Dịch giả: Văn Hòa
Chương II

     aura qua nhìn ra cửa sổ phi cơ để được nhìn thấy Chris một lần chót. Ông đã phải hấp tấp chạy lên sân thượng để nhìn cho được chiếc phi cơ cất cánh. Tay ông vẫy vẫy chiếc khăn màu hạt dẻ.
Chưa bao giờ Laura sống với chồng ba ngày như vậy: ba ngày thật là gần gũi mà cũng thật là xa cách. Họ không nghi ngờ về mối tình của họ, họ biết rằng không gì chia rẽ họ được và tin vào lòng chung thủy của nhau, nhưng không ai nói ra. Suốt đêm, Laura phân vân: bà không biết có nên sang phòng của Chris không, nếu chồng bà không đến với bà? Chuyến viễn du của bà sẽ kéo dài bao lâu? Cái đêm cuối cùng này lẽ ra hai vợ chồng phải cận kề bên nhau, nhưng điều đó đã không xảy ra, như vậy nó có ảnh hưởng đến tâm trí họ một cách thái quá hay không, trong khi họ phải xa nhau, dẫu chỉ là một sự xa cách vắn vỏi? Theo Laura thì bà chỉ vắng mặt trong vài ngày.
Chris đã nói:
- Dầu sao đi nữa, anh cũng chỉ yên tâm khi nào em đã trở về. Hãy vì anh mà tương nhượng cũng như anh đã tương nhượng em. Để em đi một mình, anh không biết chuyện gì sẽ xảy đến với anh đây. Anh ăn sẽ không ngon, ngủ sẽ không yên cho đến bao giờ em trở về. Anh có cảm tưởng như là thân anh bị xẻ làm đôi. Ngay cả Triều Tiên bây giờ ra sao anh cũng không biết nữa.
Ngồi trong phi cơ, Laura hồi tưởng lại mấy ngày vừa qua. Nhửng ngày nặng nề làm sao! Để mặc Greta xoay xở việc nhà, bà lao mình vào công việc khảo cứu để tìm sự quên lãng. Dầu đau khổ đến đâu con người cũng chịu đựng được, miễn là làm việc. Bà đã viết xong một chương nói về sự ích lợi của các loài hải thực vật và hải động vật, chẳng hạn như loài điện ngư sản xuất được chất chống hơi độc, loài hải đởm giúp bạch huyết cầu ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, loài sứa lửa được sử dụng trong công cuộc tìm kiếm những sự kích ứng của cơ thể. Nhờ có tinh thần kỷ luật, Laura đã tìm cho mình được một niềm an ủi tuyệt diệu trong sự làm việc và do đó đã tạo ra được sự quân bình về tâm trí.
Chiếc phản lực cơ chuyển động rồi bay lên cao. Laura dựa lưng vào thành ghế, mắt nhắm lại. Bà đang đi đến một vùng đất mới, mới đối với bà ở tận Á châu, nơi mà bà chỉ biết qua sách vở. Hơn mười năm trước, lúc Chris hồi hương, vì quá vui niềm vui tái ngộ nên Laura không hỏi gì chồng về cái xứ Triều Tiên này.
Khi Laura mở mắt ra thì phi cơ đang bay ở cao độ. Trong đời bà chưa bao giờ bà cảm thấy đau khổ, cô đơn đến thế! Phải chăng bà đã có lý khi đem hết sức mình ra chống trả với dĩ vãng? Hay vì ghen tuông, bà không muốn để Chris gặp lại Sương. Có lẽ... bà phải chính mình gặp Sương để xem cô ta có ba đầu sáu tay thế nào và để biết cô ta duyên dáng và quyến rũ đến đâu. Bà không tin Chris có thể say mê một cô gái chẳng ra gì, không nhan sắc, không giá trị. Chồng bà tính tình phức tạp, có những sở thích khó chiều, nhưng đã làm cho bà hài lòng vì ông rất tế nhị.
Còn vấn đề thằng bé nữa, cố nhiên. Nhưng trước hết bà muốn gặp Sương để nhận xét về cô ta một cách khách quan như nhận xét về một mẫu hải thực vật, để biết rõ ai mới thật là người bạn lòng đầu tiên của chồng bà.
Theo dòng tư tưởng, Laura nhớ lại đêm tân hôn của mình. Là một cô gái còn tân, nàng cũng muốn biết chồng nàng có còn tân như nàng không, nhưng rồi vì quá tự ái, quá thẹn thùng và quá ngây thơ, nàng đành giữ im lặng. Đến bây giờ Laura mới nhận ra những điều mà Chris đã học được trong cái túp lều bé nhỏ bên xứ Triều Tiên là những điều đáng lý ra bà phải đoán được ngay khi ông mới hồi hương. Chris đã học hỏi ở Sương sự dạn dĩ và khéo léo trong tình chăn gối mà Laura không thấy ở chồng trong những ngày trăng mật ngắn ngủi. Chris thật sự đã “sống” với Sương ư? Không, không chắc, vì ông đâu có yêu Sương như đã yêu bà. Vả lại, Sương không thể yêu Chris như bà được. Sương chỉ là một con bé Triều Tiên ngu si vô học...
Trước ngày Laura khởi hành, Chris về nhà sớm. Hai vợ chồng ngồi uống rượu tại phòng khách, bà đã hỏi ông:
- Cô Sương làm nghề gì?
Lần đầu tiên trong đời, bà ngạc nhiên nhìn thấy chồng bà đỏ mặt. Ông hỏi vặn lại:
- Em hỏi thế này là có ý gì?
- Em chỉ muốn hỏi cô ấy làm nghề gì. Chẳng hạn như làm giáo viên, y tá hay các nghề nghiêp tương tự.
- Ồ, không. Cô ta chẳng có nghề gì cả, nhưng không phải cô ta mù chữ đâu. Người Triều Tiên thích âm nhạc. Cô ấy giọng tốt và hát luôn mồm.
Laura không hỏi gì nữa, bà sợ phải nghe Chris nói nhiều về Sương. Kỷ niệm đêm tân hôn một lần nữa lại hiện ra với Laura, dẫu bà đã cố gắng không nghĩ đến.
... Hồi đó, hai người làm lễ cưới thật đơn sơ, nhưng cũng thật là vui vẻ, trong một ngôi giáo đường cổ ở khu Park Avenue, nơi Laura đã được rửa tội. Nàng bận chiếc áo cưới của bà nội nàng, chiếc áo còn mang dấu hiệu của nhà may Worth de Paris và chiếc khăn voan viền đăng ten thứ thiệt. Tiếng đại phong cầm chấm dứt buổi lễ, chàng và nàng ra khỏi giáo đường như bồng bềnh đi trên ngàn vạn niềm vui. Ngày cha mẹ nàng thết tiệc tại nhà thật là vui vẻ. Laura đã nhìn thấy mọi nghi thức trang nghiêm và thích thú.
Hồi còn bé, nàng thường bảo sẽ sang Nouvelle Angleterre để hưởng tuần trăng mật và nàng đã thực hiện điều đó. Vợ chồng nàng đã được ông chú già tiếp đón ân cần. Hai vợ chồng đã về vùng quê chơi, trong lòng ngập tràn hạnh phúc. Việc gì đối với họ cũng đều mới mẻ, lúc bấy giờ Laura nghĩ rằng ngay chính họ cũng là những con người mới, họ chỉ sống cho nhau... Đến nay Laura mới biết rằng mình không phải là người đàn bà duy nhất trong đời chàng...
Bà tránh không muốn nghĩ thêm. Có thể, Chris đã nói hết sự thật với bà. Trong đêm cuối cùng ấy Laura đã đem hết can đảm nói với chồng:
- Anh ơi, không biết vì sao em lạnh quá!
Em rét run lên không sao giữ được.
- Lại đây với anh, anh ôm cho ấm.
Chris ôm vợ vào lòng, rồi hỏi:
- Trong người em có gì thay đổi không?
- Không, em không có gì thay đổi cả. Em cảm thấy ở trong một trạng thái kỳ lạ, người như vừa mới khỏi bệnh, yếu ớt, chán chường, không thể cử động. Thật là một cảm giác lạ kỳ... nhưng sắp hết rồi. Có lẽ em bị xây xẩm đây thôi.
Nàng gượng cười:
- Nó làm như vừa lặn sâu ở dưới nước lên, lên quá vội. Thân thể bị tê liệt hết.
Chris thì thầm, giọng như lạc đi:
- Em tha lỗi cho anh.
Laura ngẫm nghĩ xem trong mình có gì thay đổi không. Bà tự nhủ: “Không phải con người ta thay đổi mà là tất cả những gì còn lại đã thay đổi. Nếu ta không tin tưởng Chris nữa, lúc ấy tất cả sẽ thay đổi. Ta sẽ đi đến một nơi không ai biết”.
Hết kỷ niệm này đến kỷ niệm khác cứ thể hiện ra trong đầu Laura. Trước ngày cưới, mẹ bà đã nói:
- Con ạ, mẹ không mong con thử thách chồng con với một mối tình quá lớn.
Laura đã trố mắt ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao mẹ bảo tình của con đối với chồng con là quá lớn?
- Tại vì sự lợi ích của chính con.
Hồi ấy mẹ bà đã giải thích như vậy nhưng Laura không hiểu gì hết.
Bây giờ bà mới hiểu. Bà đã hiến dâng trọn vẹn cho chồng cũng như đã hiến dâng cho công cuộc khảo cứu mà bà đang đeo đuổi và cho chính đời sống của bà. Bà không bị chia sẻ vì những tình bạn vớ vẩn và những trò vui giải trí lăng nhăng. Không có con, bà hoàn toàn hy sinh cho chồng và cho công việc. Khi nghe những người đàn bà khác nói chuyện bếp núc, chồng con, bà ngỡ rằng mình hơn họ. Bây giờ bà mới thấy tủi nhục. Nếu có một đứa con, có phải là cuộc đời của hai người đáng giá hơn không. Trong lòng bà, Chris hết là vị “chủ nhân ông” duy nhất rồi.
Laura thử tưởng tượng đến việc hai vợ chồng bà có một đứa con và bà sẽ phải nghỉ việc - không, bà không thể nghĩ đến điều đó. Bà chợt nhớ lại trong mấy ngày gần đây, chồng bà đã cố gắng làm ra vẻ tự nhiên, nhưng Laura cũng đoán được là ông đã cảm thấy sự khác thường và đau khổ nơi bà. Lúc chia tay, Chris đã ôm chặt lấy Laura và bảo:
- Anh chỉ yêu em và mãi mãi chỉ yêu em.
Rồi ông hôn vợ say đắm.
Bây giờ bà vẫn còn cảm thấy chiếc hôn ấy như còn đọng lại ở trên môi, bà chợt hiểu rằng: Chris không có đổi thay gì mà mình cũng thế. Nhưng Laura đã lầm khi tưởng rằng mình đã hiểu Chris tường tận. Trong bao năm qua, Chris đã âm thầm giữ kín chuyện này, không nói cho bà biết. Nhưng bà hết sức yêu ông, tại sao bà không tiếp tục yêu ông như vậy được nhỉ? Bà tự hỏi với biết bao nhiêu tha thiết ở trong lòng, nhưng bà không sao tìm ra câu giải đáp.
Chiếc phi cơ chở Laura đang bay trong không gian, giữa cảnh trời và đất, chẳng khác nào tâm trạng của bà cũng đang đứng ở giữa ngã ba đường.
Mây trời dày đặc che kín cả không gian, qua những khoảng trống nhỏ bé, thấp thoáng màu xanh của biển cả, xanh thẫm như màu xanh của da trời. Trong khi đó, thủ tục hàng ngày vẫn tiếp diễn. Người ta mang đến cho bà những bứa ăn thịnh soạn, bà ăn thịnh soạn, bà ăn một cách uể oải, nhưng uống những hai ly rượu cốc-tay, một ly rượu mùi và một cốc cà phê sau điểm tâm.
Đêm ấy, Laura ngủ không yên giấc. Mới tảng sáng bà đã thức dậy. Sau khi rửa mặt, đánh răng, bà trang điểm và chải đầu, nhưng đó chỉ là những cử chỉ máy móc, cũng giống như những nụ cười xã giao mà bà đã đáp lễ những người xa lạ chung quanh khi họ mỉm cười với bà vì lịch sự. Bà có cảm tưởng rằng, “cái tôi đích thực” của bà không còn nữa, nó đã biến mất giữa cái khung cảnh bao la này, không còn quá khứ, không còn hiện tại, không có cội rễ, dứt bỏ tất cả. Giả sử bà mất đi giữa chuyến đi này không trở về với gia đình nữa thì sao? Không, bà đã vạch ra cho mình một sứ mệnh thì bà phải hoàn thành cho tới cùng.

*

Khi đặt chân đến Hán Thành, Laura nhận thấy ngay những nét đặc biệt của người dân xứ này là đôi mắt và mái tóc màu đen. Chung quanh bà, người ta nói chuyện bằng một thứ tiếng xa lạ. Nhưng Chris đã chỉ dẫn cho bà rất kỹ lưỡng, nào là tên khách sạn, nào là địa chỉ, nào là thủ tục quan thuế v.v... Lòng bà nhẹ nhõm biết bao, khi nghe một nhân viên quan thuế trẻ tuổi hỏi bà bằng tiếng Anh:
- Thưa bà, bà ở lại đây bao lâu?
- Chưa biết.
- Hai tuần phải không ạ?
- Tôi hy vọng không ở quá hai tuần.
- Nếu bà ở trên hai tuần, bà phải xin phép.
- Tôi chắc là không quá hai tuần đâu.
Anh ta cười, hai hàm trăng trắng và đều:
- Thưa bà, ở đây có nhiều phong cảnh đẹp lắm. Tôi hy vọng bà sẽ ở chơi lâu.
Bà nhã nhặn cám ơn và cảm động vì sự tử tế của anh ta.
Để khỏi phải bỡ ngỡ Laura gọi taxi, đó là một chiếc xe Jeep có thùng bằng tôn. Người tài xế còn trẻ, mặc áo vải, vá nhiều miếng, hắn chỉ biết cười vì không biết nói tiếng Anh. Hắn biết ngay tên khách sạn ghi trên mảnh giấy của Laura, hắn hớn hở đưa bà đến đây.
Chiếc xe xịch đỗ, người tài xế nhảy xuống, hai tay xách hai cái va li và gọi ầm lên báo cho khách sạn biết. Rồi hắn nhã nhặn chỉ vào bảng giá biểu để đòi tiền, luôn luôn tươi cười, hàm răng trắng nhởn. Hắn lại tiếp tục phóng xe đi, nhập vào đám đông xe cộ đang lưu thông khắp phố phường. Lúc ấy, một tên tiểu đồng từ khách sạn bước ra xách hành lý cho Laura. Bà bước theo nó.
Chris đã lo liệu tất cả. Ông đã gởi điện tín báo trước cho khách sạn và nhân viên tiếp tân ở đây đã biết rõ tên bà.
Y nói:
- Thưa bà, có hoa gửi cho bà ở trong phòng đây ạ.
Chris gửi cả hoa đến cho bà nữa. Bà cầm bức điện tín trong tay và theo một tên tiểu đồng khác đến phòng khách của bà. Những bông hoa chờ đợi bà màu sắc rực rỡ, nhưng không có hương thơm. Laura cho tiền đứa nhỏ, khóa cửa lại, rồi mở bức điện tín ra đọc:
“Anh ở bên em - Anh ở bên em cả ngày lẫn đêm. Yêu em”.
Bỗng dưng Laura bật khóc, bà chưa từng khóc bao giờ, nhưng bây giờ những giọt nước mắt này làm cho lòng bà vơi bớt đau khổ. Chồng bà vẫn yêu bà, vẫn nghĩ đến bà. Ở nơi xứ lạ quê người này bà không còn lẻ loi cô độc nữa. Laura nhớ nhà, nhớ Chris, hẳn chồng bà cũng đau khổ vì cô độc. Ôi gia đình yêu dấu! Mong sao đừng có gì xảy ra có thể phá hủy hạnh phúc gia đình và nhất là đừng có sự yếu hèn nơi những con người đang tìm một gia đình để làm nơi nương ẩn. Bà tự ép mình phải kiên nhẫn và tha thứ. Không tha thứ thì quả là hẹp hòi và là tự đầy ải mình vào trong một nỗi cô đơn khủng khiếp.
Laura thức dậy vì những tia nắng đầu tiên từ một đỉnh núi rọi vào. Hôm qua bà chỉ nhìn thấy đường phố, nhưng hôm nay, từ cửa sổ, bà được ngắm toàn cảnh của đô thị - những ngôi nhà cổ, nho nhỏ, chen lẫn với những toà nhà tân tiến nằm trong một thung lũng. Dãy núi ở đây không giống như những ngọn đồi ở Vermont. Một dãy núi đá hùng vĩ được mặt trời tô điểm ánh nắng vàng. Chính tại nơi đây, Chris, chồng bà, đã đau khổ, đã chiến đấu, đã bệnh hoạn vì mệt mỏi và cô độc. Tim bà thắt lại vì xót xa. Laura nhớ đến những điều Chris kể lại cho mình nghe về cái quốc gia đau khổ này. Thế nhưng, chồng bà đã không nói gì về Sương cả. Nghĩ đến đây, tim bà cứng rắn trở lại.
Một giờ sau Laura xuống phòng ăn điểm tâm. Thực khách đều là người Mỹ, xen lẫn một vài người Triều Tiên mặc Âu phục. Đứng ở ngưỡng cửa, Laura đưa mắt tìm chỗ, nhưng chỉ còn một chỗ trống nơi một bàn hai ghế kê gần cửa sổ trông ra vườn. Bàn ấy đã có một người ngồi rồi, một người đàn ông Triều Tiên đứng tuổi, cao ráo, đẹp đẽ, nước da tái xanh và vẻ mặt nghiêm nghị. Một tên bồi bàn tiến đến nói:
- Xin bà cảm phiền, lúc này không còn chỗ.
Bà hất hàm về phía chỗ trống hỏi:
- Tôi muốn ngồi chỗ kia, được không?
Tên bồi bàn do dự, rồi tiến về phía người Triều Tiên. Người này ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn Laura và đứng ngay dậy chỉ vào chỗ ghế trống:
- Xin mời bà.
- Cám ơn ông.
Laura vừa nói vừa ngồi xuống ghế. Bà gọi thức ăn và trong lúc chờ đợi, bà nhìn ra cửa sổ: một vườn non bộ với những lối đi trải cát. Bà ngắm những bông hoa nho nhỏ nép mình giữa những hốc đá, và những cây cảnh nhỏ bé nghiêng mình là là trên mặt hồ nước tí hon. Bà liếc nhìn người đàn ông ngồi đôi diện mà không nói gì. Ông ta lên tiếng trước. Ông nói tiếng Anh rất sỏi:
- Thưa bà, bà cho phép tôi được tự giới thiệu?
Ông rút ra ở ví một tấm danh thiếp, để lên bàn trước mặt Laura. Bà khẽ đọc:
“Chu Dự Liên”.
- Nghiệp chủ - Giám đốc Dược phẩm cuộc. - Ông ta vừa cười, vừa đọc tiếp. Laura ngước mắt lên và bắt gặp nét nhìn đầy thiện cảm của ông Chu.
- Chào ông Chu.
Ông khẽ hỏi:
- Thưa bà, bà đi du lịch có một mình?
- Vâng. Tôi đi có việc nhà.
- Chắc bà ở lại đây lâu.
- Tôi mong rằng không phải ở lại đây lâu. Dạ, xin ông chớ hiểu lầm, vì tôi có việc bận phải về ngay. Vả lại, tôi ít có thì giờ đi du lịch. Thật tiếc, tôi chỉ ở lại được có mấy ngày.
Bà đoán ngay ông Chu là một người thượng lưu và giàu kinh nghiệm. Ông dùng điểm tâm theo lối người Anh: trứng chiên dăm bông, bánh mì nướng phết bơ, cà phê và trái cây.
Ông Chu nói:
- Xin bà thứ lỗi, tôi không dám khoe khoang. Thật tôi còn giữ được một kỷ niệm hết sức đẹp đẽ trong thời gian du học tại Đại học Yale năm 1935. Bây giờ, mỗi năm có việc trở lại đấy, tôi cảm thấy niềm vui như được đổi mới. Người nước bà thật hiếu khách.
Ông Chu ngập ngừng, rồi tiếp:
- Thưa, đây là lần đầu tiên bà sang Triều Tiên phải không?
- Vâng.
Một lần nữa ông Chu lại ngập ngừng. Laura cảm thấy đôi mắt đen và đẹp của ông Chu như ngạc nhiên, như dò hỏi. Bà vẫn im lặng.
Tên bồi bàn mang điểm tâm đến cho Laura, gồm có cam, cà phê, trứng gà “la coóc” và bánh mì nướng phết bơ, khi hắn ta đi khỏi, ông Chu tiếp:
- Một lần nữa, xin bà tha lỗi cho tôi về tội đường đột, nhưng quả thật tôi rất ít khi có dịp đền đáp lại lòng tử tế mà người nước bà đã dành cho tôi lúc tôi còn ở bên ấy. Nếu tôi có thế giúp bà được việc gì ở đây thì thật hân hạnh cho tôi lắm. Nhà tôi thất lộc năm ngoái nên tôi cư ngụ luôn tại đây. Cuối mỗi tuần tôi về thăm thân mẫu tôi một lần. Con trai tôi cũng đang theo học tại Đại học Yale, nơi mà tôi đã theo học ngày xưa. Tôi chỉ có mỗi một mình nó.
Laura chăm chú nhìn ông Chu, vừa lắng nghe ông nói, vừa nhủ thầm rằng chưa bao giờ bà nhìn thấy một người đàn ông nào xinh trai hơn, cao lớn, thanh lịch. Ông bận Âu phục màu xám bằng hàng Ănglê cắt may thật tuyệt hảo. Mái tóc hoa râm làm nổi bật đôi mắt đen tuyệt đẹp của ông. Ngoại trừ đôi mắt hạnh đào ấy, người ta có thể tưởng nhầm ông là người Ý, hay người Tây Ban Nha. Cử chỉ của ông hòa nhã, thái độ của ông thẳng thắn đã khiến Laura tin tưởng. Tự nhiên bà mở ví lấy tấm danh thiếp của Chris đã ghi địa chỉ của Sương ra hỏi:
- Ông có thể chỉ giùm tôi địa chỉ này không?
Ông Chu nhìn thấm danh thiếp, vẻ mặt trở nên nghiêm trọng:
- Địa chỉ này khó kiếm lắm, vì rất xa, ở mãi tận cuối thành phố. Bà đi đến đây bằng gì? Bằng xe hơi phải không ạ?
- Tôi đi taxi.
- Bà không đi một mình chứ?
- Tôi không quen ai ở đây cả.
Ông Chu suy nghĩ:
- Bà có thể đi với một bà nhân viên Tòa đại sứ Mỹ?
Laura liền cự tuyệt:
- Ồ, không. Đây là một việc riêng.
Ông Chu trả lại Laura tấm danh thiếp, bà bỏ vào ví. Ông ta ngồi im lặng, suy nghĩ, trong lúc Laura ăn nốt bữa điểm tâm. Khi bà ăn xong, ông Chu đẩy những chiếc đĩa ra xa, rồi bất chợt hỏi:
- Bà có cho phép tôi đưa bà đi không?
Ngạc nhiên, Laura từ chối:
- Không dám. Ông bận. Tôi sợ làm phiền ông.
- Tôi sắp đặt lại thì giờ và chỉ cần điện thoại về sở là đủ. Bà hãy tin tôi. Chúng tôi không dám để một người đàn bà ngoại quốc đi một mình ở một vài khu vực trong thành phố này. Nếu bà muốn, ngày mai tôi sẽ bảo cô thư ký của tôi đưa bà đi, vì quả thật, bà chưa hiểu tôi.
Laura bối rối:
- Thưa ông, không phải vậy.
- Chắc bà muốn đi một mình? Nếu vậy, tôi có thể chờ bà ở ngoài taxi.
Laura ngượng nghịu, bà cố gắng giải thích:
- Thật ra, tôi chẳng liên quan gì đến chuyện này cả. Đây là chuyện của chồng tôi.
- Vậy, bà đã có gia đình?
- Vâng. Tôi là bà Winters, Christopher Winters.
- Bà ở tỉnh nào?
- Tôi ở Philadelphie.
Một nụ cười nở ra trên khuôn mặt nghiêm nghị của ông Chu:
- À, Philadelphie, tỉnh này đẹp lắm! Tôi có đến nghỉ lễ Noel ở đây với gia đình ông bà bác sĩ Harmsworth. Bà có biết ông ấy không nhỉ?
- Có phải ông ấy là một nhà khảo cứu Đông phương nổi tiếng không?
- Vậy ra bà cũng có quen ông ấy.
- Chúng tôi có gặp nhau đôi ba lần.
- Vậy chắc bà con nhớ ông ta. Chúng tôi không thể nào quên ông ấy được. Tôi gọi ông ấy là “Người cha Mỹ của tôi”. Bây giờ ông già lắm rồi. Mỗi lần sang Mỹ, tôi đều đến thăm ông ấy. Con trai tôi hiện nay cũng tiếp tục truyền thống ấy, nó đến nghỉ hè tại nhà ông. Tiếc quá, vợ ông đã mất rồi!