ã lâu lắm Thương Huyền mới lại có cảm giác ấm áp yên lành. Ra Bắc với Hoàng Kỳ Nam đúng vào dịp dân làng đón mừng danh hiệu anh hùng nên cả làng cả xã đều vui. Đã bảo Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng quả không sai. Cá nhân anh hùng, tập thể anh hùng, cả nước anh hùng. Hai mẹ con Thương Huyền ngỡ ngàng chứng kiến không biết bao điều khác lạ với đời sống của Thương Huyền và Ngọc Lan lâu nay. Nhất là anh chàng rể người Mỹ có đôi mắt vừa thông minh vừa ngây ngô đến nực cười. Bữa liên hoan hôm qua anh ta hứng chí khoe với vợ rằng thế giới này không có nơi nào lại có một cộng đồng dân cư đặc biệt tình cảm mà chân thật vui vẻ như ở đây. Người nhận vai trò chủ đạo điều hoà mọi mối quan hệ từ mấy ngày nay là nhà văn Hoàng Kỳ Nam. Sự mâu thuẫn căng thẳng ngày đầu giữa tướng Hoàng Kỳ Trung và Thương Huyền nay đã được giải toả, khiến cho bữa tiệc lúc này giống như bữa tiệc cưới.Vừa sáng ra Măng đã cười rúc rích mang sang ấn vào tay Thương Huyền bộ áo dài bảo:- Chị Thương Huyền bữa nay thử mặc quần áo kiểu miền Bắc chúng em xem có đẹp không. Thương Huyền cười vui đi thay quần áo mới ra đứng trước gương. Ngọc Lan ngắm mẹ nhấp nháy cặp mắt sung sướng khen:- Má mặc bộ đồ mới này còn trẻ hơn cả con mẹ đấy.Vợ chồng tướng Trung mượn luôn đội dao thớt ngày hôm qua làm cỗ. Khách mời ngày hôm nay còn có cả gia đình ông Đỗ Hiền. Hồi cậu Đỗ Hiền mới dẫn gia đình từ Mỹ về, Hoàng Kỳ Nam đã đóng vai chủ đạo dàn hoà mọi quan điểm trái ngược giữa bố và cậu. Bố và cậu Đỗ Hiền căng thẳng bởi kẻ chiến bại, kẻ phản động, kẻ tra tấn bắt mình vào nhà giam Mỹ Nguỵ giờ lại giàu sang ban ơn cho tất cả dân làng. Còn tiếng tăm oai hùng như Tướng Hoàng Kỳ Trung về làng lại sụi mụi không bằng mấy mẹ con bà Cháo chân đất mắt toét, giờ lại có ô tô bóng lộn chạy vun vút trên đường làng Đoài. Còn người đổ xương máu trên chiến trường như Đào Vương giờ lại phải ngồi ru rú trên xe lăn nhìn ra cầu sông Đình tiếc nuối thời trai trẻ vẫy vùng lặn ngụp bóp vú lũ con gái làng Đoài. Cuộc đời thế mới vui, thế mới thấm thía nỗi buồn. Lão Khi thỉnh thoảng lại chống gậy ngửa măt nhìn trời thích thú cười khà khà thốt lên những lời lẽ lão chắt chiu suy ngẫm đúc kết cả đời mới có được. Bữa nay lão Khi phấn trấn được gia đình vợ chồng vị tướng mời dự tiệc.- Dạo rầy mấy cha chặt chém xem ra vớ bẫm, hết tiệc xã tiệc làng, nay lại đến tiệc gia, ha ha...Lọc cọc chống gậy vào tới sân giếng, lão Khi đã cất giọng vui vẻ sóc mấy tay dao thớt đang sắp cỗ mấy câu thế mà hay đáo để. Lão giơ cây gậy gõ canh canh vào chiếc mâm đồng để trên sân giếng báo hiệu mọi người hãy nghe lão nói đây. Xem ra trời đất đã đổi thay rồi ha, lâu lắm gia tộc Hoàng Kỳ mới lại có tiệc tùng thế này ha. Lão là lão thèm được xem cái cảnh ngày xưa Kỳ Bắc đánh xe ngựa ngất ngư về làng đãi dân làng Đoài ta bữa hát cô đầu, thả đèn giời.- Tối nay lão có thích, Đào Kinh tôi đãi hai chục cây đèn giời để cụ đốt chơi. Đào Kinh cười tiếp lời lão Khi.- Thằng nào mà chơi sang vậy? Lão Khi giương mục kỉnh lên nhìn Đào Kinh, tưởng ai hoá ra lại vẫn là Đào Kinh! Bái phục, bái phục. Mẹ Kiếp hoá ra thằng Đào Kinh lần nào về làng cũng xôm trò. Ngày xưa nó đi ở cho Kỳ Bắc nên cũng học được tính khí đại trượng phu của Kỳ Bắc.Lão Khi đang say sưa thì gia Đình Đỗ Hiền rồng rắn kéo đến, người nào cũng áo quần sang trọng phong lưu lịch sự nói lên sự giàu có đủ đầy, người làng Đoài trăm năm nữa chưa chắc đã vươn tới được. Đỗ Hiền thay mặt cho con cháu đi bắt tay chào từng người với thái độ rất khiêm nhường từ tốn. Một lời ông anh bà chị tôi, hai lời cháu Hoàng Kỳ Nam tôi dẫn bạn cháu ở mãi miền Nam ra, được bà con xóm làng đến chung vui thế này rõ quý hoá.- Kính chào ông Đỗ Hiền, Đào Kinh bắt tay Đỗ Hiền thể hiện lòng nhiệt tình, tự tin của mình, chiều qua tôi đã được ông cho viếng thăm cảnh chùa Đông, công trình mà ông đã có công lớn. Đào Kinh làng Đoài tôi tỏ lòng khâm phục sự tính toán thâm sâu của ông trước thời đại. Đào Kinh quàng qua vai Đỗ Hiền nói khẽ không để tướng Trung nghe thấy: Vậy là làng Đông các ông hơn đứt làng Đoài chúng tôi rồi. Làng Đông đã có Chùa, còn làng Đoài chúng tôi bao giờ mới có Đình. Mỗi làng chúng ta có được vài ba mạnh thường Quân như ông thì làng được nhờ đấy.- Ông cũng thuộc hàng ngũ các đại gia, cũng may mà làng Đoài còn có những người như ông, trước sau làng Đoài cũng xây dựng lại được ngôi đình Đoài.- Trụ sở Đảng còn đang sừng sững ông lại dám bảo xây đình sao? Đào Kinh cười, nói vui vậy thôi, bọn tôi tiêu tiền Việt sao lại với tiền đô của các ông được. Đào Kinh liếc mắt nhìn mọi người xem có ai để ý nghe mình đang nói. Mẹ Kiếp giá mà mỗi làng đều có lấy dăm ba thằng phản bội như ông Đỗ Hiền thì bây giờ dân làng đỡ khổ.- Ông ăn nói liều mạng vậy? Anh chị Yến Quyên tôi nghe thấy phiền lắm.- Tôi nói không đúng sao? Làng Đoài tôi chuyến này cũng đang cố gắng vận động mọi nguồn lực để xây lại ngôi đình làng. Làng Đông ông xây lại chùa, làng Đoài tôi xây lại Đình, thế là hai làng Đoài- Đông ta vừa có đình vừa có chùa chả sướng sao.- Đất đình Đoài bây giờ là nhà Đảng Uỷ làm sao các ông lấy lại được?- Vua còn rời đô huống chi đây chỉ là ngôi nhà cũ kỹ tường trần mục rữa sắp đổ đến nơi. Chuyển trụ sở đảng đi chỗ khác, xây lại kiểu dáng mới, hiện đại hơn, to đẹp hơn chả sướng. Thế kỷ hai mốt rồi chứ có phải cái thời u mê tỳ quốc khốn khổ xưa nữa đâu mà ông sợ.Đào Kinh biết Trần Tăng nghe rõ câu nói của mình nhưng không có phản ứng gì, liền cao giọng khích bác:- Ông Đỗ Hiền thấy chưa, tôi nói thế nhà tư tưởng siêu việt như Trần Tăng ngồi đây còn thấy phải thì ông còn ngại gì.- Thôi tôi lạy bố, Trần Tăng khua chân đá Đào Kinh một cái, ông không ngại tôi thì cũng phải nể mặt tướng Trung, ông quá trớn rồi đấy, ông nói với tôi thì được, nhưng với người nhận thức không đến nơi đến chốn nó gô cổ bỏ tù ông có ngày.- Thì ông đã cho tôi xơi cơm tù mười năm rồi đấy thôi. Đào Kinh cười hơ hớ đá lại Trần Tăng một cái.Tướng Hoàng Kỳ Trung bữa nay ăn mặc đúng kiểu nhà binhh. Ông tự hào giữ gìn bộ quần áo cấp tướng của ông còn mới tinh, mặc hết đời vẫn còn đẹp. Hôm nay ông là chủ nhân của bữa tiệc, ông phải thể hiện sự oai phong nghiêm túc của mình trước mọi người- Đặc biệt trước Trần Tăng, kẻ đã giết bố mẹ ông, trước Đỗ Hiền, cậu em vợ phản bội tổ quốc đã tra tấn ông trong nhà tù Mỹ Nguỵ giờ hồi hương dân làng coi như một vị cứu nhân độ thế, trước Đào Kinh, kẻ cày thuê cuốc mướn cho nhà ông giờ đã thành tỷ phú- tất cả, tất cả đều dưới tầm ông. Chỉ có tướng Hoàng Kỳ Trung mới thực sự chính danh người anh hùng của thời đại. Từ hôm ngồi trên ghế đoàn chủ tịch trong ngày hội, trong bữa tiệc Đào Kinh đãi dân làng Đoài, ông đã nảy ra ý định bàn với vợ làm bữa tiệc hôm nay. Từ ngày vị tướng về hưu, Yến Quyên chưa bao giờ thấy chồng vui như hôm nay. Ông bảo Yến Quyên phải mặc áo dài, bộ quần áo mầu tím Huế ông may tặng vợ ngày mới giải phóng, nay Yến Quyên mặc vào nom đẹp đến ngỡ ngàng. Mỗi lần nhìn vợ mặc bộ quần áo dài tím Huế ông may, ông lại thấy lòng mình xao động. Nhất là trong lúc này, Yến Quyên là niềm tự hào của ông. Không tự hào sao được khi ông biền biệt năm tháng chiến tranh, Yến Quyên đã giữ trọn lòng thuỷ chung sắt son với chồng, nuôi Hoàng Kỳ Nam trưởng thành. Ông vẫn thường nịnh vợ bằng câu nói giáo huần: Em xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang. Và lúc này hơn bao giờ hết ông thầm tự hào, kiêu hãnh dắt tay vợ đến chào cảm ơn từng người. Ông muốn nói cho Trần Tăng, Đào Kinh biết, tiền của ông không có, nhưng cái mà vợ chồng ông có, Trần Tăng và Đào Kinh mãi mãi không bao giờ có được. Cho dù mái tóc dài óng mượt xưa giờ đã trắng bạc, Yến Quyên vẫn dịu dàng đi bên chồng tự tin đến đứng trước Trần Tăng và Đào Kinh.- Mấy mươi năm rồi, gia đình vợ chồng tôi mới lại có dịp được tiếp đón thầy trò nhà lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước, Yến Quyên nói, tôi có cảm nhận như thể trời cố tình xếp đặt cho chúng ta được gặp mặt nhau. Và trời cũng thương tình cho cháu Hoàng Kỳ Nam nhà tôi gặp được người nó yêu quý. Đành rằng số kiếp chúng nó đều dở dang muộn màng nhưng thà muộn mà hạnh phúc còn hơn suốt đời cô độc một mình. Bởi thế cho nên...- Thôi, mình nói chuyện đó làm chi, có khách đến kìa, tướng Hoàng Kỳ Trung nói khi nhìn thấy bà Cam và Măng đang đẩy Vương ngồi trong xe lăn vào tới đầu ngõ. Mọi ánh mắt đổ dồn vào Đào Vương ngồi trên xe lăn cười rạng rỡ.- Người Hùng làng ta bữa nay oách ghê, lão Nhinh cười hể hả tay xách can rượu từ trong nhà ra rót vào các chai chia đều cho từng mâm.Hoàng Kỳ Nam bế thốc Đào Vương ngồi vào ghế cạnh Ngọc Lan và Thương Huyền. Người làng Đoài đâu có ngờ từ hôm Đào Vương biết Hoàng Kỳ Nam dẫn hai mẹ con Thương Huyền về, lòng người hùng cứ rộn rạo không yên. Đào Vương đã tưởng mình được ra mắt nhận con Ngọc Lan từ bữa tiệc hôm qua tại nhà văn hoá thôn trước sự chứng kiến của dân làng Đoài. Lúc này ngồi giữa hai mẹ con Thương Huyền, Vương thấy lo ngại. Biết được sự thực nghiệt ngã này liệu Thương Huyền và Ngọc Lan có chịu nổi không? Con Ngọc Lan có chịu nhận Vương là bố? Từ bữa ra Bắc, nay Thương Huyền mới lại có dịp ngồi vô tư tiếp chuyện Đào Vương.- Tôi cũng chỉ vừa mới biết tin hai cụ nhà trong ấy và anh Đức Thịnh đã mất. Đào Vương thương cảm nói, tôi xin chia buồn với gia đình. Thời gian qua nhanh quá, đã mấy chục năm rồi. Tôi cứ nghĩ chả bao giờ còn gặp lại được hai mẹ con Thương Huyền nữa.- Em cũng chỉ mới khỏi bệnh ít ngày, nghe anh Nam nói mấy năm trước anh cũng có vô thăm gia đình em trong ấy mà em thì chẳng biết chi. Nếu Không được anh Nam vào chăm sóc, đời em đâu được như ngày nay.- Ngọc Lan có còn nhớ bác Vương không? Thương Huyền bất chợt hỏi con Ngọc Lan, Bác Vương đây là bạn chiến đấu cùng ba Nam con trong ấy đấy. Thực tình con chỉ được gặp bác Vương hai lần, một lần trên chợ Gốc Mít, một lần ăn mừng chiến thắng tại nhà ta con nhớ không?- Lâu quá rồi con nhớ sao nổi, Ngọc Lan nói, chỉ có điều nhìn thấy bác đây, con lại nhớ tới bác Thịnh con trong đó hồi bác còn sống cũng suốt ngày ngồi trên xe lăn.- Chiến tranh mà con. Đào Vương nhìn hai mẹ con Thương Huyền xúc động nói, có bao giờ con nghĩ sẽ về hẳn Việt Nam không?- Con cũng chẳng biết nữa, Ngọc Lan nói, chuyện này còn phụ thuộc chồng con, phụ thuộc ba Nam có vô sống với má con trong đó không.Khách đã đến đông đủ, cỗ đã được bày ra hai dãy bàn trong nhà, và bốn dãy bàn ngoài sân, tất cả là mười hai mâm. Măng xốt xắng lo sắp xếp cỗ bàn đon đả mời chào khách. Biết trước được mục đích ý nghĩa của bữa tiệc hôm nay, gia đình Hoàng Kỳ Trung còn dành cho anh Vươn một niềm vui to lớn làm Măng bồn chồn.Tướng Hoàng Kỳ Trung cùng Yến Quyên đến từng bàn nâng cốc chúc rượu cảm ơn mọi người. Hoàng Kỳ Nam xắp xếp cho ba mẹ con bà Cam, Đào Vương và Măng ngồi cùng mâm với hai vợ chồng con Ngọc Lan và bé Gion. Bà Cam cảm động không nghĩ đến chuyện ăn uống xoắn xuýt bên hai mẹ con Ngọc Lan, bế bé Gion cho Ngọc Lan được nói chuyện với Vương. Bà phấp phỏng nghe hai bố con Vương nói chuyện. Măng ngồi cạnh Tim, chồng Ngọc Lan tiếp chuyện bằng tiếng Anh khiến anh chàng người Mỹ cảm phục. Riêng Thương Huyền, Nam cố tình bố trí ngồi với Tuyết, với Đào Kinh và Trần Tăng, nói là để mọi người muốn được làm quen với Thương Huyền. Mới qua vài tuần rượu, không khí sôi động hẳn. Lão Khi cao hứng nói:- Làng Đoài ta năm nay có nhiều chuyện vui, gia đình tướng Trung còn nhiều chuyện vui hơn. Nhưng vui nhất vẫn là anh Nam ha ha. Anh Nam bỏ cô chủ tịch xã mình kể cũng tiếc thật nhưng nay dẫn được người bạn gái xinh đẹp về ra mắt bố mẹ họ hàng bà con xóm làng thế này thì cũng đáng mặt trai làng Đoài rồi. Cô chủ tịch xã mình cũng phải nâng cốc chúc mừng hai người chứ.- Đúng vậy, cụ Khi nói chí phải, tất cả chúng ta nâng cốc, trưởng thôn Đáo nói.- Vậy lão già cứ hỏi thật, sau cuộc vui này anh chị lại bỏ làng này ra đi đúng không?- Báo cáo cụ, vì hoàn cảnh, các cháu vẫn phải ra đi, Yến Quyên nói, được cái thời buổi bây giờ hai miền Nam Bắc thông thương, tuy xa mà vẫn gần đấy ạ.- Biết thế rồi, ý tôi muốn nói về lâu về dài, cái ngôi nhà này, cái mảnh đất gia tộc Hoàng Kỳ này, tới đời anh Hoàng Kỳ Nam thì ai cai quản? Chả lẽ lại bỏ không à?- Cụ ơi, cụ lo xa quá đấy, trưởng thôn Đáo lại lên tiếng, thời buổi bây giờ đến như con bé Nở xi ca vâu nhà mụ Vườn còn đòi lấy chồng ngoại quốc nữa là. Thế giới người ta đang tìm cách lên mặt trăng, lên sao Hoả định cư mà cụ lại bắt con cháu quay về làng Đoài cày ruộng sao?- Được, trưởng thôn Đáo quả là tiến bộ, lão già này bái phục. Nhưng lão già này nói cho mà biết nhá, lúc đói khát, khi trẻ trung như các anh còn muốn bay nhẩy đó đây, tới lúc già như lão thì chỉ thích gần bà lão làng Đoài này thôi. Ví như ông Đỗ Hiền nhà ta đây. Tôi nói thế có đúng không ông Đỗ Hiền?- Cụ nói chí phải, Đỗ Hiền xác nhận, nếu con người ta thời trai trẻ ai cũng nghĩ thấu đáo được mọi điều thì tốt biết bao nhiêu.Trần Tăng ngồi lặng cạnh Tuyết ngơ ngơ nhưng lại nghe thấu mọi chuyện, mà chuyện gì cũng thấy dính dáng đến mình. Mấy mươi năm, trần Tăng chẳng khi nào để ý tới những chuyện vớ va vớ vẩn mà bây giờ xem ra lại quan trọng. Đành rằng bữa nay Trần Tăng vẫn được trọng vọng ngồi cùng mâm với bậc lão làng như cụ Khi. Lão Khi thi thoảng lại đá đưa vài câu làm Trần Tăng cứ giật mình thon thót. Lão Khi chẳng còn ăn uống được bao nhiêu, mắt mũi kèm nhèm đùn đầy gỉ mà lão vẫn tinh tường soi mói đủ mọi chuyện từ đời tám hoánh vẫn nhớ. Hai bàn tay lão Khi lòng khòng run rẩy rờ lần vào mép bàn, lão búng bục bục lên mặt bàn, miệng cười hả hê lý sự:- Các người có biết chiếc bàn này gỗ gì không? Vàng tâm đấy, quý hơn cả lim.- Cụ khi lẩm cẩm rồi, đang ăn cỗ lại nói chuyện gỗ lạt bàn ghế làm quái gì? Ông Ban phòng thuế ngồi mâm bên cạnh nói khẽ mà lão Khi vẫn nghe thấy.- Loại như anh biết đếch gì chuyện thế sự, lão Khi nóng mắt nói, anh là thằng phòng thuế chỉ giỏi ăn chặn mấy bà buôn mắm tôm dưới chợ Huyện và uống quỵt rượu quán mụ Ruốc ngoài dốc cầu Đình Đoài tôi còn lạ. Tôi nói tới cái bàn này là có căn nguyên, nói tới cái giá trị về lịch sử văn hoá tinh thần của nó đối với con người. Đến vợ chồng tướng Trung đây chưa chắc đã để ý cái bàn này đã có từ trước thời ông Hoàng Kỳ Bắc nhà ta. Nó chính là chiếc án thư được sơn bằng sơn Ta nên mới bền thế này đây. Chính tay lão kê chiếc bàn này bày lễ cưới cho vợ chồng tướng Trung với cô Yến Quyên đấy nhá. Và cũng chính chiếc bàn này cô Yến Quyên đã phải vụng trộm sắp lễ tế ông bà Hoàng Kỳ Bắc vào cái đêm kinh hoàng ấy cô Yến quyên còn nhớ không? Chính anh Trần Tăng đây chứ ai, ngày ấy anh chả tuyên bố cấm không được hương khói cũng lễ thờ phượng bọn việt gian phản động cường hào ác bá là gì.- Cụ Khi ơi, chuyện cũ mèm còn nhắc lại làm gì. Trưởng Thôn Đáo nói.- Không có cũ sao có mới, lão Khi sịt mũi lý sự, chuyện cũ mà sâu sắc còn hơn chuyện mới tầm phào đếch có ý nghĩa gì. Anh Đào Kinh và anh Trần Tăng còn nhớ chính chiếc bàn này anh Đào Kinh đã kê ở góc sân kia làm bàn chủ toạ cho anh Trần Tăng phát động đấu tố địa chủ Hoàng Kỳ Bắc anh quên rồi sao? Tôi vẫn nhớ tối ấy anh Trần Tăng lồng lộn đe doạ kẻ nào viết bậy tên anh trong chuồng xí và vẽ hình anh lẹo nhau trên tấm bia thông tin ngoài đầu cầu. Đến bây giờ tôi đếch còn sợ phải nói ra chuyện này, mọi người có đoán ai đã làm chuyện ấy không? Hề hề... chính lão đấy, lão vẽ hình ông Đội lẹo nhau để cảnh tỉnh đám đàn bà con gái làng Đoài mình ha ha...- Đề nghị cụ khi không được nói tục, tay Nhinh tiết canh ngồi mâm dao thớt chọc tức lão Khi. Đám đàn bà con gái bịt miệng cười khúc khích. Yến Quyên bấm vào sườn lão Khi mà lão cứ làm ngơ. Lão Khi vẫn say sưa nói:- Còn cái nguyên nhân lão viết bậy trong chuồng xí là bởi vì lão bị táo bón đếch đi được cứ phải ngồi mãi trong ấy nên lão mới tức khí viết chơi vậy chứ có âm mưu mẹ gì đâu. Thế mà anh Trần Tăng lại bảo đấy là âm mưu của bọn quốc dân đảng chống phá cách mạng. Nhưng thú thực, nghe Trần Tăng tối đó nâng quan điểm, lão cũng sợ ngồi co dúm vào góc sân kia, vô phúc có ai tình cờ phát hiện được tố cáo lão thì lão ăn án tử hình là chắc.Câu chuyện vui của lão Khi khiến mọi người cười chảy nước mắt. Trần Tăng điếng người, ngồi ngây ra không sao cãi được nửa lời trước lão già quỷ quyệt. Trần Tăng không ngờ đời mình lại gây nhiều chuyện liên quan đến đời sống tinh thần làng này đến vậy. Mọi sự kiện xảy ra ngày xưa hoàn toàn trái ngược với hiện tại và tương lai sau này. Ngay cả ông Đỗ Hiền kia, kẻ mà Trần Tăng đã diệt vào diện nợ máu với đồng bào bây giờ dân làng lại trọng vọng. Trần Tăng tảng lờ quay ra nói chuyện với Tuyết và Yến Quyên. Yến Quyên gỡ bí cho Trần Tăng, quay sang hỏi chuyện lão khi về Hoàng Kỳ Nam với Thương Huyền.- Cụ Khi ạ, cụ là chỗ gần gũi với gia đình con, nên con chẳng ngại thưa chuyện với cụ, nhân có cả ông Trần Tăng, ông Đào Kinh và Tuyết đây, Hoàng Kỳ Nam nhà con số nó là cứ phải đi xa. Giống như ông nội nó ngày xưa ấy, cứ phải buôn ba khắp nơi; Giống như cậu Hiền nhà con kia cũng vậy, đó là số kiếp tạo nên mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tính cách chẳng biết thế nào mà lường.- Cô nói quá đúng, lão Khi đồng tình.- Còn con Thương Huyền, Yến Quyên tâm tình, mãi từ trong ấy ra tới đây, mẹ tin con đã suy nghĩ kỹ rồi, bản thân con đã trải qua biết bao điều khó khăn, ngay cả với bố Trung con đây còn chưa thông cảm hết với hoàn cảnh của con huống chi người ngoài. Mấy bữa nay mẹ đã phải nói mãi bố mới nhận ra.- Thưa ba má, thưa cụ Khi, và các ông, Thương Huyền từ tốn nói, từ bữa con về Bắc, được chứng kiến, được nghe nhiều chuyện, con mới hiểu ba má và bà con ngoài này cũng thiệt là vất vả chẳng kém gì gia đình ba má con trong đó. Trước khi con ra đây con biết chắc ba Trung vẫn chưa hiểu và thông cảm cho con, chuyện này cũng phải thôi.Thương Huyền thanh minh với mọi người vậy nhưng thực tình có ai hiểu được nỗi khổ của Thương Huyền. Hồi mới giải phóng, tổ chức liên tục bắt Thương Huyền phải viết không biết bao nhiêu bản tường trình về những ngày Thương Huyền sống trong phi trường. Thương Huyền đã khai thành thật hết mọi chuyện xảy ra với mình mà không hề né tránh bao biện. Tới bây giờ Thương Huyền cũng chẳng hiểu tại sao lúc ấy mình lại can đảm nói ra tất cả. Thương Huyền đã thực sự ân hận không hiểu tại sao ngày ấy mình lại có thể bắn vào Ben. Thương Huyền bắn Ben cũng bởi động cơ muốn lập công để được lên rừng tìm Hoàng Kỳ Nam chứ không hề ý thức vì nhiệm vụ cao cả nào hết. Đó là sự thực. Ngay sau khi bắn Ben, Thương Huyền đã trở thành kẻ hoàn toàn khác, bất cần tất cả. Cô tự dắn vặt mình đã mắc tội giết người. Nhất là người đó lại là Ben, cha của thằng Bin, đứa con nàng rứt ruột đẻ ra. Thật khủng khiếp, mỗi khi nghĩ tới hình ảnh Ben ngã vùi mặt xuống bãi cát trên bãi biển Thần tiên. Ngày ấy sau lần hạ sát Ben, Thương Huyền thoái thác mọi nhiệm vụ tổ chức giao, và bị tổ chức diệt vào đối tượng đâù hàng địch, phản bội lại cách mạng. Ngày ấy nếu Thương Huyền không phải là con gái nhà thương gia Đức Cường có công với cách mạng thì tổ chức đã cho người thủ tiêu Thương Huyền ngay những ngày Thương huyền còn ở phi trường. Cũng may đường dây bí mật ngày ấy vẫn an toàn cho đến khi giải phóng nên cô mới không xếp vào diện phải đi học tập cải tạo. Giờ đây ngồi trước mặt ba má Nam và mọi người, Thương Huyền muốn thanh minh cho mình quả khó khăn.- Ngày mới giải phóng ba má con tổ chức ăn mừng chiến thắng có mời anh Vương và anh Nam đến dự, bữa đó ba Trung đã nhận ra con nên giận quá bỏ đi, lúc đó con cảm thấy mình không muốn sống nữa. Thương Huyền thành thật nói, ngày ấy con đã trốn mãi trong phòng riêng không tiếp xúc với bất kỳ ai.- Tại sao con không đề nghị cấp trên trả lại quyền lợi chính trị cho con. Hoàng Kỳ Trung hỏi.- Không bao giờ con lại làm chuyện đó, Thương Huyền nói, xét về bản chất sự việc thì con hoàn toàn không có công trạng gì đối với quân giải phóng. Hành động của con hạ sát cố vấn Ben hoàn toàn theo mục đích cá nhân con. Tới bây giờ bản tường trình của con vẫn được lưu trong hồ sơ của tổ chức, con đã công khai thừa nhận mình làm việc cho trung tâm tâm tâm lý chiến phi trường của cậu Đỗ Hiền ngày ấy. Có mặt cậu Hiền đây, con xin nói thật, sở dĩ con vào phi trường làm việc ngày ấy mục đích chính vẫn là mong có ngày được lên rừng gặp anh Nam. Công việc của con là leo lên máy bay kêu gọi các chiến binh cộng sản quay về với quốc gia. Thực sự lúc ấy con chỉ mong sao anh Hoàng Kỳ Nam buông súng trở về sống với con.Thương Huyền bỗng nức lên không nén nổi xúc động, nước mắt ứa ra chạy vào trong nhà. Nam lo sợ bệnh tình Thương Huyền tái phát.Lúc này vô tư ồn ĩ nhất vẫn là mâm của cánh dao thớt do ông “Nhinh tiết canh” đầu trò, ăn thoải mái, nói cười thoải mái. Mâm của ba mẹ con bà Cam với vợ chồng con Ngọc Lan thì từ tốn nhìn nhau ý tứ. Từ lúc ngồi bên con Ngọc Lan, Vương chỉ rót rượu lặng lẽ uống, mắt chăm chăm nhìn con Ngọc Lan mãi mới nói thành lời.- Cháu sang Mỹ có nhớ nhà không?- Ngày đầu con nhớ nhà, nhớ má, nhớ ba Nam, nhưng lâu cũng quen dần. Bây giờ con đã có cháu nên cũng không còn nhớ nhà nữa. Vợ chồng con muốn ba má con sang cả bên đó sinh sống. Con Ngọc Lan vô tư nói.- Con về Bắc thấy có vui không? Đào Vương hỏi.- Rất vui, anh Tim chồng con bảo trên thế giới không đâu có được cộng đồng dân cư sống vui vẻ như làng xã ở đây.Vương xúc động tay run rẩy nắm bàn tay con Ngọc Lan, Vương không làm chủ được tình cảm của mình, nước mắt ứa ra. Con Ngọc Lan ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra.- Ngọc Lan này, Vương nói khẽ trong hơi thở bị nén trong lòng, ta bây giờ đã thành kẻ tàn phế, kẻ tàn phế như ta chẳng còn làm được gì nữa rồi. Nhưng có một điều ta muốn nói với con... nếu ta không nói với con lúc này sẽ chẳng bao giờ còn có dịp nói được- ta chính là người đã có tội với con và má con. Đào Vương chằm chặp nhìn con Ngọc Lan. Bây giờ ta không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì ở con và má con. Ta chỉ muốn nói ra sự thực này. Con nên nhớ, chuyện bí mật này chỉ có ta và ba Nam con biết. Giữa cái đêm bon đạn mịt mù ấy ta đã gặp má con. Má con đã có sự lầm lẫn giữa ta và ba Nam. Chính ta mới là kẻ đã chiếm đoạt má con. Chính ta mới là cha đẻ của con. Con có hiểu tại sao chuyện này ba Nam và ta vẫn còn giữ bí mật tới bây giờ không? Bởi vì ta không xứng đáng là ba của con, và ta cũng không có quyền được yêu má con, con hiểu không? Người yêu thương má con nhất trên đời này chính là ba Nam. Ta bây giờ đã thành kẻ tàn phế mất rồi. Kẻ tàn phế như ta còn làm được gì. Chỉ có ba Nam của con mới là người xứng đáng được má con yêu thương. Con nhìn má con đang hạnh phúc kia, có lẽ mãi mãi đừng bao giờ để má con biết ta là cha đẻ của con thì hơn. Ba Nam thật xứng đáng là cha con trên mọi phương diện.Bà Cam thấp thỏm lắng nghe câu chuyện giữa hai cha con Đào Vương đang thì thào với nhau.- Ngọc Lan ơi, cháu không biết đâu, mấy năm trước bà và ba Vương cháu đây cùng với ba Hoàng Kỳ Nam cũng đã vào tìm cháu nhưng cháu đã sang Mỹ mất rồi, má cháu khi ấy đang bệnh nặng không biết gì. Bà Cam xúc động nói, cháu có hiểu chính cháu mới là niềm an ủi lớn lao nhất đối với bà và ba Vương cháu bây giờ không? Còn cô Măng đây, chính là cô ruột của cháu đấy.Măng ôm choàng lấy Ngọc Lan thân thiện.- Ôi đứa cháu gái yêu quý của cô! Bà nói đúng đấy, chính cô cũng mới biết chuyện này từ bữa gặp cháu lần đầu ở trung tâm Hoàng Thiên Long năm ngoái nhưng cô chưa dám nhận cháu. Bây giờ sự thực đã rõ ràng, anh Vương chẳng việc gì phải ngại, đã là cha con trước sau gì con Ngọc Lan vẫn cứ là con gái anh, chẳng việc gì phải dấu diếm chuyện này nữa, cứ công khai cho mọi người biết. Dù con Ngọc Lan có đi tới đâu nó vẫn là con gái anh. Cô nói thế có đúng không Ngọc Lan. Và giờ đây đương nhiên cháu có những hai người bố. Và cô lại có được đứa cháu gái đẹp như thiên thần thế này. Cô sung sướng quá. Ôi thằng Gion của bà nữa, không ngờ mình đã thành bà trẻ rồi...Măng háo hức vừa nói vừa bế thốc đứa bé từ trên tay bà Cam làm nó hãi khóc thét lên.Ngọc Lan bàng hoàng ngỡ như mình đang nghe câu chuyện thần thoại ly kỳ của ai đó chứ không phải chuyện của mình.- Con có còn nhớ lần đầu tiên ta gặp con trên chợ Gốc Mít, ta đã dẫn con ra chợ mua kẹo?- Tại sao ngày ấy cha không nhận con?- Thế ta mới hèn, thế ta mới không xứng đáng là ba con.Thấy mọi người quan tâm tới Ngọc Lan, anh chồng người Mỹ ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra.- Tốt nhất con đừng nói cho chồng con biết chuyện này vội. Vương lo lắng căn dặn. Chồng con mà biết thì má con cũng sẽ biết. Khi nào có dịp con nói với má con cũng chưa muộn.Mấy mẹ con bà Cháo ngồi cùng mâm với nàng Mai Tầu và gia đình ông Đỗ Hiền rôm rả bàn tính tới chuyện đầu tư làm ăn xây dựng cảng Sông Bằng và cầu cảng bến sông Đình Đoài.- Nếu Cầu cảng Đình Đoài được xây dựng sẽ là nơi thu mua nông sản hoa trái cả vùng này, nàng Mai Tầu hào hứng nói, hơn hai mươi năm trước tôi đã đặt hàng ông Đào Kinh bao thầu mua toàn bộ chuối xanh vùng này chở về Trung Quốc bán lãi gấp đôi gấp ba lần.- Tôi sẽ xung phong góp vốn trước tiên để công trình này nhanh chóng thực hiện. Ông Đỗ Hiền vui vẻ nói với các con cháu ngồi xung quanh.- Thưa với ông Đỗ Hiến, ông từ bên Mỹ về chắc ông rõ điều này hơn ai hết, thời buổi hiện đại, người làm kinh doanh phải biết nhìn ra lợi nhuận ở bất kỳ lĩnh vực nào, nghĩa là đáp ứng nhu cầu đời sống con người. Nàng Mai Tầu nói, đời sống kinh tế phát triển, con người cần phải được chăm lo cả tới cái chết nữa. Tôi bái phục Ông Đỗ Hiền cõ lẽ đã nhận thức ra điều này nên mới quyết tâm làm con đường ra cánh mả Rốt cho cả người sống và người chết.Lão Khi nghe lỏm câu chuyện của nàng Mai Tầu với Đỗ Hiền nên hỏi Đào Kinh.- Anh thấy việc Đỗ Hiền làm con đường ra cánh mả Rốt có tuyệt không?- Tuyệt chứ sao không! Đào Kinh nói, cụ Khi có còn nhớ ngày nào tôi đã phải cõng xác mẹ tôi đặt lên bè chuối.- Chuyện của mẹ anh xưa cả làng đều nhớ. Vậy bây giờ anh phải làm gì đó để dân làng Đông họ thấy làng Đoài mình cũng chẳng kém.- Theo cụ thì nên làm gì?- Lão già rồi, lão nghe bàn chuyện làm cầu cảng nhạt hoét, lão thích nay mai lão ngoẻo ra nằm ngoài cánh mả Rốt được đi trên con đường mới Đỗ Hiền làm thấy sướng. Giá mà anh có điều kiện xây cho cái hàng rào vây xung quanh cánh mả giống như nghĩa trang í. Âm sao dương vậy, các anh bây giờ đua nhau xây biệt thự nhà lầu, sắm xe hơi gắn điều hòa nhiệt độ mát lạnh, được tắm nước nóng pha thuốc Bắc, đêm đến nằm đệm Hàn Quốc Nhật Bản thì cũng quan tâm đến kẻ trong mồ một chút. Xin thưa kẻ trong mồ cũng mong có một khuôn viên khang trang sạch đẹp để cho trâu bò khỏi vào phá phách bậy cả lên mặt thì làm sao chịu nổi. Chẳng phải tôi nói nịnh anh và Đỗ Hiền đâu, có tiền còn biết lo cho bà con. Chả như loại cán bộ bây giờ chỉ nhăm nhe bòn rút của dân, ăn chơi vô độ và chỉ muốn làm sang. Họ thích xây trụ sở rõ to này, trang thiết bị rõ hiện đại mà nhân cách lại thấp tè. Anh thấy đấy, cánh mả Rốt làng mình bây giờ trông khác đếch gì thành phố, mộ phần cao thấp lớn bé kiểu dáng phong phú đủ loại: cổ kính có, hiện đại tân kỳ có, cứ rực rỡ lên, nom má sướng mắt. Anh Đào Kinh mà có lòng, những hồn ma từ bao đời nằm ngoài cánh mả Rốt hoan hô anh, cũng như Hoan hô ông Đỗ Hiền. Chẳng gì anh cũng tự hào nom ngôi mộ mẹ anh xưa hoang lạnh thế mà bây giờ to cao lồng lộng nhất vùng này.- Cụ Khi nói chí phải, trưởng thôn Đáo tay vẫn cầm chai rượu đứng dậy nói, xét về mộ phần thì công nhận mộ mẹ ông Đào Kinh là nhất rồi, vừa to vừa đẹp lại sang nữa, sau đến mộ tổ họ Nguyễn, rồi đến mộ tổ họ Phạm. Mộ tổ họ Nguyễn kiếm được cánh thợ Thành Nam xây cầu kỳ cong lượn công phu theo lối cổ kính, còn mộ tổ họ Phạm nom hiện đại na ná lăng bác Hồ. Nghe nói nay mai cánh họ Lê có Kiều tài trợ, tuyên bố sẽ xây mộ tổ to nhất vùng này.Vợ chồng tướng Trung và Yến Quyên không ngờ bữa liên hoan lại vui vẻ đến vậy.- Nghe mọi người tranh luận về mộ phần, Đào Kinh tôi đã tường tận, nhưng thưa các vị, bây giờ thời thế lại khác rồi, ở nông thôn ta đang hò nhau xây mộ, xây từ đường, nhà thờ họ, cũng bởi vì đất đai còn sẵn. Với dân thành phố bây giờ đất đai chật hẹp, xu thế mới người chết đem hoả táng là văn minh nhất.- Văn minh đếch gì, lão Khi phản bác, chết mà không còn xương cốt, không có mộ phần mồ mả thì khốn chứ lị.- Cụ rõ lạc hậu, Đào Kinh tôi nói để cụ hiểu, cái lợi của hoả táng là không phải đào lên lấp xuống mất vệ sinh, tro xương được đựng trong bình mang đi đâu cũng tiện. Sau này xu thế hội nhập, con cháu mình chu du khắp thế giới, mang được cả vong hồn tổ tiên lên cả mặt trăng ấy chứ. Tôi nói để cụ biết, bình đựng tro có cái tới chục triệu đồng chứ có phải cái tiểu sành bằng đất nung nhà quê mình đâu. Nhân tiện đây tôi cũng xin được báo cáo với cả nhà, ngoài thành phố tôi đã có dự án xây An Lạc Viên, tức là lò hoả táng í. Cứ gọi là hiện đại nhất thế giới. Tôi dã dự trù đầu tư vào đây cả trăm tỷ.- Bốc phét, tôi đếch tin. Lão Khi hỉ mũi, có trăm tỷ ai dại gì đầu tư vào cái chết thì đến bao gìơ thu hồi vốn.- Đúng là ít người tin, Đào Kinh giải thích, tôi đảm bảo với các vị sau này tất cả loài người trên thế giới này sẽ hoả táng hết, nếu không thế, đất cho người chết chiếm hết đếch còn chỗ nào dành cho người sống. Các vị cứ tưởng tượng xem, nếu cứ địa táng mãi, cả thế giới này sẽ toàn là mồ mả của người chết thì khiếp quá. Ta phải biết nhìn xa một chút thì đời sống mới khá lên được. Tôi tính cho cụ một phép tính nhá, cả tỉnh này một ngày có bao người chết đều phải hoả táng, rồi đây có lẽ tổ chức Hoà Bình Xanh thế giới phải yêu cầu các nước văn minh sẽ phải bao cấp toàn phần cho cái chết. Đúng thế, một số nước hiện nay người ta bao cấp toàn phần về y tế giáo dục, trợ cấp cho người thất nghiệp, tại sao lại không bao cấp cho người chết. Nếu ta đề cao cái chết, con người sẽ phải sống tốt đẹp hơn. Phải tiến tới xây dựng luật cho người chết ấy chứ- tất cả người chết từ thành thị đến nông thôn đều phải hoả táng hết.- Chí lý quá, chí lý quá, trưởng thôn Đáo lên giọng, người biết nghĩ tới cái chết, khi sông sẽ không dám làm điều ác. Sống mà ác, dù chức tước uy quyền có ngang giời, chết đi mồ mả có xây to cao đến mấy thì người đời cũng sẽ phỉ nhổ. Xin lỗi mọi người, đã có kẻ sống ác quá thiên hạ đã chả đái cả vào mộ phần đó thôi.- Bởi thế tôi sẽ quyết xây An Lạc Viên thật hoành tráng. Đào Kinh tuyên bố hùng hồn, tôi đã có đề án xây dựng công trình gồm ba khu: Một là khu lò hoả táng rộng ngang cung văn hoá Việt Nhật trong thành phố. Lò hoả táng được lắp đặt thiết bị ánh sáng âm thanh hiện đại, hệ thống điều hoà nhiệt độ này, khôg gian rộng cho năm bảy trăm người vào dự tang lễ; Hai là nhà dịch vụ cao ba tầng phục vụ cho tang chủ tiếp khách ăn ngủ, từ bình dân đến cao cấp, phòng ốc đạt tiêu chuẩn bốn sao; Ba là vườn địa đàng có khuôn viên cây xanh ghế đá đẹp hơn cả công viên Thống Nhất Hà Nội. Trong vườn địa đàng, mọi người cứ tưởng tượng tôi sẽ đặt thợ đá Ninh Bình tạc bằng đá xanh nguyên khối một Lư Hương khổngr lồ cao năm mét, rộng ba mét lúc nào cũng toả ra mùi hương thơm ngào ngạt. Trước vườn địa đàng là khu nhà năm tầng có các gian riêng dành cho tang chủ đặt bình tro bảo quản vô thời hạn. Tôi sẽ biến An Lạc Viên thành điểm thăm quan du lịch thu hút khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm. Điều quan trọng tôi sẽ tuyển dụng một đội quân phục vụ gồm mười nam và mười nữ có hình dáng đẹp- mười nam to cao mặc đồng phục trắng, mũ kê phi trắng làm đội quân danh dự khi cử hành tang lễ. Tôi sẽ tuyển mười cô gái trẻ đẹp mặc áo dài trắng làm tiếp viên. Đội quân phục vụ sẽ đảm nhiệm mọi công việc thay tang chủ từ A đến Z, từ khâu đưa quan tài vào nhà táng đều bằng hệ thống nâng hạ tự động. Xin thưa với mọi người, trước khi thực hiện công trình này tôi đã phải sang tận Hồng Kông tham khảo và được trực tiếp dự một đám hoả táng ở bên ấy làm tôi ấn tượng mãi. Thú thật lần đầu tiên trong đời tôi được dự một đám hoả táng văn minh đến vậy. Nếu cụ Khi mà được chứng kiến, tôi tin cụ sẽ di chúc cho con cháu sau này được hoả táng, chứ không địa táng như ta xưa nay thường làm đâu. Cụ cứ tưởng tượng cảnh trước giờ hoả táng, tất cả thân quyến được lần lượt đi vòng quanh quan tài để chào vĩnh biệt người quá cố lần cuối giống i như ta vào viếng trong lăng Bác Hồ í, thiêng liêng cảm động làm sao. Và khi hệ thống đèn mầu hồng bật lên sáng lung linh, từ trong lồng kính đặt quan tài một màn khói sương từ từ bốc lên huyền ảo, báo hiệu phút giây vĩnh biệt người thân bắt đầu. Không gian lúc đó im phắc, dàn âm thanh xơ rao âm vang một điệu nhạc chiêu hồn tử sĩ nghe vừa buồn thương vừa uy nghiêm trang trọng.- Mẹ kiếp, lão Khi nói, ta nghe anh tả cái chết ta lại muốn được chết. Khi nào khánh thành cái dự án “chết” ấy, anh nhớ báo trước cho lão uống một liều thuốc độc để được chết đúng vào cái ngày khai trương cái An Lạc Viên của anh cho sướng cái đời lão.Tay Đào Kinh thế mà khôn, suy cho cùng, trong các ngành nghề, kinh doanh sự sung sướng cho con người vẫn khoái hơn cả- sống cũng phải sống sao cho sung sướng, và chết cũng phải chết sao cho sung sướng. Thời đại bây giờ sao mà sung sướng thế! Chả bù cho ngày xưa một thời sống đã khổ, khi chết vẫn còn khổ...Câu nói vô tình của lão Khi lại chạnh lòng Trần Tăng. Trần Tăng muốn uống cho thật say để không còn nhận biết gì nữa, để không nghe được ai nói điều gì nữa. Khốn nỗi càng uống, Trần Tăng càng tỉnh ra. Trần Tăng không ngờ con người ta sống lại qúa lo cho cái chết đến vậy. Cái sự “chết” hoá ra cũng quan trọng hơn cả sự sống. Càng nghĩ, Trần Tăng càng lo cho cái sự chết của mình. Tay Đào Kinh chết đi còn có nàng Mai Tầu, bà Cam và cả con Măng. Ta mà chết đi, ngoài trung ương và con Măng ra chả có ai thân thích xót thương. Trần Tăng nhìn Tuyết bằng ánh mắt lo âu. Ông muốn thổ lộ nỗi lòng mình với Tuyết nhưng không sao nói thành lời. Ông thấy người lâng lâng đầu óc quay cuồng.- Ông đừng uống nữa, Tuyết nói, ông say quá mất rồi.- Cô dìu tạm ông ấy vào nhà nghỉ chút cho đỡ mệt. Yến Quyên giục.Trần Tăng chập choạng níu tay Tuyết bước lên bậc thềm vào trong nhà.Bà Cam giục con Măng:- Mày vào xem bố mày làm sao kìa.- Khổ, chẳng hiểu sao dạo rầy bố con yếu vậy. Hơi uống một tý đã say.Măng vào đứng trước bố Trần Tăng.- Con Măng đấy à, lại đây bố bảo, Trần Tăng đưa tay níu tay con Măng, có cô Tuyết đây bố phải dặn con đôi lời, đời bố tới giờ suy cho cùng thân thiết nhất chỉ còn có mỗi mình con và cô Tuyết đây, con có nghe ta nói không?- Bố nói đi, con đang nghe bố đây, nhưng bố say rồi, bố nằm nghỉ cho khoẻ.- Không, ta không say, ta đang tỉnh táo hơn bao giờ hết, ta dặn con sau này ta có chết đi, ta muốn con đưa ta về chôn cất ta ở cánh mả Rốt làng Đoài này. Ta muốn yên nghỉ ở mảnh đất này, con hiểu không? Ta di chúc cho con và cô Tuyết toàn bộ tài sản của ta ở Hà nội, tuỳ con toàn quyền thay ta xử lý. Con nên hiểu tình cảm của ta và cô Tuyết sâu nặng chẳng kém mẹ Cam con. Đời cô Tuyết cũng gian nan cáy đắng lắm...- Ông nói làm gì chuyện này, Tuyết nói, ông làm như ông sắp chết đến nơi. Nói để ông biết, ông còn khoẻ, còn sống lâu.- Thôi bố nằm nghỉ đi. Bố say rồi.Măng nói và kéo Tuyết ra ngoài, để mặc Trần Tăng cứ lảm nhảm một mình.Trần Tăng nằm thiêm thiếp mơ màng nghe xung quanh ồn ĩ tiếng cười. Thi thoảng ông lại mở mắt nhìn lên trần nhà. Nếp nhà gỗ lim cột rường cứ đen bóng lên theo thời gian. Ông Hoàng Kỳ Bắc đã mất mạng vì ngôi nhà này đây. Cũng chính ngôi nhà này bốn mươi lăm năm về trước, Trần Tăng đã được ôm ấp nàng Cam Quýt Mít Dừa. Bốn mươi lăm năm trước Trần Tăng đã Khao khát Yến Quyên mà không được. Bốn mươi lăm năm trước, bà Hoàng Kỳ Bắc đã rạch bụng tự vẫn trên chiếc sập gụ này. Bốn mươi lăm năm, thời gian đã qua đi gần nửa thế kỷ, Trần Tăng cảm nhận như vừa mới xảy ra, như vẫn đang xảy ra. Ông nhìn lên ban thờ gia tộc Hoàng Kỳ, ông bà Hoàng Kỳ Bắc đang nhìn ông bằng ánh mắt căm hờn: Trần Tăng, ngươi là kẻ giết người! Ngươi sẽ phải trả giá cho sự ngông cuồng của ngươi. Nếu ngươi không biết sám hối ngươi sẽ phải chết...chết... chết- Không, ta không giết người, ta đâu muốn thế! Chẳng qua do thời cuộc, do hoàn cảnh lịch sử, ta chỉ là người thừa hành nhiệm vụ mà thời đại giao cho...Trần Tăng thiếp đi trong cơn hoảng loạn. Trần Tăng tỉnh dậy, trời đã về chiều, khách dự tiệc đã về hết, chỉ còn lại gia đình tướng Trung và Tuyết đang ngồi uống nước.- Ôi anh Trần Tăng đã dậy rồi, tướng Trung nói, tôi đã bảo mà, rượu vào chỉ làm một giấc là khoẻ liền.- Xin lỗi anh chị, tôi uống hơi nhiều, Trần Tăng nói, giờ tôi xin phép gia đình tôi về. Cậu Nam và cô Thương Huyền thông cảm cho tôi nhé. Chúc cho cô cậu hạnh phúc. Cậu đã viết lịch sử xã nhà đến đâu rồi? Bữa trước mấy tay làm dư địa chí của tỉnh lên Hà nội gặp tớ xin tài liệu có động viên tớ nghỉ hưu rồi nên đầu tư vào viết hồi Ký.- Những người như bác, như bố cháu đã từng trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, giờ ngồi lại mà viết hồi ký thì tốt quá. Tuyết và Trần Tăng đi bộ trên đường làng Đoài. Tuy bề ngoài cười nói chào hỏi xã giao với gia đình tướng Trung, nhưng lòng Trần Tăng vẫn rối bời, đầu óc ông vẫn ong ong quay cuồng. Giấc mơ trong cơn say vẫn ám ảnh tâm trí ông. Bao năm làng Đoài đã đổi thay, con đường ruột xã được mở rộng ra rải nhựa thẳng tắp như đường phố. Trần Tăng và Tuyết bước lên dốc cầu Đình Đoài, cơn gió chiều từ mặt sông thổi hất tung mái tóc đã thoáng có những sợi bạc của Tuyết. Trần Tăng nhớ lại cái đêm đầu tiên Tuyết háo hức nắm tay ông đứng trên thành cầu này. Ông đã gieo vào lòng Tuyết bao niềm tin, bao ước mơ hoài bão. Và lúc này bên bờ sông, ông nhìn ngôi nhà của mẹ con Đào Vương rung rinh in bóng dưới dòng sông Đình.- Tuyết này, hãy nhớ lời tôi dặn với con Măng.- Điều gì đã làm ông không được vui mà nói toàn chuyện gở?- Từ bữa về làng Đoài, tôi cứ nghĩ mãi về Tuyết.- Ông thương hại tôi?- Không, tôi muốn nói với Tuyết một lời, tôi thấy cậu Vương là người tốt... Xa xa chân trời phía đông đùn lên những quầng mây xám bay theo làn gió tạt về phía trời tây. Phía trời tây, nắng vẫn phủ vàng cánh đồng làng Đoài. Cánh mả Rốt sáng lên lấp loáng những ngôi mộ đủ sắc mầu rực rỡ. Đây là thành phố của những linh hồn chết. Đúng như Đào Kinh nói, sống hãy nghĩ thấu đáo về cái chết. Chẳng hiểu sao Trần Tăng lúc này cũng lại vẩn vơ nghĩ tới cái chết của mình sau này sẽ ra sao?Trần Tăng bảo Tuyết về trước cho lái xe chuẩn bị mọi thứ để ông về Hà nội ngay chiều tối nay. Ông lững thững đi xuống bờ sông một mình. Con Đường mới mở thẳng tắp chạy giữa cánh đồng ra cánh mả Rốt đã cuốn hút bước chân ông. Từ bữa về làng Đoài ông đã nghe nhiều chuyện về Đỗ Hiền đã tình nguyện làm con đường này cho người sống thênh thang tiễn đưa người chết xuống suối vàng. Nơi gò đất đầu con đường mới mở, thời xa xưa mẹ Đào Kinh đã làm gian nhà vách để ở cách ly với dân làng vì bệnh hủi, giờ lại mọc lên một quán hàng lúp súp dưới tán cây bồ đề còn non. Bà cụ chủ quán già nua mặt nhăn nheo ngước nhìn Trần Tăng.- Ông mua hương mà không mua vàng sao?- Cụ cho cả tiền vàng và bao diêm nữa.- Ông cho xin năm ngàn tất cả. Ông hình như không phải người vùng này?- Cụ nói đúng, tôi về chơi nhà người bạn.Trần Tăng đưa cho cụ già tờ hai mươi ngàn, cụ già run lẩy bẩy đếm mãi trong mớ tiền lẻ mới đủ mười lăm ngàn đưa lại cho Trần Tăng. Trần Tăng vội vã bước đi chỉ sợ cụ già chủ quán phát hiện ra mình.- Ông cứ ra ngoài đó, có gì không biết hỏi quản trang là cái anh Câm ấy.Lần đâu tiên trong đời Trần Tăng mới thực sự cảm nhận tin vào điều gì đó trong cõi hư vô. Xưa nay thiên hạ chỉ có đến cầu xin Trần Tăng, chứ Trần Tăng chẳng phải cầu cạnh ai. Nếu có phải đi thăm viếng ai đó cũng chỉ là trách nhiệm đại diện tập thể, ông chỉ có mặt trong đội hình làm sang, mọi việc đã có cán bộ công đoàn lo. Và lúc này, chỉ một thẻ hương với sấp tiền vàng trong tay giá có năm ngàn đồng mà giải thoát được những trăn trở về lỗi lầm của cả một đời người sao? Ông phấp phỏng đi trên con đường Đỗ Hiền mới mở vắt ngang qua cánh đồng để ra cánh mả Rốt. Mấy chục năm qua đi, gốc ruối già cho lũ quạ thường trú ngụ đã chết từ bao giờ. Ông không còn nhận ra bãi đấu trường ngày nào xử bắn Hoàng Kỳ Bắc. Một chiếc xe công nông rùng rùng chất đầy gạch đỏ chạy qua khiến ông giật cả mình. Lại một ngôi nhà cho người chết sắp được xây. Trong vô vàn những bia mộ nhấp nhô, ông ngơ ngác tìm ngôi mộ Hoàng Kỳ Bắc. Xa xa ngoài cánh đồng nhấp nhô những chiếc nón trắng của những người đang làm cỏ lúa. Bất chợt một người đàn ông khuất sau ngôi mộ đẩy chiếc xe lăn đựng đầy khoai lang tới đứng sững trước mặt Trần Tăng. Người đàn ông cứ nhìn ông chằm chặp. Ông giật mình sững sờ nhận ra chính là anh Câm. Anh Câm, ngày xưa ông vẫn gọi là thằng Đùng giờ trông già sọm, râu ria lởm chởm. Anh Câm đã nhận ra Trần Tăng, ú ớ ra hiệu hỏi ông cần gì?- Mộ Hoàng Kỳ Bắc ở đâu? Trần Tăng hét vào tai anh Câm.Anh Câm chỉ cho Trần Tăng tìm tới ngôi mộ Hoàng Kỳ Bắc rồi cúi xuống đẩy xe khoai lang lên mặt đường. Trần Tăng ngồi thụp bên ngôi mộ Hoàng Kỳ Bắc. Tay ông run run vơ nắm cỏ khô đốt cho ngọn lửa cháy bùng lên để châm hương. Mắt ông hoa lên nhìn làn khói bay lên không trung. Bất chợt một luồng gió tạt cả khói và tàn hương vào mắt vào miệng làm ông ho sặc sụa. Ông còn đang cầm nắm hương cháy rần rật trong gió thì nhìn thấy bóng anh Câm chấp chới chạy tắt qua những ngôi mộ trên cánh mả Rốt xiên ra cánh đồng làng Đoài. Trong thinh không lồng lộng ông nghe vọng lên tiếng anh Câm kêu ú ớ gọi ai đó trên đồng. Trần Tăng kinh hoàng nhìn lên bầu trời bỗng tối sầm lại. Cơn giông nổi lên bất ngờ cuốn theo cả sấp tiền vàng đặt trên hai ngôi mộ ông bà Hoàng Kỳ Bắc bay tá lả như những cánh chim trong bão. Mưa sập xuống ràn rạt hắt vào mặt làm ông cuống cuồng. Trần Tăng run rẩy nghĩ rằng ông trời đang trừng phạt mình. Ông bá Hoàng Kỳ Bắc đang trừng phạt mình. Trần Tăng hốt hoảng vùng dậy chạy được một đoạn thí ngã sấp xuống mặt đường không sao gượng dậy được. Ông nằm sấp dưới mưa thấm lạnh và mặt đất đang rung lên từng cơn. Ông mơ hồ nhận ra anh Câm đang chạy tới xốc ông lên. Ông rên lên hừ hừ không đứng lên được thì ông chợt nhìn thấy cô Lùn đang chổng mông đẩy chiếc xe lăn của anh Câm tới. Anh Câm và cô lùn nâng bổng đặt ông vào lòng chiếc xe lăn. (Chiếc xe lăn Đào Kinh mang về bị Đào Vương đẩy xuống sông Đình Đoài, anh Câm đã lặn xuống sông mò lên mang về làm xe đẩy thay cho xe thồ)- Giời bắt tội hay sao mà ông lại ra đây một mình hả? Cô Lùn gào lên trong mưa. Cô Lùn và anh Câm cắm đầu đẩy chiếc xe lăn chạy trên con đường Đỗ Hiền mới mở. Tiếng cô Lùn lẫn trong tiếng mưa ràn rạt, may mà có chiếc xe lăn này mới cứu được ông đấy...Sau cơn mưa giông ào ạt, trời làng Đoài trong xanh trở lại. Trần Tăng đã chết từ lúc nào, chết ngay trên chiếc xe lăn anh Câm và cô Lùn đẩy về tới sân UBND xã.Sóng điện thoại di động vùng này yếu, Măng hớt hải leo lên tận sân thượng của trụ sở uỷ ban xã điện về Hà nội báo tin bố Trần Tăng đã mất. Tuyết ngồi trong văn phòng uỷ ban điện thoại liên hồi đi khắp mọi nơi.Măng và Tuyết thực hiện theo lời dặn của Trần Tăng, tang lễ được tổ chức truy điệu tại văn phòng Đảng bộ xã Chiến Thắng. Ngày hôm sau, những chiếc xe con bóng loáng từ trên huyện, trên tỉnh, trên trung ương đổ về làng Đoài dự đám tang Trần Tăng. Những vòng hoa tang rực rỡ mang dòng chữ: Kính viếng hương hồn đồng chí Trần Tăng xếp đầy trước hiên trụ sở đảng bộ xã. Lão Khi chống gậy đứng trên cầu Đình Đoài ngửa mặt nhìn trời nói:- Từ đời thượng cổ đến giờ, lão chưa thấy có đám ma nào to như đám ma Trần Tăng.Tiếng loa truyền thanh của xã được phát hết công suất để toàn dân được nghe bài điếu văn trước giờ phút xót thương đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng: Đồng chí Trần Tăng sinh ngày, tháng, năm...tại thôn, xã, huyện, tỉnh... Đã từng giữ các chức vụ: Nguyên chủ tịch, nguyên bí thư huyện... nguyên chủ tịch, nguyên bí thư tỉnh, nguyên uỷ viên trung ương... Danh hiệu 50 năm tuổi đảng, huân chương độc lập, huân chương chiến công...Đã từ trần lúc15 giờ ngày...tháng... năm...sau một cơn đau tim nặng. Đồng chí Trần Tăng suốt cuộc đời mình đã tận tuy hy sinh cống hiến sức mình cho cách mạng...Sau lời điếu văn đầy cảm động, tiếng kèn tiếng trống lại vang lên. Giờ phút tiễn đưa hương hồn đồng chí Trần Tăng về cõi vĩnh hằng đã đến. Từng đoàn người xe cờ phướn hoa tang nối nhau đi trên con đường do ông Đỗ Hiền mới mở chạy giữa cánh đồng làng Đoài ra cánh mả Rốt.