến loạn đả. Liệu bề đi luôn lên xứ Chùa Tháp bất tiện, vì nghĩ dại rằng ắt có dây thép lục tống, và chỗ nào tàu ghé chắc là đêu có lính tráng kiểm tra. Muốn lên bờ tại đây đặng tánh đi ngả khác, ngặt sợ hai cậu bếp đứng chần ngần dường như tìm kiếm bắt cho được ai đó vậy. Trong cơn bối rối, trực nhớ lại chú mái chính răng bịt vàng cả hàm trên, trông dị hợm, nghe lỏm được biết chú lên ở Mỹ Tho, mà thiệt từ hồi tàu chạy cho tới bây giờ, mình thì lo buồn, mà chú cứ theo tấn ơn ve vãn, giận tức gần nứt bong bóng nay thấy chú đang dọn dẹp hành lý sửa soạn lên bờ, tôi bèn lại gần thỏ thẻ mượn chú chỉ giùm một khách sạn nào cho gần ga xe lửa, của Tàu hay của ta bất chấp, miễn sạch sẽ, vì thuở nay tôi chưa biết và quen thuộc đường xá xứ nầy. Hia ta nghe tôi ướm hỏi, coi bộ mừng quýnh quýu trông tức cười nhưng tôi rán nín. Hia ta lật đật giành xách cái quả cẩn đựng chút quần áo và hai tôi cặp kè đưa nhau lên bờ, coi tuồng như vợ chồng lâu năm gắn bó. Hai cậu bếp có lẽ quen mặt, nên chào chú mái chính mà không xét giấy.
Tới khách sạn ở mé sông gần ga xe lửa, do người Quảng Đông làm chủ, tôi nghe chú mái chính biểu dọn phòng thượng hạng, đế dắt tôi lên lầu nghỉ ngơi cho mát mẻ. Tôi cười thầm thằng Ba Tàu nầy muốn sanh bụng tẹo, cho nên một hai tôi nài ở phòng khách từng dưới, vì tôi còn đi kiếm thăm bà con, có lẽ ngày mai hay ngày mốt tôi mới trở về đây. Mái chính răng vàng cười bày đủ bộ răng gần nửa lượng, cho tôi rồi ra về, lại hứa để chiều mát trời, y sẽ đem xe nhà rước tôi qua xóm chợ cũ dùng cơm Quảng, có món hủ tíu đặc biệt tiếng đồn đến khách phong lưu Sài Gòn đều xuống đây thưởng thức, luôn dịp y sẽ mua giấy trước xem hát của gánh thầy Năm Tú nào đó diễn tuồng Kim Vân Kiều theo lối hát mới, gọi cải lương lại, vai Kim Trọng do thầy Bảy Thông đóng, và vai Thuý Kiều do cô Kim Cúc thủ đứng cặp với cô Thoàn(1) trong vai Thuý Vân, cả ba đều xuất sắc vả hát cụp lạc lắm. Tôi cũng ừ hữ cho có chừng, trong bụng cười thầm: “Mái chính ơi! Con nầy không vừa đâu, nó nhai tươi nuốt sống (nhĩ, mầy, anh) và ăn gỏi nị cái một, nhưng nó đang chạy trốn nên không dám trổ tài đó chớ, khuyên nị cứ ăn cơm Quảng Đông và ngủ với xẩm Tàu, đồng bào nị, là chắc ăn hơn. Nhưng đây là tôi nói thầm, mình nói mình nghe, chớ đâu dám bĩ hơi cho lậu sự. Chú mái chính đi về rồi, cũng vừa buổi trưa kiến cắn bụng, tôi lận lưng lấy ra một đồng bạc, nhờ anh chệc bồi phòng đi mua cho tôi một mâm cơm: hai chén cơm thật trắng thật ngon, còn thức ăn thì một tô canh câu kỹ, một đĩa thịt vịt quay lựa khúc đùi, một đĩa cua xào giấm và đừng quên cho tôi một đĩa thịt xá xíu, vì từ ngày làm quen với hia Tiều, tôi đã ghiền món nầy và nhớ hoài không bỏ qua được. Cơm rồi tôi đánh một giấc để lấy sức, nhưng trời đất ôi, có ngủ nghê gì được với ba con rệp của phòng ngủ Tàu, thêm cái mùng dơ hầy, tuy mùng lưới thứ đắt tiền, nhưng khói thuốc phiện đóng ám đến trỗ màu vàng, còn dưới chưn mùng, nói mà phát gớm, lốm đốm những cụp lạc(2) thành tích mấy trận chiến đấu không thôi giữa gái làng chơi và trai tứ chiếng. Ai bày đặt khách sạn là “nhà ngủ” đáng gọi là “nhà thức” mới phải, vì khách đến đây, nếu không đi gái, thì đến để gầy sòng bài bạc hút xách, nhậu nhẹt, đĩ điếm, thức sáng đêm, tàng tịch ăn chơi chớ ít khi ngủ, bằng có ngủ thật thì lăn chiêng sau trận chiến đấu săn vi trùng, chớ gọi nhà ngủ nỗi gì, trớ trêu đi thật?
Vừa ba giờ chiều tôi đã rửa mặt, trả phòng, leo chuyến xe lửa bốn giờ rưỡi chạy, trực chỉ Sài Gòn, nơi quen biết cũ. Nhắc tới xe lửa thuở ấy mà tức cười, hèn gì Pháp đặt tên “le tortillard” (xe cong queo), thật ra xe nào cong queo nhưng đầu máy yếu quá, bữa nào kéo nhiều toa, thì xe lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức không nổi, còn cách dốc cầu độ nửa cây số ngàn, thì xả hết tốc lực, giựt dây thổi xúp-lê (sinet) nghè rậm đám lắm, nhưng khi tới dốc thì xe từ từ chậm lại, rồi lúc nào gặp trời mưa, đường rầy trơn, thì tuột dốc thụt lùi trở lại, mới là báo đời chưa? Chừng ấy nào người coi máy xổ chữ Nho nghe không hết, nào thầy xệp (chef de train) đổ thửa và quở trách om sòm, bóng đổ thầy, thầy đổ bóng rồi xe ngưng lại, chụm củi thêm, chờ cho máy nóng rồi ạch đụi lấy trớn chạy nữa, như được qua dốc cầu thì bữa ấy chuyến xe tới sớm hoặc đúng giờ, bằng không thì ngày ấy xe chịu tới trễ. Tức cười là bộ hành làm như con ruồi trong bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (La Fontaine), xe thở hào hển rán sức lên dốc, còn bộ hành ai nấy đều nín hơi rặn phụ lực y như thuở xưa gặp đẻ khó, người thân quyến phải rặn giúp sức người sản phụ sanh thằng nghịch tử! Bữa tôi đi, may quá, xe tới nhà ga chợ Bến Thành thì trời chật vật nhưng chưa tối lắm, tuy vậy mà tôi cũng sợ, đội khăn sùm sụp (đây là tôi sơ ý vì lính thấy bộ tịch khả nghi càng mau gọi và xét giấy hơn là để đầu trần). Tôi kêu xe kéo tuốt lại khách sạn của thầy Bảy Phương đường Carabelli, vì thầy Bảy là người biết điệu lo lót đủ mặt cò bót và lính tráng, thêm nhà ngủ nầy ở gần đường Catinat, yên tĩnh lắm. Chỗ nầy người quen biết ít lại lắm, tuy vậy tôi cứ phập phòng, ngủ không yên giấc. Trời vừa rực sáng, tôi đã trả phòng, đi bộ lại chợ cũ, ních hai tô cháo cá ngon lành, vì đêm rồi nhịn đói bỏ cơm, và tiệm Quảng Đông bán cháo cá nầy nấu ngon lắm, ai ai đất Sài Gòn nầy đều quen biết thuở nay. Xong rồi tôi kêu xe kéo đến ngôi nơi bồn bông trước nhà thờ Đức Bà, ngang nhà dây thép chánh chờ chuyến xe đò chạy lên Tây Ninh, rủi bữa đó không có xe, tôi phải trở lại mướn phòng nơi khách sạn Nam Đồng Hưng, số 74 đường d’Espagne, ẩn mặt đến sáng thứ ba mới lên tới Tây Ninh, ẩn thân cửa Phật.
Chú thích:
(1) Cô đào Thoàn, mới đây có người gặp ở Rạch Gầm, tuổi lên tám chục
(2) Do kịch liệt nói trại, có nghĩa là mê ly, hấp dẫn lắm