Anh hạch nói không suông sẻ như vậy đâu, nhưng ở đời dây tình cảm đâu phải ở đầu môi, chót lưỡi, tôi nghe ảnh nói mà độ được tấc lòng. Bụng định lòng chai dạ đá mới sau nầy qua mặt bọn đàn ông được, nhưng mới nghe có mấy câu rao Nam nầy mà nước mắt muốn trào, tâm can mềm èo như bún thiu, tôi muốn nhảy lại cắn môi anh hạch để tỏ dấu tri ân, nhưng tôi cố dằn với lấy cái khăn quấn đầu của ảnh vừa chùi nước mắt vừa ngã đầu vào vai ảnh, cho hay giọt nước mắt đàn bà, nước nào như nước nấy. Nhan sắc không phải còn hoài, tuổi thanh xuân đi rồi không trở lại, muốn cự nổi với bọn đàn ông mau quên mau chán, phải học cho đủ nghề, đủ bài bản, cho nên buổi tập sự với anh nầy tôi không tiếc, duy nghe nói hạch tàu đò còn cao đệ hơn nữa, duy chưa gặp nên chưa dám viết, cái gì có nếm mới nên thuật lại cho chị em tường, muốn lấy chút kinh nghiệm làm đuốc soi đường, soi không khéo, đám hậu sanh sẽ cười cho là hủ lậu.Sáng ngày, chồng tôi vừa ra khỏi cửa, một lát chưa giập bã trầu, má Tư mon men cho chị Sáu qua lấy tin tức, hỏi thăm anh tôi đã hay mất hết đồ chưa, tôi dối rằng chưa. Đến nửa đêm, anh hạch về, và nói với tôi làm vầy: “Em còn thơ ngây quá! Cái mặt non nhớt, rồi tưởng má Tư mập mạp như Phật bà rồi lòng hiền như Bụt hay sao? Thuở nay ai chẳng nghe danh bà Tư Hớn đường Bồ-rệt (Boresse, nay là đường Calmette). Bả định bắt hồn sanh ông cò Chapuis ở bót quận Nhì, không ngờ cô Cá Hấp cao tay ấn hơn nên thộp trước. Bà day qua anh đây toan gỡ, mà anh trót thương em nên phải ra tay, không để em trong vòng tay Dì Tư mãi mãi. Mặc cho dì bứt râu ông tổng nầy tổng nọ. Dì Tư máng coi em như cái vú sữa, còn sữa còn cần dùng, cho nên dì phớm phỉnh đong đưa, ngày nào em cạn sữa, dì hất chơn em cái một. Anh đây là thân chủ thuở nay của dì. Hôm em mới lên dì biết anh là thằng nhiều lúi, nên dì cột cho anh phá lòng trinh em mà lấy ba trăm bạc lớn. Đến khi anh gặp mặt em lần đầu thấy còn non nớt quá, anh không đành lòng, hoặc là nói không nỡ. Anh bàn qua việc cưới làm vợ thiệt thọ, dì lên giá năm trăm bạc chẵn chòi. Đồ mập thây, chuyên nghề bán máu con em mà mập vóc! Ban đầu anh không chịu, nhưng sau anh nghĩ lại, trong năm trăm nầy, chẳng những anh có được người vợ trong trắng mà anh còn làm được một việc phước bằng đi hành hương La Mếc (La Mecque, thánh địa của người Hồi giáo, suốt đời phải có một phen đến đó mới đáng là người). Cứu được em ra khỏi lưới dì Tư Hớn, dầu sau nầy em có phụ anh, anh cũng vui lòng cam chịu. Em nghĩ coi chớ chi em gặp thằng khác, thì phải khốn nạn vô cùng chăng? Trong nhà máy thiếu chi gái đẹp mà anh không thương, rõ thật đôi ta có duyên nợ trước. Em mà được như vầy có phải công của dì Tư chút nào đâu? Khi khổng khi không, không đẻ không nuôi, dì ăn đứt năm trăm, lẽ đáng dì cám ơn mình mới phải? Ơn ấy dì không trả, ngày nay dì còn dụ dỗ bài bạc, tính lột da hay rúc rỉa ăn tận xương tuỷ mới nghe, như vậy mà ăn chay niệm Phật. Để anh đem em về trong Chợ lớn cho xa tầm tay với của con mụ nầy mới được. Anh phải chạy nước rút, kiếm cho ra một căn phố thuận tiện, và từ đây tới đó cấm em cho dì hay”. Qua ngày sau, ảnh trở về cho hay phố đã có rồi, và hôm kế đó, có xe cá thắng hai ngựa dọn đồ đi sạch. Đang dọn, má Tư đến, nhưng thấy mặt ảnh hầm hầm. Má ra về, tưởng rằng êm, không dè má lanh trí, lo lót thằng đánh xe, dọn về đâu má biết hết và nhắn tôi: “Thằng điếm ba da nó không vừa, nó muốn lìa mẹ con mình đặng xui mưu làm loạn chi đây nhưng qua mặt mụ Tư Hớn nầy sao nổi?”