Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 25

Đavưđốp lên trạm giống, mang về được mười hai pút hạt tiểu mạch loại chọn lọc, phấn khởi, hài lòng về chuyển đi thành công. Trong khi dọn cho anh ăn sáng, bà chủ nhà kể lại anh nghe trong thời gian anh đi vắng, Nagunốp đã đánh nhừ tử Grigori Banhích và bắt ba nông trang viên giam lại một đêm tại trụ sở Xôviết. Tin này rõ ràng là đã lan đi khắp Grêmiatsi Lốc. Đavưđốp ăn vội ăn vàng rồi đi lên trụ sở Xôviết, trong bụng lo ngay ngáy. Ở đó anh được nghe xác nhận câu chuyện bà chủ nhà kể, thêm vào đấy nhiều chi tiết cụ thể. Về hành động của Nagunốp, mỗi người đánh giá một phách: một số tán thành, một số khác phản đối, một số nữa im lặng dè dặt. Liubiskin chẳng hạn dứt khoát đứng về phía Nagunốp, còn Iakốp Lukits thì mồm giảu ra như cái tĩ gà, nom hậm hực ra mặt, cứ như chính lão đã bị Nagunốp mắng mỏ vậy. Lát sau, Maka tới trụ sở, nom vẻ lầm lì hơn thường lệ. Anh bắt tay Đavưđốp một cái dè dặt, liếc nhìn anh, chờ đợi và lo ngầm trong bụng. Còn lại hai người với nhau, Đavưđốp không nén được nữa, gay gắt hỏi:
- Nghe nói cậu có chuyện gì lạ lắm hả?
- Biết rồi còn hỏi làm gì…
- Bằng những phương pháp kiểu ấy cậu định tuyên truyền vận động thu thóc giống à?
- Ai bảo nó ăn nói láo xược như thế với tôi? Mình đã không thể tha thứ những lời phỉ báng của kẻ địch, của bọn chó má bạch vệ ấy!
- Nhưng cậu có nghĩ chuyện ấy sẽ tác động đến những người khác như thế nào không? Kết quả về mặt chính trị sẽ như thế nào?
- Lúc ấy còn thời giờ đâu mà nghĩ.
- Cậu trả lời thế mà nghe được à? Đáng lẽ cậu phải bắt giam hắn về cái tội lăng mạ chính quyền, chứ không đánh đập. Đó là một hành động đáng xấu hổ đối với một người cộng sản, thực tế thế! Ngay hôm nay, chúng tôi sẽ đặt vấn đề cậu ra trước chi bộ. Bằng hành động của cậu, cậu đem lại bao nhiêu tác hại! Chúng ta phải đem ra phê phán! Và mình sẽ nói về chuyện này ở đại hội nông trang viên, không cần xin ý kiến huyện uỷ, mình nói thật đấy! Vì nếu chúng mình im lặng thì bà con nông trang viên sẽ tưởng chúng mình với cậu là cùng một giuộc và bao che cậu trong việc này. Không, anh bạn ạ! Chúng tôi không về hùa với cậu, và sẽ phê phán cậu! Cậu là một người cộng sản nhưng cậu hành động như một thằng cảnh sát ngày xưa. Thật là nhục nhã! Làm ăn như thế, quỷ tha ma bắt cậu đi cho rồi!
Nhưng Nagunốp bướng bỉnh như một con bò đực. Đáp lại tất cả những lý lẽ Đavưđốp đưa ra để giải thích cho anh rằng một hành động như thế là không thể dung thứ được đối với người cộng sản và có hại về chính trị, anh trả lời:
- Tôi đánh nó là đúng! Mà tôi đã đánh gì nó đâu, chỉ mới gõ có một cái thôi, chưa thấm tháp gì. Thôi để tôi yên! Bây giờ uốn nắn tôi, thì muộn rồi; là chiến sĩ du kích, tự tôi thừa biết cách bảo vệ Đảng của mình chống lại sự tấn công của bất cứ quân chó má nào!
- Thì mình có bảo thằng cha Banhích ấy là người của ta đâu, trời đánh thánh vật nó! Mình chỉ bảo cậu không nên đánh nó. Bảo vệ Đảng chống lại những lời thoá mạ thì thiếu gì cách, thực tế thế! Để cho cái đầu của cậu nó nguội nguội đi, cậu nghĩ lại rồi tối nay ra hội nghị chi bộ thế nào cậu cũng bảo là tôi nói đúng, thực tế thế!
Đến tối, trước khi họp chi bộ, Maka vừa mới hầm hầm bước vào Đavưđốp đã hỏi luôn:
- Nghĩ chưa?
- Nghĩ rồi
- Thế nào?
- Quân chó đẻ ấy, tôi đánh nó thế chưa ăn thua gì. Giết chết tươi mới phải!
Tổ ba người của đội tuyên truyền hoàn toàn đứng về phía Đavưđốp và biểu quyết tán thành thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với Nagunốp. Anđrây Radơmiốtnốp không biểu quyết, suốt buổi chỉ nín thinh, nhưng đến lúc sắp ra về rồi thấy Maka vẫn bướng bỉnh làu bàu: “Quân điểm của tôi đúng, tôi bảo lưu”, thì Radơmiốtnốp đứng bật dậy, bỏ chạy ra ngoài, vừa khạc nhổ ầm ĩ vừa chửi vung lên.
Đứng dưới mái hiên tối om châm thuốc hút, dưới anh lửa que diêm nhìn khuôn mặt Nagunốp chỉ một ngày qua mà phờ phạc hẳn đi, Đavưđốp làm lành, nói:
- Này, Maka, cậu giận chúng mình là sai, thực tế thế!
- Giận gì đâu.
- Cậu làm việc theo lối du kích ngày xưa, nhưng bây giờ là một thời kỳ mới, không thể đánh đột kích được nữa, mà phải đánh trận địa… Tất cả chúng ta đều mắc cái bệnh du kích chủ nghĩa, đặc biệt là lính thuỷ chúng mình, và tất nhiên là cả mình nữa. Cậu có bị thần kinh thật, nhưng Maka thân mến ạ, ta phải… cầm cương được mình, có phải không? Này, cậu nhìn lứa trẻ mà xem: cậu đoàn viên Kômxômôn của đội tuyên truyền, Vanhiuska Naiđênốp, đã làm được những việc thật lỳ diệu! Khu vực cậu ấy phụ trách đã thu được nhiều thóc nhất, gần như nộp hết rồi. Nom thì không có vẻ tháo vát gì lắm, rỗ hoa, bé lũn cũn, ấy thế mà làm việc giỏi hơn mọi người chúng ta. Cái thằng ma mãnh ấy, hắn cứ đi từng nhà, chuyện trò vui vẻ, nghe nói hắn kể cho bà con mugích nhà ta nghe những chuyện trời đất gì chẳng biết… Thế rồi người ta cứ kìn kìn chở thóc đến cho hắn, chẳng cần đánh ai vỡ đầu và chẳng cần tống ai vào “nhà đá” cả, thực tế thế! – Trong giọng nói của Đavưđốp nghe có những âm hưởng ấm áp và như có ẩn một nụ cười khi anh nói về Naiđênốp. Và Nagunốp cảm thấy dâng lên trong lòng một cái gì đó giống như ghen với anh chàng thanh niên Kômxômôn tháo vát kia. Đavưđốp nói tiếp:
- Mai cậu thử đi tò mò với hắn một vòng các nhà xem xem hắn đạt được kết quả thế bằng cách nào. Làm như vậy thì chẳng có gì là mất thớ cho cậu cả. Cậu ạ, thanh niên đôi lúc có những cái đáng cho chúng mình học tập, thực tế thế! Họ lớn lên có những cái không giống như chúng ta, họ dễ thích nghi hơn…
Nagunốp nín thinh, và sáng hôm sau, vừa ngủ dậy đã mò đến tìm Naiđênốp, và như nhân tiện, nói:
- Hôm nay mình rỗi, mình định đi với cậu, đỡ cậu một tay. Ở đội hai các cậu còn nhiều người chưa nộp không?
- Chả còn mấy, đồng chí Nagunốp ạ! Ta đi đi, hai người càng vui.
Họ đi. Naiđênốp đi cái kiểu bước nhanh thoăn thoắt mà Nagunốp không quen, người lắc lư như con vịt. Tấm áo dạ của anh ta thơm mùi dầu quỳ để phanh ngực, và chiếc mũ kêpi kẻ ô vuông đội sụp xuống tận mắt. Nagunốp tò mò liếc nhìn khuôn mặt rất bình thường, lấm tấm tàn hương như mặt trẻ con của người thanh niên Kômxômôn mà hôm qua Đavưđốp đã gọi là “Vanhiuska” với một giọng trìu mến không phải thói thường của anh. Trên khuôn mặt ấy có một cái gì dễ gây thiện cảm, gần gũi với ta lạ thường: phải chăng đó là đôi mắt thao láo màu tro lấm tấm hay cái cằm nhô ra một cách bướng bỉnh chưa mất hết cái dáng của tuổi thiếu niên…
Họ đến nhà cụ Akim Bexkhlépnốp đã có hồi bị mệnh danh là “lão mò gà”, giữa lúc cả nhà đang ngồi quanh bàn ăn sáng. Ông lão ngồi ở góc phía ngoài, bên cạnh là ông con trai trạc tuổi bốn mươi, cũng tên là Akim, thường gọi là bác Hai, bên phải bác là bác gái và bà mẹ vợ già lụ khụ goá chồng. Hai cô con gái lớn ngồi phía cuối bàn, còn hai bên bàn thì bọn trẻ lúc nhúc bâu lại như ruồi.
Naiđênốp cất chiếc mũ kêpi thấm dầu quỳ trên đầu xuống, vuốt lại mớ tóc dựng ngược bờm xờm:
- Chào cả nhà!
- Xin chào các anh! Chắc là có việc đấy chứ, - anh Hai Akim vốn tính vui vẻ xởi lởi, khẽ nhếch mép cười, đáp.
Đáp lại câu chào đùa ấy, Nagunốp đã muốn cau mày lại và nói giọng nghiêm khắc nhất: “Chúng tôi không có thì giờ đùa với các người. Tại sao đến giờ chưa đem thóc đến nộp?”. Nhưng Naiđênốp làm như không thấy cái vẻ giữ ý hơi lạnh nhạt trên gương mặt của chủ nhà, mỉm cười nói:
- Mời cả nhà xơi cơm!
Anh Hai Akim không muốn mời khách, chưa kịp mở miệng buông ra một câu gọn lỏn “vâng” hoặc đùa một câu sỗ sàng: “Vâng, cơm ai người ấy ăn, mời các anh ngồi chơi” thì Naiđênốp đã nói tiếp luôn:
- Xin cứ tự nhiên! Mặc chúng tôi! Nhưng nếu mời thì cháu cũng chẳng làm khách đâu… Thú thật là sáng nay chưa có gì lót dạ. Đồng chí Nagunốp là người sở tại, tất nhiên đã ních đầy bụng rồi, nhưng anh em chúng cháu thì cả ngày mới được một bữa…
Anh Akim phì cười:
- Nghĩa là không gieo, không gặt, mà vẫn cứ no chứ gì?
- No hay đói thì đời vẫn cứ vui như thường.
Miệng nói, tay cởi cáo da thoắt một cái là xong, anh ngồi luôn vào bàn trước con mắt sửng sốt của Nagunốp.
Thấy khách tự nhiên như thế, cụ Akim đằng hắng một tiếng, còn anh Hai Akim thì cười ha hả:
- Thế mới đúng là ba cùng! May mà anh đã kịp cướp lời tôi đấy. Nghe anh mời cơm, tôi đã định nói: “Vâng, cơm ai người ấy ăn, mời các anh ngồi chơi!”. Con bé kia, lấy cho anh cái thìa!
Một trong hai cô gái đứng vụt dậy, chúi vào sau tấm màn phì cười, rồi chạy đi lấy thìa. Cô đưa cho Naiđênốp một cách trịnh trọng, đúng cung cách mời một người đàn ông. Không khí bàn ăn vui nhộn hẳn lên. Anh Hai Akim cũng mời cả Nagunốp, nhưng Nagunốp khước từ, ra ngồi xuống mặt hòm. Chị Akim, có đôi lông mày trắng, tủm tỉm đưa một khoanh bánh mì mời khách. Cô con gái đưa thìa xong, chạy vào buồng mang ra một tấm khăn sạch đặt vào lòng Naiđênốp. Anh Hai Akim nhìn khuôn mặt lốm đốm tàn nhang của anh chàng thanh niên “tự nhiên như người thành thị” với vẻ tò mò và hài lòng ra mặt, nói:
- Này, đồng chí ạ, anh làm thế nào mà con bé nhà tôi phải lòng anh rồi đấy: nó cấm bao giờ đưa cho bố được cái khăn sạch thế đâu, thế mà anh mới đặt đít ngồi đã có ngay. Anh ưng thì tôi cho luôn đấy!
Cô con gái bị bố trêu, đỏ dừ mặt; cô ta che mặt đứng dậy bỏ chạy, Naiđênốp đế thêm vào không khí vui vẻ ấy, cũng nói đùa:
- Chắc là cô ấy chẳng mê được bộ mặt lấm tấm gỉ này đâu. Cháu chỉ có thể đi hỏi vợ vào lúc nhá nhem thôi, lúc ấy thì cháu mới đẹp giai và mới được các cô ấy thích.
Họ dọn ra món chè lê. Chuyện trò tạm ngừng. Chỉ còn nghe thấy tiếng mồm nhai tóp tép và tiếng thìa gỗ khua đáy bát. Không khí im lặng chỉ chấm dứt khi thìa của một thằng nhãi bắt đầu ngoáy lộn bát lên tìm quả lê. Lúc ấy, cụ Akim liếm sạch cái thìa, cầm gõ đánh cộc một cái vào trán thằng bé háu ăn, mắng:
- Ngoáy vừa chứ!
- Sao tự nhiên lại ắng đi như ở nhà thờ ấy nhỉ! – Chị Akim lên tiếng:
Ivan đã ních đẫy món cháo mì và chè lê, nói:
- Nhà thờ không phải lúc nào cũng im lặng đâu, bác ạ. Đấy như ở quê cháu, lễ Phục sinh vừa rồi có một chuyện, cười đến vỡ bụng.
Chị Akim đang lau bàn, ngừng tay. Anh Hai Akim cuốn xong điếu thuốc lá, ra ngồi xuống tấm ghế dài, đón nghe chuyện, và cả cụ Akim nữa, vừa ợ vừa làm dấu phép, cũng vểnh tai nghe Naiđênốp. Nagunốp, nom sốt ruột ra mặt, nghĩ bụng: “Đến bao giờ hắn mới nói chuyện thóc giống? Xem chừng cũng khó nhá đây! Chuyển được cả hai bố con Akim chẳng phải dễ, hai tay cứng đầu cứng cổ nhất trong toàn Grêmiatsi này. Và đe thì đe làm sao được thằng Hai Akim kia, là đứa đã đi Hồng quân về, và nói chung là một anh kô-dắc tốt? Nhưng thóc thì hắn sẽ chẳng chịu nộp đâu, vì hắn bo bo của tư hữu, lại keo kiệt. Giữa mùa đông cũng đừng hòng xin được hắn nắm tuyết, còn lạ gì nó!”.
Trong khi đó thì Ivan Naiđênốp ngừng một tí, rồi tiếp:
- Cháu quê ở huyện Tátxinxki. Ở quê chúng cháu một lần, vào dịp lễ Phục sinh có xảy ra một chuyện như thế này ở nhà thờ: hôm ấy là buổi lễ lớn, con chiên tập hợp đông đủ tại nhà thờ, chen chúc đến ngốt người. Ông giáo trưởng và ông trợ tế ề à hát và đọc kinh, còn bên hàng rào chấn song thì bọn nhãi nô. Làng cháu có một con bò cái tơ một tuổi, nó dữ đến nỗi hơi đụng đến nó, nó đã lao đến như mũi tên, húc túi bụi. Con bò đang đứng gặm cỏ yên lành bên hàng rào, nhưng bọn nhãi trêu ghẹo nó thế nào mà nó lồng lên đuổi một thằng, và đuổi theo đã sát đít! Thằng bé chạy vào sân, còn bò chạy vào theo, thằng bé lên thềm, con bò bám gót luôn. Bên cửa nách, người đứng đông lèn. Con bò cái lấy đà, rồi chơi cho cu cậu một cú ra-a-a dáng vào đít nhá! Thằng nhóc lộn tùng phèo vào chân một bà lão. Bà lão ngã quay lơ, cộc đầu xuống đất, và tru tréo lên: “Ối làng nước ơi! Cứu tôi với! Ối đau quá!”. Ông chồng bà lão cầm nạng phang cho thằng nhãi một cái vào lưng: “Cho mày chết đi, con nhà ôn vật!...”. Còn ả bò cái thì: “Bê-ê-ê!”, rồi chĩa sừng tiến về phía ông lão. Thế là hoảng cả lên nhá! Đám ở sát bên bệ thờ, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, nghe thấy ngoài cửa ồn ào, ngừng đọc kinh, đứng ngẩn ra xôn xao người nọ hỏi người kia. “Ai làm gì ồn lên ngoài ấy thế nhỉ?”, “Có chuyện gì thế?”.
Ivan hứng lên, bắt chước điệu bộ của bà con dân làng ngơ ngác xì xào với nhau khéo đến nỗi bác Hai Akim không nhịn được nữa, và là người đầu tiên cười ha hả:
- Con bò đáo để nhỉ!
Ivan cũng cười, phô ra hai hàm răng trắng bóng, kể tiếp:
- Một anh chàng nào đó nói tếu: “Khéo có chó dại, chuồn đi thôi!”. Một bà bụng chửa phưỡn đứng bên hoảng quá, hét toáng cả nhà thờ lên: “Ối mẹ ơi! Nó cắn cho thì chết hết!”. Người đằng sau xô ép người đằng trước, đài nến đổ lăn kềnh, khói um lên.. Thế là tối sầm lại. Có tiếng ai hô hoán: “Cháy!”. Thế là mạnh ai người nấy kêu: “Chó dại!, “Cha-a-áy!”, “Chuyện gì thế?”, “Tận thế rồi!”, “Saaao?... Tận thế à? Nhà nó ơi! Đi về thôi!”. Người ta xô ra các cửa nách và ùn lại đến nỗi không ai ra lọt. Ngai thờ lộn nhào, những đồng năm kôpếch lăn lông lốc, lão trợ tế ngã dúi, kêu toáng: “Kẻ cướp!...”. Các bà các mẹ xô lại chỗ bệ thờ, như một đàn cừu. Lão trợ tế cầm lư trầm gõ vào đầu họ: “Ơ kìa, điên cả đấy à?... Đi đâu? Lũ phải gió này, không biết là cấm đàn bà con gái đến gần bệ thờ à?”. Còn lão lý trưởng, béo quay cu lơ, sợi giây chuyền lủng lẳng trước bụng thì chen lấn ra phía cửa, miệng quát tháo: “Tránh ra! Tránh ra! Tránh ra nào, đồ tử tiệt! Ông đây mà, ông là lý trưởng đây!”. Nhưng còn biết tránh đi đâu được nữa khi mà đã … “tận thế rồi!”.
Tiếng cười ha hả làm Ivan phải ngừng lại một lát, rồi kể nốt:
- Làng cháu có một gã ăn trộm ngựa tên là Arkhíp Tsôkhốp. Tuần nào hắn cũng kiếm chác được một con ngựa mà chẳng ai làm cách nào tóm được hắn. Hôm ấy hắn cũng đi nhà thờ rửa tội. Và khi nghe thấy tiếng hô hoán: “Tận thế rồi! Chết cả nút rồi, làng nước ơi!” Arkhíp lao ra cửa sổ, đạp tung cánh cửa, định nhảy ra ngoài, nhưng cửa sổ lại có chấn song! Dân làng xô bẹp nhau ở các cửa ra vào. Anh chàng Arkhíp chạy lồng lên trong nhà thờ, rồi đứng sững lại, chắp tay vái giời: “Sa bẫy rồi! Đúng là như con chuột sa bẫy!”.
Hai vợ chồng Akim và hai cô con gái cười chảy nước mắt nước mũi, cười đến phát sặc. Cụ Akim cũng lặng lẽ nhe hai hàm đã rụng tiệt răng. Riêng bà lão tai nghễnh ngãng nghe không thủng câu chuyện, chẳng rõ đầu cua tai nheo thế nào, không hiểu sao tự nhiên lại khóc thút thít. Bà lão lau đôi mắt đỏ hỏn ràn rụa nước mắt, lí nhí nói:
- Khổ thân, thế anh ta bị sa bẫy à? Lạy Đức Mẹ đồng trinh! Người ta có làm gì anh ta không?
- Làm gì ai hả cụ?
- Cái anh cháu vừa nói chuyện ấy…, cái anh ngoan đạo ấy.
- Anh ngoan đạo nào ạ?
- Nào bà có biết đâu, cháu ơi… Bà bị nặng tai, điếc đặc cháu ạ… Nghe có được câu gì đâu…
Chuyện bà lão lại gây nên một trận cười sặc sụa nữa. Bác Hai Akim lau nước mắt chảy ràn rụa vì cười, hỏi đến năm lần bảy lượt:
Thế nào, thằng ăn trộm ấy bảo sao? “Như chuột sa bẫy” à? Này, chú nó ạ, chú nó kể chuyện nghe đến chết cười! – Bác Hai Akim vỗ vai Ivan một cái, phục lăn một cách ngây thơ.
Nhưng Ivan đã chuyển ngay sang nói chuyện nghiêm trang chẳng ai để ý lúc nào. Anh thở dài:
- Chuyện ấy thì đúng là buồn cười thật, nhưng bây giờ có những chuyện thật là chẳng muốn cười tí nào… Hôm nay cháu đọc báo mà thấy xót cả ruột…
- Xót ruột à? – Bác Hai Akim hỏi, chắc mẩm sắp được nghe một chuyện vui khác.
- Vâng. Xót ruột vì thấy ở các nước tư bản con người đang bị rẻ rúng và hành hạ rất là dã man. Cháu đọc được một bài như thế này: ở Rumani, có hai thanh niên Kômxômôn đã đi tuyên truyền giác ngộ, mở mắt cho bà con nông dân, bảo họ phải tước lại ruộng đất của bọn địa chủ mà chia nhau. Dân cày Rumani sống rất là cực khổ…
- Khổ chết cha, tôi biết, chính mắt tôi trông thấy hồi năm mười bảy, khi trung đoàn tôi ở mặt trận Rumani. – Bác Hai Akim xác nhận.
- Vậy đấy! Hai anh thanh niên làm việc tuyên truyền lật đổ chế độ tư bản và xây dựng ở Rumani một Chính quyền xôviết. Nhưng bọn cảnh sát dã man bắt hai anh, đánh chết tươi một anh, còn anh kia thì chúng đem tra tấn. Chúng moi mắt anh, nhổ sạch tóc trên đầu. Rồi chúng nung đỏ một cái dùi, châm vào kẽ móng tay anh…
- Quân khô-ô-ốn kiếp! – Chị Akim kêu thốt lên, hai tay chắp lại. – Châm vào kẽ móng tay à?
- Vâng, vào kẽ móng tay… Chúng tra hỏi: “Chi bộ mày còn những ai thì khai ra, và phải ly khai đoàn Kômxômôn đi”. Anh thanh niên Kômxômôn kia trả lời kiên quyết: “Đừng hòng tao khai, quân quỷ hút máu, và tao cũng không ly khai gì cả!”. Thế là bọn cảnh binh lấy gươm cắt tai, xẻo mũi anh: “Có khai không?” Anh đáp: “Không! Tao thà chết vì bàn tay đẫm máu của mày chứ nhất định không khai! Chủ nghĩa cộng sản muôn năm!”. Chúng liền trói tay anh treo lên trần nhà, đốt lửa bên dưới…
- Cái quân khốn kiếp, trên đời này vẫn còn những kẻ uống máu người không tanh như vậy đấy! Khốn khổ! – Bác Hai Akim kêu lên phẫn nộ.
- … chúng nó thiêu anh, nhưng anh chỉ ứa máu mắt chứ nhất định không khai bất cứ một đồng chí thanh niên Kômxômôn nào, và trước sau chỉ một câu: “Cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản muôn năm!”.
- Không khai đồng chí của mình thì cái anh ấy giỏi đấy! Mà thế mới phải! Cắn răng mà chết, chứ phản bạn thì không được! Thánh kinh cũng dạy là “Hãy quên mình vì bằng hữu….- Ông lão Akim đấm bàn một cái, giục kể nốt: - Sao, rồi sao nữa?
- … chúng nó tra tấn anh, hành hạ anh đủ tình đủ tội, nhưng anh cứ nín thinh. Suốt từ sáng đến chiều tối như vậy. Anh ngất đi, bọn cảnh binh dội nước lạnh lên người anh, rồi lại tái diễn. Đến khi thấy rõ là không moi được của anh cái gì, chúng liền bắt mẹ anh, điệu đến sở cảnh sát. Chúng bảo bà: “Chúng tôi sẽ tẩn con trai bà cho bà xem! Bà phải bảo nó quy phục đi, không thì chúng tôi giết chết, quẳng xác cho chó!”. Bà mẹ chết ngất đi, rồi khi tỉnh lại, bà lao tới hôn hai bàn tay máu me đầm đìa của anh…
Ivan mặt tái đi, ngừng kể và đưa đôi mắt mở to nhìn mọi người: hai cô con gái miệng há hốc, mắt rưng rưng. Chị Akim xỉ mũi vào tấm màn cửa, vừa sụt sịt vừa thều thào: “Tội nghiệp.. bà mẹ… con đẻ dứt ruột… lạy Chu-u-úa!...”. Anh Hai Akim thì bỗng đằng hắng một tiếng, vớ lấy túi thuốc lật đật cuốn vội điếu thuốc lá. Duy chỉ có Nagunốp ngồi trên chiếc giường hòm, là vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, nhưng ngay cả anh nữa, lúc này má cũng giần giật một cách khả nghi và mồm thì méo xệch sang một bên…
- “.. Con ơi! Mẹ chắp tay lạy con! Con khai đi, không thì bọn lòng lang dạ thú ấy giết chết con mất!”. Bà mẹ bảo anh như thế, nhưng anh nghe bà nói, chỉ đáp: “Không, mẹ ơi, con không phản bội anh em đồng chí, con sẽ chết cho lý tưởng của con, tốt hơn hết là trước khi con lìa đời mẹ hãy hôn con đi, con chết sẽ được thảnh thơi hơn…”
Ivan giọng run run, kết thúc câu chuyện về cái chết của anh thanh niên Kômxômôn Rumani bị bọn cảnh binh đao phủ tra tấn. Không khí lặng đi một phút, rồi chị Akim khóc khóc mếu mếu hỏi:
- Tội nghiệp, anh ấy bao nhiểu tuổi?
- Mười bảy, - Ivan đáp không chút lúng túng, đồng thời kéo sụp chiếc mũ cát két kẻ ô vuông xuống. – Vâng, người anh hùng ấy của giai cấp công nhân, người đồng chí thân yêu của chúng ta, người thanh niên Kômxômôn Rumani ấy đã chết. Anh chết để những người lao động có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp đỡ họ lật đổ chế độ tư bản, thành lập chính quyền công nông, và muốn thế phải xây dựng nông trang, củng cố nền kinh tế tập thể. Nhưng ở ta hiện nay còn có những bà con nông dân đã nối giáo một cách không tự giác cho những bọn cảnh binh ấy: họ không chịu nộp thóc giống… Chà, bữa cơm ngon quá, xin cám ơn cụ với hai bác đã mời! Bây giờ xin nói đến cái việc mà hôm nay chúng tôi đến nói với nhà ta: nhà ta nên mang thóc giống nộp ngay hôm nay đi thôi. Tính ra thì nhà ta phải nộp đúng bảy mươi bảy pút. Thế thì nộp đi thôi chứ!
- Để xem xem đã… Thóc thì nhà tôi gần như nhẵn.. – Anh Hai Akim cháng váng trước đòn tấn công bất ngờ, ngập ngừng đáp. Nhưng chị Hai trừng mắt nhìn anh, ngắt lời anh bằng một giọng gay gắt:
- Còn xem xem cái gì nữa! Đóng bao chở luôn đi cho xong!
Anh Akim chống đỡ một cách yếu ớt:
- Bảy mươi pút thì chả có… Vả lại cũng chưa sàng sảy.
Cụ Akim về hùa với con dâu:
- Nộp đi, anh Hai ạ. Đằng nào chẳng phải nộp, dây dưa làm gì.
Ivan xung phong ngay:
- Anh em chúng tôi chẳng nề hà gì đâu, chúng tôi sẽ sàng sảy giúp. Nhà ta có sàng chứ.
- Có… Nhưng không được tốt lắm…
- Không sao. Ta sẽ chữa. Thôi, nhanh nhẩu lên, hai bác! Anh em chúng tôi vui chuyện ngồi đây lâu quá rồi…
Nửa giờ sau, anh Hai Akim dắt trên trụ sở nông trang về hai chiếc xe bò, và Ivan, mặt lấm tấm những giọt mồ hôi li ti như nốt tàn nhang, lôi từ trong gian để trấu ra hiên kho lúa những bao tiểu mạch đã sàng sẩy kỹ, hạt chắc và mẩy, óng ánh như hạt vàng mười. Anh nháy mắt một cái hóm hỉnh hỏi một trong hai cô con gái bác Akim:
- Sao nhà ta lại cất thóc vào gian để trấu? Kho thóc rộng rãi thế không để, để đây thóc dễ hư.
Cô gái ngượng ngùng đáp:
- Chả hiểu bố em nghĩ sao…
Khi nhà Bexkhlépnốp đã chở bảy mươi bảy pút thóc của họ lên kho tập thể rồi, Ivan và Anđrây chào gia chủ, đi tiếp sang nhà khác. Anđrây hớn hở nhìn gương mặt mệt mỏi của Ivan, hỏi:
- Chuyện anh Kômxômôn, cậu bịa phải không?
Ivan lơ đãng đáp:
- Không. Tôi có đọc thấy trong một tờ tạp chí Cứu tế đỏ, lâu rồi.
- Thế mà cậu bảo mới đọc hôm nay…
- Thì cũng vậy chứ sao? Quan trọng là chuyện ấy có thật, kể cũng thương, đồng chí Nagunốp nhỉ?
- Nhưng cậu… chắc cậu cũng có giấm ớt một tí cho thêm lâm li chứ gì?
- Thế thì đã sao? – Ivan tự ái khoát tay một cái, và co ro rét, anh cài khuy áo da lại, nói tiếp: - Điều quan trọng là làm sao cho bà con căm thù bọn đao phủ và chế độ tư bản, và đồng tình với các chiến sĩ ta. Điều quan trọng là họ chịu nộp thóc giống… Vả lại tôi cũng chẳng giấm ớt thêm gì mấy. Cái món chè lê nhà ấy ngon không chê được! Đồng chí Nagunốp ạ, đồng chí không ăn là dại!