Chương 6

Có cái gì đó đập vào mắt Hành khiến dòng hồi tưởng bị gián đoạn. Xe anh chạy chậm lại. Anh đang đi qua quán nước, chiếc xe môtô 250 phân khối quen thuộc nằm chễm chệ. Nỗi buồn thầm lặng dâng trong lòng người con trai Trung Hoa, anh cho xe chạy nhanh về đến nhà Tài.
Cửa mở, căn nhà hoàn toàn vắng lặng. Hành không buồn vào nhà, anh đến ngồi dưới gốc cây sứ đỏ. Ngả đầu vào thân cây xù xì, Hành lặng lẽ châm thuốc hút. Một đoá sứ rơi vào áo anh, Hành nhặt lên thẫn thờ nhìn. Đóa hoa sứ trên đất bạn trong êm đềm đưa anh vào quá khứ, có Thiên Trường và cô gái dịu dàng chỉ thích độc nhất một loài hoa.
Nàng được mọi người gọi là "Cô gái dịu dàng", riêng Thiên Trường đặt cái tên kiêu hãnh "Nữ vương hoa sứ". Họ là bạn nhau, nàng tính tình cũng rất dịu dàng, không ai không yêu mến người con gái như thế, kể cả Dương Hành, chàng trai tim lạnh của Đại học tổng hợp Bắc Kinh.
Hôm ấy lễ bế giảng, Dương Hành và Thiên Trường là 2 trong 10 sinh viên xuất sắc nhất. Cả đoàn ca múa nhạc Bắc Kinh vào trường chúc mừng Thiên Trường. Nàng đứng đầu, trên tay lẵng hoa sứ đỏ, trên tóc vòng hoa sứ đỏ và nụ cười tươi thắm hơn hoa sứ.
Thiên Trường không nhận hoa, hắn chỉ vào Dương Hành:
- Oanh Oanh, người đáng nhận là Dương Hành, bạn tri kỷ của anh.
Nàng không hờn, nàng rất dịu dàng, giọng như lời ru ngọt ngào:
- Oanh Oanh biết rồi!
Nàng gỡ vòng hoa sứ trên đầu, đặt lên đôi tay ngỡ ngàng của người con trai mang danh tim lạnh. Ngay phút đầu tiên ở ánh mắt nụ cười như hoa, nàng đã khiến trái tim Dương Hành đập lộn nhịp, để rồi ngẩn ngơ, thao thức với hình bóng nàng ẩn hiện trong vòng hoa sứ trên tay.
Dương hành tương tư không ai biết, nàng tương tư, Thiên Trường biết, bởi trên môi "nữ vương hoa sứ" từ ngày ấy vắng nụ cười.
Một hôm...
- Oanh Oanh! Em làm sao? Chỉ một đóa hoa sứ lại khiến người ái mộ mình không vui.
Nàng ngước nhìn Thiên Trường, khóe mắt đọng giọt long lanh:
- Từ ấy Oanh không tặng ai loài hoa sứ đỏ.
- Từ ấy... - Thiên Trường sửng sốt và hiểu ra...
Đêm đầu thu, tiết trời Bắc Kinh dịu mát, có đôi trai gái trao nhau nụ hôn tình đầu dưới gốc cây hoa sứ đỏ. Hoa sứ rơi rơi trên tóc, trên áo hai người mỗi khi làn gió đi qua. Người con trai nhặt hoa sứ bỏ đầy hai tay thon nhỏ người yêu. Nàng nũng nịu đòi anh kết lại vòng hoa sứ làm vương miện cho nàng và thì thầm lời ngọt ngào thề ước:
- Từ nay và mãi mãi, hoa sứ dành riêng cho anh.
Hoa sứ dành riêng anh khi Dương Hành ở lại Bắc Kinh.
Hoa sứ trao người khác lúc Dương Hành quyết chọn nghề làm báo và về lại quê hương Quảng Đông.
Cũng một đêm đầu thu, cũng bên gốc cây sứ đỏ, nhưng đôi người yêu nhau không trao nhau nụ hôn mà trao nhau lời chia biệt. Nàng buồn não nùng, đẹp não nùng, lời dịu dàng sũng nước mắt:
- Dương Hành, anh đi đi, Oanh Oanh cam chịu lỗi.
Người con trai thờ thẫn nhặt hoa sứ rơi trả lại trên mái tóc nàng:
- Oanh Oanh! Tại sao?
- Vì Oanh Oanh là đoá sứ mong manh, chỉ cơn gió vô tình cũng đủ sức làm rơi rụng. Đóa hoa sứ cần người nâng niu gìn giữ, không thể cùng theo anh vào trường tranh đấu của đời.
Người con trai nhếch nụ cười cay đắng, anh hiểu rồi, thật ra anh hiểu từ lâu, nhưng nghĩ rằng tình yêu có thể thay đổi được nàng. Và rồi anh đứng lặng trong đêm, bên gốc sứ, đưa mắt nhìn nàng uyển chuyển bước chân đi. Nàng không cho anh tiễn một đoạn đường, nàng dịu dàng, rất dịu dàng để nói:
- Oanh oanh đã nhận lời làm vợ người. Bên gốc sứ Oanh Oanh là người yêu, rời nơi đây Oanh oanh không muốn "anh ấy" phải buồn.
Con chim Oanh yêu loài hoa sứ đỏ, đã quên rồi tình yêu đầu tiên. Riêng chàng trai trầm lặng, vẫn giữ hoài khối u tình suốt bao năm độc hành trên đường đời. Thiên Trường bấy giờ kêu lên:
- Hành! Là lỗi của mình.
Chàng cười lặng lẽ:
- Không phải.
Tình yêu chỉ còn chút dư hương mỗi khi Hành thấy lại loài hoa sứ đỏ, nhưng tình bạn với Thiên Trường ngày một bền chặt keo sơn, dù người bạn ấy giờ đây danh tiếng vang lừng, là đứa con đáng tự hào của đất nước.
- Hành hả con?
Người đàn bà yếu đuối hiện ra ở bậc thềm cùng câu hỏi khiến Hành bối rối rời quá khứ. Anh đi nhanh lại nắm lấy tay bà nói vẻ ân hận:
- Xin lỗi bác, cháu làm bác thức giấc.
Đó là bà Thục, mẹ Tài, bà luôn bệnh hoạn nên ít ra ngoài. Ngủ sớm với bà là liều thuốc công hiệu nhất cho sức khoẻ. Hành đã cẩn thận tắt máy xe từ xa, không ngờ bà còn thức.
Người đàn bà ngồi xuống bậc thềm, Hành lo lắng:
- Thưa bác, trời hôm nay chuyển gió, cháu đưa bác vào trong.
Bà Thục cười nhẹ đưa tay vuốt mái tóc trải nhiều mưa nắng:
- Con giống hệt tụi thằng Tài, cứ muốn bác ở mãi trong nhà.
Hành chạy vội vào nhà lấy chiếc áo khoác ngoài choàng cho bà Thục rồi ngồi xuống bên cạnh:
- Cháu lo cho sức khỏe bác, đi đâu hết để bác một mình?
- Đứa đi họp, đứa đến nhà bạn, đứa hẹn người yêu. Còn con? - Bà Thực hơi ngừng câu hỏi nhìn vào mắt Hành - Tại sao lại ngồi đây? Có phải con đang nhớ quê nhà?
Bà Thục gọi Hành bằng con như con trai mình, điều ấy thường khiến Hành xúc động. Anh thiếu tình thương từ thuở còn thơ dại, một tiếng gọi yêu thương đủ để Hành tràn niềm biết ơn dành cho mẹ bạn, nhưng anh là người không hay để lộ tình cảm trong lòng. Hành nhìn vào khoảng trời đêm:
- Thưa bác! Quê nhà có nhiều điều để nhớ, nhưng cháu qua đây là do tâm nguyện mình.
- Vậy vì lẽ gì con buồn đến vậy? Bác đứng nhìn rất lâu thấy con mãi thẫn thờ khi hoa sứ rụng.
Hành bối rối, bà Thục nhẹ nhàng nói tiếp:
- Nếu là dĩ vãng buồn thương, con hãy cố quên đi, còn điều đáng nhớ con cứ trân trọng, nhưng chẳng nên quá u hoài. Như bác đây, sống đến đoạn cuối đời, trải qua nhiều gian khổ lắm, vẫn nuôi con được nên người nhờ có lòng tin vào ngày mai và không hề bi quan.
Hành cảm động, anh nắm tay người mẹ:
- Cháu không bi quan, thỉnh thoảng như vậy vì cháu sắp gặp lại người bạn thân ở đất nước này.
- Vậy sao? Trai hay gái?
- Dạ trai, anh ấy là ca sĩ Lý Thiên Trường, rất nổi tiếng ở nước cháu và các nước châu Á. Cháu với anh ấy có nhiều kỷ niệm, lần này anh theo đoàn ca múa nhạc giao lưu văn hóa Quảng Đông qua đây, cũng là tâm nguyện.
- Hay lắm! Bác muốn được nghe bạn con hát.
Hành tươi cười:
- Thiên Trường phải lấy làm vinh dự, thưa bác.
- Hôm ấy bác có thể tặng người bạn trẻ nơi xa đến, cành hoa sứ đỏ phải không con?
Bà Thục nhìn thẳng vào mắt Hành. Anh tặng bà nụ cười bình lặng:
- Người yêu hoa sứ không phải Thiên Trường. Với cô gái ấy, từ ngày sang đây đã là kỷ niệm, nhưng cháu vẫn thích lời bài hát nào của một nhạc sĩ Việt Nam: "Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ bẽ bàng, hoa tình yêu rụng vỡ, một trời tim tím thở than..."
Hành nghe ấm lòng khi từ đôi môi người mẹ thoảng nụ cười.
oOo
Cả nhà đón ông Lý Hưng tận phi trường. Ông ôm vợ, hôn con gái, nói với Khánh Hòa:
- Ba rất mệt, con coi thêm xí nghiệp hai ngày.
Về đến nhà ông Lý Hưng vào thẳng phòng riêng, Châu Hà phụng phịu, gặp cái nhìn của mẹ xịu mặt xuống lầu. Khánh hòa rầy em:
- Ba đang buồn!
- Cái lục lạc của em!
Khánh hòa lắc đầu:
- Em có cái lục lạc của Hành rồi!
- Nhưng cái đó ba cho em.
Khánh hòa thở ra. Ai nói nó 20 tuổi nhỉ? Anh choàng vai em gái ra ngoài:
- Ba về quê hương sau 50 năm xa cách với mục đích tìm thân nhân, giờ trở lại ba buồn như vậy, chắc không tìm được, em thừa thông minh để hiểu mình phải làm gì chớ?
Châu hà dẩu môi vẻ suy nghĩ:
- Ba ở viện mồ côi mà?
- Thân thế ba có liên quan đến vòng lục lạc, em hiểu không?
Châu hà hốt hoảng:
- Ba không lấy luôn lục lạc của em chớ?
- Không! Châu Hà, ba không lấy lại đâu - Bà Hương đứng ở thang lầu, nét mặt nghiêm trang nhìn hai con - Ba đang buồn, hai con cố làm ba vui nhé!
Không đợi mẹ nói thêm câu nào, Châu Hà lên lầu. Thấy ba nằm ở giường, cô rón rén đi lại, nhẹ nhàng quỳ xuống, gối đầu lên ngực cha, một tay ôm lấy ông, một tay luồn vào mái tóc bạc vuốt nhè nhẹ, thì thào:
- Ba ơi! Còn chúng con đây, ba không thương Châu Hà sao?
Ông Hưng nghe lời thiết tha con gái, cõi lòng ấm lại. Ông mở mắt vuốt nhẹ tóc Châu Hà:
- Châu Hà! Hơn 50 năm, quê hương ba nhiều thay đổi, Quảng Châu bây giờ hoa lệ chẳng kém Hồng Kông, nhưng với ba niềm vui ít lắm, nỗi buồn lại nhiều. Cái buồn nhất của ba là không tìm ra cội nguồn và không trả được ơn nghĩa ngày xưa cho người dưỡng dục.
- Bà ấy chết rồi hở ba?
- Ừ! Lâu lắm rồi cái chết chia sẻ sự đói nghèo, tật bệnh với nhân dân Trung Quốc, hài cốt bà được đưa về Mỹ.
- Còn nhà nuôi trẻ của bà?
- Bây giờ to lớn lắm, còn vinh quang dành cho bà ở chồng hồ sơ lưu trữ nói về lịch sử viện mồ côi.
Ông Hưng ngồi dậy. Khánh hòa vào phòng trên tay anh chiếc chén kiểu nhỏ đậy nắp:
- Nước nóng có sẵn rồi ba, ba uống chén sâm rồi đi tắm.
Nỗi buồn của ông Hưng vơi được nửa, ông mỉm cười với con trai, bưng chén nước uống cạn:
- Thanh niên bên ấy bây giờ ăn bận đẹp không thua gì các con, đua đòi cũng lắm, nhưng thôn quê vẫn còn nghèo, dù nhà nước đã cố gắng nhiều.
Khánh hòa ngồi xuống bên cha:
- Ba đi hết Quảng Đông chớ ạ?
ông Lý Hưng buồn trở lại:
- Ba đã nhờ nhiều nơi, chuyện chiếc vòng vô vọng rồi.
Ông cho tay vào áo lấy ra chiếc vòng trao lại Châu hà. Cô gái nét mặt nở hoa, ôm chặt cha, miệng liếng thoắng:
- Ba đi tắm nghe! Rồi ba nhớ cười với mẹ nhiều một tí, mẹ đã chuẩn bị bữa tiệc chiều rất ngon, do đích thân mẹ làm bếp. Còn chuyện cái vòng, ba đừng buồn, ba chẳng từng dạy con, trời không phụ kẻ có lòng sao?
Môi ông Hưng nở nụ cười, Châu Hà reo lên lộn mấy vòng ra cửa làm trò khỉ với cha. Đến Khánh Hòa không nín được cười và anh mừng thầm trong lòng khi thấy cha tươi tỉnh. Ông Hưng rời giường choàng vai con trai:
- Ba phải xin lỗi mẹ con, bằng cách đưa bà đi xem ca múa nhạc Trung Quốc.
- Ở đâu hả ba? - Khánh Hòa ngạc nhiên.
- Ở nhà hát thành phố vào ngày kia, họ đến Việt Nam cùng một chuyến với ba, đoàn ca múa nhạc giao lưu văn hóa Quảng Đông.
- Có con chớ ba? - Châu hà nói.
Ông Hưng cười:
- Dĩ nhiên! Ba đang muốn kiếm thằng rể Tàu chính gốc mà!
- Ba!
Cô gái chạy bay xuống lầu. Ông Lý Hưng nhìn theo con mà nhớ tới gã thanh niên ấy, hắn thật dễ thương khi trò chuyện với ông trong suốt chuyến bay. Hắn cũng họ Lý còn tên gọi Thiên Trường và lạ làm sao mới gặp một lần ông đã thấy lưu luyến gã.