Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 3

Kim Anh đã thiếp đi nhanh chóng bên góc một nền nhà cũ.
Ðang chìm sâu nặng nề trong giấc ngủ, bỗng cô thét lên, vùng dậy vì một cảm giác đau đớn khủng khiếp như ai đổ lửa vào một bên mắt. Cô chưa kịp hiểu ra cớ sự thì một sức mạnh không cưỡng nổi ghì đầu cô bé xuống. Bàn tay ai đó cố vạch con mắt bên kia của cô bé ra. Rồi cảm giác nóng bỏng, nhức nhối bùng lên một lần nữa. Kim Anh lại thét lên lanh lảnh như còi xe lửa. Bàn tay thô bạo ấy bịt mồm cô thật chặt.
Cô bé lịm người đi trong cơn đau đớn. Trước khi ngất đi, Kim Anh vẫn kịp kêu lên:
- Mẹ ơi! Mẹ ơ! Con chết mất.
Khi cô tỉnh dậy, đôi mắt nhức nhối, âm ỉ nhắc nhở cho cơn đau không chịu được đó. Cố mở mắt để nhìn xem việc gì đã xảy ra, nhưng cô bé không thể thấy gì. Trước mặt cô là một màn đen. Không phải cái đen mập mờ của đêm tôi, không phải cái đen thăm thẳm của vực sâu, không phải cái đen mênh mông của một tấm màn đen lớn tấn trước mặt. Ðó là một màn đen đậm đặc nhưng với muôn vàn con đom đóm tí teo, lập lòe nhảy múa...
Kim Anh dụi hai mắt nhiều lần, cô vẫn không thấy gì. Màn đen càng nhiều đom đóm hơn, đủ màu sắc hơn.
Tưởng chừng như mình đang mơ một giấc mơ dài dằng dặc, Kim Anh ghé răng cắn thật mạnh lên bàn tay. Cô bé vẫn không ra khỏi được giấc mơ. Màn đen vẫn dày đặc, lập lòe trước mặt khiến đỉnh đầu cô đau nhức dữ dội như có ai đưa búa đập liên hồi vào đó...
Nghe Kim Anh kể đến đây, tôi đã hiểu tất cả. Ðứng vọt dậy, tôi chửi thề thật lớn rồi gầm gừ:
- Ðồ khốn nạn! Ðồ ác nhơn!
Ðiên tiết, không dằn được, tôi nện nắm đấm vào chiếc tủ xe mì bên cạnh. Tấm kính bể nát, cứa vào tay tôi đau nhói. Nhìn những mảnh kính lởm chởm tôi liên tưởng tới con dao cán vàng. Tôi chửi thề một lần nữa, rít lên:
- Mẹ kiếp! Nếu ông có con dao trong tay và mày đang đứng trước mặt thì ông sẽ...
Tôi tưởng tượng lưỡi dao nhọn hoắt, sắc lẻm lụi vào ngực, xuyên thủng trái tim của tên đàn ông dã man đó. Tôi chưa hề cầm dao đâm chém người, chưa hề mang ý định giết ai bao giờ. Nhưng lần này tôi sẽ... Tôi gầm lên thật lớn:
- Thằng khốn nạn! Tao sẽ lụi mày! Tao sẽ đâm thẳng vào trái tim mày...
Kim Anh hoảng sợ trước sự giận dữ của tôi. Cô chồm người tới sờ soạng. Trúng bàn chân tôi, cô ôm chặt lấy, năn nỉ:
- Hoàng, Hoàng ơi! Trò... Trò đừng giết ông ta. Dù... dù trò giết ổng chết, tui... tui cũng không sáng mắt lại được mà. Rồi cô nằm ngã xuống sàn gạch, co ro, quằn quại ôm lấy đầu như đang chịu đựng một cơn đau ghê gớm. Nhưng không phải, cô đang hồi tưởng một kỷ niệm quá kinh hoàng. Kim Anh kể lể trong tiếng nấc:
- Trò... trò biết rồi đó. Ông ta đã dùng một thứ thuốc nào đó vô cùng độc hại nhỏ vào mắt tui, làm tui đui mù. Sau đó ít lâu, đôi mắt tui vừa hết đau, ông buộc tui tiếp tục theo ông đi kiếm tiền. Nhưng từ đó không hát rong trên tàu hỏa nữa mà đi về các chợ, các chùa chiền trong Nam này. Theo sự dẫn dắt từng bước của ông ấy và theo tiếng réo rắt của cây ghi-ta, tui phải hát và hát mãi. Tui không biết ông nhận bao nhiêu tiền của khách thập phương, nhưng sau mỗi lúc ngưng tiếng hát, tui không nghe được tiếng tán thưởng nào nữa mà chỉ nghe nhiều tiếng thở dài, nhiều tiếng chắc lưỡi, tiếng ông ta cảm ơn rối rít: “Cám ơn quí ông, cám ơn quí bà”. Giọng ông ta cất lên rất vui vẻ, rất nhu mì, nhã nhặn. Vậy mà có ai ngờ đâu chính đôi tay ông ta đã nỡ nhẫn tâm nhỏ vào mắt tui những giọt nước giết chết sự sống, giết chết cuộc đời tui và ngăn chặn lối về, để tui không bao giờ còn thấy lại xứ Huê và gặp lại mẹ tui được nữa. Không, Hoàng ơi, ông ta không có trái tim trong lồng ngực! Trò đừng tìm giết ổng làm chi, vô ích!
Ngưng nói, bạn tôi lại ôm mắt khóc rưng rức. Khóc một lúc rất lâu, cô ấy ngước khuôn mặt đau thương nhưng hoàn toàn không có một giọt nước mắt nào, hướng về phía tôi, cô nói tiếp:
- Hoàng có biết không? Có nhiều lần đau lòng và uất ức quá tui đâm liều không vân theo lời ông ấy. Tui nhất định không đi đâu, không chịu cất tiếng hát. Tui không muốn bỏ sức ra để nuôi sống một gã đàn ông xa lạ, không cật ruột đã làm hại đời mình một cách vô nhân đạo. Nhưng tui tỏ ra lì lợm chừng nào thì ông ta càng mạnh tay với tui chừng đó. Ổng quật vào người tui túi bụi bằng bất cứ thứ gì ổng cầm trên tay. Có khi ổng bỏ đói tui tới hai ngày. Cuối cùng tui phải... Này, trò, trò coi, ổng ác như thế này đây.
Kim Anh lần tay, kéo vạt áo sau của mình lên, đưa lưng về phía tôi. Nhìn những lằn sẹo ngang dọc trên chiếc lưng nhỏ bé của bạn, tui nhớ đến những trận đòn ngày nhỏ của mình. Ngày xưa tui đã từng rát bỏng, đau xót từng cơn bởi những vết thương tím bầm, sưng tấy như thế đó.
Tôi cắn chặt môi nén tiếng chửi thề và nuốt những giọt nước mắt thương xót sắp trào ra.
Nhẹ nhàng ngồi xuống bên bạn, tôi kéo vạt áo lại cho ngay ngắn, khẽ nói vỗ về:
- Không sao cả đâu. Ít vết sẹo lắm. Chúng mờ hết rồi.
- Vậy mà tui đau lắm đó. Mỗi lần ổng đánh, tui cắn môi đến chảy máu vẫn còn đau. Tui không dám kêu, không dám khóc, vì ổng cấm. Ổng nói tui mà kêu công an biết chuyện, bắt được ổng, ổng sẽ giết tui. Ổng mà giết tui chết, làm sao tui còn ngày trở về Huế gặp mẹ tui được.
Tôi cắn chặt môi hơn. Chửi thầm “Tên khốn nạn! Một ngày nào đó, tao sẽ tìm ra mày. Tao sẽ nhỏ a-xít vào mắt mày. Tao sẽ... bỗng tôi lạnh người, nhớ tới một việc. Nhìn khắp lượt thân hình gầy yếu của Kim An, tôi đột ngột hỏi:
- Kim Anh! Thế... thế hắn ta, cái lão khốn kiếp có... có làm hại gì bạn thêm nữa không?