32.
Gặp ông Diên Hương.

 Con người ta lúc nhục lúc vinh không mấy hồi, và suốt một đời thi đậu có vợ sanh con nên nhà, nên cửa rồi “hoàn cốt khỉ” phủi tay sạch không, chỉ trong giấc mộng, gọi là mộng cháo kê cháo ngô gì cũng được. Xét cho cô Ba Trà: 9 tuổi chưa đi học, 14 tuổi bán cho Tây y sĩ mua làm vật tiêu khiển nhục dục, 15 tuổi lấy thằng chồng ích kỷ, lận đận lao đao đến năm 17 tuổi sống tạm bợ giữa hai chữ “hiếu với mẹ”, “trung trinh với chồng”, bỗng bước sang tuổi mười tám, tung hoành một cõi, “vảy may” ấy nhờ ai?
Nhờ một ông lương y giàu, trước học trường thuốc Hà nội, bổ làm lương y phụ tá (médecin aưxiliaire) ở nhà thương cấp cứu đô thành Pháp gọi là Clinique Hui Bon Hoa (vì ông nầy ra tiền xây cất và xưa chức bác sĩ chỉ dành cho thầy thuốc Lang sa mà thôi). Lương y nầy giầu tiền, lại giàu tình, và khi gặp được cô Ba, ông cưng chỉ thiếu đúc nhà vàng để chứa. Lương y vừa là thi sĩ, bút hiệu là Diên Lương, tôi không hài tên mà nhiều người vẫn biết. Ông đã mất năm 1963 (còn cô Ba mất năm nào, tôi hỏi chưa ra), nhà ông trước khi dời về Đà Lạt, ở ngay góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân và người đàn bà ông ký thác giữ chừng cô Ba là bà Tư Lê, bà nầy tốt lòng thì có thật mà có tật ưa chơi me, và cũng vì ở chung bà nầy mà cô Ba lây tật chơi me, chơi cho đổ quán xiêu đình, chơi cho ngả luôn gia tài công tử và cho sập thần vì chính phủ đô hộ Pháp!
33. Nhớ bác Diên Hương
Nhớ bác hôm nay là quá muộn màng, nhưng lòng thành kính của cháu đối với bác luôn luôn không đổi. Sở dĩ xưng hô làm vậy, tuy về tuổi bác lớn hơn độ mươi ngoài hai mươi, là vì bác là người đã chứng kiến sự chào đời tại nhà thương Sốc Trăng của Tuyết người bạn mười chín năm chung sống và nay đã đường ai nấy đi, tuy dầu sao tơ lòng còn vưởng vít chưa quên. Năm cháu còn mãi ở tận Paris để học hỏi về khoa khảo cổ, hay tin bác mất trên giường bịnh dưỡng đường Grall, thi hài (ngày từ trần 10 Mai, 1963) chở lên an táng trên cao nguyên Đà Lạt là nơi bác lựa, nhưng mỗi người mỗi số kiếp, vừa hương bát nước ai lo, và người dưỡng nữ duy nhứt của hai bác đã bay về Pháp địa, ai ở bên nầy coi sóc hai nấm mồ, có lẽ lạnh lắm trên đất xa lạ và nay ít người lên tới: Đà Lạt. Nếu bác sống đến giờ nầy mới lâm chung, thì bác cũng khổ với phong tục mới: hoả táng để tay gói tay xách dễ mang theo ra nước ngoài. Trừ cái việc nằm lẻ loi trên xứ lạnh, bác là người hưởng đầy đủ nhứt trên đời nầy. Trẻ tuổi thi đậu sớm, bác là người sớm được học khoá nhứt nhì trường thuốc Hà nội, bác coi sóc sanh cô Tư Tuyết năm 1912 thì cháu còn học lớp tư lớp ba trường tỉnh, còn nhớ một buổi trưa chúa nhựt, cháu cùng chúng bạn, hái xoài chua sân toà và uống nước lạnh trong lu bố thí ngoài đường, bị bác lúc ấy đổi về dưỡng đường Sốc Trăng ngồi xe kéo đi ngang bắt gặp dạy rằng không nên uống nước ấy, vì nước không tinh khiết, chứa nhiều vi trùng bịnh thổ tả. Chúng cháu sợ, bỏ chạy và nhớ danh bác từ ấy là “thầy thuốc Trần Ngọc Án”. Lớn lên, có đôi bạn, đổi về Sài Gòn lối 1942-43, phố ở ngang nhà bác đường Aviateur Garros, nào dám nhắc chuyện xưa uống nước lu ngoài đường mà chưa chết và ăn toàn xoài sống mà không sao? Sau nầy trở vô lâm ăn tiền ngay nơi viện bảo tàng trong vườn bách thảo, thỉnh thoảng vẫn được bác không quên và mời cùng bạn mới, Năm Sa Đéc, dự nhiều bữa tiệc, khi ăn lục tuần bác gái (bà Song Thanh), khi khác ăn thất tuần của bác, lúc ấy hai bác vẫn hồng hào tươi tắn, nào hay đâu ăn sung mặc sướng như vậy mà phút chốc đều ra người thiên cổ, té ra phải ăn cực sống khổ mới là sống dai như hai đứa nầy hay sao? Cái gì bác cũng hưởng nước nhứt? Ba Trà, nói ra cho đúng một phần nào nhờ bác lăng xê. Trong mấy trang trước cháu viết Ba Trà ngồi độc chiếc trên xe hơi có hai tài xế mặc đồng phục, ấy là cháu nói hở, lấy đuôi làm đầu, kỳ trung lúc ngồi xe có tài xế phụ là sau nầy khi Trà trúng me, chọn Thìn làm chồng, còn lúc chiều chiều Trà ngồi xe “nhạn” trên đường phố Sài Gòn là ngồi xe của bác, khi cu ky khi có bác ngồi song song, và cháu dám trách bác, có của quí không giấu trong nhà lại lộ liễu đem khoe trước mắt cả trăm ngàn người, thảo nào hai dê một non một xờm, Tư Phước, Ba Huy, chẳng cuỗm của bác, thì ai vô đây mà cấm cản.
Hay là nhà đã sẵn người ngọc, bác gái của cháu hèn hỏi gì, thêm giỏi thi thơ giỏi tề gia nội trợ, bác đành gởi Trà cho cô Tư Ăng lê giữ than ôi? “Gởi trứng cho ác” thì làm sao trứng khỏi bị ăn xén ăn xớt phần nào, hai bợm bãi Phước và Huy, chúng trút lọp quyết phỗng tay trên, chúng trẻ tuổi hơn, sức lực đều là của trâu tơ dậy mẩy, chúng giàu tiền và phóng túng hơn, một đứa bán gia tài ông cha để lại lấy tiền nuôi gái, một đứa ăn cắp lúa bồ và lúa đong từng ghe chài một, hai thằng phá sản, bác làm sao lại chúng? Cô Tư Ăng lê, vì trước có chồng là người Hồng mao tóc đỏ, báo Tiếng Dội để tránh phiền phức, gọi cô là Tư Lê và bỏ dấu sai, đọc là Tu Lê, thì cháu biết đường đâu mà rờ! Mấy hàng nầy nếu lọt dưới mắt bác lúc còn sanh tiền, ắt cháu không trông gì trở lại góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, mỗi lần bác tổ chức tiệc và yến.
Nhưng nay bác đã nằm yên một giấc ngàn thu, Trà cũng đã ra người thiên cổ, bác giận cháu làm chi và hãy để cho cháu viết, không phải để cười bác đâu, ai dám, sự thật là để cho nhiều người biết tấm lòng của bác, đáng làm gương cho những ai đã có hiền thê tại nhà mà còn chưa chừa tánh tham muốn “kim ốc trữ chi”? Nhà cô Tư Ăng lê lúc đó ở có lẽ đường Richaud, sao “động ô” bác dọn riêng cho Trà một căn phố trệt góc Richaud và Lareynière, còn cô Tư Ăng lê dọn về đường Trương Định (nay) và vẫn chứa bài cóc ken, nên Tuyết, khi chúng cháu dọn về đường Taberd, Tuyết thường đến nhà cô Tư Lê xạc bài cào hoặc đổ con mèo, mà bây giờ cháu mới truy ra manh mối, cái tật ăn không ngồi rồi, đàn bà chị nào như chị nấy, không cầm lá bài, không lấy tiền chồng nuôi me ngồi me đứng thì đâu có ra nông nỗi bác bị cắm sừng mà cháu cũng mọc sừng!
Bác gái luôn luôn nói nói cười cười và Trà, vẫn yêu vì kính nể kiêng dè bác trai bác gái như hai lượng cả thường được che chở bao dung và có lẽ vì thấy chặt chịa quá khó nuốt trôi, nên Trà mới nửa đường thay gánh! Cháu há dám bàn mô ranh với bác, chớ gái như Trà, họ muốn đổi làm vai đàn ông để có chồng bé chồng xơ cua, chớ đâu khứng phu xưởng phụ tuỳ, bỏ tiền nuôi chúng chỉ mất tiền thêm đeo sầu thảm. Cháu muốn học gương bác mà không học được. Cháu cũng vì tỵ hiềm mình đi trễ tàu, và Trà cơm đen nặng quá, nếu không thì cháu đã lỗi với bác nhiều nhiều. Cháu mới nghe có người vừa rỉ tai với cháu rằng Trà thất thân để cho “cây cột cháy” Amadou nó xúc phạm, nhưng cháu đã cải chính tin vịt và bịa đặt nầy vì cháu biết dư thằng hắc quảy ấy, lúc cháu ở đường d’Espagne, mỗi tháng đến ngày lính sơn đá xuất thành, thằng đen nầy đi tìm gái thì bao nhiêu em nuôi của động Giác đôn hẻm d’Espagne đều bỏ ổ tìm đường chạy trốn vì thằng dịch vật này tay dài như tay vượn nên đã từng cho đo ván võ sĩ Ba lan Pzysko tại võ đài Charner năm nọ, cặp giò dài fến yên xe đạp tháp cao thêm hai ba tấc mà chơn nó còn phết đất sà sà. Đã biết như vậy, tôi quả quyết, một người mình hạc xương mai như Trà, lại nữa là chủ mướn “cột nhà cháy” làm “gác cửa” nơi nguyệt tiên cũng sẽ nói sau nầy, dại gì thử lửa cho phỏng tay và hết xài trọn kiếp!
Thuở ấy, lối 1925, bọn võ sĩ ngoài việc lên vô đài kiếm tiền xúp, đều sính tài làm hộ vệ vai vế cho các cậu công tử để kiếm chác thêm: như Antoine Cường cho cô Ba Pho, Puncher manh lai Tàu, Kid Demsey cho cậu Tư Phước (Georges) và Batandier, lính Tây thành Ilè R.I.C. làm bộ hạ cho Ba Qui, v.v...
Bác tôi, phong lưu rất mực, trước khi chịu phép vì quá già đành viết sách (thành ngữ điển tích, sách dạy làm thi, v.v...) lúc thanh xuân ngày chúa nhật cũng như ngày lễ, không cho xe lửa đụng nhau (chơi bài chemin de fer), thì cũng tứ sắc và chơi có điều lệ đành rành, hoặc thiên cửu (thín cẩu) hoặc xì phè và me (vì me mà quen Tư Ăng lê, Ba Trà, Ba Huy, Sáu Nhiều, Sáu Ngọ, v.v... Các bác sĩ lục tỉnh, cỡ thầy thuốc Ngỡi, trường tiền Mỹ, vân vân đều có ký quĩ không bao giờ lãnh nơi nhà bác tôi bộn bộn).
Ăn nói có duyên, mặt hồng hào, cử chỉ hoà hoãn, chết không tai tiếng, ở với Trà như bát nước đầy, khi chia tay không một lời nặng nhẹ, Trà luôn luôn nể đôi vợ chồng nầy, vào ngạch bác sĩ ngang hàng với Pháp đầu tiên, mề đay điều, mà không nhập tịch Pháp, kể là mọt nhơn vật là trong Nam cũng xứng. Hiềm vì không con nối hậu, khi nằm xuống, tủ sách toàn sách xưa sách quí, cũng không còn, đáng tiếc vậy thay! Chỗ nhà cũ sau dinh Tổng thống nay đã xây lầu, đi ngang vẫn ngùi ngùi nbở cuộc biến thiên mau quá!