Chương 29
Dế Mèn

Cô tỉnh lại, trước mắt cô là một người đàn bà có dáng thôn quê, nhưng sạch sẽ. Người ngồi bắt mạch cho cô là một ông lão râu tóc bạc phơ dáng quắc thước. Thấy cô mở mắt, ông hiền hòa nói:
- Cháu tỉnh rồi!
Hoài gượng ngồi dậy, ông lão ra dấu bảo đừng.
- Cháu nằm nghỉ đã!
- Đây là đâu? - Hoài khó nhọc hỏi.
Người đàn bà nói:
- Đây là một làng quê dọc bờ sông Thu. Cô đã mê man suốt một đêm ngày. Sao cô dại dột vậy? Bệnh thì chữa, chết có ích gì?
Hoài đã nhớ ra chuyện đêm ấy. Cô gieo mình xuống dòng nước sông Hàn, từ chiếc cầu bắc ngang sông...
Người đàn bà tiếp tục nói:
- May mà ghe tôi đang rước thầy về, vừa đi tới, vớt được cô lên. Số cô cũng may gặp thầy thuốc giỏi. Cụ Lê Hữu Hậu danh y đất Quảng hết lòng chữa cho cô.
Hoài ràn rụa nước mắt, số kiếp cô thật quá nổi đoạn trường, đến chết cũng không được chết. Những làm sao sống nổi khi cả thể xác linh hồn cô đều bệnh hoạn. Cô nằm bất động, nước mắt thi nhau chảy, không một tiếng nức nở, không một lời rên xiết, cô muốn lịm mình trong cái chết cô mơ ước từ đêm ấy.
Người đàn bà bối rối ngó ông thầy thuốc, ông hiền hòa ra dấu bảo chị đi ra ngoài rồi ôn tồn nói với Hoài.
- Cháu vì lao tâm lao lực mới mang chứng bệnh này, nhưng cháu tìm cái chết không phải vì bệnh mà vì tuyệt vọng một điều gì đó phải không? Này cháu! Chết tuy dễ mà khó, có những cái chết người ta kính phục, có những cái chết người ta chê cười. Cháu còn trẻ, không nên vì một nỗi niềm đau khổ nào mà hủy thân mình, như vậy là có tội với ông bà cha mẹ, có tội với mảnh đất nghèo đã nuôi cháu lớn khôn lên.
Hoài òa khóc nức nở:
- Cháu không có một người thân nào nữa?
Mái tóc bạc phơ cúi xuống bên Hoài, ân cần lời khuyên dỗ:
- Sống có nhiều nỗi đau nhưng cũng không ít niềm vui, miễn cháu đừng xem bi kịch đời mình lớn hơn tất cả. Cháu biết không, như ông đây, một phần tư thế kỷ rồi, tóc bạc khóc kẻ đầu xanh, con ông, cháu ông đều chết vì bom đạn, nhưng ông vẫn vui vẻ sống, lấy niềm vui người khác làm niềm vui cho mình. Này cháu! Cháu thấy không? Tóc ông trắng xóa, mỗi cọng tóc là mỗi nỗi niềm đau, ông bạc đầu không vì tuổi già mà vì quá nhiều đau khổ đến với ông. Hai mươi lăm năm trước, tóc ông đã thế này rồi.
Lời nói của danh y đã khiến Hoài ngừng tiếng khóc, cô quên đi nỗi đau của mình, hỏi ông:
- Ông buồn đến bạc đầu sao ông?
- Ừ, nhưng cháu thấy đó, rồi nỗi buồn nào cũng sẽ qua đi.
Hoài lại thấy như có kim châm muối sát trong lòng.
- Không đâu! Nỗi buồn ấy đeo mang theo cháu đến ngày mất.
Ông thầy thuốc cười rung hàm râu bạc:
- Cháu không chết dễ dàng đâu, khi đã gặp ông. Này nhé! Bây giờ cháu uống sữa, ăn cháo. Lúc khỏe dần hãy ăn cơm. Rồi cứ ở đây, ông trị bệnh cho, cháu biết không? Nắng gió sông Thu là một thầy thuốc thứ hai giúp cháu quên đi chuyện đau đớn trong đời.
Tấm lòng cao cả của người thầy thuốc già khiến Hoài xúc động, cô ứa nước mắt. Cô biết mình không thể quên những gì đã làm tan nát trái tim, nhưng cô cũng biết mình sẽ không tự tìm cái chết từ hôm nay.
Hoài ăn hết chén cháo, uống cạn ly sữa và một chén thuốc đặc quánh đen sì, xong cô thiếp ngủ. Người đàn bà trở vào nói:
- Thưa thầy! Dưới Giao Thủy cho người lên mời thầy đi thăm mạch.
Người thầy thuốc kéo mền đắp cho Hoài rồi nói:
- Con Năm chăm sóc nó cẩn thận nghe. Thầy đi sẽ về ngay.
oOo
Hoài ngồi trên thảm cỏ, nhìn đăm đăm xuống mặt nước sông Thu. Hôm nay trời nắng ấm, cô gội đầu và hong tóc bằng sức nóng mặt trời. Tóc khô, vờn quanh mặt. Hoài soi bóng mình xuống nước, một gương mặt gầy ốm, với đôi mắt sâu thường trĩu buồn, đẫm nước mắt.
Tiếng lòng cô gào thét gọi Nam Hoa. Tại sao? Tại sao anh tàn nhẫn với em đến vậy? Tại sao anh lừa dối em. Nam Hoa! Chẳng thà anh đừng trở lại, để em ôm nỗi chờ đợi và chết trong mỏi mòn. Anh quay về, đưa em vào thiên đường tình yêu, cứu em ra khỏi bệnh tật, rồi cũng giết chết em bằng sự cuồng loạn đêm nào. Nam Hoa! Tại sao? Tại sao?
Hoài đầm đìa nước mắt, ngực tức từng cơn. Cô ho rũ rượi rồi gục xuống bên thảm cỏ bật gào lên tiếng gọi nhức nhối của tim mình. Nam Hoa! Ông Hậu nghe rõ ràng hai tiếng ấy. Ông thấy lòng thương cảm bùi ngùi. Con bé mắc bệnh ngặt, lại thêm tâm bệnh vương mang khó có thể trị lành. Đầu xanh tươi trẻ lụy tình đến vậy thật khổ cho nó.
Ông Hậu đi lại gần, nhìn Hoài gục đầu xuống thảm cỏ thân run rẩy nghẹn ngào, ông cũng muốn khóc. Người thầy thuốc tuổi ngoài bẩy mươi ôm cô gái nhỏ vào lòng an ủi:
- Cháu ơi! Đừng khóc nữa, cháu cứ đau khổ thế này bệnh không dứt đâu. Hãy nghe ông, người bạc tình, vô hạnh thì đừng nhớ, quên thương, còn nó có nghĩa tình nhất định không quên cháu, ráng uống thuốc cho lành, ông đưa đi tìm nó.
Hoài hốt hoảng:
- Không. Không. Cháu không thể gặp lại anh ấy. Anh ấy không còn yêu cháu.
- Nếu vậy, tại sao cháu buồn hoài?
- Vì cháu không thể quên.
Người thầy thuốc ngẫm nghĩ, ông đỡ Hoài đứng lên:
- Ông muốn đưa cháu đến nơi này, cháu đi với ông.
Nơi ông Hậu đưa Hoài tới là một khoảng đất rộng đầy những mả, mới có, cũ có.
Ông dắt Hoài đến trước một ngôi mộ khá lớn.
- Ông kể cháu nghe một câu chuyện về mối tình thủy chung. Người nằm đây, gọi ông là bác ruột, nó có một người chồng nó rất yêu, anh ta không quê quán, nhận quê vợ là quê mình. Ngày đứa con đầu ba tuổi, đứa con thứ hai nằm trong bụng mẹ, thằng chồng đi làm việc nước nơi xa. Bom đạn xối xuống làng quê, ba mẹ con đều chết cả. Hòa bình lập lại, thằng chồng về khóc đến chết giấc bên mộ. Mười sáu năm rồi, nó bây giờ có chức, có quyền vẫn một lòng thương nhớ vợ con, không bước thêm bước nữa. Cháu thấy không? Thương nhớ có nhiều cách, hãy nghĩ xem mình thương nhớ có xứng đáng hay không? Thằng Cương, nỗi đau khổ rất xứng đáng, và người nó thương nhớ cũng rất xứng đáng, nhưng nó vẫn sống vẫn làm việc, không hề bi lụy như cháu.
Hoài run người. Thằng Cương! Có phải người muốn nhìn Hoài là con ruột không? Và đây mộ vợ con ông. Kìa là dòng sông quê hương. Tim Hoài đập mạnh. Thật là một sự tấu xảo lạ kỳ. Mấy hôm nay cô nhìn mãi dòng sông, cảm thấy nó rất quen thuộc với mình từ mạch nước đến cỏ cây. Chẳng lẽ... Hoài run run hỏi ông Hậu.
- Cháu nghe mồ mả qui về nghĩa trang, sao đây nhiều mả vậy ông?
- Đất này thuộc tộc họ Lê, bởi không canh tác được nên mồ mả cả tộc không dời. Hàng năm đến mùa chạp tộc, con cháu về đông lắm. Thằng Cương làm tận Hà Nội, đến ngày đó cũng về, mấy lâu nay nó không về vì vô công tác ở Đà Nẵng. Mỗi lần về, dù mưa hay nắng, nó ngồi bên mộ vợ con suốt ngày.
Trời ơi! Đúng là Lê Cương rồi, người có thể là ba Hoài, và người dưới mộ kia có thể là mẹ Hoài. Ngay từ khi biết nhận thức,, chẳng hiểu tại sao mình biết bơi như rái cá.
Hoài đứng lên, lòng rối rắm trăm nỗi, cô bật hỏi.
- Ông ơi! Chiến tranh có làm sông Thu, à những làng quê thay đổi không ông?
Ông Hậu gật đầu:
- Thay đổi nhiều lắm cháu, lúc xưa thật tiêu điều, giờ đã mười sáu năm rồi, trên những hố bom là ruộng lúa xanh rờn, trên những hầm tránh pháo, nhà nhà lại mọc lên, cuộc sống ngày một khó khăn, nhưng mầm sống vẫn vươn lên từ đất chết. Bây giờ sông Thu trở lại thuở thanh bình xưa.
Hoài nói thật khó khăn:
- Cháu muốn được ông đưa dạo dọc dòng sông được không ông?
- Được! Ông sẽ đưa cháu đi luôn tiện thăm nhà vợ thằng Cương, nhưng cháu phải bận thêm áo lạnh, và hứa với ông không buồn nữa.
- Cháu hứa!
oOo
Ông Cương cho xe chạy về hướng cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ông thấy xe Nam Hoa đậu dưới chân cầu, ở một khoảng đất rộng, ông tấp xe vào, đi lên. Nam Hoa đang đứng giữa Lâm Khải và Thiếu Kỳ mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông. Ông Cương thật buồn phiền, nếu cứ thế này, ngày đoàn kỹ sư giám sát thi công của Chấn Hưng công ty qua Việt Nam, Nam Hoa sẽ không đủ sức và tinh thần làm việc.
Ông lại gần. Lâm Khải thấy ông mừng rỡ lao tới.
- Ông Cương! Khuyên Nam Hoa dùm, anh ấy đứng đây đã hai giờ đồng hồ.
Ông Cương nghiêm mặt nói với Nam Hoa:
- Anh quên mình có mặt tại Việt Nam để làm gì sao? Nếu anh cứ thế này, mọi việc khoán trắng cho Thiếu Kỳ, anh làm sao ăn nói với cha anh và hội đồng quản trị Tổng công ty?
Nam Hoa đưa bàn tay lạnh giá vuốt lấy mặt, gượng cười nói với ông Cương.
- Tôi không sao đâu. Nhưng ở nhà không yên được, lạ thật. Tôi có cảm giác Hoài đang gọi tôi từ dưới lòng sông.
Thiếu Kỳ nổi khùng thật sự:
- Vậy thì cậu nhảy mẹ nó xuống đi, sống làm gì vật vờ vật vưởng như hồn ma bóng quế. Nam Hoa! Tôi thật tiếc cho cậu. Chẳng xứng là người của Bạch gia chút nào, mới một tí đã tuyệt vọng đến vậy. Tôi nói cho cậu biết, Hoài nó yếu đuối hơn cậu nhiều, nhưng không đi tìm cái chết thế đâu.
- Sao anh biết? - Nam Hoa hỏi thật ngớ ngẩn.
Thiếu Kỳ quát to:
- Vì ba ngày rồi, nếu cô ấy chết, xác đã nổi lên rồi, và khắp Quảng Nam không có tin báo tử vô thừa nhận, hiểu chưa?
Lâm Khải thấy Thiếu Kỳ giận phát run thì lắc đầu, anh choàng vai Nam Hoa kéo đi dọc xuống cầu vừa đi vừa nói chuyện.
- Nam Hoa nè! Anh nói Hoài thông minh, nhân hậu lắm mà. Cô ấy sẽ suy nghĩ thôi, và hiểu ngay có chuyện hiểu lầm.
- Cô ấy trong trắng lắm, không thể hiểu hết mọi bỉ ổi, bẩn thỉu ở ngoài đời.
- Cô ấy hai mươi tám tuổi rồi, dù gì cũng từng trải, lăn lộn giữa đời từ thuở nhỏ, chuyện gì lại không biết?
Nam Hoa xót xa:
- Tấm thân cô ấy lắm nỗi đọa đày, nhưng tâm hồn ngây thơ lắm, anh biết không?
Họ đi hết cây cầu đến bãi đậu xe. Lâm Khải ôn tồn:
- Giờ mình về nghỉ, sáng mai anh cần thật tỉnh táo chở tôi đi các vùng lân cận tìm Dế Mèn.
Hai chiếc xe về nhà khách Danamexco. Tử Giang, Thủy Tiên chạy ra đón, nói ngay:
- Có điện từ thành phố đánh về cho anh Nam Hoa, nói anh ra phi trường lúc 10 giờ sáng mai đón ba má anh.
Nam Hoa tỉnh táo ngay, anh chạy lên lầu, vồ lấy điện tín đọc nhanh nội dung. Thiếu Kỳ lên sau hỏi:
- Ổng bả qua hả?
- Ừ, chẳng biết có chuyện gì.
- Còn chuyện gì ngoài chuyện này.
Nam Hoa nhíu mày:
- Ai nói nhỉ?
Thiếu Kỳ nhún vai:
- Đi đón thì biết ngay. Nam Hoa! Cậu đi ngủ sớm đi, uống thuốc vào, phải có bộ mặt tươi tỉnh đón ổng bả, nếu không thì gay.
Thấy Nam Hoa lật đật vào phòng, ông Cương nhận xét:
- Anh ta rất hiếu thuận.
Thiếu Kỳ nối lời:
- Cũng rất ương ương, ông có tưởng nổi không? Mười sáu năm, căn phòng cậu ấy chưa ai dám đặt chân vào. Cậu ta cấm, và bà mẹ cũng đành chịu.
- Tại sao?
- Cậu ta vẽ hình Dế Mèn bằng trí tưởng tượng suốt mười sáu năm trên vách, mỗi năm một bức, bức sau lớn hơn bức trước, cậu ta không muốn ai nhìn Dế Mèn của mình, lại một điều là cậu ta vẽ Dế Mèn lúc lớn lại giống Hoài bây giờ.
- Tại sao anh thấy?
- Tôi tò mò, tôi đã đột nhập vào.
Nói xong, Thiếu Kỳ ngó bâng quơ qua Thủy Tiên và Tử Giang, thấy hai người đứng sát nhau rì rầm trò chuyện thì mỉm cười hỏi ông Cương:
- Ông có thích một tách cà phê?
- Không! Tôi về nghỉ, sáng mai phải đi về quê sớm.
- Để làm gì? Có ai chờ ông ở đó à?
- Có. Nhưng là người đã chết.
- Vợ con ông à? Xin lỗi, tôi có nghe Nam Hoa nói.
- Vâng, vợ con tôi. Tôi về để xin bà ấy phù hộ cho tôi tìm ra đứa con lưu lạc hai mươi năm về trước.
- Là.... - Thiếu Kỳ sửng sốt há miệng.
- Hồ Thị Bạch Hoài! Con gái tôi và người yêu của Bạch Nam Hoa.
Ông Cương đi rồi, Thiếu Kỳ còn há hốc miệng nhìn theo. Trời đất! Chuyện gì thế này?
Hoài là con của người đàn ông này? Ôi! Trên đất nước này sao lắm chuyện lạ kỳ?