húng tôi rời thị xã Xiêm Riệp vào một buổi chiều sau hai ngày đi thăm cảnh Angkor hùng vĩ. Gần như chúng tôi lần theo dấu chân của những khách du lịChu Thom khi xưa, cũng từ nơi cố đô của Suryavacman đi ra Biển Hồ, cũng từ một công trình vĩ đại của con người đi ra nơi sáng tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Nhưng chúng tôi không phải là khách du lịch, chúng tôi là một đoàn công tác. Trên dọc lộ trình, hình tượng ám ảnh chúng tôi không chỉ là cảnh trí huy hoàng của những ngọn tháp đá trong khu đền cổ Angkor với những khuôn mặt trầm tư, và thần bí của tượng thần Bay-on bốn mặt xoay ra bốn hướng, với những hình người, hình những chiến sĩ anh dũng của Jayavacman VII hay những nàng vũ nữ Ap-sa-ra xinh đẹp chạm nổi trên vách đá dọc theo những hàng lang đang thử thách cùng với thời gian. Chen vào đó và cũng choán lên trong ký ức của chúng tôi còn là những đống xương người, sọ người trắng xoá trên bãi xác mà bọn Pol Pot đã đập chết gần vạn con người nagy trên đường từ Angkor trở về Xiêm Riệp. Ở Campuchia có biết bao nhiêu bãi xác như thế này? Trong khoảng tối bao la của hoàng hôn, những đống xương người trắng lên một cách khủng khiếp khiến đầu ocs chúng tôi buốt nhói, bàng hoàng…Trời Xiêm Riệp chói chang trước mùa mưa, nắng hun chát mặt người. Đồng chí nhà văn già đi cùng với tôi chốc chốc lại thở phì phò nhữ bễ thổi, lắc lắc mái tóc rất dầy và đã bạc quá nửa pha lẫn bụi đất bốc lên từ mặt đường. Tôi thoáng ngửi thấy cả mùi khét vì nắng cháy từ chân tóc anh phải ra. Ngồi bên trái tôi, Lê Văn, trợ lý tuyên truyền và là nhà thơ của Mặt trận thì lim dim mắt như sắp ngủ. Cả người anh đều ngọn, mũi ngọn, cằm nhọn và những đầu xương ở tay, ở chân đều nhọn. Ngồi trên cái bậc cao của thành xe, thân hình xương xẩu và cao vồng của anh phải cúi gập xuống để tránh những cú xóc nẩy người. Chiếc xe díp lắc lư như gã say rượu, nhảy chồm chồm trên con đường đất từ sau mỏm núi K’rom rẽ vào Biển Hồ. Đây vốn không có đường, mùa mưa tới nước sẽ ngập băng và có độ sâu đến hai chục mét. Con đường do những đoàn xe hơi, xe bò, xe ngựa chuyển cá từ Biển Hồ về Xiêm Riệp tự tạo ra trong mùa khô này, sẻ ngang một bãi dài dọc mọc tràn ngập những bụi s’nghe, loại cỏ dại cao và mập hơn giống lúa nếp ở Việt Nam, chen lẫn những cây rên lùm xanh thẫm.Ngồi ghế trước, cạnh người lái xe, Lê Đình Dũng-tiểu đoàn phó tiểu đoàn tiểu đoàn trinh sát của mặt trận, hai bàn tay ghì chặt lấy thành ghế cho khoi bị lắc. Chiều ấy, Dũng không mang quân phục, anh vận chiếc áo sơ mi kẻ sọc đỏ, chiếc quần ốc-pho màu tím than và đội chiếc mũ vải rộng vành của những người chăn bò Mỹ. Đi theo anh có Thư, chiến sĩ trinh sát trẻ-Thư mới mười tám tuổi, hai má tròn căng và hồng lên vì nắng, ngang lưng quấn đầy đạn M.79, người hơi ngả về phía sau để tránh đôi vai rất rộng của đồng chí chỉ huy, tay phải giữ khẩu M.79. Trên cuộc hành trình này của chúng tôi, hai anh lính trinh sát của mặt trận luôn luôn theo sát làm nhiệm vụ hướng dẫn bởi vì họ gần như là “thổ công” ở vùng này…Không biết có phải ngẫu nhiên mà trong chuyến đi này quy tụ nhưng con người khá đặc biệt. Trưa hôm trước, trong khi ngồi đợi tiểu đoàn phó Lê Đình Dũng sửa soạn hành trang, chính trị viên tiểu đoàn trinh sát là Ba Chúc vừa cười vừa kể lại một mẩu nhỏ trong chuyến về phép năm ngoái của anh. Chuyến ấy, vừa về tới nhà, anh đã phải đưa cả vợ lẫn cô con dâu trưởng (con trai anh cũng đi bộ đội đóng ở biên giới phía Bắc) lên nhà hộ sinh huyện. Cả hai mẹ con đều chuyển dạ cùng ngày và đứa cháu đích tôn của Chúc đã biết giữ lên mà chịu ra đời chậm hơn chú ruột nó năm tiếng đồng hồ. Cùng một ngày Ba Chúc vừa là một người bố vừa là một ông nội đón con trai (đã phải đứa út chưa?) và cháu gái về nhà. Đồng chí chính trị viên của tiểu đoàn trinh sát cười rất vang, rất sảng khoái, hai tay sang rộng ôm lấy đôi vai lực lưỡng của Lê Đình Dũng vừa từ trong buồng bước ra. Dũng hơi đỏ mặt, bao giờ anh cũng đỏ mặt khi nghe kể về chuyện vợ con. Ạnh mới hăm tám tuổi, Chưa vợ và cũng khá điển trai, khuôn mặt vuông vức đầy vẻ cương nghị nhưng đôi mắt lại rất lành khi nào cũng mở to đen láy, đôi môi mỏng với hàm răng trắng muốt đều tăm tắp. Dũng giống như một con người mẫu cho những nhà nặn tượng và cũng là một chàng trai lý tưởng cho những cô gái ưa kén chọn. Mùa khô năm ngoái khi còn là đại đội trưởng đại đội Ba, anh đã dân quân vượt gần ba chục cây số nước giữa Biển Hồ, truy quét bọn tàn quân Pol Pot ở phía bắc tỉnh Pua Sát, giải thoát cho hơn vạn dân và ngay đêm đó đã đưa hàng vạn con người vừa đi xuồng (cướp được của địch) vừa lội ào ào băng qua Biển Hồ, trở về lập những phum mới ngay tại vùng Xiêm Riệp này. Mới chỉ nghe qua mà tim tôi đã rung lên, chộn rộn trong đầu cái cảnh hàng vạn, hàng vạn dân Campuchia được những chàng lính trinh sát Việt Nam cứu thoát khỏi những nhát cuốc của lính Khơ-me đỏ, lũ lượt bám theo bộ đội ta trong cái đêm mờ mọt trăng lu của bầu trời sắp rạng. Chính cái cảnh tượng hùng vĩ ấy đã khiến chúng tôi quyết định phải đến với Biển Hồ, không phải đề thăm nơi thắng cảnh như những du khách khi xưa mà để tìm hiểu một chiến công của bộ đội trong thời gian qua. Và Lê Vân, anh nhà thơ của Mặt trận và là người bạn quen biết của tiểu đoàn trinh sát đã đưa chúng tôi tới đây. Rồi cũng chính anh đã đề nghị Lê Đình Dũng, người chỉ huy trực tiếp trận đánh phía bắc Pua Sát giáp Biển Hồ năm ngoái, cùng đi với chúng tôi ra vùng sóng nước mênh mang đó…Tôi nhớ khi Ba Chúc kể xong, kể một cách vắn tắt trận đánh đó, Dũng chỉ cười mủm mỉm, hai mắt long lanh trong suốt nhìn khắp lượt chúng tôi, chẳng nói thêm câu gì hết…Người lái chiếc xe díp trống hốc chở chúng tôi có cái tên rất lạ: Thầm-Lại Như Thầm. Đó cũng là một chàng lính trẻ mà tâm hồn rất nghệ sĩ, sẵn sàng nhập cuộc với anh em-như cánh lính trinh sát thường nói. Chẳng thế mà khi chúng tôi ngồi đợi thuyền trong căn nhà gỗ của Uỷ ban phum Kơ-nia Chơ-năng nằm sát mép nước, Thầm lẳng lặng quay xe hộc tốc trở về đơn vị vận tải của anh chỉ cốt kiếm được cân đường thốt nốt, cân đậu xanh và dăm bao thuốc lá Sa-mít dành cho tối này vì anh biết chúng tôi phải làm việc khuya giữa vùng nước mênh mang của Biển Hồ… Đồng chí nhà văn già rất cảm động và anh nói Thầm là kẻ “chịu chơi”. Bao giờ anh cũng dùng cái từ đó khi tâm hồn bị xúc động. Rồi anh lúc lắc đầu, mái tóc dầy và bạc bị gió thổi lật làm tung ra những hạt bụi cát li ti. Trong chuyến đi này, người bạn già của tôi luôn bị xúc động vì những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những con người cũng rất bất ngờ. Những lúc ấy, anh cố nén tình cảm của mình bằng nhưng chuỗi cười thật vang, thật khỏe-giọng cười ít khi có được khi anh còn ở ngoài Hà Nội. Tôi nhớ trước ngày lên đường, anh chìa cho tôi xem giấy công lệnh và nói:-Các ông ấy (ý nói mấy anh phụ trách cơ quan) đã định không cho tôi đi, bảo tôi có tuổi, sợ sang bên đó sống với bộ đội sinh hoạt kham khổ, khó mà chịu đựng được-Anh cười rất hóm-Không đúng! Sức tôi, tôi biết, tôi càng đi càng khỏe ra, thật đấy.Tôi hiểu anh bạn già của tôi lâu này có nhiều tâm sự ngổn ngang.Cách đây hơn một năm đứa con trai của anh lên đường nhập ngũ. Điều này cũng chẳng có gì bất ngờ. Lúc này không thiếu những học sinh từ biệt nhà trường tình nguyện gia nhập quân đội. Đứa con trai của anh trước kia vẫn ở với mẹ nó. Vợ chồng anh sống xa nhau khi nó mới bảy tuổi, tuy không chính thức ly hôn nhưng họ ít khi gặp nhau. Vợ anh còn rất trẻ, chị thua anh mười hai tuổi nhưng tính nết thì già dặn và rất căn cơ. Còn anh thì buông tuồng, nhớ đấy và quên ngay đấy và nhất là anh không có nhiều sách được in như các bạn đồng nghiệp khác. Người vợ sau khi eo sèo anh chuyện này chuyện nọ cuối cùng đều đay nghiến chồng về cái nhược điểm đó. Thật tội, trong khi cả hai người lúc ở cơ quan thường nói chuyện với bè bạn về công tác, về tình hình chính trị quốc tế, tóm lại là những vấn đề cao quý của cuộc sống; nhưng khi vế đến nhà, sau bữa cơm tối chỉ có hai người với nhau thì câu chuyện lại chỉ xoay quanh những điều vặt vãnh nhất. Rồi khi chị vợ bắt đầu ca cẩm thì anh chỉ ngồi im thin thít để cho chị phải nổi đoá lên. Mà lý lẽ gì đi nữa thì rốt cuộc anh chồng vẫn cứ phải thua vợ, thua những sự thật đơn giản nhất của vợ. Sự xung khắc đã dẫn đến chỗ họ phải sống xa nhau. Để tỏ ra mình là người cao thượng, người vợ kiên quyết giữ đứa con duy nhất, nuôi nó mà không cần đến sự trợ cấp của chồng. Đứa con sống với mẹ cho đến năm nó học cấp ba phổ thông, đột nhiên nó trở về với bố. Nó nói: “con rất yêu mẹ nhưng bây giờ con không thể sống thiếu bố được”. Suốt ba năm, nó tỏ ra một đứa trẻ ngoan ngoãn, không đua đòi bè bạn và bao giờ cũng nói năng lịch sự, có lễ độ. Anh rất lấy làm mừng vì dù sao anh cũng rất yêu thương con, và hơn nữa nếu chẳng may nó bị hư hỏng thì mẹ nó sẽ trút lên đầu anh mọi trách nhiệm làm như vì anh mà nó xảy ra nông nỗi ấy. Thời kỳ đầu chú bé rất ham đọc sách, những cuốn sách của bạn bè tặng anh được nó là người đầu tiên đọc nghiến ngấu. Về sau cái thú vui đọc sách của nó giảm dần đến nỗi chính anh cũng nhận thấy. Trong câu chuyện của hai bố con, anh cảm thấy sự suy nghĩ của con mỗi ngày một xa lạ đối với anh. Câu chuyện không còn đậm đà như xưa và anh biết rằng từ nay nó đã tách khỏi mọi suy nghĩ thường ngày hoặc tách khỏi sự giáo huấn của anh. Anh không biết nên mừng hay nên lo.Mùa hạ năm 1978, cậu học sinh vừa tốt nghiệp lớp 10 đã xin bố cho đi bộ đội. Đó là một buổi tối mất điện, căn phòng nhập nhoè ánh sáng của ngọn đèn dầu hoả-có lẽ người con trai chọn tối đó để che giấu sắc mặt dễ xúc động của mình. Đứa con nói nó không muốn học tiếp lên đại học vì sức học của nó không được giỏi giang cho lắm. Với sức học ấy, nếu muốn học lên được thì bố sẽ phải làm những công việc mà bố không thể làm được: dò hỏi, chạy vạy, cầu cạnh, thậm chí có khi phải có những động tác không đẹp đẽ chút nào… Trời, như vậy thì tội nghiệp cho bố quá; mà nếu như bố làm được những chuyện ấy có thể bố chẳng phải sống cô độc như thế này…Nó nói tiếp:-Ở trường các thầy các cô dạy con rằng: “Đi học, đi làm việc hay đi chiến đấu cũng đều là để phục vụ Tổ quốc”. Con tự nguyện chọn con đường ngắn nhất, thanh thản nhất để phục vụ Tổ quốc và con cũng chẳng phải nhờ cậy ai hết, cũng không ai có thể nghi ngờ động cơ của con: con xin đi chiến đấu. Tổ quốc bao giờ cũng cần đến những người lính. Thế hệ trước con như bố, như các chú đã chiến đấu trên ba mươi năm, bây giờ đến lượt chúng con. Chúng ta còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta muốn sống một cuộc đời tốt đẹp nhưng kẻ thù cứ muốn dìm chúng ta trong vũng bùn đen. Chúng nó đang dập dờn ngoài biên giới và một ngày nào đó, nếu chúng ta sơ hở, chúng nó sẽ đánh ta…Thế rồi đứa con lên đường. Cuối năm ấy, nó được về phép tranh thủ và báo tin nó đã được bổ sung vào mặt trận phía Tây Nam. Lúc đó, cuộc chiến tranh biên giới do bọn Pol Pot gây ra ngày càng lan rộng. Lòng người cha thấp thỏm từng ngày từng tháng cho đến khi toàn nước Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng. Bức thư gần đây nhất của nó viết cho bố vào tháng tư năm ngoái. Anh còn nhớ một đoạn trong thư: “… ở đây (tức ở Campuchia) mỗi người dân mà con được gặp đều có cuộc đời thật bi thảm tưởng như mọi nỗi bi thảm trên trái đất này đều dồn cho họ. Nếu con là một nhà văn, con chỉ viết về cuộc đời của bất kỳ một con người nà đó con có thể có một cuốn tiểu thuyết về số phận con người sâu sắc hơn bất kỳ cuốn nào trên thế giới. Hồi ở nhà, con đã được đọc cuốn “Số phận một con người” của Sô-lô-khốp. Lúc đó con rùng mình sợ hãi và thương cảm cho số phận người lính Liên Xô bị bọn Đức hành hạ trong trại tù bình. Bây giờ so với số phận của những người Campuchia còn sống sót thì số phận anh lính Nga kia hãy còn may mắn hơn nhiều bố ạ. Ở đây điều chua xót nhất là dân tộc này lại bị bọn bành trướng dùng chính ngay bàn tay đồng chủng đồng bào của họ huỷ diệt… Con đã phải tự tay đào lên những bãi chôn hàng vạn nguời bị bọn Pol Pot giết chết để các chú quay phim, chụp ảnh làm việc tố cáo tội ác của chúng. Con cũng đã được dự những cuộc hỏi cung những tên phạm nhân ác ôn tay sai của Pol Pot. Có tên tự thú nhận nó đã đập chết hàng trăm người, nó khai với giọng điệu rất hồn nhiên y như nó vừa làm một công việc bình thường nào đó chứ không phải là chuyện giết người, gương mặt đờ đẫn như một con vật. Làm sao có thể hy vọng cải tạo những con vật ấy trở thành nguời được hả bố?…… Con mong rằng nhân dân Campuchia mãi mãi không quên nhưng tội ác này, mãi mãi ghi nhớ số phận bi thảm của họ trong bốn năm qua. Con nói như thế bởi vì con nghĩ người ta rất dễ dàng quên ngay cái quá khứ khủng khiếp ấy. Có thể là cuộc sống mới đến với họ quá nhanh, họ chưa kịp đón nhận nó cũng như bốn năm trước họ đã bị bọn Pol Pot phản bội và đầy đọa mau lẹ tới mức họ khộng kịp phản ứng ra sao nữa. Trên đất nước này, người ta rất dễ thích nhảy múa, chỉ cần nổi nhạc lên là tất cả mọi người có thể múa nhảy thâu đêm suốt sáng…”Sau lá thư ấy, anh không nhận được thêm tin tức gì của con trai nữa, chỉ biết rằng đơn vị của nó vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu phức tạp và gian khổ trên mảnh đất mà họ vừa giải phóng. Mảnh đất ấy giờ đây kêu gọi anh, thôi thúc anh đến với nó. Anh muốn hiểu ngọn nguồn của những phẩm chất cao quý và mọi hy sinh chịu đựng của các chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế đang chiến đấu vì tự do nhân phẩm của dân tộc cùng sống chung trên bán đảo Đông Dương này, trong những người lính ấy có đứa con trai bé bỏng của anh. Điều gì đã làm cho nó suy nghĩ và viết ra được những dòng chữ đã khiến anh phải bồi hồi xúc động, nỗi xúc động lâu lắm rồi chính bản thân anh cũng tưởng như không bao giờ có được, tưởng như tâm hồn anh đã bị chai sạm, lì lợm đi rồi. Không hẳn chỉ có chiến tranh, sự tiếp giáp giữa chúng ta và kẻ thù, giữa cái sống và cái chết, đã dạy cho con anh những suy tư ấy. Ắt còn phải có cái gì nữa? Số phận bi thảm của những người dân Campuchia? Tội ác ghê rợn của cái bọn lâu nay vẫn tự xưng là “cộng sản” trước kia ngự trị trong lâu đài Chăm-ca-mon ngày ngày uống rượu Mao đài, ngậm sâm Cao Ly và tụng thánh kinh bìa đỏ?… Tốt hơn hết là chính anh phải dấn thân vào nơi đó lấy bản thân mình làm cuộc thực nghiệm-dù cho sức khỏe và tuổi tác đã ngăn cản anh. “Không, anh nói, tôi không đi bằng hai chân, tôi sẽ đi bằng nhịp đập của trái tim tôi, trái tim tôi tuy già nua nhưng nó còn đập mạnh…”. Với niềm hy vọng mong manh là gặp được đứa con trai ở một nơi gọi là tiền tuyến, anh hăm hở hơn tất cả những người đi cùng trong chuyến ấy…Tiểu đoàn phó Lê Đình Dũng dùng cây sào dài đẩy con thuyền gỗ nhỏ giống như loại thuyền thoi chở chúng tôi ra xa mép nước. Thông thạo như một dân chài thực thụ, anh lách rất khéo léo con thuyền ra khỏi hàng chục con thuyền khác đang bâu kín chiếc xe vận tải chở cá của huyện. Bốn vành bánh xe ngập một nửa dưới nước. Lúc mới thoạt nhìn, suýt nữa tôi kêu lên vì tôi cứ nghĩ đến biển là nghĩ đến nước mặn. Nước Biển Hồ đục lờ, vốc lên tay nhìn rõ những hạt phù sa đỏ hồng vằn lên hệt như nước sông Hồng ngoài Hà Nội. Về mùa khô, nước hồ cạn chỉ ngập quá đầu gối cho nên người ta có thể xắn quần lội khắp mấy chục cây số biển, nhưng Dũng ngăn không cho chúng tôi lội. Anh bảo dưới nước toàn là đầu cá, xương xá vất từ trên nhà sàn xuống sau khi làm cá, mổ cá và phơi cá; có thể bị đâm vào gan bàn chân và người không quen có thể bị nhiễm trùng. Tuy nhiên dưới đáy nước vẫn có những lạch ngầm và sâu, đó là đường đi lối lại của những chiếc xuồng gắn máy và tàu nhỏ. Con đường bị chìm trong lòng nước nhưng con người đã thuộc nó như thuộc bàn tay mình, chẳng bao giờ lạc lối hay mắc cạn…Lúc chiều, từ trên xe díp nhảy xuống, nhìn bao quát khắp bờ Biển Hồ, tôi hơi thất vọng. Tôi vẫn còn ấn tượng của những chuyến đi biển trước kia, tới bờ bao giờ cũng bị đập mắt vào cảnh trí bao la của trời nước, của những con sóng ào ào dội vào, của màu nước trong xanh, của hàng cột buồm lô nhô và khứu giác nồng lên mùi tanh của cá, mùi mặn của muối, của cả gió nữa. Ở đây, biển bị ngăn cách bởi những căn nhà sàn nằm chênh vênh trên mặt nước chắn hết tầm nhìn. Những căn nhà mỏng manh dựng lên bằng những cây cột chỉ nhỉnh hơn cổ tay-loại cây rên càng ngâm nước càng chắc, sàn nhà bằng gỗ và mái lợp lá thốt nốt vàng khượm. Những căn nhà này vào mùa nước to, chúng sẽ được di chuyển đi nơi khác hoặc tự nổi lên nếu có những bè bương nằm phía dưới. Căn nhà gỗ của Uỷ ban phum cũng chất đầy những cây bương to gộc dưới gậm sàn. Thêm một dãy nhà lá mọc dài theo bờ đất, đó là chợ, là nơi mua bán, đổi chác. Hàng hoá gồm những nhu yếu phẩm: vải, quần áo may sẵn, những chiếc sà rông (váy) của phụ nữ đủ màu, những món tạp phẩm sặc sỡ bằng nhựa, bằng ni lông được gửi từ Việt Nam qua và do những tay buôn đem từ biên giới Thái Lan về. Lại có rất nhiều dưa hấu, những trái to bằng chiếc mũ cối bộ đội vỏ xanh cẩm thạch mỡ màng ngon lành trông đã phát thèm. Trẻ con cởi trần, đen trũi, nô đùa trên cát và dưới nắng. Người lớn mặc quần din Thái Lan, mũ rộng vành đi lại thậm thịch, chuyển cá khô lên xe. Đồng chí chủ tịch uỷban huyện, cưỡi xe hon-đa kèm theo một đồng chí bảovệ đeo khẩu AK phóng ào tới xem xét việc chuyển cá. Đồng chí vừa ở công trường đào kênh về, con kênh nối liền Biển Hồ tới chân núi K’rom để mùa nước tới tàu lớn có thẻ vào sâu được trong đất liền…Gió từ biển xa thổi về, gió mang theo vị tanh của cá khô và vị nồng nồng của bùn mục. Khi chúng tôi vượt ra khỏi những căn nhà sàn nằm sát bờ, trời còn sáng, tầm mắt đột nhiên được mở rộng mới thấy Biển Hồ thật sự bát ngát mênh mông. Sau nhà là biển và lại tiếp nối những căn nhà khác nằm rải rác ở phía xa, những chiếc xuồng máy vè vè chạy xuôi ngược, có chiếc chở đầy dưa hấu hoặc hàng hoá, đó là những quầy bán hàng lưu động trên mặt nước. Dũng đẩy thuyền áp vào một căn nhà sàn cá khô phơi đầy trêm mái lá, những con cá to bổ đôi như hai chiếc quạt nan dính lưng nhau trắng lốp. Dũng bảo đây là trạm nghỉ chân và anh mời khách lên nhà uống nước trong khi chờ xuồng máy tới chả ra khơi xa, nơi chúng tôi định tới làm việc trong đêm nay. Con thuyền từ từ húc đầu vào chiếc cầu gỗ, trên đầu cầu đã có một bà mẹ đứng đón. Bà mẹ chưa già lắm, mặc sà rông hoa đỏ, tóc cắt ngắn kiểu Trung Quốc mà hồi xưa Pol Pot đã bắt tất cả phụ nữ Campuchia phải cắt như vậy. Chúng tôi lần lượt bước lên cầu, lần lượt chắp hai tay chào mẹ: “Săm bai”. Bà mẹ ngả đầu hơi cười, cũng chắp hai bàn tay ngang cằm chào lại. Chúng tôi bước vào nhà, căn nhà nhỏ gọn gàng và sạch sẽ. Chiếc máy khâu kễ trong góc nhà, nơi ngủ được ngăn bằng vải hoa. Nới tiếp khách phía ngoài, trên sàn nhà trải chiếu đan bằng cật lá thốt nốt trắng như ngà. Đồng chí nhà văn già bỏ balô, ngoài người ngồi xuống ghé mắt nhìn ra biển trải mênh mông khẽ kêu:-Trời, ngồi đây ngắm biển thì đã quá!-Chưa ăn nhằm chi bác ạ. Lát nữa ra ngoài kia bác còn thấy thú vị hơn nhiều…Dũng mỉm cười tiếp lời như vậy rồi anh quay giới thiệu chúng tôi với chủ nhân. Anh nói tiếng Khơ-me chưa được thạo, đôi chỗ phải nhờ Lê Vân dịch hộ những từ chuyên môn như: nhà văn, nhà thơi, nhiệm vụ quốc tế, v.v… Lúc đó tôi mới thấy được khả năng và trí thông minh của Lê Vân. Nghe nói anh còn có thể dịch cả thơ Việt Nam sang tiếng Khơ-me và đọc cho bà con địa phương thưởng thức, tôi tin anh làm được như vậy…Bà mẹ Campuchia ngồi thu hai đầu gối tươi cười chắp hai bàn tay ra ý chào mừng các khách quý. Ngồi bên bà là cô gái chừng hai mươi tuổi mặc quần đen bằng vải thu, áo sơ-mi hoa cắt rất khoé. Mái tóc dài xoã xuống sau gáy càng làm tôn thêm nước da vốn đã trắng trẻo của cô, nước da làm chúng tôi ngạc nhiên, bởi những cô gái vùng này thường ngăm ngăm đen. Nước da trắng và vóc dáng mảnh mai của cô làm người ta liên tưởng đến một bông nhài. Còn đôi mắt đen và sâu thẳm không hiểu sao cứ đăm đắm nhìn về phía tiểu đoàn phó Lê Đình Dũng, tưởng như anh cán bộ trinh sát Việt Nam này đang toả ra sức hút kỳ diệu nào đó. Đôi mắt như biết nói, biết cười bộc lộ niềm vui ngời ngợi không cần giấu giếm khiến Dũng cũng không dám nhìn lại. Anh xoay mặt hẳn về chúng tôi và nói với giọng không được lưu loát cho lắm:-Đây là bà mẹ và gia đình mà bọn chúng tôi đưa từ Pua Sát trở về… Ông bố đã bị bọn Pol Pot giết hại, mẹ còn chín người con. Cô Săm Ri đây là con lớn… Săm Ri thì bác với các anh biết cả rồi. Tôi đã nói rồi mà…Nhà văn già làu bàu:-Ông nói với bọn mình hồi nào? Hôm nay bọn tôi mới tới đây lần đầu.Dũng cười ngượng nghịu, mặt đỏ lên và chống chế:-Tôi cứ ngỡ tôi nói rồi chứ nhỉ… Nếu không thì Lê Vân cũng nói…-Chưa đâu-Vân lắc đầu-Anh Dũng chưa nói, tôi biết. Mà tôi cũng không nói. Để anh tự nói thì tốt hơn, nhất là khi có cả Săm Ri ngồi đây.Tuy không hiểu khách nói điều gì nhưng cô gái cũng cười và cúi mặt. Lúc đó Dũng mới dám nhìn cô gái nói:-Thế này nhé, hồi tháng Tư năm ngoái, đại đội tôi đánh sang bên kia Biển Hồ, truy quét bọn tàn quân Pol Pot ở bắc Pua Sát như anh Ba Chúc đã kể với các anh và bác. Bọn tôi đánh vào mấy phum: phum A, phum Sô và những phum gì gì nữa, tôi quên tên rồi… Bọn nó bị diệt một số, bị bắt một số, những tên còn lại, chạy toán loạn vào rừng. Tôi mới gom dân lại rồi đưa về bên này. Trời thì tối, tôi vào một căn nhà thấy lố nhố toàn đàn bà và trẻ em, người nào cũng đen thui, quần áo đen, mặt mũi da dẻ cũng đen. Chỉ có một cô gái là trắng trẻo. Tôi gọi cô ta ra và hỏi “có phải là vợ lính Pol Pot không?”. Tức thì cô ta oà lên khóc, vừa khóc vừa la: “Không, tôi không phải vợ Pol Pot… Oan tôi quá, bộ đội Việt Nam ơi, cứu tôi với. Tôi không phải là vợ Pol Pot”. Tôi đâm ra lúng túng khi cô ta cứ níu chặt lấy mình, tôi mới bảo: “Cô muốn về Xiêm Riệp thì theo bộ đội”. Thế là cô ta cùng tất cả mọi người chạy ùa theo anh em trinh sát ra bờ Biển Hồ. Đêm đó khoảng chín ngàn người đã lội biển theo chúng tôi. Mãi khi truy quét hết bọn Pol Pot, chúng tôi lại trở về đây cùng với đội công tác của bạn giúp đỡ nhân dân thành lập phum, tổ chức lại đời sống, dựng nhà dựng cửa, xây dựng chính quyền và các đoàn thể… thì tình cờ tôi gặp lại Xiêm Riệp, cô gái mà tôi bảo là vợ Pol Pot ấy…Xiêm Riệp chăm chú lắng nghe giọng nói của Dũng tưởng như cô đã hiểu hết những lời anh. Đột nhiên cô bật lên câu gì đó bằng tiếng Khơ-me. Cả Dũng và Lê Vân đều cười, rồi Dũng giảng cho chúng tôi:-Cô ấy lại vừa trách tôi đã gán cho cô ấy là vợ Pol Pot… Hôm tôi gặp lại Săm Ri là hôm đội công tác của bạn về tập họp chị em để tổ chức hội phụ nữ phum. Tôi đang ngồi hút thuốc lúc giờ nghỉ thì một cô gái đi đến trước và nói: “Tại sao đêm hôm đó anh lại gọi em là vợ Pol Pot? Làm sao em có thể làm vợ nó được? Nó đã đập chết bố em, đầy đọa cả gia đình em. Em thù nó, anh biết không?”. Tôi nghe cô ta nói thật ngạc nhiên hơn vì… vì, nói thật Săm Ri hôm ấy đẹp quá, đẹp lạ lùng, đẹp hơn tất cả những cô gái mà tôi từng gặp. Tôi lúng túng mãi sau mới nói: “Tại đêm đó tôi thấy cô mặc áo trắng, người cũng trắng trong khi các chị em khác đều đen thui nên tôi mới nghĩ sai như vậy. Bây giờ tôi xin lỗi cô nhé. Tên cô là gì? Gia đình cô ở đâu?”. Tôi quay ra thăm hỏi cô và thái độ Săm Ri cũng dịu hẳn đi, cô nói cho tôi biết tình hình gia đình, về mẹ, về các em cô. Rồi ngày chiều hôm ấy, Săm Ri dẫn tôi về nhà. Qua tiếp xúc tôi biết đây là một gia đình tốt, có khổ, có thù sâu với bọn Pol Pot. Dần dà gia đình Săm Ri trở thành cơ sở của đơn vị trinh sát… Đó, chuyện chỉ có như vậy…Dũng không nói gì thêm nhưng tôi cảm thấy như câu chuyện không hẳn chỉ có vậy. Đồng chí nhà văn chớp chớp mắt liên hồi khi nghe Dũng kể và anh gầm ghè muốn nói câu gì đó nhưng lại thôi. Tôi nhìn cô gái Campuchia và cố tìm ra câu nói vui vẻ:-Này, Săm Ri lớn hung rồi, bao giờ thì Săm Ri lấy chồng?Săm Ri nghe dịch lại lời tôi, lập tức cô liếc mắt về phía Dũng rồi trả lời. Lê Vân cười và dịch lại:-Săm Ri bào anh cứ hỏi anh Dũng ấy!Câu trả lời mới dễ thương, mới ý nhị làm sao! Mặt Dũng đỏ ửng đến tận vành tai trong khi cả chúng tôi và bà mẹ đều cười…Gió thổi từ biển xa loạt soạt ngoài cửa sổ đã được chống lên bằng thanh gỗ nhỏ. Nhà văn già rút cuốn sổ tay ra ghi vội mấy dòng chữ, tiếng mở giấy cũng loạt soạt trong tiếng gió. Không gian im ả thật dễ chịu rồi vang lên đâu đó tiếng động cơ máy nổ đều đều. Một chiếc xuồng máy từ từ ghé vào dưới gầm sàn. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy anh lính trinh sát Thư trẻ măng ngồi trên mui xuồng, khẩu M.79 chống trong tay. Trong nhà, Dũng vội vàng đứng lên…Được ra giữa Biển Hồ, giữa cái mênh mang trời nước ngồi quây quần trên sạp gỗ của con thuyền lớn bên cái nhà nổi mà chủ thuyền là bác Hai-thợ máy, dưới ánh sáng xanh nhạt của ống đèn nê-ông được thắp sáng do cái máy phát điện nhỏ cũng của bác Hai, mới cảm thấy hết được hạnh phúc được sống trong tình thương đằm thắm của nhân dân nước bạn. Khi chúng tôi cùng với tiểu đoàn phó trinh sát Lê Đình Dũng làm việc xong với tất cả những cơ sở mà anh triệu tập đến theo yêu cầu của chúng tôi, đêm đã khuya, trừ một số phải trở về công tác, còn tất cả đều ngồi lại. Buổi ấy, trăng mọc muộn, đêm tối mịt mùng. Đàn thiêu thân to như loài bướm trắng ở rừng chấp chới lao vào ánh đèn rồi rơi lả tả trên mặt nước. Cá tụ tập hai bên mạn thuyền đớp mồi lũm bũm, nhưng chú cá nhỉnh hơn trái chuối, trắng lấp lánh như bạc nhảy tung lên khỏi mặt nước. Một chiếc thuyền nhỏ lướt tới, người đàn bà ngồi trên mũi, xoè chiếc s’thoong, loại lưới giống như chiếc quạt giấy khổng lồ, vớt cá, mỗi mẻ được hàng cân. Chú bé ngồi sau thuyền nghển đầu nhìn chúng tôi, toét miệng cười.Đêm Biển Hồ mới yên tĩnh làm sao. Tiếng đàn ca có lẽ từ một chiếc đài thu thanh bán dẫn nào đó vẳng tới. Thời gian như ngưng đọng lại, chẳng rõ hôm nay ngày mấy, thứ mấy và lúc này mấy giờ rồi? Bọn khách phương xa có tôi, đồng chí nhà văn già và Lê Vân. Chủ nhà là bác Hai-thợ máy, bác chỉ ngồi nhấp nhổm một lát rồi lại luồn ra phía nhà bè. Gia đình bác, gồm cả vợ và ba đứa con cũng được đơn vị trinh sát của Dũng cứu khỏi những nhát cuốc độc ác của Pol Pot trong đợt truy quét hồi tháng Tư năm ngoái ở vùng nam Biển Hồ, bắc Pua Sát. Có thể nói chỉ chậm giây lát, vợ bác vốn là người Việt Nam và cả bác nữa, một người dính líu đến Việt Nam đã bị lính Khơ-me đỏ chôn sống. Đến bây giờ bác vẫn không hiểu sao bọn Pol Pot lại thâm thù người Việt và những người Campuchia có cảm tình với Việt Nam đến như vậy? Suốt bốn năm qua, vợ bác cố giấu tung tích, không dám hé môi nói một từ Việt mới trốn thoát, mặc dù lúc nào chúng nõ cũng nghi ngờ, cũng rình mò, theo dõi. Còn bác, bác dại dột khai thật là thợ máy nổ, những tưởng mình là công nhân ắt sẽ được cảm tình với những kẻ xưng là cộng sản. Nào ngờ chúng nó lại thâm thù bác, thâm thù cả giai cấp công nhân? Nó đày ải bác và đối xử với bác như một kẻ nô lệ-còn quá hơn nữa, như một con vật. Đến bây giờ chính bác cũng như nhiều người trí thức Campuchia mà tôi được tiếp chuyện vẫn không giải thích nổi tại sao thằng Pol Pot lại thâm thù những người nắm được khoa học kỹ thuật đến như vậy? Nó chỉ nhằm vào lớp người đó mà thủ tiêu trước hết. “Thật là một tên điên khùng!”. Những nhà tri thức Campuchia nhún vai kết luận. Còn bác Hai-thợ máy thì bảo nó là một thằng phản động nhất thế giới. Một tên phản phúc nhất thế giới. Nó đã phản bội những người anh em Việt Nam, nó đã phản bội anh em đồng chí của nó, nó đã phản bội cả dân tộc nó, họ hàng cha mẹ nó…Cùng ngồi lại với chúng tôi đêm ấy ngoài mấy đồng chí bộ đội Việt Nam như Dũng, Thư, anh lái xe Lại Như Thầm và Hóa, đội trưởng đội đánh cá của Bộ tham mưu Mặt trận, còn có ba người chủ thật sự của Biển Hồ, ba cô gái. Săm Ri mà chúng ta đã biết vẫn mặc bộ đồ Việt mà cô ưa thích, chiếc quần bằng vải thun đen nhánh, áo sơ-mi hoa trắng, người mảnh mai và trắng trẻo càng về đêm càng giống một bông hoa nhài. Bên cô, Su Ri La hội trưởng hội phụ nữ phum Kơ Nia Chơ Năng này. Cô ngồi hơi nghiêng người, một tay chống trên sạp thuyền và bao giờ mặt cũng hơi cúi, đôi mắt thỉnh thoảng lai ngước lên nhìn người đang nói rồi lại cúi xuống cười. Su Ri La đã ngoài ba mươi, vận sà rông màu xanh lam, áo sơ mi bồng vai và tóc búi sau gáy. Cô cũng đẹp, sắc đẹp đến độ chín như trăng mười sáu. Chúng tôi ngậm ngùi khi được biết chồng và ba đứa con của cô đều bị Pol Pot giết hết. Hiện nay cô sống một mình với người em gái vừa đánh cá vừa làm nghề may. Ngồi trước mọi người, Su Ri La tỏ ra biết nói chuyện, lối nói riêng của phụ nữ. Nghĩa là cô khôngnói nhiều, khôngnói hết câu; nụ cười, khóe mắt và cả dáng ngồi thay cho tất cả và chúng có sức hấp dẫn thiệt kỳ lạ khiến cho buổi nói chuyện tuy không rôm rả nhưng cứ lắng đọng lại, lắng sâu, rất sâu trong lòng người.Còn Su Va Chăn, cô thứ ba ngồi phía phải Săm Ri, vóc người nhỏ lại mặc chiếc áo hoa xanh biếc. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ cô còn ít tuổi, khoảng mười sáu, mười bảy gì đó, sau mới biết cô đã có chồng con và tất cả đều bị đập chết dưới thời Pol Pot. Trên đất nước đau thương này, đàn bà goá quá nhiều, mười người mà tôi gặp thì đến chín người có chồng bị giết hại đến nỗi mỗi khi nói chuyện với họ, tôi không dám nhắc đến chuyện chồng con. Và ở đây, người ta đã có câu ca: “Mêmai kò sarây” nghĩa là “đàn bà goá cũng là đàn bà” cũng như “cơm nguội cũng là cơm”.Su Va Chăn không phải người vùng này nhưng cô rất thuộc Biển Hồ. Đã bao lần, chính cô dẫn đường cho đơn vị trinh sát của Dũng đi truy quét địch. Cô sống với bà dì ở sát chợ Xiêm Riệp và chiều nay nghe tin Dũng đưa chúng tôi ra đây, cô liền đi theo. Gần như cô là “người nhà” của tiểu đoàn trinh sát mặt trận Xiêm Riệp này. Cô gái ngồi im lặng, không tham gia vào câu chuyện. Dáng ngồi và gương mặt trầm mặc của cô gợi lên vẻ chịu đựng và nhẫn nại làm đau lòng mọi người. Ôi người con gái Campuchia đáng thương và đáng mến, mãi mãi chẳng có ai có thể quên em! Tôi nhớ lúc gần sáng, khi Dũng kể lại những chuyện tổn thất trong chiến đấu làm mọi người phải rưng rưng nước mắt thì chính cô Su Va Chăn cùng với Săm Ri là người khóc nhiều nhất mặc dù với tiếng Việt các cô chỉ hiểu lõm bõm nhưng các cô nhìn mặt người kể mà đoán biết tất cả. Mọi sự cách biệt của ngôn ngữ đã tan biến đi khi tất cả chúng ta đều hết sức thông cảm với nhau, cùng chung một kẻ thù như nhau…Mười giờ đêm, một chiếc thuyền nhỏ của đơn vị đánh cá đến đón Hoá, đội trưởng của họ. Đơn vị của Hóa đang làm nhiệm vụ cung cấp một phần lương thực thực phẩm cho bộ đội toàn tuyến. Họ đánh cá, phơi cá rồi gửi đi các sư đoàn, trung đoàn, lên các chốt tiền tiêu. Mặc dù anh em đã rất cố gắng, mấy tiểu đội mà chúng tôi đã đến thăm chốt trên sát biên giới cũng chỉ được mỗi bữa hai miếng cá khô nấu với nước lõng bõng trong cái soong nhôm quân dụng. Đường vận chuyển khó quá, nhất là về mùa mưa, phương tiện xe cộ lại thiến thốn. Các chiến sĩ cũng rất hiểu nỗi khó khăn đó; họ hiểu khi họ nắm chốt ở nơi đây thì Hoá và đồng đội của anh đang phơi mình giữa khoảng trời nước bao la này mà làm cá. Cuộc sống của họ chẳng có gì khác ngoài trời và nước, chung quanh là cá, những con cá tra, cá lóc, cá ướp muối, phơi khô gửi cho các chiến sĩ. Họ cố gắng tự túc phần nào để bớt gánh nặng cho hậu phương, cho Tổ quốc.Đội trưởng Hoá ngồi nán thêm với chúng tôi ít phút rồi đứng lên cáo biệt. Anh phải đi gấp có công tác cần. Hoá kéo Thầm, cậu lái xe và Thư, chiến sĩ trinh sát thì thầm điều gì đó rồi anh nhảy xuống thuyền nhỏ đứng đợi. Thầm quay vào và còn cố hát cho xong bài hát lúc nãy vừa bị cắt ngang. Thầm hát bài hát của người lính lái xe Trường Sơn. Anh hát không hay nhưng có sức rung động và bài hát đã đưa chúng tôi về những năm chống Mỹ ác liệt, con đường chạy dọc thân hình Tổ quốc với những cua, những ngầm, và những cô gái mở đường, những đoàn quân ra trận…Hát xong, Thầm ngửa cổ hút hết chén chè đường vẫn dành cho anh từ đầu rồi đứng lên theo anh đội trưởng đánh cá. Chiếc thuyền cởnì đám sáng chui tọt vào bóng đêm sâu thẳm. Và chỉ hưn nửa giờ sau nó quay trở lại Thầm và Thư lễ mễ bưng lên mỗi anh một soong quân dụng: một soong cháo cá và một soông đựng con lá lóc nướng khá to. Sau này tôi mới biết đó là quà tặng của đội đánh cá. Đơn vị của Hoá chốt cách đây non năm cây số đường nước. Buổi tối khi Hoá tới chỗ chúng tôi để làm việc thì ở nhà anh em đã chuẩn bị món quà thiết thực này cho khách. Hoà rất thèm được ngồi lâu với chúng tôi, được nghe chúng tôi nói chuyện về tình hình Tổ quốc và nhất là được nhờ chúng tôi chuyển những suy nghĩ chân thành của anh em về nước. Song tiếc rằng anh phải đi ngay sau khi làm việc, anh có điện khẩn của Bộ tham mưu phải đi làm công tác đặc biệt ngay trong đêm. Tôi nghiệm ra ở nơi xa Tổ quốc này, mỗi anh em đều có những tâm sự riêng muốn được giãi bày, được giải thích, được lắng nghe cho thật chính xác với một sự thông cảm rất bình đẳng và thoải mái…Khoảng này vào quá nửa đêm. Mấy bao thuốc lá Sa-mít mà Thầm bỏ ra đã bị hút hết. Chai rượu thuốc Campuchia của bác Hai lấy trong rương ra khi có hai soong cá của Hoà gửi biếu cũng đã vơi quá nửa. Tất cả chúng tôi đều không biết uống rượu, nhất là thứ rượu mạnh này nên mới nhấm nháp tí chút mà ai cũng ngà ngà say. Chúng tôi nâng chén chúc mừng hai tổ quốc Việt Nam và Campuchia, chúc sức khỏe lẫn nhau. Có tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe từ căn nhà bè. Vợ bác Hai mới ở cữ hôm qua, một đứa con trai ra đời trên Biển Hồ, đứa con chung của hai dân tộc. Lại nâng chén chúc mừng hạnh phúc đang tái sinh của bác thợ máy nổ. Bác cười khà khà, nói tiếng Việt chưa sõi: “Sướng quá, sướng quá. Bốn năm Pol Pot đâu có được như thế này, đâu được ngồi với nhau vui vẻ như thế này. Nó chỉ có giết và giết thôi. Không có chú Dũng thì cả nhà tôi cũng chết hết cả rồi… Chú Dũng làm con rể Campuchia đi, chú lấy vợ Campuchia đi. Ai cũng bằng lòng hết, cả cái dân Biển Hồ này ai cũng thương chú mà, có phải không Săm Ri?… Tôi cũng lấy vợ Việt Nam mà, hà hà…”. Bác Hai ngả người ôm choàng lấy anh cán bộ trinh sát Việt Nam, cười nấc lên. Săm Ri xấu hổ chui vào lưng Su Ri La nhưng đôi mắt càng về đêm càng long lanh dán vào khuôn mặt của Dũng. Anh tiểu đoàn phó trinh sát ngồi lọt giữa đám người, anh chỉ mặc chiếc áo lót bằng sợi trắng ngắn tay, cả da mặt, cổ và hai cánh tay trần đỏ hồng lên vì ngấm rượu.Dũng nghiêng người đỡ hai tay bác Hai thợ máy. Anh không cười, mặt lạnh đi, lừ đừ nhìn chai rượu màu nâu sẫm đặt trước mặt:-Tôi cám ơn tấm lòng của bác Hai, lâu nay bác vẫn vun vén cho hạnh phúc của tôi với Săm Ri. Tôi cám ơn bác vô cùng… nhưng bác Hai ơi, sự đời bây giờ không đơn giản như hồi bác cưới bác gái mặc dù bác là người Khơ-me và bác gái là người Việt. Cuộc đời bây giờ phức tạp hơn trước nhiều… Kìa anh Lê Vân! Kìa bác, kìa anh! Sao không uống đi… Chúng ta đêm nay uống chén rượu của bác Hai và chúng ta sẽ nói với nhau những chuyện tâm sự thầm kín nhất…Lê Vân nâng ly rượu, gắm nó bằng đôi mắt đỏ kè:-Rượu đêm nay sẽ làm cho tâm hồn ta thêm trong sáng, đồng chí Dũng ạ. Tôi không biết uống rượu nhưng đêm nay tôi sẽ uống với đồng chí. Đồng chí là người lính trinh sát còn mình là lính cơ quan lại có máu làm thơ, nên chí chúng ta có thể hợp nhau và cùng uống với nhau…-Tôi rất tán thành ý kiến của Lê Vân. Hãy làm cho tâm hồn chúng ta mãi mãi trong sáng. Chúng ta hãy cạn chén, cạn ly chúc hạnh phúc đang hồi sinh cho các bạn Campuchia ngồi đây. Chúc hạnh phúc của Su Ri La, của Săm Ri, của Su Va Chăn, của bác Hai… Ủa, bác chạy đâu rồi? Bác xuống với cậu con trai mới ra đời, hay lắm. Chúc hiện tại và tương lai của cháu bé, vị chủ tương lai của Biển Hồ…-Nhà văn già uống một hơi đến đáy ly và dốc ngược ly xuống để mọi người biết nó không còn mọt giọt-Nào, các bạn, tôi xin nói, tôi là một kẻ chịu chơi-Anh đã bắt đầu bốc lên, giọng nói vang nhưng hơi thở rung-Nào các bạn, từ nãy đến giờ tôi chưa uống, bây giờ bắt đầu uống và uống cho đến sáng. Nếu hết rượu mà rượu cũng sắp rồi, tôi sẵn sàng uống cạn nước Biển Hồ này. Xưa nay tôi chưa hề say nhưng đêm nay tôi sẽ say, nước Biển Hồ làm cho tôi say, say vì sung sướng được gặp gỡ các bạn, được ngắm không chán mắt mọi gương mặt của các bạn. Chao ôi, sao mà tôi yêu các bạn, sao mà tôi muốn khóc và nếu như tôi có khóc thì các bạn hãy mừng cho tôi. Vì ở tuổi già này còn được khóc vì tin yêu, vì xúc động khi không còn gì vui sướng hơn…Đàn thiêu thân vẫn lao vào ánh đèn rồi rơi lả tả xuống sặp thuyền, Lê Vân khẽ khàng nhặt từng con búng ra ngoài nước. Tiếng cá đớp mồi nổi lên quanh chúng tôi mỗi lúc một nhiều, bây giờ chẳng cón chiếc thuyền nào đi quanh vớt cá nữa. Cá Biển Hồ nổi tiếng trên thế giới về mật độ cao nhất.Dũng nghiên người lắng nghe. Có tiếng hát vọng cổ từ một nơi nào đó vẳng tới lúc to lúc nhỏ, rất mơ hồ. Chắc hẳn từ cái máy chạy băng cát-sét của đơn vị đánh cá, đêm yên tĩnh đến nỗi cách xa năm cây số còn nghe vẳng lại. Dũng với tay cầm chai rượu rót vào đầy ly của nhà văn và anh hỏi:-Thưa bác, năm nay bác đã sáu mươi chưa?-Mình sáu mươi hai.-Thế thì bố con còn thua bác hai tuổi. Từ nay con sẽ kêu bác bằng bố nhá, bác bằng lòng chứ ạ. Bố hãy kêu thằng Dũng này là con đi bố. Con còn biết một điều: bố cũng có con trai đi bộ đội như con, đúng không bố?-Đúng. Mình cũng có một thằng con đi bộ đội, hiện nay nó cũng ở Campuchia, Dũng ạ.-Con biết mà,-Dũng kêu lên như trẻ thơ-chỉ có những người có quan hệ ruột thịt với anh em bộ đội chúng con mới có thể đến với chúng con một cách thân thiết như bố. Mà ngay đôi mắt bố khi nhìn chúng con thì con đoán được hết. Bố cứ yên tâm rồi chúng con sẽ tìm được em con cho bố, nếu chú ấy còn ở trên mảnh đất Campuchia này thì nhất định con sẽ tìm ra…-Cám ơn Dũng… Cám ơn… tất cả…Nhà văn lắp bắp bởi nỗi xúc động cứ dâng lên và anh nầng ly rượu lên môi. Dũng rót một ly khác, quay sang ba cô gái:-Nào bây giờ, anh lại chúc Su Va Chăn, chúc Săm Ri, chúc chị Su Ri La. Ở đây tôi có bố, có hai anh, có chị có hai cô em gái. Hai em và chị hãy uống chung với tôi ly này…Anh đưa ly rượu cho Su Ri La, cô gái cười lặng lẽ đỡ ly rượu và uống một chút rồi chuyển cho Săm Ri. Hai cô gái sai chỉ nhấp môi còn bao nhiêu Dũng uống cạn. Anh đặt chiếc ly không xuống sàn thuyền, cúi người nhìn ra mặt nước bao la như thói quen nghề nghiệp. Anh ngồi thẳng lên và nói chậm rãi:-Tôi đã chiến đấu trên mảnh đất này từ năm bảy mốt, khi ấy đơn vị của ta đóng quanh tại vùng Angkor áp sát thị xã Xiêm Riệp, phía ngoài là mình, bên trong là bọn Lon Nol. Dằng dai như vậy suốt mấy năm trời, về sau mình bàn giao lại cho quân đội Pol Pot những tưởng nó là người cách mạng thật sự. Ai ngờ mình đã đổ bao nhiêu xương máu giúp nó đánh được Lon Nol thì nó quay sang phản bội mình… Ừ thì nó ăn phải bả của thằng Tàu nên nó phản mình thì cũng được đi, nhưng nó lại phản ngay cả dân tộc Campuchia nữa. Mình chịu nỗi đắng cay một phần nhưng nhân dân Campuchia còn phải gánh chịu gấp ngàn lần. Ba triệu người bịgiết, chua chát chưa? Để cho thằng Pol Pot phản phú, dân tộc này đã phải trả giá quá đắt. Tôi chiến đấu ở vùng này lâu, tôi rất hiểu bà con Campuchia, hiểu những niềm vui và cả những nỗi đau khổ của họ. Bây giờ thằng Pol Pot đã cao chạy xa bay tít tận bên kia biên giới Thái Lan và ở đó cũng mọc lên những thằng khác, lòng dạ chúng giống nhau nhưng miệng nói có điều khác nhau. Nó bảo Việt Nam rất tốt nhưng Việt Nam nghèo quá, nếu theo Xihanuc thì cả Mỹ, cả Tàu, cả Nhật và bao nhiêu nước nữa viện trợ thừa mứa cho, chỉ cần ngồi mà ăn hàng chục năm cũng không hết của. Nghe cái luận điệu của chúng nó mà lộn mửa. Nó coi nhân dân như con lợn, chỉ nằm đấy để người ta đổ cám cho mà ăn đến béo phị ra. Nhưng đợi đấy, lúc béo thì chúng nó giết thịt ngay… Bố ạ, các anh, chị và các em có nghe lúc nãy bác Hai đã vun đắp hạnh phúc cho tôi đấy chứ? Lòng bác rất tốt mà không phải bây giờ bác mới có ý ấy đâu, tôi biết. Tôi cũng biết Săm Ri thương tôi, rất thương tôi, thật lòng thương tôi. Săm Ri là cô gái tốt nhất trên đời này mà tôi biết. Còn tôi, tôi đâu có thể dửng dưng trước mối tình của em nhưng tôi là người lính, một chiến sĩ cách mạng đang đi làm nhiệm vụ quốc tế đặc biệt. Tôi hiểu rằng trên đời này không phải chỉ có tình yêu, còn có những mục tiêu lớn lao hơn, những hoài bãi cao cả hơn… Chúng ta sang đây vì hạnh phúc của nhân dân nước bạn, chúng ta phải biết hy sinh những cái thuộc về cá nhân mình để phục vụ cho những cái chung… Chúng ta đối với nhân dân Campuchia tận tình tận nghĩa đến như vậy mọi người đều biết rõ, mà thằng địch vẫn cứ xuyên tạc, nói xấu nhằm chia rẽ chúng ta với nhân dân Campuchia…Nhà văn già kêu lên:-Cậu lý lẽ quá Dũng ạ. Thằng địch nó cũng hiểu tất cả nhưng chúng vẫn cứ nói xấu ta, vì nó là thằng địch. Mình thì mình ủng hộ mối tình đẹp đẽ của Dũng…Lê Đình Dũng mỉm cười chua chát:-Bố là nhà văn có khác, bố chỉ sống bằng tình cảm nên bố không hiểu rằng trên đời này người ta không thể giải quyết công việc bằng tình cảm được…-Mình biết chứ, nhưng mình vẫn ủng hộ Dũng, ủng hộ Săm Ri-Nhà văn khăng khăng giữ ý kiến của mình.-Vậy thì con xin cám ơn bố, Săm Ri cũng cám ơn bố phải không em Săm Ri?Cô gái Campuchia chỉ ngước nhìn anh cái nhìn thật đắm đuối làm xốn xang lòng người, đến nỗi Dũng không chịu nổi phải quay đi. Anh lắc đầu:-Không, không thể được bố ơi! Con chỉ có thể coi Săm Ri như em gái con. Con đã nhiều lần khuyên Săm Ri lấy chồng đi, con cũng khuyên cả Su Va Chăn, cả chị Su Ri La hãy lấy chồng đi, hãy xây dựng lại hạnh phúc cho mình trong khi chúng con còn có mặt ở đây, chúng con được chứng kiến ngày vui của họ và mừng cho họ… Chao ơi, các anh, chị, các em ơi, tại sao người ta lại sinh ra biên giới nước này với nước kia? Để làm gì mới được chớ?… Nào mời bố, mời các bạn! Tôi uống ly thứ mấy rồi, tôi đã nói được những điều rất thật nhưng tôi vẫn tỉnh. Tôi biết ngồi trước tôi là các nhà văn, nhà thơ. Tôi rất yêu quý các nhà văn, nhà thơ. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của họ. Có nhiều cuốn sáchviết rất hay, rất xúc động, làm tôi rơi nước mắt nhưng nói thật cũng có cuốn viết tồi, đọc chỉ thấy bực mình vì sự bôi bác của họ… Tôi nói thật, bố đừng giận, bố nghe!-Cậu là một độc giả đáng sợ!-Lê Vân nghiên đầu ngắm người chỉ huy trinh sát, đôi mắt anh đẫm nước.Cả nhà văn nữa, anh lẳng lặng rút khăn tay lau mặt, nước mắt đầm đìa trên đôi gò má nhọn và gầy của anh…-Bố và các anh chắc không biết, Lê Đình Dũng nói tiếp, đại đội Ba của tôi đã được đề nghị tuyên dương anh hùng. Nếu cấp trên chuẩn y thì đó là phần thưởng cao quý nhất của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng đã giành được một phần thưởng cao quý nữa, đó là lòng tin yêu của nhân dân bạn. Hồi tôi dẫn đơn vị đi làm nhiệm vụ, tôi bị lạc hàng tuần lễ trong rừng không về được, nhân dân ở đây ngỡ tôi chết, nhà nào cũng bày bàn thờ, thắp nhang cúng tôi. Họ coi tôi như một người con trong gia đình mặc dù tôi chỉ là người lính Việt Nam. Chao ơi, kể sao hết tình nghĩa của bà con Biển Hồ đối với bộ đội chúng ta…Nhà văn già nhét chiếc khăn tay vào túi áo, anh ngước lên nói bằng cái giọng nghèn nghẹn:-Dũng hãy kể cho chúng tôi nghe chuyện Dũng bị lạc đi.-Vâng, rồi con sẽ kể nhưng bố đừng có viết đấy. Chuyện chẳng có gì đáng viết cả…Lúc đó, tôi nghe có tiếng máu chèo khua nước. Gần cạnh thuyền chúng tôi hai chiếc thuyền khác lặng lẽ lướt qua. Những người ngồi trên thuyền cũng im lìm bất động như những pho tượng. Dân chài Biển Hồ đã bắt đầu đi đánh cá, họ đi theo con lạch ngầm chạy qua đây…-Vân tôi xin kể để bố và các bạn nghe-Dũng tợp một hơi cạn ly rượu vừa rót. Mỗi lần anh nâng ly là một lần Săm Ri khẽ kêu như muốn ngăn lại. Dũng lắc đầu, lấy mu bàn tay chùi miệng, nghiêng người đảo mắt theo dõi hai chiếc thuyền đang đi ngang qua, đôi mắt rất tỉnh táo và không vẩn chút hơi men. Anh ho khan một tiếng rồi nói-Vâng, tôi xin kể: Hôm ấy, Bộ tư lệnh Mặt trận lệnh cho đơn vị trinh sát chúng tôi đi điều tra một cụm quân địch mới xuất hiện ở vùng biên giới, có lẽ chúng từ Thái Lan “đánh” về. Đối với bọn trinh sát chúng tôi thì nhận được lệnh cấp trên chỉ có việc chấp hành, bất kỳ giá nào cũng phải chấp hành, và khi về đem theo một bản báo cáo đầy đủ và chính xác nhất. Hồi ấy trước mùa mưa, khắp vùng biên giới chẳng kiếm đâu ra giọt nước. Tôi nhớ hồi đầu năm trong khi truy quét địch, một cánh quân của ta đánh theo mũi vu hồi đã bị lạc vào một vùng hoàn toàn không có nước mà ngay chính dân địa phương cũng phải sợ, không ai dám bén bảng tới. Bộ đội phải nhịn khát suốt hai ngày liền, người cũng lả đi vì thiếu nước. Vậy mà lúc ấy chúng tôi phải xông thẳng vào chính nơi đó. Trong công tác chuẩn bị hành quân, thứ quan trọng nhất là mỗi người phải đeo ít nhất hai bi-đông đầy nước và chỉ được nhấm nháp khi đã rất khát không thể chịu nổi. Phân đội trinh sát đó do tôi chỉ huy, có mười bảy anh em, đến gần sát biên giới thì bị địch phục kích, bảy đồng chí bị cắt ngang đội hình rồi bị lạc phải quay trở về. Còn mười anh em khác trong đó có tôi phải đánh dập địch xuống, luồn rừng mà quay trở về, trên đường vừa đi vừa dò theo dấu vết địch. Chúng nó như loại thú rừng, thoắt hiện thoắt biến. Sáng hôm ấy chúng tôi chui vào ngủ trong một rừng cỏ tranh bạt ngàn. Khoảng trưa, địch xuất hiện, chúng nó đông quá ước chừng hai trăm tên và có lẽ đánh hơi thấy chúng tôi, chúng nó ỷ đông dàn hàng ngang càn đi quét lại trong đám cỏ tranh mênh mông ấy. Đến chiều chúng nó phát hiện được chúng tôi, chúng nó bắn quá lắm, AK, B.40, B.41 thi nhau nổ. Bọn này chắc vừa được Tàu trang bị cho nên chúng toàn đạn súng mới hết. Tôi lo quá, nghĩ phen này không khéo hy sinh lại không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi biết thằng địch vốn đã hèn nhát, dù sao chúng chỉ là bọn tàn quân đã mang tâm lý thất bại từ đầu, vả lại chúng đang ở tình trạng sống lẻn lút, tôi hô anh em nhất loạt nổ súng xông lên. Quả nhiên bọn phỉ chạy toé ra, dạt cả xuống chân đồi. Anh em lại đánh theo lối cũ, vừa đánh vừa chạy lao vào rừng mất hút. Chỉ còn tôi lúng túng với cái điện đài hai oát và khẩu B.40 hết đạn của đồng chí vừa bị thương. Tôi thoáng nom thấy một thằng chĩa khẩu B.40 thẳng vào chỗ tôi, tôi chỉ kịp chạy lao lên ba mét rồi nằm chúi xuống. Quả đạn của nó nổ ngay sau lưng tôi, hơi nóng rát rạt khắp người. Thằng bắn B.40 lại xoay khẩu súng theo hướng mới, lần này nó định bắn chặn đầu. Tôi nhỏm dậy như sắp sửa chạy nhưng tôi lại nằm ẹp tại chỗ. Quả đạn lại nổ cách tôi không đầy ba mét, đám cỏ tranh cháy bùng lên, hơi nóng phả vào mặt tôi tưởng đến cháy sém cả đầu tóc. Tôi nhắm nghiền mắt, vuốt mặt biết mình chưa bị thương. Tôi vén cỏ tranh nhìn ra thấy tên địch đang đứng ngơ ngác, tôi nổ ngay cho nó một băng tiểu liên rồi chạy lao theo anh em, chỉ kịp thoáng thấy nó ngã sấp xuống đám cỏ. Tôi chạy được vào rừng thì không tìm thấy anh em đâu hết. Thế là tôi bị lạc đơn vị. Một thằng chỉ huy mà bị lạc bộ đội, thật mỉa mai! Tôi giúi chiếc điện đài đã hỏng và khẩu B.40 hết đạn vào bụi cây rồi lang thang đi khắp rừng tìm đồng đội. suốt đêm tôi không ngủ, cứ ngồi vểnh tai nghe ngóng, thấy hướng nào có tiếng động là mò tới hy vọng có thể gặp được anh em. Tôi không lo cho bản thân tôi, chỉ lo cho anh em, rồi lại lo không làm tròn nhiệm vụ, mặc dù khi quay về, tôi đã đặt cho anh em nhiều giả thiết, nhiều tính huống phức tạp khác nhau để từng người có thể tự động hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Nhưng dù sao tôi cũng là người chỉ huy, chỉ sợ anh em vì lo lắng cho tôi mà lúng túng làm lỡ kế hoạch chung… Tôi đi lang thang hết cánh rừng này qua cánh rừng khác cuối cùng vẫn không tìm ra được dấu vết đơn vị. Tôi đoán chắc là anh em đã yên chí tôi hy sinh vì mấy quả B.40 hoặc nếu bị thương thì cũng bị bắt sống, nên họ tìm đường trở về. Hoặc lúc này các cậu ấy đang chờ tôi ở địa điểm tập kết và đang nóng lòng nóng ruột vì tôi. Nghĩ vậy tôi quyết định tìm đường trở về. Thật không may cho tôi, tôi bị mất phương hướng, hoàn toàn bị mất phương hướng. Tôi bị lạc thật rồi. Làm một anh chỉ huy, lại chỉ huy trinh sát mà bị lạc thì thật xấu hổ. Tôi cứ nhằm hướng mặt trời mọc, nhằm hướng đông mà đi. Hai bi-đông nước đeo bên người đã cạn không còn một giọt. Chung quanh tôi toàn là những cánh rừng già cằn cỗi, không kiếm ra một lá rau rừng, một ngọn cỏ xanh, một đõn chuối rừng, chứ chưa nói đến một lạch nước, một con suối. Tôi đã chịu nhịn khát hai ngày và khi đó mới biết rằng trên đời này không có gì đáng sợ bằng khát nước, cơn khát như xé nát buồng phổi, hơi thở nóng như hơi lửa. Tôi đi chệnh choạng và cứ ngồi xuống là thiếp đi. Trong cơn mơ, tôi không thấy gì khác ngoài nước. Nước, nước chỉ mơ thấy nước. Nước rất trong ở các giếng khơi của làng tôi, những cô gái đi gánh nước, quần áo tóc tai mặt mũi họ cũng ướt sũng nước, còn tôi thì nhoài người, vục đầu trong nước… Nước, nước ở khắp các dòng sông mà tôi đã đi qua, trước mắt là con sông Cầu quê tôi nổi tiếng là thơ mộng vì những bài quanhọ mà đến đời tôi chẳng ai còn thuộc lấy nửa bài. Làng tôi ở sát ngay bến đò Như Nguyệt, bên kia là Yên Phong, bên nay là Hiệp Hoà. Buổi trưa nắng ong ong, chúng tôi đi cắt cỏ về qua sông bằng chiếc đò mà người chèo đò là một bà già. Chúng tôi xếp đầy những gánh cỏ lên thuyền, còn người thì bơi theo, vừa bơi vừa nô đùa ầm ĩ, khiến đàn cò trắng đang đậu trên vòm tren gần đó giật mình bay vọt lên… Biết bao dòng sông nữa lại hiện về trong giấc mơ điên loạn của tôi giữa cơn khát khủng khiếp này: sông Hồng, sông Chu, sông Mã, sông Hiền Lương, dòng sông mà đơn vị của chúng tôi đã vượt qua hồi tháng Giêng trong khi đại quân ta ào ào tiến đánh bọn Pol Pot cùng với những đơn vị bộ đội cách mạng Campuchia. Thật là quân đi như nước chảy. Dưới sông, tàu hải quân đổ lính lên bờ; trên bộ xe cơ giới, xe tăng chở ùn ùn quân kéo xuống… Chao ơi, dòng sông Mê Kông đây rồi; Chỉ còn không xa nữa chúng ta sẽ vào Phnôm Pênh, giải phóng cho nhân dân Campuchia thoát khỏi địa ngục của bọn Pol Pot. Đám lính áo đen chạy toé như kiến vỡ tổ, chúng nó vừa chạy vừa giết dân thường, xác phụ nữ, trẻ em nằm đầy đường, máu đen đặc và ruồi nhặng bu kín… Tôi mơ thấy tất cả, và lúc nào một dòng sông hiện ra là tôi mơ thấy tôi vục đầu xuống sông mà uống. Và tôi mơ trở lại Biển Hồ, tôi ngụp lặn trong làn nước đỏ hồng phù sa của biển, tất những làn nước ấy đều cuồn cuộn chảy ào ào vào miệng tôi, và chỉ loáng cái, nước Biển Hồ đã khô cạn, còn người tôi phút chốc cũng tan thành nước.Sang ngày thứ ba thiếu nước, tôi lần đi vặt cỏ cho lên miệng nhai, một thứ nhựa chát và đắng đến khô cổ làm tôi phải nhổ vội ra. Tôi đã từng đọc sách thấy họ viết khi khát quá người ta phải đái ra mà uống. Tôi cũng đái vào lòng bàn tay và đưa lên miệng. Nhưng chưa kịp nuốt, tôi đã nôn thốc nôn tháo, nôn cả mật xanh mật vàng và cứ hễ ngửi hai bàn tay tôi lại muốn nôn. Thì ra trong sách, người ta đã nói sai, chẳng ai có thể uống được nước giải của mình, nhất là khi mình đã quá khát, người đã khô khốc đi thì nước giải chỉ còn là chút nước vàng khè, đỏ quạch như nước củ nâu lại sền sệt và khai nồng khai nặc… Tôi đi không biết đã bao ngày đêm, cứ hễ tỉnh giấc là đi. Tôi sợ sẽ bị chết khát ở dọc đường, không bò về tới đơn vị được. Một hôm tôi đang đi, bước thất thểu chỉ muốn đâm nhào đầu xuống, chợt tôi rụt vội bàn chân lên. Chỗ chân tôi vừa in xuống còn lom một vết ẩm. Tôi quỳ ngay xuống, dùng hai tay móc lên, hai bàn tay tôi ướt nhoèn dính đầy cát và đất. Tôi thu hết sức bới sâu xuống và cái hố nông choèn ấy lấp xấp nước. Tôi mừng quá, cởi phăng áo và dấn cả cái áo sơ-mi xuống tận đáy hố. Nước ngấm dần đến ướt hết áo. Tôi cầm áo lên, giơ cao và vắt, cổ ngửa miệng há thật rộng để đón lấy từng hạt nước lẫn đất cát rơi xuống. Tôi uống ừng ực, uống đến đâu tỉnh đến đó, uống đến căng bụng. Có lẽ đến hai phần ba là đất cát nên uống hết một áo nước, tôi nằm vật ra bụng như bị đá lèn bên trên, lật bền này, nó lắc bên này, lật bên kia, nó lắc bên kia. Óc a óc ách và lát sau quặn đau dữ dội. Tôi ôm bụng nằm không sao thở mạnh được, miệng cứ ngáp ngáp như con cá mắc cạn. Mãi một lúc sau cơn đau mới dịu đi, tôi không chết mà người tỉnh táo khỏe khoắn hẳn lên. Tôi lại quỳ xuống bới hố đất sâu thêm, dấn cái áo xuống vắt đầy hai bi đông nước. Bây giờ thì sống rồi; bây giờ có nước rồi tôi có thể đi đến cùng trời cuối đất để tìm về đơn vị…Chiều hôm ấy, sang ngày thứ bảy bị lạc, tôi gặp được anh em ở giữa đường. Anh em ôm choàng lấy tôi, có cậu mau nước mắt đã khóc oà lên. Nom tôi dễ sợ quá. Người gầy rạc, tóc tai bờm xờm như người rừng. May mà gặp nhau lúc còn sớm, chứ đêm tối trông thấy tôi, anh em dễ lầm tôi với tàn quân Pol Pot mà cho luôn phát đạn. Đêm hôm đó tôi nằm lại ở đại đội. Các cậu ấy pha sữa cho uống, nấu cháo thịt gà cho ăn, rồi đun nước, cạo râu cắt tóc, tắm rửa cho tôi. Lai kể chuyện hôm ấy bị chúng nó bao vây, khi đánh dập chúng xuống và chạy lao đi, anh em yên trí tôi chạy sau. Ai ngờ khi chạy được một quãng xa, đứng lại mới biết thiếu tôi. Các cậu ấy quay lại lùng sục hết buổi vẫn không thấy đều cho là tôi vọt được về trước rồi. Anh em về tới nơi tập kết chờ tôi một ngày, hai ngày không thấy lại cho là tôi đã hy sinh. Các cậu ấy về đơn vị báo cáo đại đội, đại đội báo cáo lên tiểu đoàn rồi cho một tổ đi tìm xác tôi cũng chẳng thấy… Sáng hôm sau, tôi lên trên tiểu đoàn, tới nơi, anh Ba Chúc nhảy phóc ra ôm ghì lấy tôi. Anh ấy hôn tôi lên mặt lên mũi, miệng cười cười nói nói mà nước mắt cứ chảy ròng ròng: “Dũng ơi, chúng ta tưởng mày chết rồi. Khi nhận được báo cáo của đại đội, cả ban chỉ huy thằng nào cũng khóc vì thương mày. Chúng tao đã bàn nhau nhất định phải đi kiếm xác mày, bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm ra. Tao còn sáu mét vải nhựa, tao sẽ lấy bọc xác mày đưa về chôn ở Xiêm Riệp để rồi nay mai đưa mày về nước… Mấy hôm này có ngày nào không có người ở Biển Hồ lên hỏi tin tức của mày, không hiểu bà con nghe ai nói mày hy sinh rồi, tao nói mày còn sống, nhất định chẳng ai chịu tin. Con Su Va Chăn nó bảo mấy hôm nay ở ngoài nhà nào cũng bầy bàn thờ thắp hương cúng mày. Săm Ri thì nằm nhà không đi đánh cá, chỉ khóc. Su Ri La cũng vậy, cả bác Hai nữa. Ai cũng khóc vì mày… Chính chúng tao đã hết hy vọng gặp lại mày, vậy mà mày lù lù dẫn xác về? Thằng quỷ, mày kể chuyện đi, tại sao lại còn sống mà lần về được hả? Kể đi!… Ô hay sao lại khóc? Thằng này lạ chưa kìa?…”. Tôi khóc vì tôi quá xúc động trước tấm lòng của đồng đội, của nhân dân đối với tôi. Nào tôi có làm được công chuyện gì lớn lao, tôi đã lập được chiến tích gì to tát để các anh, để nhân dân phải quá thương cảm vì tôi!… Tôi sang đây chiến đấu xa gia đình, xa quê hương làng xóm nhưng tôi được đùm bọc trong tình thương bao la của đồng đội và nhân dân nước bạn… Tôi khóc vì cảm động quá. Anh Ba Chúc ơi, các anh còn nghĩ đến việc đưa xác tôi về Xiêm Riệp để sau này đưa tôi về nước… Các anh lo toan cho tôi cả khi sống lẫn khi chết… Bác và các anh thử nghĩ coi có quân đội nào đi chiến đấu xa Tổ quốc mà lại được nhân dân nước bạn yêu thương và quý mến đặc biệt như vậy không?… Ngay bây giờ cả bác, cả các bạn đều khóc khi tôi nhắc lại chuyện xưa… Cám ơn, ngàn lần cám ơn những giọt nước mắt nghĩa tình của tất cả và chính nó làm cho tôi vui sướng nhưng tôi cũng rất hổ thẹn bởi vì tôi chưa xứng đáng với đồng đội của tôi… Tôi là một người chỉ huy kém cỏi, tôi chưa hơn được các chiến sĩ của tôi…Lê Vân chồm lên, hai tay khua trong không khí, miệng nói mà đôi mắt ướt sũng làm cho khuôn mặt của anh thêm méo mó:-Dũng, đừng có tự phủ nhận. Anh nên hiểu rằng chính những giọt nước mắt của anh em, của nhân dân và của cả bọn này nữa đã đánh giá phẩm chất của anh. Nếu như anh là thằng hèn nhát, là tên ích kỷ thì làm sao có được cảnh tượng hào hùng và xúc động như anh vừa kể. Đừng đánh giá mình quá thấp, đồng chí Dũng ạ!Dũng kêu lên, khuôn mặt đẹp đẽ của anh dúm lại vì nỗi đau đớn đang dầy vò trong lòng:-Không, không, anh Lê Vân ơi! Tôi biết anh rất thương tôi, anh rất yêu mến đơn vị trinh sát của tôi và anh đã từng viết nhiều bài thơ xúc động về anh em trinh sát chúng tôi… nhưng dù sao tôi cũng không thể lừa dối anh. Tôi là một thằng chỉ huy mà tôi đã chịu bất lực trước yêu cầu chính đáng nhất của chiến sĩ của tôi. Như vậy tôi còn kiêu hãnh chút gì nữa… Tôi kể câu chuyện này để rồi tôi phải khóc, tôi phải khóc. Tôi khóc không phải vì tôi say, tôi khóc vì nỗi đắng cay trong sự bất lực hoàn toàn của tôi. Cuối năm ngoái, tôi dẫn một phân đội đi trinh sát. Gọi là phân đội nhưng chỉ có chín đồng chí cộng với tôi là mười. Khi xuất phát thì có một chiến sĩ cứ đến năn nỉ cho đi theo. Cậu ấy còn trẻ mới mười tám tuổi, người Hà Nội. Tôi chưa kịp hỏi chuyện gia đình vì cậu ấy mới bổ sung về. Mới đầ tôi không cho đi nhưng cậu ta năn nỉ quá, vin cớ mình là lính thông tin cũ biết sử dụng điện đài. Cuối cùng tôi đồng ý xếp cậu ra đi cuối đội hình phân đội. Chúng tôi hành quân hai ngày không xảy ra chuyện gì nhưng đế chiều thứ ba thì… lúc đó tôi còn nhớ rất rõ, tôi dẫn đầu đơn vị đi theo đội hình hàng dọc trên con đường mòn giữa rừng. Bỗng có tiếng mìn nổ phía sau. Tôi nghe mà giật thót người, chạy lao trở lại thì đã thấy cậu chiến sĩ điện đài của tôi nằm trong vũng máu. Trời ơi, sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Cả mười anh em đi không sao, cậu ấy đi cuối cùng lại bị vấp mìn? Nó bị giập nát cả chân trái, suốt từ đùi trở xuống máu chảy như xối. Tôi biết tình thế này không còn hy vọng gì nữa rồi. Tôi bế xốc cậu ấy lên vừa lay vừa gọi: “Tuấn ơi, tỉn lại đi em. Em có nhắn gì về gia đình không em. Em có người yêu chưa em? Em tỉnh lại đi. Em nhắn lại cho anh. Em nhắn bố, nhắn mẹ điều gì không em? Em nói đi, Tuấn ơi!”. Thằng bé tỉnh lại chỉ một mực lắc đầu, thềo thào: “Không, em không nhắn gì đâu, em còn trẻ quá, em mới hết tuổi mười tám. Em muốn sống…”. Trời ơi, trước sau cậu ấy chỉ yêu cầu tôi có một điều duy nhất là làm sao cứu sống được nó. Cậu ấy tin rằng tôi đủ khả năng làm công việc đó. Đã là người chỉ huy thì không thể bất lực trước yêu cầu chính đáng của chiến sĩ. Ôi, em Tuấn ơi, hôm ấy nếu như anh chết đi mà cứu được em thì anh sẵn sàng chết ngay để cho em được sống. Em còn trẻ quá! Tại sao anh lại đồng ý cho em đi theo để em phải hy sinh? Đó là lỗi của anh. Vậy mà khi em bị thương nặng, em chỉ yêu cầu anh cứu được em mà anh hoàn toàn bất lực! Anh không làm gì được hết… Anh cũng không kịp thăm hỏi gia đình em, bố mẹ em… Thế rồi Tuấn chết trên đôi tay tôi, anh Lê Vân ơi! Thằng bé mới đẹp làm sao, mặt nó đẹp, cả người đều đẹp… Vậy mà nó phải chết, chết rất bất ngờ ngay trên đôi tay đây này… Tôi là người chỉ huy giỏi sao được, tôi tháo vát và tài năng ư? Tổ quốc, nhân dân đã giao phó cho chúng tôi những thanh niên đẹp đẽ như thế mà tôi không có cách chi bảo vệ được cho họ, vậy thì tôi còn xứng đáng làm sao được đối với trách nhiệm của tôi… Bộ đội chúng ta hy sinh như thế đó! Anh có về nước thưa lại với đồng bào, chúng tôi, những người con Việt Nam đã sống và chiến đấu như thế đó... Tôi khóc đêm nay không phải vì tôi say đâu. Tôi khóc những chiến sĩ đã hy sinh vì danh dự của Tổ quốc, vì phẩm chất của con người… Tôi khóc… bác khóc, các anh, các chị, các em đều khóc.. Những giọt nước mắt rơi xuống Biển Hồ đêm nay không phải là những giọt nước mắt ươn hèn…Lê Vân nhoài người về phía Lê Đình Dũng, gần như ôm lấy Dũng và anh nói với giọng thật tỉnh táo:-Cám ơn đồng chí thân yêu của tôi, anh đã làm cho tôi chấm dứt được nỗi day dứt nó gậm nhấm tâm hồn tôi suốt bao tháng nay. Bao lâu nay tôi tự nguyện dấn thân với cuộc sống chiến sĩ, tôi tự nguyện hết lòng phục vụ anh em nhưng cho tới nay chính đồng chí, chính Dũng đã làm cho tôi thêm rất nhiều sức mạnh để tôi tiếp bước con đường đi của tôi. Chao tôi tôi tự hào về đồng đội của chúng ta. Tôi vô cùng cám ơn đồng chí, vô cùng cám ơn tất cả đồng đội thân yêu của tôi…Hai người cứ ôm ghig lấy nhau… Họ hôn lên mặt nhau, lên đôi mắt còn đẫm nước của nhau… Tất cả nhìn họ, miệng ai nấy đều cười nhưng tất cả những đôi mắt đều rưng rưng…Chỉ có nhà văn già ngồi bên tôi cứ gục xuống không nhúc nhích, tưởng như mái đầu anh quá nặng, anh không còn sức để cất lên được. Mãi mãi anh mới ngẩng nhìn mọi người. Suýt nữa tôi bật kêu, mặt anh già hẳn đi đến phát sợ, môi mím chặt và đôi mắt ráo hoảng. Anh nói rất từ tốn, giọng khàn khàn:-Các bạn, đêm nay người đau khổ nhất là tôi và người vui sướng nhất cũng là tôi. Thôi hãy cho qua những nỗi đau, tôi muốn nói về niềm vui sướng. Tôi đã sống quá sáu mươi năm, tôi đã viết trên ba mươi năm. Và suốt từng ấy năm trời, tôi mong ước, tôi chờ đợi một con người đầy đủ nhất và hoàn thiện nhất đối với tôi, chỉ riêng với tôi thôi, cho mãi hôm nay tôi mới gặp được. Người đó là ai đây? Là đồng chí Dũng? Là Lê Vân? Là Thầm? Va Su Chăn, là Săm Ri hay Su Ri La? Và cả bác Hai chủ nhà ở đây? Phải mà cũng không phải là ai hết… Tôi sang đất nước Campuchia đau thương đang hồi sinh này, tôi đã chứng kiến những tội ác khủng khiếp nhất của bọn giết người, tôi đã được gặp những người Campuchia còn sống sót những trí thức ở Phnôm Pênh, những nhà sư, những cán bộ lãnh đạo cũn như bao nhiêu dân thường… Và điều quan trọng, tôi đã nói chuyện với anh em bộ đội ta từ các chốt biên giới đến những đơn vị làm công tác xây dựng lại cuộc sống bình thường. Tôi đã ở thủ đô Phnôm Pênh, ở U-đông, ở Công Pông Chơ Năng, ở Xiêm Riệp và cả ở Biển Hồ này, tôi đã tiếp xúc với các anh trên Bộ tư lệnh, được dự những cuộc nói chuyện với anh em chiến sĩ.Tôi đã gặp các bạn, ở đâu tôi cũng gặp các bạn, mỗi người một mảnh cuộc đời, một mảnh sự sống, những điều bi thảm, những sự tích hào hùng, những vẻ lạc quan, v.v… Đó là niềm vui sướng vô cùng của tôi, niềm vui sướng cực kỳ của tôi… Nhưng các bạn ơi…-Anh quì hẳn lên, hai tay chắp trước ngực như kẻ nguyện cầu, mặt ngửa lên-Các bạn ơi, tôi đã tìm thấy được niềm vui sướng vô bờ nhưng đồng thời tôi lại thấm thía một nỗi khổ đau không thể nào tả xiết được. Đó là sự bất lực của tôi, một sự bất lực hoàn toàn bởi tài năng của tôi so với những người tôi đã gặp thì quá chênh lệch. Tôi biết tôi không thể nào viết được những trang sách thật đằm thắm tình người như những điều mà các bạn đã dành cho tôi… Tôi là kẻ đáng thương hay đáng trách?…Bây giờ chính Dũng lại an ủi nhà văn, an ủi như dỗ dành:-Bố ơi, bố đừng quá bi quan về tài năng của bố. Con biết là bố có một tấm lòng, mà đã có tấm lòng thì chắc chắn bố sẽ viết được. Con, thằng Dũng này tin là bố viết được mà…-Cám ơn Dũng… cám ơn các bạn-Nhà văn khẽ thở dài…Tôi không rõ mọi người giải tán vào lúc nào. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng có lẽ khoảng gần sáng. Dũng vẫn rất tỉnh táo mặc dù anh uống mấy ly rượu, anh lấy thuyền đưa ba cô gái về tận nhà. Khi anh quay trở lại, chúng tôi đã nằm tất cả trên sạp thuyền nhưng vẫn chưa ai ngủ. Dư âm của câu chuyện làm chúng tôi thao thức, cứ nằm im lặng nghe những âm thanh huyền diệu của Biển Hồ về đêm. Mùi mắm tôm từ đâu theo gió thoảng tới, cái mùi mặn nồng và béo ngậy cứ lùa vào khứu giác. Tiếng mái chèo khua nước vẳng lên nhè nhẹ. Thuyền đánh cá ra đi mỗi lúc càng nhiều, những con thuyền lướt qua sát chân tôi… Và khi tôi ngóc đầu nhìn lên bỗng giật mình thấy mặt hồ vàng rực, màu vàng của sơn mài lênh láng trên mặt nước, ánh vàng lan cả vào nơi tôi đang nằm. Trăng đã lên, mặt trăng hạ tuần méo mó hiền hiện như treo lơ lửng trên sóng nước…Lê Vân ngọ nguậy đầu rồi ngồi hẳn dậy. Anh nhẹ nhàng bò ra mạn thuyền, đốt thuốc và ngắm trăng. Cái đêm sâu thẳm không tài nào gọi được giấc ngủ tới. Tôi cũng muốn ra ngồi mạn thuyền với Lê Vân nhưng tôi kìm ngay được. Tôi không muốn làm khuấy động suy nghĩ của anh, có thể một bài thơ hoặc một bản trường ca đang hình thành từ đây… Tôi cứ nằm mà ôn lại tất cả mọi hình ảnh, mọi vẻ mặt, mọi câu chuyện xảy ra từ tối hôm trước. Tôi muốn ghi chúng thật kỹ lưỡng trong ký ức với hy vọng sẽ có thể kể lại cho bè bạn cùng nghe và cùng hưởng cái đêm kỳ diệu giữa Biển Hồ này. Nhưng làm sao có thể kể lại được?Lê Đình Dũng bước lên thuyền, anh vấ phải một bóng người đang ngồi thu mình bên bánh lái. Anh hỏi:-Bố chưa ngủ sao bố?Nhà văn già vẫn im lặng. Dũng lại muốn an ủi người già:-Câu chuyện của con đã làm bố mất ngủ? (nhà văn lắc đầu). Hay bố nhớ em con? Con hứa với bố, con sẽ tìm ra chú ấy cho bố.-Dũng đừng tìm nữa-Nhà văn thì thào-Mình đã gặp rồi.-Vậy sao bố? Bố gặp chú ấy ở đâu?-Mình gặp nó trong câu chuyện của Dũng đấy!-Trời ơi!-Dũng ngồi thụp xuống, ôm lấy vai ông già-Thật sao bố? Chú ấy đấy ư, bố! Trời ơi, sao lại có thể như vậy được?… Sao con lại vô tâm, vô ý đến thế?… Trời ơi, con thườn bố vô cung. Bố ơi, có đúng là em con đấy không?-Khẽ chứ cho anh em ngủ-Nhà văn nắm lấy cánh tay của Dũng-Có thể là nó mà cũng có khi không phải. Thôi ta đi ngủ Dũng ạ. Ngày mai chúng ta còn ra xa nữa phải không? Ngày mai còn bao nhiêu việc cần làm. Đi ngủ thôi…Anh tiểu đoàn phó trinh sát vẫn suýt xoa:-Trời, con không ngờ. Con thương bố vô cùng… Tại sao lại thế nhỉ?…Hai người dìu nhau vào chỗ nằm, họ im lặng hay cố giữ im lặng. Ánh vàng ngời ngợi của trăng đếm đã rút dần khỏi sạp thuyền. Bóng đêm sẫm lại nơi chúng tôi đang nằm. Ngoài kia trăng muộn mằm vẫn nhuộm vàng những căn nhà sàn đứng lẻ loi, lênh khênh và im lìm trên mặt nước…Đêm yên tĩnh một cách kỳ lạ, ôi cái đêm Biển Hồ…Tháng 5 năm 1980