Dịch giả: Văn Hòa
Chương II (C)

     ng Chu nghiêng mình chào và nói đôi lời bằng tiếng Triều Tiên. Bà cụ nhìn Laura, vẻ mặt cụ vẫn trang nghiêm. Bằng một giọng nói trầm bổng và hơi gay gắt, cụ hỏi một câu. Ông Chu thông dịch lại:
- Mẹ tôi muốn biết, bà đã có mấy cháu rồi?
- Tôi không có con.
Bà cụ nói và ông Chu dịch:
- Mẹ tôi khen bà đẹp, nhưng cụ không thích màu tóc và màu mắt của bà.
Nhận xét này đã khiến Laura bật cười:
- Tôi thường tiếc rằng mình không có được một mái tóc màu đen và đôi mắt đen. Nhưng biết làm sao được. Trời sinh ra sao đành phải chịu vậy.
Ông Chu thông dịch lại cho mẹ ông nghe, khiến một nụ cười phớt ra trên khuôn mặt trắng ngà của bà cụ.
Bà cụ khẽ nói với ông Chu và ông nghiêng mình nói với Laura:
- Cuộc diện kiến chấm dứt. Mẹ tôi sống gần như một thanh tu, không quen nói chuyện nhiều. Chúng tôi không bao giờ dám làm gì trái ý cụ và cụ càng sống lâu chúng tôi càng hãnh diện. Bà cụ là trung tâm điểm của gia đình.
Laura cúi thật thấp để chào bà cụ. Ông Chu kéo khép bớt một cánh cửa lùa để ngăn làn gió nhẹ từ vườn khẽ phất vào. Sau đó, ông đưa Laura ra xe, chiếc xe đang đậu chờ họ trước cổng.
Ông nói:
- Sau nửa ngày dài, bà đã mệt. Tôi xin đưa bà trở về khách sạn và nếu bà còn cần đến tôi thì chúng ta sẽ gặp nhau lại vào sáng mai...
Trên đường trở về khách sạn, lối nửa giờ đồng hồ, cả hai đều im lặng. Phải, Laura đã thấm mệt, bà bị bao vây bởi quá nhiều điều mới lạ và đồng thời quá nhiều xúc động. Sự im lặng này đã làm cho bà bình tĩnh trở lại.
Về đến khách sạn, ông Chu đưa bà tới tận cầu thang máy. Ông lễ phép nghiêng mình chào bà một cách thản nhiên và bà trở về phòng. Bà ngạc nhiên nhìn thấy trên bàn có một chậu sứ màu xanh, trồng một cây mận nhỏ đang trổ hoa mà những cành hoa mỏng manh lóng lánh bạc dưới ánh nắng trời chiều.
Bà liếc nhìn tấm danh thiếp và biết rõ đây là món quà của ông Chu. Không rời Laura một bước sao ông có thể mua được món quà này để tặng bà, có lẽ ông đã sai người đầy tớ gái. Dầu sao, ông cũng đã tế nhị nghĩ đến bà đang cô độc. Cây mận tượng trưng cho một cuộc sống trường tồn. Cuộc sống? Cuộc sống khá mệt nhọc đối với bà ngày hôm nay, bà chỉ muốn trốn thoát. Ở nhà bà có thể lẩn tránh vào phòng thí nghiệm hoặc có thể là dưới đáy biển sâu. Nhưng trong phòng khách sạn này thì chỉ có thể lánh mình vào giấc ngủ.

*

Khi Laura thức dậy thì trời đã rạng đông. Bà lấy làm lạ là bà đã ngủ rất ngon, không mộng mị, bây giờ không còn âu lo mệt nhọc gì nữa. Ngay cả sự nôn nóng bứt rứt như lúc ban đầu bà đến xứ này cũng đã biến mất. Vì thế bà nằm rán thêm một giờ nữa. Sau đó, bà dậy rửa mặt, đánh răng, và khoan thai thay áo quần.
Laura đi xuống phòng ăn, mặc dầu trời vẫn còn quá sớm. Bà chỉ nhìn thấy ở đấy có ba chàng thanh niên; ông Chu chưa tới vì lúc ấy còn quá sớm, vả lại bà muốn ngồi một mình. Bà muốn đi dạo sau bữa điểm tâm, rồi viết thư cho chồng. Sau đó, bà sẽ quyết định.
Khi Laura bước ra khỏi khách sạn thì đường phố đã tấp nập, đàn ông đi làm, đàn bà đi chợ, trẻ con đi học. Trên đường phố, cũ mới, sang hèn lẫn lộn. Phía trước khách sạn, nơi một khoảng đất tâm điểm của một ngã tư, có hai người phu đang lăng xăng thay những chậu kiêng nặng nề. Dường như họ đang bàn cãi nhau một cách linh động về việc làm sao xếp dọn cho được những chậu cây kiểng màu lá khác nhau. Laura nhìn họ và thích thú với ý nghĩ rằng, các điệu bộ ấy và cái khung cảnh ấy, có thể nhìn thấy trên bất cứ một quốc gia nào khác.
Bỗng nhiên bà cảm thấy như có ai đang rụt rè kéo chéo áo mình. Bà quay phắt lại và nhìn thấy năm sáu đứa trẻ áo quần rách rưới đang chìa những bàn tay dơ bẩn về phía bà để xin tiền.
Trước đây, chồng bà đã từng căn dặn:
- Em đừng có cho tiền lũ ăn mày. Bọn trẻ con cũng thế, đừng cho. Nếu không, em sẽ bị chúng quấy rầy mãi.
Bà sắp bỏ đi thì chợt nhìn thấy xa xa có một con bé gầy gò, khó lòng xác định được tuổi tác nó bao nhiêu. Không cần nghe đến tiếng van xin của lũ trẻ ăn mày, bà tiến về phía con bé. Bà đưa một ngón tay đỡ cằm nó lên để xem mặt. Hai mắt nó nhỏ và xếch, nhưng không phải màu đen mà là mắt thau, óng xanh xanh. Tuy đầu tóc dơ bẩn và rối tung, nhưng người ta cũng có thể đoán được nó màu hung hung đỏ chớ không phải màu đen. Đứa bé không có dáng dấp mảnh khảnh của giống người châu Á, chân tay nó to lớn hơn những đứa trẻ khác. Thế thì nó không phải là một người châu Á rồi.
Bà cúi xuống để nhìn cho kỹ hơn khuôn mặt của con bé. Mặt nó đầy cáu ghét nhưng rất xinh đẹp, tuy nhiên buồn ảm đạm.
- Con cái nhà ai như thế này?
Bà khẽ nói với nó, mặc dầu bà biết nó không hiểu.
Lũ trẻ ăn mày vây quanh Laura im lặng tò mò. Thằng bé lớn nhất thấy bà chú ý đến con nhỏ, liền cầm lấy tay nó, ép nó xin tiền. Nhưng con bé cưỡng lại vụt chạy đi một cách nhanh chóng và mềm mại.
- Ồ, nó chạy mất rồi!
Laura gạt lũ trẻ sang một bên và đuổi theo con bé. Bà đi vòng quanh khách sạn và tìm thấy nó đang đứng trước cửa nhà bếp, thông ra một con hẻm nhỏ. Bà nép mình vào một góc tường của khách sạn và quan sát đứa trẻ. Nó có vẻ như đang chờ đợi ai. Trong khi bà đang tìm hiểu thì chợt thấy một người lao công trong khách sạn mở cửa bếp và khuân một giỏ rác ra đường hẻm. Đứa trẻ nhìn quanh để được chắc rằng không có ai rình rập mình. Rồi nó thọc tay vào giỏ rác lục kiếm đồ ăn thừa. Nó ăn ngốn ăn ngấu những gì nó kiếm được nhanh như một con thú.
Biết làm gì bây giờ đây? Có nên ló mặt ra không? Thế nào con bé cũng bỏ chạy. Nhưng ví thử như bà có giữ nó lại được thì bà sẽ giúp đỡ nó bằng cách nào? Những đứa trẻ loại này thiếu khối! Bà đến đây để tìm một thằng bé và đã tìm ra rồi. Hoặc ít nữa là bà đã tìm ra chỗ ở của nó. Không, bà không nên mất công dây dưa vào những đứa trẻ khác. Bà sinh quán tại thành phố Boston, nơi mà con người vốn nổi tiếng là dè dặt và thận trọng. Ở đấy, người ta lo cho bản thân mình trước sau đó mới...
Nhưng con bé tóc hung đã nhìn thấy bà. Nó bốc lấy một nắm đồ ăn và vùng chạy nhanh như chớp, biến mất vào một khúc quanh của con đường hẻm. Laura không còn đuổi theo nó nữa, quay trở ra đại lộ, nhưng bà hết muốn đi dạo phố. Bà trở về khách sạn và bắt đầu viết thư cho chồng.
Lá thư này thật khó viết biết bao? Tuy nó không mấy dài nhưng hầu như là bà đã phí mất cả một buổi sáng. Làm sao để diễn tả cho được cảm tưởng của ông Chu về Kim Sương - sự trái ngược giữa việc hai bàn tay của Sương đã vuốt nhẹ lên má bà với câu nói của ông Chu, rằng: “Cô ta cứng như thép” Và rồi, bà vẫn còn chưa gặp đứa bé cơ mà. Tuy vậy, viết thư cho Chris, Laura vẫn cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Bà viết:
“Bây giờ vẫn còn quá sớm để quyết định anh ạ, nhưng em đã bắt đầu công việc rồi. Em đã gặp cô Sương nhưng chưa nói gì hết. Nếu có thể hôm nay em sẽ đi gặp thằng bé. Em e rằng cô Sương sẽ không chịu xa nó. Em không muốn thằng bé sống với bà già cô Sương. Cô ấy...”
Bà xóa bỏ mấy chữ. Bà chưa nói gì với chồng bà về “Nhà Hoa” khi bà chưa thể viết sơ qua về ông Chu. Chỉ mới có một ngày thôi mà đã xảy ra biết bao nhiêu việc. Bà cũng không nói gì về con bé lai đói khổ. Điều đó thật khó nói. Nhưng bà viết những gì mà ông cho là quan trọng nhất, đó là hai chữ: “Em yêu anh”. Rồi bà niêm phong bức thư lại.
Bây giờ bà phải trở lại nhà của Kim Sương, đi một mình, và tiếp xúc một mình với cô ấy. Có lẽ bà sẽ gặp đứa trẻ ở đấy. Bà phải đến vào buổi sáng, vì buổi chiều cô Sương bận đến “Vạn Hoa Đình”. Trời quá nóng bức; cây mận lùn để trên bàn dường như đang héo đi vì thiếu nước. Bà lấy một cốc nước trong phòng tắm, cẩn thận tưới vào cây mận trước khi ra đi.

*

Vì quen định hướng, bà kiếm nhà Kim Sương không khó theo sự chi dẫn của bà, dường như hôm nay chiếc taxi đi nhanh hơn ngày hôm qua bà đã đi với ông Chu. Kim Sương bước ra cửa vừa khi chiếc xe ngưng lại trước ngôi nhà gạch của nàng. Nhìn thấy Laura, nàng liền nhẹ nhàng cất cái ví và chiếc dù để niềm nở tiếp đón khách. Trong nhà chẳng còn ai khác, không có bà cụ già cũng không có đứa trẻ.
Laura hơi cảm thấy bối rối khi phải mặt đối mặt với Kim Sương như thế này, nhưng bà biết rằng như thế tiện hơn. Nhưng không biết Sương có thạo Anh ngữ để hiểu những gì bà nói hay không.
Vì Sương không tiếp khách người Mỹ tại “Vạn Hoa Đình” và những gì mà nàng đã học trước kia hẳn nàng đã phải quên đi ít nhiều. Hôm nay không còn có ông Chu để làm thông ngôn cho hai người nữa. Laura theo Kim Sương bước vào một căn phòng mà hôm qua bà chưa được biết, chắc là phòng ngủ, vì ở đây có một chiếc giường kiểu tây thật lớn, nhưng trên giường có che màn đôi hai màu rất tương hợp, và trên sàn nhà rải rác mấy tấm đệm ngồi theo lối Triều Tiên. Trên bàn phấn của Sương có dựng một khung hình của Chris trẻ măng. Nhìn cái khuôn mặt chân thật, tươi cười của chàng thanh niên đầy tràn hy vọng ấy, Laura chỉ muốn ứa nước mắt. Phải chăng gian phòng này là tổ ấm của hai người?
Bắt gặp nét mặt của Laura, Sương quay khung hình vào tường.
Nàng nói bằng tiếng Anh:
- Đã lâu rồi, quá lâu rồi! Bây giờ không còn người đàn ông ấy nữa. Ông ta là chồng của bà. Đối với tôi, chỉ là một kỷ niệm không hơn không kém.
- Nhưng còn đứa bé?
Sương liếc nhìn Laura:
- Bà muốn mang nó đi à?
- Không.
- Vậy thì bà đến đây làm gì?
Laura lắc đầu:
- Tôi cũng không biết nữa. Nhưng bởi vì thằng bé đã viết thư cho... cho nhà tôi, nói cho đúng ra thì tôi đến đây để xem nó có cần gì không, và có phải là nó không được đi học hay không?
Sương phản ứng liền:
- Đó không phải là lỗi tại tôi. Nó không đi học là vì không khai báo được. Và vì nó bị thiên hạ chế nhạo. Người ta nói với nó những lời lẽ đê tiện, bởi vì cha nó là dân Mỹ làm sao giải thích được, khó lắm. Tuy vậy nó cũng được dạy dỗ đối chút. Đôi khi rỗi rảnh tôi đã dạy cho nó học, dạy ở nhà.
Laura liếc nhìn Sương, hai người đang ngồi trên hai tấm niệm đặt giữa sàn nhà, trước một cái bàn thấp, chân quỳ. Cánh cửa lùa mở rộng trông ra một khu vườn non bộ mà ở đây một con chim đang cất tiếng hót.
Laura lẩm bẩm:
- Sao cha nó lại là người Mỹ nhỉ?
Sương im lặng một lật, rồi nói:
- Ban đầu tôi chẳng có yêu gì anh ấy hết. Nhưng nhà tôi quá nghèo. Sau chiến tranh mọi người đều túng thiếu. Cha tôi bị giết, nhà cửa nát tan vì bom đạn. Riêng tôi còn quá bé. Hạng gái như tôi quá nhiều. Vậy, nếu không đi hát, đi múa, hoặc đi lấy Mỹ thì làm gì? Ban đầu, tôi chỉ muốn đi hát đi vũ mà thôi.
- Hồi đó cô bao nhiêu tuổi?
Hai mắt Sương mở ra thật lớn:
- Tính theo tuổi Tây thì có lẽ hồi ấy tôi cũng đã được mười bảy mười tám tuổi gì đó. Về vóc dáng thì cũng đã cao lớn như bây giờ. Nhưng tôi rất sợ đàn ông, sợ tất cả mọi người đàn ông. Khi một người đàn ông nhìn tôi, tôi e thẹn quay mặt đi. Thế rồi, một buổi tối, tôi nhìn thấy một người đàn ông bước vào quán, anh ta hơn tất cả mọi người đàn ông khác.
- Hơn ra sao?
- Phải, hơn. Anh ta cao lớn, rất xinh trai nhưng vẻ mặt thật buồn, buồn không chịu được. Anh ta không cười đùa la hét như mọi người khác mà chỉ thinh lặng và buồn rầu. Anh ta chẳng hề nhìn đến gái. Một hôm, một người Mỹ xứ Texas la hét ồn ào, gã kéo tôi đến ngồi chung ghế với gã. Gã bắt ép tôi uống rượu. Tôi kêu van khóc lóc. Anh chàng buồn rầu và cao lớn ấy liền đứng dậy đến gỡ tôi ra và đưa tôi về ngồi chung cùng bàn. Tôi khóc anh ta đưa khăn tay cho tôi lau nước mắt và ân cần tử tế với tôi.
Câu chuyện không giống như những gì Chris đã kể. Có lẽ Sương đã nhầm với một người đàn ông khác, hoặc đã lẫn lộn một kỷ niệm này với một kỷ niệm khác. Nếu không, câu chuyện do Sương kể phải là chuyện thật. Sự hoài nghi đã lan dần. Hai mắt Sương rưng rưng ngăn lệ hồi tưởng đến những kỷ niệm xa xưa.
- Anh ấy thật tốt bụng, tôi chưa từng gặp ai tốt như thế bao giờ. Thế rồi, ngày hôm sau anh ta trở lại. Tôi liền chạy đến ngồi bàn với anh ta để được yên thân.
Kim Sương ngừng lại không kể tiếp, nàng lắc đầu và lấy khăn thấm ngấn lệ. Ngoài vườn, con chim vành khuyên lại cất tiếng hót, thanh âm dịu dàng và buồn bã:
- Rồi sao nữa?
- Sau đó, chúng tôi đi dạo cùng nhau ở trong rừng, hoặc tối tối đi khiêu vũ tại các phòng trà. Chúng tôi chuyện trò. Tôi không biết anh ta đã có vợ. Tôi mơ ước được làm vợ anh ta. Lỗi tại tôi cả, vì tôi luôn luôn mơ mộng và mơ mộng quá nhiều! Tôi mơ ước anh ta cưới tôi và đưa tôi về Mỹ. Nước Mỹ quê hương của mộng mơ! Anh ta ôm lấy tôi hôn, rồi chúng tôi đi tìm mướn một túp lều nhỏ. Mùa đông quá nhiều tuyết giá và lạnh lẽo, chúng tôi không thể đi dạo núi, cũng không thể luôn luôn đi đến các vũ trường. Thế rồi, những gì phải xảy ra đã xảy ra...
Laura nói:
- Tôi hiểu. Anh ấy không bao giờ hứa hẹn cưới cô sao?
- Không. Nhưng tôi hy vọng.
- Sau đó bao lâu thì cô biết cô đã có thai?
Hai bàn tay Kim Sương đang ôm lấy mặt liền buông xuống gối, bất động, lòng bàn tay ngửa ra như những cánh hoa sen.
- Tôi đã bảo, tôi không muốn có con. Nhưng anh ấy năn nỉ tôi sinh cho anh ấy một đứa.
Cái gì? Không, không có thể... Chris không bao giờ.
- Tại sao?
Sương khẽ cau mày:
- Anh ấy nói rằng, anh ấy có thể chết trước khi về đến nhà. Anh nói, đã hưu chiến, nhưng chiến tranh chưa chấm dứt. Nếu anh tử trận, anh sẽ tuyệt tự.
- Vì thế, cô đã sinh con cho anh ấy?
- Vì tôi quá yêu anh.
Laura nhìn thẳng vào đôi mắt hạt huyền của Kim Sương và nàng đã đón nhận nét nhìn ấy mà không chớp mắt.
Nàng giải thích:
- Tôi đã suy nghĩ, luôn luôn suy nghĩ rằng, anh ta không thể nào bỏ được con anh. Vì thế, anh sẽ đưa tôi cùng đứa trẻ về Mỹ. Nếu tôi sinh con cho anh thì chẳng khác nào tôi là vợ của anh. Và một hôm, anh ấy nhận được một lá thư.
- Thư nào?
- Thư của bà. Tôi biết đọc. Khi anh ấy ngủ, tôi lên móc bức thư ra đọc. Bà mong anh ấy trở về với bà. Đọc xong bức thư, tôi biết anh ấy sắp đi. Tôi lẳng lặng gấp bức thư đút lại vào túi áo cho anh ấy. Tôi không nói một tiếng. Có điều là tôi càng yêu anh ấy hơn trước. Tôi hy vọng. Nhưng toi công. Anh ấy đã nghe theo tiếng gọi của bà. Anh đã ra đi. Ngày hôm sau khi anh đi, bạn anh mang đến cho tôi một phong thư của anh kèm theo một số bạc. Anh ấy cho tôi biết địa chỉ, nơi anh ở với bố mẹ, để nếu cần gì thì tôi viết về đây.
Laura nói:
- Đó là địa chỉ của chúng tôi. Cha mẹ anh đã mất cả rồi. Cô còn giữ bức thư ấy không?
- Có. Tôi còn giữ mãi.
Sương mở một cái tủ nhỏ đặt ở góc tường và lục lọi trong một ngăn kéo. Nàng sững sờ trở lại chỗ Laura đang ngồi.
- Lạ thật, không biết ai đã lấy mất bức thư! Ờ, phải rồi. Chắc thằng bé đã lấy. Thằng quỷ sứ! Tôi đọc cho nó nghe luôn. Vì nó thường hỏi: Cha tôi là ai? Cha tôi ở đâu? Tại sao cha tôi không viết thư? Tại sao cha tôi không về? Tôi phải đọc bức thư ấy cho nó nghe và dặn dò nó đừng có động đến.
Vì thế thằng bé mới biết được địa chỉ.
Bây giờ Laura đã rõ rất cả. Nhưng bà đã viết gì cho Chris để đến nỗi anh ta phải bỏ rơi hai mẹ con người này mà không hẹn ngày tái ngộ? Và bà đã phải đền tội sự thiệt hại ấy ra sao? Không con. Bà đã không có con...
Sương bắt đầu khóc nức nở. Laura đến bên nàng, tim bà se lại.
- Đừng khóc nữa cô Sương! Theo tôi, cô chẳng có trách nhiệm gì hết. Chính anh ấy mới là người chịu trách nhiệm. Lẽ ra anh ấy phải biết, phải suy nghĩ.
Đột nhiên Sương có nghị lực, nàng ngẩng đầu, nói:
- Tôi cũng như anh ấy, không có ai trách nhiệm hết. Người chịu trách nhiệm chính là bà.
- Tôi? Nhưng tôi có biết gì đâu?
- Chính vì cái thơ ấy...
Bây giờ Laura mới nhớ lại. Hôm ấy là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ hai mươi ba của nàng, nhằm một ngày đông giá tháng mười một, Laura đang ở nhà cha mẹ tại Nữu Ước và đang chờ đợi các bạn bè đến dự tiệc mừng sinh nhật. Cửa sổ phòng nàng trông ra công viên Gramercy. Quang cảnh công viên lúc bây giờ thật tiêu điều, mưa không ngớt tạt vào cửa kiếng, đường phố u sầu ảm đạm, khiến bà buồn ray rứt. Ba năm trước đó. Chris và Laura ngày ngày đi dạo công viên, lần đầu tiên họ nắm tay nhau; rụt rè, e ấp, họ vụng về tìm hiểu nhau. Nhưng điều đó đối với Laura còn là quá sớm, vì nàng phải trở lại đại học để học cho xong cái ngành mà nàng hằng ước mơ. Với một giọng nói khàn khàn, Chris đã hỏi liệu nàng có thể trả lời thư của chàng không, và không nói gì thêm.
Lúc bây giờ họ chẳng bận tâm gì đến nước Triều Tiên cả. Có chăng, họ chỉ biết đó là một quốc gia bé nhỏ đang có chiến tranh. Nàng đã hứa hồi thư cho chàng, nhưng lại không giữ lời trọn vẹn. Sợ quá đi sâu vào tình trường, Laura chỉ viết cho chàng những bức thư ngắn và vô hại.