Tôi xin hỏi: phải chăng ngày xưa, ông bá hộ là ông nhà giàu cung cấp cho nhà nước được một trăm người lính hay là chỉ có mười người? Còn “thiên hộ” là gì, “Vạn hộ hầu” là cái khi? Bá huê tôn sao gọi vase “mille fleurs”? Và những địa danh rất kêu trong truyện Tàu như “Lộ huê vương” có phải là ông hoàng, khi ra đường có hoa trải lót đường đi? Và “Thiên Ba Lầu, vô nịnh phủ”' phải chăng là lầu có chưng một ngàn thứ hoa, và lầu ấy toàn là trung thần hiếu tử, tịch không chứa một thằng nịnh nào? Văn hoá xưa nay còn lại bao nhiêu đó, nay không còn sách cắt nghĩa cho thông, ấy là thụt lùi chớ phải đâu tiến bộ, chuyện xưa nên học, khách ngoại quốc đến đây rủi họ hỏi, mình không cắt nghĩa được hoặc lớn họng già hàm cắt nghĩa sai bét, như vậy có nên chăng? Tại sao ngày xưa, không dịch “Bến” là “Chử” là “Tân” lại dịch “Giang”, (tỷ dụ Bến Tre, Hán tự là Trúc giang, Bến Tranh, Hán tự là Tranh Giang? Lại nữa chữ nôm viết chữ “tranh” là “tranh” tố nữ chớ không phải cỏ tranh), khiến cho một ông đồ hay chữ, viết “chênh” như trong câu “chênh chênh bóng nguyệt”? Một ông cử tân khoa khác viết sách lẫn lộn Bến Tranh ở Mỹ tho, lầm với Đồng Tranh vẫn xa lắc tí tè trên Biên Hoà rừng núi? Một ông nữa viết: “đất Tầm phong long (Châu Đốc và Sa Đéc) (Sử Địa số 1 năm 1966 trang 72). Theo tôi, viết làm vậy, chưa phải là sai, nhưng quả “bắn chưa trúng đích”, tôi không giỏi gì hơn, nhưng nhờ biết quẹt quẹt tiếng Thổ, và đọc trong sách Trương Vĩnh Ký, theo tôi hiểu, có đến hai chỗ đều gọi “kompong Luông”, dịch hay âm là “Tầm phong long”, và đó là: - thứ nhứt, Kompong Luông vùng Sài Gòn, là chỗ mũi tán dóc (pointe des blagueurs) ngày nay ngó qua Sở Nhà Rồng, bến tàu đi biển. Ngày trước, phó vương Đàn Thổ, ngự tại Sài Gòn, thường ra tắm sông nơi nầy, nên đặt tên kompong Luông, như đã biết: kompong là “vũng”, Hán tự là “úc”, còn “luông” là vua, nay còn Luông Pra bang). Nghĩa rộng kompong luông ăn trùm tới Tân An, nên có sông Vũng Gù và rạch Vũng Gù, lại vẫn có “Cù úc” là ruộng tốt châu phê (Mỹ Tho ngày nay), v.v... - thứ nhì, kompong luông vùng Vĩnh Long, vì sau khi người Việt ta chiếm Sài Gòn, thì phó vương Đàn Thổ chạy xuống đất Vĩnh Long, lập một khu “Bến Ngự khác”, vua Miên vẫn thích tắm sông, và đất Vĩnh Long là tên Hán tự còn lại của cuộc địa còn lại danh tử đất Vãng, (đi Vãng là đi Vĩnh Long) và “vãng” là do tiếng nôm “Vũng” trong “Vũng Luông”) Tôi không viết được gọn, và phải viết tầm ruồng làm vầy cho cạn tàu ráo máng, nói phải nói cho toạc móng heo, mặc dầu phạm tội thích lải nhải, kỳ trung là nói cố ý, vì có nhát búa đập đầu nhiều lần thì cây đinh mới lút ngập sâu. Đến đây, tôi đi đã quá xa đường, nay xin dẫn độc giả trở lại xem theo tác giả Pháp Pallu de ba Barrière cuộc “đánh chiếm năm 1861 thành Mỹ Tho”, theo sách in năm 1888, mà họ đánh phách gọi là cuộc tuần tiễu, sự tế sát (reconnaissance) và chỉ dùng chữ “expédition de Mytho” (cuộc chinh phạt) nơi đầu trang 119, chương 7: “Sông Cửu long” (Cambodge) được dò xét thám hiểm tung phút từng giờ qua các cơ quan thuỷ binh, công binh, pháo thủ và bộ tham mưu. Có hai đường thuỷ từ sông Vàm Cỏ Tây (Vaico occidental) đưa đường qua Mỹ Tho: Một thuỷ lộ chạy thẳng, là arroyo de la Poste, gọi theo Việt, là Rạch Run Ngu. Thuỷ lộ thứ hai là arroyo commercial, chảy vòng tròn, trổ ra sông Cửu Long cách thành trì Mỹ Tho tám dặm, nối thẳng arroyo chinois là đường nước giao thông từ vùng Sài Gòn đến vùng Mỹ Tho nầy. Kể về chiến lược, nên dùng arroyo commercial là đắc sách hơn là noi theo ngả arroyo de la Poste, vì ngả de la Poste, mặc dầu đưa thẳng vào thành, nhưng đó là một con tiểu lộ chật hẹp, dễ bị đối phương dùng hoả công lúc chặn đánh. Nếu dùng chiếc tàu nhẹ lướt trên arroyo commercial, dụ chọc cho phe địch chống cự nơi đó, rồi ta noi theo arroyo de la Poste đoạt thành dễ như chơi, vả lại arroyo commercial cỏ mọc tùm lum, tuy không phòng bị, nhưng chớ ham đi ngả nầy, lòng sông rất cạn, tàu ta đi không tiện đây. Arroyo de la Poste, địch dự bị và cố thủ kiên cố, đủ biết đường nước nầy là lợi hại, quân do thám cho hay địch đắp đập làm nhiều chỗ và đặt đồn thủ rất nhiều nơi, và tàu bên ta phải đề phòng có sự chống trả kịch liệt. Ngoài ra, nẻo quan lộ trên bộ thì cầu kỳ đã bị phá hư trên bảy chỗ, thế là vô dụng cho bên ta rồi. Con lộ đất nầy không khác một cây cung, mà dây cung là arroyo de la Poste vậy. “Trận quyết chiến nầy đã khó lại hiểm, trên đất liền cũng như trên sông nước; nhưng nếu trì công phá đập diệt đồn thì việc dọn đường cho tàu ta xông lướt trên arroyo de la Poste kể như mỹ mãn, rồi cứ để cho bên ta, súng có lòng xoay (pièces rayées) làm phận sự hai bên có lính bộ bắn tiếp, thì ắt dễ thành công, huống hồ theo dự định, khi binh ta kéo đến gần thành trì Mỹ Tho thì vừa có một thuỷ triều thuận tiện giúp ta đắc thắng dễ dàng”. Trên đây là bản sách lược do thuỷ sư đề đốc Charner hoạch định mật và giao cho hải quân trung tá Bourdais thi hành, và ngày 26-3-1861, Bourdais được lịnh khởi binh (sau khi tàu của y bị kẹt, đóng ở đầu vàm altoyo de la Poste chờ lịnh đã ngót mươi lăm ngày). Các tàu Mitraille (Dubal cầm đầu), chiếc pháo hạm số 18 (cò tàu Peyron), chiếc số 31 (Mauduit Duples8s điều khiển), chiếc Monge (cò de la Motte Rouge), thêm hai trăm lính thuỷ (trung đội 2è và 5è do hai đại uý Prouhet và Hanès cầm đầu), thêm ba chục lính I-pha-nho do thiếu uý Maolini dẫn dắt, lại có một ổ tạc đạn mười người của chiếc Impératrice Eugénie hỗ trợ và đặt dưới quyền điều khiển của trung tá Bourdais. Bộ tham mưu thêm biệt phái đại uý công binh Mallet và đại uý Haillot theo hỗ trợ đội tiểu binh nầy. Đề đốc Charner lại dặn riêng Bourdais hãy mật báo cho tổng trấn Việt ở Mỹ Tho nên để cho quân Pháp chiếm trọn khu tứ giác là Vàm Cỏ Tây (Vaico), Run Ngu (arroyo de la Poste), rạch Chanh (arroy commercial) và Cửu Long (le Cambodge) (sic), và nếu ông (tổng trấn) nầy muốn về Sài Gòn, thì Bourdais hãy cấp giấy đi đường cho ông ta, (hãy nói rõ ông ta sẽ được nghinh tiếp trọng vọng, nếu ông ta muốn qui hàng, thì sẽ được giữ y chức cũ, nhưng buộc phải về hưu, làm dân thường, bằng như ông ấy muốn lui về lãnh thổ Nam, thì sẽ giúp ông đủ mọi phương tiện, cho ông toại nguyện. Nhưng xin dặn Bollrdais chớ quên cuộc tiễu chinh phải cho thận trọng và thật phải cho dè dặt, lỡ để cho địch bắt sống một tên quân, dầu chết dầu còn, cũng là thất sách, phải nên tránh việc ấy, và cần nhứt là liên lạc khéo với ông tổng trấn nọ để đi đến kết quả là thâu được thành Mỹ Tho” (thư Charner 27-3-1861). Suốt những ngày 27 cho đến 30-3-1861 (dương lịch), trung tá Bourdais toan dẫn bổn bộ tàu chiến định dùng ngả arroyo Commercial mà tiến tới, nhưng phần thì sình lầy, phần thì cỏ mọc dày chận lại, sau rốt Bourdais, ngày 1-4-1861, mới dùng ngả arrovo de la Poste. Chiếc Mitraille phá được hai đập đầu, nhưng cách hai hôm trước, hải quân trung uý Gardoni đã qua lọt đi tới đập số 3 và báo tin có hai đồn cố thủ hai bên bờ rạch và phải đề phòng. Ngày 1-4-1861, binh Tây trên bờ tìm ra vị trí hai đồn nói đây và cách 1.200 thước, đã dùng súng lớn phá tan. Ngày 2-4, chiếc Mitraille dắt theo sau là chiếc Alanne, tiến tới, nhưng tàu Mitraille bị mắc kẹt khi cách đồn Việt bốn trăm thước và chận đường, chiếc Alanne không qua được. Duy ba chiếc pháo hạm số 18, số 31 và số 20, nhờ vóc ốm, lách qua được và phá tan đồn bên ta (Việt). Nên nói lại đây, đồn 1 và 2 của Việt, thiết lập trên sình non, ngoài có hào sâu cỡ hai thước Tây bao bọc, cũng hiểm trở lắm, nhưng vẫn không địch lại súng mạnh của Tây, và binh Pháp đã khởi sự bắn vả phá sập hai đập Việt số 3 và 4. Tnmg tá Bourdais treo cờ lịnh của mình trên chiếc pháo hạm số 18. Chiếc Mitraille, mặc dầu bị kẹt, và chiếc Alanne, bị cản trở, hai chiếc vẫn dùng súng trợ lực trong chiến công ngày 1-4-1861. Ngày 2 và 3-4-1861, Tây dùng phá rốc các chướng ngại vật lối đó, gồm thúng đựng đá, đá cục to, cứ làm bằng cây cau xóc dưới sình, vì lính Tây phải lặn lội móc moi dưới nước bùn lầy, nửa thân trên và đầu cổ phơi dưới ánh nắng nóng như thiêu, nên dịch khí và kiết lỵ hoành hành, bọn nào mắc bịnh thì có tàu nhỏ đưa qua hai chiếc Mitraille và Alarme làm tàu cứu thương. Đến ngày 3-4-1861, ba chiếc pháo hạm lại kéo tới trước và chỉ trong vòng hai mươi phút đã hạ xong cái đồn thứ 3 bên tả ngạn. Dường như trong trận nầy, đầu lãnh bên Việt bị trúng thương, sứt mất một. cánh vai, vì vậy cuộc chống trả thấy dứt ngang, đồn bị phá và bị binh Tây chiếm đoạt. Lại phải dẹp trừ các chướng ngại vật (số 5 và số 6) cũng y như đoạn trước, thêm có một chiếc thuyền quan to lớn, nhận chìm, chứa đầy đất. Khoảng giữa hai chướng ngại 5 và 6, có sắp 25 bè chứa đấy đồ dẫn hoả diêm sanh và bùi nhùi. Nơi nhận thuyền to, là giáp nước, chỗ hai sông: Vàm cỏ và Tiền giang đụng đầu nhau, khi nước lớn, chỉ sâu một thước rưỡi,... Đến chốn nầy, Bourdais ra lệnh cho Duval cò tàu Mitraille, báo tin thắng và đã chiếm được ba đồn, phá được năm đập và trễ lắm là ngày 5-4-1861, sẽ đoạt thâu đập số 6, tức là đi đã được nửa độ đường, nhưng tin nầy về tới Sài Gòn cũng cam go không ít, vì có nhiều lối đi bị cạn vì con nước thuỷ triều lớn nhỏ không chừng. Xét ra nếu cho đến nay, ba pháo hạm lướt xông dễ dàng, chớ vẫn sơ hở thiếu bộ binh yểm trợ hai bên sườn, nếu bên Việt rõ được thì nguy to vả lại nhiều lần tàu Tây đụng chạm hai bên bờ bụi rậm, cuộc độ binh đã bắt đầu gay cấn, Tây đã gần đi đến thành luỹ Mỹ Tho, binh Việt lực lượng càng đông, cho nên đến ngày 4-4-1861, bên Pháp thêm binh tiếp viện, gồm chiếc tuần dương hạm nhỏ do đại uý Vautré điều khiển, đem theo 200 lạp binh (chasseur) đặt dưới quyền hai đại uý Lafouge và Azières, thêm 100 lính thuỷ, hai trung đội thuỷ quân lục chiến, kèm hai súng lòng xoáy, hai súng tạc đạn sơn phòng, lòng xoáy, do đại uý Amandric du Chaffaut cầm đầu, lại có thêm 50 công binh đặt dưới quyền đại uý Bovet, tuỳ tướng là hải quân trung uý Amirault, một đội cứu thương, còn đạn dược gồm 20.000 các tút giao cho thiếu uý pháo thủ Mathieu trông nom. Đến đây, đoàn chinh tiễu đã trở nên hùng hậu, cho nên giao cho hải quân đại tá Le Couriault du Quilio làm trưởng đoàn phụ tá có thêm quan bốn lon công binh Allizé de Matignicourt theo hỗ trợ và hai ngày sau là ngày 6-4-1861, thêm có hải quân trung tá Desvaux từ Sài Gòn dẫn binh thêm xuống đóng nơi Rạch Run Ngu, và thiếu uý pháo thủ Guilhoust từ Fou ven mot (Thủ Dầu Một) dắt ba khẩu súng sơn pháo đến thủ trước tại Mỹ Tho (Đoạn nầy tôi dịch đầy dủ theo sách cho thấy lực lượng Tây hùng hậu) Ngày 4-4-1861, đề đốc Chamer còn gởi cho trưởng đoàn chinh tiễu một mật lịnh dạy phải gia tăng cẩn thận, phải xem trước xem sau, tàu vào sông rạch, trưởng đoàn có trọn quyền sai cắt, nếu xét binh quân chưa đủ sức đánh vào thành Mỹ Tho, thì hãy cứ xin binh thêm, nhứt là không nên liều lĩnh vả lại theo đám An Nam chỉ dẫn thì trong thành vẫn có sẵn người yểm trợ nội công về hào thành hãy liệu lấy và nên tháo nước cho rút cạn vào ban đêm là thuận tiện nhứt. Vả lại đó là một việc tuỳ nơi người trưởng đoàn xem xét và tự liệu tại chỗ”. Trong thơ, lại có gạch một câu hờ, dặn nếu “ông tổng trấn có điều đình lời nào, thì cứ trả lời ông ta hãy để cho bên mình (Pháp binh) chiếm cứ thành trì trước đã rồi sẽ thương nghị sau, và cần nhứt là nên nhớ “ông ấy là một chồn cáo xảo quyệt” có thể đánh lừa mình đó” (ne perdez pas de vue, un instant, que vous avez affaire à un renard qui veut vous tromper”. Qua ngày 6-4-1861, Charner lại bồi tiếp một bức thơ như vầy: “Ông (trưởng đoàn) ông ở tại chỗ, nên nghiên cứu xem có thể cho các pháo hạm sắt nhỏ chạy ra sông Cửu long (Cambodge) và còn phải diệt trừ hết các chướng ngại và ghe thuyền nhận chìm tại chỗ; về các pháo hạm, ắt có thể bị sình bùn ngăn chận, nhưng vì đó là chất mềm, nên lườn tàu có thể “cày” sâu cỡ ba tấc Tây và lướt tới vô sự” Charner lại nghe dường như tại Mỹ Tho, có nhiều chiếc thuyền của quan quyền người Việt, tưởng cũng nên huỷ diệt hoặc thâu đoạt thì càng tốt, vì như vậy phe địch sẽ không có cách để tẩu thoát. Charner viết: “Hai chiếc Lily và Sham Rhoch, tôi chưa có tin tức đã tám hôm rồi, nhưng tôi sẽ cung cấp vật liệu, lương thực và cho hai pháo hạm hỗ trợ để nghinh địch nơi đầu vàm sông lớn. Phải nghiên cứu cách thức cho hai chiếc Mitraille và Lalarme đi tới Tiền Giang (Cambodge) và cho hai ghe cạn lườn theo hộ tống”. Nhưng vào ngày 5-4-1861, đoàn tàu của trung tá Bourdais cầm đầu, trong số có thêm chiếc pháo hạm số 16 đo đại uý Béhic điều khiên, đoàn tàu nầy đã phá hai đập số 5 và 6 (các ngày 3 đến 5-4-1861) và đã lướt đến đập số 7 chỉ còn cách xa độ 1.000 mét. Và đây là lần thứ nhứt, nơi hông đoàn tàu lộ rẽ, địch có kháng cự. Bên Tây đổ bộ lên bờ thấy một xác tử thương và dấu vết máu đổ. Cho lính thuỷ lên lục soát nơi chỗ gọi “giáp nước”, nơi quân Việt đóng ở đó đề phòng ban đêm bên địch đánh lén. Cho đến giờ phút nầy, đoàn bộ binh mãi lo gỡ các chướng ngại vật cực khổ và vẫn bị dịch khí và bịnh kiết ly hoành hành, cho nên không ủng hộ gì được nơi hông các pháo hạm. Nhưng việc ủng hộ ấy thuộc về phận sự của đoàn hỗ trợ phái từ Sài Gòn xuống, và vẫn gặp trắc trở cam go vì quân thám tử thường cho tin láo khoét, việc ngôn ngữ cũng bất đồng, lại nữa địa thế tứ bề đều là mới lạ. Duy tin tức nầy, chúng thám tử nói đúng, là bên tả ngạn, chỉ có một xẻo nước ngăn trở, còn bên hữu ngạn, vẫn có đến năm đường nước, vừa lớn vừa bé, chảy xuống Rạch Run Ngu. Gần đó, cách độ 2.000 mét, thì là con đường cái quan thuận tiện, vậy thì cắt bộ binh cứ theo tả ngạn mà đi tới và khi đến gần đích là Mỹ Tho, thì sẽ sang qua hữu ngạn mà đi. Ngày 5-4-1861, mấy đội hỗ trợ từ Sài Gòn, đã theo tàu Echo tựu lại vào buổi sáng nơi đầu vàm Run Ngu gặp Vaico occidental, nơi đây có chiếc Rhin thủ sẵn. Qua hôm sau, có chiếc pháo hạm số 22 đưa trung đội 2è lạp bộ binh và đội thuỷ quân lục chiến đến nữa, nhưng đoàn binh nầy và tàu của Pháp, đều bị chỗ giáp nước chân lại vì nước ròng sát, không qua được. Mãi đến ba giờ chiều, binh lính mới đi tới đập số 8 của địch. Họ bèn lên bờ và theo gót quan bốn lon Alizé. Một đội 10è thuỷ quân và 50 tên quân I-pha-nho do thiếu uý Maolini cầm đầu cũng tháp theo đội nói trên. Bọn chúng gặp đất mềm, chông cứng đầy gai cắm sâu dưới lầy, bầy ngựa chiến và con la (mulet) và súng sơn phòng đều phải bỏ lại đây hoặc vác trên vai nặng nhọc. Phải có bốn cu li khiêng súng cối bốn đứa nữa khiêng giá sủng, và mỗi thùng đạn dược thì phải hai người khiêng, nhưng phái đoàn nầy xê dịch cũng khá mau lẹ. Bên Việt cố thủ kiên cố tại đây. Dưới rạch thì có chướng ngại vật to lớn, còn trên bờ, thì lính Việt bày ra hàng dài cách xa 1 ki lô mét, súng ống chĩnh chàng. Bên Pháp lạp binh, thuỷ quân, lính I-pha-nho, thuỷ quân lục chiến dàn xếp trên bờ chỉnh tề. Hai bên xạ chiến, nhưng thiếu uý Maolini đưa súng lớn và mạnh vào trợ lực, và bên Việt núng thế nên tháo lui, phen nầy họ bỏ lại xác tử thi của họ; đồn Việt bị phá, và binh Tây dừng chơn nghỉ ngơi tại một làng gần bên đồn nầy. Qua ngày 7-4-1861, lại tiếp tục..., chờ nước ròng, vét sạch bùn trong mấy thuyền bị nhận chìm, và khi mét sạch, thuyền trôi lềnh bềnh theo dòng nước chảy. Công việc như vậy mà khó nhọc vô ngần, vì quân Pháp phải loi ngoi làm dưới nước, đưa đầu cổ cho nắng táp. Ban đầu dịch tả phát nơi đám lạp binh rồi chuyền lây qua bọn lính thuỷ và các đốc tờ Champenois và Azais và Dugé de Bernonville phải tận lực săn sóc: Khi đánh đến đập số 7 của ta, thì số binh ngã bịnh lên đến một trăm năm chục, số y tá không đủ, và phải dùng lao công Tầu đế đấm bóp tay chân cho kẻ đau dịch tả. Trong lúc ấy, ngựa giậm chân làm lủng ván lót trên tàu và ghe thuyền của bên Việt tịch thu được, lại vẫn tháo nước, và nguy thay, các xác bịnh nhơn từ trần, để dưới ghe thấp lại bị sóng nhồi lăn đưa qua người sống nằm hay ngủ gần đó. Quả các trại bịnh viện tình cảnh lúc nầy bi đát làm sao, và trung uý hải quân Vicaire, thuyền trưởng chiếc Loire, đã từng thấy năm người chết trước mắt chỉ nội khoảng khắc vài giờ. Lính trên tàu Monge, vì tham gia trong trận nầy, đều ngả chết lần hồi, vả bọn còn sót lại, vẫn chưa lại nghỉn (chưa hồi phục). Trung tá Bourdais bắt đầu mắc chứng rét, tinh thần va giảm sút lần..., va thường ngồi trên tàu nhẹ, mỗi lần va thấy quân sĩ mất nghị lực, va bên ngó ngay mặt viên tài công thốt câu như vầy: “Việc đầu tên là ta sẽ gắn huy chương cho mi!” và chính câu nói ấy đã làm hăng hái lòng quân trở lại. Tuy nói làm vậy chớ sau trận nay, cả Bourdais chủ đoàn, tên tài công và năm tên thuỷ thủ đồng bọn, đều chết, không còn một mống. Đánh đến đập thứ 9 của ta, thì lính Pháp và vài tên linh Phi Luật Tân bắt đầu ta nha thiết xỉ... Mặc dầu vậy, trải hai ngày rối đến ngày 8-4-1861, vẫn các pháo hạm qua lọt khúc quanh nầy, thật là thiên nan vạn nan, và qua khỏi khúc quẹo gãy 90 độ như thước nách ấy thì rạch Run Ngu trở lại ngay dòng trực chỉ từ Bắc quay mũi về Nam. Bọn quân báo, hỏi chúng, vẫn mách rằng từ đó xuống Mỹ Tho, còn một đồn lợi hại trên Arroyo de la Poste. Bên chúng, bèn truyền lịnh để công kích đồn nầy, thì một mặt sẽ dùng súng từ xa do các cu-li vác hay vận tải đến đây cứ bắn mà tới, mặt khác thì các tàu chiến sẽ hãm địch trận tiền... Ngày 9-4-1861, đội binh hỗ trợ đã đến, các pháo hạm số 18, 31, 16 và chiếc số 20 do đại uý Gougeard điều khiển đều được lịnh tiến tới. Đoàn bộ binh thì đi dọc theo Arroyo de la Poste, cùng hẹn kéo tới một ngọn xảo nhỏ trên rạch Run Ngu làm trung tâm điểm, phối hiệp. Các pháo hạm đều đến y hẹn, duy đội binh chánh thức lại đi lầm đường, không rõ tên hướng đạo lộn đường hay đã phỉnh gạt bọn Pháp, chúng quân sĩ phải lội và giậm đạp trên đất ướt, nước lớn ngập vừa rút, đạp sình non trên ruộng cỏ rồi lội qua mương cau rễ cau dày đặc... Đến đây đội lính bộ bên Pháp vừa đụng đầu với một tốp dịch, vừa toan xáp trận thì họ đã rút lui không nghinh chiến. Quân Pháp bèn chiếm làng nhỏ này, có một xẻo nước chảy ngang không rõ đầu xẻo ở bên nào, duy bất chợt thấy nhiều súng, giáo và y phục quân lính, họ bỏ lại đó, éo le vậy thay. Chốn nầy, không biết cách nơi định gặp nhau là bao xa, tên dẫn đường vô tình hay cố ý đã lạc lối, trước mặt là ruộng có lầy lội khả nghi, nên tốt hơn là Pháp thối bộ trở về đóng binh nơi làng đã chiếm, ít nữa ở đó có xẻo nước, dễ liên lạc với đoàn tàu bên mình, nào ngờ chỗ bỏ đi khi nãy, theo chỉ huy Alizé và theo lời thám tử Việt, thì chỗ đó rất gần đồn Việt mà Pháp đang kiếm dấu vết... Ngày 9-4-1861, giữa khoảng 11 giờ khuya, có thiếu uý hải quân Joucla, cầm đầu chiếc Echo, đã sang khinh thuyền baileinière, đến báo động và dặn cả đoàn dự bị nghinh chiến... Rồi Joucla cùng với thiếu uý Besnard, dẫn được hai thuyền phóng hoả của địch đem vào một xẻo nhỏ gần đó và đốt tiêu, cả hai lập được công lớn. Qua ngày 10-4-1861, sáng sớm lại tiếp tục truy tìm vị trí đồn của địch... Bên Pháp bèn sai đại uý pháo thủ du Chauffaut đi dọ đường, tên thám tử dẫn đi quanh quẩn, hết bên tá, qua bên hữu, rốt lại nó đưa binh Pháp đi ngay tới trước là gặp ngay cái đồn Mỹ Theo mà Pháp đang tìm. Giữa lúc ấy, có tiếng ồ ạt, linh tagal, Ma ní (Phi Luật Tân) bắn qua bắn lại với một thuyền lớn Việt. Kế có đội tuần thám trở về, cho hay bị Việt bắn bằng súng lớn, mà không rõ xuất phát từ đau (sau nầy mới biết được là do nơi một ụ sửa chữa ghe thuyền ở Mỹ Tho). Bàn tới tính lủi, kẻ nầy định từ từng đồn bắn ra, người khác cho rằng không phải vậy. Trung uý Amirault xin cho ông ta lấy ghe thả kiếm trên Rạch Run Ngu. Ông ta làm như lời và lãnh đủ một loạt súng bắn ra, thấy rõ đồn luỹ của Việt và rút binh về. Có dân quê cho hay đồn không còn binh trấn giữ, nghe vậy hay vậy, bán tín bán nghi, cho nên trung tá Du Quilio, trưởng đoàn bèn ra lịnh cho trung tá Bourdais hãm thành. Nhơn hồi sáng có nghe tiếng súng đồng cà nông bên Việt, gồm lính thuỷ, lạp binh, thuỷ quân lục chiến, cả thảy độ ba trăm người. Lối ba giờ chiều, cả đoàn xuống xà lúp và pháo hạm kéo ra, chiếc pháo hạm số 18 dẫn đầu, có Bourdais điều khiển, theo sau là các pháo hạm số ra 31, 22 và 16, còn chiếc số 20 thì đậu tại chỗ. Bỗng có tiếng súng bắn ra từ đồn luỹ số 5 mà Pháp tầm kiếm đã hai ngày rày... Bên các pháo hạm Tây bắn trả lại và tiếp tục cứ tiến tới. Đồn đâu chả thấy, bỗng cách độ 400 mét ngay trước mặt, tàu vừa quay mình thì thấy đồn ngay trước mắt. Bên pháo hạm 18, một phát súng bắn ra, bên đồn Việt bắn trả lại ba phát, hại thay, một phát trúng ngay pháo hạm nầy, phát thứ 2 trúng một người trọng thương, còn phát thứ 3, nhè trúng Bourdais, bay luôn cánh tay tả và quả tim viên trung tá. Tiếp theo liền đó, cả bốn chiếm hạm 18, 31, 16 và 22 đồng nổ súng, bắn sập đồn Việt, binh sĩ Tây chiếm được đồn và khai thông từ đây khúc arroyo de la Poste. Tuy thành Mỹ Tho binh Pháp chiếm được, nhưng đã hao hết một hải quân trung tá Bourdais. Trong lòng binh sĩ cả hai việc nầy xảy ra một lúc, có người quả quyết có nghe Boandais la lên một tiếng kêu trời rồi ngã gục (il eut la force de prononcer le nom de Dieu, puis il tom ba). Thây Bourdais được phủ lên một lá quốc kỳ cho bớt tồi tàn lộ liễu, về sau tìm được cánh tay của hắn. Bourdais chết rồi, hải quân trung tá Desvaul lên thay, để điều khiến các pháo hạm. Ngày 11-4-1861, binh Pháp đến trước đồn số 5 của Việt, sai hai đội đi do đường vừa bẩng tưng sáng, lìa mé tả, dời quân qua mé hữu kéo đi dọc theo lộ cái chạy dài theo Rạch Run Ngu, nhắm Mỹ Tho trực chỉ. Một phái đoàn do thám báo tin đồn 6 địch đã rút lui bỏ trống và đó là đồn Tam léon (Trung Lương). Tam léon nầy là một làng cách Mỹ Tho độ ba ki lô mét, Pháp cho hai đội thuỷ quân lục chiến đến trấn giữ. Còn lại phái đoàn do thám thứ 2, do đại uý Bovet cầm đầu, kéo theo lính tagal và lạp binh đi qua khỏi ba xẻo nước chảy ngang quan lộ đến ngày 10-4-1861 thì tới thành Mỹ Tho giữa một, cảnh náo nhiệt ổn ào gần như thiếu trật tự. Ngày 11-4-1861 dành hết cho việc tang lễ những người tử trận (sau nầy xác của Bourdais được đưa về quàn tạm ở Mỹ Tho và chỗ của va tử trận được đặt tên là “đồn Bourdais”). Trong lúc ấy đạo binh tiếp trợ từ Sài Gòn kéo xuống do phó đề đốc Page điều khiển, cũng vừa xuống tới, gồm một cà nông 12, luôn và ngựa kéo, người khiêng, và đạn được, nhưng vậy Pháp cũng vẫn chưa biết sẽ bao vây thành luỹ Mỹ Tho nầy hay sẽ công hãm và đoạt thâu cấp kỳ. Ngày 12-4-1861, binh sĩ dàn ra nơi Tam Léon, cách thành độ 1.500 mét, 50 lạp binh do thiếu uý Aigueparses dẫn đầu, núp dài theo lùm cây cau cây dứa gần lộ, dưới rạch thì pháo hạm bắn vào thành bảy đạn trái phá (obus). Vào 11 giờ trưa thì thấy khói bốc, cửa thành Mỹ Tho cháy dữ và đã bị Pháp đoạt thâu. Đếm ra lực lượng bên quân đội Pháp lên đến 900 người, không kể súng dưới tàu, súng đoàn bộ binh gồm 18 súng đại bác (trong số có 6 cây ngắn). Qua ngày 13-4-1861, binh Pháp kéo lên: đạo công binh với thang leo sẵn sàng, rồi nào súng sơn phòng, nào hoả tiễn, và bốn đại đội thuỷ quân lục chiến, cả thảy đều các qui kỳ phận, chờ địch thủ tranh nhau cao hạ giữa đồng bằng. Khi đạo binh do tư lệnh du Quilio kéo đến gần thành, thì đã thấy lá cờ tam sắc Pháp bay phấp phới trên cao, tuy vậy đạo binh Pháp vẫn chờ qua ngày 14-4-1861, mới nhập thành. Trong khi ấy, ngày 12-4-1861, đoàn tàu chiến của phó đề đốc Page theo sông Cambodge (Cửu long), lối 2 giờ chiêu đã kéo tới trước mặt thành, không tốn một viên đạn, vì thành bỏ trống. Nhắc lại việc đã qua, ngày 10-4-1861, đạo tuần thám của Pháp tới gần thành Mỹ Tho, bắn lên dữ dội, qua bữa 11-4, vào xế chiều, một đoàn tuần thám khác kéo tới nữa cách thành chỉ 200 mét, thì binh sĩ bên Việt đã rút lui đi rồi. Và nhắc chuyện cũ hơn nữa thì đề đốc Charner đã dự bị từ 6-4-1861, vả lại hai chiếc Lily và Sham Rock biệt vô tin tức đã tám ngày, thì đề đốc đã cho hai chiếc khác thay thế và có lịnh đoạt thâu vàm sông Cửu Long (Cambodge). Tuy vậy, phải đợi đến ngày 8-4-1861 đề đốc Charner mới quyết định cho tàu nhập Cứu Long, vì người muốn độ binh thế nào cho trên bộ (du Quilio) và dưới thuỷ (Page), đôi bên cùng hiệp nhau giáp chiến với địch cùng một lượt. Ngày 8-4-1861, Charner gởi cho Page (tàu còn đậu ở Biên Hoà), bức thơ như sau: “Chiếc Lily và chiếc Sham Roch đi thám tuần trên sông Cửu Long (Cambodge) và về Sài Gòn lấy thêm lương thực đạn dược, đã được lệnh của tôi đến cho tướng quân (Page) sai cắt. Ông chọn chiếc nào cũng được, chiếc Fusée, Lily, Sham Roch hay Dragonne, tuỳ ý để treo cờ lịnh của ông. Ông phải gia tâm và cẩn thận làm thế nào để đoàn tàu của ông sẽ giao chiến với địch cùng một lượt với đoàn binh bộ do ngả Rạch Run Ngu kéo tới và đánh trên đất liền. Mặc dầu số binh giao cho ông không được nhiều, nhưng với khả năng của các người, việc chiếm thâu thành trì Mỹ Tho chắc là không khó...” Được thơ ấy, ngày 10-4-1861, phó đề đốc Page ra lịnh xuất binh, rời Biên Hoà, trên chiếc Fusée do đại uý Bailly điều khiếu. Đi theo sau là hai chiếc Lily và Sham Roch. Đoàn tàu qua khỏi đám đá ngầm dưới sông Cứu Long, chiếc Dragonne dưới quyền đại uý Galey dẫn đầu, vào khoảng 2 giờ xế, thì tàu bỏ neo đậu lại, cách đập thủ của Việt độ 400 mét. Cũng may, đêm ấy, tối trời không ngôi sao nào ló ra, nên thừa cơ hội ấy, bên Pháp, vừa bắn dữ dội, vừa xoi được một lối kín vào chướng ngại vật của Việt. Sáng bữa 11-4-1861, đoàn tàu vô được Cửu Long theo cửa Nam, đến đây gặp một đập chận lại nơi đầu một cù lao chia sông Cứu Long ra làm hai ngả (Bắc và Nam), mỗi ngả có bố trí 18 khẩu đại bác chận lại. Qua ngày 12-4-1861, đoàn tàu bắn nà và quạ được khúc sông, tiếp tục đi tới trước Vào khoảng một giờ rưỡi xế bữa ấy thì đoàn tàu đậu lại cách thành độ 200 mét, nhưng thành đã bỏ trống trên ba giờ rồi. Binh sĩ dưới tàu, do đại uý hải quân Desaux cầm đầu leo lên treo cờ tam tài trên cao và chiếm thành. Đạn trái phá bắn ngày 12 và 13-4, may không chết một ai. Thành phố Mỹ Tho ở dựa mé Nam sông Cambodge, thuộc mé Tây của arroyo de la Poste, ngó ra Run Ngu, gồm một mớ nhà lúp xúp lợp lá dừa nước mà từ xa trông như lợp bằng tranh. Nhà cửa thành phố nầy có dáng bộ lèo tèo nhưng vườn tược trông sum mậu, dọc theo bờ arroyo de la Poste, liên tiếp có nhà ngói, chung quanh có cây dừa che phủ, cảnh xem thơ thới nếu không nói là dư thừa giàu có. Bờ rạch Run Ngu nầy chỉ có thể so sánh và không kém bở xinh đẹp nơi Chợ Quán, trên arroyo chinois. Nhưng dừa mọc ở đây tốt trái hơn ở vùng Sài Gòn. Thành trì Mỹ Tho (citadelle) vẫn xây cất theo lối Tây, vuông vắn và có trí pháo đài phòng thủ. Hào thành chung quanh bề ngang rộng và chứa nước đầy, cầu vào thành có bao lơn dày và kiên cố lắm. Chung quanh thành, nhiều chỗ có ao lấy bọc theo, nên lối phòng thủ vừa nhơn tạo vừa thiên nhiên, thật là đắc thể. Sự trang trí vũ bị gồm nhiều khẩu súng to lớn, và thành trì Mỹ Tho trấn ngự trên sông Cambodge làm bá chủ luôn các con sông lớn nhỏ trọn vùng và quả là một trí chiến lược rất lợi hại. Mỹ Tho vả chăng có tiếng là kho lẫm to tát của đế quốc An Nam, cuộc bán buôn lúa gạo tấp nập của nước nầy. Nếu ba tỉnh Miền Nam còn trong tay người Việt, thì quả khó khăn cho Pháp lắm vậy. Quan kinh lược sáu tỉnh(1) khi người bỏ thành lui đi chỗ khác, đã trả tự do cho người theo giáo Cơ đốc, mà rằng: “Các người hãy đi theo người Pháp, bạn của các người” (Allez rejoindre vos amis les Francais). Kinh lược đã dạy phóng hoả đốt kho liệu công cộng luôn và tiền kẽm của nhà nước. Tiền kẽm, bị cháy chảy đóng cục và khi nào xỏ xâu được thì mới còn giá, nên cũng không thâu lại được là bao. Chiến lợi phẩm thâu được vỏn vẹn là mấy chiếc thuyền bằng gỗ giá ty to rộng của quan lại Việt, Pháp tu bổ và đặt súng vào và cho sung vào đội chiến thuyền của chúng. Chú thích: (1) Ám chỉ ông Phan Thanh Giản chăng?