Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 32

Đứng ngoài hiên cầm cái chổi chùi bùn dính bê bết từng mảng vào ủng, Radơmiốtnốp thấy một vệt ánh sáng xiên xiên lọt qua khe cửa buồng Nagunốp. "Cậu Maka chưa ngủ. Còn làm gì mà chưa đi ngủ thế nhỉ?" - Anđrây thoáng nghĩ, và khẽ đẩy cửa.
Cây đèn dầu hoả năm dây có cái chụp bằng giấy bạc đã cháy sém hắt ánh sáng lờ mờ xuống chiếc bàn trong góc phòng và cuốn sách nhỏ mở rộng. Mái đầu bù xù của Maka đang chăm chú cúi xuống bàn, tay phải chống má, còn mấy ngón tay trái thì túm xiết lấy bờm tóc trước trán.
- Chào cậu Maka! Làm gì mà chưa đi ngủ thế?
Nagunốp ngẩng đầu lên, nhìn Anđrây với vẻ khó chịu.
- Có việc gì đấy?
- Đến nói chuyện tí. Phiền gì không?
- Phiền thì chả phiền. Thì cứ ngồi xuống, ai đuổi.
- Cậu đọc gì thế?
- Đọc chơi. - Maka úp bàn tay lên che quyển sách, nhìn Radơmiốtnốp, ý chờ đợi.
Anđrây thở dài, buông phịch người xuống tấm ghế đẩu:
- Mình bỏ Marina rồi. Bỏ đứt…
- Bỏ lâu rồi mới phải.
- Sao vậy?
- Nó là cái cản trở cậu, và cuộc sống bây giờ là mọi cái thừa vướng phải gạt hết. Lúc này không phải lúc cho những người cộng sản chúng mình bị cuốn vào những chuyện linh tinh bên ngoài.
- Đây là chuyện yêu đương giữa hai chúng mình với nhau, sao lại là chuyện bên ngoài?
- Thế mà là yêu đương à? Nó là cái gông đeo cổ, chứ đâu phải tình yêu. Cậu điều khiển hội nghị, còn nó thì ngồi lù lù đấy, không rời mắt theo dõi cậu, đánh ghen. Đó không phải là tình yêu, anh bạn ơi, mà là cái tội cái nợ.
- Thế là theo cậu, người cộng sản không nên dính vào phụ nữ à? Lấy chỉ thắt lại, rồi cứ chạy nhông như con bò thiến hay sao?
- Đúng, không nên dính. Thế cậu nghĩ thế nào? Những anh nào đã trót dại lấy vợ trước rồi, thì cứ việc sống nốt cuộc đời tàn với vợ con cho xong đi, còn như thanh niên trẻ, mình mà có quyền thì mình sẽ ra sắc lệnh cấm chúng nó lấy vợ. Sẽ còn ra cái anh cách mạng gì nữa, nếu cứ quen cái thói bám vấy vợ? Đối với chúng ta, đàn bà là mật ngọt chết ruồi đấy. Sa vào là ngập đến cổ. Mình đã có kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm quá đi rồi! Có khi, buổi tối ta ngồi đọc sách mở mang con người, nhưng vợ thì lại đi ngủ. Ta đọc một tí, rồi lên giường nằm, thế là nó quay ngay lưng lại với anh thôi. Thái độ của nó như thế, anh không thể chịu được, và hoặc là anh chửi nhau, hoặc là anh sẽ lặng thinh hút thuốc, bụng tức anh ách, và thế thì còn ngủ cái đếch gì nữa. Kém ngủ, sáng dậy đầu nặng chình chịch, gặp công việc gì là y như rằng giải quyết sai chính sách ngay. Kinh nghiệm thực tế lắm rồi! Còn anh nào đã mang con cái vào rồi, anh ấy đối với Đảng là người bỏ đi. Hắn được cái học rửa đít cho con và quen với hơi sữa thì nhanh lắm, và thế thôi, đời coi như tàn! Hắn ta làm người chiến sĩ thì là chiến sĩ tồi, làm người lao động thì phất phơ. Thời Sa hoàng mình có huấn luyện cho bọn thanh niên tân binh kô-dắc và đã quan sát đủ chuyện: đứa nào là trai chưa vợ thì mặt mũi tươi tỉnh, lanh lợi, còn đứa nào đến trung đoàn để lại cô vợ trẻ ở nhà thì y như là buồn rũ rù và sinh ra mụ mẫm. Đứa ấy thì chỉ ba gai ba đồ, và có nói rót vào tai cũng không hiểu. Mình giảng cho nó về điều lệnh, nó giương mắt ếch lên. Thằng khốn nạn ấy rõ ràng đang nhìn mình, nhưng sự thực là mắt nó đang hướng vào trong ruột gan nó, nó chỉ trông thấy vợ nó, quân đê tiện. Thế thì có ra cái gì không? Không, anh bạn đồng chí ơi, trước anh muốn sống thế nào tuỳ anh,, nhưng bây giờ, đã vào Đảng rồi thì hãy rũ bỏ những cái ngu ngốc ấy đi. Theo mình, cách mạng thế giới thành công rồi thì cậu có chết gục trên bụng đàn bà mình cũng mặc xác cậu, nhưng bây giờ cậu phải toàn tâm toàn ý hướng vào cuộc cách mạng ấy. - Maka đứng dậy, vươn đôi vai rộng chắc nình nịch làm các khớp kêu răng rắc, rồi vỗ vai Radơmiốtnốp, khẽ nhếch mép cười. - Cậu đến mình, chắc định than thở với mình để rồi hai đứa cùng rên rỉ với nhau chứ gì: "Ờ, cảnh cậu buồn thật đấy, Anđrây ạ, sống không có đàn bà thì khó sống lắm. Bạn ơi, bạn làm sao chịu đựng nổi cái cảnh gay go ấy?...". Có phải thế không? Không, Anđrây ạ, muốn gì thì gì, nhưng cái ấy thì cậu đừng mong đợi ở mình. Mình lại còn lấy làm mừng là cậu đã cắt đứt với con vợ cai lính tẩy của cậu là khác. Lẽ ra phải lấy gậy quất vào cái đít lồng bàn của nó từ lâu rồi mới phải! Ví như mình đây, mình đã cắt đứt với con Luska, và mình thấy sướng lắm. Không còn ai quấy rầy mình nữa, bây giờ mình như mũi lê sắc bén chĩa thẳng vào bọn kulắc và mọi kẻ thù khác của chủ nghĩa cộng sản. Mình lại còn có thể tự học, tu dưỡng nữa.
Radơmiốtnốp lạnh lùng hỏi kháy:
- Cậu học gì thế? Những môn khoa học ghê gớm gì vậy?
Trong bụng anh thấy khó chịu vì lời lẽ của Maka, vì thái độ của anh ta chẳng những không thông cảm với đau khổ của anh, mà còn thẳng thừng tỏ ra vui mừng và ba hoa xích thố về chuyện hôn nhân. Có một lúc, ngồi nghe cái giọng nghiêm trang và đầy sức thuyết phục của Maka, Anđrây đã không khỏi kinh hãi nghĩ thầm: "Cũng may mà con bò hay gây gổ thì trời không cho nó có sừng, chứ nếu Maka mà có quyền hành trong tay thì chưa biết hắn có thể làm những chuyện gì? Với cái điệu của hắn, hắn có thể làm cho toàn thế giới lộn chổng vó lên giời! Chưa biết chừng hắn sẽ đem thiến toàn bộ giai cấp đàn ông đi cũng nên, để họ khỏi xao lãng chủ nghĩa xã hội!".
- Học gì à? - Maka nhắc lại câu hỏi của Anđrây và gấp mạnh quyển sách lại! - Học tiếng Anh.
- Ca-a-ái gì?
- Tiếng Anh. Quyển này là sách tự học tiếng Anh.
Nagunốp e ngại nhìn Anđrây, sợ anh ta có ý chế giễu gì chăng, nhưng Anđrây bị bất ngờ quá đến nỗi ngoài sự kinh ngạc ra, Nagunốp không đọc thấy ý gì khác trong đôi mắt tròn xoe sốt ruột của anh ta.
- Thế vậy là… cậu đã đọc, hoặc đã nói được cái… tiếng ấy rồi à?
Nagunốp đáp, trong bụng ngầm tự hào:
- Chưa, không phải cứ học là nói được ngay đâu. Nhưng, tóm lại là mình bắt đầu học được chữ in rồi. Mình học đã bốn tháng nay.
Radơmiốtnốp không khỏi đưa mắt khâm phục nhìn Maka và quyển sách con, nuốt nước bọt, hỏi:
- Cái trò ấy có khó không?
Maka thấy Radơmiốtnốp biểu lộ sự quan tâm sâu sắc đến việc học tập của mình, hết e ngại, nói đã thoải mái:
- Vây-â-ậy đấy… ra là thế! Cậu học. Nhưng, Maka này, cậu cần gì tiếng ấy mà học? Lưỡng lự một lát, - Radơmiốtnốp lên tiếng hỏi.
Nagunốp mỉm một nụ cười kẻ cả, đáp:
Họ còn chuyện trò linh tinh với nhau độ nửa tiếng nữa, rồi Anđrây ra về, và Nagunốp lại chúi mũi vào quyển sách tự học. Miệng lẩm nhẩm, mồ hôi nhễ nhại và lông mày nhíu lại vì sự cố gắng tập trung, anh ngồi học cho đến hai giờ sáng.
Hôm sau, anh dậy sớm, làm hai cốc sữa rồi đi lên chuồng ngựa nông trang. Anh yêu cầu người trực chuồng.
- Bắt cho tôi con ngựa nào chạy kha khá một tí.
Người trực chuồng dắt ra một con ngựa lông vàng nhạt, đít thấp, nổi tiếng dai sức và nhanh, rồi tò mò hỏi:
- Đồng chí có đi xa không?
- Lên huyện. Nói lại với đồng chí Đavưđốp là đến tối tôi về.
- Đồng chí cưỡi à?
- Ờ. Mang yên ra đây.
Maka đóng yên, tháo sợi thừng buộc cổ ngựa ra, thắng cho nó bộ cương rất đẹp tịch thu của Titốc. Động tác thành thạo, anh xỏ một chân vào bàn đạp.
Con ngựa ra đi, bước kiệu nhún nhẩy. Qua cổng bỗng nó hụt chân khuỵu xuống, suýt ngã, nhưng nó ưỡn lên, nhanh nhẹn đứng phắt dậy. Bác Suka vừa tới cổng, né sang bên tránh, réo theo:
- Quay về thôi, đồng chí Nagunốp ơi, điềm gở dẩy!
Maka không đáp, cho ngựa chạy nước kiệu qua.
Gần trụ sở Xôviết có khoảng hai chục bà con đang mồm năm miệng mười cái gì sôi nổi lắm. Maka quát đùa:
- Tránh ra, mấy con quạ cái, không ngựa xéo chết bây giờ!
Các mụ tránh sang bên đường, nín thinh. Và khi đã vượt qua chỗ họ, Nagunốp nghe thấy một giọng hằn học rít lên theo anh:
- Sao người ta không xéo chết mày đi, hả thằng ba lần trời đánh! Rồi xem mày có phi mãi được thế không…
-----------------------------
(°) Prôlêtariát - giai cấp vô sản. - ND.
(°°) Rêvôliútxia - cách mạng. - ND.
(°°°°°) Comunist (tiếng Anh) - người cộng sản. Nagunốp nói nhầm, thêm cái đuôi vào là comunixtison. - ND.
(°°°°°°) All right! (tiếng Anh) - ổn. - ND.

*

Cuộc họp thường vụ huyện uỷ bắt đầu hồi mười một giờ. Chương trình nghị sự có mục Bêglức, trưởng ban nông nghiệp huyện, báo cáo về tình hình gieo hạt trong năm ngày đầu vụ. Ngoài các uỷ viên thường vụ ra, dự họp còn có trưởng ban thanh tra huyện Xamôkhin và công tố uỷ viên huyện.
Trưởng ban tổ chức Khômutốp dặn Nagunốp:
- Anh cứ chờ đấy, hội nghị sẽ thảo luận vấn đề anh vào mục linh tinh.
Bản báo cáo dài nửa tiếng đồng hồ của Bêglức đã được theo dõi trong một không khí im lặng căng thẳng và nặng nề. Nhiều nơi trong huyện chưa bắt đầu gieo mặc dầu đất đã cày bừa xong; một số thôn ấp khác chưa thu xong thóc giống; ở Vôxkôvôi những người ra nông trang đã lấy lại gần hết thóc giống; ở Ônkhôvátxki tự ban quản trị nông trang đã trả lại thóc giống cho người ra. Báo cáo viên trình bày tỉ mỉ nguyên nhân không đạt yêu cầu của công việc gieo hạt, và cuối cùng kết luận:
- Thưa các đồng chí, rõ ràng là tình hình chậm trễ của chúng ta trong việc gieo hạt, có thể nói là không phải chậm trễ nữa, mà là trì trệ, giẫm chân tại chỗ là do tại một loạt thôn ấp, cán bộ địa phương chạy theo con số phần trăm tập thể hoá, đã dùng cưỡng bức để tổ chức ra nông trang, thậm chí có nơi, như các đồng chí đã biết, đã giơ súng lục bắt người ta vào nông trang. Những nông trang không có gì vững chắc ấy giờ đây đang tan rữa như những tường đất bị xói lở. Chính ở những nông trang ấy, công việc bê trễ, vì nông trang viên không chịu ra đồng, và nếu có ra thì cũng chỉ làm buông tay lấy lệ.
Bí thư huyện uỷ cầm bút chì gõ gõ vào cái nút bình nước thuỷ tinh, bảo:
- Đồng chí nói hết giờ rồi đấy!
- Thưa các đồng chí, tôi xong đây! Tôi xin phép rút ra kết luận: như tôi đã trình bày, theo con số của ban nông nghiệp huyện, trong năm ngày đầu vụ toàn huyện mới gieo được cả thảy tám mươi ba hécta. Tôi cho rằng cần động viên ngay tất cả cán bộ huyện, tung xuống các nông trang. Theo tôi, cần phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp phong trào xin ra nông trang, giao nhiệm vụ cho các ban quản trị nông trang và các bí thư chi bộ phải tiến hành hàng ngày công tác tuyên truyền giải thích trong quần chúng nông trang viên, đặt trọng tâm công tác vào việc thông tin rộng rãi cho các nông trang viên… kể chuyện rộng rãi về những cái lợi mà nhà nước dành cho các nông trang, bởi vì ở nhiều địa phương anh em thậm chí cũng chẳng tuyên truyền gì cả. Rất nhiều nông trang viên cho đến bây giờ cũng không biết nông trang được nhà nước trợ cấp như thế nào, và nhiều chuyện khác nữa. Ngoài ra, tôi xin đề nghị: xem xét gấp những trường hợp sai phạm chính sách đã làm cho chúng ta không tiến hành được tốt vụ gieo, và theo nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương ngày mười bốn tháng Ba thì những người sai phạm cần phải bị đình chỉ công tác. Tôi đề nghị xem xét gấp và thi hành kỷ luật nặng về Đảng với tất cả những người ấy. Tôi xin hết.
- Ai có ý kiến gì về bản báo cáo của đồng chí Bêglức không? - Bí thư huyện uỷ vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn quanh hội nghị, cố tình tránh ánh mắt của Nagunốp.
Một uỷ viên thường vụ, trưởng ban công an huyện, một anh chàng lực lưỡng, chắc nình nịch, lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi, đầu cạo trọc bóng chằng chịt sẹo và nom có tác phong quân sự, thở dài nói:
- Vấn đề rõ rồi, phát biểu gì nữa.
- Vậy ta lấy những kết luận của đồng chí Bêglức làm cơ sở cho nghị quyết của chúng ta được không? - Bí thư hỏi.
- Được đấy.
- Bây giờ đến việc Nagunốp. - Lần đầu tiên trong suốt cuộc họp, đồng chí bí thư đưa mắt nhìn Nagunốp, dừng lại vài giây cái nhìn ngơ ngác, xa lạ. - Các đồng chí đã biết rằng, là bí thư chi bộ Grêmiatsi Lốc, đồng chí Nagunốp đã phạm một loạt tội lỗi nghiêm trọng chống lại Đảng. Bất chấp chỉ thị của huyện uỷ, đồng chí ấy đã tiến hành một đường lối tả khuynh trong việc tập thể hoá và thu thóc giống. Anh ta đã dùng súng lục đánh đập một trung nông cá thể, bắt giam một số nông trang viên. Đồng chí Xamôkhin đã thân hành về Grêmiatsi Lốc điều tra vụ này và đã phát hiện việc Nagunốp vi phạm trắng trợn pháp chế cách mạng, bóp méo đường lối của Đảng, gây thiệt hại cho Đảng. Bây giờ để đồng chí Xamôkhin phát biểu ý kiến. Đồng chí Xamôkhin, đồng chí hãy trình bày trước thường vụ cuộc điều tra của đồng chí về những hoạt động tội lỗi của Nagunốp. - Đồng chí bí thư nhắm đôi mắt mi mọng hum húp lại, nặng nề chống hai khuỷu tay xuống bàn.
Nagunốp ngay từ lúc đặt chân tới huyện uỷ đã biết việc của mình lôi thôi to rồi và không nên mong chờ được xử lý nhẹ. Bí thư huyện uỷ đã bắt tay anh với một thái độ dè dặt chưa từng thấy và, rõ ra mặt là muốn tránh chuyện trò với anh, quay ngay sang nói một chuyện gì đó với chủ tịch huyện.
Maka có ý rụt rè hỏi anh ta:
- Đồng chí °°rghinxki ạ, việc tôi thế nào rồi?
Anh ta miễn cưỡng đáp:
- Thường vụ sẽ quyết định.
Và các người khác cũng thế, tất thảy đều tránh cái nhìn dò hỏi của Maka và lảng anh. Vấn đề của anh, rõ ràng là họ đã quyết định với nhau xong xuôi cả rồi. Duy chỉ có trưởng ban công an Balabin là đã mỉm cười thông cảm với Maka và bắt tay anh chặt:
- Nagunốp ạ, chả việc gì mà bi quan! Cậu đã phạm khuyết điểm chứ gì? Cậu đã làm linh tinh, bậy bạ chứ gì? Thì đó là vì chúng ta về chính trị chưa được già dặn lắm. Khối người đầu óc còn khá hơn cậu nhiều mà vẫn sai lầm đấy! - Anh ta ngó ngoáy cái đầu tròn xoe, chác nịch và nhẵn thí như hòn sỏi bờ sông, lau mồ hôi trên cái cổ rụt đỏ ửng, chem chép đôi môi dày tỏ vẻ ái ngại.
Maka trở lại vững dạ, nhìn khuôn mặt đỏ như gà chọi của Balabin, mỉm một nụ cười biết ơn, hiểu rằng anh chàng này đã nhìn thấu suốt bụng anh, hiểu và thông cảm với anh. "Họ sẽ thi hành kỷ luật mình nặng, cất chức bí thư mình đây", Maka nghĩ bụng như vậy và lo ngại đưa mắt nhìn Xamôkhin. Cái con người bé nhỏ, trán to, không chịu nổi những chuyện ly dị kia làm anh ớn nhất. Và khi Xamôkhin rút trong cặp hồ sơ dầy cộp, Nagunốp cảm thấy trong bụng phát hoảng lên, đau nhói. Tim anh đập thình thình, máu dồn lên đầu, thái dương nóng bừng bừng, ruột gan nao nao dâng lên đến họng. Sắp động kinh anh bao giờ cũng bị như thế. "Lạy giời đừng nhá!". Lắng nghe lời phát biểu chậm rãi của Xamokhin, anh rùng mình.
- Theo uỷ nhiệm của huyện uỷ va ban thanh tra huyện, tôi đã tiến hành điều tra vụ này. Qua thẩm vấn chính bản thân Nagunốp, thẩm vấn những nông trang viên và nông dân cá thể ấp Grêmiatsi Lốc nạn nhân những hành động của anh ta, mặt khác căn cứ vào lời khai của các nhân chứng, tôi xác định như sau: không còn nghi ngờ gì nữa, đồng chí Nagunốp đã không xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, và qua cách giải quyết công việc của mình đã gây tổn thất lớn cho Đảng. Chứng cớ là trong thời gian tiến hành tập thể hoá, vào tháng Hai, đồng chí ấy đã đi khắp làng, dùng súng lục doạ, cưỡng bức dân vào nông trang. Bằng cách đó, anh ta gọi là đã "lôi kéo" được bảy trung nông vào nông trang. Chuyện ấy chính bản thân Nagunốp cũng thừa nhận…
Nagunốp rời ghế đứng dậy, khàn khàn nói:
- Đó là mấy tên bạch vệ ngoan cố!
Bí thư nghiêm khắc ngắt lời anh:
- Đồng chí chưa được phát biểu. Phải giữ trật tự!
- … Thế rồi trong thời gian thu thóc giống, anh ta đã dùng súng lục đánh chết ngất một trung nông cá thể, ngay trước mắt những nông trang viên có mặt tại đó và nhân viên thường trực xôviết. Người trung nông kia bị đánh đập vì đã từ chối, không chịu mang ngay lập tức thóc đến kho…
- Nhục nhã thật! - Công tố viên nói oang oang.
Nagunốp đưa tay xoa họng, tái mặt đi nhưng vẫn ngồi im lặng.
- Cũng trong đêm hôm ấy, thưa các đồng chí, anh ta đã hành động như một tên trương tuần, giam ba nông trang viên trong một căn phòng lạnh, giữ họ ở đấy suốt đêm, thêm vào đó lại dùng súng lục đe doạ họ vì đã từ chối không chịu mang ngay thóc giống đến nộp.
- Những người ấy tôi có doạ đâu…
- Tôi nói thế là nghe từ miệng họ, đồng chí Nagunốp ạ, và yêu cầu không được ngắt lời tôi! Do đồng chí Nagunốp khăng khăng chủ trương như vậy, nên trung nông Gaiép đã bị tịch thu tài sản, đưa đi đày. Người này hoàn toàn không đáng bị tịch thu bởi vì căn cứ vào tài sản của ông ta thì không có bất cứ lý do gì để quy thành phần kulắc cả. Do tác động của Nagunốp, địa phương đã tịch thu tài sản người này, lấy cớ rằng năm 1928 ông ta có mướn một nhân công. Nhưng mướn như thế nào? Thưa các đồng chí, đó là mướn một chị phụ nữ cũng ở Grêmiatsi Lốc làm công trong một tháng, vào thời vụ gặt hái. Và Gaiép mướn chị ta chỉ là vì năm 1927, con trai ông ta đã được gọi đi Hồng quân, nhà ông ta đông con nhỏ, làm không xuể. Pháp luật Xôviết không cấm việc sử dụng sức lao động trên cơ sở hợp đồng ký với uỷ ban nhân công, và công xá trả sòng phẳng, việc này tôi đã kiểm tra lại. Ngoài ra, Nagunốp còn hủ hoá bừa bãi, và đó không phải là một điểm không quan trọng để đánh giá một người đảng viên. Nagunốp đã ly dị vợ, mà cũng chẳng ly dị nữa kia, mà là đuổi vợ đi như đuổi một con chó, chỉ là vì dường như chị ta có cảm tình với một anh chàng nào đó ở Grêmiatsi theo đuổi chị ta. Tóm lại, Nagunốp đã vin vào những chuyện ngồi lê đôi mách mà đuổi vợ đi để được rảnh tay. Hiện nay anh ta trai gái như thế nào, tôi không rõ, nhưng thưa các đồng chí, có đủ căn cứ để nói rằng anh ta sống bê tha truỵ lạc. Nếu không thì việc gì anh ta phải đuổi vợ đi như vậy? Bà chủ nhà Nagunốp trọ có kể với tôi là ngày nào anh ta cũng về rất khuya, anh ta đi đâu, bà ấy không rõ, nhưng thưa các đồng chí, chúng ta thì chúng ta rõ! Chúng ta không phải bé bỏng gì, và chúng ta thừa biết một anh đàn ông mê gái đuổi vợ thì thường hay đi đâu… Ta biết rõ lắm! Đó, thưa các đồng chí, đó là bản liệt kê vắn tắt những sự tích anh hùng (phát biểu lời buộc tội đến đây, Xamôkhin mỉm một nụ cười cay nghiệt) mà người bí thư chi bộ đáng buồn là Nagunốp đã thi thố được trong một thời gian ngắn ngủi. Ở đây phải nói thẳng ra rằng đó không phải là choáng váng vì thắng lợi, như đồng chí Xtalin, lãnh tụ của chúng ta đã nêu ra một cách tài tình, mà là một thiên hướng tả khuynh, một sự vi phạm đường lối chung của Đảng. Chẳng hạn, Nagunốp không những đã giở trò tịch thu tài sản của trung nông và dùng súng lục dồn ép người ta vào nông trang mà còn đưa ra chủ trương tập thể hoá gia cầm, gia súc nhỏ vàbò sữa. Theo lời một số nông trang viên, anh ta còn muốn đặt ra cho nông trang một thứ kỷ luật mà ngay cả thời Nhikôlai khát máu cũng không từng thấy.
- Về gia cầm và gia súc nhỏ, huyện uỷ bỏ mặc, không cho chúng tôi phương hướng. - Nagunốp u uất nói nhỏ.
Anh đã đứng lên, ưỡn thẳng hết tầm cao của anh, bàn tay trái co quắp áp chặt vào ngực.
Bí thư huyện uỷ đỏ bừng mặt lên:
- Không phải, đồng chí đừng nói thế! Huyện uỷ đã chỉ rõ rồi! Làm không nên thì đừng đổ quanh! Đã có điều lệ của ácten, và đồng chí không phải đứa con nít còn bú tí mà bảo không hiểu!
Xamôkhin nói tiếp:
- … Ở nông trang Grêmiatsi mọi sự phê bình tự phê bình đều bị bóp chết. Nagunốp thi hành chính sách khủng bố, không để cho ai mở miệng. Đáng lẽ phải tuyên truyền giải thích thì anh ta quát tháo bà con nông dân, giậm chân, giơ súng doạ. Do đó ở nông trang Grêmiatsi đang xảy ra lộn xộn. Ở đó hiện nay người ta ồ ạt xin ra nông trang, công việc gieo hạt bây giờ mới bắt đầu và chắc chắn là không hoàn thành được. Ban thanh tra huyện có nhiệm vụ quét sạch ra khỏi Đảng mọi phần tử sa đoạ, những bọn cơ hội đủ mọi màu sắc đã gây cản trở cho chúng ta trong công cuộc xây dựng vĩ đại của chúng ta, ban thanh tra nhất định sẽ có những kết luận của mình về trường hợp Nagunốp.
- Hết chưa? - Bí thư hỏi.
- Dạ, hết.
- Đến lượt đồng chí Nagunốp phát biểu. Đồng chí hãy kể rõ làm sao mà đồng chí đi tới nông nỗi ấy. Nói đi, Nagunốp.
Cơn giận ghê gớm, bừng bừng như lửa đốt trong lòng Nagunốp vào lúc Xamôkhin trình bày gần xong, bỗng ta biến đi đâu mất tăm, và thay vào đó là sự bối rối, lo sợ. "Họ sẽ làm gì mình? Sao lại thế được nhỉ? Họ muốn hại mình!". Anh hoang mang thoáng nghĩ như vậy, bước tới bên bàn. Những lời phản đối quyết liệt anh đã chuẩn bị trong lúc Xamôkhin nói, lúc này anh đã quên sạch. Đầu anh rỗng tuếch, tịnh không nảy ra một ý kiến. Đã xảy ra với Maka một cái gì đó không bình thường…
- Các đồng chí, tôi vào Đảng từ hồi cách mạng… Tôi đã vào Hồng quân…
Bí thư huyện uỷ sốt ruột ngắt lời anh:
- Cái ấy chúng tôi biết rồi. Nói thẳng vào đề đi!
- Tôi đã đánh nhau với bọn bạch vệ trên khắp các mặt trận… Và ở Binh đoàn kỵ binh số một… Tôi đã được huân chương…
- Nói vào vấn đề đi chứ!
- Thế đấy không phải vấn đề ư?
Chủ tịch huyện ngắt lời anh:
- Đừng loanh quanh nữa, Nagunốp! Bây giờ không phải lúc kể công.
- Thì để yên cho đồng chí ấy nói nào! Sao các anh cứ chặn họng người ta thế? - Balabin bất bình kêu thốt lên, cải đỉnh nhẵn bóng của cái đầu tròn xoe như hòn sỏi lập tức đỏ dừ lên như người sắp bị trúng phong.
- Nhưng phải nói vào cụ thể đi!
Nagunốp vẫn đứng nguyên như thế, bàn tay trái vẫn quắp chặt vào ngực, còn bàn tay phải thì từ từ đưa lên cổ họng khô rát. Mặt anh bệch đi và anh khó nhọc nói tiếp:
- Để tôi nói. Tôi không phải địch, sao đối với tôi lại như thế này? Tôi đi bộ đội bị thương… Bị chấn thương ở Kaxtornaia… Vì một quả trọng pháo trong đồn bắn ra… - Nói đến đấy anh im bặt, đôi môi thâm lại hổn hển đớp đớp không khí.
Balabin vội với lấy cái bình rót nước, đưa cốc cho anh mà mắt không nhìn anh.

*

Trong không khí lặng ngắt nghe rõ tiếng cốc va lạch cạch vào răng Maka.
- Bình tĩnh lại nào, nói đi! - Balabin hậm hực bảo anh.

*

Maka nốc một mạch cạn cốc nước; anh lấy lại hơi, nói tiếp:
- Tôi thừa nhận những điều đồng chí Xamôkhin nói. Đúng, những cái ấy tôi có làm. Nhưng không phải vì tôi muốn hại Đảng. Điều ấy, Xamôkhin nói điêu. Anh ta điêu như một con chó cái, kể cả về chuyện tôi sống bê tha. Toàn là bịa đặt! Tôi không thiết gì đàn bà, không hơi đâu nghĩ đến họ…
- Thế vì sao đồng chí lại đuổi vợ? - Trưởng ban tổ chức Khômutốp ác ý hỏi vặn.
- Chính là vì thế đấy, - Maka nghiêm nghị đáp. - Nhưng, tất cả những điều ấy, tôi đã làm… Tôi muốn làm lợi cho cách mạng. Có thể tôi đã có sai lầm… Tôi cũng chẳng rõ nữa. Các đồng chí được học hành, giỏi hơn tôi. Các đồng chí đã qua nhiều lớp, sáng suốt hơn tôi. Khuyết điểm của tôi, tôi không muốn làm giảm nhẹ. Các đồng chí xử thế nào thì tuỳ. Chỉ mong các đồng chí hiểu cho một điều… - Một lần nữa anh lại như đứt hơi, giữa câu ngừng bặt, lặng đi một phút. - Các anh em hiểu cho, tôi không có ý đồ gì xấu chống lại Đảng. Còn thằng Bannhích thì tôi đánh nó là vì nó nhạo báng Đảng ta và định đổ thóc giống cho lợn…
- Đấy là anh nói thế! - Xamôkhin chế giễu đế vào.
- Tôi nói điều có thật. cho đến bây giờ tôi vẫn tiếc sao không giết quách thằng Banhích ấy đi. Thôi, tôi nói thế thôi.

*

- Thôi chứ. Các đồng chí, thế là rõ cả rồi. Chính Nagunốp đã thừa nhận. Tuy rằng về chi tiết đồng chí ấy có lảng tránh, thanh minh, nhưng những lời thanh minh ấy nghe không thuyết phục. Những người bị kỷ luật bao giờ cũng cố rũ bớt khuyết điểm của mình đi hoặc đổ trách nhiệm lên đầu người khác… Tôi cho rằng Nagunốp là một người đã phá hoại một cách xấu xa đường lối của Đảng trong phong trào tập thể hoá nông nghiệp, là một người cộng sản sa đoạ trong sinh hoạt, đáng phải kha-a-ai trừ ra khỏi Đảng! Chúng ta không cần xem đến thành tích cũ của Nagunốp, đó là giai đoạn đã qua rồi. Phải nghiêm trị, để làm gương cho người khác. Mọi kẻ nào định bôi nhọ Đảng và kéo Đảng sang tả hoặc hữu, chúng ta sẽ đánh không thương xót. Đối với Nagunốp và những người như anh ta, không nên dừng lại ở những biện pháp nửa vời. Chúng ta đã nói ngọt với anh ta nhiều rồi. Mới năm ngoái, trong thời gian tổ chức các tập đoàn sản xuất, anh ta đã tả khuynh, hồi ấy tôi đã ngăn ngừa trước anh ta. Nhưng một khi anh ta không muốn nghe thì anh ta cứ việc è cổ ra mà chịu! Thôi ta biểu quyết chứ? Ai tán thành khai trừ Nagunốp ra khỏi Đảng? Tất nhiên chỉ các đồng chí thường vụ biểu quyết thôi. Thế là bốn phiếu tán thành, phải không? Đồng chí không tán thành à, đồng chí Balabin?
Balabin đập bàn một cái. Những đường gân rối nhằng trên hai thái dương anh nổi phồng lên.
- Không những tôi không tán thành mà còn dứt khoát phản đối! Đó là một quyết định sai lầm đến tận gốc.

*

- Đồng chí có thể bảo lưu ý kiến.
- Không, đồng chí cho phép tôi nói!
- Muộn rồi, đồng chí Balabin ạ. Quyết định khai trừ Nagunốp đã được thông qua bằng đa số.
- Đó là thái độ quan liêu trong cách xem xét con người! Tôi nói thư-ực đấy, chuyện này tôi không để yên đâu! Tôi sẽ viết thư lên khu uỷ! Khai trừ một đảng viên lâu năm, một người được thưởng huân chương Cờ đỏ… Các đồng chí hoá rồ cả rồi hay sao? Cứ làm như không còn hình thức kỷ luật nào khác vậy!
- Chuyện này, không có gì bàn cãi nữa. Biểu quyết rồi!
- Biểu quyết như vậy thì đáng đập vỡ mặt ra!... - Giọng Balabin chuyển thành một tiếng rít the thé, cái cổ nùng nục của anh phình ra đến nỗi tưởng như khẽ đụng ngón tay vào là máu phọt ra.
- Về chuyện mặt mũi thì anh nên ăn nói tử tế hơn một tí. - Trưởng ban tổ chức Khômutốp nói bằng một giọng xúc xiểm hằn học. - Chúng tôi có thể nhắc nhở cả anh nữa phải tôn trọng kỷ luật đấy. Đây không phải là ban công an, mà là huyện uỷ.
- Tôi không cần anh dạy! Thế tại sao các anh cấm tôi phát biểu?
- Bởi vì tôi cho việc ấy là thừa! - °°rghinxki phát khùng lên, và cũng như Balabin, đỏ mặt tía tai, tay nắm chặt lấy thành ghế. - Ở đây tôi là bí thư huyện uỷ. Tôi không cho đồng chí nói nữa, và nếu muốn nói thì ra ngoài sân kia mà nói!
Chủ tịch huyện vội can người trưởng ban công an:
- Đừng nóng thế, Balabin! Việc gì mà đỏ mặt tía tai thế! Có ý kiến gì, đồng chí cứ viết lên khu đi, chứ đây thì biểu quyết xong rồi mà, khổ lắm, bây giờ đồng chí lại giơ đấm giơ đá lên sừng sộ.
Anh ta nắm cánh tay áo quân phục của Balabin kéo ra góc phòng, nói nhỏ cái gì.
Trong khi đó, °°rghinxki cáu vì câu chuyện to tiếng với Balabin đưa mắt nhìn Maka một cái nhìn giận dữ long sòng sọc dưới đôi mi tùm hụp, bảo anh bằng một giọng bây giờ thì hằn học ra mặt:
- Không có ý kiến gì nữa, Nagunốp! Theo nghị quyết của thường vụ, anh bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ chúng tôi. Những người như anh Đảng không cần đến. Anh để thẻ Đảng lại đây! - Và bàn tay lông lá hung hung của anh ta đập xuống mặt bàn.
Nagunốp tái nhợt như người chết rồi. Toàn thân anh run bắn lên, và giọng anh thều thào hầu như nghe không rõ khi anh nói:
- Tôi không trả thẻ Đảng.
- Chúng tôi sẽ bắt anh phải trả.
- Lên khu đi, Nagunốp! - Balabin đứng trong góc quát ra, và bỏ dở câu chuyện đang nói với đồng chí chủ tịch, anh đi ra, đóng sầm cửa.
- Tôi không trả thẻ Đảng cho anh!... - Maka nhắc lại. Giọng anh rắn rỏi trở lại, và màu tái mét từ từ biến đi trên trán và trên đôi gò má cao của anh. - Đảng còn cần đến tôi… Và không có Đảng, tôi sống làm sao! Còn anh thì tôi không phục tùng!... Đây, thẻ Đảng ở túi ngực tôi đây… Anh thử lấy xem! Tôi cứ vặn cổ!...
- Bi kịch rồi đây! - Công tố uỷ viên nhún vai. - Thôi đừng hoá rồ như vậy, không nên…
Chẳng thèm để ý đến lời anh ta, Maka nhìn thẳng vào mặt °°rghinxki, chậm rãi và dường như trầm ngâm nói:
- Không có Đảng thì tôi biết đi đâu? Và để làm gì? Không, tôi không trả lại thẻ Đảng! Tôi đã hiến tất cả đời tôi… tất cả… - Rồi bỗng anh rối rít lên chẳng đâu vào đâu và thiểu não như một ông già, đưa tay sờ soạng mặt bàn, lắp bắp câu nọ nhằng ra câu kia, hấp tấp và chẳng ra đầu đuôi mạch lạc gì. - Tốt hơn là anh cứ… bảo anh em… Thế thì cứ thủ tiêu tôi đi… Không còn gì nữa… Tôi cần gì đến đời tôi nữa nhỉ, tước nốt thẻ đời của tôi đi… Thế nghĩa là con chó Xéckô còn sủa, người ta còn cần đến nó… Nó già rồi, thì tống cổ nó đi…
Gương mặt Maka cứng đờ lại, như đắp bằng thạch cao, duy chỉ có đôi môi là run run mấp máy, nhưng anh nói đến câu cuối cùng thì từ trong đôi mắt ngây dại của anh, lần đầu tiên trong suốt cuộc đời đã dài của anh, nước mắt trào ra dàn dụa. Nó chảy xuống đầm đìa đôi má, đọng lại trong bộ râu cứng ráp lâu ngày chưa cạo, loang lổ thành những vết đen trên ngực áo.
Bí thư huyện uỷ nhăn mặt đau khổ:
- Thôi đi! Làm thế chẳng giải quyết được gì đâu, đồng chí ạ!
Nagunốp quát:
- Anh không phải đồng chí của tôi! Anh là một đồ lang sói! Và tất cả các anh toàn là đồ rắn độc! Các anh đã có chức có quyền! Các anh đã học được lối giỏi nói! Này, Khômutốp, việc gì mày phải giơ nanh ra với tao? Mày cười những giọt nước mắt của tao phải không? Mày!... Năm hai mươi mốt, khi thằng Phômin đem quân tràn vào khu ta, mày đã lên khu, có nhớ không? Có nhớ không, đồ chó cụp đuôi?... Mày lên khu, trả thẻ đảng viên, bảo là mày muốn về làm ruộng… Mày hãi thằng Phômin! Chính vì thế mà mày tung hê thẻ đảng viên đi… rồi sau đó mày lại luồn lách vào Đảng, như một con chạch luồn bùn vậy!... Và bây giờ mày biểu quyết chống lại tao hả? Mày cười cái đau khổ chết người của tao hả?
- Thôi, Nagunốp ạ, đề nghị không nên quát tháo thế. Hội nghị còn nhiều vấn đề khác phải bàn. - Anh chàng Khômutốp đẹp trai, da ngăm đấu dịu đáp, không hề bối rối, miệng vẫn nhếch một nụ cười khuất sau bộ ria đen.
- Nói với các anh thế là đủ, nhưng tôi sẽ làm cho ra nhẽ! Tôi sẽ lên Ban chấp hành Trung ương!
Khômutốp cười khẩy:
- Ồ, cứ đi đi! Trên ấy mọi việc người ta giải quyết nhanh như chớp. Người ta đợi anh từ lâu rồi…
Maka lẳng lặng đi ra, va bốp thái dương vào khung cửa, rên lên một tiếng. Cơn giận vừa qua đã làm anh mệt lử. Anh bước đi vô tri vô giác ra tới cổng, tháo con ngựa buộc ở hàng rào ra, rồi không hiểu sao cầm cương dắt nó đi. Ra khỏi làng anh muốn lên ngựa nhưng không sao lên nổi: bốn lần anh đặt chân lên bàn đạp, bốn lần anh loạng choạng như say rượu, buông yên ra.
Bên ngôi nhà gianh cuối làng, một ông lão già rồi nhưng nom còn nhanh nhẹn, đang ngồi trên cái bệ đất. Ông lão ngước mắt nhìn lên từ dưới vành lưỡi trai nứt rạn của chiếc mũ kô-dắc, chăm chú theo rõi Maka đang cố nhảy lên mình ngựa, rồi mỉm cười động viên:
- Chú đại bàng non kia gớm không! Mặt trời mới tròn bóng mà đã không nhấc nổi chân lên kìa. Nhân dịp gì mà bảnh mắt ra đã luý tuý càn khôn thế? Hay hôm nay là ngày lễ gì hẳn?
Anh hàng xóm nhòm qua hàng dậu, réo sang ông lão:
- Ngày lễ đấy mà, cố Phêđốt ạ! Hôm nay là ngày lễ Thánh Nhậu nhẹt, rước đi một vòng các quán rượu đấy.
Ông lão cười nụ:
- Thảo nào! Lão xem ra không có ông tướng nào mạnh hơn ông tướng rượu vang, phải không nhỉ? Khéo con ngựa hất anh chàng lăn kềnh trên yên xuống mất! Cố lên, chú kô-dắc ơi!
Maka nghiến răng lại, và mũi giày vừa chạm bàn đạp anh đã bay lên yên ngựa như một con chim.