Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 20

Bức thư mà tôi nhận được ngày hôm ấy là của người Hungari duyệt  bản thảo quyển tiểu thuyết nhan đề Wanda của tôi. Ông muốn nói chuyện với tôi về cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi gọi điện thoại cho ông ta và một giọng đàn ông dịu dàng, thân mật trả lời tôi. Ông ta mời tôi đến gặp ông. Buổi chiều ngày hôm sau, tôi mới biết được trước kia ở Budapest, ông là một nhà văn  có tiếng và một trong những tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tôi nhớ lại bố mẹ tôi thường nói đến ông, có một lần mẹ tôi đã mô tả ông ta là một người đàn ông trẻ trung tóc đen, lần lượt có đến ba bà vợ là những diễn viên tên tuổi người Hungari.
Chúng tôi đã hẹn gặp vào sáng ngày mai và tôi đã không có được một chút khả năng nào để làm đỏm đôi chút. Thân hình mạnh mẽ, nặng nề của tôi càng thêm rõ nét hơn trong cái áo măng tô chật hẹp một cách kỳ cục. Tôi không có son để tô môi và tôi đã phải làm một búi tóc nhỏ để che  dấu mái tóc dài của tôi.
Toà nhà nơi ông ta đang ở thật là sang trọng, cầu thang trải thảm đỏ, thang máy, cửa lớn của căn hộ có gắn nút bấm chuông đánh bóng sáng loáng. Tôi bấm chuông, một bà bồi phòng mở cửa
Bà muốn gặp ai?
Ông Gindy.
Ông có hẹn gặp bà?
Có.
Bà vui lòng đợi một chút.
Bà bồi phòng  biến mất và tôi rất xúc động. Người ta có thể sống lưu vong và không nghèo nàn.
Bà bồi phòng trở ra và đưa tôi vào trong một gian phòng lớn trang trí đồ đạc lộng lẫy, nơi đó một người đàn ông tóc bạc đứng lên khỏi chiếc ghế phô tơi ông ta đang ngồi.
Chào cô – ông ta nói với tôi bằng tiếng Hungari và nói thêm với vẻ gần như lạ lùng - Cô trẻ một cách dễ sợ! mời cô ngồi.
Tôi ngồi xuống và nhìn ông ta mà không giấu diếm sự tò mò của chính mình.
Ông ta cao lớn, thanh nhã, mặc áo dài lụa, và những thức ăn còn thừa của bữa sáng đặt trên một cái khay bằng bạc, trông chẳng khác nào một bức tranh tĩnh vật. một cách vụng về, tôi muốn nói với ông ta rằng tôi tưởng tượng ông ta trẻ hơn. Khi ông ta mở một nụ cười vui vẻ, ranh mãnh mà không tự phụ trên khuôn mặt của ông, thì quả thật nó đã làm cho ông trẻ lại.
Ông ta lấy một điếu thuốc và một cách máy móc, tôi đã tìm thấy  cái khăn tay của tôi, tôi thấy không chịu được mùi thuốc lá.
Và tôi – ông ta nói – tôi chờ đợi gặp sáng nay một người đàn bà bất hạnh, tác giả của Wanda với vô số tình nhân của nàng! Thế mà tôi lại thấy cô, một cô gái mảnh khảnh, trẻ một cách ngạo mạn.
Ông ta không thấy rằng tôi có bầu. Con người lỗi lạc ấy, đã quen biết những người đàn bà xuất chúng biểu diễn trên sân khấu, không bao giờ có con.
Ông ta hỏi tôi:
Cô bao nhiêu tuổi?
Hai mươi hai…Ông đã đọc quyển tiểu thuyết của tôi chưa?
Dĩ nhiên là tôi đã đọc và tôi thấy rất hay.
Gian phòng hình như quay cuồng chung quanh tôi và tôi cảm nghe tiếng nói của ông ta.
Cô bị bệnh sao?
Không, tôi sung sướng, chắc ông biết, tôi nóng lòng chờ đợi ông trả lời.
Tôi đã nói với nhà xuất bản phải cho dịch ra tiếng Pháp. – ông Gindy nói tiếp.
Tôi ngắt lời ông, hớn hở:
Tôi sắp viết một quyển khác nữa.
Cô không cần phải vội vàng, vấn đề xuất bản rất khó khăn..nhất là đối với một tác giả còn trẻ! Nhưng tôi tin cậy cô – ông nói thêm với một nụ cười lịch sự.
Và đột ngột, ông nghiêng về phía tôi, hỏi tôi bằng một giọng thân mật:
Bằng cách nào cô đã có ý nghĩ viết truyện ấy?
Tôi đã trả lời ông ta một cách thành thật và hoàn toàn quên khói thuốc của ông đang hút:
Ông Gindy, tôi đã gặp một người đàn ông như nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết của tôi, nhưng tôi đã hư cấu vô số điều…
Chúng tôi nói chuyện trong nửa giờ và nửa giờ ấy đối với tôi là giai đoạn khởi đầu của một cuộc đời mới. một người nổi tiếng, một nhà văn thành đạt tin cậy tôi. Trước khi tôi từ giã, ông ta cho tôi một trong những quyển sách của ông ta đã được xuất bản, một sách viết bằng tiếng Pháp, với câu đề tặng "Tặng một bạn đồng nghiệp trẻ, với tất cả tình bạn của Gindy"
Với từ "đồng nghiệp", ông đã phong danh hiệu nhà văn cho tôi.
Trong những tuần tiếp theo, tôi đã gặp ông ta nhiều lần và một tình bạn đã phát sinh. Tôi nói với ông rằng tôi rất khâm phục ông, bởi vì ông không nghèo nàn như tất cả những người Hungari mà tôi quen biết ở đây. Ông đột nhiên có vẻ sửng sốt. Ông nói:
Nhưng cô đừng tưởng rằng đây là nhà của tôi, tôi thuê một phòng ở đây trong toà nhà này, người ta mang đến đây bữa điểm tâm của tôi, họ biết rằng tôi không bao giờ thức dậy trước mười giờ, họ là những người tốt, nhưng cô đừng tưởng rằng cuộc sống dễ dàng đối với tôi.
Ánh mắt băn khoăn dừng lại trên một bức tranh khác thường.
Vật duy nhất mà tôi còn giữ được từ Budapest – ông ta nói với tôi và giọng của ông căng thẳng một cách lạ lùng, như giọng của một người sắp khóc.
Bức tranh miêu tả một thiếu phụ ngồi quay lưng, thân hình mảnh khảnh, khoả thân, mặt nhìn nghiêng về hướng một phong cảnh mờ nhạt. Bức tranh ấy gợi những kỷ niệm êm đềm, đó là sự hiện diện của một người đàn bà, sự hiện diện của một người đàn bà bất diệt.
Ngay cả trong trường hợp tôi phải chết đói, tôi cũng không  bán bức tranh ấy – ông Gindy thường nói như thế và hai vai thơ ngây của người đẹp mong manh ấy là tượng trưng của tình yêu.
Ông Gindy it nói đến các bà vợ trứ danh của ông. Ông đã sống quá gẫn gũi với họ trong nhiều năm dài, đến nỗi ông không thấy họ phi thường đến thế.
Tôi đã nói cho ông biết tôi đã có chồng và có một lần tôi đưa Georges đến gặp ông. Tôi chờ đợi câu trả lời dứt khoát của nhà xuất bản.
Tôi sẽ viết các quyển tiểu thuyết sau này của tôi bằng tiếng Pháp – tôi nói đã nói như thế với ông Gindy và ông trả lời:
Cô còn rất trẻ, chắc chắn cô sẽ thành công thật sự..
Ông không bao giờ biết chúng tôi đang chống chọi với những nỗi lo âu nghiêm trọng.
Một hôm, tôi thấy bức tranh của ông biến mất. Ngày hôm ấy ông xanh xao một cách dễ sợ, tôi không dám hỏi. Khi từ giã, ông nói với tôi:
Tội nghiệp nhà văn trẻ…cô đang đợi ngày sinh một đứa con..
Chúng tôi siết chặt tay nhau thật lâu. Ông ta nhìn lên chỗ trống của bức tranh trên tường.
Vận may đến với hình thức một bức thư ngắn gởi từ nước Bỉ. Người bạn trung thành của chúng tôi đã không quên chúng tôi. Trong thư ông cho chúng tôi biết ông gửi tiền đi đường đến cho chúng tôi và nói rằng những bạn bè người Bỉ của ông đã cảm động cho số phận của chúng tôi, nên mời chúng tôi đến ở trong một lâu đài. Người ta cũng dành cho Georges một việc làm và đã sắm trước cho đứa bé nào nôi, nào tã lót…
Chỉ một lát là chúng tôi sắp xếp xong áo quần vào trong va li bằng cạc tông cứng. Tôi trả lại chìa khoá phòng, nồng nhiệt cám ơn ông bà chủ nhà đã có lòng tốt đối với chúng tôi. Khi sắp ra đi, tôi mới biết một chiếc xe cứu thương vừa mới chở bà gác cổng vào một bệnh viện tâm thần.
Hình như bà ta điên – những người ở tầng tám nói.
Tôi đau lòng. Tôi không biết có phải bà gác cổng tốt bụng đã phát điên vì sự đời và lòng người ở chung quanh bà hay không. Nhưng tôi sẽ luôn luôn giữ kỷ niệm khuôn mặt của bà những lời bà đã nói với tôi "Cô ơi, có một phòng rất xinh ở trên tầng thứ tám…Phòng ấy đang được bỏ trống đấy".
Trên xe lửa, tôi nói với Georges:
Con của em sẽ được chào đời một cách an toàn.
Anh cười ngặt nghẽo, như thể đây là một trò đùa của học sinh trung học:
Em luôn luôn nói "con của em"…
Tôi đỏ mặt và cắn chặt răng để vượt qua cái biên giới đầu tiên mà tôi đến được một cách hợp pháp.