Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 15

Ngay trên đường trở về Grêmiatsi Lốc, Đavưđốp đã quyết định sẽ không đưa vấn đề bên Tubianxki chiếm đất và lấy trộm cỏ ra phòng tư pháp làm gì vội. Anh cũng không định kiện lên huyện uỷ. Trước hết cần phải làm sáng tỏ rõ ràng cái mảnh đất tranh chấp ở cuối cánh đồng Kim ngân trước kia thực tế thuộc về ai đã, rồi tuỳ theo kết quả điều tra ấy mà xác định nên hành động thế nào.
Nhớ lại cuộc trao đổi với Pôlianhítxa, Đavưđốp vẫn hậm hực trong lòng, và nghĩ bụng: “Chà, cái mê hoa và mê cảnh nhà cửa ấm cúng ấy khôn lỏi thật! Không thể nói hắn là người thông minh rất mực được, chuyện ấy rõ ràng khỏi nói, nhưng đúng là hắn ranh, cái lối ranh vặt của phần lớn những đứa ngu ngốc. Thằng ấy thì chớ có dại đưa ngón tay vào mồm hắn mà hắn nuốt chửng mất luôn cả cánh tay… Họ chở trộm cỏ tất nhiên là có sự đồng ý của hắn, nhưng vấn đề chính không phải chuyện cỏ, mà là chuyện cột mốc. Chẳng có lẽ hắn lại ra lệnh cho di chuyển cột mốc. Hắn chả dại mà làm thế đâu: mạo hiểm quá. Hay là hắn biết chuyện, nhưng nhắm mắt làm ngơ? Thế thì thật không ra cái chó gì! Nông trang thành lập mới vẻn vẹn nửa năm trời mà đã xoay ra đi chiếm đất hàng xóm và trộm cắp, thế thì làm hư hỏng nông trang viên đến tận xương tận tủy chứ còn gì? Thế có nghĩa là đẩy họ trở lại những lề thói cũ của cuộc sống cá thể: không từ một thủ đoạn nào, miễn là vơ vét được nhiều. Không, không thể để thế được! Mình mà xác minh được khoảnh đất ấy là thuộc chúng mình, mình sẽ phóng lên huyện ngay tắp lự, để các ông ấy cạo cho mình lẫn hắn một trận: mình, về chuyện hai mụ già kia, còn Pôlianhítxa, về chuyện dậy nông trang viên làm bậy”.
Nước kiệu nhong nhong của con ngựa như ru Đavưđốp thiu thiu ngủ gà, và qua màn sương mù nửa tỉnh nửa mê anh bỗng thấy nổi bật lên hình ảnh cái chị lao công to béo đứng trên bực thềm bên Tubianxki. Anh bĩu môi ghê tởm, trong đầu láng máng nghĩ: “Con mụ này thừa có biết bao nhiêu là mỡ, là thịt… Trời nóng bức thế này nó chắc phải mồ hôi mồ kê như tắm, thực tế thế!”. Và liền đó, dường như để anh dễ so sánh, cái trí nhớ quá ư mẫn cán của anh đã làm hiện lên trước mắt anh rõ mồm một cái dáng con gái thon thả của Luska, cái bước đi nhẹ tênh tênh của ả, và cái điệu bộ duyên dáng khó tả của ả khi ả đưa hai bàn tay xinh xắn lên vuốt lại mái tóc, kèm theo một cái liếc trộm tình tứ của đôi mắt giễu cợt, lọc lõi sự đời… Đavưđốp giật mình đánh thót, như bất thần bị ai xô. Anh ngồi thẳng người lên yên, nhăn mặt lại như bị đau lắm, rồi hầm hầm vung roi quất con ngựa, thúc cho nó phi nước đại…
Suốt những ngày này, cái trí nhớ tai ác của anh cứ chơi anh những vố đến khó chịu, vào những lúc thật là oái oăm: lần thì giữa lúc anh đang bàn bạc công tác, lần thì đang suy nghĩ, lần thì giữa giấc đang ngủ, nó lại làm hiện lên hình ảnh Luska, cái hình ảnh mà anh muốn quên đi nhưng chưa làm sao quên nổi…
Giữa trưa thì anh về đến Grêmiatsi. Ôxtơrốpnốp và lão kế toán đang sôi nổi nói với nhau chuyện gì, nhưng Đavưđốp vừa mới đẩy cửa thì trong phòng lắng bặt, như theo một hiệu lệnh.
Đường xa nóng bức, Đavưđốp thấm mệt, ngồi xuống bên bàn, hỏi:
- Các ông tranh luận cái gì vậy? Nagunốp có đến đây không?
Ôxtơrốpnốp liếc vội lão kế toán một cái rồi mới đáp:
- Không, anh Nagunốp không đến. Mà chúng tôi có tranh luận gì đâu, hả đồng chí Đavưđốp, đồng chí tưởng thế đấy thôi. Nói chung là chúng tôi chuyện trò linh tinh, chủ yếu là chuyện làm ăn. Thế nào, bên Tubianxki có trả lại ta cỏ không hả đồng chí?
- Họ còn yêu cầu cắt thêm nữa cho họ… Iakốp Lukits ạ, theo bác, khoảnh đồng ấy là thuộc ai?
Ôxtơrốpnốp nhún vai:
- Ai mà biết được! Chuyện này rắm rối lắm, đồng chí Đavưđốp ạ. Lúc đầu, đất ấy cắt sang cho bên Tubianxki, đấy là nói hồi trước cách mạng, nhưng dưới chính quyền xôviết thì phần trên của cánh đồng Kim ngân được phân cho ta. Lần quy hoạch cuối cùng, hồi năm hăm sáu, bên Tubianxki lại bị lấn thêm ít nữa, nhưng đường phân giới cụ thể là chỗ nào thì tôi chả rõ, vì ruộng tôi không ở phía ấy. Hai năm trước, Titốc đã ra đấy cắt cỏ. Hắn cứ cắt liều hay là hắn đã ngầm mua lại mảnh đất ấy của anh kiết xác nào thì tôi cũng chẳng rõ, chẳng biết nói thế nào. Nhưng có lẽ đơn giản nhất là cứ đi mời đồng chí Sportnôi, phụ trách địa chính huyện về. Đồng chí ấy cứ việc giở những bản đồ ngày xưa ra xem là biết ngay trước kia đường ranh giới chạy qua những quãng nào. Chính đồng chí ấy cũng là người chia lại đất hồi hăm sáu. Đồng chí ấy không biết thì chả còn ai biết?
Đavưđốp tươi tỉnh lên, vui vẻ xoa tay:
- Hay lắm! Đúng là Sportnôi hẳn phải biết đất ấy thuộc ai. Trước tôi cứ tưởng việc quy hoạch đất đai do một đội lưu động nào đó làm. Bác đi ngay đi, tìm bác Suka, bảo bác ấy đóng đôi ngựa giống vào xe lên huyện đón Sportnôi về đây. Để tôi viết cho anh ấy vài chữ.
Ôxtơrốpnốp đi ra, nhưng dăm phút sau lại trở lại, cười tủm trong hàng ria, và giơ ngón tay ra hiệu gọi Đavưđốp:
- Đồng chí vào kho cỏ đây mà xem, có cái này hay lắm…
Ngoài sân trụ sở, cũng như khắp nơi trong làng, là cái cảnh ắng lặng như tờ của buổi ban trưa, cái ắng lặng thường chỉ có trong những ngày hè oi ả nhất. Thoang thoảng mùi lá non héo nắng, và từ phía chuồng ngựa bay tới mùi phân ngựa khô. Và khi Đavưđốp bước tới nhà chứa cỏ thì xộc vào mũi anh mùi hương thơm gắt của lứa cỏ đang độ ra hoa, vừa mới cắt và mới khô tai tái, đến nỗi trong một khoảng khắc anh ngỡ mình đang đứng giữa thảo nguyên, bên một đụn cỏ thơm vừa mới đánh đống.
Iakốp Lukits thận trọng đẩy một bên cánh cửa, đứng lánh sang bên nhường bước cho Đavưđốp, hạ giọng nói nhỏ:
- Đồng chí nhìn mà xem đôi chim cu kìa! Có ai ngờ được là mới cách đây một tiếng chúng nó còn đánh nhau chí tử. Xem ra chỉ lúc ngủ khò chúng nó mới hoà được với nhau…
Thoạt đầu, mắt chưa quen với bóng tối, Đavưđốp chẳng trông thấy gì ngoài một tia nắng xuyên qua lỗ hổng trên mái đổ thẳng xuống chỏm đống cỏ chất lung tung giữa gian kho, rồi sau đó anh mới nhìn ra cái bóng bác Suka đang nằm ngủ trong đống cỏ với còn dê Tơrôphim cuộn tròn nằm bên.
- Suốt sáng hôm nay ông bố già cứ cầm roi đuổi theo con Tơrôphim lẵng nhẵng, thế mà bây giờ, đồng chí xem, lại ôm nhau nằm ngủ, - Iakốp Lukits, chẳng cần hạ giọng nữa, nói.
Thế là bác Suka tỉnh dậy. Nhưng bác chưa kịp chống tay nhỏm lên thì con Tơrôphim đã bật bốn cẳng như bốn cái lò xo nhảy tót từ trên đống cỏ xuống đất, cúi chúc đầu xuống và lắc lắc bộ râu dê với một vẻ hiếu chiến khiêu khích ra mặt.
- Đấy, bà con xem, khác gì quỷ sứ nhà giới chưa? – bác Suka lè nhè hỏi bằng một giọng yếu ớt, miệng nói, tay chỉ con Tơrôphim đang đứng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. – Suốt đêm, nghĩa là từ xẩm tối đến sáng ngày, nó cứ tha thẩn trên đống cỏ, bới, hắt hơi, nghiến răng kèn kẹt. Nó không để cho lão chợp đi được một phút nào đâu, cái con trời đánh thánh vật ấy! Buổi sáng lão đã phải chiến đấu với nó biết bao trận chớ kể, thế mà bây giờ, rõ khéo chửa, ma quỷ lại xui khiến nó đến rúc vào nách lão mà ngủ. Và vừa mới đánh thức nó dậy, nó đã lại muốn gây sự đánh nhau rồi, cái quân phản Chúa! Thế thì bảo lão sống sao nổi với những sự hành hạ như vậy? Sự thể này nghe sặc mùi án mạng, hoặc là có ngày lão sẽ giải quyết đời nó, hoặc là nó sẽ húc lòi mạng mỡ lão ra, và thế là đi đời nhà ma bố già Suka! Tóm lại là với cái giống quỷ sứ có sừng này thì thế nào cũng xảy ra chuyện chẳng lành, và nhà này thế nào cũng có kẻ toi mạng…
Một cái roi hiện ra bất thần trong tay bác Suka, nhưng bác chưa kịp vung lên thì con Tơrôphim đã nhảy hai phát vào cái góc kho tối om, và đứng đó gõ móng cồm cộp với vẻ khiêu khích và giương đôi mắt xanh lè nhìn bác Suka. Bác đặt roi xuống cạnh, lắc đầu rầu rĩ:
- Đấy, nom cái giống sâu bọ ấy nó ba chân bốn cẳng có gớm không! Lão chỉ có nhờ cái roi mới thoát được nó, và chẳng phải lần nào cũng thoát được đâu, vì cái giống phản Chúa ấy, mả mẹ nó, nó cứ rình chơi mình vào những lúc mình chẳng ngờ tí nào! Bởi thế cho nên ngày đêm lão có dám rời cái roi ra đâu. Không còn làm sao quanh quéo được với cái con dê khỉ gió ấy! Cứ chỗ nào bất ngờ nhất là y như rằng nó hiện ra. Lấy xí dụ mới hôm qua đây thôi: hôm qua lão có việc đại tiện khẩn cấp, phải ra cái đống xa xa sau kho. Lão nhìn quanh: chả có dê diếc nào cả. Lão nghĩ bụng: “Tốt! Lạy Chúa, chắc là cái con quỷ sứ Tơrôphim ấy đang nằm mát ngủ khì chỗ nào đây, hoặc là mò đi đâu gặm cỏ rồi”. Lão yên trí lớn, đình huỳnh đi ra sau kho, nhưng tìm được chỗ kín vừa yên vị ngồi xuống thì mả mẹ nó, đã ở đâu dẫn xác đến, rón rén, rón rén tới gần, chúc sừng xuống, rồi lao đầu định húc cho lão một cái vào mạng mỡ. Thế là lão đành phải bật dậy… Lão cầm roi quật đuổi nó chạy, rồi vừa mới lại ngồi xuống thì nó đã lại từ góc nào xông ra… Nó cứ vậy, định mưu hại lão không biết đến bao nhiêu lần! Và thế là tịt mẹ nó cả mót! Sống thế thì sống làm sao nổi? Chân lão phong thấp, và lão cũng chẳng còn trẻ trung gì, hơi sức đâu mà đứng lên ngồi xuống hàng bao nhiêu lần, hệt như tập quân sự vậy. Kết quả là chân lão cứ run lẩy bẩy và ruột đau quặn ở ngang lưng. Cái con Tơrôphim ấy, có thể nói là nó, cướp của lão chút sức tàn còn lại, cho nên chẳng lấy gì làm lạ là có ngày lão sẽ chết bỏ xác bên hố xí cho mà xem! Trước kia lão có thể ngồi xổm thu lu như con đại bàng hàng nửa ngày giời ấy, nhưng bây giờ thì đành chỉ có nhờ ai xốc nách đỡ hộ cho thôi… Cái con Tơrôphim trời đánh thánh vật ấy đã đẩy lão đến cái nước khổ nhục thế đấy! Ối chao ôi!
Bác Suka giận dữ nhổ toẹt một bãi, rồi vừa sờ soạng lục bới cỏ vừa lẩm bẩm chửi rủa cái gì một hồi.
Đavưđốp cười, khuyên bác:
- Này bác ơi, bác nên sống văn minh một tí, vào nhà xí chứ ai lại phóng bậy sau kho thế bao giờ.
Bác Suka buồn bã nhìn anh, lắc tay thất vọng:
- Lão chịu thôi! Phần hồn lão không cho phép thế. Lão đâu phải dân thành thị. Cả đời lão chỉ quen tháo ruột ngoài giời, để cho có gió phe phẩy xung quanh mà, cái nghĩa nó là thế! Mùa đông, ngay cả những ngày đại hàn, cũng chả bảo được lão chui vào cái nhà xí của các anh. Nó nặng mùi quá quẳn, chỉ dòm vào lão cũng đã ngất, không khéo thì ngã quay lơ.
- Thế thì tôi cũng xin chịu, chả giúp gì bác được. Tuỳ bác xoay xở lấy. Còn bây giờ xin bác hãy đóng đôi ngựa vào xe, lên huyện tìm ông cán bộ trắc địa về đây. Chúng tôi đang cần đến ông ta ghê lắm. Bác Iakốp Lukits, bác biết nhà riêng Sportnôi chỗ nào không?
Không nghe thấy tiếng trả lời, Đavưđốp quay lại thì thấy Ôxtơrốpnốp đã biến đâu mất tăm: theo kinh nghiệm biết bác Suka nhúc nhắc được thì cũng còn lâu, lão ta đã ra chuồng ngựa đóng xe lấy.
- Lên huyện thì lão chỉ nháy mắt một cái là xong thôi, chuyện ấy đối với lão thì có thấm tháp gì, - bác Suka khẳng định. – Nhưng này, đồng chí Đavưđốp ơi, đồng chí hãy cắt nghĩa cho lão vấn đề này: duyên do làm sao mà tất cả những con vật nào xưa kia thuộc bọn kulắc, không trừ một con nào, đều giống tính chủ như đúc, nghĩa là độc địa kinh hồn và mưu mẹo thì không để đâu cho hết! Cứ tạm lấy cái con Tơrôphim bất nhân kia thôi: thử hỏi tại sao nó chả bao giờ chơi trò xỏ lá với, chậc, với Iakốp Lukits chẳng hạn, mà cứ độc nhè vào lão thôi? Đó là vì nó đánh hơi biết Iakốp Lukits là họ hàng máu mủ kulắc nhà nó, nó tránh không đụng đến, và cứ đầu lão mà trút tất cả cái xấu xa độc địa của nó.
Hoặc giả là ta lấy một con bò cái kilắc, con nào cũng được: có bao giờ nó lại cho chị vắt sữa của nông trang cũng nhiều sữa như cho con mẹ chủ kulắc yêu quý của nó xưa kia đâu. Chậc, kể ra nó cũng có lý của nó: cái con mụ chủ cho nó ăn củ cải đường này, nước vo này, hoa quả nọ kia này, còn chị vắt sữa nông trang ta thì chỉ quẳng cho nó một lượm cỏ khô không khốc để từ năm ngoái, rồi ngồi thiu thiu dưới cái vú nó, chờ sữa chảy.
Hoặc giả ta lấy bất cứ cái con chó kulắc nào: tại sao mà nó chỉ xông vào người nghèo ăn mặc rách rưới? Nói xí dụ như lão đây chẳng hạn. Vấn đề quan trong đấy. Lão đã hỏi anh Maka về vấn đề này, và anh ấy bảo: “Đó là đấu tranh giai cấp”. Nhưng đấu tranh giai cấp là cái gì thì anh ấy chẳng giải thích, chỉ cười xoà rồi bỏ đi làm việc. Nhưng cái đấu tranh giai cấp ấy nó được tích sự khỉ gì cho lão, nếu như đi lại trong làng thấy con chó nào lão cũng cứ nơm nớp mắt trước mắt sau? Vì trên trán nó đâu có ghi rõ: con này là chó lương thiện, con kia là chó kulắc cũ? Thế nếu như nó là chó kulắc, kẻ thù giai cấp của lão, như anh Maka giải thích, thì lão phải làm thế nào? Tịch thu tài sản nó ư? Nói xí dụ như anh đây chẳng hạn, anh làm thế nào để tịch thu tài sản nó, nghĩa là tước sống của nó bộ lông? Có làm được cái chết tiệt! Nó sẽ xin khéo anh bộ da thì có. Nghĩa rằng là vấn đề rõ rành rành: cái tên kẻ thù giai cấp ấy, phải treo nó lên dây đã, rồi mới lột được lông nó. Có lần lão đã đưa ra cái đề nghị ấy với anh Maka, nhưng anh ta bảo: “Này, lão lẩm cẩm ơi, thế lão định treo cổ một nửa số chó trong làng ư?”. Nhưng giữa anh ta với lão, ai lẩm cẩm thì cũng chưa biết đâu, đó cũng là một vấn đề nữa. Theo lão, chính là Maka có tí lẩm cẩm, chứ không phải lão… Cửa hàng da thú có nhập da chó để chế biến không? Nhập chứ! Thế mà trên cả nước ta có bao nhiêu chó kulắc sống lang thang kiếp chó hoang vô chủ? Hàng triệu! Nếu giả dụ ta đem lột da tuốt, phần da đem thuộc, phần lông đem đan bít tất thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là một nửa nước Nga sẽ có ủng bóng lộn để đi, và những ai mang bít tất lông chó thì sẽ hết phong thấp cho đến mãn kiếp. Cái bài thuốc ấy lão nghe được của mồ ma bà nội lão cơ, và nếu anh muốn biết thì trên đời này không có phương thuốc nào thần hiệu bằng nó đâu. Và có gì mà phải nói lôi thôi nhỉ, chính lão đây đã khổ sở vì phong thấp, ấy thế mà chỉ có nhờ bít tất lông chó mà khỏi đấy. Không có bít tất lông chó thì lão đã đi ăn đất với giun từ lâu rồi.
- Này bác, thế bác định lên huyện hôm nay hay bao giờ? – Đavưđốp gặng hỏi.
- Tất nhiên là hôm nay, nhưng lão đang nói sao anh lại cứ cắt ngang, để yên lão nói tiếp cho mà nghe. Cái sáng kiến vĩ đại sử dụng da chó, lão nảy ra như thế này đây. Hai ngày hai đêm liền lão không chợp mắt, nghĩ nát óc xem lại cái sáng kiến vĩ đại của lão sẽ làm lợi cho nhà nước bao nhiêu tiền, và nhất là lão sẽ được bao nhiêu? Nếu lão không bị cái bệnh run tay, lão sẽ đích thân viết thư lên trung ương, nói anh biết thế, rồi thế nào lão cũng vớ được cái gì, cấp trên thế nào cũng có tí tỉnh gì cho lão, thưởng cái công lão đào sâu suy nghĩ. Thế rồi lão quyết định nói hết cho anh Maka nghe. Lão không phải là người tham mà. Lão đến, có gì trình bày cho anh ấy nghe hết, rồi bảo: “Anh Maka ạ, lão già rồi, chả thiết gì giàu sang danh vọng, lão chỉ muốn sao cho anh sung sướng suốt đời: anh hãy viết thư lên chính quyền trung ương trình bày sáng kiến của lão, thế nào anh cũng được gắn cái huân chương như các anh được gắn hồi chiến tranh ấy. À, mà nếu như thêm vào đó lại có món tiền thưởng nữa thì tất nhiên hai bác cháu mình sẽ chia nhau, mỗi người một nửa. Anh thích thì anh xin xỏ huân chương, còn lão thì chỉ cần vớ được món tiền đủ tậu con bò cái mới đẻ một lứa, hoặc con bò cái tơ thôi, lão cũng bằng lòng rồi”.
Kể như người khác ở vào địa vị anh ta thì sẽ cúi rạp đầu xuống đất mà cảm ơn lão. Nhưng cái anh Maka này cảm ơn người ta lạ lắm… Ôi, anh ta đang ngồi ghế thì nhảy cẫng lên, xỉa xói lão tối tăm mặt mũi: “Cái lão này càng già càng lẩm cẩm! Trên cổ lão không phải cái đầu mà là cái cà mèn rỗng!”. Và cứ mỗi câu lại một tiếng đồ này, đồ nọ, đồ kia, tới tấp con ruồi bay không lọt. Anh ta mà dám mở miệng chê lão lẩm cẩm! Thật là trứng đòi khôn hơn vịt! Miếng ngon đến miệng chẳng biết ăn, và lại còn đi ngăn người khác. Lão kệ, cứ ngồi, đợi cho anh ra quát chán mỏi mồm. Lão nghĩ bụng: “Cho anh ấy nhảy cẫng lên, trước sau anh cũng sẽ phải ngồi lại xuống chỗ anh vừa ngồi thôi”.
Quả y như rằng, quát chán mệt nhoài, cậu Maka nhà ta ngồi xuống, rồi hỏi lão: “Đủ chưa? Muốn nữa không?”. Thế là lão điên lên, mặc dầu lão đối với anh ta là chỗ bạn thân tình. Lão bảo: “Nếu anh mỏi mồm rồi thì nghỉ tí, rồi cứ việc tiếp tục. Lão chả bận gì, ngồi được. Có điều là, anh Maka ơi, anh chửi rủa lão thế là anh ngu. Lão muốn điều hay cho anh thôi. Cái sáng kiến ấy thì cứ gọi là báo chí toàn nước Nga này sẽ phải đăng tên anh!”. Thế là anh ta bỏ đi, đóng sập cửa lại, nhảy cẫng ra ngoài cứ như bị lão giội nước sôi vào đũng quần vậy!
Tối hôm ấy, lão đến gặp thầy giáo Spưn để hỏi ý kiến, vì dù sao ông ấy cũng là một người thông thái. Lão kể ông ta nghe đầu đuôi, lão phàn nàn với ông ta về anh Maka. Nhưng theo lão, các nhà thông thái đều có tí cám hấp cả, mà cũng chả phải một tí đâu! Anh biết ông ta bảo gì không? Ông ta cười ruồi, bảo: “Các vĩ nhân bao giờ cũng bị đời hắt hủi, bác cũng vậy, bác nên ráng chịu chờ xem”. Thế mà cũng gọi là động viên! Cái đồ ăn nói ba lăng nhăng chứ ông giáo gì lão ấy! Chờ thì còn nói chuyện làm quái gì nữa? Con bò cái trong tầm tay lão rồi, thế mà đến tí lông đuôi cũng chẳng xơ múi được.. và tất cả chỉ tại cái thằng Maka phản đối, trời hại hắn! Thế mà hắn dám tự xưng là bạn! Và cũng chính vì hắn mà lão tan cửa nát nhà… Lão đã trót khoe với bà lão ở nhà là Chúa có thể cho hai ông bà già mình con bò cái đấy, để thưởng công lão đào sâu suy nghĩ. Hoá ra là xôi hỏng bỏng không! Bây giờ bà ấy cứ đay nghiến lão: “Đâu, bò cái đâu? Chỉ được cái nói khoác thì không ai bằng!”. Thành thử là lão lại phải ráng chịu thêm đủ sự hành hạ của bà ấy nữa. Nếu các vĩ nhân đều phải ráng chịu cả, thì lão cũng đành vâng theo ý Chúa thôi…
Cái sáng kiến rất chi là hay của lão rơi tõm như vậy đấy mà chẳng đem lại cho lão được tí gì cả… Nhưng biết làm thế nào? Không phải muốn gì được nấy…
Đavưđốp đứng tựa khung cửa cười rung lên không thành tiếng. Còn bác Suka thì nguôi nguôi đi được một chút, bắt đầu thủng thỉnh đi giày, và bây giờ thì không thèm để ý đến một tí gì nữa đến Đavưđốp, bác tiếp tục thao thao bất tuyệt:
- Trị bệnh phong thấp thì bít tất lông chó cứ gọi là thuôc tiên! Suốt mùa đông lão đi bít tất lông chó, không lúc nào rời nó ra, và mặc dù sang xuân chân lão có thum thủm, mặc dù bà ấy có bao nhiêu lần đuổi cổ lão ra đường vì cái mùi chó khắm thối, nhưng lão đã khỏi được cái bệnh phong thấp và suốt một tháng trời lão nhảy tưng tưng như chú gà sống choai quanh đàn gà mái vậy. Nhưng rồi thì có được cái tích sự gì không? Chả được tích sự gì cả! Bởi vì rằng là sang xuân lão nghĩ dớ dẩn thế nào mà lại đi rửa chân một cái. Thôi thế là công cốc, bệnh đâu lại hoàn đấy! Nhưng bây giờ lão không sợ cái bệnh ấy nữa, lão có cách trị nó rồi. Hễ gặp con chó xù nào lành lành là lão húi luôn lông, thế là hết ngay phong thấp, cứ như làm phép vậy? Lúc nãy đấy lão bò lê bò lết như thế nào anh thấy chứ gì? Chả khác nào con nghẽo già ních đầy bụng lúa đại mạch, nhưng cứ xỏ đôi bít tất chữa bệnh ấy vào chân là lão lại nhảy tưng tưng như hồi mười tám đôi mươi ngay. Chỉ khổ một nỗi là bà nhà lão không chịu xe lông chó đan bít tất cho lão. Ngửi thấy mùi lông chó là bà ấy hoa mắt váng đầu, ngồi vào xa quay là bà ấy lợm giọng. Thoạt đầu bà ấy nấc cứ ừng ực, rồi bà ấy nghẹn, rồi cuối cùng lục phủ ngũ tạng có cái gì thì nôn tháo ra hết như lộn cái bị. Thành thử, lạy Chúa, lão cũng chả ép bà ấy làm cái việc ấy. Lão tự tay giặt lông, tự tay phơi, tự tay xe sợi, và tự tay đan tất. Chú nó ạ, cái khó nó buộc mình, việc kinh tởm mấy cũng phải học mà làm… Nhưng như thế đâu đã phải là cực! Đấy mới là cực một nửa thôi, nói cực thì chính là ở chỗ bà nhà lão đúng là một con rắn mai hoa! Hồi năm kia, lão thấy đau ê ẩm trong ống chân. Làm thế nào được nhỉ? Và thế là lão nhớ đến bài thuốc bít tất lông chó. Rồi một buổi sáng, lão lấy bánh khô nhử ả chó cái bên hàng xóm vào nhà, rồi húi trụi luôn, khéo như một anh thợ cạo chính cống vậy. Lão chỉ để lại cho nó hai bên tai hai dúm lông, để cho đẹp mà, và một dúm ở cuối đuôi để nó xua ruồi. Nói thật khó tin, nhưng đúng là lão lấy của nó được đến nửa pút(°) lông!
Đavưđốp ôm mặt cười đến phát rên phát nghẹn:
- Thế có nhiều quá không?
Nhưng những câu hỏi hóc búa còn bằng mấy thế cũng chẳng bao giờ làm cho bác Suka cứng họng được. Bác khinh khỉnh nhún vai, rồi cũng vui lòng nhượng bộ với một thái độ đại lượng:
- Chậc, cũng có thể kem kém một tí, mươi, mười hai phuntơ(°°) gì đó, lão cũng chả cân. Có điều là cái ả chó cái ấy, sao mà nó lại lắm lông thế, chả kém gì một con cừu giống Mêrinôx. Lão nghĩ là chỗ lông ấy của nó đủ cho lão có bít tất đi cho đến ngày mãn kiếp. Nhưng đâu có phải thế! Lão mới đan được có độc một đôi thì chỗ lông còn lại bị bà lão vớ mất, đem ra sân đốt sạch, không còn lấy một sợi. Không phải là một mụ già, mà là một con hổ cái! Về cái khoản xâm độc thì bà ấy chả có chịu thua con Tơrôphim ba lần trời đánh này tí nào đâu, bà ấy với nó là đầu mút, lạy Chúa, lão nói cấm ngoa đâu! Nói tóm lại là bà ấy đốt cháy sạch dự trữ lông chó của lão, làm lão hoàn toàn phá sản! Lão lại còn mất cho con chó ấy một bọc tướng bánh khô nữa chứ, để nó chịu đứng yên cho mình húi mà. Đấy, nó như thế đấy…
Lại nói chuyện con chó cái ấy, số nó thật không may! Lão húi cho nó xong, nó chạy đi, xem vẻ bằng lòng hể hả được lão trút đi hộ nó bao nhiêu lông thừa nhẹ xác nó. Nó lại còn ve vẩy cái đuôi có túm lông ở đầu mút ra vẻ mãn nguyện, rồi té chạy ra sông. Nhưng khi nó nhìn xuống sông thấy bóng mình dưới nước thì nó đâm ra xấu hổ kêu rống lên… Về sau lão nghe bà con nói nó cứ lang thang quanh quẩn bờ sông mãi: chẳng là nó thấy nhục quá, muốn tự vẫn mà. Nhưng cái sông ta đây thì con chim sẻ lội xuống chỉ đến đầu gối, mà cái ả chó cái kia lại không nghĩ ra chuyện nhảy xuống giếng. Nó đâu có đủ thông minh! Vả lại ta cũng không nên đòi hỏi nó nhiều quá. Dẫu sao nó cũng chỉ là con vật, có thể nói là một giống sâu bọ, nó khôn ngoan sao được bằng người…
Nó chui vào kho thóc nhà hàng xóm lão, nằm đó mà rống ba ngày ba đêm liền, lão nghe thấy mà cứ nẫu ruột nẫu gan. Nó nằm lì đó, không ló mặt ra nữa, không muốn để ai thấy nó trong cái bộ dạng thểu não ấy. Thế rồi nó bỏ làng đi, không ai thấy bóng vía nó đâu cho đến tận mùa thu, rồi chỉ đến khi lông nó lại mọc ra, nó mới lại vác thân trở về nhà chủ. Cái con chó cái ấy hoá ra nó lại còn biết ngượng, hơn khối bà phụ nữ ta đấy, lão cấm nói điêu đâu, có Chúa chứng giám!
Từ đó lão quyết định: thảng hoặc có cần đến lông chó thì lão không sờ đến chó cái nữa, không tước của chúng bộ cánh che thân, khỏi đụng chạm đến cái tính đàn bà con gái cả thẹn của chúng nó. Lão sẽ chọn toàn lũ chó đực, lũ ấy thì còn biết ngượng là gì, cạo thế nào thì cạo, chúng nó cũng chẳng buồn vẫy tai đâu.
---------------------
(°) Pút = 16,38kg. ND.
(°°) Phuntơ = 0,404kg. ND.
Đavưđốp ngắt lời bác:
- Chuyện sắp hết chưa bác? Bác phải đi mà. Nhanh lên tí chứ!
- Có ngay đây. Đi xong đôi giày là lão sẵn sàng thôi mà. Nhưng lạy Chúa, lão đang nói anh đừng có cắt ngang. Anh mà cứ cắt ngang là đầu óc lão sẽ rối tinh xoè, quên hết không biết đang nói chuyện gì cho mà xem. Vậy là lão đang nói với anh chuyện anh Maka: anh ấy coi lão là lẩm cẩm, thế là anh ấy lầm to! Đối với lão, anh ấy còn non choẹt, chưa đủ lông đủ cánh, nhưng lão, lão là con chim sẻ già biết hạt thóc nào lép hạt nào mẩy, anh ấy học lấy ít thông minh của lão cũng chẳng phải là thừa đâu. Chuyện nó là như vậy đấy.
Bác Suka đang giữa lúc lên cơn ba hoa xích đế. Bác ta đã “lên dây cót”, như Radơmiốtnốp thường nói, và bây giờ chặn bác lại không chỉ là chuyện khó, mà là chuyện hầu như không thể nào làm được. Đavưđốp xưa nay vẫn đối xử với ông lão có số phận hẩm hiu ấy với thái độ dễ dãi ân cần pha chút thương hại, lần này quyết định cắt đứt những lời dông dài của lão:
- Thôi, bác ơi, tôi nhắc cho bác nhớ là bác phải lên huyện đón đồng chí Sportnôi về, và việc ấy khẩn cấp đấy. Bác có biết anh ấy không?
- Lão lạ gì! Trên huyện không phải lão chỉ biết có đồng chí Sportnôi nhà anh, mà lão còn nhẵn mặt từng con chó.
- Về chó thì bác đúng là chuyên gia rồi, nhưng tôi cần đồng chí Sportnôi cơ, bác rõ chưa?
- Lão đã bảo anh là lão sẽ đưa anh ta về thì lão sẽ đưa về, và đúng giờ, như đưa cô dâu ra nhà thờ làm lễ cưới vậy. Nhưng anh đừng có cắt ngang lời lão. Anh Đavưđốp ạ, bây giờ anh lại đâm ra quá quẩn hơn cả anh Maka rồi, lạy Chúa! Cái anh Nagunốp ấy, ít ra anh ta cũng bắn chết được thằng Chimôphây, anh ta là một anh hùng kôdắc, anh ta có hay ngắt lời lão đi chăng nữa, lão vẫn kính trọng anh ấy. Còn anh thì có làm được cái gì anh hùng như thế không? Anh có cái gì mà lão phải kính trọng? Dứt khoát chẳng có cái gì cả! Anh cứ lấy thúng nục bắn chết cái con dê thổ tả nó làm cho lão không sống nổi kia đi thì từ nay đến chết lão sẽ cầu Chúa phù hộ cho anh, và sẽ kính trọng anh chả kém gì anh Maka. Còn anh Maka thì đúng là một anh hùng! Anh ta thông suốt các loại khoa học và nay thuộc tiếng Anh như cháo; cái gì anh ta cũng biết, chả kém gì lão đâu, thậm chí cả về cái môn nghe gà gáy anh ta cũng sành sỏi không ai bằng. Anh ta đã đuổi cổ con Luska đi, còn anh thì lại ngớ ngẩn mà đi tán tỉnh nó. Và cái thằng Chimôphây nguy hiểm kia, anh ta chỉ một phát là cho nó về chầu trời…
Đavưđốp không chịu nổi nữa, sốt ruột thốt lên:
- Thế nào, đi giày thì đi nhanh nhanh lên chứ!
Bác Suka miệng rên i ỉ trở mình trên đống cỏ khô, rồi làu bàu:
- Thì lão đang buộc giây giày đây, anh không thấy hay sao? Tối như hũ nút thế này thì quỷ sứ cũng không biết đường nào mà lần!
- Thì ra ngoài sáng kia!
- Ngồi đây buộc mãi rồi cũng phải xong. Ơ-ờ-ờ, lão bảo là cái anh Maka nhà ta anh ấy như vậy đấy. Anh ta không những học cho bản thân anh ấy tài giỏi, mà còn dạy lại cho lão nữa…
- Dạy những gì vậy? - Đavưđốp mỉm cười, hỏi.
- Các thứ khoa học, - bác Suka chỉ đáp lờ mờ thế. Rõ ràng bác không muốn đi sâu vào chi tiết, và nhắc lại với một vẻ miễn cưỡng: - lão bảo với anh là các thứ khoa học, anh có hiểu không? Bây giờ lão đã xâm nhập được cả tiếng ngoại quốc nữa cơ đấy. Ghê không?
- Tôi chả hiểu cái chết tiệt gì cả. Bác bảo tiếng ngoại quốc nào?
- Anh đã dốt đặc cán mai thế thì hỏi làm gì nữa, - bác Suka càu nhàu đã ra vẻ khó chịu, khịt khịt mũi công khai để lộ ra cái bực mình của mình trước những câu căn vặn dớ da dớ dẩn.
- Bác ạ, bác cần đến tiếng ngoại quốc cũng như người chết rồi cần đến lá thuốc cao vậy. - Đavưđốp vẫn tươi cười như thế, yêu cầu bác: - Nào, sửa soạn nhanh nhanh lên tí chứ!
Bác Suka phì ra như con mèo nổi cáu:
- Nhanh với lại chả nhảu! Cái khoản nhanh nhảu ấy thì chỉ cần cho ta khi ta bắt con bọ chét thôi, hoặc khi đêm hôm mò vào giường vợ người ta, rồi bị thằng chồng nó đuổi chạy, bám riết sau đít… Quái, cái roi đâu nhỉ, tay mình vừa mới cầm mà! Mới quanh đi quẩn lại mà nó đã bốc hơi đâu mất rồi? Mà roi không có thì chả còn dám đi đâu một bước vì cái con dê thổ tả kia… Đây rồi, lạy Chúa! Nhưng cái mũ của lão đâu nhỉ? Anh có thấy cái mũ của lão đâu không, hả anh Đavưđốp? Lão nằm ngủ còn gối đầu lên nó mà… Ôi, cái trí nhớ của lão bây giờ nó cứ như cái rây thủng… Đây, lạy Chúa, cái mũ của lão cũng tìm thấy đây rồi, bây giờ chỉ còn tìm cái áo dipun nữa là xong. Chà, cái con Tơrôphim quỷ tha ma bắt kia! Đánh cuộc là nó đã dúi cái áo của lão vào trong cỏ khô rồi, bây giờ có mà tìm đến đêm… À, lão nhớ ra rồi! Áo dipun lão để ở nhà… Mà nóng thế này thì cần gì đến áo dipun? Lão đem nó đến đây làm quái gì cơ chứ?
Đavưđốp đưa mắt nhìn ra cửa, thấy chiếc xe đã đóng ngựa có Ôxtơrốpnốp đứng bên đang buộc cương, mắt âu yếm nhìn đôi ngựa và miệng tỉ tê nói gì với chúng.
- Iakốp Lukits đã đóng xe rồi kia kìa, còn ông thì cứ dềnh dàng mãi! Bao giờ ông mới loay hoay xong, hả cái con rùa già?
Bác Suka văng luôn ra một hàng chửi rủa:
- Cái ngày phải gió này là không ra cái gì! Quả thật là chả nên xuất hành hôm nay. Toàn những điềm gở! Này đây nhá, anh thử nói lão nghe, lúc nãy thì tìm mãi mới thấy cãi mũ, bây giờ cái túi thuốc lá lại biến đâu mất rồi. Thế là lành ư? Có lành cái phải gió! Dọc đường thế nào cũng gặp chuyện rắc rối, chả thoát được… Thế có lạ không, lão mà không tìm thấy cái túi thuốc thì là bỏ mẹ đấy! Hay là con Tơrôphim lại nuốt chửng mất rồi! Chà, lạy Chúa, thế là cái túi thuốc lão cũng tìm thấy nốt, bây giờ thì lão có thể đi được rồi… Hay ta hoãn mai hẵng đi nhỉ? Vì điềm gở lắm… Mà trong kinh thánh, trong cái chương nào của thánh Mátphây ấy, lão quên mất rồi, chậc, chương nào thì chương, cần quái gì, nhưng đại để là có nói một câu cấm sai: "Nếu ngươi định xuất hành mà thấy điềm gở, thì hãy ở lại, ngồi tịt nhà, chớ ló mặt đi đâu". Thế bây giờ, đồng chí Đavưđốp ạ, đồng chí quyết định, và đồng chí chịu trách nhiệm: lão có nên đi bây giờ không?
- Đi, bác ạ, đi ngay bây giờ! - Đavưđốp nghiêm nghị ra lệnh.
Bác Suka thở dài đánh sượt một cái, nhưng không cãi lại. Bác trượt từ trên đống cỏ xuống, rồi lê chân lọm khọm, kéo cái roi lệt sệt sau lưng, và mắt lấm lét nhìn con dê đang nấp trong góc tối, bác lần ra cửa.