Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 8

Nửa đêm về sáng, những đám mây đen dày đặc lũ lượt kéo nhau phủ lên bầu trời đầy sao, rồi mưa phùn rơi xuống, cái mưa thu buồn tênh, và liền sau đó thảo nguyên trở thành mịt mùng, lành lạnh và lặng ngắt như dưới một cái hầm sâu ẩm ướt.
Một giờ trước khi rạng sáng, gió nổi lên, mây đen xô nhau bay nhanh hơn, mưa đang rơi thẳng đứng đổi chiều xiên xiên, rơi chếch về phương Đông, từ chân mây cho đến tận mặt đất; rồi bỗng trời tạnh, cũng bất thần như lúc bắt đầu mưa.
Mặt trời sắp mọc thì một người cưỡi ngựa đi tới chỗ chiếc xe lều của đội sản xuất. Người ấy thong thả xuống ngựa, buộc cương vào khóm sơn trà mọc cạnh đó, và cũng vẫn thong thả như thế, anh ta bước vài bước cho đỡ chồn cẳng, đi tới bà cấp dưỡng đang hì hục bên cái lò đào dưới đất, chào một tiếng nho nhỏ. Bà Đaria Kuprianốpna chẳng đáp lại lời chào. Bà đang quỳ phủ phục, hai khuỷu tay và hai cái vú to đùng chống xuống đất, nghiêng đầu ra sức thổi phù phù vào những cục than củi, cố thổi bùng ngọn lửa lên mà mãi không được. Than ướt nước mưa và đẫm sương đêm không chịu bốc lửa, khói cuồn cuộn phả vào cái mặt đỏ gay của bà cấp dưỡng.
- Mẹ cha cái bếp thổ tả! - bà cấp dưỡng vừa sặc khói ho vừa bực dọc kêu thốt lên. Bà lùi lại phía sau một chút, ngẩng đầu đưa tay lên sửa lại mái tóc xoã ra ngoài khăn vuông, và đến lúc ấy bà mới trông thấy ông khách đứng trước mặt mình.
- Than cùi thì đêm phải cất vào trong xe lều chứ, hả chị nuôi! Củi ướt thế này thì cái bễ của bác chả đủ hơi mà thổi đâu. Nào, để tôi giúp cho một tay nào, - khách nói và khẽ đẩy bà cấp dưỡng sang bên.
- Những hạng lên mặt dạy đời như anh thì thảo nguyên này nhông nhông vô khối. Anh cứ thử thổi đi xem nào, xem cái bễ của anh có mấy hơi, - bà Đaria Kuprianốpna càu nhàu nói, nhưng cũng sẵn sàng lánh sang một bên rồi chăm chú xem xét người khách lạ mặt.
Khách tầm vóc nhỏ và nom xấu mẽ. Khách mặc một cách nom cũng đỏm dáng, một chiếc varơi dạ đã khá tàng thít chiếc thắt lưng lính. Chiếc quần màu kaki vá mạng cẩn thận và đôi ủng và đôi ủng cũ kỹ xù xì một lớp bùn xám từ mũi đến cổ nom rõ ràng cũng đã quá niên hạn phục vụ; và tương phản một cách rất bất ngờ với bộ cánh tồi tàn ấy là chiếc mũ Kuban bằng lông cừu lóng lánh ánh bạc, rất bảnh và đội sụp xuống tận mắt. Nhưng gương mặt xạm đen của khách nom hiền, chiếc mũi hếch nhăn lại nom nhộn nhộn khi khách cười, và đôi mắt nâu màu hạt dẻ thì nhìn đời với một vẻ châm biếm, kẻ cả, lọc lõi.
Khách ngồi xổm xuống, thò tay vào túi trong rút ra một cái bật lửa và cái lọ nút thuỷ tinh mài. Một phút sau, những thanh củi nhỏ được tưới đẫm xăng đã bùng bùng bốc lửa.
- Phải làm như vậy đấy, chị nuôi ạ! - khách vừa nói vừa vỗ vui một cái vào cái vai nần nẫn thịt của bà cấp dưỡng. - Còn cái lọ này thì tất nhiên là xin tặng bác làm kỷ niệm cho đến ngày xuống lỗ. Củi ẩm bác cứ tưới một tí cái này là xong ngay ấy mà. Bác cầm lấy, và khi nào xong món xúp hổ lốn thì nhớ chiêu đãi tôi đấy! Một bát đầy phè và đặc sệt vào!
Bà Đaria Kuprianốpna thủ cái lọ vào bọc, miệng cám ơn cứ ngọt xớt.
- Anh cho tôi thế này thì xin rất là một sự cám ơn. Thật là phúc đức quá! Tôi sẽ chiêu đãi anh món xúp hổ lốn. Nhưng anh thủ trong người cái lọ này làm gì thế? Anh là ông lang chữa bệnh bò cái đấy à?
- Không, tôi không phải ông lang bò đâu, - khách đánh trống lảng. - Nhưng anh em thợ cày đâu hả bác? Còn ngủ cả sao?
- Người thì ra đầm tìm bò, người thì đã còng lưng ngoài ruộng đằng kia.
- Anh Đavưđốp đâu?
- Trong xe lều. Đang nằm rốn một tí. Khổ thân anh ấy hôm qua làm quần quật suốt ngày, làm cứ như trâu như bò, đêm lại còn thức khuya.
- Anh ta làm gì mà thức khuya vậy?
- Thiên lôi mà biết được. Ngoài đồng đã về muộn, lại nghĩ ngay ra cái trò đi thăm lúa đông, cái lúa gieo hồi còn cá thể ấy mà. Mò ra mãi tận cái gò ngoài khe!
- Thăm lúa mà lại đi lúc tối mò? - Khách nhăn mũi lại mỉm cười, dò hỏi nhìn vào khuôn mặt tròn vành vạnh và bóng nhẫy của bà cấp dưỡng.
- Nói thế chứ lúc đi thì còn sáng, về mới tối. Có thiên lôi biết anh ta làm gì mà về tối thế, mải nghe hoạ mi hót chăng? Chả là vì cái bọn hoạ mi ngoài khe Térnôvaia chúng tôi, nó làm khiếp lắm cơ! Nó hót, nó véo von ran lên, cấm có cho ai ngủ! Cái giống chết tiệt ấy, nó cứ làm rối ruột người ta lên! Đôi khi tôi nằm, nằm mãi, rồi nước mắt có bao nhiêu tuôn ra bằng hết…
- Duyên cớ gì vậy?
- Lại còn “duyên cớ” gì nữa? Lúc thì nhớ lại hồi nhỏ, lúc thì nhớ đến đủ các thứ chuyện linh tinh hồi con gái… Anh ạ, đàn bà chúng tôi thì phải cái tật mau nước mắt.
- Thế Đavưđốp đi thăm lúa một mình à?
- Anh ta cũng không mù loà chân chậm, lạy Chúa, cho nên cũng chưa cần có người dắt. - Bà Đaria Kuprianốpna bỗng cảnh giác, mím môi lại nghiêm khắc: - nhưng anh là ai? Đến đây có việc gì?
- Có chút việc cần gặp đồng chí Đavưđốp, - khách trả lời lờ lững. - Nhưng cũng chả vội gì, đợi tí anh ấy dậy cũng được, người làm mệt phải để người ta ngủ đẫy giấc cho lại sức. Trong khi chờ đợi lửa bốc, ta ngồi xuống đây, chuyện gẫu tí chơi.
- Ngồi nói chuyện nhăng cuộc với anh thì lúc nào tôi mới gọt được đống khoai tây cho cả nhà cả tổ ăn? - Bà Đaria Kuprianốpna hỏi vặn.
Nhưng người khách lạ nhanh trí ứng phó được ngay: anh ta rút trong túi ra một chiếc dao con, gại gại thử lưỡi lên móng tay cái.
- Đem khoai tây lại đây, tôi giúp một tay. Với một chị nuôi hấp dẫn như thế này thì tôi tình nguyện suốt đời làm phụ bếp, miễn là đêm ngủ bà chị chịu khó cười tình với tôi một tí… Ấy đấy, cứ như bây giờ là được đấy.
Bác Đaria Kuprianốpna sướng mê cu tơi càng đỏ bừng mặt lên, rồi làm ra bộ ngán ngẩm, lắc đầu:
- Nhưng anh còm nhom quá, khổ thân anh! So với tôi thì anh hơi yểu đấy… Đêm ngủ nếu như tôi có cười tình với anh thì anh cũng chả nhìn ra, chả thấy gì đâu…
Khách ngồi xuống thoải mái trên khúc gỗ sồi, nheo mắt nhìn bà cấp dưỡng đang cười.
- Đêm mắt tôi tinh như mắt cú mèo.
- Đâu phải vì mắt anh không tinh nên không nhìn thấy, mà là vì tinh thì tinh nhưng mắt anh lúc ấy đã vãi ra đầy nước…
- A, cái bà chị này khá đấy! - khách cười rinh rích. - Nhưng liệu hồn, bà béo ơi, khéo rồi bà lại khóc trước! Ban ngày ban mặt tôi nom hiền, nhưng đêm thì những loại phốp pháp như bà chị là tôi quất cho ác liệt. Đừng khóc hu hu, đừng lạy nhá!
Bà Đaria Kuprianốpna cười rũ và nhìn ông khách tợn mồm tợn miệng với một vẻ thầm tán thưởng:
- Này, ông anh ơi, những kẻ đầu hôm khoác lác thì đến sáng sẽ rên hừ hừ đấy.
- Được, để rồi đến sáng mai xem hai chúng ta ai rên hừ hừ và ai khoái tỉ nằm tơ lơ mơ. Thôi, cái bà nỏ mồm, mang khoai ra đây, tán gẫu mãi mất thì giờ!
Bà Đaria Kuprianốpna khệ nệ bê một thùng khoai tây đầy ở trong xe lều ra và miệng vẫn cười tình như thế, ngồi xuống chiếc ghế con đối diện với khách. Nhìn lớp vỏ khoai mỏng tanh cuộn tròn dưới ngón tay đen xạm nhanh thoăn thoắt của khách, bà hài lòng nói:
- Anh không phải chỉ mồm mép khá, mà làm cũng khá đấy nhỉ. Phụ bếp cho tôi thì cũng được đấy.
Khách nín thinh đưa lưỡi dao nhanh thoăn thoắt, nhưng chỉ vài phút sau lại hỏi:
- Thế… cái anh Đavưđốp ấy thế nào? Bà con kô-dắc ta có ưa không?
- Ưa chứ. Trai anh hùng đấy, và giản dị cũng như anh vậy. Những anh nào không ra cái vẻ khệnh khạng là bà con chúng tôi thích thôi mà.
- Giản dị hả bác?
- Rất chi là giản dị!
- Nghĩa là cũng có tí ngớ ngẩn chứ gì? - Khách ranh mãnh liếc nhìn lên từ dưới vành mũ.
- Thế anh tự cho mình là ngớ ngẩn à? - bà Đaria Kuprianốpna đốp chát lại.
- Tôi đâu nói thế…
- Thế việc gì anh lại nói xấu anh Đavưđốp? Anh ta với anh thì có khác gì nhau…
Khách lại nín thinh, trong bụng cười thầm, mắt chốc chốc lại liếc nhìn bà cấp dưỡng mau mồm mau miệng một cái.
Đằng đông, phía chân mây, ráng hồng của vầng dương đang mọc lan rộng dần ra. Gió chuyển mình sau giấc ngủ đêm, tung cánh đưa về từ khe Térnôvaia tiếng hót vang vang của đám hoạ mi. Và đến lúc ấy thì khách chùi lưỡi dao vào quần, bảo bà cấp dưỡng:
- Bác đi đánh thức anh Đavưđốp dậy đi. Sang mùa đông thì tha hồ ngủ.
Đavưđốp trên xe lều bước xuống, chân đi đất, vẻ mặt ngái ngủ khó đăm đăm. Anh liếc nhìn khách một cái, hỏi giọng khê nặc:
- Công văn trên huyện hả? Đưa đây.
- Không có công văn, nhưng đúng là trên huyện. Đi giày vào đi, đồng chí Đavưđốp, ta cần bàn ít chuyện.
Đavưđốp đưa tay gãi gãi bộ ngực nở nang trổ đầy xăm, nhìn khách với một vẻ coi xoàng:
- Tôi bấm độn thì hình như quan anh là phái viên kiểm tra của huyện uỷ… Báo cáo đồng chí, xin là có ngay.
Anh mặc vội quần áo, xỏ đôi chân không tất vào ủng, rửa mặt qua quýt bằng cái nước tanh tanh đựng trong chếc thùng gỗ sồi, rồi cúi chào với một vẻ hơi trịnh trọng:
- Tôi là Xêmiôn Đavưđốp, chủ tịch nông trang Grêmiatsi Lốc.
Khách tiến sát tới Đavưđốp, choàng ôm ngang tấm lưng bè bè của anh:
- Giới thiệu chính quy gớm nhỉ! Còn mình thì là Ivan Nextêrenkô, bí thư huyện uỷ. Thế là ta đã làm quen nhau xong, bây giờ đồng chí chủ tịch nông trang đi dạo với tôi vài bước, ta chuyện trò với nhau thoải mái. Thế nào, diện tích cày còn nhiều không?
- Kha khá…
- Nghĩa là ông chủ tính toán chưa sát phỏng?
Nextêrenkô khoác lấy tay Đavưđốp, kéo nhẹ đi ra phía ruộng cày. Đavưđốp liếc nhìn anh ta một cái, dè dặt nói:
- Tính sai. - Rồi bỗng anh bốc lên, chính anh cũng không hiểu sao: - Nhưng, đồng chí bí thư ạ, đồng chí hiểu cho, trong công việc đồng áng tôi ù ù cạc cạc. Tôi không thanh minh đâu, nhưng không phải chỉ có mình tôi sai…. Công việc nó mới quá…
- Mình thấy rồi, và mình hiểu, cậu cứ bình tĩnh.
- Không phải mình tôi sai, mà cả những anh em cốt cán mà tôi dựa vào cũng lầm như tôi. Chúng tôi bố trí lực lượng không đúng. Anh hiểu không?
- Hiểu. Và chả có gì ghê gớm cho lắm. Chả ghê gớm gì lắm, các cậu sửa luôn đi thôi. Đã nhận được người và bò kéo tăng cường rồi phỏng? Tốt. Còn việc bố trí lực lượng, sắp xếp lực lượng cho các đội thì rồi đây cậu sẽ rút kinh nghiệm, vận dụng luôn cho vụ cắt cỏ, và nhất là cho vụ gặt. Cần tính toán trước cho chu đáo.
- Rõ, thực tế thế!
- À, bây giờ ta đi, cậu chỉ mình xem đám ruộng chính tay cậu cày. Mình muốn ngó xem giai cấp công nhân Lêningrát làm ăn như thế nào trên đồng ruộng sông Đông… Liệu mình có phải viết thư cho đồng chí bí thư đảng bộ nhà máy Puchilốp phàn nàn về chuyện ăn bơ làm biếng của cậu không đấy, hả?
- Cái đó tuỳ đồng chí đánh giá.
Bàn tay nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, Nextêrenkô nắm lấy khuỷu tay Đavưđốp càng chặt hơn. Nhìn nghiêng vào gương mặt giản dị cởi mở của đồng chí bí thư, Đavưđốp bỗng cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái, và một nụ cười vô tình nở ra trên đôi môi cương nghị cuả anh. Đã lâu rồi chưa có ai trong hàng các cán bộ lãnh đạo Đảng ăn nói với anh bằng một giọng giản dị thân tình và một tình người ấm áp đến thế…
- Đồng chí Nextêrenkô ơi, có thật đồng chí định kiểm tra chất lượng đấy không? Kiểm tra thật đấy chứ?
- Kiểm tra quái gì! Mình chỉ tò mò muốn xem xem giai cấp công nhân có thể làm được trò trống gì khi không phải là đứng bên bàn thợ, bên cỗ máy, mà là đứng trên đồng ruộng. Nếu cậu muốn biết thì mình tự giới thệu là nhà mình đã bao nhiêu đời làm dân cày Xtavrôpôn, và mình muốn xem xem dân kô-dắc đã dạy cậu được những điều gì. Và biết đâu lại chẳng là một ả kô-dắc nào đã dạy cậu cày nhỉ? Ả ấy có thể dạy cậu những kiểu cày rất lạ đấy, cậu hãy coi chừng, chớ có ăn phải bả gái kô-dắc Grêmiatsi! Họ có những cái phép có thể đẩy một tay lính thuỷ dạn dày như cậu làm những cái trò gì có trời biết… Anh nào thật thà thì lạc đường với họ dễ như chơi ấy mà! Hay là có ả nào đã cho cậu lạc rồi?
Nextêrenkô nói với một giọng vui vẻ tự nhiên, và có vẻ như gặp đâu nói đấy, nhưng Đavưđốp cảm thấy ngay có ý gì bóng gió đằng sau những câu nói đùa ấy, và trong bụng anh lo ngay ngáy, - “Anh ấy biết phong thanh gì về Luska rồi, hay chỉ là bắt nọn?”. Nhưng anh cũng bắt giọng nói đùa:
- Đàn bà mà lạc đường thì kêu cứu ầm lên, còn đàn ông thực thụ là anh đàn ông lặng lẽ tìm ra đường mà đi, thực tế thế!
- Cậu thì chắc hẳn là anh đàn ông thực thụ chứ gì?
- Thế đồng chí nghĩ thế nào, hả đồng chí bí thư?
- Mình nghĩ thế này: mình thích những anh đàn ông thực thụ hơn là những kẻ to mồm, và nếu như cậu, cậu Đavưđốp ạ, chẳng may có bị lạc đường, cậu hãy rỉ tai mình nói nhỏ, chẳng nên làm ầm ĩ làm gì. Mình sẽ tìm cách nào đấy giúp cậu lần được ra con đường ngay. Đồng ý chứ?
- Cám ơn đồng chí khuyên bảo, - Đavưđốp nói bằng một giọng lúc này đã nghiêm trang, trong khi thâm tâm nghĩ: “Cha này cáo thật! Đánh hơi thấy hết rồi…”. Và để nhẹ bớt tính chất nghiêm trang của câu mình vừa nói, anh tiếp: - Chà, huyện nhà vớ được ông bí thư tốt bụng hiếm có!
Nextêrenkô đang đi đừng lại, quay sang Đavưđốp, và hất ngược ra sau gáy chiếc mũ Kuban lịch sự, nhăn mũi cười, nói:
- Mình tốt bụng là vì hồi trẻ chính mình không phải lúc nào cũng đi đường ngay… Có lần mình đang bước đều, bước đều, gót dận cồm cộp như duyệt binh, thế rồi bỗng sảy chân, sa đà đến chỗ quái quỷ nào chả biết, nói tóm lại là đâm quàng đâm xiên vào cái đống bờ bụi khỉ gió gì bên đường, cho đến lúc có những người tốt bụng tới kéo cái thằng thanh niên ngu ngốc là mình trở lại mặt đường. Chú lính thuỷ ơi chú đã hiểu lòng tốt của mình do đâu mà có chưa? Nhưng không phải mình tốt với bất kể ai, không phân biệt đâu…
- Người ta nói con ngựa bốn chân hẳn hoi mà vẫn vấp, - Đavưđốp thận trọng đưa đà một câu.
Nhưng Nextêrenkô lạnh lùng nhìn anh:
- Con ngựa tốt mà vấp một đôi lần thì có thể tha thứ cho nó, nhưng có những của nợ mỗi bước đi là một bước vấp chúi mũi. Dạy nó đến thế nào, đánh vật với nó đến thế nào thì nó vẫn cứ dùng mũi cuả nó đếm đủ số mô đất trên đường. Những của nợ ấy thì giữ chúng lại trong chuồng làm gì nhỉ? Cho một chày cho xong đời!
Đavưđốp nín thinh, miệng thoáng một nụ cười kín đáo. Câu nói cạnh khía rõ nghĩa đến thế cần gì một lời giải thích…
Họ thong thả đi ra đồng, và sau lưng họ mặt trời cũng thủng thỉnh nhô ra khỏi đám mây màu tím. Đavưđốp cố làm ra vẻ tự nhiên, hất hàm chỉ đám ruộng cày chạy dài ra xa: - “Ruộng tôi cày đấy”.
Khẽ hất đầu một cái đẩy chiếc mũ Kuban sụp xuống tận mắt, Nextêrenkô bước thấp bước cao đi băng qua thửa ruộng cày còn ẩm. Đavưđốp bước theo sau anh ta một quãng, thấy anh ta cúi xuống giả vờ phủi cỏ may bám vào ủng để đo chiều sâu của luống cày, và không phải một đôi lần mà cứ chốc chốc lại thế. Đavưđốp không nén được, nói:
- Anh đo thì cứ việc đo tự nhiên! Việc gì phải giở trò lịch sự thế hả anh?
Nextêrenkô chân vẫn bước đi, miệng làu bàu:
- Thì cậu cứ giả vờ như không trông thấy có được không?
Đến cuối thửa ruộng anh ta dừng lại, phát biểu với giọng bề trên không hài lòng:
- Nói chung tạm được, nhưng đường cày không đều, như đường cày của thợ non: chỗ hơi sâu, chỗ hơi nông, chỗ thì lại sâu quá. Lý do chính là chưa biết cày, nhưng cũng có thể là vì khi bước vào cày trong bụng không vui. Đavưđốp ạ, cậu nên nhớ rằng cáu kỉnh chỉ có tác dụng ngoài mặt trận thôi, ở đó sự nổi giận giúp ta chiếc đấu tốt, còn trên thửa ruộng thì phải là một con người hiền từ, vì đất ưa được ta đối xử với nó một cách dịu dàng từ tốn. Ông cụ mình hồi còn mồ ma vẫn nói như thế… Mơ màng cái gì thế hả, ông lính thuỷ đánh bộ?! - Nextêrenkô thốt lên câu hỏi ấy bằng một giọng khiêu khích, rồi lấy vai huých cho Đavưđốp một cái thật lực.
Đavưđốp loạng choạng và lúc đầu chưa hiểu ra là anh ta thách mình đấu một keo. Nhưng khi Nextêrenkô cười sằng sặc huých mạnh anh một cái nữa thì Đavưđốp lấy luôn thế trung bình tấn, chân giang rộng, người hơi ngả đằng trước.
Họ ôm lấy nhau, lần túm thắt lưng nhau.
- Chơi nắm thắt lưng hay không? - Nextêrenkô nén thở, hỏi.
- Nắm thì nắm, nhưng cấm chơi đểu, khoèo chân.
- Và cấm lẳng qua đầu, - Nextêrenkô thở hắt ra, giọng đã hơi hổn hển do ráng sức để lật ngã địch thủ.
Đavưđốp ôm choàng lấy thân hình rắn chắc bắp thịt của Nextêrenkô, và theo kinh nghiệm thi đấu, hiểu ngay là mình đang chọi với một tay đô vật thực thụ lão luyện. Đavưđốp có phần khoẻ hơn, nhưng Nextêrenkô ăn đứt anh ở chỗ nhanh và khôn khéo. Hai ba lần mặt ghé sát mặt, Đavưđốp trông thấy một cái má nâu sạm ửng đỏ, một con mắt long lanh ranh mãnh, nghe thấy một tiếng thều thào: “Nào, cố lên, cố lên, giai cấp công nhân! Sao cứ đứng ỳ cục thịt ra thế?”.
Họ quần nhau mươi phút trên đám ruộng cày, rồi Đavưđốp đã mệt lử cò bợ, khàn khàn nói:
- Ta ra chỗ cỏ kia đi, chứ quần nhau ở đây rồi thì chết hết cả hai mất…
- Không, bắt đầu ở đâu cứ kết thúc ở đấy, - Nextêrenkô hổn hển nói không ra hơi.
Dồn hết sức mình, Đavưđốp tìm cách đẩy đối thủ đến một đám đất cứng, và tới đây, trận đấu kết thúc: họ ôm nhau ngã lăn quay ra, nhưng trong khi ngã Đavưđốp đã lật ngửa được Nextêrenkô ra, nằm đè lên trên. Hai chân giang rộng, dùng toàn bộ sức nặng của thân mình ghìm chặt đối phương xuống đất, anh hổn hển nói không ra hơi:
- Thế nào, đồng chí bí thư?
- Xin hàng, chứ thế nào nữa… Cậu khoẻ đấy, giai cấp công nhân ạ… Thắng tớ không phải dễ đâu, tớ chơi cái trò này từ thuở bé…
Đavưđốp đứng dậy, độ lượng chìa tay đỡ kẻ chiến bại, nhưng Nextêrenkô bật dậy như chiếc lò xo, quay ngoắt lưng lại:
- Phủi đất đi, cậu!
Với một vẻ ân cần, tình cảm kểu đàn ông, Đavưđốp đưa hai bàn tay to bè phủi kỹ những cục bùn và cọng cỏ khô bết chặt dưới lưng áo Nextêrenkô. Rồi bốn mắt lại gặp nhau và cả hai phá ra cười.
- Đáng lẽ cậu phải nể cái chức vụ Đảng của tớ một tí chứ nhỉ? Mất gì đâu? Chà, cái đồ gấu Lêningrát! Cậu thật chả có tí ý thức gì tôn trọng cấp trên cả… Lại còn nhăn răng ra cười nữa! Cười ngoác tận mang tai, phởn như thằng cha vớ được cô vợ đẹp!
Quả là Đavưđốp đang ngoác miệng ra cười thật:
- Lần sau xin rút kinh nghiệm, thực tế thế! Nhưng ông cũng không nên ngoan cố chống cự như thế làm gì, có lúc tôi tưởng như chân cắm ngập xuống đất tới tận đầu gối để khỏi thua. Chà, anh Nextêrenkô ơi, anh đúng là điển hình của một anh trung nông Xtavrôpôn đáng buồn, một đồ tiểu tư hữu, như anh bạn Maka Nagunốp chúng ta thường nói. Anh là một anh bí thư, tất phải hiểu rằng giai cấp công nhân bao giờ cũng là kẻ chiến thắng, điều đó đã được lịch sử chứng minh, thực tế thế!
Nextêrenkô lắc đầu huýt gió một cái ra vẻ chế nhạo. Chiếc mũ Kuban của anh ta tụt ngửa ra sau gáy và chẳng hiểu sao lại còn dính lại đó không rơi. Anh cười, nói:
- Lần sau nhất định mình sẽ cho cậu đo đất! Thử xem lúc ấy cậu sẽ lấy quan điểm mácxít để giải thích việc ấy như thế nào. Có điều không hay là bà cấp dưỡng ấy mà, bà ấy đã trông thấy chúng mình đánh lộn nhau như hai thằng nhãi ranh, bà ấy sẽ nghĩ thế nào về chúng mình? Chắc bà ấy sẽ bảo hai bố ấy điên…
Đavưđốp khoát tay một cái ra vẻ bất cần:
- Cứ bảo anh em mình trẻ, bà ấy khắc hiểu, chả thắc mắc… Nhưng thôi, ta bàn công việc tí chứ, hả đồng chí Nextêrenkô, kẻo hết thời giờ rồi, thực tế thế!
- Ta ra đống nào khô khô ngồi.