37.
Lấy Franchini. Đem Tư Nhị về làm em nuôi. Một lời nói “sát thủ giản”(1)

 Lúc công tử B. đưa tôi lại hãng lựa mua xe thì một anh chàng hảo ngọt Tây đã “mi lai nhãn khứ” với tôi và chíp để bụng rồi mà tôi nào dè! Kể ra anh Tây nầy là tay háo sắc số một. Y ta có một người anh làm giáo sư dạy khoa học tại trường Chasseloup và kẻ viết bài nầy đã từng thọ giáo, ông tên Franchini, và báo Tiếng Dội vì sợ kiện tụng, đã đổi gọi Mr. Franch, khiến nhiều người lạc lối. Franchini em, tiên khởi đứng bán xe hơi cho hãng Bainier, hãng nầy ở gần nhà thị sảnh đô thành, nay văn còn duy thay tên khác ở góc đường kinh lấp Charner xưa. Khi phân tay thôi làm bạn với tôi, va lấy vợ một nhà viết báo chữ lang sa, tên Khai, anh ta xuống làm rể cho một ông đốc phủ triệu phú ở châu thành Mỹ Đạo chịu cực chịu khó còn hơn “ở rể cố công Việt” rất nhiều, tỷ dụ như Tây chính cống mà hạ mình bưng ống nhổ ra cho mẹ vợ, tuy vợ đốc phủ, mà là một bà già trầu, nhổ nước miếng đỏ lòm cổ trầu, nước cốt trầu ghê tởm, nhưng khi mua được lòng tin của gia đình bên vợ, va sống nhờ số vốn bên vợ tạo lập và khai thác một khách sạn quan trọng nhứt xưa nay tại Sài Gòn, vốn là của ông hoàng mất ngôi vua le comte de Paris xây dựng để có chỗ làm ăn cho một bà thiếp Pháp và làm cho ngài một chỗ nghỉ chân mỗi khi ông qua đây săn voi bắn cọp, ấy là lục địa khách sạn Continental, nay còn sưng sưng gần nhà hát lớn đường Đồng Khởi. Trước năm Giải phóng, làm ăn phát đạt, kiếm được đủ số một triệu bạc (1.000.000$00), Franchini có thiết một tiệc trọng thể ăn mừng “le premier million” (triệu bạc lời lần đầu).
Anh B. bị kẹt nằm khám lớn vì tội không tiền trả nợ bị chủ nợ bắt “giam thâu” chờ có tiền trả sẽ trả tự do cho chàng. Tôi bơ vơ bối rối phải về với anh Franchini nầy, bỗng một hôm buồn quá tôi thả cu ky lại rạp chớp bóng Cầu Muối, gọi rạp ông Bầu Nịnh (Lương Khắc Ninh) giải muộn. Phim đang diễn, bỗng tôi nghe từ đàng sau lưng tiếng thanh tao mời mọc:
- Mời cô Ba hút với em một điếu thuốc!
Vì phép lịch sự xã giao, tôi đáp nho nhỏ:
- Cám ơn cô, tôi không biết hút thuốc!
Bỗng cô kia nói tiếp và rất rõ:
- Thôi mà, cô Ba! Hút cho em một điếu để làm quen mà? Tại cô chưa biết tôi, chớ tôi biết cô đã từ lâu. Má tôi thường nhắc đến tên cô hoài hoài và thường dạy tôi: “Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng gọi là gái ngoan!”
Trời đất ôi, thiệt là một câu sét đánh bưng tai không kịp? Dè làm vầy, ở nhà mà hay hơn, đi coi hát làm chi, để nghe chửi một tiếng nóng phừng da mặt không kịp đỡ! Cả mấy người ngồi gần đều day lại dòm, mặt càng thêm nóng. Tôi bực quá, mặc dầu phim còn một đoạn nữa mới dứt, tôi đứng dậy ra về, ra tới xe chưa kịp leo lên, thì cô gái mời hút thuốc cũng vừa ra theo, nhảy phóc lên xe không đợi mời và nói tỉnh bơ:
- Nhà cô Ba ở đâu, cho tôi về theo với!
Tôi lấy giận làm vui, nhìn kỹ, thì đây là một cô gái mơn mơn đào tơ hết sức trẻ, tròn trịa như con chim chàng nghịch óc cau đầu mùa lúa trổ, ngực tròn như cặp tuyết sơn muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra, trán thấp có mở tóc quăn xoắn che lúp xúp ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng, cặp mắt mơ màng tình tứ, nhứt là cặp môi dày đỏ mọng, nửa mời mọc nửa khiêu khích, đúng là một con đĩ mén mất dạy, ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi duyên dáng một cách rừng rú, khiến không giận được với con “ba trợn” nầy. Sau rõ lại nàng ta từ Nam vang xuống, cha Cơme, mẹ người Sa Đéc, có chút pra hóc (mắm bò hóc) pha với chút sắc bén của gái Nha Mân xưa từng được Cao miên tuyển vào cung vua đàn Thổ, thảo nào!
Ba đời thằng Tây, thằng nào cũng dê đủ mười. Tôi đem cô nầy về anh Franchini không nói không rằng, vui vẻ chấp nhận, nhơn đi xem tuồng chớp bó ng sau đó, thấy trên màn bạc một nữ diễn viên Pháp duyên dáng và có hình dáng giống giống cô gái mời thuốc nầy nên anh Franchini đặt tên cho cô là Marianne là tên cô đào trên màn ảnh, để đối với tên tôi là Yvette, và sẵn tôi thứ ba, Ba Trà, bèn đặt tên cô là thứ tư, Tư Nhị, chớ Nhị vốn thứ hai, con cả đầu lòng xứ Nam vang ăn bò hóc!
Nhưng Tư Nhị ở với chúng tôi, anh Franchini tỏ ra khó chịu, một là Nhị rù quến trai tơ trong xóm, đêm nào như đêm nấy đến rù rì rủ rỉ điếc tai không một ai chịu được đúng là một bầy rương cái đứa núp trong mương khô nước, đứa nằm trong bọng cống ven đường chờ cho Tư Nhị ăn cơm xong ra mà trai gái, hai nữa Franchini nói với tôi con nhỏ gì quê một cây, đi giày cao gót chưa quen, làm văng giày ra xa, Franchini vì tánh nịnh đầm ban đầu còn lượm giày và lấy làm vui, sau đổ quạu, biểu tôi trả Nhị về chị nuôi của nó ở gần chợ Thái Bình, nhứt định không chứa thứ đồ gái bật rật bướng rướng không ai chịu nổi. Nhưng chẳng bao lâu, tôi lựa cho Nhị một chồng là công tử Gò Đen, và với số bạc một ngàn của công tử nầy chi ra, Tư Nhị nghiễm nhiên có một căn phố trệt xinh xắn có bàn ghế giường nệm ra phết ở gần góc đường Richaud và Verdun yên tịnh.
Từ đây vòm trời Sài Gòn mọc một ngôi sao mới, tuy không sáng chói bằng sao Ba Trà, nhưng đối với khách ham lạ ham trẻ thì Tư Nhị Maianne vẫn mới vẫn giòn vẫn mát da mát thịt hơn, dầu gì cũng mới, Nhị hơn Trà ở chỗ “Nhị đào vẹn vẻ đường tơ, Trà mi kia đã sởn sơ gần chiều”.
Riêng tôi, tôi không thấy hoa khôi nào chóng sáng chóng lu như Tư Nhị. Có lẽ định luật thế thưởng còn đó, hễ “bạo phát tức bạo tàn”, và “hữu thế bất khả ỷ tận”. Chính Nhị trẻ làm cho cuộc đời mình thâu ngắn: không được có vi cánh như Ba Pho, Ba Trà, từ Nam Vang xuống Sài Gòn, ban đầu cất mình vào chốn hí trường, nhưng hữu sắc vô thinh, Nhị đành nhảy ra, làm cô “đào thịt”. Làm em nuôi cho Ba Pho rồi trở mặt nhảy qua làm em của Trà, bày ra lấy rượu mạnh thuốc thơm để nhử khách.
Nhị phí sức khoẻ và nhan sắc còn hơn con thiêu thân, gặp đèn gặp ánh sáng là nhảy a vào, mặc cho lửa đốt cháy lông cháy cánh!
Nhị phách lối và tự đặt cho mình lên quá cao, khi còn nhan sắc còn tuổi trẻ, không biết lo hậu về sau, đêm đêm thuốc lá thơm liền miệng, whisky liền môi, để lát nữa ro ro kéo ống, điếu nầy qua điếu khác, hoa phù dung tuy đẹp, tuy một ngày ba lần thay sắc nhưng không tránh khỏi cảnh sớm nở tối tàn, Tư Nhị lúc phùng thời, phải thấy chị ta trên xe Hotchkisss hoặc Alpha-Roméo xả hết tốc lực, chạy lên Xuân Trường, Thủ Đức, miệng ngậm ống đót thật dài để giống các gái ăn chơi Pháp trong sách, tay cặp mỗi tháng mỗi một công tử mới, thằng nầy bị vanh cánh đến lượt thằng khác bị làm lông, Nhị dòm thế gian không người, và thứ cạo giấy như kẻ nầy, lương tháng tám chục không đủ tiền son phấn đứng trông mong Nhị ban cho ruột cái liếc!
Ấy thế mà kết cuộc, Pho chết được chôn ấm đám, Trà còn kéo dài cuộc đời mãi về sau khá dài, duy Tư Nhị thiệt là thảm não.
Gần đây, tháng bảy dương lịch 1982, tôi gặp bạn cũ, anh Ba Quan, một tay lịch duyệt trong giới ca cầm “Giang đô khảo võ”, anh Ba thuật lại sau năm 1945-1946, tiền hết, giấy bạc 500 của chánh phủ Pháp “hết xài”, anh trong mình còn độ một trăm bạc, vừa đói vừa khát anh lết trở về Sài Gòn, một buổi sáng nọ anh làm gan ra đường thì đường vắng hoe không một người đi, anh thả lần tới Chợ Cũ đường Georges Guynemer (đường Võ Di Nguy) anh điểm tâm xong ra cửa vừa đưa tờ giấy xăng (100đ.) chưa kịp thâu tiền lẻ, bỗng nghe có tiếng người gọi: “Anh Ba!”, giựt mình day lại không thấy một ai trừ năm ba người đàn bà hành khất dơ dáy, Quan nói trong bụng “ai kêu mình vậy kìa?” bỗng nghe một tiếng gọi lần nầy thống thiết bi ai hơn lần trước: “Anh Ba! Em là Tư Nhị đây?”. Quan nhìn không ra, vì đứng trước mặt là một người ăn mày không còn hình thể con người, hai chơn sưng vù và băng bó mấy lớp vải máu mủ và ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen, Quan không dám ngó lâu, lật đật rút hai tờ giấy hoảnh (giấy bạc hai chục đồng) đặt nhẹ vào lỏng bàn tay... và đi thẳng một nước: ấy ngày tàn của cựu huê khôi Tư Nhị! Than ôi! Độc địa làm chi và hành phạt làm chi con người vô tội. Có tội chăng là xã hội kìa chớ! Xã hội xa hoa coi tiền như đất cục, để đến hôm nay đào đất kiếm không ra!
Tỉ tê Tư Nhị mà xuýt quên Ba Trà?
Lấy Franchini, về vật chất không thiếu món nào, nhưng ông Tây nầy cưng vợ theo Tây, mà nước ghen lại là nước ghen Á Đông thuần nhứt! Tử đường Frères Louis nay cô Ba dọn trở về Richaud, tái chiếm Nguyệt tiên cung, nhưng đó là một cung Hằng lạnh ngắt sang trọng không kém xưa, nhưng kỷ niệm cũ nào còn, và nào đâu gác dan dưới lầu, a múi khi chén trà sâm, khi nước tắm ấm? Cô Ba chỉ còn một cách tiêu khiển là ngày ngày hay chiều chiều lượn mấy vòng hết chợ cũ qua chợ mới, hết lăng tô (láng thọ) tới Catinat, xe mới, nệm êm, hai tài xế đồng phục, bâu áo một màu với com lê cô mặc, kiểu Cát Tường (Le Mur) hay kiểu của cô sáng chế, quần lai thêu ren, áo màu nào quần màu nấy, và khăn choàng cổ dài phất phơ như cánh bưởm. Chỉ ngồi luôn luôn một mình trọn băng sau, Franchini ít khi nào ra mặt đồng hành, mặc cho đoá lan độc chiếc khoe sắc “đệ nhứt hoa khôi” hay nói theo điệu chơi đồ cổ: “nhứt phiến bình hay mai bình (mei ping) trong có cắm một cành hoa lan bản xứ “hương sắc song toàn” số dzách! Lúc nầy cơm thuốc đầy đủ, thêm được một anh chồng từng nuôi ngựa đua, săn sóc cô còn hơn nhà hiếu cổ tưng tiu lọ Khánh Xuân, Nội Phủ, cô Ba trở lại phong độ mấy năm trước thanh xuân hơ hở, tăng thêm phần sang trọng nhờ biết xài son phấn đúng thời trang. Đây là buổi cực thịnh của nhan sắc trời dành, cô mặc sức láng xê kiểu áo cắt may, và lúc ấy chưa có tá chưa có tướng, duy vợ các ông cò mi và các thầy thông ký chạy theo cũng mệt và báo hại mấy ông chồng đào tiền không ra cho mấy cô ăn xài.
Có câu “lạc cực sanh ai”, sống sung túc quá, con chim kia lại nhớ rừng, và với lông cánh mới, lòng muốn tung bay một chuyến.
Một hôm Franchini đi khỏi, cô Ba sẽ lén vào sòng, và vận đang đỏ, cô trúng một hơi vét sòng, cô đi ngay lại hãng xe, sẵn tiền sẵn bụng muốn, cô kéo về một chiếc ô tô hiệu Alfa-Roméo của Ý, giá 11.000$, mắc gấp đôi xe Hotchkiss giá 4.000, mắc gấp ba xe Citroen bảy chỗ ngồi, hoặc FIAT mui kiếng limousinet bốn chỗ ngồi giá 2.700$.
Không kể lúc Tây mới qua, vài chục năm sau mới trổ mặt có xe hơi ở Sài gòn nhưng có để khoe của và chưng chơi, chớ cầu kỳ chưa có bắc phà cũng chưa, lộ còn trái đá đỏ, có đường đâu mà chạy! Vỏn vẹn Nam kỳ có một trăm chiếc công xa, xe quan thống đốc sáu máy hiệu Delage, số đăng bộ là C.20. Một người cầu kỳ nhứt, sắm xe may mùng trồng lên xe cất trong ga ra năm nầy qua năm kia không bao giờ cho xe chạy đó là bà hàm đốc phủ Hà Minh Phải, người đàn bà biết giá trị độ xưa trong Nam bạc nhứt và chiếc xe ấy là xe của phế đế Thành Thái, bà gìn giữ xe nầy như một món “ngự dụng” không hơn không kém. Nhà có xe ô tô với số đăng bộ C.9999 là cựu ký giả, cựu thủ tưởng Nguyễn Phan Long, và cô Ba Trà đây với chiếc xe hiệu Ý đắt tiền Alfa-Roméo như đã kể.
Thuở ấy biết chơi xe như biết lựa vợ nhà:
- Vợ một kèo một cột, chuyên làm tiền vô và không khi nào lãng phí là bà hiền nội trợ con chú Hương con cậu xã trong làng, không khác chiếc Citroen, bảy chỗ ngồi, rẻ tiền, ít hao xăng, xe nào chạy tới đâu xe Citroen cũng tới đó, duy chậm hơn vải giờ, máy tốt, hư dễ sửa, như người vợ hiền, rủi đau cho uống café đậm cũng đủ mạnh, đủ thoát qua cữ rét.
- Vợ có nhan sắc như hiệu xe Hotchkiss, có cặp đèn pha chồm ra tới trước như hai hòn tuyết sơn của cô Sáu. Còn lúc đó ở Sốc Trăng, đầu xe như chiếc quan tài giấu mấy chục mã lực bên trong, chạy mau, nệm êm, duy hao xăng và thỉnh thoảng máy trục trặc, ít có thợ rành sửa chữa... Vợ đẹp thêm nhiều lo, thất công gìn giữ.
- Ham vợ quí phái, như ham ô tô Ý, ô tô Ăng lê, ô tô Đức, nào Alfa Roméo, Bugatti, nào Rolls Royee, nào Mercédès, uống xăng thì như trâu uống nước, lúc xăng chín xu (0$09) hay một cắc bạc (0$10) mỗi lít thì ngồi xe này sướng thật, qua mặt các hiệu khác vù vù, nhưng từ ngày khan hút và xăng lên giá, thì chỉ cất xe trong ga ra chờ ngày lấy ra làm thùng để “trồng hành” vì còn tiền đâu mà cho nó chạy! Thuở ấy xe hiệu Mỹ (Hoa Kỳ) chưa qua, và các hiệu thường thấy gồm có: Panhard Levassor Delahaye, De Dion Bouton, Lorraine Diétrich, v.v.., thảy đều bền và ít làm khó chủ xe, không khác gái Nha Mân, Bà Điểm, giúp chồng như câu tục thường ví:
“Thiếp như cơm nguội giúp chàng đỡ lòng khi bụng đói”?
Cô Ba kéo xe về, Franchini vẽ viên thêm, dạy khôn, bảo cô Ba đem xe ra ngay đường Catinat, trước mắt nhà hát Tây, treo băng và một chai champagne, cô tự cắt dây băng cho champagne đụng vào đầu xe, gọi lễ khai quang điểm nhãn! (tôi còn mắt thấy xe đò Châu Đốc có lư hương thờ cô Hiên, xe buýt Sài Gòn gần đây còn thắp nhang thờ ông Địa, không rõ các xe nầy sản xuất từ nước ngoài, ký bán năm nào?)
Sẵn xe mới cốt ý để khoe ngón phong lưu, sẵn giàu tiền tự do người chồng Pháp mắc bận việc sanh nhai lớn tại Sài Gòn, cậy thế lực của Franchini quen nhiều với các chủ đồn điền cao su ở Chúp (Cao Miên), sẵn ma lực trời dành nơi đầu mày cuối mắt của cô, nên cô nảy ra một nghề mới là cùng một á múi tin cẩn phục dịch hôm mai và một tài xế tin cậy, cô ngồi xe mới thả một vòng ngao du, làm chủ cái hốt me, nhưng muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai, cô hỏi thăm và biết đi nước nhỏ nhẹ với các tay anh chị mỗi vùng: xuống Bạc Liêu phải làm quen với cậu Hai Hiền (Chung Bá Hiền, con ông Chung Bá Vạn, ngoài gọi hội đồng Banh) và Tư Hi, cầm đầu bọn du côn đứng bến, ghé Sốc Trăng có Ban Tư (Lưu Liễu) công tử Cáo (Lưu Nhu), lên Cần Thơ có Lê Thọ Tường, ở Cầu Cống và Cầu ngang (Trà Vinh) thảy đều có anh hùng bản xứ, đến nơi mà không ra mắt các tay chiếng ấy, thì sao cho khỏi ăn me mà bị cướp ngành thầu dọc đường, hoá ra sạch vốn, duy chơi me ở Chúp xứ Thổ, trong đồn điền của chủ Pháp quen thân với Franchini, thì lo gì mất của, lại nữa ở Chúp, cô Ba mười phần chắc thắng trọn thắng vì các tay con quen đánh đủ bốn cửa, chủ cái lấy ba cửa thua chung một cửa thắng thì thế nào cũng dư tiền hồ (xâu) lại dư tiền thắng cuộc và ít hao đến vốn.
Cái vòng quanh lục tỉnh của cô Ba, làm cho nhiều người bàn tán, đồn rằng cô thua bài quá nhiều nên đi vơ vét các tay chơi ở tỉnh, kỳ trật cô ghé nghỉ ngơi ở lữ quán bungalow là để đùng cơm Tây và đổ xăng vào xe, cô vẫn mở phòng, và khách sộp nào muốn ra mắt phải đi lễ trọng hậu, lễ nho nhỏ cỡ một trăm đồng, cô đều gọi bác tài và a múi phân phát trước mắt làm cho khách hổ thẹn ra về, chớ cô nào hạ mình rước khách cốc keng như gái ăn sương tứ thời nhì hạng..
Có một chuyến cô xuống Bạc Liêu, cô cạn vốn, định quay xe trở về Sài Gòn nghĩ cách, cậu Hai Hiền trước học Chasseloup đồng những năm 1919-1923 với kẻ viết bài nầy, Hai Hiền hay được định cầm cô ở lại giúp vốn cho cô gầy sòng khác, Hiền về nhà lấy bạc thì cô đã lên xe xông lướt dặm ngàn, xe cô ghé lữ quán bungalow Sốc Trăng thì vừa được tin xe cậu Hiền vì tránh con bò đi lang thang ngoài lộ, liền thắng gấp tránh bò, xe lật xuống ruộng đưa bốn bánh lên trời, cậu Hiền thoát chết nhưng gãy lọi một giò, máu me đầy mình đang nằm ở nhà thương cho lương y điều trị. Cô tức tốc vào dưỡng đường, sai a múi lấy một bộ pyjama hường của mình thay cho bộ âu phục của Hiền rách nát, Hiền sau khi lành mạnh vẫn xem bộ y phục của cô như vật linh bùa lạ, luôn luôn vẫn giữ nhớ câu “xếp tàn y lại để dành hơi”(2).
Chú thích:
(1) Người hay chữ nói "sát nhơn, sát thủ” là đủ rồi. Sát là giết, thủ là đầu, là tay. Nhưng tôi viết theo điệu "nghề võ rừng", nó là sát thủ chưa lấy làm hay, phải thêm "sát thủ giản" mới vừa bụng. Giản là thẻ tre, là một thứ binh khí cổ, có bốn cạnh mà đầu bằng không có mũi nhọn, theo tôi, ông hộ giáp ở chùa, ắt cầm giản, nhưng đúng ra trong ý tôi là tôi nhớ cây giản của tướng Tần Thúc Bảo trong truyện Thuyết Đường và câu nằm lòng: "Song giản đả thành Đường tbế giới” “đơn tiên bình định Lý giang san" nhắc tích hai ông tưởng Tần Thúc Bảo (Tần Quỳnh) mặt vàng tay cầm cặp giản và tưởng Uất Trì Cung, mặt đen, cả hai người dày công gầy dựng cơ đồ nhà Đường của vua Lý Thế Dân. Tạo lập hay "bình định" cũng là một thứ. Và nói "sát thủ giản" trật văn phạm nhưng nghĩa mạnh hơn, nên tôi bất chấp văn phạm.
(2) Câu “Đập cố kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi" là của đức Dục Tông hoàng đế. Cụ Trân Danh Án, thi sĩ trung thần thời Lê mạt, đã viết: "Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh, Trầm phong khâm tứ hộ dư hương”, dịch: "Đập vỡ tan gương tìm bóng cũ, lại phong mến lớn giữ hương thửa". Sự trùng hợp này là một giai thoại nên ghi lại (trích Thi thoại của văn học, trang 109, Quốc học thư xã Hà Nội 1939)